Kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn, Bình Định

Kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn, Bình Định (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Quy Nhơn là trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của Bình Định, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh . Quy Nhơn là một địa điểm khá đa dạng về cảnh quan địa lý với núi rừng, bờ biển, các đầm hồ, bán đảo và đảo giúp mang lại cho du lịch Quy Nhơn lợi thế vô cùng lớn để phát triển và đa dạng các sản phẩm du lịch. Với bờ biển dài, các bãi biển đẹp nhất Bình Định hầu hết đều thuộc Tp Quy Nhơn, chính bởi vậy nhắc đến Quy Nhơn là nhắc đến du lịch biển với các địa danh như Eo Gió, Kỳ Co, các bãi biển trên tuyến Quy Nhơn Sông Cầu. Ngoài du lịch biển, các bạn còn có thể trải nghiệm du lịch sinh thái homestay ở Cù Lao Xanh, tham gia các trò chơi nước ở Hòn Khô.

Quy Nhơn nổi tiếng bởi những bãi biển vô cùng đẹp cùng những món ăn ngon (Ảnh – nam.vuuu)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả nam.vuuu, Nigel Smuckatelli, Bac Do Phuc, duongnhi_, cucmaytroi, zu, anantara_hotels, lylystories.vietnam, Nguyễn Đình Thành, Scrabulator, Bui Dung So, nguyen.duy_95, kimdunglovely, trannga_, nicequynhon.com, Nguyễn Tiến Dũng, hoadaquy89, liendang10, daniel_hunje_shin, Tư Đỗ, thuhieu90, hoadaquy89, mymeolazy, briessss, Bích Tuyền Phan Diệp, Phương Thảo, Thảo Tây, gaau__ và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Quy Nhơn

Mục lục

Quy Nhơn nhìn từ máy bay những năm 60 (Ảnh – Nigel Smuckatelli)

Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm thuộc vùng đất đàng trong xứ Thuận Quảng: cách đây trên 400 năm đã xuất hiện phủ Quy Nhơn. Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và tác động của sự phát triển nền công nghiệp phương Tây vào thế kỷ 19 làm cho diện mạo Quy Nhơn có nhiều thay đổi. Ngày 20/10/1898, vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn, đô thị tỉnh lỵ, là một trong những đô thị có hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất lúc bây giờ.

Trước thế kỷ X, nơi đây là vùng đất của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn nổi tiếng và sau đó là đất đế đô của Vương quốc Chăm pa. Theo dòng biến đổi của lịch sử, năm 1471 vua Lê Thánh Tông đã cho thành lập phủ Hoài Nhơn bao gồm ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Từ đó trở đi, đây là nơi gặp gỡ nhiều thời kỳ di dân của người Việt theo chân các chúa Nguyễn đi mở mang, khai phá bờ cõi và tụ cư sinh sống ở phía Nam, trong đó vùng đất của thành phố Quy Nhơn ngày nay, người Việt cũng đã đến định cư, lập nên các làng Chánh Thành, Cẩm Thượng, Hưng Thạnh, Xuân Quang, Quy Hòa…và thành lập thôn Vĩnh Khánh có địa giới giáp đến chân núi Cù Mông. Đến năm 1602, cách đây 406 năm, lần đầu tiên trong lịch sử, địa danh Quy Nhơn xuất hiện khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn và coi đây là đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tên gọi mới này có ý nghĩa mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa. Qua 5 lần thay đổi tên gọi khác nhau, năm 1832 vua Minh Mạng đã đổi tên phủ Quy Nhơn thành tỉnh Bình Định cho đến ngày nay. Ngày 20 tháng 10 năm 1898, Viện Cơ mật Triều đình Huế trình vua Thành Thái ra Chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn. Như vậy, thành phố Quy Nhơn ngày nay đã có hơn 110 năm với tư cách là đô thị tỉnh lỵ – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định.

Và thành phố Quy Nhơn ngày nay (Ảnh – Bac Do Phuc)

Vào đầu thế kỷ XX, nhiều công trình mới được mọc lên như: trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở, nhà hát, toà giám mục, hệ thống giao thông đường sắt, nhà ga… Do đó, trong 3 thập niên đầu của thế kỷ XX, Quy Nhơn nhanh chóng được đô thị hóa và trở thành một đô thị lớn ở khu vực. Ngày 30/4/1930, toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định nâng cấp thị xã Quy Nhơn lên thành phố cấp 3. Đây là một trong những đô thị ở nước ta thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế, văn hóa.

Sau chiến tranh, tháng 02/1976 hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành Nghĩa Bình, thị xã Quy Nhơn trở thành tỉnh lỵ tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 18/6/1986 Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định mở rộng và nâng cấp Thị xã lên Thành phố thuộc tỉnh, khi đó thành phố Quy Nhơn có 8 phường, 7 xã, với diện tích 212 km² và dân số 174.076 người. Năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập, lấy thành phố Quy Nhơn làm tỉnh lỵ.

Nên du lịch Quy Nhơn vào mùa nào?

Mùa khô là thời điểm thích hợp để đến Quy Nhơn (Ảnh – duongnhi_)

Quy Nhơn có 2 mùa rõ rệt là mùa khô từ tháng 3 – 9, mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 24,5º C nên thực tế hầu như lúc nào cũng có thể đến Quy Nhơn. Tuy vậy, các bạn nên tránh mùa mưa bão ở Quy Nhơn thường kéo dài vào khoảng cuối năm, tần suất có thể có bão cao nhất vào tháng 9-11. Nếu có kế hoạch tới đây vào khoảng thời gian này, các bạn nên theo dõi thời tiết thật kỹ để tránh ảnh hưởng tới chuyến đi.

Hướng dẫn đi tới Quy Nhơn

Là trung tâm của tỉnh Bình Định, để đến được Quy Nhơn khá dễ dàng bởi toàn bộ hệ thống giao thông đều đi qua đây. Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định dài 118 km, Quốc lộ 1D đoạn qua Bình Định dài 20,7 km, Quốc lộ 19 qua Bình Định dài 69,5 km, ngoài ra còn có Quốc lộ 19B, Quốc lộ 19C, hệ thống đường tỉnh (tổng chiều dài 506 km).

Phương tiện công cộng

Đường bộ

Khá nhiều bạn chọn lái xe đưa gia đình xuyên một nửa Việt Nam và kết thúc hành trình tại Bình Định (Ảnh – cucmaytroi)

Nằm cách thủ đô Hà Nội 1.070 km về phía Nam và cách Thành phố Hồ Chí Minh 652 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A, từ 2 đầu đất nước hàng ngày đều có rất nhiều các tuyến xe chất lượng cao đi Bình Định. Ngoài các tuyến xe trực tiếp đến địa phương này, các tuyến xe đường dài Bắc ⇆ Nam đều cũng sẽ đi qua địa phương này.

Xem thêm bài viết: Xe chất lượng cao đi Bình Định (Cập nhật 4/2024)

Đường sắt

Nếu có nhiều thời gian, hãy dành một chút trải nghiệm du lịch cùng ngành đường sắt nhé. Hơi bất tiện chút nhưng khá thú vị đấy (Ảnh – zu)

Để đến với Quy Nhơn bằng đường sắt, các bạn có 2 lựa chọn về ga đến là ga Diêu Trì và ga Quy Nhơn. Ga Diêu Trì là điểm xuống tàu của các tuyến tàu Thống Nhất, ga cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Ga Quy Nhơn là một nhánh của tuyến đường sắt Bắc Nam, bắt đầu từ chính ga Diêu Trì. Các chuyến tàu dừng ở ga Quy Nhơn là SQN (Sài Gòn – Quy Nhơn), QV (Quy Nhơn – Vinh), QN (Quy Nhơn – Nha Trang) và ĐQ (Quy Nhơn – Đà Nẵng).

Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7, SE9 khởi hành từ ga Hà Nội tới ga Diêu Trì. Trong đó các chuyến tàu phù hợp nhất là SE3 (khởi hành 19h30 và đến lúc 17h16), SE5 (khởi hành 9h và đến lúc 6h42 ), SE9 (khởi hành 14h30 và đến lúc 13h44).

Từ Sài Gòn ngoài các chuyến tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE22 dừng ở ga Diêu Trì còn có tàu SQN2 dừng ở ga Quy Nhơn, tất cả các chuyến tàu đều xuất phát từ ga Sài Gòn. Các chuyến tàu phù hợp nhất là SE2 (khởi hành 21h55 và đến lúc 8h27) SQN2 (khởi hành 21h25 và đến lúc 10h55), SE4 (khởi hành lúc 19h45 và đến lúc 6h57) và SE8 (khởi hành lúc 6h và đến lúc 17h2).

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 4/2024)

Đường không

Cảng hàng không Phù Cát cách trung tâm Tp Quy Nhơn khoảng 30km, hàng ngày từ đây đều có các chuyến bay đi và đến từ Hà Nội và Sài Gòn của tất cả các hãng hàng không trong nước. Giá vé cho chặng Hà Nội – Quy Nhơn trong mùa cao điểm vào khoảng 2000k ++ và chặng Sài Gòn – Quy Nhơn vào khoảng  1500k++. Giá vé thay đổi dựa vào thời điểm bay, giờ bay cũng như các dịch vụ bổ sung mà các bạn lựa chọn.

Từ Phù Cát và từ trung tâm Tp Quy Nhơn luôn có các tuyến xe buýt chạy sân bay khớp với hành trình bay hàng ngày (Ảnh – cungphuot.info)

Từ sân bay Phù Cát luôn có các tuyến xe buýt chạy về trung tâm Tp Quy Nhơn, các tuyến buýt này hoạt động theo giờ các chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng mà không sợ trễ giờ nhé.

Đi từ sân bay Phù Cát về Quy Nhơn

Sân bay Phù Cát cách trung tâm Tp Quy Nhơn khoảng 35km, ngay trong sân bay có xe buýt của cảng hàng không đón khách từ sân bay về, trả khách tại số 1 Nguyễn Tất Thành, giá vé là 50k. Nếu đi theo đoàn đông (>5 người) các bạn có thể lựa chọn đi taxi vì giá taxi trọn gói đi từ sân bay về Tp Quy Nhơn cũng chỉ vào khoảng 200k, bạn lại được đưa thẳng về khách sạn chứ không mất thêm công di chuyển.

Chiều ngược lại, bạn muốn đi từ Quy Nhơn ra sân bay Phù Cát thì cứ đến số 1 Nguyễn Tất Thành, trước giờ bay khoảng 2,5 tiếng sẽ có xe đưa ra sân bay (xe bus tại đây đưa khách đi dựa trên giờ bay thực tế chứ không có giờ cố định). Nếu muốn đi taxi giá rẻ ra sân bay, các bạn cũng cứ đến địa điểm số 1 Nguyễn Tất Thành này nhé, đến đây cánh lái xe taxi ngay ngoài cổng thường gộp chung khoảng 5-6 khách lại đi 1 chuyến ra sân bay với giá khoảng 70k mỗi người.

Phương tiện cá nhân

Nếu có thời gian, các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy hoặc ô tô để kết hợp ghé thăm Bình Định trên một lịch trình xuyên Việt. Từ Hà Nội có thể đi dọc theo QL1A hoặc đường Hồ Chí Minh lướt qua một dọc các địa điểm đẹp ven biển. Từ Sài Gòn các bạn có thể đi vòng khám phá Tây Nguyên trước khi chuyển hành trình đi ra QL1A sát biển.

Đi lại ở Quy Nhơn

Xe buýt

Hiện nay, Bình Định hiện đang có 11 tuyến xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh. Nếu đến Bình Định một mình và ngại việc di chuyển bằng xe máy, các bạn có thể sử dụng phương tiện công cộng này để di chuyển tới một số địa điểm du lịch.

Xe điện

Cũng như một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác, đến Quy Nhơn các bạn cũng có thể dạo chơi quanh thành phố biển này bằng xe điện với một số chặng. Các tuyến xe điện này hiện hầu hết được cấp phép dưới dạng thí điểm để phục vụ du khách vừa có thể đi lại nhanh chóng lại có thể ngắm cảnh trong suốt hành trình.

Taxi

Taxi là phương tiện phổ biến và thuận lợi nhất với những nhóm bạn đông hay với gia đình có người già và trẻ nhỏ bởi tính cơ động, mức độ sẵn sàng cũng như thoải mái trong mọi điều kiện thời tiết. Với những địa điểm ở xa, các bạn có thể liên hệ thuê trọn chuyến taxi theo giá thỏa thuận với tài xế.

Một số hãng taxi trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Mai Linh: 0256 3838383
  • Hương Trà: 0256 384 7777
  • Hoàng Anh: 0256 3818965
  • Minh Tuấn: 0256 3812812
  • Thành Long: 0256 3829292
Thuê xe máy

Cùng với sự phát triển của du lịch, các dịch vụ cho thuê xe máy tại Quy Nhơn ngày càng nở rộ hơn (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu ở Quy Nhơn dài ngày và có khả năng đi xe máy đường trường, thuận lợi nhất vẫn là thuê một chiếc xe máy để khám phá đất võ. Cách đây vài năm số lượng cửa hàng cho thuê xe máy ở Quy Nhơn khá ít, các bạn không có nhiều lựa chọn cho dịch vụ này. Nhưng cùng với sự phát triển của du lịch, các cửa hàng dần hình thành nhiều hơn nên khách hàng hiện khá dễ dàng để có thể thuê xe.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Quy Nhơn (Cập nhật 4/2024)

Lưu trú tại Quy Nhơn

Hệ thống lưu trú đa dạng giúp du khách có nhiều lựa chọn khi đến Quy Nhơn (Ảnh – anantara_hotels)

Là một điểm đến khá hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú của Bình Định tương đối đầy đủ với nhiều loại hình.

Khách sạn

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định có hơn 200 khách sạn với hơn 5000 phòng, đủ để có thể phục vụ một lượng lớn khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao. Số lượng khách sạn này chủ yếu tập trung ở Tp Quy Nhơn và nằm rải rác ở một số địa điểm du lịch nổi tiếng.

Một số khách sạn tốt ở Quy Nhơn

KHÁCH SẠN RAON Hotel - STAY 24H
Địa chỉ: 7 Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 0866888171

KHÁCH SẠN ⭑⭑⭑⭑⭑ Grand Hyams Hotel
Địa chỉ: 28 Nguyễn Huệ, Phường Lê Lợi, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 02563906666

KHÁCH SẠN Khách Sạn Lucien
Địa chỉ: 223 Trần Hưng Đạo, Phường Lê Lợi, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 02563585559

NHÀ NGHỈ 5 Elements
Địa chỉ: 30 Nguyễn Nhạc, Ngô Mây, Thành phố Qui Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 0888555368

BUNGALOW Seagate Bungalow
Địa chỉ: Phía Bắc Cầu Thị Nại, TP Quy Nhơn, Bình Định
Điện thoại: 02563548888

Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt ở Quy Nhơn (Cập nhật 4/2024)

Nhà nghỉ

Loại hình lưu trú bình dân, giá rẻ và phân bố ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Với những nhóm bạn trẻ yêu thích du lịch bụi, thích lang thang khám phá nhiều địa điểm mới lạ thì loại hình lưu trú này sẽ phù hợp nhất bởi giá thành hợp lý cũng như dễ tìm.

Homestay

Với lợi thế địa hình để phát triển du lịch sinh thái, Quy Nhơn có nhiều thế mạnh để xây dựng loại hình lưu trú homestay phục vụ du khách. Hiện tại, loại hình lưu trú homestay tập trung chủ yếu ở khu vực Tp Quy Nhơn, đảo Cù Lao Xanh, Eo Gió, Hòn Khô…

Xem thêm bài viết: Homestay ở Quy Nhơn (Cập nhật 4/2024)

Các địa điểm du lịch ở Quy Nhơn

Bãi biển Quy Nhơn

Bãi biển trong thành phố Quy Nhơn (Ảnh – lylystories.vietnam)

Được hình thành cách đây hàng trăm năm, thiên nhiên bồi đắp tạo nên bãi biển Quy Nhơn trông giống “vầng trăng khuyết” nên thơ và hấp dẫn du khách. Nằm ngay cạnh trung tâm thành phố, bãi biển uốn cong với bãi cát vàng thoai thoải trải dài 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn.

Ghềnh Ráng – Tiên Sa

Nằm trong trung tâm thành phố Quy Nhơn, khu du lịch Ghềnh Ráng toát lên vẻ đẹp từ sự hòa quyện tuyệt vời giữa một bên là biển trời mênh mông với một bên là núi đá muôn hình vạn trạng.Ghềnh Ráng như một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên xếp bày với quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất trập trùng, thành rạng, thành ghềnh hết sức hấp dẫn.

Mộ Hàn Mặc Tử

Mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử ở KDL Ghềnh Ráng Tiên Sa (Ảnh – cungphuot.info)

Vượt qua đỉnh dốc Mộng Cầm, rẽ vào con đường bậc thang trên đồi thi nhân giữa khuôn viên rừng dương thoáng đãng là nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi mộ được xây cất trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển.Hàn Mặc Tử đã không còn nhưng thơ ông vẫn sẽ mãi ở trong lòng những người yêu thơ. Rất nhiều những thế hệ yêu thơ đã tìm đến với ông, tìm đến Ghềnh Ráng để được tưởng nhớ và bày tỏ lòng ái mộ đối với một hồn thơ tài hoa.

Nhà thờ Ghềnh Ráng

Nhà thờ Đá Ghềnh Ráng có tên đầy đủ là Trung tâm Thánh Thể và Thánh Mẫu Ghềnh Ráng, thuộc giáo phận Quy Nhơn. Theo các tài liệu, nhà thờ Đá được khởi công xây dựng vào ngày 11/02/1963 và khánh thành ngày 15/8/1964, do linh mục Phạm Châu Diên đứng ra xây cất. Sau 40 năm trải qua mưa nắng, gió biển bào mòn, nhà thờ đã có một thời gian xuống cấp, hoang phế. Năm 2005, nhà thờ được tái thiết lại và khánh thành ngày 02/02/2007, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.

Do nằm trên triền dốc nên lối đi vào nhà thờ khá quanh co, tuy vậy du khách vô cùng thích thú khi vừa đi vừa ngắm quang cảnh thiên nhiên tươi mát xung quanh. Không gian xanh với một bên là vách núi dày đặc những leo dây trường xanh, dương xỉ, một bên là bờ biển dài cong vút càng hấp dẫn bước chân du khách nhanh hơn để tiến vào khuôn viên của nhà thờ Đá.

Bãi Trứng

Bãi đá trứng (Ảnh – Nguyễn Đình Thành)

Bãi Trứng hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu (ngày trước mỗi lần ghé Quy Nhơn, Nam Phương hoàng hậu đều đến đây tắm biển) nằm trong khu danh thắng Ghềnh Ráng (rộng 35 ha) cách thành phố Quy Nhơn 3 km về phía Đông – Nam. Bãi tắm này ghi dấu với du khách với vẻ đẹp của cung đường biển uốn lượn, cát trắng, biển xanh và vô số những tảng đá tròn trịa trên bờ.

Ngoài tắm biển, đến đây, bạn có thể tham quan vẻ đẹp của Gềnh Ráng, quần thể sơn thạch chạy sát biển, đá chất chập chùng thành hang, thành rạng, ghé mộ nhà thơ Hàn Mạc Tử, tìm hiểu về Lầu Ông Hoàng hay xuôi ra đảo có có tên Hòn Đất Bi khám phá những hang động kỳ thú.

Bãi biển Quy Hòa

Bãi biển Quy Hòa (Ảnh – cungphuot.info)

Biển Quy Hoà nép mình cạnh trại phong Quy Hoà. Giống như tên gọi, biển Quy Hoà trong lành và êm đềm với những đợt sóng nhỏ, nước trong vắt và những hàng dương xanh ngát đung đưa theo tiếng gió, tiếng chim ríu rít hoà lẫn trong tiếng sóng tạo cảm giác thanh bình và yên ả.

Bãi Xép

Bãi Xép (Ảnh – Scrabulator)

Bãi Xép cách thành phố Quy Nhơn 10km theo đường Quy Nhơn – Sông Cầu và nằm trong khu du lịch sinh thái rừng biển Bãi Xép do một công ty tư nhân khai thác. Ngoài lợi thế của một bãi tắm đẹp, bãi Xép cũng xanh mát với vườn cây ăn quả, rừng dừa, rừng dương, bãi cỏ… khiến bạn có cảm giác đang ở một vùng quê yên tĩnh hơn là vùng biển sóng rì rào vỗ.

Từ bãi Xép, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của dãy Phương Mai, hòn Ngang, hòn Đất và vịnh biển Quy Nhơn xinh đẹp. Nằm trong khu sinh thái rừng biển nên nếu thích mạo hiểm, bạn có thể đi ngược về phía Tây khoảng 1 km, đến suối Vàng, sẽ bắt gặp một vùng thiên nhiên hoang dã với rừng cây, thác nước…

Bãi Dại

Bãi Dại (Ảnh – Bui Dung So)

Sự kết đôi của cung đường biển trong xanh ôm gọn những khối đá co cụm nhiều hình dáng rải rác trên bờ và dưới biển mang đến cho bãi Dại vẻ đẹp thơ mộng và góc cạnh. Vẻ đẹp của bãi Dại có thể làm mềm lòng cả những vị khách khó tính nhất.

Sau khi vùng vẫy thoả thích trong làn nước trong vắt, bạn có thể tìm cho mình bóng râm giữa các khối đá lớn hay đong đưa trên những chiếc võng ở các nhà chòi cạnh biển nghe tiếng sóng, tiếng gió, cả tiếng đàn, sáo vi vu vang lên từ các chòi bên cạnh.

Bãi Bàng

Bãi Bàng (Ảnh – cungphuot.info)

Được bao bọc bởi những dãy núi chạy dài uốn hình cánh cung vươn ra biển và những hòn đảo ngoài khơi, biển Bãi Bàng sạch đẹp, xanh mát, hiền hòa, là nơi tắm biển lý tưởng. Những ngôi nhà sàn nho nhỏ, những chiếc võng đong đưa dưới tán cây xanh, hàng dừa trĩu quả, rặng phi lao lả lơi, những chậu cây kiểng cổ thụ được cắt tỉa công phu… đã góp phần làm nên nét thi vị cho khu du lịch mini này.

Bãi Rạng

Bãi Rạng nhìn từ QL1D (Ảnh – cungphuot.info)

Là một bãi biển nhỏ, nằm sát trên tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, thuộc địa phận Xuân Hải, Sông Cầu, Phú Yên. Bãi Rạng nằm lọt thỏm giữa 2 ghềnh đá nhô ra biển, từ Quốc lộ 1D các bạn có thể nhìn thấy rõ bãi biển này.

Eo Gió

Eo Gió trước kia, thời còn nguyên vẻ hoang sơ tự nhiên mà không hề có sự can thiệp của con người (Ảnh – cungphuot.info)

Eo Gió thuộc thôn Hưng Lương, xã Nhơn Lý, đây là một eo núi hình cánh cung, sườn núi đá cheo leo hiểm trở với độ cao hơn 70m, thuộc dãy Núi Cấm – dãy núi án ngữ phía Đông của xã, nối liền hai thôn Hưng Lương và Xương Lý, chạy dài theo hướng Bắc – Nam.

Eo Gió sau khi một doanh nghiệp du lịch xây dựng đường đi và thu vé với du khách tới tham quan (Ảnh – nguyen.duy_95)

Gọi là Eo Gió, hay Eo Cửa Gió vì đấy là cái hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển. Gió từ biển cả lọt qua hõm núi này như rót vào miệng phễu, thổi lồng lộng khiến người vừa đẫm mồ hôi vì lội cát, đến đây đã chợt thấy se lạnh.

Tịnh xá Ngọc Hòa

Tượng Quan Âm 2 mặt tại Tịnh Xá Ngọc Hòa (Ảnh – cungphuot.info)

Cạnh làng chài dưới chân Eo Gió là một ngôi chùa bề thế mang tên Tịnh Xá Ngọc Hòa, đây là ngôi chùa bề thế, trầm lặng nằm bên Eo gió với tượng Phật bà Quan âm hai mặt lớn nhất Việt Nam hướng ra biển lớn mang theo mong ước bình yên và may mắn của những người dân chài thân thiện nơi đây.

Kỳ Co

Làn nước trong vắt cùng bãi cát trắng trải dài ở Kỳ Có (Ảnh – kimdunglovely)

Kỳ Co thuộc xã Nhơn Lý (nằm trên bán đảo Phương Mai) là một bãi biển nhỏ diện dịch khoảng hơn 1km², với bãi biển nông, lặng sóng và mang vẻ đẹp vô cùng hoang sơ. Đây là địa điểm chưa được đưa vào khai thác du lịch một cách đại trà mà mới chỉ có các hoạt động du lịch tự phát từ người dân để phục vụ nhu cầu du khách.

Xem ưu đãi giá tour Kỳ Co và Hòn Khô của ưu đãi từ klook

Đầm Mai Hương

Đây là một phần nhỏ của đầm Thị Nại nằm dọc Khu Kinh tế Nhơn Hội và dãy núi Phương Mai, giáp với xã Nhơn Hải. Để đến được đầm, từ Tp Quy Nhơn, chạy xe máy đến ngã tư Khu Kinh tế Nhơn Hội – Nhơn Lý, rẽ phải chạy về hướng xã Nhơn Hải, tầm 20 phút là bạn đã đặt chân đến đầm Mai Hương. Đứng trên cao, bạn sẽ bị hút mắt giữa một vùng mây nước bao la, chen lẫn cỏ cây, hoa lá cùng các gành đá men theo mép nước. Xa xa giữa đầm nổi lên một cồn cát trắng trải dài. Tít tắp tận chân trời là cầu Thị Nại vươn mình trên biển tạo thành một bức tranh thiên nhiên tĩnh lặng mà đầy mê hoặc.

Hòn Khô

Hòn Khô là nơi khá thú vị để tham gia các trò chơi với nước (Ảnh – trannga_)

Nằm cách Quy Nhơn khoảng 16km, đảo Hòn Khô như một tấm bình phong khổng lồ che chắn cho làng chài Nhơn Hải. Trong những mùa biển động, Hòn Khô đón những con sóng trùng trùng tung bọt trắng xóa mà trông xa như những đóa hoa biển kỳ ảo, chợt hiện, chợt tan. Mùa biển yên, Hòn Khô lại quyến rũ mời chào du khách với bãi cát dài trắng mịn, với những rạn san hô sặc sỡ, với những bãi cỏ xanh mượt như nhung và lạch nước ngọt nứt từ vách đá. Đến với Hòn Khô, du khách sẽ được thăm làng chài Nhơn Hải, lặn ngắm san hô và thưởng thức những món tươi ngon miền biển.

Biển Hải Giang

Bên tay trái là biển Hải Giang, bên tay phải là biển khu vực đảo Hòn Khô (Ảnh – nicequynhon.com)

Là một ốc đảo nhỏ bé nằm trên bán đảo Nhơn Hải, là một làng chài dân cư thưa nhớt nhưng Hải Giang có địa hình khá độc đáo, nằm giữa núi và biển, cách biệt với thành phố Quy Nhơn bởi những rặng núi thuộc dãy Phương Mai. Để tới đây du lịch, bạn có thể đi bằng thuyền khởi hành từ bến Hàm Tử. Tới Hải Giang bạn có thể leo núi, lặn biển và thưởng thức các món hải sản tươi ngon ngay trên đảo.

Cù Lao Xanh

Đảo Cù Lao Xanh nhìn từ trên cao (Ảnh – Nguyễn Tiến Dũng)

Cù Lao Xanh (đảo Nhơn Châu) còn gọi là đảo Vân Phi là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Trước kia Cù Lao Xanh vốn là đất của tỉnh Phú Yên nhưng được nhập về thành phố Quy Nhơn từ sau năm 1975.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Cù Lao Xanh (Cập nhật 4/2024)

Cầu Thị Nại

Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam trước khi thông cầu Tân Vũ Lạch Huyện ở Hải Phòng (Ảnh – hoadaquy89)

Cầu Thị Nại hay Cầu Nhơn Hội là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 km nối thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai (khu kinh tế Nhơn Hội), gồm cầu chính vượt đầm Thị Nại dài 2,5 km, 5 cầu nhỏ qua sông Hà Thanh và đường dẫn 2 đầu cầu.

Bảo tàng Bình Định

Bảo tàng Bình Định (Ảnh – cungphuot.info)

Bảo tàng Tổng hợp Bình Đinh với diện tích 3.673m2, nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố Quy Nhơn với 5 gian trưng bày trên 1.000 tài liệu, hiện vật đem đến cho người xem cái nhìn vừa khái quát, vừa cụ thể về quê hương con người Bình Định qua các thời kỳ lịch sử; tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác Hồ và đặc biệt là hệ thống tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Champa.

Các gian trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp có 5 gian với 5 chủ đề chính: phòng “Đất nước con người” với 241 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Pháp” với 122 hiện vật, phòng “kháng chiến chống Mỹ” với 233 hiện vật, phòng “văn hóa Chăm” 173 hiện vật, phòng “Bác Hồ với Bình Định – Bình Định với Bác Hồ” 185 hiện vật.

Tháp Đôi

Tháp Đôi nằm ngay trong trung tâm thành phố Quy Nhơn (Ảnh – liendang10)

Trong số các tháp Champa còn lại trên đất Bình Định, có một quần thể di tích khá độc đáo nằm ngay trên địa phận phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Đó là tháp Hưng Thạnh. Đại nam nhất thống chí chép Hưng Thạnh cổ Tháp ở thôn Hưng Thạnh huyện tuy phước có hai Tháp tục gọi là Tháp Đôi. Trong các tác phẩm nghiên cứu, người Pháp gọi đây là Tour Kh’mer vì nhìn gốc độ kiến trúc và nghệ thuật khu tháp này đã tiếp thu không ít ảnh hưởng của nghệ thuật khu tháp này đã tiếp thu không ít ảnh hưởng của nghệ thuật Kh’mer. Xét về phong cách, tháp Đôi có nhiều nét tương đồng với khu tháp Dương Long, đều là những công trình kiến trúc được xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ XIII, khi Champa bị người Kh’mer đô hộ. Di tích hiện còn là hai ngọn tháp không cao lắm nằm cạnh nhau theo trục Bắc – Nam. Tháp Bắc cao chừng 16m, tháp Nam thấp và nhỏ hơn một chút. Có lẽ chính vì vậy nên trong dân gian đã gọi bằng một cái tên giản dị: Tháp Đôi.

Chùa Long Khánh

Toạ lạc ở số 141 Trần Cao Vân, được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Chùa Long Khánh là nơi truyền bá tín ngưỡng Phật giáo trong vùng bấy giờ. Chùa do hoà thượng Đức Sơn (người Trung Quốc) sáng lập. Hiện chùa còn lưu giữ hai vật quý: Thái Bình hồng chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805 triều vua Gia Long. Tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được in vào năm 1813 triều vua Gia Long.

Chùa Sơn Long

Chùa Sơn Long nay thuộc phường Nhơn Bình, cách cầu Trường Úc 700m về hướng đông. Kiến trúc chùa có nhiều thay đổi nhưng khuôn viên chùa vẫn giữ như cũ. Mặt tiền hình cánh cung niễng, mặt hậu đất đá lồi lõm sát vách núi. Tương truyền dưới chân núi phía sau chùa xưa có tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới có một cái lưỡi nhỏ đưa ra ở chính giữa. Tảng đá đó có tên gọi là đá Hàm Long, nay không còn nữa. Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có những mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn.

Đến Sơn Long, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn,cao 3,1 m với chạm khắc hoa văn sau lưng. Bức tượng xác định là của người Chăm tạc từ thế kỷ XIII. Dù dáng vẻ còn khiêm tốn nhưng chùa Sơn Long vẫn dập dìu khách phương xa đến thăm,vãn cảnh,…đặc biệt là vào dịp đầu năm mới.

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (Ảnh – daniel_hunje_shin)

Nhà thờ chính tòa Quy Nhơn (còn có danh hiệu Đức Mẹ Lên Trời và còn có tên khác là nhà thờ Nhọn) tọa lạc tại 122 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Nhà thờ có khuôn viên khá rộng và được trồng nhiều cây xanh…

Núi Xuân Vân

Núi Xuân Vân là 1 trong 3 điểm cao hấp dẫn nhất ở Quy Nhơn. Núi cao 242 m so với mực nước biển. Đường lên núi do dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Giáo xứ Phanxico Quy Hòa) xây dựng từ những năm 50 – 60 của thế kỷ trước để tín đồ lên cầu nguyện.

Xuất phát từ khu du lịch Ghềnh Ráng, men theo triền núi hướng sang Quy Hòa, độ 2 km nhìn về phía bên phải ta sẽ thấy một con đường nhỏ, trải xi măng, đó chính là chân núi Xuân Vân. Lối đi lên núi Xuân Vân là những bậc thang đá và xi măng, đường núi khá hẹp, chia thành từng chặng rõ ràng với 14 chặng được đánh số gắn đá với hơn 2.000 bậc. Dễ vì có bậc bước chân, nhưng cái khó của Xuân Vân là độ dốc lớn, chênh lệch độ cao 180 m từ chân lên đỉnh núi, khoảng cách giữa các bậc bước chân lại cao. Nên ai mới đi lần đầu sẽ cảm thấy rất mệt, nhất là ở 3 chặng đầu tiên.

Trên đỉnh núi có một khoảng không gian khá rộng, bằng phẳng, có nhiều tán cây tỏa bóng mát. Gần vùng đỉnh là những vạt sim mênh mông, tầm tháng bảy, tháng tám bạn nên lên đây nghe hương sim tỏa lan bát ngát. Trên đỉnh Xuân Vân có nhiều góc máy để bạn tha hồ chụp những bức ảnh đẹp về toàn cảnh Quy Nhơn.

Một vài địa điểm đẹp khác ở Bình Định

Hệ thống các tháp Chăm cổ

Những tháp Chăm ở Bình Định mang nhiều yếu tố đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa. Nếu như ở các địa phương khác, dấu ấn Chămpa chỉ còn là phế tích thì việc rất nhiều tháp Chăm ở Bình Định vẫn còn gần như nguyên vẹn…

Thiên Hưng Tự

Chùa Thiên Hưng (Ảnh – Tư Đỗ)

Thiên Hưng Tự được xây dựng trên địa bàn thuộc phường Nhơn Hưng, hướng chính điện nhìn ra cánh đồng lúa, xung quanh có hào nước bao bọc; là một trong những ngôi chùa đặc biệt và nổi tiếng bậc nhất tỉnh Bình Định. Không cổ kính, không nằm ở vị trí có “hình sông thế núi” tuyệt vời nhất nhưng chùa Thiên Hưng đã trở thành điểm thu hút rất nhiều du khách khi đến Bình Định vì là nơi cất giữ viên ngọc Xá lợi Phật thứ 5 được Giáo hội Phật giáo Myanmar trao tặng cho Việt Nam.

Khu dã ngoại Trung Lương

Trung Lương là địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để tổ chức các hoạt động dã ngoại, cắm trại (Ảnh – thuhieu90)

Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km, nằm ở phía Đông đường ĐT 639 thuộc thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (phía bên bán đảo Phương Mai, không phải phía sân bay). Đây là một trong những khu du lịch trọng điểm ở Bình Định. Biển ở đây trong veo và xanh ngắt như chính màu trời, màu núi, màu của những bao la ở một vùng đất còn rất nhiều điều bí ẩn để khám phá.

Điểm mới mẻ nhất của khu dã ngoại Trung Lương chính là nơi vui chơi, cắm trại những mái lều xanh đỏ nhấp nhô, hay những hàng ghế nghỉ đủ màu với tầm mắt hướng ngay về phía biển. Nắng vàng, cỏ xanh, xung quanh là những tảng đá vôi lớn và thứ không khí trong lành thổi về từ vùng đất vốn đã ít bon chen, hối hả đảm bảo sẽ khiến bạn chỉ muốn dừng chân tại đây hàng tiếng đồng hồ.

Chùa Ông Núi

Những bậc thang dẫn lên chùa (Ảnh – hoadaquy89)

Người dân Bình Định vẫn gọi chùa Linh Phong là chùa Ông Núi (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến). Theo tài liệu của chùa biên soạn năm 2001, chùa do ông Tổ Giám Huyền và đệ tử Tánh Bang (Lê Ban) sáng lập năm Giáp Tý (1684) niên hiệu Chánh Hoà thứ 5 thời vua Lê Hy Tông (theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì chùa thành lập năm 1702 niên hiệu Chánh Hoà thứ 11). Thầy trò “tu thiền quán nơi hang đá. Trước mặt có một suối nước từ chóp núi đổ xuống, nên hang đá mang tên “Dũng tuyền thạch cốc” (hang đá nước xối mạnh). Sau đó thầy Giám Huyền giao lại cho đệ tử Lê Ban để đi vào phía Nam tu hành.

Khoảng năm 1967, chùa bị bom đạn chiến tranh xóa sạch. Đến năm 1990, chùa mới bắt đầu được xây cất lại. Mái cổ lầu, lợp ngói ống, trên nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, nạm sứ. Đôi cột trước điện hình song long cuộn. Tượng Phật cao 2,5m, đại hồng chung nặng 1,2 tấn, đều mới đúc tại chỗ bởi các nghệ nhân từ Huế và công việc tái thiết chùa diễn ra liên tục đến năm 2004 mới hoàn thành như ngày nay.

Tiểu chủng viện Lòng Sông

Tiểu chủng viện Lòng Sông như một kiến trúc Châu Âu cổ giữa lòng Bình Định (Ảnh – mymeolazy)

Tiểu Chủng Viện Lòng Sông hay nhà thờ Lòng Sông là một kiến trúc cổ vừa mang vẻ trầm mặc linh thiêng của một công trình tôn giáo vừa có sự dung hòa giữa thiên nhiên – con người và kiến trúc độc đáo đã tạo nên một tổng thể toàn vẹn nhất.

Thắng cảnh Hầm Hô

Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (Ảnh – briessss)

Là một khúc sông dài gần 3km chảy qua các khu rừng già với những tảng đá lớn muôn hình muôn vẻ trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50km về phía Tây Bắc. Nơi đây có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những khối đá dựng thành vách, rừng cây rợp bóng mát che phủ dòng nước và tận hưởng những tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông.

Xem ưu đãi giá tour Hầm Hô, Bảo tàng Quang Trung của ưu đãi từ klook

Đến đây bạn có thể thuê xuồng tham quan thắng cảnh dọc sông, đây cũng là nơi khắc sâu lịch sử của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn cũng như các nghĩa binh của Mai Xuân Thưởng.

Chơi gì ở Quy Nhơn

Khu du lịch Seagate Park

Seagate Park nằm ngay bờ Bắc đầu cầu Thị Nại, cách trung tâm TP Quy Nhơn trên 7 km. Đây là một công viên đậm chất thiên nhiên hoang dã, với cảnh quan đồi núi, rừng, biển, có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí được thiết kế phù hợp mọi lứa tuổi. Du khách có thể vào Seagate Park vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cả ngày. Có nhiều trò chơi mới lạ dành cho giới thanh niên, như leo núi nhân tạo với độ cao 20 m, tập làm cung thủ với các cự ly phù hợp, chèo thuyền kayak, đu dây qua hồ nước… Trẻ em chơi sàn nhún, cầu tuột, đua xe đạp mini… Người lớn tuổi có thể đi dạo trong một không gian trong lành tuyệt đối, với tiếng gió rì rào qua rừng dương xanh ngút ngàn, tiếng chim hót véo von; và nghỉ chân trò chuyện dưới bóng mát cổ thụ, bên những tiểu cảnh nghệ thuật rất đẹp. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để tổ chức hoạt động teambuilding (sinh hoạt tập thể, các trò chơi vận động làm cầu nối giúp mọi người gắn kết cùng thực hiện nhiệm vụ tốt hơn…).

Lặn ngắm san hô

Các bạn có thể lặn ngắm san hô ở khu vực Hòn Khô hoặc Kỳ Co. Bãi biển ở 2 nơi này đều xanh và rất trong, chỉ cần một chiếc kính lặn nhỏ hoặc một bộ đồ lặn chuyên dụng các bạn có thể tha hồ ngắm những rạn san hô với vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo.

Ngồi cafe ven biển

Nếu là một người yêu thích cafe view đẹp, bạn chắc sẽ không nên bỏ lỡ việc vừa ngồi cafe vừa ngắm biển khi đến với Quy Nhơn. Nổi tiếng nhất là Surf Bar nằm ngay trên bãi cát của bãi biển Quy Nhơn, tiếp đến là S Blue nằm tại quảng trường trung tâm thành phố, xa hơn một chút là Life’a Beach, một khách sạn nhỏ nằm trên trục đường biển Quy Nhơn – Sông Cầu.

Các món ăn ngon ở Quy Nhơn

Bánh xèo tôm nhảy

Bánh xèo tôm nhảy rau mầm là món phải thử khi đến Quy Nhơn (Ảnh – cungphuot.info)

Thú vị ngay từ tên gọi, bánh xèo tôm nhảy từ lâu đã trở thành một món ăn nổi tiếng và mang hương vị riêng của quê hương Bình Định. Điều hấp dẫn nhất đối với những người đầu tiên thưởng thức món ăn này, đó là nhân bánh chỉ gồm có tôm, mỗi chiếc bánh có chừng 8-9 con tôm tròn mẩy, chín đỏ au nằm xen lẫn với giá đỗ khiến cho mặt bánh vô cùng lôi cuốn và hấp dẫn. Loại tôm này nhỏ, nhưng thịt chắc và thơm, khi ăn vào sẽ thấy ngọt bùi đến lạ.

Để chiếc bánh được thơm ngon, giòn đều, người ta thường chiên trên bếp đang rực hồng, dùng miếng mỡ chài xoa đều một lớp mỏng lên mặt chảo, khi lớp mỡ nóng già mới đổ bột bánh vào, nhanh tay cho tôm và rắc vài mầm giá đỗ, hành lá xắt khúc rải lên trên cho thêm phần hấp dẫn. Chỉ chừng 3 phút sau, bánh đã tỏa mùi hương thơm lựng đầy mời gọi. Đến khi mặt dưới của chiếc bánh vàng giòn, viền bánh co lại và giá đỗ tái đi là có thể đem ra dùng nóng.

Món này thường ăn kèm với rau mầm cho bớt ngán. Loại rau xanh mươn mướt ấy ăn hơi the cay nhưng rất mát và bổ, cùng với xoài chua thái sợi và vài thứ rau sống khác. Khi ăn, tất cả được cuộn trong miếng bánh tráng chấm mắm tỏi ớt nữa mới đúng điệu.

Bạn có thể thưởng thức bánh xèo tôm nhảy ngon ở quán Gia Vĩ, số 14 Diên Hồng, Tp Quy Nhơn

Bún chả cá

Bún chả cá Bình Định (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là món đặc sản nổi tiếng nhất ở thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn. Điểm làm nên sự khác biệt so với bún chả cá ở những địa phương khác chính là chả cá và nước dùng. Chả cá ở đây được chế biến hoàn toàn từ cá tươi với nhiều gia vị được nêm nếm kĩ lưỡng theo phương thức gia truyền. Nước dùng chủ yếu được nấu từ xương cá, đầu cá tạo ra vị ngọt dễ chịu, khó quên. Ăn kèm với bún chả cá là chén tương ớt đặc trưng được pha chế chỉ Bình Định mới có.

Bánh hỏi lòng heo

Bánh hỏi lòng heo là món ăn khá phổ biến vào buổi sáng (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, là một món ăn không thể thiếu mỗi buổi sáng của người dân Bình Định. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm bún nhưng sợi bánh thanh mảnh hơn. Ản kèm với bánh hỏi là lòng và thịt heo thái miếng, bên cạnh là một chén cháo nóng hổi cùng nước mắm tỏi ớt pha hơi ngọt để phù hợp với khẩu vị của người miền Trung.

Các món ăn từ sứa

Bún sứa Quy Nhơn (Ảnh – Bích Tuyền Phan Diệp)

Nếu bạn sành ăn thì khi đến Quy Nhơn phải thưởng thức ngay các món ăn từ sứa như: bún cá sứa, sứa nước lèo, gỏi sứa … Sứa ở đây là loại sứa trắng xanh vớt từ đầm Thị Nại, làm sạch. Với gỏi sứa phải có chuối chát, xoài xanh, rau mùi các loại, đậu phộng, dừa sợi, mắm ớt tỏi cay nồng trộn với nhau. Miếng sứa mát lạnh, giòn sực với đầy đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, thơm mùi đậu phộng, béo của dừa sợi ấy ăn kèm bánh tráng mè thì chỉ có mà thèm mãi không thôi.

Gà chỉ xôi cháy

Tên gọi gà chỉ xuất phát từ cách phục vụ món này, chỉ con gà nào sẽ làm con gà đấy (Ảnh – cungphuot.info)

Từ thành phố Quy Nhơn, dọc theo quốc lộ 1A (tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu) nếu để ý các bạn sẽ thấy 2 bên đường có rất nhiều các quán gà mọc lên. Đây chính là thung lũng gà chỉ, một món ăn không lạ nhưng là một trong những món nên thử khi du lịch Quy Nhơn. Gọi là gà chỉ, đơn giản bởi khi tới quán, khách sẽ lựa chọn những chú gà đã được nhốt sẵn trong chuồng để quán chế biến, chỉ chú nào thì thịt chú đó, cái tên gà chỉ cũng từ đó mà ra.

Gà có thể được chế biến theo nhiều cách như nướng, chiên mắm, luộc hay hấp, tất cả phụ thuộc vào sở thích của thực khách đến với quán. Phần xôi cháy cũng được nấu khá cầu kỳ sao cho lớp vỏ nóng giòn nhưng bên trong có phần tơi ra.

Ngay trong thành phố Quy Nhơn (gần khu Ghềnh Ráng Tiên Sa) có quán gà chỉ Sáu Cao thấy khá nổi tiếng và đông khách, ngoài ra nếu ban ngày có thời gian chạy dọc tuyến Quy Nhơn Sông Cầu thì vô số quán gà chỉ cho bạn lựa chọn (Đường Sơn Quán).

Bún tôm Châu Trúc

Bún tôm Châu Trúc (Ảnh – Phương Thảo)

Làng Châu Trúc nằm quay mặt ra bờ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ) là một trong những đầm nước ngọt lớn nhất tỉnh. Người dân làng Châu Trúc sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này và tâm hồn người Châu Trúc đã tạo nên một món ăn thú vị, thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động. Đó là món bún tôm Châu Trúc. Đầu tiên phải kể đến khâu làm bún. Gạo được ngâm vào nước cho mềm rồi mang đi xay. Nước bột gạo được cho vào túi vải đăng ráo nước, sau đó đưa bột vào cối giã nhuyễn. Mỗi cối bột là một dặn. Dặn (khuôn) ép bún được làm bằng ống nhôm, một đầu để trống, một đầu hàn kín, đáy xăm lỗ li ti để khi ép, bún từ đó mà chạy ra. Thân dặn được lắp vào bàn ép đặt cố định trên nồi nước luộc bún bắc trên bếp lò. Người bán bún ép bún từ dặn, bún chạy thẳng vào nồi nước luộc. Nước sôi, cọng bún gạo từ màu trắng đục chuyển sang màu trắng trong là coi như bún chín, dùng rá vớt bún, xóc sơ qua trong nước nguội là coi như xong phần bún.

Tôm dùng làm bún phải là những con tôm đất được đánh bắt từ đầm Châu Trúc, hãy còn sống, nhảy tanh tách, bỏ vào cối giã nhuyễn cùng với tí muối, tí ớt… Khi có người đến ăn bún, người bán dùng đũa gẩy một đũa thịt tôm cho vào bát, cho chút bột ngọt, nước mắm, múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát khuấy đều, sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, vẩy chút tiêu. Tô bún nghi ngút khói, toả hương thơm dìu dịu, lại có thêm một cái bánh tráng nướng giòn, ăn vào thấy cay cay, vừa ngon, vừa ngọt, trong lành mà đậm đà hương vị.

Bún rạm Phù Mỹ

Bún rạm Phù Mỹ (Ảnh – Thảo Tây)

Là một trong những món ăn dân dã nổi tiếng của Bình Định nhờ sự hòa quyện giữa những sợi bún tươi với nước rạm đậm đà, giàu hương vị.

Con rạm nhỏ hơn cua đồng với lớp vỏ cứng, mình dẹt, nhiều gạch, thịt ngọt và béo. Để làm món này, rạm phải chọn loại ở đầm Trà Ổ mới có vị ngọt, thơm khác biệt. Thường những người sành ăn sẽ chọn những con rạm cái vì vỏ mềm, nhiều gạch, càng to, thịt chắc. Rạm được ngâm cho sạch đất rồi rửa lại, xay nhuyễn, lọc nước như cách làm cua, nêm nếm gia vị rồi đem đun lên trên bếp lửa liu riu. Hành khô xắt nhỏ được phi thơm cùng mỡ hay dầu ăn rồi đổ vào nước rạm cho dậy vị thơm. Khi sôi, nước rạm sẽ sánh lại và nổi những váng thịt, váng mỡ đặc cả nồi nước.

Lịch trình du lịch Quy Nhơn

Khu du lịch Ghềnh Ráng Tiên Sa nhìn từ ngoài biển (Ảnh – gaau__)

Quy Nhơn, Bình Định có khá nhiều điểm vui chơi tuy nhiên những địa điểm này thường khá xa trung tâm Tp Quy Nhơn nên nếu không có em nhỏ đi cùng các bạn chủ động thuê xe máy để đi lại cho trẻ nhé. Cùng Phượt xin chia sẻ với các bạn một vài lịch trình gói gọn theo từng ngày như sau (tuỳ vào thời gian bạn ở lại, bạn có thể chủ động cắt bớt bất cứ ngày nào để phù hợp với mình nhé)

Quy Nhơn – Sông Cầu – Tây Sơn

Ngày 1: Quy Nhơn – Eo Gió – Kỳ Co – Nhơn Hải

– Từ Tp Quy Nhơn các bạn đi theo hướng đường Trần Hưng Đạo rồi rẽ qua cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
– Sang bên cầu các bạn rẽ trái theo hướng đi Nhơn Lý. Tới đây lên Eo Gió chụp ảnh, kế bên có Tịnh xá Ngọc Hoà với tượng bồ tát 2 mặt.
– Mua tour ra Kỳ Co, tắm biển và ăn trưa ở đó
– Đầu giờ chiều tàu đưa các bạn về lại Nhơn Lý
– Từ Nhơn Lý quay ngược lại theo hướng cầu Thị Nại, theo biển đi Nhơn Hải ra chơi Hòn Khô. Đoạn đường từ cầu vào Nhơn Hải các bạn sẽ đi xuyên qua đầm Phương Mai, cảnh sắc khá đẹp.
– Ở Nhơn Hải cũng có các tàu du lịch chờ sẵn để đưa bạn ra ngoài Hòn Khô, tiếp tục tắm biển lặn ngắm san hô. Chiều ở lại đón hoàng hôn và ăn tối ngay tại đây.
– Tối muộn từ Nhơn Hải quay ngược lại về Tp Quy Nhơn nghỉ ngơi.
– Tối có thể ra bãi biển ngồi ở Bar Surf, hóng gió biển và nghe nhạc.

Ngày 2: Khám phá Tp Quy Nhơn, chạy dọc tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu

– Sáng sớm dậy ăn sáng, thưởng thức món ăn quen thuộc của người dân nơi đây là Bánh hỏi Cháo Lòng, làm một vài ly cafe.
– Các bạn nên bớt chút thời gian ghé thăm bảo tàng Bình Định, cũng ngay trong thành phố thôi. Mất khoảng 30 phút là đủ để hiểu sơ qua về văn hoá, con người mảnh đất võ nơi đây. Vào cửa hoàn toàn miễn phí nhé.
– Chạy dọc tuyến đường ven biển Xuân Diệu, rẽ theo hướng trường Đại học Quy Nhơn là bạn sẽ đến khu du lịch Ghềnh Ráng, Tiên Sa. Ở đây có thể xuống Bãi đá trứng (bãi Hoàng hậu), khu mộ và khu lưu niệm Hàn Mạc Tử…
– Tiếp tục đi theo tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu các bạn sẽ lần lượt đi qua hết các bãi biển đẹp của Bình Định như: biển Quy Hoà, bãi Xép, bãi Nhổm … và điểm cuối là Thị xã Sông Cầu.
– Ngày này chủ yếu lang thang nên các bạn cứ chuẩn bị ít đồ ăn nhẹ, nước uống rồi tới các bãi biển thì nhảy xuống thôi.
– Chiều quay về ghé Đường Sơn Quán thưởng thức gà chỉ và xôi cháy, một món ăn cũng được khá nhiều người gợi ý.

Ngày 3: Quy Nhơn – Tuy Phước – An Nhơn – Tây Sơn

– Ngày 2 này các bạn sẽ đi thành một vòng tròn. Khoảng 8h sáng bắt đầu khởi hành là vừa vì ngày này lịch trình khá dài.
– Từ Tp Quy Nhơn tiếp tục theo đường Trần Hưng Đạo, dừng lại ở Tháp Đôi tìm hiểu một chút rồi lại tiếp tục đi theo đường này.
– Đi thẳng sang đường Nguyễn Huệ của Thị trấn Tuy Phước tới ngã tư cầu Bà Di, nhìn bên tay phải các bạn sẽ thấy Tháp Bánh Ít, rẽ vào và dành khoảng 30 phút khám phá nhé.
– Tiếp tục đi về phía Tx An Nhơn, các bạn đi vào đường Ngô Đức Đệ và đi thẳng là đường 636B, trên đường đi các bạn sẽ qua làng rượu Bầu Đá
– Tiếp tục đi theo bản đồ về tháp Dương Long.
– Rời tháp Dương Long đi về phía trung tâm huyện Tây Sơn, ghé bảo tàng Quang Trung
– Từ đây còn khoảng 8km nữa có thể đến được khu du lịch Hầm Hô, nếu còn sớm thì các bạn có thể tranh thủ khám phá, nếu không thì có thể bỏ qua.
– Tây Sơn về đến tp Quy Nhơn khoảng 40km, các bạn đi theo quốc lộ 19 là có thể về, không cần quay lại đường cũ.

Khám phá Cù Lao Xanh 2 ngày

Ngày 1:

Tàu đi Cù Lao Xanh (Nhơn Châu) khởi hành lúc 8h nên các bạn nhớ có mặt sớm tại cảng Hàm Tử. Khoảng 9h30 tàu đến Cù Lao Xanh, các bạn cất hành lý tại địa điểm đã đặt trước

Đi tắm biển, lặn ngắm san hô. Ăn trưa

Chiều tiếp tục khám phá các địa điểm khác trên đảo như Hải đăng, cột cờ Tổ quốc….Ăn tối

Nếu đi đông và có mang theo lều, các bạn có thể tìm nơi để tổ chức tiệc nướng BBQ

Ngày 2: 

Sáng dậy sớm ngắm bình minh rồi loanh quanh khu vực cầu càng xem thu hoạch cá. Ăn sáng rồi lên tàu quay trở lại Quy Nhơn.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Quy Nhơn 2024
  • du lịch Quy Nhơn tháng 4
  • tháng 4 Quy Nhơn có gì đẹp
  • review Quy Nhơn
  • hướng dẫn đi Quy Nhơn tự túc
  • ăn gì ở Quy Nhơn
  • phượt Quy Nhơn bằng xe máy
  • Quy Nhơn ở đâu
  • đường đi tới Quy Nhơn
  • chơi gì ở Quy Nhơn
  • đi Quy Nhơn mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Quy Nhơn
  • homestay giá rẻ Quy Nhơn

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 4 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quy Nhơn

QUY NHƠN

Vị trí Quy Nhơn trên bản đồ Việt Nam

Quy Nhơn là thành phố ven biển miền Trung Việt Nam và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Bờ biển Quy Nhơn dài 72 km, diện tích đầm, hồ nước lợ lớn, tài nguyên sinh vật biển phong phú, có nhiều loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao. Các ngành kinh tế chính của thành phố gồm công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, nuôi và khai thác thuỷ hải sản, du lịch.

Bạn có biết: Trước khi thuộc về Việt Nam, Quy Nhơn từng là đất của người Champa nên xung quanh thành phố hiện vẫn tồn tại nhiều di tích Chăm.

  • Vùng:  Nam Trung Bộ
  • Tỉnh: Bình Định
  • Diện tích: 280 km2
  • Dân số: 457,400 người
  • Phân chia hành chính: 16 phường và 5 xã