Các địa điểm du lịch ở Quảng Nam

Các địa điểm du lịch ở Quảng Nam (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Là nơi giao thoa của các nền văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ, Sa Huỳnh, Chăm Pa …, các địa điểm du lịch ở Quảng Nam mang đậm tính dân tộc với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Qua bao thăng trầm biến cố, Quảng Nam vẫn lưu giữ được những tài nguyên văn hóa vô cùng độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc, tiêu biểu là 2 Di sản văn hoá thế giới: phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn, kinh đô cổ Trà Kiệu, các tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương…ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Thiên nhiên còn ưu đãi và hào phóng dành cho Quảng Nam những tài nguyên tự nhiên, tài nguyên biển vô cùng quý giá. Đó là 125 km bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất hoang sơ và sạch đẹp cùng với Hồ Phú Ninh, thủy điện Duy Sơn, khu rừng nguyên sinh phía Tây Quảng Nam, sông Trường Giang và xứ đảo Cù Lao Chàm là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng; ngày nay trở thành điểm dừng chân của bao du khách.

Quảng Nam với nhiều loại hình du lịch, từ du lịch di sản, du lịch cộng đồng vùng cao đến du lịch biển (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả xumom1909, huychinhai, Nhân Nguyễn, hoang dieu vo thanh, Trà Lee, Thanh Lưu Phan, Hoàn Phạm Lê, Nguyễn Hồng Nam, Khanh Nguyen, architectuan, rosalie_l16, Yen Mien, hanabi007, Thùy Trang, Trí Lê, Vũ Vân, Thien Pham, tuan tran ngoc, dongkha pham, Bùi Viết Hà, Nguyen Nguyen Thanh, Bui Cong Truong, Thanh Phuc Nguyen, Quoc Bao nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Hội An

Phố cổ Hội An

Khu phố cổ Hội An có những đoạn chạy dọc theo bờ sông Hoài (Ảnh – cungphuot.info)

Khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện tích khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Nằm sát với bờ sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó tới đường Nguyễn Thái Học rồi đường Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai bởi Chùa Cầu. Do địa hình khu phố nghiêng dần từ Bắc xuống Nam, các con đường ngang Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ và Trần Quý Cáp hơi dốc dần lên nếu đi ngược vào phía sâu trong thành phố. Đường Trần Phú xưa kia là con đường chính của thị trấn, nối từ Chùa Cầu tới Hội quán Triều Châu. Vào thời Pháp thuộc, đường này được mang tên Rue du Pont Japonnais, tức Phố cầu Nhật Bản. Ngày nay, đường Trần Phú rộng khoảng 5 mét với nhiều ngôi nhà không có phần hiên, kết quả của lần mở rộng khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Hai con đường Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng hình thành muộn hơn, đều do bùn đất bồi lấp. Đường Nguyễn Thái Học xuất hiện năm 1840, sau đó được người Pháp đặt tên là Rue Cantonnais, tức Phố người Quảng Đông. Đường Bạch Đằng ra đời năm 1878, nằm sát bờ sông nên xưa kia từng có tên gọi là Đường Bờ Sông. Nằm sâu về phía thành phố, tiếp theo đường Trần Phú là đường Phan Chu Trinh, con đường mới được xây dựng thêm vào khoảng thời gian sau này. Trong khu phố cổ còn nhiều đường hẻm khác nằm vuông góc với đường chính kéo dài ra đến tận bờ sông.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Hội An (Cập nhật 4/2024)

Cù Lao Chàm

Với vẻ đẹp hoang sơ cùng với sự bảo vệ tương đối tốt, Cù Lao Chàm là một điểm đến hấp dẫn với các bạn khi đến du lịch Hội An (Ảnh – xumom1909)

Với 8 hòn đảo nhỏ trải dài theo hình cánh cung xanh mướt, Cù lao Chàm là một trong nhiều quần đảo hoang sơ mới được đưa vào khai thác trong vài năm gần đây ở Quảng Nam. Những ai lần đầu đến với Cù lao Chàm chắc đều bị hòn đảo này quyến rũ. Một màu biếc xanh nguyên sơ của cây rừng nối liền với màu xanh của biển bằng dải lụa cát trắng mịn màng, lấp lánh dưới ánh nắng vàng và màu trời xanh thẳm…

Xem thêm bài viết : Kinh nghiệm du lịch Cù lao Chàm (Cập nhật 4/2024)

Tam Kỳ

Làng bích họa Tam Thanh

Những mảng tường đầy sắc màu được trang trí bởi bàn tay của những họa sỹ khéo léo như thổi thêm hồn cho ngôi làng nhỏ bé ven biển này (Ảnh – cungphuot.info)

Từ bãi tắm Tam Thanh, đi khoảng 5 phút xe máy là tới thôn Trung Thanh, có làng bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam. Ngôi làng này được vẽ vào năm 2016 trong dự án của Quỹ giao lưu quốc tế HQ (Korea Foundation) và Chương trình định cư LHQ (UN – Habitat) thực hiện. Có khoảng 70 bức bích hoạ đủ màu sắc do 5 nghệ sĩ Hàn Quốc cùng đội tình nguyện viên thực hiện trong vòng 3 tuần.

Bãi biển Tam Thanh

Bãi biển Tam Thanh (Ảnh – cungphuot.info)

Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 07 km về phía đông, Tam Thanh là một bãi tắm sạch đẹp, trong lành. Biển Tam Thanh là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch: bãi biển đẹp với bờ cát chạy dài hàng cây số

Tượng đài Mẹ Thứ

Tượng đài Mẹ Thứ ở Tam Kỳ (Ảnh – cungphuot.info)

Tượng đài này được lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ. Những dòng thác từ bức tượng lớn như những dòng lệ tuôn rơi của mẹ khi cả 9 người con lần lượt ra đi. Tượng đài này ghi lại sự biết ơn sâu sắc của người dân Quảng Nam trước sự hi sinh vì tổ quốc của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Quảng Nam

RESORT Tam Thanh Natural Beach Resort
Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Tam Tiến, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại: 096 747 46 47
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Tam Thanh Beach Resort & Spa
Địa chỉ: Thôn Hạ Thanh 1, Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 6256 666
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Mường Thanh Grand Quảng Nam
Địa chỉ: Số 351A, Hùng Vương, Phường An Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3555 222
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Ban Thach Riverside Hotel & Resort
Địa chỉ: 10, Bạch Đằng, Phường Tân Thạnh, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại: 0235 3595 999
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Địa đạo Kỳ Anh

Một phần, địa đạo Kỳ Anh nhìn từ trên cao (Ảnh – cungphuot.info)

Địa đạo Kỳ Anh, một trong ba địa đạo lớn nhất Việt Nam (sau địa đạo Củ Chi ở Sài Gòn và Vịnh Mốc ở Quảng Trị). Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài địa đạo khoảng 32km, chiều rộng từ 0.5 đến 0.8 mét, chiều cao khoảng 0.8-1 mét, chiều dài địa đạo tùy theo địa thế mỗi thôn (trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt ngăn gian còn lại để thoát tránh thương vong). Địa đạo còn có hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm lương thực, thực phẩm,… với sức chứa 1.500 người.

Văn Thánh – Khổng Miếu

Văn Thánh – Khổng Miếu ở Tam Kỳ (Ảnh – cungphuot.info)

Văn Thánh – Khổng Miếu tọa lạc khu đất có diện tích 6200 m2 nằm bên cạnh đường Phan Bội Châu, Tp Tam Kỳ. Khu di tích Văn Thánh – Khổng Miếu với quần thể di tích bao gồm chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan. Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm.

Bảo tàng Quảng Nam

Nếu có thời gian, các bạn có thể đến bảo tàng để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử tỉnh Quảng Nam (Ảnh – huychinhai)

Bảo tàng Quảng Nam tọa lạc tại số 281 đường Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Có tổng diện tích sử dụng 21.976 m²; trong đó, diện tích sàn xây dựng là 7.322 m², diện tích trưng bày ngoài trời 1.305 m², vườn tượng danh nhân 1.004 m², khu phục dựng văn hóa các dân tộc Quảng Nam 2.164 m² … Riêng phần trưng bày nội thất của Bảo tàng có diện tích 2.700 m², bao gồm những đặc điểm tự nhiên và tài nguyên; văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh và lịch sử, xã hội tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra còn có gian trưng bày chuyên đề để phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương.

Tháp Chiên Đàn

Cụm tháp Chăm Chiên Đàn (Ảnh – cungphuot.info)

Tháp Chiên Đàn nằm cách thành phố Tam Kỳ 5 km về phía Bắc và nằm ngay cạnh quốc lộ 1A. Hiện nay, tại di tích Chiên Đàn có một nhà trưng bày những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu nhất, đồng thời còn trưng bày một bộ Yoni – Linga rất lớn được tìm thấy tại phế tích Champa ở Mỹ An, nằm cách Chiên Đàn 1,5 km về phía Tây Nam.

Đây là một nhóm gồm 3 tháp xếp hàng theo trục Bắc – Nam, cửa ra vào ở hướng Đông. Các tháp ở Chiên Đàn có hình dạng gần giống nhau, mặt bằng tháp hình vuông, mái tháp là những tầng thu nhỏ dần lên trên. Trên thân các tháp không có hoa văn trang trí nhưng giáp đỉnh tháp có những đường diềm bằng sa thạch chạm trỗ nhiều mặt Kala xếp thành hàng ngang. Tại đây, đã phát hiện nhiều hiện vật trang trí, điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là bệ thờ Yoni và các bức tượng người, động vật (tượng rắn Naga, ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, voi thần Gajasimha …) được thể hiện theo phong cách Chánh Lộ (giai đoạn cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12).

Tây Giang

Làng truyền thống của người Cơ Tu ở Tây Giang (Ảnh – Nhân Nguyễn)

Sở hữu hệ sinh thái rừng hoang sơ, quyến rũ như rừng cây pơ mu, đỗ quyên, rừng lim cổ thụ…, Tây Giang đang từng bước đưa vào khai thác du lịch. Trong đó, hơn 50ha rừng đỗ quyên được xem là điểm nhấn với lễ hội hoa đỗ quyên định kỳ được tổ chức. Không chỉ có ưu thế về thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, Tây Giang cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa tộc người Cơ Tu. Đây là yếu tố để địa phương này ưu tiên đầu tư loại hình du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với đặc thù văn hóa bản làng vùng cao. Có thể kể đến làng văn hóa thôn Pơ’ning, khu dân cư Arớch (xã Lăng), các thôn của xã A Nông, làng du lịch sinh thái Azứt (Bha’Lêê), thôn Arầng I (A Xan), thôn biên giới Ch’nốc (Ch’Ơm)…

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tây Giang (Cập nhật 4/2024)

Đỉnh Quế

Biển mây nhìn từ Đỉnh Quế, Tây Giang (Ảnh – hoang dieu vo thanh)

Đỉnh Quế được xem là đỉnh núi đẹp nhất Quảng Nam với độ cao 1369m so với mực nước biển, bởi vậy nơi đây dường như quanh năm đều có mây mù bao phủ. Trải qua cả hàng trăm cây số đường đèo, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh đẹp đến mê hồn. Đó là cả một “biển mây” trắng xóa dưới ánh bình minh hay hoàng hôn, có khi lại là một khung cảnh thoáng đãng với những đám mây lững lờ trôi, mở ra cả một không gian núi rừng hùng vĩ. Đứng ở Đỉnh Quế, bạn sẽ cảm thấy dường như chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm đến mây, đến trời.

Đông Giang

Du lịch cộng đồng Đông Giang

Từ một vài năm nay, trên bản đồ du lịch Quảng Nam của du khách và các doanh nghiệp lữ hành, Đông Giang xuất hiện như một cái tên quen thuộc, nổi bật nhất trong đó là 2 làng Bhơ Hôồng (Sông Kôn) và Đhrôồng (Tà Lu). Ngoài văn hóa đa dạng, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ… một lợi thế nổi bật nhất của du lịch Đông Giang là hầu hết điểm đều nằm dọc trên quốc lộ 14G và đường mòn Hồ Chí Minh nên rất thuận lợi để kết nối các tour tuyến tham quan.

Tuy vậy, du lịch Đông Giang không chỉ có Bhơ Hôồng và Đhrôồng mà còn sở hữu nhiều điểm đến độc đáo được du khách quan tâm như moong (nhà dài) của già làng Y Kông (xã Ba), một bảo tàng sống động lưu trữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu; là thác Adinh (P’Rao), thác Tơbhế (A Ting) hoang vu giữa rừng già với hơn chục thác nhỏ kéo dài nối tiếp nhau hàng trăm mét; đó còn là Hang Gợp (xã Ma Cooih), là lòng hồ thủy điện A Vương bốn mùa trong xanh…. Đặc biệt, không thể không nhắc đến rừng nguyên sinh Tây Tiên Bà Nà (xã Tư) nơi vẫn còn bảo lưu tốt không khí trong lành cùng thảm thực vật phong phú và nhiều chủng loại động thực vật quý hiếm, được đánh giá có tiềm năng không hề thua kém khu du lịch Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng) kề bên.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Đông Giang (Cập nhật 4/2024)

Đồi chè Đông Giang

Đồi chè Đông Giang không quá xa Đà Nẵng (Ảnh – Trà Lee)

Những đồi chè này thuộc Nông trường quốc doanh Quyết Thắng nằm cách Đà Nẵng khoảng 1 giờ chạy xe máy và sát ngay quốc lộ 14B. Vùng đất này có không khí trong lành và nhiều mưa nên những cây chè cứ thế phát triển tươi tốt hàng chục năm qua.

Cổng trời Đông Giang

Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp ở cổng trời Đông Giang (Ảnh – Thanh Lưu Phan)

“Cổng trời” hay “Hang Gợp” là cái tên theo cách gọi của người dân tại thôn Kà Đâu (xã Kà Dăng, huyện Đông Giang). Nơi đây bao gồm một vòm núi đá vôi khổng lồ nối hai đỉnh đồi tạo thành cái vòm hay cái cổng. Từ cổng trời đi bộ vào bên trong khoảng 30 phút có một hang động gồm nhiều bộng hang lớn nhỏ do những dòng nước chảy hàng ngàn năm tạo thành với nhiều nhũ hoa đẹp mắt, và nơi đây cũng có rất nhiều gềnh thác, suối mát… rất ít người biết tới.

Nam Giang

Nam Giang được đánh giá là một trong những huyện miền núi có nhiều tiềm năng và ưu thế để phát triển du lịch. Nam Giang hiện đã hình thành các sản phẩm du lịch: thác Grăng, Nhà truyền thống huyện, nhóm múa Bà Xua, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra, nhóm đời sống người Cơ Tu ở thôn Pà Rồng, nhóm nhạc cụ, nhóm đời sống người Cơ Tu thôn Pà Ting, nấu ăn Cà Đăng, nấu ăn Pà Ia, đan lát, múa Pà Vả.

Thác Grăng

Khu du lịch sinh thái Thác Grăng là điểm đến nổi bật nhất khi du lịch Nam Giang (Ảnh – Hoàn Phạm Lê)

Thác Grăng là một cụm thác ba tầng nên được gọi là tam thác. Đẹp nhất có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa tóc trắng trên những vách đá bám rêu. Đây là nơi du khách dừng chân tham quan nhiều nhất. Tuy nhiên nếu bạn có đôi “chân cứng đá mềm” là có thể men theo đường mòn ngược lên sườn núi dốc đứng để mục kích vẻ đẹp của hai tầng thác trên. Cả ba tầng thác gợi lên vẻ đẹp nguyên sơ hoang dã của một nàng sơn nữ giữa rừng hoang.

Đại Lộc

Suối Mơ

Thác Suối Mơ (Ảnh – Nguyễn Hồng Nam)

Nằm cách trung tâm huyện Đại Lộc 10km về phía tây, khu du lịch sinh thái Suối Mơ là một trong những điểm tham quan lý thú, mỗi năm đón khoảng 8.000 lượt khách đến vui chơi, thưởng ngoạn và viếng Dinh bà Chúa Ngọc.

Suối Mơ có lòng khe rộng với nhiều đoạn suối đẹp nằm ẩn hiện trong cánh rừng hoang vu, tịch mịch. Nhìn từ xa, con suối trong xanh như những dải lụa mềm vắt qua từng khe đá. Có đoạn, suối chảy róc rách qua những lèn đá đủ màu sắc, kích cỡ; có đoạn suối tuôn đổ, sủi bọt trắng xóa qua những ghềnh đá lớn, sản phẩm tạo hóa ngàn năm. Men theo những lối mòn bên ghềnh đá lên cao khoảng 100m, bắt gặp thác Gieo hùng vĩ sủi bọt, đổ ầm ầm xuống ao sâu với làn nước xanh ngắt. Những làn bụi nước nhỏ li ti vương vãi trên những tán cây, nhìn xa bàng bạc một màn sương trắng diễm ảo. Vẻ đẹp mê hồn, hùng vĩ của suối, thác cùng với quần thể đá ngàn năm phù hợp với những người thích khám phá, hòa điệu cùng thiên nhiên hoang sơ.

Dinh Bà Chúa Ngọc

Nằm cách quần thể suối, thác và ghềnh đá không xa, Dinh bà Chúa Ngọc thâm u, uy nghiêm trở thành miền tâm linh cho dân trong vùng và khách thập phương.

Dinh gồm ba khu chính: khu hội thẩm, tức nơi bà ngự; khu kỉnh, tức nơi thắp hương và lập bàn thờ tế Thiên Y Ya Na và am thờ Bạch Hổ. Nơi đây còn rất nhiều vết tích Chăm như một vết thớt bệ thờ Yoni, gạch Chăm rơi vãi, được đánh giá có niên đại từ rất sớm… Cứ mùng 7 tháng giêng, dân trong vùng lại nô nức đón khách hành hương xa gần về trẩy hội. Cứ 4 năm, lễ hội được tổ chức ở quy mô lớn, ngoài phần lễ trang nghiêm, phần hội là nét sinh hoạt độc đáo.

Hồ Khe Tân

Hồ Khe Tân (Ảnh – Khanh Nguyen)

Hồ chứa nước Khe Tân nằm trên trục đường 14B từ Đà Nẵng đến Đường Hồ Chí Minh. Hồ được kiến tạo ở độ cao 300 mét so với mặt nước biển với lưu vực hồ rộng 840ha, dung tích 46 triệu mét khối nước.

Trong lòng hồ có đến hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, tạo nên phong cảnh hữu tình. Thuyền du lịch đưa du khách đến suối Róc Rách, suối Dụ… để ngắm ngọn thác đổ trắng xóa nằm giữa khu rừng nguyên sơ. Trong lòng suối có nhiều nhũ đá trông rất đẹp mắt. Rừng nguyên sinh An Bằng, Hữu Niên nằm đan xen với rừng trồng với nhiều loại thực vật như cồng, chò, dẻ, kiền kiền, dầu rái và nhiều chủng loại chim muông, thú vật như nai, mang, nhím, chồn, gà rừng, heo rừng, cu ngói, chim mía, cò trắng… tạo nên sự phong phú, đa dạng của thiên nhiên hoang sơ đầy hấp dẫn.

Khe Lim

Suối Khe Lim (Ảnh – architectuan)

Khe Lim nằm ở địa phận xã Đại Hồng, cách thị trấn Ái Nghĩa khoảng 20km về phía tây nam. Trong các danh thắng ở Quảng Nam, khe Lim được xếp vào danh mục những địa điểm đẹp cần khám phá. Nơi đây không chỉ có thác nước hùng vĩ hay vẻ hoang sơ của núi rừng mà còn gắn với những câu chuyện tâm linh huyền bí.

Từ xa nhìn lại, Khe Lim thấp thoáng tựa dải lụa trắng nơi đỉnh núi xanh mờ. Từ trên cao dòng nước ầm ào đổ xuống đuổi nhau qua những tảng đá to tròn chảy về hạ nguồn, trên đường đi nước đã bào mòn vách đá để tạo nên những hang ục đầy kỳ quái. Người ta nói, sự độc đáo của khe Lim chính là vẻ nguyên sơ nhưng cũng đầy bí ẩn. Đó không chỉ là những tán rừng rậm rịt phủ trùm hai bên suối hay hàng nghìn hòn đá to tròn tựa những cái trứng khổng lồ nằm lăn lóc mà còn là sự huyền bí hiện hữu trong từng tiếng gió thổi qua khe lá và tiếng chim kêu lạc lõng giữa canh trưa, khiến những ai can đảm nhất cũng không khỏi… ớn lạnh.

Điện Bàn

Bãi biển Hà My

Bãi biển Hà My (Ảnh – rosalie_l16)

Sức hấp dẫn đặc trưng của biển Hà My là vẻ đẹp hoang sơ cùng cảnh quan thiên nhiên đất trời hòa quyện, nơi những thúng chài nằm biếng lười và các khu du lịch như kéo dài bất tận. Không nhiều sóng ầm ào, nhưng biển Hà My vẫn có sức hút riêng với không gian thoáng rộng và bãi tắm thoải dài, điểm tô thêm nét hoang sơ là vô vàn hoa muống biển tím ngắt loang dài.

Tháp Bằng An

Tháp Bằng An hiện còn lại đã bị hư hại khá nhiều (Ảnh – Yen Mien)

Theo lịch sử ghi lại, Tháp Bằng An là kiến trúc tiêu biểu cho tâm linh và tín ngưỡng thờ cúng của dân tộc Chăm pa ngày trước, được xây dựng vào khoảng thể kỉ thứ IX hoặc X, tức là trước cả thời gian xây chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở thủ đô Hà Nội.

Tháp có hình một Linga khổng lồ tượng trưng cho thần Shiva – một trong những hình ảnh thiêng liêng nhất của Mặt trời theo quan niệm của người Chăm pa. Trước cửa Bằng An có tượng hai con thú, gọi là Gajasimha, hình nửa như sư tử nhưng lại co vòi ngắn quay lên trên, mỗi con đều có cái diềm đeo cổ khá rộng.

Qua thăng trầm của thời gian, một số phần kiến trúc phụ của tháp Bằng An rêu phong đã bị biến mất hoặc hư hại, chỉ còn lại khu tháp chính và hai pho tượng bằng sa thạch ở sảnh bên ngoài. Tháp Bằng An là chính ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát quái còn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay trên nước ta. Như các tháp Chăm khác, tháp Bằng An cũng quay cửa về hướng Đông để đón ánh mặt trời. Trong khuôn viên khoảng 4000m2 và được bao bọc bởi những cánh đồng lúa, tháp cao khoảng 21,5 mét chia làm tiền sảnh và điện thờ.

Duy Xuyên

Thánh địa Mỹ Sơn

Khu di sản thiên nhiên thế giới Mỹ Sơn (Ảnh – hanabi007)

Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và gần thành cổ Trà Kiệu, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm Pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm Pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

Thành cổ Trà Kiệu

Trong văn bia Chăm đã lưu danh Kinh thành này dưới cái tên Simhapura – tức Kinh thành Sư tử. Simhapura ra đời dưới triều vua Bhađvarman trị vì Chămpa vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4. Tiếc rằng đến nay chúng ta mới trùng tu phần nào về Mỹ Sơn, còn Trà Kiệu hình bóng về kinh đô cổ xưa về vương quốc Chămpa (hay còn gọi là Lâm ấp) nằm trên bờ sông Thu Bồn chỉ còn những chân móng tường thành sụp đổ bị chôn vùi trong đất đá hoặc cô đọng lại trong vài trang sử nhỏ.

Suối Nước Lang

Suối Nước Lang (Ảnh – Thùy Trang)

Nước Lang – tên con suối nằm cạnh quốc lộ 14E, thuộc thôn Nước Lang, xã Phước Xuân, cách thị trấn Khâm Đức của Phước Sơn chừng 7km về hướng Hiệp Đức. Suối có ba bậc thác ngắn, đồ về dòng nước trong xanh, mát lạnh, rì rào giữa tán rừng già.

Quế Sơn

Suối Tiên

Suối Tiên, Quế Sơn (Ảnh – Trí Lê)

Suối Tiên được xem là một trong những con suối đẹp nhất miền Trung với hệ thống 14 thác nước, những ngọn thác trắng xóa ào ào tuôn chảy như một dải lụa trắng giăng thả giữa đại ngàn. Mười bốn ngọn thác với 14 vẻ đẹp riêng để cho du khách mặc sức đắm mình, mơ mộng, khám phá. Dưới chân Suối Tiên là một hồ nước nhân tạo được xây dựng để vừa là hồ thủy lợi phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, vừa là hồ sinh thái phục vụ du lịch. Phong cảnh nơi đây hết sức thơ mộng, với làn nước trong xanh, mặt hồ phẳng lặng soi dáng những hàng cây, in hình bóng núi tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình vô cùng quyến rũ.

Khu du lịch sinh thái suối Nước Mát – Đèo Le

Khu du lịch sinh thái Nước Mát – Đèo Le (Ảnh – Vũ Vân)

Suối Nước Mát bắt nguồn từ đỉnh Hòn Tàu, len qua nhiều vách núi, hiền dịu, róc rách đổ về Đèo Le tạo nên một cảnh trí nên thơ. Con đường đèo uốn lượn, quanh co, luồng gió mát rượi từ hai sườn núi thổi về, cùng với cái mát lạnh khi du khách dừng chân, khoát tay vào dòng nước bất tận. Du khách có thể dừng lại tắm rửa, nghỉ ngơi ngay trên lưng đèo. Là vùng đất hoang sơ, nay có thêm bàn tay tô điểm của con người, nơi đây trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Đó là hàng trăm bậc tam cấp bằng đá được xây thành hai đường về hai phía đi lên hồ tắm và đầu nguồn suối Nước Mát. Đó là những tảng đá lớn với nhiều hình khối khác nhau được xếp tự nhiên và đẹp mắt. Đó là hồ tắm nhân tạo rộng và độc đáo; những nhà hàng, quán bar, nhà nghỉ được xây dựng bên suối ẩn khuất sau bóng mát của cây rừng.

Làng nón Quế Minh

Cách đây 400 năm, làng nghề nón lá Quế Minh bắt đầu hình thành ở 2 làng là Diên Lộc và Đại Lộc. Lúc đầu chỉ có vài ba hộ làm nghề, sau đó phát triển hơn 300 hộ. Có những thời kỳ, mỗi ngày người làm nón ở Quế Minh chằm được hơn 2.000 chiếc nón và bán khắp vùng ở khu vực miền Trung. Làng nón Quế Minh là một trong những làng nghề lâu đời nhất tại Quế Sơn, được biết đến khắp xứ Quảng và duy trì cho đến ngày nay.

Hiệp Đức

Hòn Kẽm Đá Dừng

Đi thuyền trên sông để tới được Hòn Kẽm Đá Dừng (Ảnh – Thien Pham)

Sông Thu Bồn (sông Thu) bắt nguồn từ ngàn khe, trăm suối trên cao nguyên Ngọc Linh (Kon Tum). Sông ra đi tìm về phương đông, qua Trà My hợp lưu với sông Tran, qua Tiên Phước hợp lưu với sông Tiên tạo thành một dòng mênh mông, bát ngát. Qua lưu vực Hiệp Đức – Quế Sơn, sông làm nên một hiện tượng tự nhiên hùng vĩ. Đó là nơi dòng chảy của sông tác động vào núi, núi chặn dòng sông nên sóng cồn lên rạo rực.

Người Quảng Nam gọi lưu vực này là Hòn Kẽm – Đá Dừng. Trong văn hóa Quảng Nam, Hòn Kẽm – Đá Dừng là biểu tượng của công cha nghĩa mẹ: “Ngó lên Hòn Kẽm – Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi ”

Từ năm 1986, sau khi một phần của huyện Quế Sơn được tách ra để thuộc về huyện Hiệp Ðức, Hòn Kẽm Ðá Dừng mang thêm một nhiệm vụ mới: là ranh giới của hai huyện. Cả khúc sông này đầy những bãi đá lô nhô, dòng chảy uốn khúc nhiều và dường như nước xiết hơn. Ngay tại khu vực Hòn Kẽm, dòng sông trôi giữa hai bờ vách đá dựng đứng. Dòng sông như lọt thỏm vào trong, ngày thường ít nắng, nhiều sương khói và lạnh hơn bên ngoài. Nơi đây dường như ngày đến chậm và đêm xuống thật nhanh. Hai bên vách đá, cây dại ken dày, khỉ sống thành đàn.

Khe Cái

Khe Cái với vẻ đẹp lãng mạn nhưng không kém phần hùng vĩ của những thác nước liên hoàn giữa khu rừng nguyên sơ. Đến Khe Cái mùa hè, ngâm mình trong dòng nước se lạnh, lắng nghe tiếng suối reo, tiếng rúc tù của chim rừng kiếm bạn, ngắm từng đàn cá tung tăng đuổi nhau trốn tìm trong hốc đá, du khách sẽ hòa mình cảm giác bình yên giữa thiên nhiên hoang sơ.

Hồ Việt An

Hồ Việt An (Ảnh – tuan tran ngoc)

Diện tích mặt nước hồ Việt An rộng khoảng 182ha, cảnh quan môi trường sạch, đẹp cùng với hệ động thực vật phong phú. Đến hồ Việt An, du khách không chỉ tận hưởng không khí mát lạnh phả vào từ mặt hồ mà còn đắm hồn mình cùng với các điệu lý, các làn điệu dân ca khu V, rồi thưởng thức những món ăn dân dã của địa phương.

Tiên Phước

Hang dơi Tiên An

Vẻ đẹp đầy bí ẩn của Hang Dơi Tiên An (Ảnh – dongkha pham)

Nằm cách thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) khoảng 35 km, hang dơi Tiên An có vẻ đẹp hoang sơ hệt như công viên kỷ Jura với trận đồ hóa thạch. Hang dơi Tiên An là một hệ thống hang và vách đá nơi du khách có thể chiêm ngưỡng tuyệt tác của tạo hóa với những tác phẩm tinh anh từ đá. Quần thể đá của Hang Dơi được chia thành hai phần là hang trên và hang dưới. Hang dưới còn có tên gọi là Động Thiên. Đá tạo thành vòm, thành vách, thành hang động… Những đường vân vắt ngang trên thân đá tạo cho du khách cảm giác như lạc vào chốn hoang sơ với một thế giới huyền hoặc kỳ ảo. Hang Dơi rất tối và ẩm ướt là nơi trú ẩn lý tưởng cho loài dơi. Thỉnh thoảng du khách sẽ nghe tiếng vang lớn từ khe núi, đó là âm thanh do bầy dơi đang ẩn mình đâu đó.

Xem thêm bài viết: Hang dơi Tiên An, công viên kỷ Jura bị lãng quên

Làng cổ Lộc Yên

Những con đường đá uốn cong chạy quanh ngôi làng (Ảnh – Bùi Viết Hà)

Không chỉ hấp dẫn lữ khách với những ngôi nhà cổ thuần Việt hàng trăm năm tuổi, làng cổ Lộc Yên (thuộc Tiên Cảnh, Tiên Phước) còn khiến người ta choáng ngợp từ những bước chân đầu tiên bởi vẻ đẹp mê hồn của những ngõ đá dẫn lối vào nhà.

Làng Lộc Yên hiện vẫn còn hơn mười ngôi nhà cổ trên 200 năm tuổi. Những ngôi nhà cổ thuần Việt, mang đậm lối kiến trúc nhà của người Quảng Nam xưa. Nhà toàn làm bằng gỗ mít, hai gian, ba chái, mái ngói âm dương. Phía sau nhà tựa lưng vào núi vững chãi. Phía trước nhà nhìn ra ngõ đá sâu hun hút dẫn lối xuống vũng ruộng xanh ngút mắt. Không cầu kỳ mà tự nhiên mỗi ngôi nhà chẳng khác nào một biệt thự.

Thăng Bình

Bãi biển Bình Minh

Bãi biển còn khá hoang sơ và chưa thu hút khách du lịch ở ngoài địa phương (Ảnh – Nguyen Nguyen Thanh)

Bãi tắm Bình Minh ở Thăng Bình có lẽ vẫn còn là một điều khá mới mẻ với du khách. Tuy không phải là điểm du lịch hấp dẫn như Hội An, nhưng nơi này hứa hẹn là một điểm đến tuyệt vời góp phần cộng hưởng cho những chuyến đi đến Hội An – Quảng Nam thêm nhiều hứng khởi. Còn khá hoang sơ nên ở đây bạn sẽ tìm thấy sự bình lặng trầm lắng, khác hẳn với những bãi biển sôi động và ồn ào ở gần Hội An.

Phật viện Đồng Dương

Những gì còn sót lại của di tích Phật Viện Đồng Dương (Ảnh – Bui Cong Truong)

Tháp Đồng Dương là một di tích quan trọng vào bậc nhất của Chăm Pa, gồm có hệ thống các tháp nằm gần nhau, nằm ở làng Đồng Dương. Tháp được xây dựng vào thời kỳ Chăm Pa còn bị ảnh hưởng của Phật giáo, nên có tính chất đặc biệt so với các tháp khác trong hệ thống tháp Chăm, nó được mệnh danh là tòa tu viện Phật giáo giữa đô thành. Hệ thống tháp Đồng Dương nằm ngay chính trung tâm đô thành Indrapura trong thời kỳ vương triều Indrapura. Hiện nay cả khu đền tháp này đã bị hủy hoại bởi chiến tranh, thiên tai và cả con người đã biến nó thành bình địa, đã đổ nát hết chỉ còn lại nền chính và một ít dấu tích của các bức tường, các thềm cửa.

Núi Thành

Tam Hải

Cần sử dụng phà để có thể đến được Tam Hải (Ảnh – Thanh Phuc Nguyen)

Gọi là xã đảo nhưng Tam Hải (Núi Thành) cách đất liền không xa, đi ghe hay phà ít phút đã đến. Đứng tại bến phà Tam Hải – Tam Quang (hay cầu chữ T Tam Quang) nhìn sang đảo vẫn thấy rõ mồn một những con thuyền của ngư dân neo đậu dưới hàng dừa nghiêng ngả chạy dài tít tắp. Khám phá đảo luôn mang đến cho khách cảm nhận về khung cảnh bình yên của một làng quê ven biển, đặc thù.

Người dân ở xã Tam Hải đã vẽ hình dáng ngôi làng mình đang sống như một chiếc bầu rượu. Đá và nước bao bọc xung quanh làng và mọi con đường nhỏ xinh, sạch sẽ trong ngôi làng đều dẫn về phía biển, tất cả quyện vào nhau tạo thành một bức tranh thiên nhiên vừa hoang sơ, vừa tươi đẹp một cách kì lạ.

Bàng Than – Vũng An Hòa

Những dải màu của đá đen hòa trộn với sắc xanh của trời tạo thành những bức tranh tuyệt đẹp (Ảnh – Quoc Bao)

Dọc theo bờ biển Tam Hải khoảng 4km, ta sẽ đến vùng đất mũi An Hoà. Có lẽ hình ảnh đầu tiên đầy ấn tượng đập vào mắt du khách là một hòn đảo nhỏ gọi là Hòn Dứa, cách không xa bờ biển án ngự lối váo vũng An Hoà, vào buổi chiều, hòn đảo rực lên một màu đỏ của đất bazan và màu xanh lục của thảo mộc, nổi bật lên giữa vùng biển xanh biêng biếc với từng đợt sóng nhấp nhô vào bờ đá, làm tung lên những bọt nước trắng xoá như hoa biển.

Mỗi dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hoà khoảng 3km, đó là Bàng Than (hay Bàn Than). Từng là lớp đá xếp chồng lên nhau, đó là những phiến thạch có nguồn gốc trầm tích biển.Nước và sóng biển xâm thực vào dải đá tạo thành những hình thù lạ mắt, kết hợp với hững vân đá trở thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo của tạo hoá.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Quảng Nam
  • chơi gì khi đến Quảng Nam
  • phượt Quảng Nam có gì
  • cảnh đẹp Quảng Nam
  • danh lam thắng cảnh Quảng Nam
  • địa điểm du lịch tâm linh Quảng Nam
  • đến Quảng Nam nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Quảng Nam

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 92 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Nam

QUẢNG NAM

Vị trí Quảng Nam trên bản đồ Việt Nam

Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi của tỉnh có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Quảng Nam đứng thứ 6 về diện tích, thứ 19 về dân số trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mật độ dân số là 173 người/km² (đứng thứ 42/63) so với 277 người/km² của cả nước. Năm 2008, đây cũng là tỉnh đầu tiên của duyên hải Nam Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Tam Kỳ, Hội An).

Bạn có biết: Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

  • Diện tích: 10.438,4 km²
  • Dân số: 1.802.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 15 huyện
  • Mã điện thoại: 235