Nam Du, ngày biển xanh gọi nắng

Nam Du, ngày biển xanh gọi nắng

Cùng Phượt – Có lẽ chuyến đi thăm thú Đà Lạt mấy ngày Tết quá vội vàng nên chưa đủ ép phê để tôi bớt đi cái niềm ham muốn được du hí đây đó trước khi trở về với những ngày ảm đạm sau tết. Thế nên Nam Du là cái tên đầu tiên lóe lên trong đầu tôi và chúng tôi quyết định đi ngay trong vòng ba nốt nhạc. Không phải dân phượt, cũng không có kế hoạch bài bản gì, dù cho vô tình hay cố ý thì chuyến đi nào cũng biến tôi trở thành một traveler tưng tửng với phương châm ‘cứ đi được thì đi, đã bỏ lỡ quá nhiều dịp rồi’. Sau đây cũng xin được chia sẻ với những bạn có ý định thăm thú Nam Du vài dòng cảm nhận và kinh nghiệm khi đến vùng đất này.

Nam Du là một quần đảo nhỏ bé xinh đẹp chỉ cách nhà tôi có hơn 80km. Thật đáng tiếc nếu là người Kiên Giang mà bạn chưa từng đặt chân đến một hòn đảo nào nơi đây. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Kiên Giang hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ có thể chia làm 5 quần đảo lớn là An Thới, Nam Du, Bà Lụa, Hải Tặc và Thổ Chu. Trong đó Phú Quốc – An Thới là nơi có đông đảo khách du lịch nhất, Thổ Chu thì là quần đảo xa nhất và làm tôi tò mò nhất cách Tp. Rạch Giá tận 6 giờ đi trên biển và do có căn cứ quân sự trên đảo nên không cho du khách nước ngoài đến và rất hạn chế khai thác du lịch.

Nam Du – cái tên thậm chí còn xa lạ với con nhà nòi ngành hàng hải như tôi dạo trước và mới chỉ hot lên như một thiên đường cho dân phượt những năm gần đây. Nam Du trên lý thuyết thì gồm đến 21 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng nếu đến để du lịch thì người ta thường chỉ đi Hòn lớn, hòn Ngang và hòn Mấu mà thôi.

Để đến với Nam Du cách duy nhất là bạn chỉ có thể đi bằng đường biển. Đối với những bạn ở xa như Sài Gòn thì nên plan đi Nam Du 3 ngày 2 đêm vì đường khá xa lại đi gấp quá sẽ khiến chuyến đi của bạn mệt mỏi, bớt thú vị. Bạn có thể đi máy bay từ Sài Gòn về Rạch Giá hoặc đi xe khách của các hãng như Phương Trang, Tuyết Hon, Việt Đức… Các bạn có thể đi chuyến Sài Gòn – Rạch Giá lúc 11h tối để sau 6 tiếng là đến bến xe khách tỉnh Kiên Giang, đi xe trung chuyển đến bến tàu, nghỉ ngơi ở nhà chờ đợi và tranh thủ nạp năng lượng để lên tàu.

Tàu đi Nam Du thì bạn nên chọn hãng tàu cao tốc Superdong, đây là hãng đã nổi tiếng về chất lượng và uy tín nhất ở Kiên Giang. Bạn có thể đặt vé trước qua hotline hoặc đến trực tiếp phòng vé của công ty như sau:

  • Phòng vé tại Tp.Rạch Giá: 14 Tự Do, P. Vĩnh Thanh TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Phone: (0297) 3 877 742.
  • Phòng vé Nam Du: bến tàu Nam Du. Phone: 0914 877 743.

Dĩ nhiên trong trường hợp hết vé bạn phải chọn tàu Ngọc Thành. Và các dịch vụ tour cũng thường đặt sẵn cho bạn vé của các tàu này. Giá vé tàu Ngọc Thành là 205k nhưng chạy chậm hơn Superdong gần 20 phút và khách đi tàu này hơi bát nháo, không được vệ sinh lắm. Nên nhiều du khách đi tour đã chọn cách tự mua vé Superdong và công ty du lịch sẽ trừ số tiền vé tàu này ra. Con tàu là chương đầu của chuyến phiêu lưu, hãy cân nhắc lựa chọn sao cho phù hợp với lịch trình của bạn.

Đi tàu biển là một trải nghiệm tuyệt vời đối với du khách quốc tế nhưng lại là nightmare với người Việt Nam vì dân chúng ta hầu hết đều căn bệnh khó hiểu ‘say tàu xe’. Kinh nghiệm của mình để giảm say tàu xe thì bạn không nên ăn uống quá no, ăn thức ăn chua hoặc nhiều dầu mỡ trước khi khởi hành. Nên uống sẵn thuốc chống ói, mua snack để nhâm nhi và trong thời gian tàu chạy hãy thư giãn bằng cách nghe nhạc bằng earphones để giảm ù tai và cảm giác nôn nao khi xuống tàu. Các bạn nữ ‘mong manh càng đào’ và phụ nữ trung niên là những đối tượng hay nôn nhiều nhất nhưng xin hãy yên tâm vì nhân viên tàu rất chu đáo sẽ phát luôn cả bao nilon cho mọi người. Mách nước kế cuối cùng dành cho mấy bạn sức khoẻ yếu nhưng khao khát phiêu lưu quá cháy bỏng là nên đặt vé ngồi ở tầng dưới, khoang giữa để giảm tối đa độ lắc lư khi gặp sóng của tàu.

Khi tàu đã đến vùng biển nước bắt đầu xanh bạn có thể di chuyển lên boong tàu ngồi để ngắm biển, cũng phải xí chỗ cho sớm vì boong là nơi du khách thoải mái lên hút thuốc và selfie, tuyệt đối không nên đùa giỡn quá mức để đảm bảo an toàn.

Vì là những hành khách đặc biệt nên chúng tôi được phép vào cabin của thuyền trưởng ngồi. Trò chuyện với mấy chú thuỷ thủ đoàn đã trở nên quá quen thuộc với tôi. Hôm ấy, gió trên cấp 5 nên biển cũng hơi ẩm ương vẫy sóng. Nhìn từ cửa sổ cabin, những con sóng trắng li ti nhấp nhô trên biển ấy lại ẩn chứa một sức mạnh đáng ngờ làm tàu lắc lư như con búp bê lật đật. Chú thuyền trưởng với đôi mắt tinh tường và kinh nghiệm dày dặn như có thể nhìn xa cả dặm hải lý, phát hiện ngay mấy chiếc tàu gỗ nhỏ xíu đang thả lưới đánh cá, nếu lơ là đi vào vùng lướt đánh cá ấy hậu quả thật khó lường. Tàu lướt qua hòn tre và dừng lại ở Hòn Sơn vài phút để thả khách xuống bến.

Hòn Sơn hay còn gọi là Hòn Lại Sơn hoặc Hòn Rái, cũng thuộc quần đảo Nam Du nhưng cách 30 phút đi tàu. Tôi cũng đã có lần được thăm thú Hòn Sơn vài năm trước, dân ở đảo này chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản và sản xuất nước mắm. Ở Kiên Giang, nước mắm được phân thành nhiều loại theo tên vùng miền. Nước mắm Phú Quốc thì phải được chưng cất từ cá cơm ở Phú Quốc, dùng loại gỗ bời lời mọc ở rừng Phú Quốc làm thùng đựng; nước mắm Hòn dùng để chỉ nước mắm làm từ các hòn đảo nhỏ khác, loại này rẻ hơn nước mắm PQ một tí; ngoài ra còn có nước mắm được làm ở Rạch Giá như hãng nước mắm Thiên Hương. Trong đó nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là nước mắm Phú Quốc. Dạo này social media có vẻ như đang trong cơn khát tìm kiếm những hòn đảo thiên đường trên khắp VN hay sao nên tôi cũng có thấy Hòn Sơn được dân phượt quan tâm khá nhiều. Ý kiến cá nhân tôi cho rằng đi thăm thú Hòn Sơn thì cũng khá thú vị, nhưng chưa đến nổi phải gọi là ‘thiên đường’ vì đảo này các bãi tắm rất nhiều đá, nước biển lại không xanh bằng các hòn xa hơn. Điểm đặc biệt ở Hòn Sơn là có nhiều người cho nổ mìn để khai thác đá, dân bản địa hay dẫn nước suối trên núi về sinh hoạt nên cực kì mát lạnh và rất sạch, trên đảo còn có cung đường đi xuyên qua núi.

2 tiếng trôi qua rất nhanh, tàu sẽ cập bến ở Hòn Lớn, biển xanh, những con thuyền và ngư dân đang phơi cá hiện ra trước mắt bạn hứa hẹn một chuyến đi thú vị, khó quên. Vừa bước xuống tàu đã thấy rất nhiều gánh hàng rong, dân ta lát đát vài người Tây lũ lượt kéo nhau vào đảo. Lưu ý rằng ở Nam Du và những hòn đảo hoang sơ khác nói chung, điện, nước ngọt và xăng dầu là những thứ rất xa xỉ. Bạn tuyệt nhiên sẽ không nhìn thấy một chiếc xe hơi nào ở đây, xe tay ga cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, một số nhà nghỉ đã trang bị máy phát điện và máy lạnh, wifi cho du khách thoải mái hơn và an tâm là vẫn có thể sạc pin dù mỗi ngày đều bị cắt điện. Giá phòng trọ dao động từ 150k-400k. Bạn nên chọn những nhà nghỉ ở bên trái lối vào khu dân cư, vì sân sau nhà sẽ có hướng nhìn ra biển, ngắm mặt trời mọc và lặn trên biển cũng là một thú vui. Có nhìn những người dân bản địa chắc chiu từng giọt nước ngọt mới thấy mình may mắn đến nhường nào. Cho nên bạn hãy cảm thông nếu thấy một cái ly rửa bằng nước bơm vẫn còn đóng phèn, tốt nhất là khi ăn quán cần đem theo thật nhiều nước suối đóng chai. Chú ý khi di chuyển bằng xe máy trên đảo, phải tuân thủ đội mũ bảo hiểm.

Một số homestay tốt ở Nam Du

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Nam Du View
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0963145342
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Sky & Sea Nam Du
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0946110527
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Homestay Nam Du Xanh
Địa chỉ: Ấp An Cư, Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0947681102
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Hải Thuý
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0858177709
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà Nghỉ Tuấn Thảo
Địa chỉ: Đảo Nam Du, An Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 094 483 23 53
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Tôi không muốn mô tả Nam Du như một Malpes Vietnam hay thiên đường như báo chí đã ca ngợi vì cơ bản ‘thiên đường’ trong định nghĩa của mỗi người không giống nhau. Đi Nam Du rất cực và không hợp với các bạn quen đi resort cao cấp, có những lúc hạn hán thiếu nước ngọt thì việc tắm rửa cũng rất khó khăn, dân trên đảo sống vất vả quanh năm, dân trí vẫn còn hạn chế, thức ăn thì có hải sản tươi nhưng trình nấu không ngon và đa dạng như Phú Quốc (có lẽ mình hơi khó tính và không mấy khoái hải sản). Đi dọc những con đường nhỏ xíu như ngõ hẻm, hai bên bày bán những thứ đồ chơi mà giờ chỉ còn trong ký ức của mấy đứa trẻ thế hệ 8 – 9X, những đứa nhỏ da đen nhẻm màu của biển mặn rối rít kéo nhau đi học. Không cần hỏi thì cũng biết những hòn đảo nhỏ như Nam Du chỉ có độc nhất một ngôi trường tiểu học, nếu muốn học lên tiếp thì phải ra Phú Quốc hay đất liền. Tôi tự hỏi tại sao có những nơi đời sống dân chúng còn quá cơ cực, trẻ em không có cơ hội học hành mà quan chức chỉ lo xây dựng những đền đài, tháp truyền hình hàng tỷ đô làm gì.

Nghỉ ngơi, xếp đồ đạc vào phòng trọ rồi bạn hỏi người dân mướn xe máy và đường ra bến tàu để đi Hòn Mấu. Khi mướn tàu gỗ để đi bạn nên chọn tàu lớn cho an toàn nhất là khi biển động, tuyệt đối không nên đi tàu nhỏ những ngày gió cấp 5, cấp 6. Nếu đoàn của bạn muốn bao cả con tàu thì giá rất đắt, thường là trên 3 triệu nên tốt nhất hãy đi ghép với nhiều đoàn cho vui. Lúc tàu chạy đến gần bãi đá đen Hòn Mấu, bạn sẽ phải xuống thuyền nhỏ để đi vào bờ, tàu lớn vào sẽ mắc cạn. Giá vé là 10k/1 người.

Thuyền dừng ở bãi đá đen. Lúc trước có rất nhiều đá đen đẹp lắm nhưng khách du lịch lấy về muốn sạch hết đá luôn rồi.

Vì xác định là chuyến này đi bụi nên nhóm mình không có girl nào mặc bikini hay váy hoa xúng xính để pose hình, đơn giản là đi để ngắm cảnh thiên nhiên và cảm nhận cuộc sống miền biển mà thôi. Bãi tắm buổi trưa giờ Ngọ khá nắng nên bánh bèo trốn vào chỗ mát ăn uống hết, còn một số cố đi trên đá pose vài tấm kiểu mermaid, thương mấy bạn nam photographer rất có tâm và chịu thương chịu nắng. Một điều khá bức xúc của mình là bãi trắng này cát rất đẹp không hiểu sao khách du lịch ăn uống xả rác quá nhiều mà không ai dọn dẹp, để một nơi đẹp vậy ngổn ngang vỏ hải sản. Kí ức xấu tệ của mấy ngày đi du lịch lết ập về, đi từ Saigon đến Phan Thiết, Vũng Tàu, Đà Lạt… đâu đâu cũng thấy rác. Lúc đi trên tàu có nhiều bạn ăn uống bỏ cả lon bia và túi nilon xuống biển mà còn lấy đó làm ta đây, hãnh diện, thật không biết đến bao giờ người VN mới có ý thức giữ gìn cảnh quan du lịch như các nước khác.

Rời bãi đá đen và bãi trắng, bạn lên trở lại thuyền nhỏ và rồi tàu gỗ sẽ đưa bạn tới bãi san hô để lặn ngắm, bắt nhum (cầu gai hay nhím biển) và câu cá. Chỗ này nước trong đến nổi không cần lặn xuống cũng thấu được san hô, từng đàn cá nhỏ và mấy con nhum đang bò. Mấy bạn nam tranh thủ lặn bắt cá với nhum làm chiến lợi phẩm để tối về nhậu lai rai. Còn nhóm mình cũng may mắn câu được một bé cá nhỏ, tuy nhiên sau đó thấy tội nghiệp quá đã phóng sanh cho em. Bơi lặn thỏa thích thì sẽ được chủ tàu mời lên ăn cháu nhum. Cháo này ăn ngộ ngộ, mọi người nói là ngon nhưng mình vốn thành kiến với hải sản nên thấy cũng bình thường.

Tàu về đến bến thì đã xế chiều, nắng tắt dần và ông mặt trời cũng trốn xuống thủy cung, tranh thủ tắm rửa thay quần áo và ra quán ăn tiệc nướng. Đêm buông xuống là lúc tranh thủ charge phone và update tình hình với bạn bè bốn phương. Màn hình điện thoại mờ dần với tiếng sóng biển rì rào bên ngoài cửa sổ, mi mắt khép lại kết thúc một ngày tràn ngập những trải nghiệm khó quên. Một đêm lạ chỗ không an giấc nhưng cũng mong nó chóng qua để ngày mai được lên đèo nhìn xuống Bãi Ngự.

Có một điều hiển nhiên lạ lẫm là cho dù đi tour hay tự túc bạn cũng phải tự chạy xe máy dắt díu nhau lên núi lên đèo. Khi chạy có nhiều đường khá dốc nên phải chạy số 1, số 2, đặc biệt là đường lên Hải Đăng Nam Du. Tuy nhiên cảnh đẹp hết chỗ nói, rất đáng để cố gắng. Chụp choẹt xong bạn dừng ở Bãi Mến tắm biển hoặc đi dạo nghỉ ngơi. Bãi Mến rất sạch sẽ và vắng người vào buổi sáng nên bạn tha hồ đùa giỡn. Thiên hạ đồn đoán rằng đã từng có nhiều nhà tài phiệt đến đây muốn mua đất xây resort nhưng ông chủ bãi này từ chối. Ông muốn giữ cho bãi này hoang sơ và tự nhiên hơn, mấy hàng dừa quanh đây phần lớn cũng là do ông trồng. Phải dành vài giây để cảm ơn và thầm khâm phục ông đã hết sức sáng suốt.

Khi đến bãi mến tắm hoặc ngồi chơi cát bạn hãy nhớ mua giúp chủ quán nước uống hay snack ăn nhẹ. Như một lời cảm ơn cho sự gìn giữ bãi biển sạch đẹp của người dân.

Vì lịch trình ngắn hạn 2 ngày 1 đêm nên bọn mình phải tranh thủ chuyến tàu về Rạch Giá lúc 11h30. Tạm biệt Nam Du và hẹn gặp lại vào một ngày không xa, hi vọng lượng khách tăng sẽ cải thiện phần nào đời sống của dân trên đảo. Chuyến đi có hơi vất vả nhưng không hối hận tí nào. Biển xanh vẫy gọi nắng vàng cùng cả đống hình chụp đẹp tuyệt vời.

P/S:

  • Khi đi Nam Du bạn nên đi theo nhóm càng đông càng vui, thời điểm thích hợp nhất là lúc mùa khô ít mưa bão từ cuối tháng 12 đến tháng 3.
  • Nếu không tự đi bụi được thì bạn có thể liên hệ dân bản địa dắt đi sẽ thoải mái hơn đi tour của công ty du lịch.

Theo : Blog Kimmy

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kiên Giang

KIÊN GIANG

Vị trí Kiên Giang trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng phía Tây Nam của nước ta, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền tây và lớn nhì ở miền nam, trung tâm hành chính đặt ở thành phố Rạch Giá. Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam  có tốc độ tăng trưởng du lịch được coi là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh đẹp của vùng đất này ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”.

Bạn có biết: Có vị trí nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore nên Kiên Giang đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực.

  • Diện tích: 6.348,5 km²
  • Dân số: 1.738.800
  • Phân chia hành chính: 3 thành phố và 12 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 297
  • Biển số xe: 68