Po Klong Garai, cụm tháp Chăm tráng lệ nhất Việt Nam

Po Klong Garai, cụm tháp Chăm tráng lệ nhất Việt Nam

Cùng Phượt – Tháp Po Klong Garai là tên gọi chung cho một cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Po Klong Garai.

Tháp Po Klong Garai là ngôi đền thờ cúng thiêng liêng, được xem là biểu tượng và cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận. Tháp nằm trên ngọn đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách thành phố Phan Rang Tháp Chàm 9 km về phía Tây.

Cụm tháp gồm ba ngọn tháp, gồm tháp chính cao 20,5 m, tháp lửa cao 9,31 m, tháp cổng cao 8,56 m. Đây là công trình có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao, được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích di tích quốc gia năm 1979, và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Trong ba ngôi tháp này, tháp cổng và tháp lửa không được sử dụng để thờ cúng, chỉ có tháp chính là nơi thờ tự vị vua Po Klong Garai.

Tháp Cổng có độ cao hơn 5m, nằm ngay ở phía đầu của di tích, được chạm trổ những hoa văn hết sức tỷ mỷ. Nơi này là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và tiếp đón khách của vua khi xưa.

Bên trái Tháp Cổng là Tháp Lửa, tháp mang kiến trúc đặc trưng của những ngôi nhà truyền thống của dân tộc Chăm. Ngôi tháp này được thiết kế với hai mái cong cong hình chiếc thuyền. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Chăm cổ. Thời xưa, tháp Lửa là nơi cúng tế của tu sỹ, nơi để long bào, các vật dụng cần thiết của vua Chăm Pa.

Tháp chính cao 20.5 m và bao gồm nhiều tầng. Các tầng trên là sự lặp lại kiến trúc của tầng dưới nhưng thu nhỏ dần về phía đỉnh. Trên cùng của tháp là một trụ nhọn bằng đá, biểu tượng là một Linga.

Ở các góc tháp lên cao dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.

Tháp gồm một cửa chính ra vào ở hướng Đông, trên cửa là mái vòm, có 2 trụ đá lớn đỡ, mặt trụ đá khắc chữ Chăm cổ, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có 6 tay; ba cửa còn lại ở 3 hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả, trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền.

Tháp Chính thờ vua Po Klong Garai (1151 – 1205) với biểu tượng Mukha – Linga. Ngài là người có công trạng to lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền phục vụ nông nghiệp của người Chăm trong vùng. Công trình của vị vua nổi tiếng này vẫn được sử dụng cho đến ngày hôm nay là đập Nha Trinh và kênh Chàm.

Ngoài ra, phía bên trong tháp chính còn có tượng bò Nandin bằng đá.

Trong quần thể tháp còn có một cây me rất to. Theo truyền thuyết Chăm, cây me chính là nơi dựa lưng của vua Po Klong Garai lúc còn trẻ trong một chuyến đi buôn. Truyền thuyết khác lại cho rằng cây me là vị thần trấn giữ và bảo vệ vị vua trong ngôi tháp cổ này.

Dưới chân ngọn đồi Trầu là một loạt công trình phụ trợ nhằm phục vụ du khách tham quan như khu trưng bày sách, ảnh văn hóa Chăm, vật dụng truyền thống Chăm và các món quà lưu niệm.

Ngày nay, tháp Chàm Po Klong Garai là một địa chỉ du lịch nổi tiếng và hút khách của tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh vịnh Vĩnh Hy,  những vườn nho mọng quả, bãi biển Ninh Chữ thơ mộng, tháp Chàm chính là thương hiệu của vùng đất đầy nắng gió này.

5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Ninh Thuận

NINH THUẬN

Vị trí Ninh Thuận trên bản đồ Việt Nam

Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra biển Đông, có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Bờ biển của tỉnh có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng và nhiều sông suối phục vụ du lịch, ngoài ra nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều công trình văn hóa kiến trúc cổ Chămpa gắn với các lễ hội văn hóa dân tộc Chăm.

Bạn có biết: Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước.

  • Diện tích: 3.355,34 km²
  • Dân số: 590.467 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 6 huyện
  • Mã điện thoại: 0259
  • Biển số xe: 85