Các lễ hội đặc sắc tại Lai Châu (Cập nhật 12/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 24 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Các lễ hội truyền thống đặc sản chủ yếu của Lai Châu như: Lễ hội Nàng Han, lễ hội Kin Pang Then, lễ Hạn Khuống (Hạn Khuống Giao Duyên), hội Hoa Ban của người Thái, lễ hội Cơm mới của người La Hủ, lễ hội Gầu Tào của người H’Mông, lế hôi Xên Mường, Căm Mường của người Lào, lễ hội Lập Tịch của người Dao, lễ hội Bun Vốc Nặm của người Lự, lễ hội Bắt Cá của người Kháng; lễ Cúng Bản của người Cống, lễ Cơm mới của người La Hủ, các hội Tủ Cải, đánh cù, bắn nỏ, ném còn… Hát quan làng trong đám cưới của người Tày, Thổi Pí hát giao duyên của người Thái, múa kiếm của người Dao, múa xòe, múa sạp của người Thái, người Lự, hát đối và múa khèn của người H’Mông. Ngoài ra còn có nghệ thuật tranh cúng (Pú Giáy) độc đáo của người Giáy…
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của tác giả Luu Kiem, Nguyen Duc Hung nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Lễ cúng Thánh thạch của người Hà Nhì
Mục lục
Thánh thạch – ông già đá trắng – “A pó ủ phú” là linh thiêng không ai được xâm phạm, đã ăn sâu trong tiềm thức của người Hà Nhì ở bản Pa Thắng. Thay vào những câu chuyện cổ tích như người Kinh ở dưới xuôi, bố mẹ, ông bà Hà Nhì ở đây thường ru con, dạy cháu bằng truyền thuyết “A pó ủ phú” ngay từ ngày nhỏ. Bởi thế, sau này, dù lớn lên, đi đâu, làm gì thì người bản vẫn ghi tâm khắc cốt và tìm về vào ngày cúng “thánh thạch”. Mỗi năm, trước Tết Nguyên đán, người Hà Nhì ở Mường Tè có tục cúng bản. Mỗi bản sẽ chọn ra một điều đặc biệt có ý nghĩa với riêng mình để cầu mong may mắn, an lành trong cả năm tiếp theo. Lễ cúng bản, hay còn gọi là cúng “thánh thạch” của người Hà Nhì ở bản Pa Thắng sẽ bắt đầu từ ngày Sửu đầu tiên của tháng. Họ quan niệm, ngày con trâu đi rừng sẽ mang lại may mắn. Trong ba ngày cúng “thánh thạch”, người dân bản “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Ngày thứ nhất là ngày cúng “thánh thạch”, ngày thứ hai sẽ cúng “ma rừng”, ngày thứ ba là ngày cúng tại bản. Ở cả ba ngày cúng, lễ vật sẽ giống nhau, có thể cúng bằng lợn, gà, dê, xôi và các món ăn mặn khác, kèm theo bánh dày. Tuy nhiên, trong hai ngày cúng đầu tiên chỉ có đàn ông con trai là được tham gia. Đàn bà con gái, phải đóng kín cửa, ở trong nhà. Đây là quy định, nếu gia đình nào làm trái sẽ phải chịu phạt của cả bản. Đến ngày thứ ba, mọi người sẽ được tham gia với nhiều trò chơi và cũng được xem là ngày vui nhất trong lệ cúng “thánh thạch”.
Ngày Sửu đầu tiên của tháng 11, bản Pa Thắng sẽ chọn ra một người được coi là chủ cúng để dẫn đoàn lên tảng đá trắng thắp hương tạ Giàng và cầu mong một năm mới làm ăn thuận lợi, no đủ. Người chủ cúng được lựa chọn khá kỹ. Trước ngày cúng thánh, những bậc cao niên trong làng sẽ thịt một con gà, luộc kỹ, róc hết thịt ở phần đùi trên của gà. Sau khi róc hết thịt, phần xương sẽ được cạo nhẹ và nổi ra một số lỗ. Thầy cúng trong làng sẽ dùng tăm chọc vào các lỗ đó. Căn cứ vào số lỗ chọc được, hình thù mà các lỗ xếp thành, già làng và thầy cúng sẽ phán xem người nào trong bản năm đó hợp tuổi, hợp mệnh để làm chủ cúng. Người chủ cúng trước đây bắt buộc phải là người lớn tuổi, hiện nay, không phân biệt tuổi tác, chỉ cần qua tuổi dậy thì và hợp với các tiêu chuẩn đã định từ trước.
Ngày thứ hai đi cúng “ma rừng”. Người trong bản chia ra đi cúng ở những nơi bụi cây rậm rạp được cho là có con ma cư ngụ. Họ cúng “ma rừng” với ý nguyện sẽ không quấy rối cuộc sống. Ngày thứ ba sẽ là ngày được đón đợi nhất vì đây là ngày cúng giữa bản, tất cả mọi người đều được tham gia. Thường lễ vật cúng sẽ là do mọi người trong bản tự nguyện đóng góp, là cơm xôi nhuộm màu. Sau khi chủ cúng làm xong phần lễ, tất cả mọi người, đặc biệt là nam nữ lấy lại phần xôi của mình mang đến để ăn và vo thành viên nhỏ như viên bi dùng để ném nhau. Họ có thể ném nhau cả đêm sau đó, vui đùa và từ đây nhiều đôi lứa nhờ ném xôi, đuổi nhau, tìm nhau mà nên duyên vợ chồng. Một điều đặc biệt nữa là tất cả trẻ con ở bản trong ngày này sẽ được bố mẹ chuẩn bị cho những quả trứng luộc nhuộm màu bằng lá cây rừng, buộc dây treo quanh cổ. Đó là ý nguyện cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp cho con cháu mình.
Câu chuyện hấp dẫn với hai người bản địa đã giúp tôi vượt qua hơn hai tiếng đi bộ xuyên rừng để “mục sở thị” “thánh thạch” của người Hà Nhì mà không mệt mỏi. Những nén hương được thắp cẩn thận, gọn gàng xung quanh ông già đá trắng. Thì ra, muốn lên đến tảng đá trắng phải được sự cho phép của người trong bản. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao, mặc dù biết rất rõ về “thánh thạch” nhưng ông Sá vẫn rủ thêm ông Hừ, là người chính gốc bản Pa Thắng đi cùng trong hành trình của chúng tôi.
Giữa cái hoang vu của núi rừng Tây Bắc trời về chiều, một niềm tin linh thiêng vào “thánh thạch” cũng đã ngấm dần trong tôi tự bao giờ. Dọc đường về, ông Sá còn phiên dịch cho tôi lời của ông Hừ: “Ở địa bàn của người Hà Nhì, có những điều phải tuân thủ như là lời thề ngầm với trời đất. Ví dụ, đi vào khu vực cấm của bản như đường lên với ông già đá trắng thì kể cả những cành cây có khô cong thành củi và mục rũa theo thời gian thì cũng không ai lấy về dùng. Nếu lấy về, sẽ bị “thánh phạt” và gặp những điều không may mắn!”.
Lễ mừng cơm mới của người Si La
Dân tộc Si La chỉ có khoảng 700 người sống chủ yếu ở hai bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu và bản Nậm Sin, xã Cung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống của người Si La gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào luôn mơ ước về sự no đủ. Đó là lý do ra đời của Lễ mừng cơm mới (ổm khe) của đồng bào dân tộc Si La. Lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La được tổ chức đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch), vào ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn. Nếu ngày cúng trùng vào ngày giỗ của gia đình trưởng họ thì phải lui lại nhưng vẫn phải chọn vào một trong những ngày kể trên.
Khi lúa trên nương chín, trưởng dòng họ đi hái một nắm lúa đem về phơi khô rồi giã lấy gạo nấu một bát xôi làm lễ vật cúng chính. Những người con trai đã ra ở riêng, nếu bố đã mất phải đem lễ vật đến bàn thờ đặt ở nhà trưởng họ để cúng tổ tiên (nếu còn bố thì bố làm thay). Lễ vật bắt buộc phải có là một gói cơm mới (được lấy từ nương lúa của gia đình đem về phơi rồi đồ lên), hai con sóc, hai con cua, hai con cá.
Lễ cúng thường làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Khi lễ vật được các gia đình trong dòng họ đem đến, trưởng họ bày ra một mâm tròn và bắt đầu làm lễ cúng. Con cháu sẽ quây tròn quanh mâm cúng, trưởng họ vừa cúng vừa đọc những câu cầu cho mùa màng năm sau được tốt tươi, cho thu hoạch bội thu. Lễ cúng không thắp hương mà chỉ thắp nến.
Khi cúng xong các gia đình sẽ cùng nhau ăn mừng lúa mới. Gia đình nào khó khăn, trưởng dòng họ cho đem lễ vật đã cúng về nhà ăn cùng con cái và người thân. Người Si La rất coi trọng Lễ mừng cơm mới nên các dòng họ thường tổ chức rất chu đáo. Lễ cúng xong, sáng hôm sau các gia đình lên nương thu hoạch lúa.
Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La ở Lai Châu ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Các điệu hát và tiếng sáo, tiếng đàn vang lên khắp núi rừng báo hiệu một mùa bội thu, an lành, no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào Si La.
Lễ hội Hạn Khuống
Hạn khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hàng năm. Lễ Hạn Khuống do bên gái tổ chức thực ra là một cuộc vui để tìm hiểu bạn đời sau đó chia tay về nhà chồng. Chính vì vậy, Hạn Khuống đã để lại biết bao kỷ niệm và ấn tượng đẹp của một thời trẻ trung sôi nổi.
Khi nói đến Hạn Khuống, người Thái nghĩ ngay đến nơi hò hẹn – giao duyên bằng những lời ca thắm tình của nam nữ thanh niên Thái, một nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa của người Thái. Hạn Khuống làm cho trai mường, gái bản Thái thêm yêu cuộc sống, yêu lao động sản xuất, gần gũi với thiên nhiên, vì văn hóa của người Thái cũng bắt đầu từ tình yêu cuộc sống, bắt đầu từ phong tục, tập quán sinh hoạt của một tộc người luôn gắn bó với núi rừng. Có thể nói, lửa sàn Hạn Khuống sẽ thêm thắm đượm tình người khi du khách, bạn bè gần xa đến giao duyên trên sàn Hạn Khuống vào ngày lễ hội, dịp tết đến xuân sang.
Ngoài căn nhà sàn thân quen của mình, khi tiết trời sang xuân, khi bản mường bước vào mùa lễ hội, nam nữ thanh niên Thái cùng nhau vào rừng đốn chặt lấy vài cây rừng về dựng một sàn ở khu đất trống giữa bản, sàn có thể dựng bằng tre hoặc gỗ, sàn đó được gọi là Hạn Khuống nơi để nam nữ thanh niên Thái đến khắp (hát) đối đáp. Trên sàn Hạn Khuống chuẩn bị dụng cụ cho nam thanh, nữ tú hội tụ giao duyên; con gái Thái thì quay sợi, cán bông, dệt vải, thêu thùa bằng chỉ màu các loại, có bếp củi để đốt lửa. Dụng cụ cho trai Thái gồm có lạt xanh, lạt đỏ, lạt trắng để đan hom, đan giỏ, đan ớp, hoặc đan các con vật để tặng bạn gái, người mà trai Thái có ý tỏ tình trong đêm khắp đối giao duyên. Ống điếu và bó đóm bằng tre ngâm khô và thuốc lào. Ngoài ra còn một số vật dụng khác để đan chải, đan vợt xúc… và các loại nhạc cụ như khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo trúc, đàn tính…
Sàn Hạn Khuống dựng cao khoảng 1,2m – 1,5m, rộng chừng 0,6m, dài chừng 5m, xung quanh có lan can được trang trí hoa văn mang bản sắc dân tộc. Giữa sàn Hạn Khuống có cây nêu bằng tre to, dài để cả phần ngọn còn nguyên lá và trang trí các con giống đủ màu sắc gọi là “Lắc xáy chính”. Cây “Lắc xáy chính” này mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc xáy”. 4 góc sàn đều có cầu thang lên xuống, được gọi là “San bó Han Khuông” (Sàn hoa Hạn Khuống). Chủ thể Hạn Khuống thường chọn những thiếu nữ Thái xinh đẹp của bản mường, có đức – tài hát đối ứng gọi là “Xao tỏn khuống”. Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy”. Khi bếp lửa trên sàn bắt đầu nhóm lên, ngọn lửa cháy rực sáng cả một góc bản mường cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên – xuống sàn Hạn Khuống và cuộc thi tài bắt đầu. Lúc này, các chàng trai Thái muốn lên sàn hoa thì phải thắng trong cuộc hát đối với các cô chủ sàn Hạn Khuống. Lời các bài hát đối thường lấy trong truyện thơ Thái “Xống chụ xon xao”, “Tản chụ xiết xương”. Khi đã vào cuộc, ngoài khắp đối ra là lời ứng tác giữa một bên là trai Thái, một bên là các cô chủ Hạn Khuống. Lời ứng tác tinh tế, sắc sảo thể hiện sự thông minh, tài ba của những chàng trai, cô gái Thái.
Khi đã cảm phục tài ứng tác của các chàng trai trong hát đối, các cô gái thả thang xuống chạm đất đưa tay níu mời các chàng trai lên sàn Hạn Khuống. Sau khi lên Hạn Khuống, bên gái tiếp tục thử sức tài ba, lòng kiên trì, đối đáp của bên trai là không cho ghế, bên trai lại khắp xin ghế ngồi. Cứ thế, xin được ghế ngồi rồi lại khắp đối xin ống điếu thuốc lào… Sau một loạt các bài khắp, các chàng trai đã vượt qua thử thách và được các cô gái đồng ý cho dự cuộc vui đến thâu đêm. Khi chàng trai và cô gái nào để ý đến nhau, có tình cảm riêng với nhau thì tự đến bên nhau để tỏ tình bằng những lời khắp đối ân tình, sâu lắng. Cứ như thế, cuộc vui cuốn hút các cô gái Thái thể hiện sự kéo tay bằng việc thêu dệt, xe sợi, cán bông không biết mỏi mệt; còn các chàng trai người thi đan giỏ, đan hom, thi thổi sáo, đàn tính bằng những làn điệu níu kéo lòng người, tình người.
Đêm càng về khuya, Hạn Khuống càng say nồng bởi những lời khắp đối, bởi sự nhanh tay xe sợi, thêu, đan hom, đan giỏ của các chàng trai cô gái Thái. Đến lúc này, những người có tuổi và trẻ em tuy vương vấn sàn Hạn Khuống nhưng cùng lần lượt ra về vì đêm sắp tàn canh. Chỉ còn lại trên sàn Hạn Khuống là các chàng trai, cô gái Thái vai kề vai bên bếp lửa rực hồng, lan tỏa làm cho đôi má tuổi mười tám đôi mươi các cô chủ Hạn Khuống thêm xinh. Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, hình thức vui chơi phong phú, đa dạng như: tung còn, múa xòe, tó má lẹ, chơi cù… Khi hoàng hôn buông xuống, sinh hoạt trên sàn Hạn Khuống lại trở nên thắm nồng và trầm lắng lời khắp giao duyên của trai gái Thái. Cùng với khắp đối, người đến xem có thể cất lên giọng phụ họa làm cho không khí trong đêm Hạn Khuống càng trở lên say đắm lòng người. Hạn Khuống tan là lúc cô chủ sàn Hạn Khuống khắp lời chia tay. Đến lúc này, không ai bảo ai, mỗi người một tay, trai dọn đồ nặng, gái dọn đồ nhẹ và bắt đầu thổi tắt bếp lửa sánh vai cùng nhau ra về là lúc rặng núi phía đông bắt đầu hửng sáng, Lúc đó, cô chủ Hạn Khuống cất thang Hạn Khuống dừng cuộc vui, nhưng dư âm đêm Hạn Khuống còn mãi với thời gian.
Sinh hoạt Hạn Khuống như có sức hút kỳ lạ nếu ta để tâm nghe những lời khắp đối bằng những câu thơ nổi tiếng của người Thái trong tác phẩm “Xống chụ xon xao” được người Thái Tây Bắc lưu truyền, diễn xướng qua nhiều thế hệ và đón nhận trường ca đó bằng cả tình cảm nồng thắm, thiết tha. Chính vì lẽ đó, Hạn Khuống là nét văn hóa mang đậm giá trị tinh thần trong đời sống thường nhật, biểu trưng tình cảm của người Thái. Khắp đối giao duyên trên sàn Hạn Khuống là sự kết tụ văn hóa Thái Tây Bắc, mà ở đó khởi nguồn từ cuộc sống và được biểu hiện nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đầy cảm xúc của người Thái. Sinh hoạt văn hóa trên sàn Hạn Khuống làm con người thêm yêu cuộc sống, nhìn cuộc sống tốt đẹp hơn, cuộc sống tràn ngập tình nghĩa, tính bao dung và lòng nhân ái.
Lễ hội nàng Han
Lễ hội Nàng Han tôn vinh nữ anh hùng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của đồng bào Thái trắng, được tổ chức vừa để tri ân Nàng Han, vừa mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho khắp bản làng. Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 hàng năm, tại bản Tây An xã Mường So. Vào ngày này, bà con dâng hương, hoa, nông sản, thực phẩm do chính bản làng làm ra.
Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của Nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm.
Lễ hội Nàng Han, trong trí nhớ của người già ở bản Vàng Pheo, huyện Phong Thổ, thì gồm sáu bài tế lễ do các thầy mo đảm nhiệm, gồm: Tùng song tơ, Phái lệ tơ, Thá ớc, Thá hu nơ, Then hầu phét, Quát bó héo. Ðặc biệt, trong lễ hội có tới 32 bài múa dân gian của người Thái. Những người hát múa trong lễ hội được tuyển chọn khắt khe từ các cô gái trẻ trong bản, luyện tập công phu nhiều ngày. Ðến ngày chính lễ, đội múa này sẽ múa từ trong bản ra đến miếu thờ Nàng Han, nơi các vị chức sắc ngự xem.
Ðúng ngày chính hội, dân làng tập trung trước ngôi miếu thờ Nàng Han mới phục dựng để xem hát múa. Các thầy mo cúng lễ ngay ngoài trời. Vật phẩm dâng lên Nàng Han gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc của đồng bào Thái. Thầy mo cúng xong thì các cô gái trong đội múa với trang phục váy cóm thướt tha biểu diễn các bài dân ca truyền thống ca ngợi quê hương, tình yêu và công đức của vị nữ tướng anh hùng.
Cùng với phần lễ tái dựng theo trí nhớ của người già, thì phần hội khá sôi nổi và rầm rộ với các trò chơi dân gian thường thấy trong các ngày hội của đồng bào dân tộc gần đây: đẩy gậy, kéo co, ném còn… Phần trình diễn ẩm thực của người Thái, với những món ăn đặc sắc như xôi ba màu, cá nướng, rêu nướng ngay bên bờ suối đầu bản khiến du khách tò mò. Ðặc biệt trò chơi thi bắt cá dưới con suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn dưới sự hò reo cổ vũ thán phục của khách phương xa.
Lễ hội Hoa Ban
Hoa Ban (Ảnh – Luu Kiem) |
Hội Hoa ban, được tổ chức vào dịp 13 tháng 2 âm lịch hàng năm, khi thời tiết bắt đầu nắng ấm. Lễ hội có một ý nghĩa quan trọng đối với người Thái. Hội hoa ban mở ra không chỉ là ngày hội của tình yêu và hạnh phúc tưởng nhớ đến câu chuyện của đôi trai gái trong sự tích mà còn là dịp bày tỏ đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ, thỉnh bái thần rừng, thần hang cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau mùa mưa hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng thì người Thái ở Tây Bắc bắt đầu đi trẩy Hội.
Lễ hội bắt nguồn từ sự tích của dân tộc Thái: Ngày xưa, nàng Khôm (tiếng Thái là nghèo, cay đắng) và chàng Tào Lu (nghĩa là giàu có) yêu nhau nhưng không được gia đình chấp thuận. Mùa xuân, hai người rủ nhau lên chơi hang Thẩm Đông Ngoạng (hang rừng ve, tức hang Thẩm Lé thuộc tỉnh Yên Bái bây giờ). Ít lâu sau, chàng cảm chết, biến thành con Tô Mánh Lú (màu đen, to hơn con ve). Nàng Khôm không muốn bị ép duyên với chàng trai khác đã bỏ trốn vào rừng. Nàng chạy, chạy mãi, kiệt sức rồi chết ở trong rừng. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một loại cây có hoa trắng, có hương thơm, mật ngọt. Người dân gọi đó là hoa Ban.
Loài hoa ban ấy nở đúng vào mùa xuân, thời gian mà chàng Lu và nàng Khôm cùng nhau đi chơi hang. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, hoa ban lại nở trắng núi rừng Tây Bắc,và người Thái khắp nới trên vùng Tây Bắc nói chung, Lai Châu nói riêng đều háo hứng đi trẩy hội.
Ngày hội sôi nổi với những trò diễn độc đáo. Âm vang nhộn nhịp của tiếng pí, tiếng khèn, tiếng trống chiêng. Con trai thổi khèn, con gái dập dìu múa điệu múa hái hoa.
Đó là dịp gặp nhau, hò hẹn, tâm tình của những đôi bạn tâm giao. Chàng trai ngắt những bông hoa ban đầu xuân đẹp nhất cài lên mái tóc của người mình yêu. Cô gái e ấp, thẹn thùng nấp mình dưới những lộc ban xanh mướt. Tất cả được thể hiện thông qua tiếng đàn, tiếng hát và lời nguyện cầu tha thiết
Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu của người Thái Trắng
Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm mới) của người Thái trắng – xã Mường So – huyện Phong Thổ đã có từ rất lâu đời. Lễ hội là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các cư dân trên địa bàn toàn tỉnh. Qua nhiều năm, Lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một. Năm cuối cùng diễn ra Lễ hội là năm 1961, trải qua 46 năm gián đoạn, Lễ hội giờ đây đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én – xã Mường So – huyện Phong Thổ (2007) và được tổ chức đều đặn vào mỗi năm vào rằm tháng 9 (âm lịch) hàng năm, đây chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để chọn về làm cốm.Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Thái trắng Mường so trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: Lúa Lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa…Ngày trước lúa được chọn làm cốm thường là lúa nếp nương bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi và đặc biệt hơn nữa những hạt lúa nếp nương lại rất tròn và mẩy. Ngày nay do nhu cầu sử dụng lúa nếp của người dân có phần hạn chế và diện tích canh tác lúa nương không còn nhiều nên lúa làm cốm là giống lúa Nếp thơm hoặc lúa Lương phượng. Khi chọn lúa làm cốm người ta không nhất thiết phải lấy lúa của một gia đình nào, trong thời gian chuẩn bị họ tập trung ra cánh đồng của bản tìm ruộng lúa có giống lúa phù hợp với các tiêu chuẩn trên, họ sẽ sử dụng loại lúa trong ruộng đó. Số lượng lấy nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của buổi Lễ.
Người ta cũng chọn những bông lúa hạt to, mẩy và đặc biệt là không lẫn lúa tẻ rồi tuốt lúa từ những bông lúa đó đem phơi khô rồi bảo quản ở trong các bao đặt nơi khô thoáng để làm giống cho vụ sau.
Trước hôm diễn ra buổi lễ một ngày, một bà cụ trong bản (đã được lựa chọn, phân công từ trước) có kinh nghiệm về làm cốm cùng với chủ ruộng và một tốp nữ của bản cùng ra đồng lấy lúa. Bà cụ tiến lên trước thửa ruộng rồi đọc lời khấn: “Qua quá trình cày cấy, chăm sóc giờ đây lúa ở ruộng đã chín vàng, lúa trên khắp cánh đồng đã chín. Con cháu sẽ tổ chức ăn cốm mới, xin với ông bà thổ địa được lấy lúa về làm cốm”.
Chấm dứt lời khấn bà cụ sẽ cắt một ít lúa trong ruộng đó làm mẫu rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa cần lấy. Dụng cụ để cắt lúa là dao và liềm. Những cô gái được chọn để cắt lúa cũng có những tiêu chuẩn nhất định: Đó phải là những cô gái còn trinh tiết, nếu là những người đã có gia đình thì đó sẽ là những gia đình thuận hoà yên ấm, con cái khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Theo quan niệm của người dân nơi đây chỉ những người đó lấy lúa về làm cốm mới thể hiện được sự trưởng thành, phương trưởng của con cháu, sự nguyên vẹn đối với các thần linh.
Lễ hội Xên Mường
Lễ hội Xên Mường (cúng Mường) là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm ở Lai Châu, nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường – cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống, cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc…Lế hội được tổ chức vào ngày Thìn tháng 2 âm lịch hàng năm tại Xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Mỗi Mường chọn địa điểm, thời gian, cách thức tiến hành và một số nghi lễ khác nhau. Người Thái Tây Bắc thường tổ chức lễ hội này ở đầu nguồn sông suối, nơi cung cấp nước cho toàn Mường. Tuy nhiên, người Thái Đen ở Mường Lò (Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) lại tổ chức ở một khu rừng cấm của Mường, nơi có gốc đa to nhất, xung quanh là chỗ “yên nghỉ” của những người đã khuất. Ở Mường Lò, ông mo Nghè (mo Mường), người trông coi thần quyền cho chủ Mường và Hội Phụ lão đứng ra tổ chức lễ hội Xên Mường. Tại đây, lễ Xên Mường phải có áo của con trai thuộc dòng dõi quý tộc gốc hay người đương chức làm vật tế. Ngày nay, chức danh quý tộc không còn nữa nên người Thái lấy áo của một vị lãnh đạo xã làm vật tế. Lễ vật do người dân toàn Mường đóng góp, có thể mổ từ hai đến bốn con trâu. Riêng người Thái ở Yên Châu, tỉnh Sơn La thì tế trâu trắng. Điều lạ là, con trâu để Xên Mường phải do chính mo Nghè đi tìm, ông thích con nào thì chỉ con đấy, không cần biết con trâu đó của nhà ai. Người ta bảo khi bị ông mo chỉ gậy vào, con trâu đứng yên đến mức gần như bị thôi miên, người giúp việc cho ông chỉ việc dắt trâu về nơi tổ chức lễ hội. Cỗ cúng thường gồm ba mâm nhưng phải đảm bảo có thịt trâu chín, gạo và rượu. Ông mo khấn bảy lần, mời các vị thần, tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho dân Mường được ấm no, sung túc, cuộc sống an vui. Các trò chơi trong lễ hội Xên Mường thường là xoè vòng theo nhịp, ném còn. Trước khi bắt đầu, người Thái lập đàn tế còn dưới chân cột còn cao 15m-20m. Lễ vật gần giống Xên Mường, chỉ khác là có thêm hàng trăm quả còn trên đàn tế. Tham gia trò này chủ yếu là nam thanh niên, ai ném rách tâm điểm trên đỉnh cột còn sẽ được coi là người hùng của hội…
Lễ hội Bun vốc nặm
Đây là lễ hội té nước của người Lào ở Lai Châu. Lễ hội được tổ chức trước mỗi mùa vụ, nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc cư dân bản địa… thu hút đông đảo cộng đồng các dân tộc quanh vùng tham gia.
Ngay từ sáng sớm, khi mây mù còn giăng mắc trên đỉnh núi, từ các ngả đường đã thấy bà con các dân tộc nô nức kéo về trung tâm xã – địa điểm tổ chức lễ hội. Nổi bật hơn cả là các cô gái Lào xúng xính trong trang phục truyền thống với những hoa văn tinh xảo, miệng cười tươi tắn dắt tay nhau về xem hội.Phần lễ cúng cầu các thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở không bị sâu bệnh phá hoại, người người mạnh khoẻ, nhà nhà hạnh phúc. Các già làng, trưởng bản và nam nữ thanh niên trong xã đập mẹt, gõ trống, tuốt lá cọ, tuốt lạt… giả làm tiếng sấm, tiếng mưa rơi. Họ đội nón, khoác áo tơi đến từng nhà xin nước, xin lộc trời… Đó là những hành động mang ý nghĩa phồn thực, cầu mưa xuống cho vụ mùa tốt tươi, bội thu…
Phần hội được bắt đầu khi trai bản trên, gái bản dưới, không phân biệt người già, trẻ nhỏ kéo nhau ra suối té nước. Với quan niệm ướt nhiều, may mắn sẽ đến nhiều nên ai cũng mong mình được té càng ướt càng tốt. Không chỉ người dân bản địa tham gia trong cuộc, ngay cả khách xem bên bờ suối cũng được đắm mình trong dòng nước mát. Tất cả đều vui vẻ, thoải mái, rộn vang tiếng cười.
Mang trên mình bộ quần áo ướt sũng, mọi người cùng lên bờ thưởng thức các món ăn làm từ sản phẩm nông nghiệp, do chính bà con dân tộc Lào làm như: cơm lam, bánh trưng, xôi ngũ sắc… Lễ hội kết thúc bằng các trò chơi dân gian truyền thống như: đẩy gậy, ném còn, kéo co…
Tìm trên Google : các lễ hội đặc sắc tại lai châu, lễ hội người thái lai châu, lễ hội các dân tộc tỉnh lai châu, lễ hạn khuống, lễ hội hoa ban, văn hóa lai châu, văn hóa phi vật thể lai châu, cac le hoi tai lai chau, le hoi nguoi thai lai chau, le hoi cac dan toc tinh lai chau, le han khuong, le hoi hoa ban, van hoa lai chau, van hoa phi vat the lai chau, có lễ hội gì ở lai châu, co le hoi gi o lai chau