Các địa điểm du lịch Quản Bạ

Các địa điểm du lịch Quản Bạ (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 46 km về phía bắc, Quản Bạ được ví như một “Đà Lạt” của phía Bắc. Nơi đây, tập trung nhiều yếu tố thuận lợi: khí hậu trong lành mát mẻ; thắng cảnh thiên nhiên phong phú như: Cổng Trời, núi Cô Tiên, hang Khố Mỷ, nét đặc sắc của các nền văn hóa dân tộc Mông, Dao, Tày, Bố Y; các sản vật đặc trưng như hồng không hạt, rượu ngô Thanh Vân, thảo quả…Các địa điểm du lịch Quản Bạ hầu hết nằm trên trục đường khám phá vùng cao nguyên đá nên các bạn có thể dễ dàng sắp xếp để ghé qua.

Cùng 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán truyền thống, tín ngưỡng riêng tạo nên một di sản văn hoá vật thể, phi vật thể không phải ở đâu cũng có, như lễ hội Gầu Tao, cấp sắc, hát giao duyên của dân tộc Dao; tiếng hát then với cây đàn tính của dân tộc Tày; lễ hội cầu mùa của dân tộc Nùng… Bên cạnh đó, Quản Bạ còn có các sản phẩm nổi tiếng như Rượu ngô Thanh Vân, hồng không hạt, thảo quả muối, chè Tùng Vài, thổ cẩm Lùng Tám, cùng với những sản phẩm văn hoá tinh tế như thổ cẩm, khèn, sáo được làm ra từ những bàn tay tài hoa, điêu luyện của đồng bào ở các làng nghề trong huyện… Đó là tiềm năng, lợi thế lớn làm nền tảng cho huyện Quản Bạ phát triển du lịch một cách bền vững.

Quyết Tiến

Chợ Quyết Tiến

Chợ Quyết Tiến, phiên chợ đầu tiên mà bạn sẽ gặp trên con đường chinh phục Hà Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Trên chặng đầu tiên của con đường huyền thoại mang tên Con đường hạnh phúc, dốc Bắc Sum chính là con dốc đánh dấu điểm bắt đầu của hành trình xuyên qua công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang. Ở trên đỉnh con dốc dài uốn lượn ấy, cổng trời Quản Bạ là một địa danh nổi tiếng từ lâu bởi cảnh quan kỳ vĩ và câu chuyện huyền thoại núi Đôi.

Thế nhưng, có một địa danh nằm ngay dưới chân mỏm núi cổng trời, đó chính là xã Quyết Tiến mộc mạc, đơn sơ bên cổng trời sừng sững quanh năm mây phủ. Ở nơi yên bình ấy, mỗi tuần một lần lại có buổi chợ phiên, khoảng thời gian diễn ra chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi. Chợ Quyết Tiến họp vào mỗi sáng thứ 7 ở ngay sát Quốc lộ 4C, cách cổng trời Quản Bạ khoảng gần chục km.

Có lẽ nhiều bạn sẽ nhận xét rằng chợ phiên Hà Giang thì chỗ nào cũng vậy, trông cứ na ná nhau, vẫn những bộ quần áo sặc sỡ, bán những mặt hàng thường ngày, thường chỉ họp vào buổi sáng…Nếu là vậy thì Quyết Tiến có thể coi là phiên chợ vùng cao đầu tiên mà bạn găp trên chặng đường chinh phục Hà Giang. Đừng bỏ lỡ, sau khi xuất phát từ Tp Hà Giang chỉ khoảng hơn 1h các bạn sẽ tới Quyết Tiến, gửi xe và làm một vòng chợ, ăn một gói xôi ngũ sắc hay một món bất kỳ rồi vác máy ảnh chạy quanh chợ, bạn sẽ tự tìm ra những điểm riêng của phiên chợ này.

Cổng trời Quản Bạ

Núi đôi Quản Bạ từ điểm ngắm toàn cảnh trên cổng trời (Ảnh – break_away)

Cổng trời Quản Bạ – cao 1500m so với mặt biển, đây là cửa ngõ đầu tiên lên cao nguyên Đồng Văn. Năm 1939, người ta dựng một cánh cửa khổng lỗ bằng gỗ nghiến dày 150cm ở ngay Cổng trời. Một thời, sau cánh cửa gỗ này là một “thế giới” khác – còn gọi là “Vùng tự trị của người Mèo”, gồm các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc,Yên Minh và Đồng Văn

Thị trấn Tam Sơn

Núi Đôi Quản Bạ

Núi đôi Quản Bạ trên cánh đồng Tam Sơn (Ảnh – cungphuot.info)

Núi Đôi Quản Bạ, nằm cạnh quốc lộ 4C, cách thành phố Hà Giang 40 km. Giữa núi đá và ruộng bậc thang trùng điệp, nổi lên hai trái núi có hình dáng kỳ lạ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa. Hai trái núi này gắn với truyền thuyết Núi Cô Tiên thi vị.

Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Có một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần, da trắng như tuyết, đôi môi như nụ đào xuân chúm chím, hai má ửng hồng như trái đào chín. Một hôm nọ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi mà phải lòng chàng và đã trốn ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn.Lúc này Ngọc Hoàng đã phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ sai người đi bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin cho nàng được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ cứ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường mà ngày nay vẫn gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên ở Tam Sơn, Quản Bạ.Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như Đào, Mận, Lê, Hồng thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô luôn tươi tốt trở thành vùng đất trù phú. Con gái ở đây xinh đẹp có tiếng, hai má lúc nào cùng ửng hồng, mịn màng như trái đào tiên. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.

Xã Quản Bạ

Động Lùng Khúy

Động Lùng Khúy ở Quản Bạ (Ảnh – paigesharris)

Cách thị trấn Tam Sơn trung tâm huyện Quản Bạ chừng 3 km, hang Lùng Khúy trùng tên với bản Lùng Khúy xinh đẹp của người Mông sinh sống dưới chân núi. Trước khi được đưa vào khai thác du lịch, hang Lùng Khúy là nơi gắn chặt với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông ở bản Lùng Khúy.

Thôn Nặm Đăm,

Đường vào thôn Nặm Đăm

Thôn Nặm Đăm nằm cạnh thị trấn Tam Sơn khoảng hơn 2km, thuộc xã Quản Bạ, giao thông đi lại thuận tiện, dân cư sống tập trung. Thôn Nặm Đăm có 47 hộ, gồm 235 khẩu, là nơi sinh sống của người dân tộc Dao Chàm. Thôn còn giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và nét sinh hoạt truyền thống. Những ngôi nhà nơi đây đều trình tường, mộc mạc, đậm nét văn hóa, kiến trúc của đồng bào dân tộc Dao.

Nơi đây còn giữ được nhiều nghi lễ truyền thống như: Lễ hội cầu mùa, Lễ cúng cơm mới… đặc biệt là lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ đánh dấu tuổi trưởng thành cho các nam thanh niên trong làng. Bất kỳ người nam giới nào cũng phải trải qua lễ cấp sắc mới được xem là người đã trưởng thành và được tổ tiên, dòng họ công nhận.

Với 23 homestay là những ngôi nhà trình tường được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, đáp ứng đủ các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch, Làng VHDLCĐ Nặm Đăm nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ du lịch, được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến du lịch, trải nghiệm.

Thôn Trúc Sơn

Là một ngôi làng cổ của đồng bào dân tộc Dao. Đến với Trúc Sơn, quý khách sẽ được tìm hiểu về kiến trúc nhà cổ, văn hóa ẩm thực, về cuộc sống và lòng hiếu khách của con người nơi đây.

Cán Tỷ

Nằm bên dòng sông Miện hiền hòa, nơi có Cổng thành – một trong những dấu ấn cho cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là nơi còn lưu giữ nghề dệt Lanh truyền thống của người dân địa phương.

Làng văn hóa Mông

Làng Văn hóa du lịch Mông được lựa chọn xây dựng tại khu vực Tráng Kìm, gần Quốc lộ 4C, thuộc địa bàn 2 xã Đông Hà và Cán Tỷ. Đây là địa điểm có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nước dồi dào, có phong cảnh tự nhiên đẹp với rừng đá nằm trong vùng di sản địa chất. Du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng có thể ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, ở trong nhà trình tường truyền thống của người Mông và trải nghiệm văn hóa vùng cao.

Cây cô đơn

Cây cô đơn ở xã Cán Tỷ, Quản Bạ (Ảnh – k2hau)

Đây là một điểm check-in được nhiều bạn trẻ yêu thích, vị trí cây cô đơn này nằm ở xã Cán Tỷ, trên đường từ Quản Bạ đi Yên Minh. Các bạn chú ý là ngay chỗ cầu Cán Tỷ sẽ có 2 đường đi Yên Minh, đường phía dưới xa hơn nhưng là đường to đẹp hơn, đi xuyên qua rừng thông Yên Minh. Đường phía trên gần hơn sẽ đi qua điểm check-in này.

Tùng Vài

Hang Khố Mỷ

Hệ thống nhũ đá lộng lẫy của hang Khố Mỷ

Hang Khố Mỷ, thôn Khố Mỷ, xã Tùng Vài nằm ở một vị trí giao thông thuận lợi với đường trải nhựa vào đến gần cửa hang và chỉ cách trung tâm Thị trấn Tam Sơn khoảng 20km. Những nhũ đá đẹp lộng lẫy với nhiều hình thù lạ mắt, những cột thạch nhũ cao sừng sững như khoe ra dáng vẻ bề thế, bên cạnh nhiều dòng thạch trắng chảy xuống như e ấp mà duyên dáng.

Với địa hình, địa mạo là những phiến đá vôi, trải qua hàng nghìn năm, đã tạo nên nhiều hình thù độc đáo, có những phiến đá trông như hình con sư tử hoặc hình lọng của vua quan thời phong kiến, lại có những dòng thạch trắng chảy xuống như dòng thác bạc mà phải tận mắt chứng kiến mới thấy hết vẻ đẹp của nó. Bao quanh hang Khố Mỷ là một hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, bên những sườn núi là những chân ruộng bậc thang như những dải lụa mềm, uốn lượn, với những nóc nhà ẩn hiện trong sương. Chắc chắn, du khách sẽ còn nhớ mãi khi tận mắt được chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật kì bí và tinh tế nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người nơi đây.

Bát Đại Sơn

Sông Miện nhìn từ Bát Đại Sơn (Ảnh – Phớn Tọoc)

Bát Đại Sơn là một xã thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Bắc giáp xã Na Khê Đông giáp xã Na Khê, xã Cán Tỷ. Nam giáp xã Cán Tỷ, xã Thanh Vân.Tây giáp xã Nghĩa Thuận và Trung Quốc. Chỉ có 526 hộ đồng bào Mông và Dao sinh sống. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong số 9 thôn bản của xã thì có ba thôn cao giáp biên giới còn rất khó khăn.

Mốc biên giới Việt Trung

Hệ thống cột mốc biên giới Việt Trung của Hà Giang nằm trên địa bàn huyện Quản Bạ bắt đầu từ mốc 276 ở xã Tả Ván cho đến mốc 339 tại xã Bát Đại Sơn.

Tìm trên google :

  • các địa điểm du lịch ở quản bạ
  • tháng 3 quản bạ có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến quản bạ
  • phượt quản bạ có gì
  • cảnh đẹp quản bạ
  • địa điểm check-in quản bạ
  • danh lam thắng cảnh quản bạ
  • địa điểm du lịch tâm linh quản bạ
  • đến quản bạ nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở quản bạ
4.3/5 - (36 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Giang

HÀ GIANG

Vị trí Hà Giang trên bản đồ Việt Nam

nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp. Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang. Địa phương có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu.

Bạn có biết: Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được hoàn thành toàn bộ bằng sức người.

  • Diện tích: 7.927,55 km²
  • Dân số: 887.100 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 10 huyện
  • Vùng: Đông Bắc
  • Mã điện thoại: 219
  • Biển số xe: 23