Các món ăn ngon ở Hải Phòng

Các món ăn ngon ở Hải Phòng (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Ẩm thực Hải Phòng là một trong những phong cách chế biến ẩm thực địa phương của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với nền tảng nguyên liệu là nguồn thủy hải sản tương đối phong phú của vùng biển Hải Phòng và khu vực Vịnh Bắc Bộ. Những năm cuối thế kỷ 19 – nửa đầu thế kỷ 20, người Pháp và người Hoa là hai cộng đồng người nước ngoài lớn nhất và có ảnh hưởng về nhiều mặt tại Hải Phòng. Các món ăn ngon ở Hải Phòng ngoài mang phong cách chế biến truyền thống Việt Nam còn chịu ảnh hưởng đáng kể từ  ẩm thực Trung Quốc và một phần nhỏ từ ẩm thực Pháp. Đây cũng là hai trong số những nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng nhất trên thế giới.

Ẩm thực Hải Phòng là một trong những điều bạn không thể bỏ qua khi tới với thành phố này (Ảnh – rab.bugs)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả rab.bugs, _r3vo_m, phanthuling, nyelee_cute_1995, minh.nguyettt, bebi0910, chichikhonghanh, the_anh_hoang, trangnhimtron, ngngmylinh2502, nhungnguyen1811, mohongngoc2302, _aubadefilm, no93118, keomut925, denisfilber, Khoai Tây Bi, Tú Minh, hapham, Thu Trà, Đắc Sơn, Nguyễn Đức Hải, hungjido nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Các món hải sản

Bề bề Cát Bà

Bề bề rang muối có thể dễ gặp thấy trong thực đơn của các nhà hàng ở Cát Bà (Ảnh – cungphuot.info)

Bề bề tại Cát Bà có khá nhiều, đặc trưng của những con bề bề ở đây là to, mẩy và bóng, do đó món ăn từ bề bề bao giờ cũng hấp dẫn. Để có được món ăn độc đáo này, người chế biến phải chọn lựa bề bề cẩn thận và đặc biệt, phải còn sống, để khi chế biến xong, thịt còn nguyên, không dập, vỡ và tạo nên hương thơm đặc trưng.

Ghẹ xanh Cát Bà

Ghẹ Cát Bà (Ảnh – cungphuot.info)

Ghẹ xanh xuất hiện khá phổ biển ở khắp các vùng biển của Việt Nam. Ghẹ xanh ưa thích sống ở vùng nước có độ mặn 25-31‰ và thường sống ở độ sâu từ 4 đến 10m nước ở những vùng biển có đáy là cát, cát bùn và cát bùn có san hô chết. Ghẹ xanh hiện được nuôi nhiều trong các đầm nước lợ cũng như nuôi ghép với các loại hải sản khác trên các lồng bè khu vực Cát Bà, Hạ Long.

Mực Cát Bà

Mực Cát Bà tương đối tươi ngon, có thể chế biến thành nhiều món (Ảnh – _r3vo_m)

Thông thường, muốn câu mực, người câu phải ra khơi, nhưng do đặc thù biển sâu, độ mặn cao và ít có sóng to nên khu vực biển Cát Bà trở thành nơi thích hợp cho loài mực mò sát vào bờ sinh sống…chính vì vậy mực cũng là một đặc sản khá phổ biến ở Cát Bà, nếu có thể mua được những con mực vừa câu lên rồi đem về chế biến thì quả thật là tuyệt vời.

Mực câu lên có thể chế biến thành các món ăn khá đa dạng như luộc, hấp, nhúng, dấm, xào, chiên giòn. Ở dạng phơi khô lại có món mực khô xé tay chấm tương ớt uống cùng với bia. Buổi tối bạn dễ dàng tìm thấy các hàng mực nướng ở ngay cầu cảng Cát Bà.

Bàn mai

Bàn mai nướng mỡ hành (Ảnh – phanthuling)

Không nhiều và đa dạng như những loại hải sản khác, bàn mai là một loại nhuyễn thể hoàn toàn tự nhiên và phân bố rải rác ở vịnh Bến Bèo, vịnh Lan Hạ. Bàn mai là một loại thực phẩm được ưa chuộng nhất, vì theo những người cao tuổi ở Cát Bà thì ăn bàn mai có thể giảm được đau lưng, chắc xương và đặc biệt là rất ngon và ngọt thịt. Giá trị nhất là loại bàn mai vỏ xác to bằng bàn tay, thịt săn chắc, thơm ngon và nhiều dinh dưỡng. Có thể chế biến bàn mai theo nhiều cách nhưng thông dụng, dễ làm và ngon nhất là món nướng. Bàn mai qua sơ chế, sắt miếng nhỏ vừa ăn, bày vào miếng vỏ, rưới dầu và hành phi rồi đưa lên vỉ nướng.

Cua Đồ Sơn

Cua luộc (Ảnh – cungphuot.info)

Cua biển hay cua bể là tên gọi chỉ chung cho tất cả các loài cua sống ở môi trường biển hoặc các vùng vịnh ven biển. Cua biển có nhiều loại: cua gạch, cua thịt, cua nước để bạn lựa chọn theo sở thích hay theo yêu cầu chế biến của món ăn. Cua Đồ Sơn gạch và cua thịt đều ngon và rất bổ dưỡng.

Ngao vàng Đồ Sơn

Ngao hấp sả (Ảnh – nyelee_cute_1995)

Ngao vàng được đánh bắt tại vùng biển Đồ Sơn thường to, thịt dai và rất ngon. Các món có thể thưởng thức là ngao hấp, cháo ngao, canh ngao…

Hàu

Hàu thậm chí có thể ăn sống (Ảnh – minh.nguyettt)

Hàu là một loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, thường sống ở các ghềnh đá ven biển hay cửa sông. Ngoài món hàu sống, món hàu nướng phô mai, nướng mỡ hành cũng rất được ưa thích. Món ăn được chế biến rất đơn giản, hàu bắt về, tách đôi vỏ. Sau khi làm sạch, cho vào một ít phô mai và đặt lên vỉ nướng trên bếp than hồng.

Mực trứng

Mực trứng chiên giòn (Ảnh – bebi0910)

Mực trứng với đặc điểm là có kích thước dài từ 5 – 12 cm, trong thân mực toàn là trứng. Mực trứng có thể chế biến được rất nhiều món ăn bổ dưỡng như mực trứng nướng, mực trứng chiên nước mắm, mực trứng luộc, … các món ăn từ mực trứng có vị ngọt, hấp dẫn và đậm đà.

Bánh đa cua

Bánh đa cua Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh đa cua đúng kiểu của Hải Phòng thì các yếu tố đặc trưng là màu sắc phong phú những nguyên liệu tạo nên món ăn (màu đỏ sẫm của sợi bánh đa, màu nâu hồng của gạch cua, màu đỏ tươi của cà chua, màu xanh của rau rút hoặc rau muống, màu xanh đậm của chả lá lốt, màu vàng của chả viên và hành phi), sợi bánh đa đỏ có độ dai nhưng mềm và loại tương ớt ăn kèm mà người Hải Phòng quen gọi là “chí chương” cũng thường được chế biến theo cách thức gia truyền thay vì dùng loại tương ớt chế biến sẵn. Có thể ăn buổi sáng hay buổi tối, mùa hè hay mùa đông cũng đều cảm thấy vị ngon. Nhiều người đã so sánh mức độ phổ biến và được ưa thích của bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng như món phở với người Hà Nội, món bún bò với người Huế và món hủ tiếu với người Sài Gòn.

Bánh mỳ cay

Bánh mỳ pa tê que ăn kèm với tương ớt Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Còn được gọi là bánh mỳ que. Và dù gọi theo cách nào thì cũng nói lên một phần đặc trưng của loại bánh mỳ này. Sở dĩ có tên gọi bánh mỳ que là do hình dạng của chiếc bánh mỳ nhỏ, dài, nằm lọt trong lòng bàn tay và điều quan trọng là độ giòn của bánh mỳ. Còn tên gọi bánh mỳ cay là do vị cay đặc trưng của loại tương ớt ăn kèm. Điểm cơ bản tạo nên vị ngon của bánh mỳ cay (hay bánh mỳ que) theo kiểu Hải Phòng chính là ở cách chế biến pa tê gan, bánh mỳ và tương ớt ăn kèm.

Nem cua bể

Nem cua bể (Ảnh – chichikhonghanh)

Nem cua bể theo đúng cách chế biến kiểu Hải Phòng thường được gói theo hình vuông ngoài cách gói nem phổ biến hình thon dài. Cơ bản về nguyên liệu chế biến không có nhiều khác biệt so với chả nem chế biến tại nhiều địa phương của miền Bắc như thịt lợn, tôm, nấm hương, mộc nhĩ, giá đỗ…Khác biệt ở đây chính là sự có mặt của nguyên liệu cua bể (một nguồn hải sản tương đối dồi dào của vùng biển Hải Phòng) và loại bánh đa nem sản xuất theo phương pháp truyền thống của địa phương. Yêu cầu cơ bản ở đây là nem cua bể phải có mùi vị đặc trưng của cua bể sau khi đã chiên rán chín (mùi cua bể không bị hòa lẫn vào mùi vị của các nguyên liệu khác), vỏ nem sau khi rán có màu vàng và độ giòn nhưng không bị cháy cạnh.

Bún tôm

Bún tôm (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một món ăn phổ biến với nguyên liệu chính và không thể thiếu tạo nên món ăn này là bún sợi to (sợi thường lớn hơn sợi bún dùng trong món bún riêu cua), tôm sú hoặc tôm giảo tươi, sườn non (tùy khẩu vị mà có thể thêm chân giò), xương lợn (xương ống là tốt nhất), rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, rau thì là, hành lá và gia vị. Tùy theo khẩu vị của nhiều người mà khi chế biến có thể dùng thêm cà chua, thịt ba chỉ.

Bánh bèo

Bánh bèo Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Về mức độ phổ biến trong những món ăn đường phố tại Hải Phòng thì nó cũng ngang ngửa món bánh mì cay. Món ăn này dù có cùng tên gọi nhưng cách thức chế biến rất khác loại bánh vẫn thường thấy ở xứ Huế và các tỉnh thành khác tại miền Trung Việt Nam. Bánh bèo Hải Phòng được xem là sự kết hợp hài hòa từ các thành phần bột gạo, hành phi, mộc nhĩ, thịt lợn để làm nhân bánh (rồi đổ vào khuôn lá chuối gấp hình chiếc thuyền nhỏ để hấp cách thủy) và nước chấm chua ngọt được chế biến từ xương lợn ninh

Bánh cuốn

Bánh cuốn ở Hải Phòng có cả loại có nhân và không nhân, ăn kèm với chả (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh cuốn Hải Phòng về cơ bản thì bột bánh hay nhân bánh vẫn giống với các địa phương khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất đó chính là nước mắm chấm bánh cuốn. Để làm ra được món bánh cuốn đặc trưng của Hải Phòng, đòi hỏi người làm phải chế biến rất kỳ công. Về phần bánh, bánh cuốn phải được làm từ gạo tẻ để có độ dai mịn cần có. Bánh cuốn phải có độ mềm vừa phải, hơi dai và đặc biệt là không được nhão hay quá mềm. Về phần nhân, bánh cuốn Hải Phòng cũng rất đa dạng. Đối với bánh cuốn tráng máy thì thường có hai loại phổ biến đó là bánh cuốn chay và bánh cuốn nhân thịt. Còn đối với bánh cuốn tráng tay thì nhân bánh có phần đa dạng hơn, như có thêm nhân tôm, nhân trứng,…tùy thuộc vào độ sáng tạo của người làm bánh.

Nếu như Hà Nội ăn bánh cuốn cùng với mắm giấm thì Hải Phòng lại ăn bánh cuốn cùng với mắm ninh xương. Để làm ra được món nước mắm “vạn người mê” này thì người làm bánh phải mất rất nhiều công sức, cũng như phải có những bí quyết của riêng mình. Nước mắm của bánh cuốn Hải Phòng được làm từ nước ninh xương để có được vị ngọt tự nhiên. Mắm xương được ninh trong nhiều giờ, sau đó cho thêm gia vị để tăng thêm hương vị cho nước mắm. Đặc biệt, để tạo nên được mùi thơm và hương vị đặc trưng cho nước mắm bánh cuốn Hải Phòng thì không thể thiếu được cà cuống. Đây chính là nét đặc biệt, tạo nên hương vị thơm ngon, cay cay đặc trưng mà chỉ có nước chấm tại Hải Phòng mới có.

Ốc

Ai từng ăn ốc Hải Phòng đều không thể quên được (Ảnh – cungphuot.info)

Nhiều nơi có món ốc nhưng ăn ốc ở Hải Phòng lại là một trải nghiệm rất khác với những người sành ăn. Ốc sống được bày trong những chiếc rổ con con để khách chọn lựa. Có đủ loại, nào là ốc vặn, ốc mít, ốc dáo, ốc mút, ốc đỏ môi… Khách chọn xong, chủ hàng mới bắt đầu luộc, luộc mắm hay xào theo yêu cầu. Ốc luộc mắm có vị thơm đậm đà của mắm thấm sâu vào thịt ốc. Còn ốc xào công phu và thêm nhiều phụ liệu hơn. Gia vị của món ốc xào gồm tương ớt, sả, gừng, vài lát dừa khô thái nhỏ… làm cho món ăn dậy mùi thơm phức. Ốc vừa chín tới, người ta chắt nước ốc xào đặc sánh ra để làm nước chấm – một loại nước chấm có hương vị chẳng thể lẫn vào đâu, trộn lẫn giữa cái cay sè của ớt, cái béo béo của dừa, cái thơm nồng của gừng, của sả và vị ngòn ngọt.

Cơm cháy hải sản

Cũng có thể coi là một biến thể của món cơm cháy Ninh Bình. Về cơ bản, cách chế biến cơm cháy trong món cơm cháy hải sản theo kiểu Hải Phòng không khác với cơm cháy Ninh Bình. Điểm khác biệt chính là ở nguyên liệu và cách chế biến nước sốt ăn kèm với cơm cháy. Nước sốt ăn kèm với cơm cháy Ninh Bình theo truyền thống được chế biến từ nước xào tim cật và nước hầm thịt dê. Trong khi đó, nước sốt dùng trong món cơm cháy hải sản được chế biến từ các nguyên liệu hải sản như tôm, cua, mực, tu hài. Bởi vậy mùi vị của hai món ăn cũng khác nhau.

Các món gốc Hoa

Cơm Tàu

Cơm sườn kiểu Trung Hoa (Ảnh – cungphuot.info)

Tại Hải Phòng, hiện còn quán Đắc Lợi ở Cầu Đất là quán ăn còn giữ được những hương vị thơm ngon, đặc trưng trong các món cơm của người Trung Hoa. Tuy cũng chỉ là những món ăn quen thuộc như cơm thịt kho tàu, cơm sườn, cơm bò… nhưng hương vị của những món ăn này sẽ là những trải nghiệm mới lạ với những ai chưa từng thưởng thức.

Mỳ vằn thắn

Mỳ vằn thắn (Ảnh – cungphuot.info)

Món ăn gốc Hoa này được yêu thích và bán ở nhiều khu trong thành phố hoa phượng đỏ. Mỗi quán có đặc trưng riêng, nhìn chung bát mì có sợi mì vàng, thịt xá xíu, viên vằn thắn… khá ngon mắt.

Sủi dìn

Sủi dìn ăn rất ngon trong mùa đông (Ảnh – cungphuot.info)

Sủi dìn hay còn gọi là bánh trôi tàu, là món ăn có nguồn gốc từ cộng đồng người Hoa sống tại Hải Phòng. Đây là món ăn vặt đường phố được người dân nơi đây rất ưa chuộng. Nước dùng làm sủi dìn có vị đặc trưng riêng, thơm dậy mùi cay nồng của gừng tươi giã nhỏ nấu với mật mía hoặc đường thốt nốt. Màu vàng cánh gián song sánh của nước dùng khi tưới lên sủi dìn trông rất bắt mắt và hấp dẫn.

Bánh cấu

Bánh cấu (Ảnh – the_anh_hoang)

Bánh cấu còn có tên gọi khác như bánh xì liền cấu, bánh xì lồng cấu là một loại bánh có màu vàng sẫm và vị ngọt đặc trưng vốn có xuất xứ từ cộng đồng người Hoa sống tại Hải Phòng trước đây. Theo truyền thống địa phương, bánh cấu thường được làm vào những ngày trước Tết nguyên đán và có thể bảo quản trong thời tiết lạnh nhiều ngày liền mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.

Bánh đúc Tàu

Bánh đúc Tàu (Ảnh – trangnhimtron)

Bánh đúc Tàu có nguồn gốc xuất xứ từ những người Hoa sống ở Sài Gòn, sau đó món ăn được “di cư” và trở thành món được yêu thích ở Hải Phòng, gồm bánh đúc được cắt nhỏ miếng nhỏ, thịt và tôm rán kỹ, đu đủ xắt hạt lựu, sau đó chan với nước mắm giấm ớt. Tuỳ khẩu vị từng người, bạn có thể chọn loại không cay, cay vừa hoặc cay nhiều.

Bún cá

Bún cá Hải Phòng (Ảnh – ngngmylinh2502)

Tuy rằng bún cá không phải chỉ ở Hải Phòng mới có nhưng ở đây món ăn được người làm tạo nên nét độc đáo, ấn tượng đặc trưng riêng. Sự đặc trưng ấy được thể hiện ở cách làm cầu kỳ, cách lựa chọn nguyên liệu, cách làm nước dùng và đặc biệt là sự hòa quyện của hương vị đồng quê xen lẫn hương vị của biển. Để có được bát bún cá ngon đậm chất Hải Phòng, đầu tiên phải nói đến công đoạn chọn cá. Cá thường được chọn để nấu bún cá là cá thu biển và cá trắm, cá rô đồng thì thịt cá săn chắc và ít tanh.

Cá đồng thì rửa sạch, cắt thành miếng nhỏ, ướp gia vị vừa đủ rồi đem rán giòn, để ráo. Nước dùng chủ yếu được chế biến từ nước ninh xương cá nguyên chất nên có mùi vị rất thanh đặc trưng riêng của bún cá Hải Phòng. Đối với cá thu được lọc xương để lấy phần thịt, đem giã hoặc xay nhuyễn cùng ít thìa là, ướp cùng chút nước mắm, tiêu đem rán thành miếng chả. Miếng chả cá sau khi rán sẽ có màu vàng sậm, mỏng tang, thơm mùi thì là. Khi thưởng thức thực khách sẽ thấy được miếng chả cá bên ngoài rất giòn nhưng bên trong lại mềm và thơm.

Cua rang muối

Cua bể Hải Phòng chắc nịch, ngọt thịt, không có vị chát, từ lâu đã là chất riêng của vùng đất này. Gọi là rang muối nhưng không cầu kỳ và cũng chẳng mất nhiều thời gian hơn luộc cua là mấy, có chăng chỉ thêm chút rau gia vị như: củ sả, lá mùi làm cua dậy mùi thơm, khử bớt mùi tanh. Để chế biến món cua rang muối, ngoài cua và dầu ăn, chỉ cần thêm gia vị và bột muối. Bột muối không phải là muối xay, muối rang hay muối mỏ, đó là chất bột gạo được làm mặn nhẹ nhàng, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối.

Lẩu cua đồng

Lẩu cua đồng Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Một biến thể của món lẩu vốn đã rất quen thuộc với nhiều người sành ẩm thực. Điểm khác biệt của món lẩu cua đồng Hải Phòng so với nhiều món lẩu thường thấy là một số nguyên liệu đặc trưng dùng trong chế biến như cua đồng, lòng non của lợn (heo), chả cá (chế biến theo kiểu Hải Phòng, thường là từ thịt cá thu) và các nguyên liệu ăn kèm như bánh đa đỏ (loại bánh đa dùng trong món bánh đa cua), rau mùng tơi…

Giá bể

Giá bể xào (Ảnh – nhungnguyen1811)

Giá biển (giá bể) là một loài nhuyễn thể, có 2 vỏ màu xanh, to bằng ngón tay nhưng ẩn chứa bên trong là một lớp thịt (giống như con hến) thơm ngọt, cùng với cọng chân trông giống như giá đỗ. Giá bể có thể xào chua ngọt hoặc làm nộm. Mình giá bể đem xào với tỏi, thêm mắm, đường, dấm, ớt, rồi cho bột dong pha loãng vào để tạo độ sền sệt. Cuối cùng cho chân giá vào đảo, bắc ra bát rồi rắc lá chanh, ngò, củ sả thái chỉ lên trên là đã có một bát giá bể xào chua ngọt cực kì lạ miệng, thơm ngon.

Gà Liên Minh

Giống gà quý này được nuôi bán hoang dã nên thịt rất thơm ngon (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là giống gà quý hiếm của người dân thôn Liên Minh, xã Trân Châu trên đảo Cát Bà. Gà Liên Minh có hương vị rất riêng, nổi tiếng bởi thịt mềm, thơm, ngọt, da giòn vàng óng. Gà Liên Minh có thể biến thành nhiều món như hấp, luộc, rang muối, hầm, tần với thuốc bắc… Tuy nhiên, món ăn được người dân địa phương và khách du lịch ưa chuộng nhất đó là gà nướng mật ong. Gà sau khi làm sạch, để nguyên con, phết mật ong và nước trên than hoa. Do gà to, nên quá trình nướng phải mất hàng giờ, người nước cũng phải có kinh nghiệm, đảo đều tài để gà chín đều và tránh bị cháy.

Dê núi Cát Bà

Dê Cát Bà là giống dê cỏ, được người dân nuôi nhỏ lẻ từ trước những năm chiến tranh chống Pháp. Dê Cát Bà được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau trong thiên nhiên giàu có, đa dạng của đảo. Nguồn thức ăn quý và đa dạng, cùng với việc tìm kiếm thức ăn trên địa hình núi đá vôi khiến cho dê rất khỏe, sức đề kháng cao. Cũng vì thế mà thịt dê săn chắc, vị ngọt đậm, thơm ngon hơn so với nhiều nơi khác.

Các món ăn vặt

Chè

Chè ở Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Ở Hải Phòng không chỉ trong những ngày hè mát mẻ các bạn có thể tìm thấy các hàng chè bán quanh năm. Phổ biến là các loại chè thập cẩm, chè Thái…

Xôi đỗ đen

Xôi đỗ đen ở chợ Lương Văn Can, Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Món xôi đơn giản chỉ là nếp dẻo thơm nấu cùng đỗ đen ngọt bùi, khi ăn kèm cùng đường và mỡ hành nhưng lại là một món ăn vặt chiều rất nổi tiếng ở Hải Phòng. Các bạn chưa từng thử có thể ghé qua chợ Lương Văn Can tìm hàng xôi Bình.

Dừa dầm

Dừa dầm (Ảnh – mohongngoc2302)

Dừa dầm là món giải khát Hải Phòng được lòng giới trẻ. Thạch dừa thanh mát, nước cốt sữa dừa béo ngậy, trân châu dẻo dai… tạo ra cốc chè giải nhiệt hấp dẫn.

Thạch găng

Thạch găng có thể tìm thấy khắp mọi chợ ở Hải Phòng với giá rất rẻ (Ảnh – cungphuot.info)

Với người Hải Phòng, thạch găng là thức quà mang rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Những miếng thạch mềm mềm, xanh mướt, ăn cùng nước đường ngọt dịu sẽ cho cảm giác tan chảy nơi đầu lưỡi.

Cà phê cốt dừa

Cà phê cốt dừa (Ảnh – _aubadefilm)

Cà phê cốt dừa ở Hải Phòng là cà phê được đánh đều lên, quyện cùng với cốt dừa để tạo thành hỗn hợp đặc sệt. Sau đó cho thêm topping thạch đen, trân châu, dừa tươi nạo sợi và nếu ai thích thì có thể cho thêm một chút dừa khô nữa.

Đặc sản Hải Phòng làm quà

Bánh đa đỏ

Bánh đa đỏ thường thấy trong các bữa ăn ở Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh đa đỏ là một loại nguyên liệu bánh đa được dùng rất phổ biến ở Hải Phòng. Đây cũng được coi là một mặt hàng đặc sản về ẩm thực của Hải Phòng và thường chỉ được sản xuất tại nơi đây mới đảm bảo được những yêu cầu cao nhất về chất lượng.

Pa tê

Pa tê là món ngon khá nổi tiếng của Hải Phòng (Ảnh – cungphuot.info)

Món ăn này có thể có nguồn gốc từ thời Pháp thuộc do người Pháp du nhập vào Việt Nam, có quá trình Việt hóa cho tới nay cũng hơn một thế kỷ và cũng có không ít khác biệt so với công thức chế biến nguyên bản của người phương Tây. Người Hải Phòng sử dụng pa-tê gan lợn tương đối đa dạng: ăn cùng với các loại bánh mỳ khác nhau như kẹp vào bánh mì que trong món bánh mì cay, ăn cùng với món xôi thịt, kẹp thêm vào nhân của món bánh bao hay ăn cùng với các món khác trong bữa cơm hàng ngày.

Thịt trâu chọi Đồ Sơn

Nếu quan tâm đến món thịt trâu chọi, các bạn cần phải nhanh vì thường sẽ hết khá nhanh (Ảnh – no93118)

Sau mỗi mùa chọi trâu những chú trâu thường bị đem đi xẻ thịt để bán, do quan niệm thịt trâu này mang lại may mắn. Nếu đến Đồ Sơn vào đúng dịp này, các bạn nếu muốn có thể mua. Nhưng giá tương đối đắt và hết nhanh lắm đấy nhé.

Cá thu một nắng Cát Bà

Cá thu một nắng (Ảnh – keomut925)

Khu vực biển Cát Bà có khá nhiều loại cá thu như: thu gai, thu phấn, nhưng ngon nhất vẫn là cá thu phấn. Lúc còn tươi, cá thu phấn có lớp váng trên da giống như bụi phấn và khi phơi khô, những bụi phấn này càng hiện lên rõ nét hơn. Cá thu dùng để ăn ngon nhất là phơi khô, bởi khi phơi khô một nắng, ráo nước, cá sẽ cho vị ngọt và mùi thơm.

Mực khô Cát Bà

Đừng quên mua mực khô Cát Bà về làm quà, ngon lắm (Ảnh – denisfilber)

Những con mực tươi ngon sau khi được đánh bắt về từ biển sẽ được ngư dân làm sạch và phơi hoặc sấy khô. Mực khô được phơi khi còn tươi sẽ có bụng màu trắng, lưng màu hồng nhạt tự nhiên và những chấm đen mờ thể hiện đúng với da của mực, mùi không tanh hay dính ướt tay. Mực khô ngon khi nướng lên, xé ra thịt bên trong cũng hồng nhạt và dẻo, dai, không vụn.

Nước mắm Cát Hải

Nước mắm Cát Hải là đặc sản tương đối nổi tiếng của Hải Phòng (Ảnh – Khoai Tây Bi)

Những con cá tươi sau khi đánh bắt, mang về được ướp thành chượp, ủ trong thùng, chum, gia nhiệt thêm bằng ánh nắng mặt trời để giúp lên men tốt hơn. Hàng ngày, chum được mở phơi nắng để chượp nhanh chín hơn. Sau đó, người làm nước mắm sẽ kiểm tra thường xuyên để đảm bảo việc ủ được thực hiện đúng tiêu chuẩn. Sau khoảng 12 tháng thì nước mắm sẽ được lấy ra. Nước mắm Cát Hải càng ủ lâu vị càng ngon, càng đặc trưng vì dưới tác động của nhiệt độ, protein được chuyển hóa thành amin thơm tự nhiên.

Nem chua An Thọ

Nem chua An Thọ (Ảnh – Tú Minh)

Không chỉ nổi tiếng là vùng rau sạch truyền thống, xã An Thọ, An Lão lâu nay trở thành địa chỉ quen thuộc về món nem chua, – thứ nem khác hẳn với sản phẩm tương tự ở các nơi khác. Nem chua An Thọ khác biệt với nem chua Thanh Hóa nổi tiếng ở chỗ khi bỏ nem chua ra ăn, nem An Thọ tơi phần thịt và bì, chứ không nhuyễn thành thể thống nhất như nem Thanh Hóa. Khi ăn nem chua An Thọ, cần vắt thêm chanh và cho thêm tỏi.

Chả chìa Hạ Lũng

Chả chìa Hạ Lũng (Ảnh – hapham)

Chả chìa Hạ Lũng trông giống như nem lụi của Huế nhưng cách chế biến và hương vị của nó thì lại rất khác biệt. Nguyên liệu chế biến chả chìa Hạ Lũng đều là những nguồn thực phẩm rất phổ biến như mực khô, thịt lợn nạc (còn tươi nóng), mía đã dóc vỏ và chẻ thành miếng nhỏ, nấm hương, mộc nhĩ và một số gia vị cần thiết. Khi ăn, người ta sẽ mang chả nướng trên than hồng hoặc chao qua dầu ăn (hoặc mỡ rán) đang sôi chừng vài phút cho đến khi chả có màu vàng ruộm. Chả chìa được ăn chơi, ăn kèm với rau sống, dùng làm mồi nhậu hay ăn trong bữa cơm đều được.

Mật ong Cát Bà

Mật ong rừng Cát Bà (Ảnh – Thu Trà‎)

Mật ong Cát Bà là thương hiệu nổi tiếng của sản phẩm mật ong nội ở huyện đảo Cát Hải, mật ong Cát Bà có màu vàng đậm, đặc sánh, vị thơm, có giá trị dinh dưỡng cao.

Táo Bàng La

Vườn táo muối ở Bàng La (Ảnh – Đắc Sơn)

Táo Bàng La là một giống táo ta được diêm dân (người làm nghề muối) phường Bàng La, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng ghép trên những gốc táo lai, táo dại. Táo ta sinh trưởng và phát triển tốt trên những gốc táo dại, táo lai, đặc biệt thích đặc biệt là thích nghi và phát triển tốt trên vùng đất chua, mặn, cho năng suất và chất lượng tốt, trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Dưa chuột Kỳ Sơn

Dưa chuột Kỳ Sơn được nông dân ở Thủy Nguyên gieo trồng và giữ giống từ rất lâu đời, giống dưa này quả nhỏ, vỏ xanh đậm, mềm và có nhiều gai, thịt quả rất dày, ruột nhỏ và ít hạt, khi ăn giòn có vị ngọt mát, không chát.

Nếp Đại Thắng

Nếp Đại Thắng (Ảnh – Nguyễn Đức Hải)

Nếp cái hoa vàng Đại Thắng là giống nếp cái hoa vàng tại Tiên Lãng. Đây là giống nếp cái đặc trưng, có nguồn gốc và được lưu truyền từ lâu đời tại địa phương này. Gạo hạt ngắn, có hình dáng hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ; sau khi nấu thành cơm(xôi) sẽ cho hạt căng, nở đều, màu trắng ngà, bóng, ráo nước, mềm, dẻo, khi ăn có vị đậm, ngậy thơm và lâu lại gạo.

Thuốc lào Tiên Lãng

Thuốc lào Tiên Lãng (Ảnh – hungjido)

Đây là giống thuốc lào được trồng, chế biến tập trung ở huyện Tiên Lãng và một số xã của An Lão. Thuốc lào tại địa phương này có giá trị kinh tế cao, thuốc ngon có tiếng và từng mang danh thuốc lào tiến vua.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Hải Phòng
  • đặc sản Hải Phòng làm quà
  • ăn gì khi du lịch Hải Phòng
  • các quán ăn ngon ở Hải Phòng
  • đến Hải Phòng nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Hải Phòng
  • ẩm thực Hải Phòng
  • món ăn vặt Hải Phòng
  • các món ăn vỉa hè ở Hải Phòng
  • mua gì ở Hải Phòng
  • Hải Phòng có gì ngon
5/5 - (3 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG

Vị trí Hải Phòng trên bản đồ Việt Nam

là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ.

Là một thành phố lớn và gần biển đảo, và là một mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế và du lịch Hải Phòng – Hà NộiQuảng Ninh. Sản phẩm du lịch của Hải Phòng nổi bật nhất phải kể đến Quần đảo Cát BàKhu du lịch Đồ Sơn. Ngoài ra, thành phố ngày càng xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và lôi cuốn dựa trên nền ẩm thực đa dạng và phong phú.

Bạn có biết: Việc hoa phượng đỏ được trồng rộng rãi nơi đây, và sắc hoa đặc trưng trên những con phố, cũng khiến nơi này được biết đến với mỹ danh Thành phố Hoa Phượng Đỏ.

  • Diện tích: 1.561,8 km²
  • Dân số: 2.028.514 người
  • Phân chia hành chính: 7 quận, 8 huyện
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 225
  • Biển số xe: 15,16