Kinh nghiệm du lịch Thiên Sơn, Suối Ngà

Kinh nghiệm du lịch Thiên Sơn, Suối Ngà (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà nằm cách thủ đô Hà Nội chừng hơn 60km, cách cổng chính vào Vườn Quốc gia Ba Vì khoảng hơn 3km. Đây là một khu du lịch kết hợp giữa nhân tạo và tự nhiên với diện tích lên tới 450 ha nằm giữa thung lũng của dãy núi Ba Vì, được bao bọc xung quanh là rừng tự nhiên và rừng trồng xen kẽ với những thác n­ước, suối, hồ nên có khí hậu quanh năm mát mẻ, đặc biệt là vào mùa hè. Chính bởi vậy, Thiên Sơn Suối Ngà rất phù hợp cho các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí vào các dịp cuối tuần.

Một ngày đẹp trời ở Thiên Sơn Suối Ngà (Ảnh – Cương Pluto‎)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Cương Pluto, Nguyễn Đình Thành, Duc thanh Nguyen, tuyettrinhphan994, thrivehanoi, tuan.lee31, phuong.1808, Trần Tiến Công, Thuy Dp, Van Anh Le nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Thiên Sơn Suối Ngà

Thiên Sơn Suối Ngà là một quần thể du lịch sinh thái với nhiều hoạt động phù hợp cho nghỉ ngơi, dã ngoại (Ảnh – cungphuot.info)

Thiên Sơn Suối Ngà được Hà Nội công nhận là khu du lịch cấp thành phố, địa điểm này gồm có 3 khu vực lần lượt là Hạ Sơn – Trung Sơn – Ngoạn Sơn với quãng đường vòng quanh kéo dài khoảng 6km. Hạ Sơn mang một vẻ yên tĩnh, khung cảnh hữu tình như lạc vào một bộ phim. Nơi đây có các dịch vụ nghỉ dưỡng như: tắm khoáng, massage và ăn uống. Ngọa Sơn mang đến du khách cảm giác mạnh mẽ muốn vượt qua thử thách. Trên đỉnh Ngọa Sơn có một dòng thác trắng xóa. Đứng ở đây, bạn có thể phóng tầm nhìn cả một màu xanh ngút ngàn của cây cối.

Nơi được đông đảo du khách quan tâm và ưa thích nhất chính là Trung Sơn. Hồ tạo sóng rộng lớn, giữa hồ có những tảng đá nhô lên như một vịnh thu nhỏ. Nước ở hồ luôn luôn trong mát bởi nguồn cung cấp chính là nước từ đỉnh núi. Ngoài ra, du khách còn có thể hòa mình vào làn nước êm đềm của những dòng suối. Nước trong nhìn thấu từng viên đá khiến bạn chẳng thể nào cưỡng lại.

Ở Thiên Sơn – suối Ngà, sức mạnh từ bàn tay và khối óc của con người đã biến nguồn nước vô tận của thiên nhiên thành những bể bơi, hồ tạo sóng nhân tạo tuyệt đẹp. Nếu xung quanh không phải là trùng trùng lớp lớp cây xanh và những tảng đá khổng lồ, đứng bên mép hồ, bạn sẽ nghĩ mình đang ở trong khuôn viên của một khu nghỉ dưỡng cao cấp nào đó. Độ sâu có khi đạt tới gần 2m, nhưng nước xanh trong vắt, nhìn thấy từng viên gạch lát nền. Ở hồ tạo sóng nhân tạo, từng con sóng thi nhau vỗ bờ, bọt tung trắng xóa. Xa xa, chiếc cầu trượt, đảo nhân tạo,… càng khiến cảnh quan thêm thơ mộng, quyến rũ.

Nên đi Thiên Sơn Suối Ngà vào thời gian nào?

Mùa hè là thời điểm lý tưởng để tránh nóng ở Thiên Sơn Suối Ngà (Ảnh – Nguyễn Đình Thành)

Là một khu sinh thái chủ yếu là các hoạt động liên quan đến nước, thế nên đến Thiên Sơn Suối Ngà vào những ngày hè có lẽ là thích hợp nhất. Lúc này, mặc dù ở giữa thủ đô nhiệt độ có thể rất cao nhưng ở Thiên Sơn Suối Ngà lại vô cùng mát mẻ bởi được thiên nhiên che chắn.

Hướng dẫn đi tới Thiên Sơn Suối Ngà

Phương tiện cá nhân

Nếu đi bằng ô tô cá nhân, tuyến đường đại lộ Thăng Long sẽ thuận lợi nhất (Ảnh – cungphuot.info)

Từ trung tâm Hà Nội các bạn có thể lựa chọn tuyến đường Đại lộ Thăng Long hoặc tuyến đường 32 để đi. Nếu xuất phát theo hướng Đại lộ Thăng Long, ô tô các bạn có thể đi vào đường chính, xe máy các bạn hãy sử dụng tuyến đường gom bên cạnh. Đi hết Đại lộ Thăng Long các bạn có thể rẽ phải vào đường 21A đi tới ngã 4 viện 105 rồi rẽ trái đi tiếp tới khi có biển chỉ dẫn đi Vườn Quốc gia Ba Vì. Một đường khác là hết Đại lộ Thăng Long các bạn cứ đi thẳng theo biển chỉ dẫn qua đường Làng văn hóa các dân tộc ở Đồng Mô, hết tuyến đường này các bạn cũng rẽ trái rồi đi đến khi có biển hướng dẫn vào Vườn Quốc gia Ba Vì.

Đến cổng Vườn Quốc gia Ba Vì, nhìn phía bên tay trái sẽ có biển chỉ dẫn đi Thiên Sơn Suối Ngà 3km, các bạn chạy thẳng đường này là tới.

Phương tiện công cộng

Các bạn muốn sử dụng phương tiện công cộng, có thể kết hợp vài tuyến xe buýt cùng xe ôm hoặc taxi để đến Thiên Sơn Suối Ngà (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu không muốn sử dụng phương tiện cá nhân, các bạn có thể sử dụng xe buýt kết hợp xe ôm để tới Thiên Sơn Suối Ngà. Tuy nhiên, tùy từ vị trí xuất phát mà các bạn có thể phải đổi tới 3 chặng xe buýt mới có thể tới được đây.

Từ Hà Nội các bạn hãy di chuyển tới Bến xe Mỹ Đình, tại đây có 2 tuyến buýt có thể sử dụng là tuyến 74 Mỹ Đình – Xuân Khanh và tuyến 71 Mỹ Đình – Bến xe Sơn Tây. Tới điểm cuối Xuân Khanh hoặc Bến xe Sơn Tây các bạn xuống và chuyển tiếp sang tuyến xe 110 Bến xe Sơn Tây – Vườn Quốc gia Ba Vì. Tuyến 110 này sẽ dừng trả khách ngay tại quầy bán vé vào cổng Vườn, ngay bên trái là đường đi Thiên Sơn Suối Ngà, chặng vào còn khoảng 3km nữa nên các bạn có thể thuê xe ôm, taxi để đi vào. Nếu sử dụng phương án này, các bạn nhớ xin liên hệ để lúc về còn gọi xe vào đón nhé.

Xem thêm bài viết: Các tuyến xe buýt ở Hà Nội (Cập nhật 3/2024)

Lưu trú ở Thiên Sơn Suối Ngà

Thiên Sơn Suối Ngà có cả nghỉ dưỡng trong những biệt thự kiểu Châu Âu lẫn nghỉ nhà sàn tập thể cho những nhóm đông (Ảnh – Duc thanh Nguyen)

Nếu muốn lưu trú qua đêm, các bạn có thể sử dụng hệ thống phòng nghỉ ngay trong khuôn viên của Thiên Sơn Suối Ngà, hiện toàn bộ có khoảng gần 30 phòng nghỉ. Những khu nghỉ dưỡng ở đây mang một phong cách rất núi rừng, với nhà sàn mái ngói và lát gỗ. Ngoài ra còn có những tòa biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp, vô cùng trang nhã, lịch sự. Để liên hệ đặt phòng các bạn gọi theo số 0912 631 802 hoặc 024 3388 0212

Chơi gì ở Thiên Sơn Suối Ngà

Hạ Sơn

Hạ Sơn (Ảnh – tuyettrinhphan994)

Hạ Sơn với phong cảnh sơn thủy hữu tình, có thác Tam Cấp và nhiều con suối nhỏ… Điểm nhấn của Hạ Sơn là những dải cầu bắc ngang qua dòng suối uốn lượn, hút hồn du khách, bạn có thể dạo chơi trên cầu nhìn dòng nước chảy phía dưới hay có thể đùa nghịch với những dòng suối nhỏ. Tiếng suối róc rách êm tai và cảm giác mát lạnh sẽ mang lại sự thư thái vô cùng.

Vọng lâu

Vọng Lâu là những ngôi nhà sàn, lưng tựa vào vách núi tạo nên một bức tranh rất thơ mộng (Ảnh – thrivehanoi)

Vọng lâu là một dãy nhà sàn được thiết kế ốp sát vào vách núi và có dây leo bao quanh, phủ đầy mái ngói và che kín cả tường nhà. Những người yêu thích chụp ảnh sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của Vọng Lâu. Bên cạnh dòng suối nhỏ là những khối cẩm thạch đẹp mắt và xung quanh với hoa cỏ, núi rừng giúp bạn có được những bức ảnh đẹp như tranh vẽ.

Trung Sơn

Khu Trung Sơn không có nhiều suối nhỏ và cầu bắc ngang, nó là một khu ẩm thực bên sườn núi, phong cách kiến trúc độc đáo như những hang động cổ xưa, được trang trí bởi những ánh đèn màu rực rỡ. Ở đây có khu nhà nghỉ cao cấp nằm xen giữa những tán cây rừng bên cạnh bể bơi nước xanh biếc…

Hồ Trung Sơn

Từ Hạ Sơn đi dọc theo sườn núi khoảng 1.5 km, hồ Trung Sơn là địa điểm chụp ảnh lý tưởng với những đoạn rừng thưa tuyệt đẹp. Du khách sẽ được hòa mình với bóng cây xanh rì bên đường, được nghe tiếng chim hót, tiếng suối róc rách.

Khu Hồ bơi – Máng trượt

Khu bể bơi ở Trung Sơn bao gồm cả chỗ vui chơi cho người lớn và trẻ nhỏ, sử dụng nước suối nên mát lạnh ngay cả giữa những ngày hè nóng bức (Ảnh – cungphuot.info)

Thiết kế uốn lượn với tông màu phối đẹp như tranh vẽ. Bể bơi không chỉ là địa điểm du khách thoải mái bơi lội, thư giãn mà còn là nơi check in những bức ảnh sang chảnh. Hồ ở đây có khu vực dành riêng cho trẻ em với những hình thù các con thú rất đáng yêu, ngộ ngĩnh.

Thác Cổng Trời

Trên đỉnh thác Cổng Trời (Ảnh – tuan.lee31)

Thác Cổng Trời như một dải lụa bạc vắt từ đỉnh núi xuống. Nếu đứng từ chân thác, ta sẽ có cảm giác chạm được đến đỉnh của bầu trời xanh ngắt. Thác Cổng Trời quanh năm không cạn nước. Từ ngọn thác đổ xuống sườn núi tạo thành một bể bơi thiên nhiên là nơi tập trung nhiều du khách yêu thích tắm suối và chụp ảnh.

Ngoạn Sơn

Ngoạn Sơn có những con đường riêng cho việc đi bộ xung quanh hồ (Ảnh – cungphuot.info)

Nơi đây cũng có rất nhiều những lán ven hồ để khách du lịch có thể dừng chân nghỉ ngơi ăn uống (Ảnh – cungphuot.info)

Lên Ngoạn Sơn, bạn sẽ tìm thấy một cảm giác mới lạ. Vẫn là khu phục vụ ăn uống và nghỉ ngơi nhưng Ngoạn Sơn lại có một khung cảnh rất riêng. Ở vị trí này, du khách có thể ngắm toàn cảnh Khu du lịch Thiên Sơn.

Ăn gì ở Thiên Sơn Suối Ngà

Thích hợp nhất là các bạn tự chuẩn bị đồ ăn rồi mang theo (Ảnh – phuong.1808)

Đây là một khu du lịch khép kín nên mọi dịch vụ đều do đơn vị chủ quản cung cấp, chặng đường cũng khá xa so với các nhà hàng quán ăn gần nhất nên nếu không mang theo đồ ăn các bạn chỉ có thể ăn ở đây. Toàn bộ 3 khu của Thiên Sơn Suối Ngà đều có nhà hàng với những món ăn đặc sản của vùng đất Ba Vì. Thiên Sơn Suối Ngà cũng có rất nhiều các địa điểm để các bạn có thể tự mang đồ ăn đi và tổ chức một buổi picnic ngay trong khuôn viên, đặc biệt là khu Trung Sơn.

Cơm lam

Món ăn này có thể tìm thấy ở hầu hết các địa điểm du lịch ở Ba Vì (Ảnh – cungphuot.info)

Cơm lam được nấu theo một cách đặc biệt đó là nấu cơm trong ống tre hoặc ống nứa. Cơm khi chín rất thơm, dẻo và ngọt. Cơm lam thường được ăn kèm cùng những món thịt nướng, hay đơn giản chỉ là chấm với muối vừng. Những khúc cơm lam thơm phức hòa với vị ngọt béo của thịt sẽ tạo nên một vị ngon không tưởng.

Thịt lợn rừng

Đây là một trong những giống lợn được nuôi nhiều ở các tỉnh miền núi trong đó có Ba Vì, vì được thả tự do nên thịt heo rừng rất săn, chắc, dai và thơm ngon, đặc biệt là ở phần thịt ba rọi. Từ loài heo này có thể chế biến các món nướng, hấp gừng, xào xả ớt hay làm giả cầy.

Gà đồi

Gà có thể luộc hoặc nướng, kiểu gì cũng ngon (Ảnh – Trần Tiến Công)

Gà được nuôi gần như tự nhiên ở vùng đất đồi Ba Vì nên thịt săn chắc, thơm ngon. Các bạn có thể đặt gà ở trong nhà hàng hoặc mua gà làm sẵn ở ngoài rồi mang vào tự nướng.

Rau sắn

Rau sắn có thể chế biến được nhiều món ăn ngon (Ảnh – Thuy Dp)

Rau sắn là đặc sản vùng núi, là món ăn dân dã của người dân nơi đây. Các món ăn có thể được chế biến từ rau sắn như rau sắn luộc chấm tương, rau sắn xào tỏi, canh rau sắn nấu cá…Rau sắn tuy màu sắc không bắt mắt nhưng lại vô cùng đưa cơm. Đặc biệt là các món chế biết từ rau sắn muối chua, ăn rồi mà vẫn cứ thòm thèm muốn ăn mãi thôi.

Bánh tẻ Phú Nhi

Bánh tẻ Phú Nhi là một món ăn có thể mua về làm quà khi đi qua Sơn Tây (Ảnh – Van Anh Le )

Bánh tẻ Phú Nhi được làm từ những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, lá dong gói bên trong, lá chuối khô gói ngoài. Bánh ăn ngon nhất là khi còn nóng, thêm bát mắm ớt, tiêu thì còn gì tuyệt hơn . Bánh tẻ Phú Nhi với lớp vỏ trắng ngần, lớp nhân thịt tươi ngon, bánh ăn mềm, dẻo mà không bị bở.

Lịch trình đi Thiên Sơn Suối Ngà

Ngày 1: Hà Nội – Thiên Sơn Suối Ngà

Khoảng 7h30 khởi hành từ Hà Nội, các bạn đi theo hướng đại lộ Thăng Long rẽ Hòa Lạc hoặc đường qua Làng văn hóa các dân tộc đều được. Khoảng 9h sẽ tới nơi.

Lần lượt ghé Hạ Sơn ngắm cảnh thiên nhiên, ngồi Vọng Lâu nghỉ ngơi ăn sáng. Từ Hạ Sơn tiếp tục đi theo con đường leo núi khoảng 1,5km, nếu ngại thì ngồi xe lên tận nơi nhé.

Lên đến Trung Sơn, các bạn thoải mái bơi lội, nghịch nước, dạo chơi ngắm thác rồi tìm một vị trí thích hợp để sắp xếp đồ ăn chuẩn bị cho bữa trưa.

Sau bữa trưa có thể tiếp tục dạo bộ đi Ngoạn Sơn, từ đây có thể ngắm toàn cảnh khu Thiên Sơn Suối Ngà, đây cũng là nơi cao nhất trong cả 3 khu.

Tối nghỉ ngơi, thưởng thức các đặc sản vùng đất Ba Vì, nếu đi theo đoàn đông thì có thể tổ chức các hoạt động giao lưu đốt lửa trại. Khu Ngoạn Sơn có sẵn hạ tầng và sân chơi để các bạn có thể thực hiện các hoạt động này.

Ngày 2: Thiên Sơn – Suối Ngà – Vườn Quốc gia Ba Vì – Hà Nội

Sau bữa sáng, các bạn thu dọn đồ đạc để chuẩn bị trở về. Quay ngược trở lại đến Vườn Quốc gia Ba Vì các bạn mua vé vào cổng lên đây chơi nhé, nếu đi vào mùa hoa dã quỳ thì tha hồ chụp ảnh.

Dừng chân tại Vườn xương rồng, động Ngọc Hoa, rừng thông cốt 400m rồi lên đền Thượng nghỉ ngơi ăn trưa cho mát mẻ. Trên đây có một nhà hàng với các món ăn cơ bản, các bạn có thể liên hệ đặt trước để đỡ phải chờ đợi.

Ăn trưa nghỉ ngơi xong, chiều khởi hành về Hà Nội kết thúc lịch trình.

Một vài lưu ý

  • Vé vào cổng Thiên Sơn Suối Ngà là 150k, trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí, trên 6 tuổi tính vé người lớn.
  • Nhớ mang theo đồ bơi để có thể thoải mái vùng vẫy trong làn nước mát lạnh.
  • Nếu định nghỉ ngơi qua đêm ở đây, các bạn có thể liên hệ với bên khu du lịch trước để mua những combo kèm ăn ngủ nghỉ với giá ưu đãi hơn so với việc mua lẻ.
  • Nếu chỉ đến chơi trong ngày, các bạn nên chuẩn bị đồ ăn nguội để tự ăn uống sẽ thuận lợi hơn là đặt nhà hàng.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Thiên Sơn Suối Ngà 2024
  • du lịch Thiên Sơn Suối Ngà tháng 3
  • tháng 3 Thiên Sơn Suối Ngà có gì đẹp
  • review Thiên Sơn Suối Ngà
  • hướng dẫn đi Thiên Sơn Suối Ngà tự túc
  • ăn gì ở Thiên Sơn Suối Ngà
  • phượt Thiên Sơn Suối Ngà bằng xe máy
  • Thiên Sơn Suối Ngà ở đâu
  • đường đi tới Thiên Sơn Suối Ngà
  • chơi gì ở Thiên Sơn Suối Ngà
  • đi Thiên Sơn Suối Ngà mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Thiên Sơn Suối Ngà
  • homestay giá rẻ Thiên Sơn Suối Ngà
4.8/5 - (5 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Nội

HÀ NỘI

Vị trí thủ đô Hà Nội trên bản đồ Việt Nam

là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là kinh đô của hầu hết các vương triều phong kiến tại Việt Nam trước đây.

So với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, đây là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong nội ô, cùng với các công trình kiến trúc, thủ đô còn sở hữu một hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam. Thành phố cũng có nhiều lợi thế trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với du khách nước ngoài thông qua các nhà hát sân khấu dân gian, các làng nghề truyền thống,… Du lịch Hà Nội đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các du khách.

Bạn có biết: Tên gọi “Hà Nội” bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831)

  • Diện tích: 3.358,9 km²
  • Dân số: 8.053.663 người
  • Phân chia hành chính: 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 24
  • Biển số xe: 29,30,31,32,33,40