Khung cảnh bình yên của Buôn Jun bên Hồ Lắk

Khung cảnh bình yên của Buôn Jun bên Hồ Lắk

Cùng Phượt – Bước vào buôn Jun thuộc làng M’nông nằm bên hồ Lắk, Buôn Ma Thuột, bạn sẽ thấy nhiều khách Tây ba-lô ở homestay với người dân tộc, chèo thuyền độc mộc hoặc leo lên lưng voi băng qua dòng nước.

Buôn Jun thuộc làng dân tộc người M’nông được bao bọc bởi hồ Lắk rộng lớn của thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đến đây du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những căn nhà dài đặc trưng của người dân tộc.

Khách nước ngoài, nhất là khách tây ba-lô thường ghé đến ngủ lại theo dịch vụ homestay, ăn cùng với người dân tộc và tìm hiểu cuộc sống tự nhiên của dân làng.

Đi sâu vào trong làng, bạn sẽ bắt gặp những căn nhà thô sơ, trong đó có nơi bán tạp hóa với những món cần thiết cho du khách như bánh kẹo, trứng, nước uống…

Khắp làng đều san sát những ngôi nhà sàn kiên cố. Phía dưới họ thả rông những vật nuôi như lợn, gà, vịt và chó. Một số nhà còn chất củi thành đống để dùng dần. Ngôi làng khá yên tĩnh nên chủ yếu thu hút những khách du lịch yêu thích sự yên tĩnh.

Anh John, người Mỹ vừa đến ở homestay trong làng được hai ngày nói rằng: “Khung cảnh ở đây rất yên bình, tôi đã tắt hết mọi thiết bị điện tử để sống trọn vẹn những ngày ở làng này. Những bức ảnh là thứ duy nhất tôi giữ lại bên mình. Chắc chắn tôi sẽ trở lại đây cùng với vài người bạn”.

Cây cối trong làng xanh tươi, gợi nên hình ảnh một làng quê bình dị. Điều đặc biệt của làng là khách du lịch được tiếp cận rất gần với thiên nhiên và điều đó mang lại cảm giác thư thái thật sự.

Những chiếc thuyền lớn neo đậu bên hồ Lắk. Người dân sử dụng thuyền này để chở hoa màu, thực phẩm là chủ yếu.

Đối với khách du lịch, ngoài việc tản bộ quanh làng, họ còn ngồi quán nước nhỏ ngay bờ hồ, uống tách trà và ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Có khách còn ví von nơi đây hệt như Ubud, Bali – nơi xuất hiện trong tiểu thuyết nổi tiếng “Ăn, cầu nguyện và yêu”.

Ngay từ lối vào làng, bạn sẽ cảm nhận ngay không khí yên bình với hình ảnh đàn bò lững thững gặm cỏ, ven đường làng là những đứa trẻ ngồi câu cá giữa trưa.

Hồ Lắk là một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk và lớn thứ hai sau Hồ Ba Bể. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi cánh rừng nguyên sinh. Những người dân trong làng thường chèo thuyền độc mộc từ bờ này sang bên kia để trao đổi hàng hóa hoặc phục vụ khách du lịch.

Buổi sáng sớm, bạn có thể ngắm bình minh, nhìn những người phụ nữ chèo thuyền trong ánh sáng nhá nhem. Buổi chiều bạn có thể đi câu cá, cưỡi voi hoặc trò chuyện với người dân tộc. Có thể họ sẽ không hiểu hết những điều bạn nói, nhưng đối với dân du lịch đó vẫn là trải nghiệm không thể quên.

Voi ở đây là người bạn đồng hành của dân làng, giúp họ thu hút khách và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Vào mùa nước cạn, những con voi sẽ bơi qua sông dễ dàng. Vào mùa nước lớn hơn, chúng sẽ men theo bờ để đưa khách thăm thú.

Một du khách tỏ ra rất vui vẻ khi được ngồi trên lưng voi. Ban đầu cô hơi e dè vì mỗi khi di chuyển chiếc ghế lại bấp bênh, nhưng dần đã trở nên quen hơn. Sau khi lên bờ, những con voi tiếp tục chở khách đi một vòng quanh ngôi làng. Giá cưỡi voi dành cho du khách từ 300.000 – 600.000 đồng/giờ/voi. Mỗi voi chỉ chở 2-3 khách.

Theo Thảo Nghi/VnExpress

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 32 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đắk Lắk

ĐẮK LẮK

Vị trí Đắk Lắk trên bản đồ Việt Nam

Đắk Lắk là một tỉnh có diện tích lớn thứ 4 nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Du lịch Đắk Lắk đang có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, Thác Gia Long, cụm du lịch Buôn Đôn, Thác Krông Kmar, Diệu Thanh, Tiên Nữ… bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Easo…

Bạn có biết: Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận.

  • Diện tích: 13.030,5 km²
  • Dân số: 1.869.322 người
  • Vùng: Tây Nguyên
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 13 huyện
  • Mã vùng điện thoại: 0262
  • Biển số xe: 47