Kinh nghiệm đi phượt Đồng Cao

Kinh nghiệm đi phượt Đồng Cao (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Một vài năm gần đây Đồng Cao được biết đến như một địa điểm phù hợp với các chuyến cắm trại dịp cuối tuần cho các bạn trẻ yêu thích du lịch bụi. Với khí hậu mát mẻ, trong lành cùng với vẻ đẹp nguyên sơ Đồng Cao còn được ví như Mẫu Sơn của Bắc Giang.  Theo đánh giá, đây là một trong những địa điểm rất tuyệt vời để đốt lửa dựng trại cũng như chờ đợi những khoảnh khắc đẹp khi bình minh lên.  Cùng Phượt xin chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm phượt Đồng Cao cũng như các thông tin quan trọng để các bạn có thể tự sắp xếp và rủ rê bạn bè tới khám phá nơi đây.

Đồng Cao là một trong những địa điểm hấp dẫn để cắm trại (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả chidokatori và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Đồng Cao

Đây là vùng đất có khí hậu tương đối mát mẻ ở Bắc Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Cách Hà Nội khoảng 160 km, cách thị trấn An Châu khoảng 20 km, Đồng Cao là một cao nguyên nhỏ thuộc bản Gà nối liền giữa 2 xã Thạch Sơn và Vân Sơn của huyện Sơn Động, Bắc Giang. Gọi là Đồng Cao nhưng thực chất vùng đất này chỉ cao khoảng 600 m so với mực nước biển.

Có đồi nhấp nhô, có thảo nguyên xanh mát, có rừng nguyên sinh rậm rạp. Tất cả chúng chuyển tiếp với nhau bằng các dải đồi thoai thoải. Đồng Cao có một thung lũng khá bằng phẳng, các hòn đá hình thù khác nhau nằm rải rác trên đồng cỏ xanh, tất cả quyện vào nhau như một bức tranh đầy sắc màu.

Với địa hình kiểu thung lũng, không quá dốc và có nhiều bãi đất phẳng cùng với không khí trong lành, mát dịu, đây là một trong những điểm đến lý tưởng của người dân địa phương đã từ rất lâu. Với những bạn yêu thích du lịch, Đồng Cao bắt đầu được biết đến nhiều vào khoảng năm 2012 với những hình ảnh đầu tiên xuất hiện từ các hội nhóm yêu thích cắm trại.

Lên Đồng Cao, các bạn đừng bỏ lỡ hai khoảnh khắc mê ly, tuyệt vời là hoàng hôn và bình minh. Hoàng hôn, mặt trời như cái mâm thau đỏ ối treo trên đỉnh núi từ từ biến mất cho đến khi tối nhọ mặt người, bình minh Đồng Cao thì tràn đầy nắng mới, trong trẻo và dạt dào sức sống.

Đi phượt Đồng Cao vào thời gian nào ?

Thời điểm mùa khô cuối năm, trời ít mưa, khí hậu se lạnh khá lý tưởng để tới Đồng Cao cắm trại (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm trong vùng Đông Bắc ở độ cao 600m nên Đồng Cao có khí hậu mát mẻ vào mùa hè và tương đối lạnh trong mùa đông. Đường đi Đồng Cao nhiều chỗ còn là đường đất và khá dốc, không phù hợp để đi nếu trời mưa. Với những thông tin như vậy, các bạn nên đi Đồng Cao vào khoảng tháng 9-11, lúc này miền Bắc gần như không còn những cơn mưa rào và cũng chưa kịp đón chào mùa đông, thời tiết khô rất phù hợp để cắm trại. Nếu đi vào mùa hè (tháng 6-8) các bạn chú ý theo dõi thời tiết để tránh đi vào dịp mưa bão nhé.

Hướng dẫn đường đi Đồng Cao

Đường lên Đồng Cao uốn lượn, xuyên qua những ngọn núi, cánh rừng. Cảnh sắc trên đường đi luôn mang lại cho các bạn cảm giác yên bình, thư thái (Ảnh – chidokatori)

Bắt đầu từ Gia Lâm, các bạn đi theo hướng Quốc lộ 5 rồi vòng lên cầu Thanh Trì, đi thẳng Quốc lộ 1 (đường đi Lạng Sơn) tới ngã 3 giao với Quốc lộ 31 (Trạm xăng Kế) thì rẽ phải và đi thẳng. Theo tuyến đường này lần lượt các bạn sẽ đi qua địa phận các huyện Lục Nam, Lục Ngạn.

Con đường thứ nhất có thể lên Đồng Cao ở cầu Cẩm Đàm, tới đây các bạn rẽ trái theo hướng đi Thạch Sơn. Đi thêm khoảng 30km nữa các bạn sẽ tới cao nguyên Đồng Cao (Tới các ngã 3 nhớ dừng lại hỏi người dân để tránh nhầm lẫn hoặc theo dõi lịch trình thông qua Google Map). Con đường này tương đối nhỏ, dốc, phù hợp với các phương tiện xe máy.

Con đường thứ hai là từ thị trấn An Châu đi qua xã An Lập để đến Đồng Cao – Vân Sơn. Những tuyến đường này cơ bản đều đã được rải nhựa hoặc bê tông.

Con đường thứ ba là đi qua thị trấn An Châu rồi tiếp tục theo quốc lộ 31 thẳng lên xã Vân Sơn rẽ trái đi Đồng Cao. Đường này về cơ bản to đẹp và dễ đi nhất.

Cần chuẩn bị gì khi đi Đồng Cao

Nằm tương đối xa khu dân cư nên tốt nhất các bạn nên chuẩn bị toàn bộ đồ dùng, vật dụng và các loại thực phẩm cần thiết rồi mang lên Đồng Cao. Khi trời tối, việc đi lại sẽ khá khó khăn nên việc chạy đi mua lúc đó không thuận tiện lắm. Do hầu hết lên Đồng Cao các bạn đều lựa chọn việc cắm trại ngủ qua đêm nên sẽ cần tương đối nhiều đồ, các bạn có thể tham khảo một vài gợi ý như dưới đây. Tạm mặc định các bạn đều tới đây bằng xe máy, những đồ đạc gợi ý này sẽ theo tiêu chí gọn nhẹ. Nếu đi bằng ô tô các bạn có thể mang nhiều đồ hơn, miễn vừa với sức chứa xe của bạn.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm chuẩn bị đồ cắm trại (Cập nhật 3/2024)

Lều

Ngủ qua đêm ở Đồng Cao, lều là thiết bị quan trọng bậc nhất mà các bạn cần chuẩn bị (Ảnh – cungphuot.info)

Tuỳ theo số lượng thành viên mà các bạn cần chuẩn bị số lều tương ứng, do Đồng Cao buổi tối thường có gió khá mạnh nên các bạn cần chọn các loại lều chắc chắn, không sử dụng các loại lều tự bung bởi những loại lều này không phù hợp để ngủ qua đêm.

Bạt cho lều

Nếu lều chỉ có 1 lớp, các bạn có thể phủ 1 tấm bạt lên trên nóc lều (Ảnh – cungphuot.info)

Nên mang theo 2 tấm bạt, một tấm trải xuống nền cỏ để lót lều. Giữa lớp bạt và lều có thể để một ít quần áo cũ hoặc vải dày để giảm bớt độ ẩm từ đất lên. Một tấm bạt còn lại dùng phủ trên mái lều, giảm sương và mưa tác động trực tiếp lên lều. Nhớ sử dụng các loại cọc lều chắc chắn để buộc và giữ chặt bạt nhé.

Tăng

Lều chỉ là nơi để các bạn ngủ, bộ tăng mới là thứ các bạn cần để sinh hoạt. Cùng bởi gió mạnh nên các bạn cần căng tăng thật kỹ, cố định thêm nhiều vị trí, hạ thấp trọng tâm để giảm lực tác động từ gió. Tăng cũng giúp các bạn vẫn thoải mái vui chơi khi trời mưa nhỏ và hạn chế sương.

Dây dù

Nên mang theo một vài cuộn dây dù để nếu cần có thể sử dụng để chằng buộc đồ, gia cố thêm lều nếu trời có gió mạnh.

Túi ngủ

Mỗi thành viên nên tự  mang theo một túi ngủ cho thoải mái, hoặc các bạn cũng có thể mang theo các loại đệm di động gấp gọn kết hợp cùng chăn cho mỗi lều. Cái này còn phụ thuộc vào thời tiết cũng như phương tiện sử dụng, tuỳ vào từng đoàn các bạn chọn sao cho phù hợp.

Bàn ghế

Mang theo đủ số lượng ghế và bàn cho đoàn, nên chọn các loại ghế mini để sử dụng cho gọn nhẹ. Nếu không, chỉ cần mang theo một tấm bạt dầy là đủ dùng cho cả đoàn.

Đồ dùng đun nấu

Củi

Củi các bạn có thể mua từ người dân địa phương, hoặc nếu có thời gian có thể tự tìm (Ảnh – cungphuot.info)

Do cần đun nấu nhiều nên các bạn hãy chọn củi cho rẻ, củi có thể mua được từ người dân địa phương tương đối dễ dàng. Một bó củi có thể đủ dùng cho một đoàn 6-8 người thoải mái, đủ để nướng đồ cũng như sưởi ấm qua đêm.

Bếp gas

Trên thị trường hiện giờ có khá nhiều loại bếp gas du lịch gấp gọn mà các bạn có thể mang theo dễ dàng (Ảnh – cungphuot.info)

Một chiếc bếp gas du lịch (loại gấp gọn thôi nhé) để sử dụng trong một số trường hợp các bạn cần đun nấu ở nhiệt độ cao và nhanh như đun nước nấu mì, pha cafe… Bếp gas cũng sẽ là cứu cánh trong trường hợp các bạn không

Khò

Mang theo bình khò sẽ hỗ trợ các bạn nhóm củi, than, ngay cả khi thời tiết ẩm (Ảnh – cungphuot.info)

Một chiếc khò chạy bằng gas sẽ rất có tác dụng khi các bạn cần nhóm củi, khò với công suất lớn và nhiệt độ cao sẽ giúp củi hay than dễ bén hơn ngay cả trong thời tiết ẩm ướt.

Cồn

Nếu không có khò gas, các bạn có thể mang theo một túi cồn khô để hỗ trợ việc nhóm bếp. Thả cồn khô vào đống củi/than cũng sẽ giúp nhóm bếp dễ hơn.

Xoong nồi

Có xoong nồi nhiều khi đun nước pha mỳ hay làm mấy món chơi chơi rất tiện (Ảnh – cungphuot.info)

Mang theo xoong nồi để có thể nấu thêm nhiều món khác ngoài đồ nướng, một bộ xoong nồi dã ngoại của Fire Maple hay Nature Hike rất gọn nhẹ và phù hợp để mang theo.

Vỉ nướng

Mang theo một vài vỉ nướng sử dụng để nướng đồ cũng như đun nấu. Do sử dụng củi nên các bạn cũng không cần thiết mang theo những chiếc bếp nướng.

Đồ dùng ăn uống

Bát/Đĩa

Nếu có điều kiện hoặc các bạn đã có sẵn thì có thể mang theo các loại bát hay đĩa dành riêng cho việc camping, các loại bát đĩa bằng titan rất đẹp và khá an toàn để sử dụng. Nếu không, có thể sử dụng các loại bát đĩa dùng một lần, mặc dù cách này không tốt cho môi trường lắm.

Đũa/Thìa/Dĩa

Tương tự như vậy, rất nhiều các loại đũa, thìa, dĩa camping có thể tái sử dụng được và rất gọn nhẹ để mang mang theo.

Thực phẩm

Đồ tươi

Nếu không quá cầu kỳ, các bạn có thể mua đồ ăn trên đường tới Đồng Cao cho gọn nhẹ (Ảnh – cungphuot.info)

Thực phẩm tươi như gà, thịt lợn, thịt bò, sườn … các bạn có thể mua và ướp sẵn từ nhà rồi cho vào các thùng giữ lạnh để mang theo. Nếu chọn phương án này, các bạn có thể để thực phẩm sẵn vào ngăn đá rồi sau đó mang đi để thời gian giữ lạnh sẽ được lâu hơn.

Một cách khác là đến gần Đồng Cao các bạn mua từ những chợ địa phương, cách này sẽ giảm bớt việc phải mang nhiều đồ đi xa.

Đồ khô

Ngoài thực phẩm tươi sống các bạn có thể chuẩn bị thêm các đồ khô như mỳ tôm, bánh mỳ, xúc xích, thịt nguội để ăn nhẹ cũng như ăn vào sáng hôm sau. Các loại đồ này có thể bảo quản dễ dàng trong nhiệt độ môi trường.

Gạo

Các bạn có thể mua gạo, gà và thuê nồi của người dân ở gần đấy để làm một nồi cháo to phục vụ cho sinh hoạt đêm (Ảnh – cungphuot.info)

Đến gần Đồng Cao có thể mua một vài kg gạo từ người dân, mượn một chiếc nồi to để làm một nồi cháo gà. Món này rất phù hợp cho nhóm đi đông, thường các bạn sẽ vui chơi đến tận khuya nên có thể món này sẽ rất hấp dẫn.

Cafe

Với các tín đồ của cafe, món này chắc không thể thiếu trong hành trang dã ngoại (Ảnh – cungphuot.info)

Nhâm nhi một ly cafe vào buổi sáng khi đón bình minh ở Đồng Cao sẽ rất thú vị, có nhiều loại dụng cụ pha cafe du lịch mà các bạn có thể mang đi nhưng gọn nhẹ nhất là một chiếc phin truyền thống của Việt Nam, chỉ cần một chút nước sôi là đã có một ly cafe thơm ngon.

Nước

Nước uống

Nước uống thì chủ động tính toán dựa trên số lượng người, có thể đến gần Đồng Cao mới mua cho gọn nhẹ.

Nước sinh hoạt

Nước sử dụng cho các mục đích khác các bạn chỉ cần mang theo các loại bình chứa gấp gọn, đến nơi thì xin hoặc mua của người dân.

Chiếu sáng

Nên chia nhau mang nhiều loại đèn để phù hợp cho các mục đích khác nhau, với việc chiếu sáng chính các bạn có thể mang theo các bình ắc quy loại nhỏ và bóng đèn, tuỳ dung lượng bình mà có thể đủ để chiếu sáng cả đêm. Mang thêm một vài chiếc đèn pin cầm tay để phục vụ cho việc chiếu sáng đi lại, mang theo đèn pin loại gắn đầu để sử dụng khi cần rảnh tay.

Dao/Rìu

Đôi khi cây cỏ mọc tương đối cao khiến khu vực dựng lều bị ảnh hưởng, các bạn nên có dao và rìu để phát quang cây cối. Ngoài ra, rìu còn hỗ trợ trong việc bổ củi.

Áo mưa

Mỗi người nên có ít nhất một bộ  để đề phòng trong các trường hợp cần phải ra khỏi lều ban đêm và trời mưa (ví dụ như gia cố lại lều).

Một số kinh nghiệm cắm trại

Khu vực bãi cắm trại ở Đồng Cao tương đối phẳng, các bạn chỉ cần tìm các vị trí khuất gió một chút để tiện cho việc đun nấu (Ảnh – cungphuot.info)

  • Chọn khu vực bãi đất bằng phẳng, bãi cỏ là tốt nhất. Đừng dựng ở những chỗ mấp mô, nhiều đá nhỏ và có độ dốc lớn, tối sẽ khó ngủ đấy.
  • Khu vực dựng lều nên khuất gió, bãi đất phải đủ cứng để cọc ghim lều không bị bật ra khi bị gió thổi. Tốt nhất là nên sử dụng thêm các tảng đá đè lên vị trí các cọc lều để định vị chắc ở các góc của lều.
  • Trải một tấm bạt xuống nền đất, lót thêm các lớp giẻ ở giữa với phần đáy của lều để giảm độ ẩm từ dưới lòng đất lên. Sau khi đặt lều lên phía trên, tiếp tục sử dụng một tấm bạt khác để phủ kín mặt ngoài của lều, tránh trường hợp mưa sẽ bị ngấm vào lều.
  • Nếu không có sẵn các loại khò gas, hãy kiếm thêm một chút dầu hỏa, cồn khô, giấy báo và các cành cây nhỏ (phải khô nhé) để làm mồi cho đống củi to. Đốt trước những thứ kia để làm khô củi, lửa mới dễ lên.
  • Lều và các vật dụng cá nhân phải dựng ở xa nơi đốt lửa để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không để xe máy ở sát gần khu vực đốt lửa bởi hơi xăng từ xe máy cũng có thể bắt lửa gây hỏa hoạn.

Một số Lịch trình đi Đồng Cao

Có thể kết hợp cắm trại ở Đồng Cao, hôm sau trên đường về ghé qua hồ Khuôn Thần chơi (Ảnh – cungphuot.info)

Hà Nội – Đồng Cao – Khuôn Thần

Ngày 1 : Hà Nội – Đồng Cao

12h : Xuất phát tại Hà Nội đi theo đường Hà Nội – Lạng Sơn. Đến Tp Bắc Giang đoạn ngã 3 Kế thì rẽ phải đi theo quốc lộ 31. Đến địa phận Cẩm Đàn (cách An Châu 13km) thì rẽ trái theo đường Thạch Sơn.

16h : Lên tới Đồng Cao, tìm địa điểm dựng trại, chuẩn bị củi nhóm lửa. Các việc này khi lên đến nơi thì hoàn thành trước vì trời sẽ tối nhanh.

17h : Trèo lên điểm cao nhất để đón hoàng hôn, chụp ảnh

17h30 : Xuống địa điểm cắm trại bắt đầu chuẩn bị thức ăn

18h đến đêm : Ăn uống, hát hò, giao lưu

Ngày 2 : Đồng Cao – Khuôn Thần – Hà Nội

5h00 : Dậy đón bình mình và ảnh ọt trên thảo nguyên.

7h00: Ăn sáng, cafe và chơi bời thêm gì nữa thì chơi

9h00 : Thu dọn lều trại, đóng đồ xuống núi. Các bạn nhớ dọn sạch rác và những vật dụng không sử dụng rồi đóng vào túi mang xuống nhé, đừng để lại bất cứ gì ở đấy. Xuống núi đi theo đường An Châu (không cần quay lại đường Thạch Sơn) cho dễ đi. Tiếp tục quay lại đường 31 để về.

11h00 : Trên đường về sẽ đi qua hồ Khuôn Thần, vào đấy có thể đặt thức ăn và thuê thuyền đi ra đảo để ăn uống nghỉ ngơi

15h00 : Khởi hành về Hà Nội

Một vài kinh nghiệm khi đi Đồng Cao

  • Trước hoặc trong khi đi nếu thời tiết có biến chuyển xấu (mưa giông, bão ..)  thì các bạn nên hủy chuyến đi để đảm bảo an toàn. Trên đó trống trải không phù hợp để cắm trại trong điều kiện thời tiết không tốt.
  • Xe máy phải có gương trái, và đầy đủ các loại giấy tờ. Thành viên trong đoàn phải đội mũ bảo hiểm có chất lượng tốt (vừa đảm bảo an toàn, vừa tránh gặp rắc rối với công an). Đoạn quốc lộ 31 có thể có một vài chốt công an.
  • Đường Hà Nội – Bắc Giang mặc dù được coi là tuyến cao tốc nhưng do chưa có hệ thống đường gom nên xe máy vẫn đi chung với ô tô. Các bạn đi xe máy trên tuyến đường này hết sức cẩn thận bởi xe khách chạy ẩu, công nhân sang đường bất cẩn….
  • Chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, thực phẩm và nước uống (các bạn có thể mua ở Thạch Sơn hoặc An Châu – tùy vào bạn đi đường nào) bởi khi lên tới Đồng Cao rồi gần như không thể mua thêm gì nữa (có nhà dân gần đấy nhưng sẽ không dễ mua bằng việc mua ở chợ).
  • Đường đi từ phía An Châu có vẻ dễ hơn nhưng đi từ phía Thạch Sơn cảnh rất đẹp và thú vị, để khép cung đường thành 1 vòng tròn bạn hãy đi lên bằng đường Thạch Sơn và đi xuống bằng đường An Châu.
  • Mặc dù Đồng Cao nằm khá biệt lập nhưng các bạn cũng cố gắng giữ gìn ý thức chung, hạn chế làm ồn bằng những thiết bị công suất lớn như loa kéo.
  • Trước khi dọn dẹp trại chú ý nhặt sạch sẽ rác và những vật dụng dư thừa và mang trở lại nơi xuất phát. Hãy là một người du lịch có ý thức, nếu các đoàn khác dọn đi mà chưa thu dọn các bạn cũng có thể chia nhau xử lý nốt phần việc của họ. Giữ gìn thì mới có những Đồng Cao khác cho bạn cắm trại chứ.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Đồng Cao 2024
  • du lịch Đồng Cao tháng 3
  • tháng 3 Đồng Cao có gì đẹp
  • review Đồng Cao
  • hướng dẫn đi Đồng Cao tự túc
  • ăn gì ở Đồng Cao
  • phượt Đồng Cao bằng xe máy
  • Đồng Cao ở đâu
  • đường đi tới Đồng Cao
  • chơi gì ở Đồng Cao
  • đi Đồng Cao mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Đồng Cao
  • homestay giá rẻ Đồng Cao
4.8/5 - (3143 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bắc Giang

BẮC GIANG

Vị trí Bắc Giang trên bản đồ Việt Nam

Bắc Giang có địa hình trung du và là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía bắc với châu thổ sông Hồng ở phía nam. Bắc Giang là sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ (Bắc Ninh) và văn hóa Tày Nùng (Lạng Sơn). Những người dân tộc Thái, dân tộc Dao… vẫn có nét riêng trong sinh hoạt nhưng họ học tiếng Kinh, mặc quần áo người Kinh. Người dân Bắc Giang tự hào là cái nôi của quan họ cổ với 23 làng ven sông Cầu, tồn tại như một sự kết duyên song song với quan họ ở Bắc Ninh. Đất quan họ Bắc Giang còn là nơi có tục kết chạ từ lâu đời đến nay vẫn tồn tại trong cuộc sống cộng đồng, có đóng góp tích cực làm đẹp thêm đời sống xã hội.

Bạn có biết: Vườn đồi Lục Ngạn có thế mạnh về cây an quả và là nơi tập trung trồng vải thiều lớn nhất cả nước.

  • Diện tích: 3.849,7 km²
  • Dân số: 1.657.600 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố và 9 huyện
  • Mã điện thoại: 204
  • Biển số xe: 98, 13