Các món ăn ngon ở Hà Giang

Các món ăn ngon ở Hà Giang (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Hà Giang không chỉ được biết đến là một tỉnh miền núi với nhiều phong cảnh hùng vĩ, phong tục tập quán, những lễ hội phong phú, những dãy núi đá cao thật cao mà ở đây chúng ta còn thấy đó là một mảnh đất với nhiều sản vật của tự nhiên rất hấp dẫn và một trong những điểm hấp dẫn du khách đó chính là văn hóa ẩm thực là những món ăn được làm từ nhiều nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, trở thành món ăn lạ miệng, thú vị và ấn tượng đặc biệt chỉ có ở cao nguyên vùng cao Hà Giang. Cùng điểm qua những món ăn ngon ở Hà Giang mà bạn khó lòng có thể bỏ qua khi đã tới với mảnh đất này.

Hà Giang có rất nhiều món ăn ngon mà các bạn sẽ không thể chối từ

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả eric_phu_, hoanghoathon, thutrang26101992, hachi8, iamhuong.mon, vietlifetj, amytiramisu, Xuân Bắc Motor GP‎, dinhhuy.96, Hằng Yên. Li Trần, FB Fìn Hò Trà và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Ăn gì khi du lịch Hà Giang

Bánh cuốn trứng

Bánh cuốn trứng, món ngon không thể bỏ lỡ khi du lịch Hà Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Nơi miền đá lạnh Hà Giang, người ta phải ăn món gì thật nóng, thật cay để chống chọi không khí u ám tỏa ra từ đá núi. Nhưng bánh cuốn trứng, đặc sản của miền địa đầu tổ quốc này, lại là “món lạnh”, dùng cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, ngọt lừ.

Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon là do sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, đặc biệt là bát nước chấm có vị riêng biệt.

Đây là món “vừa ăn vừa đợi”, người bán khi có khách gọi mới tráng bánh, đập thêm trứng lên mặt lớp bột rồi dùng vỏ bánh gói lại. Trứng không chín hẳn mà chín lòng đào, có vị béo ngậy, nhanh tay chấm vào bát nước chấm được ninh từ xương, khác với nước mắm thường thấy. Thực khách cũng có thể lựa chọn thêm miếng giò trắng ăn kèm. Món bánh cuốn trứng chủ yếu được bán buổi sáng ở Tp Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và trong một số chợ.

Lẩu gà đen

Lẩu gà đen Đồng Văn (Ảnh – eric_phu_)

Cũng chỉ là món lẩu như bình thường nhưng nguyên liệu chính là gà đen, một loại gà nổi tiếng của người Mông, ăn kèm với các loại rau đặc sản vùng cao như cải mèo, bò khai… trong tiết trời se lạnh của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Xôi ngũ sắc

Cộng đồng các dân tộc vùng núi phía Bắc sở hữu một nền văn hóa ẩm thực vô cùng đa dạng và độc đáo. Trong đó, xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy xôi ngũ sắc ở bất cứ phiên chợ nào của Hà Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy xôi ngũ sắc tại các phiên chợ ở Hà Giang.

Cách chế biến xôi ngũ sắc của các  vùng cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: Gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau… Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu. Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Khâu này đòi hỏi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ riêng. Có nơi bày thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu, có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, mỗi bậc một màu, có nơi dùng khuôn gỗ đóng thành tháp, nhiều tầng…

Thắng cố Đồng Văn

Chảo thắng cố ít khi thiếu trong các phiên chợ vùng cao (Ảnh – hoanghoathon)

Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Đàn ông Mông đi chợ Đồng Văn đều mong được ăn một bát thắng cố, uống vài bát rượu với bạn bè. Người ta quan niệm ai có nhiều bạn thì người ấy được mời nhiều rượu. Người nào say khi về chợ là người tốt phúc bởi có nhiều bạn.

Chợ huyện Đồng Văn giờ đã được di chuyển sang vị trí khách, rộng hơn, kiên cố hóa, trông chẳng khác gì chợ dưới xuôi nhưng nhà cửa, mái che chẳng thể thay thế được những chiếc ô của bà con dân tộc. Vào giữa chợ, những gian hàng thắng cố được đặt sau khu bán đồ thực phẩm. Đồng bào Mông thường mang theo mèn mén, đến chợ mua thêm bát rượu và thắng cố là có thể mời bạn bè vui chung. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muôi (muỗng) gỗ. Bên cạnh bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt tươi dầm thật cay. Một muôi thắng cố nóng với chút muối ớt sẽ rất đậm đà. Ăn thắng cố nhất thiết phải có bạn để hỏi thăm chuyện gia đình, chúc nhau sức khỏe và cười vang chợ. Uống rượu đến độ ngà ngà sẽ hát và thổi khèn.

Cháo ấu tẩu

Ở Hà Giang có nhiều món ăn độc đáo khiến du khách đã một lần tới đó đều không thể nào quên được. Cháo đắng, hay cháo ấu tẩu là một loại ẩm thực như thế.

Cháo ấu tẩu, món ăn không thể bỏ qua khi đến Hà Giang (Ảnh – thutrang26101992)

Đêm mùa đông lạnh lạnh, lang thang ở thành phố Hà Giang, kiếm một góc quán và gọi món cháo ấu tẩu. Đủ các cung bậc mùi vị trong một bát cháo nhỏ: thơm lôi cuốn của gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm được trồng trên nương nấu nhuyễn, vị bùi của củ ấu được ninh kỹ và nước hầm chân giò béo ngậy, mùi lá thơm, lá gia vị. Bát cháo ấu tẩu nhìn rất hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa giữa gạo, thịt băm, nước xương, rau thơm… Nấu được bát cháo ấu tẩu thực không đơn giản. Củ ấu sau khi ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm trong vòng 4 tiếng. Gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị phụ thêm nữa. Cháo khi ăn có vị đắng nên nhiều người gọi là cháo đắng.

Rất nhiều người khi đến với Hà Giang, nếu đã được thưởng thức một lần rồi sẽ tìm đến để ăn lại. Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Cháo đắng ở Hà Giang mùa nào cũng có, nhưng chỉ bán vào ban đêm. Mùa đông lạnh giá ở miền núi được ngồi trong không gian hàng quán ấm áp bếp hồng và thưởng thức món cháo ấu tẩu, cháo đắng Hà Giang cũng là một sự thích thú trong lối ăn chơi cho những người yêu thích khám phá điều mới lạ.

Mèn mén Hà Giang

Mèn mén là một món ăn phổ biến của đồng bảo vùng cao, nhất là khi không đủ gạo để ăn (Ảnh – hachi8)

Sau vụ thu hoạch ngô được phân loại, phơi khô cả vỏ đưa lên gác xép, xếp thành hàng, để dùng dần. Ngô được tẽ ra, quạt sạch rồi say nhỏ bằng cối đá. Xay ngô đòi hỏi sự công phu và tốn thời gian. Khi xay phải có hai người, một người kéo tràng, một người đứng bỏ hạt. Ngô xay ra đảm bảo nhỏ hơn hạt tấm, đều để dễ đồ. Khi đồ cho bột ngô vào chõ, rắc đều một chút nước đậy kín, đặt lên chảo nước rồi đun chờ có mùi thơm toả ra là cơm chín. Cẩn thận hơn, người ta làm đồ hai lượt. Lượt thứ nhất chưa chín hẳn. Đổ ra xảo, đánh tơi, chờ nguội bớt, rồi rẩy chút nước, cho lại vào chõ đồ lượt thứ hai. Cơm bột ngô háp người ta quen gọi là mèn mén.

Bánh tam giác mạch

Bánh tam giác mạch (Ảnh – iamhuong.mon)

Vào cuối mùa hoa tam giác mạch, người dân địa phương sẽ thu hoạch hạt cây rồi bán lại cho các hợp tác xã với giá khá cao. Điều này giúp người dân có thêm thu nhập. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen. Vì được trồng trong tự nhiên nên tam giác mạch nơi đây không bị tác động bởi hóa chất độc hại.

Để làm được chiếc bánh thơm ngon như vậy, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Quá trình xay cũng cần sự khéo léo để ra mẻ bột thật mịn, đều tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng. Giá thành của sản phẩm sau khi ra lò nóng hổi là 10.000-15.000 đồng một chiếc bánh. Dù không cao giá như nhiều món hàng ở những nơi khác nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần lớn vào sự phát triển ẩm thực, du lịch và kinh tế của vùng cao nguyên đá.

Bánh hạt dền

Bánh hạt dền (Ảnh – cungphuot.info)

Người mông gọi hạt rau dền là “sú tù” nghĩa là “gạo trời”. Hạt rau dền tròn, nhỏ như hạt vừng, có màu trắng trong. mỗi gia đình thu được nhiều hay ít phụ thuộc vào diện tích trồng ngô, nhà ít cũng có hàng chục cân, nhà nhiều có tới cả tạ. Bà con giữ lại một ít làm giống cho vụ sau, còn lại để dành làm bánh. Sú tù được rang nổ tách vỏ, trắng và thơm, rồi nghiền thành bột, sau đó pha chế với mật ong bạc hà, mật mía hay đường làm bánh chè lam hoặc rang lên trộn với đường, mật rồi cán thành bánh bỏng.

Thắng dền

Thắng dền được bán trong những tối lạnh (Ảnh – vietlifetj)

Lên Đồng Văn, giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát thắng dền, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng. Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.

Bánh chưng gù

Bánh chưng gù Hà Giang (Ảnh – amytiramisu)

Tương truyền, hình ảnh người phụ nữ đang đeo gùi trên lưng cúi xuống hái lúa, hái ngô trên nương rẫy chính là nguồn cảm hứng để tạo nên hình dạng của chiếc bánh chưng gù Hà Giang. Chiếc bánh chưng dân tộc Tày đã trở thành món ngon lan xa bởi sự độc đáo trong nguyên liệu và cách chế biến đã tạo nên hương vị khác biệt.

Rêu nướng

Lâu nay, rêu đá chỉ được coi là 1 loại thủy sinh không nhiều tác dụng. Nhưng đối với người dân tộc Tày ở xã Quang Bình thì rêu đá được coi là đặc sản trong ẩm thực của họ.

Rêu nướng là món ăn lạ của đồng bào vùng cao (Ảnh – ‎Xuân Bắc Motor GP‎ )

Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.Theo người dân địa phương, khi đi tìm rêu, họ thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.

Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con nơi đây, rêu cũng là một món ăn quý… Rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Người Tày thường có câu: “Quẹ chí áp, táp chí hơ”, có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín, khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Vì rêu ăn được theo mùa nên ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô trên gác bếp.

Cơm lam Bắc Mê

Nếu đến Bắc Mê, hãy nhớ thưởng thức món cơm lam (Ảnh – dinhhuy.96)

Hà Giang là một vùng phì nhiêu với những loại gạo nếp thơm ngon nổi tiếng thì cơm lam Bắc Mê đang dần trở thành một đặc sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Kỹ thuật chế biến cơm lam thật đơn giản. Nguyên liệu là gạo nếp được đãi ngâm kỹ, nước nấu thường là những mạch nước ngầm trong cùng cho vào cho ống tre rồi bịt lá chuối . . Người ta dùng loại cây non, thân ống, họ tre , mỗi dóng tre chặt bỏ một đầu ống, đầu ống còn lại tác dụng như cái đáy nồi. Gạo nếp vo sạch, rắc thêm chút muối, trộn đều, cho gạo vào ống tre, lượng nước đổ xâm xấp so với mặt gạo. Miệng ống được nút bằng lá dong tươi hoặc lá chuối khô và nướng lên Ống tre có gạo ấy được hơ trên ngọn lửa hoặc trên đống than hồng, vừa hơ vừa xoay tròn từ từ cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống. Chừng trên dưới một tiếng sau (tuỳ theo ống cơm to hay bé), mùi cơm nếp toả ra thơm lừng, ấy là dấu hiệu cơm đã chín.

Đặc sản Hà Giang mua về làm quà

Rượu ngô Hà Giang

Rượu ngô là đặc sản Hà Giang chẳng bao giờ có thể thiếu trong các phiên chợ (Ảnh – cungphuot.info)

Trong mỗi phiên chợ, ngoài những thứ nông sản phục vụ đời sống, một “đặc sản” không thể thiếu được thường xuyên trao đổi buôn bán và dùng ngay tại chỗ là rượu ngô.

Rượu được nấu từ thứ ngô bản địa của Cao nguyên đá cùng với thứ men lá truyền thống nên khi uống vào có vị ngọt, thơm của ngô và không gây mệt mỏi đau đầu. Rượu ngô có mặt trong tất cả các phiên chợ Hà Giang mà bạn đi qua, đây cũng là một thức uống không thể thiếu khi thưởng thức thắng cố.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc

Mật ong bạc hà, đặc sản Mèo Vạc (Ảnh – Hằng Yên)

Từ lâu, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được người tiêu dùng biết đến với chất lượng tốt, ong nuôi trong môi trường tự nhiên, nguồn mật được lấy từ hoa Bạc hà dại chỉ có trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Mật ong bạc hà được người dân ở đây sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc.

Ba kích rừng Quản Bạ

Ba kích có thể mua trên đường từ Đồng Văn về Hà Giang, quanh khu vực huyện Quản Bạ (Ảnh – cungphuot.info)

Ba kích dùng để ngâm rượu hoặc làm thuốc là một loại dây leo thuộc họ Cà phê và có tên khoa học là Morinda officinalis stow. Ba kích mọc hoang khá nhiều ở những khu rừng thứ sinh ở các vùng trung du và vùng núi Bắc Bộ, dưới tán những kiểu rừng lá rộng nhiệt đới ẩm. Những địa phương có nhiều loại cây này ở nước ta có thể kể đến như Hà Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình…

Hồng không hạt Quản Bạ

Hồng không hạt là một trong 3 đặc sản Hà Giang được xác lập chỉ dẫn địa lý (Ảnh – cungphuot.info)

Hồng không hạt Quản Bạ đã có từ rất lâu đời, hiện nay vẫn còn có những cây hồng khoảng trên 300 năm tuổi tại xã Nghĩa Thuận. Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này được tạo thành nhờ các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý Quản Bạ. Cụ thể, Quản Bạ có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển, địa hình khá bằng phẳng, có nơi có độ dốc dưới 20 độ, tầng đất dày, ít bị xói mòn. Khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm nên hồng không hạt cho chất lượng tốt, năng suất cao và ổn định.

Khác với giống hồng không hạt ở các địa phương khác, hồng không hạt Quản Bạ là giống bản địa, đã được đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y…) trồng từ lâu đời, đồng thời nó được bảo tồn và phát triển. Hồng không hạt Quản Bạ có một số tính chất đặc thù so với các sản phẩm cùng loại như: Thịt quả giòn, ngọt, thơm, nhiều bột mịn; quả to, vỏ quả cứng, thịt chắc rất dễ bảo quản và vận chuyển.

Cam Bắc Quang

Cam sành Hà Giang được trồng nhiều ở khu vực Bắc Quang (Ảnh – Li Trần)

Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang. Ngoài màu sắc vàng sẫm, cuống nhỏ, cam sành Bắc Quang còn có mùi thơm rất đặc trưng, quả rắn, khi ăn rất thơm và ngọt.

Trà shan tuyết Fìn Hò

Trà Fìn Hò sau khi sấy khô (Ảnh – FB Fìn Hò Trà)

Cây chè shan tuyết tại Phìn Hồ sống cheo leo ở độ cao hàng nghìn mét trên dãy núi Pìn Hò có khí hậu quanh năm mát mẻ. Fìn Hồ trà được chế biến từ búp chè 1 tôm và 2 lá non hái ở những cây chè Shan tuyết cổ thụ trên 200 tuổi tại vùng núi cao thôn Fìn Hồ – xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì. Quá trình canh tác và chế biến không sử dụng chất hóa học. Hương vị chè tại đây có vị thơm ngon, tinh khiết đặc biệt do thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu thổ nhưỡng ở độ cao trên 1300m.

Tìm trên google :

  • các món ăn ngon ở Hà Giang
  • đặc sản Hà Giang làm quà
  • ăn gì khi du lịch Hà Giang
  • các quán ăn ngon ở Hà Giang
  • đến Hà Giang nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Hà Giang
  • ẩm thực Hà Giang
  • món ăn vặt Hà Giang
  • các món ăn vỉa hè ở Hà Giang
  • mua gì ở Hà Giang
  • Hà Giang có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 96 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Giang

HÀ GIANG

Vị trí Hà Giang trên bản đồ Việt Nam

nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang. Địa phương có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu.

Bạn có biết: Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được hoàn thành toàn bộ bằng sức người.

  • Diện tích: 7.927,55 km²
  • Dân số: 887.100 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 10 huyện
  • Vùng: Đông Bắc
  • Mã điện thoại: 219
  • Biển số xe: 23