Kinh nghiệm du lịch đảo Hải Tặc

Kinh nghiệm du lịch đảo Hải Tặc (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Là xã đảo duy nhất của Hà Tiên, Tiên Hải còn có tên gọi khác là quần đảo Hải Tặc với 18 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên hơn 200 ha. Trong những năm gần đây, du lịch đảo Hải Tặc phát triển theo hướng du lịch cộng đồng mang lại nhiều hiệu quả tích cự, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Hà Tiên nói riêng và du lịch Kiên Giang nói chung. Năm 2017, quần đảo Hải Tặc được tỉnh công nhận là khu du lịch địa phương, việc này giúp cho không chỉ các du khách trong nước mà các du khách nước ngoài cũng sẽ được phép tới đảo.

Đảo Hải Tặc là một địa điểm du lịch vẫn còn rất đẹp và hoang sơ của Kiên Giang (Ảnh – Khương Nhựt Minh)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Khương Nhựt Minh, nhut quang, nina.n3.95, mr.ben_2205, phuongtuongkhoa6868, tym.jpg, Bang Anh, Luan Nguyen, to_vu_phat, lam.vo16, vietlam3291, truong123, mhuyvnn, Doan NT, Hoang Loc Ngo, doiratngon, chi_nho, xun.omachi, Thuỷ Thanh, Hùng Phi, Bích Linh, jack_ndc nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về quần đảo Hải Tặc

Hải Tặc thực chất là tên gọi của một nhóm nhiều đảo trên vùng biển Hà Tiên (Ảnh – nhut quang)

Tiên Hải với quần đảo Hải Tặc có 18 hòn đảo (16 hòn đảo lớn nhỏ và 2 đảo chìm), gồm: Hòn Tre (còn gọi là Hòn Đốc), Tre nhỏ, Tre Vinh, Đồi Mồi lớn, Đồi Mồi nhỏ, Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Ụ, Bánh Tét, Bánh Ít, Hòn Ruồi, Bánh Lái, Kiến Vàng, Bánh Quy, Bánh Tổ, Hòn Phụ Tử, Đá Nổi 1 và Đá Nổi 2; tổng diện tích tự nhiên hơn 251 ha. Theo đường biển, xã cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 20 km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, Thành phố Phú Quốc và huyện Kiên Lương cùng tỉnh. Trên đảo hiện có khoảng hơn 500 hộ với dân số hơn 2000 người, tập trung sinh sống ở Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Đước và Hòn Ụ. Đời sống kinh tế chủ yếu là khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Theo lịch sử Hà Tiên ghi lại, vào thế kỷ 17, Tổng trấn Mạc Thiên Tích nhiều lần lệnh cho các tướng lĩnh ra dẹp loạn cướp biển ở đây và tên gọi quần đảo Hải Tặc xuất hiện từ đó. Giai đoạn sau này, một vài thành viên của cướp biển người bản địa vẫn còn chôn cất, lưu lại dấu tích tại xã đảo Tiên Hải.

Gây tò mò ngay từ tên gọi, quần đảo Hải Tặc hiện vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, người dân hiền hòa và trở thành điểm đến yêu thích của người ưa khám phá. Chưa được đầu tư phát triển du lịch, quần đảo Hải Tặc không nổi tiếng như các điểm đến Bình Ba, Bình Hưng, Lý Sơn, Nam Du hay Cù lao Chàm, nhưng tới đây du khách lại có được cảm giác yên ả, một mình một cõi.

Nên du lịch đảo Hải Tặc vào thời gian nào?

Đến đảo Hải Tặc vào mùa khô để thoải mái tắm biển (Ảnh – nina.n3.95)

Mang đặc trưng của vùng khí hậu biển Hà Tiên, thời tiết trên đảo Hải Tặc về cơ bản khá dễ chịu cho du khách. Nằm ở vùng biển phía Tây Nam nên hầu như không bị ảnh hưởng bởi bão, mùa mưa không dài và thường cùng kết thúc sớm. Phù hợp nhất các bạn có thể cân nhắc tới đảo Hải Tặc vào mùa khô, khoảng từ tháng 12-4 năm sau, tầm này hầu như không có mưa, nhiệt độ lại cao, rất thích hợp cho các hoạt động biển.

Hướng dẫn đi tới đảo Hải Tặc

Đi tới Hà Tiên

Các bạn cần tới Thành phố Hà Tiên trước rồi mới có thể di chuyển tới đảo Hải Tặc (Ảnh – mr.ben_2205)
Phương tiện cá nhân

Nếu sử dụng ô tô, các bạn có nhiều lợi thế hơn trong việc di chuyển tới Hà Tiên bởi kết hợp được một số đoạn cao tốc. Từ Sài Gòn, các bạn có thể đi theo tuyến đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương – Mỹ Thuận – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi để tới được Thành phố Rạch Giá, từ đây theo tuyến QL 80 khoảng 80 km nữa sẽ tới được Hà Tiên. Với xe máy,  tuỳ kế hoạch các bạn cần di chuyển tới Cao Lãnh (Đồng Tháp) rồi tiếp đó có thể lựa chọn các cung đường qua Châu Đốc (An Giang) hay cũng đi tới Thành phố Rạch Giá rồi tiếp tục tới Hà Tiên.

Phương tiện công cộng

Từ Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây hàng ngày đều có xe giường nằm chất lượng cao đi Hà Tiên, các xe đều dừng tại bến xe khách Hà Tiên, thời gian di chuyển từ Sài Gòn tới Hà Tiên vào khoảng 8 tiếng.

Xem thêm bài viết: Xe chất lượng cao đi Hà Tiên (Cập nhật 10/2024)

Từ Hà Tiên đi đảo Hải Tặc

Tàu cao tốc
Chỉ cần một chuyến tàu từ Hà Tiên, các bạn đã có mặt tại đảo Hải Tặc (Ảnh – phuongtuongkhoa6868)

Đây là phương tiện nhanh nhất để di chuyển tới đảo Hải Tắc, thường thời gian di chuyển của tàu chỉ vào khoảng 30 phút.  Các chuyến tàu thường khởi hành từ 2 đầu bến  là bến tàu Hà Tiên và bến tàu trên đảo Hải Tặc vào đầu giờ sáng và đầu giờ chiều.

Phà

Nếu có nhu cầu mang theo phương tiện cá nhân ra đảo, các bạn có thể sử dụng tuyến phà An Hải. Tuyến phà này ngoài chở người còn có thể chở theo các loại ô tô nhỏ, xe máy của hành khách đi phà. Nhược điểm là thời gian di chuyển tương đối lâu so với tàu cao tốc.

Đi lại trên đảo Hải Tặc

Xe máy
Đảo khá nhỏ, đường dễ đi nên thuê xe máy để chạy quanh đảo là phương án nhàn nhất (Ảnh – tym.jpg)

Đảo khá nhỏ, đường xá lại tương đối dễ đi nên nếu muốn chủ động trong việc đi lại, các bạn có thể thuê xe máy của người dân sinh sống trên đảo để làm phương tiện di chuyển. Bạn nào thích đi xe của mình thì cũng có thể tự mang theo qua đường phà biển.

Xe điện

Nếu đoàn đông người có thể sử dụng xe điện để đi lại (Ảnh – Bang Anh)

Hiện trên đảo có xe điện của Minh Nga cung cấp dịch vụ đưa khách đi khám phá quanh đảo, các bạn đi theo nhóm đông người có thể thuê xe điện để tiện đi cùng nhau.

Thuyền

Nếu muốn vãn cảnh quanh đảo, các bạn có thể thuê thuyền của người dân (Ảnh – Luan Nguyen)

Muốn khám phá quanh đảo và trải nghiệm các hoạt động biển, các bạn có thể liên hệ thuê thuyền của người dân trên đảo để đưa đi chơi, câu cá, đánh bắt hải sản và thưởng thức ngay trên thuyền.

Lưu trú trên đảo Hải Tặc

Homestay

Trên đảo hiện chỉ có một vài homestay với dịch vụ cơ bản (Ảnh – to_vu_phat)

Là một nơi tương đối yên bình và lặng lẽ so với nhiều địa điểm du lịch nổi bật khác của Kiên Giang như Nam Du hay Phú Quốc, các cơ sở lưu trú trên đảo Hải Tặc cũng chưa nhiều, đa phần là các homestay với quy mô nhỏ của người dân địa phương để phục vụ một số lượng ít các du khách tới đây.  Các bạn nếu định ghé thăm nơi này vào những dịp lễ, nhớ kiểm tra trước để đảm bảo có phòng khi ra đảo nhé.

Xem thêm bài viết: Homestay trên đảo Hải Tặc (Cập nhật 10/2024)

Ngủ lều

Cắm trại, ngủ lều trên đảo Hải Tặc cũng là một ý tưởng khá hay (Ảnh – lam.vo16)

Nếu có sẵn đồ và yêu thích các hoạt động dã ngoại, các bạn có thể mang theo lều và các dụng cụ cắm trại để tổ chức một buổi camping trên đảo. Tại hầu hết các bãi cát rộng quanh đảo các bạn đều có thể dễ dàng tìm cho mình một chỗ dựng lều.

Chơi gì khi đến đảo Hải Tặc

Một số hoạt động

Tắm biển

Một bãi tắm trên đảo (Ảnh – vietlam3291)

Trên đảo có nhiều bãi tắm nhỏ chạy quanh với bãi cát cũng khá dài, các bạn có thể đến những bãi này để tắm biển, team building, cắm trại….

Câu cá

Câu cá (Ảnh – truong123__)

Dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương, các bạn có thể trải nghiệm các hoạt động nhẹ nhàng như câu cá, bắt một số loại hải sản đơn giản rồi chế biến ngay tại chỗ. Hoạt động này cũng khá thú vị nếu các bạn có đưa trẻ em đi cùng.

Đi thuyền quanh đảo

Đảo khá nhỏ nên đi quanh đảo cũng không tốn quá nhiều thời gian (Ảnh – mhuyvnn)

Đảo khá nhỏ nên nếu muốn làm một vòng quanh để ngắm toàn cảnh đảo, các bạn có thể thuê thuyền của người dân địa phương để làm phương tiện đi lại.

Bia chủ quyền

Cột mốc chủ quyền trên đảo Hải Tặc (Ảnh – Doan NT)

Ra đảo Hải Tặc không thể không ghé thăm tấm bia chủ quyền quần đảo được xây vào năm 1958. Gần đó là một bãi tắm nước khá nông. Từ bờ bên này của đảo có thể lội nước sang hòn Tre Vinh. Dọc đường quanh đảo, nhiều chỗ xây chòi lá cho khách tắm biển xong nghỉ dưỡng, chờ thưởng thức hải sản hay thức ăn mang theo. Ngoài ra, có một đoạn dốc dẫn lên doanh trại quân đội trên đảo. Từ đây có thể phóng mắt nhìn xa ra cảnh biển.

Sơn Hoà Tự

Sơn Hoà Tự (Ảnh – Hoang Loc Ngo)

Sơn Hòa Tự do Nguyễn Thị Gái hay thường gọi bà Mười, con gái của một cướp biển, tự tay gánh đá xây chùa. Xây chùa trong thời kỳ Ngô Đình Diệm bài Phật giáo, bà gặp rất nhiều khó khăn. “Sơn” là núi, “Hòa” là yên hòa, hòa bình, còn chữ “Tự” vừa có nghĩa là chùa vừa mang ý nghĩa tự bà Mười dựng nên. Ngôi chùa được xây nên với ý nguyện của bà Mười là mong muốn người dân trên đảo có chỗ thờ cúng hương khói và có cuộc sống yên bình, hòa hợp.

Chùa ở lưng chừng núi đảo, đủ cho ta bao quát cái mênh mông của biển trời và nhấp nhô đảo lớn nhỏ xa gần. Sơn Hòa Tự nhỏ nhắn, vắng vẻ, đìu hiu. Tuy nhiên nơi đây vẫn có các vật dụng thiết yếu trên bàn lễ như bình hoa, bát nhang, chung trà,… chứng tỏ sự chăm sóc của bàn tay con người ẩn sau vẻ hiu quạnh. Vào ngày mồng một, ngày rằm, đặc biệt là Tết và các ngày lễ Phật, Sơn Hòa Tự thay thế sự vắng vẻ bằng cảnh tượng đông vui hội tụ của Phật tử và người dân trên đảo đến làm lễ.

Các món ăn ngon trên đảo

Hải sản

Ghẹ

Ghẹ hấp trên đảo (Ảnh – doiratngon)

Ghẹ thì có khá nhiều khắp ven biển của đất nước ta, nhiều nơi có ghẹ ngon và vùng biển Kiên Giang là một trong những nơi đó. Ghẹ trên đảo Hải Tặc nhỏ nhưng ngọt, chắc thịt, thường chỉ cần hấp không hoặc hấp cùng bia là các bạn đã có một bữa thịnh soạn.

Mực

Mực nướng trên than hồng vừa thơm, ăn lại rất ngọt (Ảnh – chi_nho)

Mực tươi chỉ cần rửa sạch, tẩm ướp với các loại gia vị rồi đem nướng sơ trên than hồng. Đặc biệt, nếu các bạn tham gia các hoạt động câu mực cùng người dân địa phương thì món này sẽ được thưởng thức ngay trên thuyền, vừa tươi ngon lại vô cùng thú vị.

Nhum biển

Nhum chỉ cần vắt chanh và mù tạt vào là có thể ăn sống (Ảnh – xun.omachi)

Nhum thường sinh sản vào tháng 3 – 6 âm lịch. Tại vùng biển quần đảo Hải Tặc, những người đi biển lành nghề sẽ biết các hộc, gành đá mà nhum cư trú để bắt. Bắt nhum phải đúng cách, nếu không sẽ bị nguy hiểm vì gai đâm. Thịt nhum có màu vàng nhạt, ăn bùi bùi. Tuỳ theo kích thước mà phần thịt bên trong sẽ nhiều hoặc ít. Du khách có thể bôi ít mù tạt vào rồi ăn hoặc chỉ cần vắt một lát chanh kèm chút muối ớt đâm là đã có thể thưởng thức ngon lành.

Hàu nướng mỡ hành

Hàu nướng (Ảnh – Thuỷ Thanh)

Hàu là một loại hải sản vô cùng bổ dưỡng, chứa nhiều kẽm, là một món ăn tăng cường miễn dịch và khá bổ dưỡng. Món hàu nướng mỡ hành trên đảo Hải Tặc luôn gây nghiện với các tín đồ hải sản vì sự thơm ngon khó cưỡng cũng như cách chế biến vô cùng đơn giản.

Các loại ốc

Các loại ốc trên đảo Hải Tặc (Ảnh – Hùng Phi)

Trên đảo có rất nhiều loại ốc, đặc biệt các bạn còn có thể tự trải nghiệm việc bắt ốc tại các ghềnh đá ven biển rồi nhờ người dân địa phương chế biến. Nhiều nhất có thể kể đến là ốc ngọt, đây là một loài ốc có rất nhiều trên đảo, hình dáng giống con ốc ngựa nhưng lớn hơn. Không đầy 15 phút là các bạn có thể nhặt đủ số lượng ốc để chế biến món ốc xào bơ cay thơm ngon đầy hấp dẫn từ các nhà dân trên đảo.

Khô Cô Nối

Các sản phẩm khô (Ảnh – Bích Linh)

Đây là sản phẩm gia truyền của gia đình bà Bùi Thị Nối, người dân sinh sống trên đảo Hòn Tre. Mỗi loại khô đều có cách tẩm ướp và phơi khác nhau, tùy từng loại cá được ngư dân trên đảo khai thác được chế biến thành các loại khô theo mùa trong năm. Trước đây, khô Cô Nối chỉ bán cho người dân trên quần đảo Hải Tặc làm thực phẩm dự trữ trong những ngày mưa, bão. Sau này, khách du lịch đến đảo mua khô về làm quà, sản phẩm khô Cô Nối đã dần chiếm được cảm tình của đông đảo khách hàng và trở thành món quà mang về cho du khách khi tới đây.

Một vài lưu ý

Có cần mang theo giấy tờ tuỳ thân?

Khi tới các khu vực biên giới, hải đảo các bạn cần mang theo một loại giấy tờ tuỳ thân có ảnh (hoặc bản scan, bản chụp lưu sẵn trên điện thoại) để phục vụ cho việc mua vé tàu, khai báo tạm trú..

Người nước ngoài có được phép tới đảo Hải Tặc

Với việc được công nhận là khu du lịch địa phương, bất kỳ du khách người nước ngoài nào với giấy tờ tuỳ thân hợp lệ cũng được phép tới đảo.

Trên đảo đã có điện chưa?

Đảo đã được kéo điện lưới quốc gia vào tháng 10/2019

Có được phép mang phương tiện cá nhân ra đảo?

Bạn được phép mang theo xe máy ra đảo, tuy nhiên nếu không thực sự cần thiết các bạn có thể thuê ngay trên đảo bởi tính chi phí ra khéo việc mang xe đi lại tốn kém hơn.

Lịch trình khám phá đảo Hải Tặc

Quần đảo Hải Tặc là một nơi không nên bỏ lỡ khi đến với Hà Tiên (Ảnh – jack_ndc)

Sài Gòn – Hà Tiên – Đảo Hải Tặc

Lịch trình này các bạn sẽ khám phá đảo Hải Tặc từ Sài Gòn, kết hợp thêm một số địa điểm du lịch hấp dẫn ngay ở Hà Tiên. Tuỳ vào thời gian rảnh, các bạn có thể sắp xếp kéo dài thêm cho phù hợp với lịch trình cá nhân.

Ngày 0: Sài Gòn – Hà Tiên

Bắt xe đêm từ Sài Gòn, khoảng sáng sớm ngày hôm sau các bạn sẽ có mặt tại Hà Tiên. Nếu sử dụng phương tiện cá nhân các bạn cần sắp xếp nguyên 1 ngày đầu tiên này để di chuyển nhé.

Ngày 1: Khám phá Hà Tiên

Sáng đến Hà Tiên, các bạn có thể thuê xe máy để làm phương tiện di chuyển quanh thành phố này. Một số địa điểm không thể bỏ qua như Khu du lịch núi Bình San, Mũi Nai, núi Đá Dựng với 14 hang động. Nếu thích khám phá biên giới có thể chạy về phía cửa khẩu Hà Tiên.

Nếu các bạn ngại di chuyển, có thể đặt 1 tour khám phá Hà Tiên trong ngày.

Tối lang thang thưởng thức đặc sản Hà Tiên, ghé thăm chợ đêm Hà Tiên. Ngủ tại Thành phố Hà Tiên đêm này nhé.

Ngày 2: Khám phá Đảo Hải Tặc

Sáng các bạn khởi hành đi đảo Hải Tặc từ ngay Hà Tiên, nếu đi vào những dịp cuối tuần hay ngày lễ các bạn nhớ đặt trước vé tàu cao tốc ra đảo nhé.

Sau khoảng 1 tiếng, các bạn có mặt trên đảo.  Thuê 1 chiếc xe máy rồi chạy quanh đảo khám phá cột mốc chủ quyền, tham quan cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên đảo.

Trưa ăn trưa hải sản, nghỉ ngơi rồi đầu giờ chiều thuê thuyền đi quanh đảo. Chiều tối về lặn ngắm san hô, ngắm hoàng hôn trên biển.

Tối nghỉ ngơi ở các homestay trên đảo.

Ngày 3: Hà Tiên – Sài Gòn

Sáng dậy ăn sáng, trả phòng rồi mua vé tàu cao tốc trở lại Hà Tiên. Nếu không có thêm kế hoạch gì khác, các bạn lên xe trở lại Sài Gòn. Tối ngày này các bạn có mặt ở Sài Gòn, kết thúc hành trình.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch đảo Hải Tặc 2024
  • du lịch đảo Hải Tặc tháng 10
  • tháng 10 đảo Hải Tặc có gì đẹp
  • review đảo Hải Tặc
  • hướng dẫn đi đảo Hải Tặc tự túc
  • ăn gì ở đảo Hải Tặc
  • phượt đảo Hải Tặc bằng xe máy
  • đảo Hải Tặc ở đâu
  • đường đi tới đảo Hải Tặc
  • chơi gì ở đảo Hải Tặc
  • đi đảo Hải Tặc mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp đảo Hải Tặc
  • homestay giá rẻ đảo Hải Tặc

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kiên Giang

KIÊN GIANG

Vị trí Kiên Giang trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng phía Tây Nam của nước ta, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền tây và lớn nhì ở miền nam, trung tâm hành chính đặt ở thành phố Rạch Giá. Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam  có tốc độ tăng trưởng du lịch được coi là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh đẹp của vùng đất này ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”.

Bạn có biết: Có vị trí nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore nên Kiên Giang đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực.

  • Diện tích: 6.348,5 km²
  • Dân số: 1.738.800
  • Phân chia hành chính: 3 thành phố và 12 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 297
  • Biển số xe: 68