Các cửa khẩu giữa Việt Nam Trung Quốc

Các cửa khẩu giữa Việt Nam Trung Quốc (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc dài 1449,566 km, trong đó có 383,914km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Cùng Phượt tổng hợp các cửa khẩu trên giữa Việt Nam Trung Quốc cho các bạn quan tâm. Các bạn có thể kết hợp du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc, khám phá hệ thống các mốc biên giới Việt Trung và ghé thăm các cửa khẩu này. Về cơ bản, nếu chỉ muốn sang bên kia biên giới tham quan, các bạn có thể làm giấy thông hành để đi về trong ngày.

Khu vực biên giới Việt Nam và Trung Quốc trải dài, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp giữa 2 nước (Ảnh – Wikipedia)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Wikipedia, Ring Ho, i.mang0, Quốc Thái, Toàn Nguyễn, Mars Hartdegen, Đoàn Nạp, Duy Nguyen, Trịnh Công Cảnh, Lưu Nguyễn, Duy Khánh, longhp nguyen van, Lục Văn Tú, Minh Chiến, Tran Viet Dung, Quốc Tuấn, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyện Vũ, Lăng Bích Xuân, Hoàng Minh Đích, Nguyễn Minh Khang, Luu Loc, Lộc Là Lộc, Thien Huong, Đức Quang Vũ, Hieu Batigol, Định Mệnh nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Điện Biên

Cửa khẩu A Pa Chải

A Pa Chải là một cửa khẩu nhỏ nối Điện Biên với Trung Quốc (Ảnh – Ring Ho)

Cửa khẩu A Pa Chải nằm tại xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên. Đây là một cửa khẩu phụ mở ra để tạo điều kiện giao lưu buôn bán cho bà con biên giới. Ngay tại khu vực cửa khẩu có chợ biên giới A Pa Chải họp mỗi tuần 3 lần.

Lai Châu

Cửa khẩu Ma Lù Thàng

Cửa khẩu Ma Lù Thàng nối Lai Châu với Trung Quốc (Ảnh – i.mang0)

Cửa khẩu Ma Lù Thàng thuộc xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ma Lù Thàng được coi là mũi nhọn để thúc đẩy nền kinh tế của huyện. Ma Lù Thàng là cửa khẩu cách các trung tâm kinh tế trong nước khá xa, chỉ có thể vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ. Một tồn tại của cửa khẩu nữa là hệ thống giao thông khá yếu chưa đáp ứng được các xe trọng tải lớn.

Cửa khẩu U Ma Tu Khoòng

Cửa khẩu U Ma Tu Khoòng (Ảnh – Quốc Thái)

Cửa khẩu U Ma Tu Khoòng nằm trên địa bàn xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Lai Châu nối Việt Nam với Trung Quốc thông qua cửa khẩu tương ứng Bình Hà.

Lào Cai

Cửa khẩu Mường Khương

Cửa khẩu Mường Khương và Kiều Đầu phía bên kia của Trung Quốc (Ảnh – Toàn Nguyễn)

Cửa khẩu Mường Khương thuộc địa bàn xã Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai. Kết nối với Trung Quốc thông qua cửa khẩu Kiều Đầu và nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Cửa khẩu Lào Cai

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là một trong những cửa khẩu nhộn nhịp nhất của miền Bắc (Ảnh – Mars Hartdegen)

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu là một trong ba cửa khẩu quốc tế có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế thương mại qua biên giới đất liền giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Cửa khẩu nằm ngay trong trung tâm Tp Lào Cai.

Cửa khẩu Bản Vược

Bản Vược là cửa khẩu phụ nhưng lại khá tấp nập (Ảnh – Đoàn Nạp)

Cửa khẩu Bản Vược là cửa khẩu tại vùng đất bản Vược xã Bản Vược huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai.Cửa khẩu Bản Vược thông thương với cửa khẩu Ba Sa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bằng phà qua sông Hồng.

Hà Giang

Cửa khẩu Săm Pun

Chợ biên giới ở cửa khẩu Săm Pun (Ảnh – Duy Nguyen)

Cửa khẩu Săm Pun nằm trên địa bàn xã Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang. Tương ứng bên kia phía Trung Quốc là cửa khẩu Điền Bồng. Cửa khẩu cách trung tâm huyện Mèo Vạc 47km.

Cửa khẩu Phó Bảng

Cửa khẩu Phó Bảng (Ảnh – Trịnh Công Cảnh)

Cửa khẩu Phó Bảng là một trong 4 cửa khẩu của tỉnh Hà Giang nằm tại Thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Cửa khẩu Phó Bảng liên thông với huyện Ma Ngán Sán, Trung Quốc và nằm cách trung tâm thị trấn 3 km.

Cửa khẩu Thanh Thủy

Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Ảnh – Lưu Nguyễn)

Cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang 22 km về phía Tây Bắc, đối diện với cửa khẩu Thiên Bảo (Tianbao), huyện Malipo, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cửa khẩu Thanh Thủy là cửa khẩu quan trọng nhất và là cửa khẩu quốc tế duy nhất tại Hà Giang. Tháng 2/2014 cặp cửa khẩu Thanh Thuỷ – Thiên Bảo được nâng cấp lên Cửa khẩu quốc tế trên cơ sở ban đầu là một cửa khẩu Quốc gia.

Cửa khẩu Xín Mần

Nhìn từ cửa khẩu Xín Mần sang phía Trung Quốc (Ảnh – Duy Khánh)

Cửa khẩu Xín Mần (hay còn gọi là cửa khẩu Mốc 5) là cửa khẩu thuộc Xín Mần, Hà Giang và nối với Trung Quốc thông qua cửa khẩu Đô Long, Vân Nam. Nơi đây có cổng thành đá từ thời nhà Thanh ghi lại dấu ấn lịch sử về biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Cao Bằng

Cửa khẩu Tà Lùng

Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Ảnh – longhp nguyen van)

Là cửa khẩu Quốc Tế nằm tại Thị trấn Tà Lùng, Phục Hòa, Cao Bằng, nối với cửa khẩu Thủy Khâu bên phía Trung Quốc. Cửa khẩu được nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế từ ngày 26/9/2012

Cửa khẩu Bí Hà

Chi cục Hải quan cửa khẩu Bí Hà (Ảnh – Lục Văn Tú)

Là một cửa khẩu ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc, thuộc xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Nó là một trong 5 cửa khẩu địa phương của tỉnh, trong tương lai sẽ là cửa khẩu quốc gia. Nó cách thị xã Cao Bằng 90 km.

Cửa khẩu Lý Vạn

Cửa khẩu Lý Vạn (Ảnh – Minh Chiến)

Cửa khẩu Lý Vạn là một cửa khẩu được nâng cấp thành cửa khẩu chính vào năm 2012, thuộc xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, Cao Bằng. Cửa khẩu Lý Vạn thông thương sang cửa khẩu Thạc Long ở huyện Đại Tân, TP. Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cửa khẩu Pò Peo

Cửa khẩu phụ Pò Peo (Ảnh – Tran Viet Dung)

Cửa khẩu Pò Peo là cửa khẩu Quốc gia, thuộc xã Ngọc Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng cách Tp Cao Bằng khoảng 80km. Cửa khẩu Pò Peo thông thương sang cửa khẩu Nhạc Vu ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Pò Peo là điểm cuối của đường tỉnh 211, cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 22 km theo đường này. Cửa khẩu ở phía đông nơi sông Quây Sơn chảy vào đất Việt chừng 2 km. Đoạn sông bên Trung Quốc có tên là Nan Tan He.

Cửa khẩu Trà Lĩnh

Cửa khẩu Trà Lĩnh (Ảnh – Quốc Tuấn)

Cửa khẩu Trà Lĩnh hay cửa khẩu Hùng Quốc hay cửa khẩu Nà Đoỏng là cửa khẩu quốc gia tại vùng đất bản Hía ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Cửa khẩu Trà Lĩnh thông thương sang cửa khẩu Long Bang ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cửa khẩu Trà Lĩnh là điểm cuối của tỉnh lộ 205, cách thị trấn Hùng Quốc khoảng 6 km theo đường này về hướng bắc. Tên cửa khẩu Nà Đoỏng được gọi theo bản Nà Đoỏng là bản ở trước bản Hía khi ra cửa khẩu. Tuy nhiên tên chính thức và được dùng trong giới chức hành chính, biên phòng và hải quan là cửa khẩu Trà Lĩnh.

Cửa khẩu Sóc Giang

Cửa khẩu Sóc Giang (Ảnh – Nguyễn Hoàng Anh‎)

Cửa khẩu Sóc Giang là cửa khẩu chính nằm ở bản Sóc Giang xã Sóc Hà, nối Hà Quảng, Cao Bằng với Quảng Tây, Trung Quốc qua cửa khẩu tương ứng là Bình Mãng. Cửa khẩu Sóc Giang thông thương sang cửa khẩu Bình Mãng ở thành phố Bách Sắc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Sóc Giang cách thành phố Cao Bằng 42 km theo đường thẳng về hướng bắc tây bắc, và khoảng 55 km theo tỉnh lộ 203. Cửa khẩu gần kề với nơi sông Bằng chảy vào đất Việt

Lạng Sơn

Cửa khẩu Hữu Nghị

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Ảnh – Nguyện Vũ)

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị là một cửa khẩu quốc tế của Việt Nam nằm trên biên giới Việt Nam – Trung Quốc, điểm nối tuyến đường cao tốc Nam Ninh – Hà Nội, là cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, phía Việt Nam đã cắm cột mốc 1116 và phía Trung Quốc cắm cột mốc 1117, đây đều là các cột mốc cỡ lớn, có gắn Quốc huy của hai nước. Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị nằm trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Lạng Sơn 17 km về phía bắc, cách Hà Nội 171 km về phía đông bắc.

Cửa khẩu Đồng Đăng

Cửa khẩu Đồng Đăng thực chất là trạm kiểm soát đặt ngay trong nhà ga, chỉ hoạt động theo giờ tàu liên vận chạy (Ảnh – cungphuot.info)

Cửa khẩu Đồng Đăng thực chất là trạm kiểm soát đặt tại nhà ga Đồng Đăng. Đây là điểm kết thúc của tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng và được nối với ga Bằng Tường thuộc tuyến Nam Ninh – Bằng Tường của Trung Quốc. Mọi thủ tục xuất nhập cảnh với người, hàng hóa đi đường sắt liên vận quốc tế đều thực hiện tại đây. Nếu đi du lịch Lệ Giang bằng tàu hỏa theo hướng qua Nam Ninh, các bạn sẽ có cơ hội xuất cảnh tại ga này.

Cửa khẩu Chi Ma

Chiều 10/9/2018, Việt Nam và Trung Quốc tổ chức trọng thể Lễ công bố chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm) (Ảnh – Lăng Bích Xuân)

Cửa khẩu Chi Ma là cửa khẩu tại vùng đất bản Chi Ma xã Yên Khoái huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn. Cửa khẩu Chi Ma thông thương sang cửa khẩu Ái Điểm (Ai Dian) ở huyện Ninh Minh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cửa khẩu Chi Ma là điểm cuối của đường tỉnh 236, và cách thị trấn Lộc Bình 13 km theo đường này về hướng đông bắc.

Cửa khẩu Bình Nghi

Bình Nghi là cửa khẩu nhận viện trợ chính của miền Bắc Việt Nam bằng đường sông trong chiến tranh (Ảnh – Hoàng Minh Đích)

Bình Nghi là cửa khẩu đường sông nằm trên địa bàn xã Đào Viên, Tràng Định, Lạng Sơn. Cửa khẩu Bình Nghi thông thương sang cửa khẩu Bình Nhi hoặc Bình Nhi Quan (Ping Er Guan) ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là một trong hai cửa khẩu đường sông ở miền Bắc hiện nay.

Cửa khẩu Cốc Nam

Cửa khẩu Cốc Nam (Ảnh – Nguyễn Minh Khang)

Là cửa khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc thuộc địa bàn huyện bản Cốc Nam, xã Văn Mỹ, Tân Lãng, Lạng Sơn.Cửa khẩu Cốc Nam thông thương sang Cửa khẩu Lũng Vài tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cửa khẩu Pò Nhùng

Cửa khẩu Pò Nhùng hay còn gọi là cửa khẩu Bảo Lâm (Ảnh – Luu Loc)

Cửa khẩu Pò Nhùng là cửa khẩu tại vùng đất bản Pò Nhùng xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn .Cửa khẩu Pò Nhùng thông thương sang Cửa khẩu Dầu Ái (Zha Men Ai) trấn Thượng Thạch, thị Bằng Tường tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cửa khẩu Co Sâu

Cửa khẩu Co Sâu là cửa khẩu tại vùng đất bản Co Sâu xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cửa khẩu Co Sâu thông thương sang Cửa khẩu Bắc Sơn (Bei Shan) xã Trại An, huyện Ninh Minh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây cũng là điểm cuối của Đường tỉnh 235, nối từ quốc lộ 1A tại thành phố Lạng Sơn qua thị trấn Cao Lộc.

Cửa khẩu Bản Chắt

Trạm kiểm soát ở cửa khẩu Bản Chắt (Ảnh – Lộc Là Lộc)

Cửa khẩu Bản Chắt là cửa khẩu tại vùng đất bản Chắt xã Bính Xá huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn. Cửa khẩu Bản Chắt thông thương sang Cửa khẩu Bản Lạn ở xã Đồng Miên, huyện Ninh Minh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cửa khẩu Na Hình

Cửa khẩu Na Hình (Ảnh – Thien Huong)

Đây là cửa khẩu phụ thuộc xã Thụy Hùng, Văn Lãng, Lạng Sơn. Đối diện với cửa khẩu phụ Na Hình là cửa khẩu Kéo Ái, trấn Hữu Nghị, thị Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng tây, Trung Quốc

Quảng Ninh

Cửa khẩu Móng Cái

Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Ảnh – Đức Quang Vũ)

Ca khẩu quốc tế Móng Cái nằm ở giữa biên giới hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Ở Việt Nam, cửa khẩu nằm trên địa bàn phường Hoà Lạc, Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ở Trung Quốc, cửa khẩu nằm trên địa bàn thị xã Đông Hưng. Cầu Bắc Luân là điểm nối giữa hai nước.

Cửa khẩu Hoành Mô

Cửa khẩu Hoành Mô (Ảnh – Hieu Batigol)

Cửa khẩu Hoành Mô là cửa khẩu tại vùng đất thôn Đồng Mô xã Hoành Mô huyện Bình Liêu tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Cửa khẩu Hoành Mô là điểm cuối quốc lộ 18C, nối tiếp qua đường tràn tại bãi Đồng Mô trên sông Đồng Mô, thông thương sang cửa khẩu Động Trung (Dong Zhong) ở thành phố cảng Phòng Thành tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc . Các bạn có thể ghé thăm cửa khẩu này nếu sắp có kế hoạch du lịch Bình Liêu.

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Ảnh – Định Mệnh)

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh là cửa khẩu tại vùng đất thôn Bảo Lâm xã Quảng Đức huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh. Đây là điểm cuối đường tỉnh 340, nối tiếp qua cầu trên sông Ka Long thông thương sang cửa khẩu Lý Hỏa (Li Huo) ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc

Tìm trên Google :

  • biên giới việt nam trung quốc
  • các cửa khẩu với trung quốc
  • cửa khẩu giữa Việt Nam Trung Quốc
  • các cửa khẩu của việt nam với trung quốc
  • danh sách cửa khẩu việt trung

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 12 bình chọn và điểm trung bình là 5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Việt Trung

BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Vị trí của Việt Nam và Trung Quốc

Đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc dài 1449,566 km, trong đó có 383,914km đường biên giới đi theo sông suối, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng SơnQuảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Khu vực biên giới hai nước có cấu trúc địa hình tương đối phức tạp, độ chia cắt lớn, thấp dần từ Tây sang Đông dẫn đến hệ thống sông suối nơi đây phần lớn có xu hướng chảy từ Tây Bắc xuống Đông Nam, ít có giá trị đối với giao thông đường thủy.