Các món ăn ngon ở Kiên Giang

Các món ăn ngon ở Kiên Giang (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Là một tỉnh miền Tây Nam Bộ, ngoài các danh lam thắng cảnh nổi tiếng các món ăn ngon ở Kiên Giang còn được nhiều du khách biết đến bởi sự đa dạng và mang hương vị đặc trưng. Với vị trí ven biển, nguồn hải sản ở Kiên Giang rất phong phú với nhiều loại hải sản tươi ngon được chế biến thành các món ăn hấp dẫn và nổi tiếng như ghẹ hấp Hàm Ninh, gỏi cá trích ở Phú Quốc, cá xanh xương ở Nam Du… Nếu không phải tín đồ hải sản, các bạn cũng đừng lo bởi Kiên Giang còn rất nhiều món ăn lạ khác mà có lẽ chỉ tới đây các bạn mới có cơ hội thưởng thức như bún kèn, bún nhâm hay bánh bèo nhân bồn bồn… Với tất cả những yếu tố đó, nơi đây là một điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá và thưởng thức ẩm thực miền Tây Nam Bộ.

Ngoài cảnh đẹp, ẩm thực và các món ngon ở Kiên Giang cũng rất được lòng du khách

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả tuantuan8489, jenbi15, tina_trang2711, bubungongan_, congox, hmh_doan, nguyen.duy_95, trinhhuong36, maithuy1604, haaa.307, mymaket, Huu Xuan Nguyen, calvinthaipham, pupu_tran, Huy Trần, Tường vi Nguyen, Nguyễn Kiên Cường, truongyen2101, Hoang Thi Hang, Thủy Tiên, david_dimples, Nguyên Anh nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Các loại hải sản

Nhum
Món này có thể thấy ở hầu hết các vùng biển Kiên Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Nhum ở Kiên Giang có nhiều loại, món này dễ bắt gặp ở các điểm du lịch đảo như Phú Quốc, Nam Du, Hòn Sơn…. Nhum sọ màu trắng hoặc vàng cam, gai ngắn, ít thịt; nhum bàn gai nhọn, dài như chông thịt mỏng; nhum đen thịt nhiều, ngon và béo…Để chế biến được món ăn từ nhum cũng không hề dễ dàng bởi những chiếc gai tua tủa, sắc nhọn rất dễ gây thương tích. Vì vậy người chế biến phải hết sức khéo léo, sau khi chặt hết lớp gai, người ta dùng dao chặt đôi nhum ra, lột bỏ dạ dày, rửa sạch cho hết sợi tơ máu rồi lấy muỗng hoặc thanh tre mỏng để nạo hết thịt nhum ra khỏi vỏ.

Ghẹ
Nổi tiếng nhất là con ghẹ được đánh bắt ở vùng biển Hàm Ninh (Ảnh – cungphuot.info)

Ghẹ ở Kiên Giang có thể được đánh bắt quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 9 khi gió Nam thổi mạnh. Ngon nhất là ghẹ được đánh bắt ở vùng biển Hàm Ninh, Phú Quốc và vùng biển Hòn Sơn. Ghẹ ở những nơi này thịt chắc, giá rẻ và luôn tươi hơn trong đất liền do ngay sau khi đánh bắt đã chuyển lại về cảng để bán cho du khách và các nhà hàng trên đảo.

Gỏi cá trích
Gỏi cá trích (Ảnh – cungphuot.info)

Nguyên liệu chính của món ăn là cá trích tươi, phi lê lấy thịt còn da, hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng, ngò rí, đậu phộng rang… và nước sốt rưới lên trên. Cuốn cá trích cùng bánh tráng, rau sống chấm với nước mắm ngon kết hợp ớt, tỏi băm, chanh, đường, đậu phộng. Thực khách sẽ cảm nhận từng miếng thịt cá tươi giòn, vị béo từ dừa nạo, mùi rau thơm quyện cùng nước chấm cay nồng.

Sò huyết

Sò huyết (Ảnh – tuantuan8489)

Sò huyết của vùng Rạch Giá là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được chế biến thành nhiều món ăn ngon.

Sò lông

Gỏi sò lông Rạch Giá (Ảnh – jenbi15)

Sò lông là loài nhuyễn thể hai mảnh có nhiều ở Rạch Giá và các vùng biển ven bờ nước ta. Sò lông có ở nhiều nơi nhưng ở Rạch Giá, sò đặc biệt béo, thơm ngon hơn các địa phương khác. Đến đây, các bạn đừng quên thưởng thức món gỏi sò lông trộn bắp chuối. Vị ngọt, giòn của sò lông, beo béo của thịt ba rọi, vị the the của rau răm như lan tỏa khắp miệng sẽ khiến du khách khó lòng quên.

Cá xanh xương

Cá xanh xương ở Nam Du (Ảnh – tina_trang2711)

Cá xanh xương còn có tên là cá nhái, một loài cá biển, thân tròn và dài, mỏ nhọn giống như cá lìm kìm. Con to có thể dài cả thước và nặng 2-3kg. Gọi là cá xanh xương vì da cá có màu xanh, khi nhìn vào thấy xương cá hiện lên màu xanh xanh.

Người ta chọn những con cá thật tươi từ biển mới mang về, cạo rửa sạch nhớt rồi dùng bẹ chuối xiêm ốp lại, quấn dây thật kỹ. Sau đó chất củi lên nướng cho đến khi nào bẹ chuối bị héo, khô là cá chín. Khi ăn, mở bẹ chuối ra, thịt cá nứt da, dậy mùi thơm lựng, dễ dàng chinh phục bất kỳ dân đất liền sành ăn từ Nam chí Bắc. Thịt cá không chỉ ngọt mà còn dai dai, cuốn với bánh tráng ăn kèm với rau rừng như lá cách, lá lớp, đinh lăng, cải trời, đọt bứa… tạo nên một bản sắc riêng của vùng biển đảo, ít nơi nào có được.

Tôm tích

Tôm tích hay còn gọi là bề bề (Ảnh – bubungongan_)

Khi đến với Hòn Sơn vào mùa thu hoạch tôm tích, các bạn sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ tôm tích trứ danh xứ hòn, với mức giá vô cùng bình dân. Con tôm tích mềm nhưng thịt dai, thơm, ngon. Tôm tích có hai loại, có gạch và không có gạch, được chế biến thành nhiều món ăn.

Cà xỉu

Cà xỉu (Ảnh – congox)

Đây được cọi là đặc sản chỉ có ở Hà Tiên, loài này giống như sò, sống dưới tầng nước bùn, chủ yếu ở môi trường sông, cửa biển, nước lợ. Vẻ bề ngoài của cà xỉu trông khác lạ, vừa giống động vật hai mảnh vỏ, vừa giống côn trùng khi có cái râu to và dài. Cà xỉu sống theo mùa, khoảng tháng 6 – 8 nên ngoài việc ăn tươi, người dân Hà Tiên còn làm mắm để dùng quanh năm. Bạn có thể nếm thử đĩa gỏi cà xỉu ngâm mắm hoặc cà xỉu xào tỏi dùng chung với cơm trắng.

Cá đỏ

Cá đỏ là món ăn vặt khá phổ biến ở Hà Tiên (Ảnh – hmh_doan)

Cá đỏ nướng ăn kèm đồ chua là món vặt quen thuộc của người Hà Tiên vào mỗi buổi xế chiều. Món này được bán nhiều tại trung tâm thành phố nhưng du khách có thể tìm đến quán trên đường Trần Hầu. Nơi đây được xem là điểm hẹn dành cho người mê cá đỏ.

Các món bún

Bún cá

Bún cá Kiên Giang (Ảnh – nguyen.duy_95)

Bún cá Kiên Giang phản ánh đúng chất địa lý của vùng đất Kiên Giang, bên biển bên đồng, phải có thịt cá lóc đồng, tôm biển, rau ăn kèm cây nhà lá vườn và nước mắm ngon.

Bún quậy

Bún quậy ở Phú Quốc (Ảnh – trinhhuong36)

Đây là món mà sợi bún được sản xuất ngay tại chỗ, ăn tới đâu làm tới đó. Nước dùng của món này chính là nước luộc bún, có thành phần giống nước cơm và giữ được khá nhiều vitamin cùng khoáng chất trong hạt gạo. Bún quậy được ăn cùng chả cá, chả tôm, mực, thịt bò tươi ngon.

Bún Kèn

Bún kèn ở Hà Tiên (Ảnh – maithuy1604)

Đây là món ăn vô cùng nổi tiếng của Hà Tiên. Để có tô bún kèn thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn chế biến cầu kỳ, chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu đến rau ăn kèm. Công đoạn quan trọng để có tô bún ngon là kèn cá với nước cốt dừa. Cá sau khi luộc được tách lấy thịt, sau đó dùng chày dằm cá nhuyễn và đánh cho thịt cá bông lên, kèn với nước cốt dừa và nêm gia vị phù hợp. Các loại rau ăn kèm bún kèn gồm đu đủ, rau thơm, giá, ớt, chanh và nước mắm. Khi ăn sẽ cảm nhận được độ giòn của các loại rau hòa quyện cùng vị béo của nước cốt dừa và vị thơm ngon của cá biển tươi.

Bún nhâm

Bún nhâm (Ảnh – haaa.307)

Nhâm còn được gọi là gỏi, các tỉnh phía Bắc gọi là nộm, Nhâm được làm từ trái đu đủ mỏ vịt bào hoặc xắt sợi thêm đường, giấm, ớt, nước mắm, tôm luộc và thịt ba chỉ cùng rau thơm. Bún nhâm là bún khô bởi món ăn giản đơn và mộc mạc này nguyên liệu chỉ gồm có sợi bún tươi, đu đủ sống bào sợi, bắp chuối xắt sợi, rau sống, tôm khô (xay cho bông lên), nước cốt dừa cùng nước mắm pha chua ngọt.

Bún Xiêm Lo

Món bún Xiêm Lo ngoài ở Hà Tiên còn có thể gặp ở một số tỉnh miền Tây (Ảnh – mymaket)

Món ăn này có nguồn gốc từ Campuchia, tuy vậy khi mang về Việt Nam bún Xiêm Lo đã được cách điệu dần để phù hợp với khẩu vị của người Việt và trở thành một trong những món ăn mang đậm nét riêng của Hà Tiên. Cách chế biến về cơ bản giống món bún kèn, chỉ có chút khác biệt là ở món bún này sẽ không có nước cốt dừa mà được thay thế bằng củ ngải bún, bông súng chẻ và nước hầm từ xương heo.

Hủ tiếu hấp

Hủ tiếu hấp (Ảnh – Huu Xuan Nguyen)

Món ăn có thành phần chính là hủ tiếu tươi được hấp cách thủy, dùng với nước cốt dừa, bì trộn thính, xíu mại, chả giò tôm kèm rau thơm, dưa leo băm, giá… Thực khách không thích vị béo ngậy của nước cốt dừa có thể dùng nước mắm chua ngọt, cay. Món này các bạn có thể thưởng thức khi đến Hà Tiên.

Gà núi Hòn Sơn

Món gà núi hấp tỏi ở Hòn Sơn (Ảnh – calvinthaipham)

Gà ở Hòn Sơn được nuôi thả một cách tự nhiên nên thịt dai và có vị ngọt đậm đà. Gà hấp sẽ giữ trọn vẹn nhất hương vị của gà còn món gà nướng lại dễ ăn và thơm hơn. Tuỳ vào sở thích mà các bạn có thể đặt nhà hàng chế biến cho phù hợp.

Các loại bánh

Bánh tằm Rạch Giá

Bánh tằm bì (Ảnh – pupu_tran)

Ban đầu vì cọng bánh được làm thủ công bằng cách se bột nên món này có tên gọi là bánh tằm se. Về sau, người ta dùng khuôn ép bánh để tăng năng suất nên được gọi là bánh tằm ép. Dù là bánh tằm se hay bánh tằm ép đều sử dụng bột gạo “lấy trùn” (làm chín như hồ đặc). Tuy nhiên, bánh tằm se dai và ngon hơn bánh tằm ép. Có 3 loại: bánh tằm xíu mại, bánh tằm bì và bánh tằm nước cốt dừa, mỗi loại có một hương vị khác nhau. Bánh tằm khi ăn được chan cùng nước cốt dừa và nước mắm chanh ớt; thêm bì, xíu mại và rau thơm sẽ tạo nên hương vị tuyệt vời.

Bánh xèo bồn bồn

Bánh xèo bồn bồn U Minh Thượng (Ảnh – Huy Trần)

Bánh xèo nhân bồn bồn U Minh Thượng là một trong những món ngon và lạ của Kiên Giang. Nguyên liệu làm bánh được chế biến từ bột gạo xay mịn trộn với nghệ băm, sau đó lọc kỹ, thêm dừa khô, muối, đường, bột ngọt, hành lá xắt nhỏ để khi chế biến bánh sẽ có độ giòn, dai, béo, ngọt. Phần nhân bánh gồm bồn bồn (một loài cây sống ở vùng ngập nước) và thịt. Bồn bồn được xào chín cùng gia vị, riêng thịt (lợn, gà, vịt, nhái, chim…) phải băm nhỏ rồi xào khô cho vàng để làm nhân. Người ta thường dùng chảo gang lớn để tráng bánh cho giòn. Loại bánh xèo này được thưởng thức cùng nước mắm chua pha loãng với nước dừa tươi, ăn kèm cùng các loại rau sống, lá rừng sẽ mang lại cho thực khách hương vị độc đáo khó quên.

Cá lóc nướng

Cá lóc nướng trui khá dễ thấy trong mấy quán nhậu bình dân ở Kiên Giang (Ảnh – Tường vi Nguyen)

Cá lóc nước trui có vị thơm ngọt, ăn kèm các loại rau sống có sẵn như cải trời, lá cách, rau đắng đồng. Ngoài ra, món này còn phải ăn kèm với nước mắm me, muối ớt nữa thì mới chuẩn.

Mắm U Minh Thượng

Lẩu mắm Kiên Giang (Ảnh – Nguyễn Kiên Cường)

Có dịp đến U Minh Thượng, du khách đừng quên thưởng thức các món ăn được làm từ mắm ăn kèm nhiều loại cá đồng, rau đồng. Khác với những món ăn mang hương vị của miền Tây, mắm kho, lẩu mắm U Minh Thượng gây ấn tượng với thực khách bởi vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng của mắm cùng sắc màu của nhiều loại rau vùng sông nước U Minh.

Đặc sản Kiên Giang mua về làm quà

Mắm cà xỉu

Mắm cà xỉu trộn cơm được người dân địa phương rất yêu thích (Ảnh – truongyen2101)

Cà xỉu tập trung sống ven bờ biển nên việc tìm bắt thuận lợi, chỉ cần nhận biết được hang, dùng dụng cụ đào giống như cây xẻng nhỏ hoặc dao là bắt được nhiều. Làm mắm cà xỉu không quá cầu kỳ, sau khi trụng nước sôi và đem phơi nắng có thể muối bằng nước muối, tuy nhiên để ngon hơn thì phải muối bằng nước mắm. Vị thơm của tỏi, cay của ớt cùng cái giòn từ đuôi và thịt con cà xỉu khiến món mắm rất hấp dẫn.

Các loại khô

Ngoài các loại hải sản tươi sống, các bạn có thể mua các loại khô về làm quà (Ảnh – Hoang Thi Hang)

Với nguồn hải sản phong phú và đa dạng ở vùng biển quanh Hòn Sơn nên nơi đây có điều kiện để sản xuất ra các loại khô thơm ngon. Đến với vùng biển phía Tây Nam, các bạn không thể bỏ qua các loại khô cá đuối, khô cá xanh xương….Ngoài thưởng thức tại chỗ thì đây cũng là món quà mang về tương đối dễ dàng.

Mắm ruốc

Mắm ruốc Kiên Lương (Ảnh – Thủy Tiên)

Bình An là xã ven biển của huyện Kiên Lương, nơi đây con ruốc sinh sống và phát triển khá nhiều nên được người dân khai thác để làm khô hoặc làm mắm. Mắm ruốc là gia vị độc đáo có thể dùng để làm nước chấm, chế biến món ăn… Đây cũng là nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định cho người dân Kiên Lương.

Nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc (Ảnh – cungphuot.info)

Nước mắm Phú Quốc không những nổi tiếng ở Việt Nam mà còn nổi tiếng trên khắp thế giới. Nước mắm Phú Quốc có truyền thống trên 200 năm và được sản xuất từ nguyên liệu chính là cá cơm tươi bắt quanh đảo Phú Quốc. Cá cơm có từ đầu năm đến cuối năm nhưng nhiều nhất và tốt nhất từ tháng 7-8 đến tháng 12. Cá cơm có đến hơn chục loại, nhưng phải làm cá cơm sọc tiêu, cá cơm than và cá cơm đỏ thì nước mắm mới tốt có màu cánh gián đậm, thơm ngon tinh khiết.

Hạt tiêu

Tiêu sọ Phú Quốc (Ảnh – david_dimples)

Hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng, và đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại hồ tiêu đến từ những vùng miền khác, trong đó phải kể đến tiêu đỏ. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch từng đợt chín và chủ yếu là bằng thủ công, chọn lựa những quả chín riêng thành 3 loại (tiêu sọ, tiêu đen và tiêu đỏ). Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không tiêu nơi nào sánh kịp.

Rượu sim

Ngoài rượu, còn có một số sản phẩm khác làm từ sim mà các bạn có thể mua (Ảnh – cungphuot.info)

Mặc dù cây sim có ở nhiều nơi, nhưng sim ở Phú Quốc có những đặc điểm riêng. Cây sim có 2 loại, đó là Hồng sim và tiểu sim, đều có lá mặt dưới màu trắng có lông, trái khi chín có màu tím đen. Trái sim dùng làm rượu ở Phú Quốc chủ yếu là Hồng sim.

Rượu vang

Rượu vang được ủ từ nho rừng ở Kiên Lương (Ảnh – Nguyên Anh)

Đây là loại rượu được chế biến từ nho rừng ở Kiên Lương. Rượu có vị chát nhẹ, ngọt, chua thanh khá lạ miệng, mang hương vị dân dã tự nhiên.

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Kiên Giang
  • đặc sản Kiên Giang làm quà
  • ăn gì khi du lịch Kiên Giang
  • các quán ăn ngon ở Kiên Giang
  • đến Kiên Giang nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Kiên Giang
  • ẩm thực Kiên Giang
  • món ăn vặt Kiên Giang
  • các món ăn vỉa hè ở Kiên Giang
  • mua gì ở Kiên Giang
  • Kiên Giang có gì ngon

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kiên Giang

KIÊN GIANG

Vị trí Kiên Giang trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng phía Tây Nam của nước ta, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền tây và lớn nhì ở miền nam, trung tâm hành chính đặt ở thành phố Rạch Giá. Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam  có tốc độ tăng trưởng du lịch được coi là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh đẹp của vùng đất này ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”.

Bạn có biết: Có vị trí nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore nên Kiên Giang đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực.

  • Diện tích: 6.348,5 km²
  • Dân số: 1.738.800
  • Phân chia hành chính: 3 thành phố và 12 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 297
  • Biển số xe: 68