Tháp bà Ponagar, kiến trúc Champa giữa lòng phố biển

Tháp bà Ponagar, kiến trúc Champa giữa lòng phố biển

Cùng Phượt – Yang Po Inư Nagar (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Tháp bà Ponagar) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước.

Tên gọi của tháp chính được sử dụng để gọi chung cho cả quần thể tháp này (Ảnh – cungphuot.info)

Tên gọi “Tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 m. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva.

Theo truyền thuyết, nữ thần Ponagar được tạo ra bởi áng mây trời và bọt biển. Mẹ Ponagar tạo dựng sự sống và dạy dỗ con dân lao động, mưu sinh. Vì thế, Ponagar không bao giờ vắng bóng người Chăm. Họ đến để cúng tế, hát nhạc và dâng lên vị thần của mình những gì tinh tuý nhất.

Quần thể Tháp Bà nằm ngay bên bờ sông, cách trung tâm thành phố Nha Trang chỉ khoảng 2km (Ảnh – cungphuot.info)

Trong khuôn viên rộng gần 50.000 m², tổng thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar gồm 3 cấp. Cấp thấp nhất nằm ngang bằng mặt đất là ngôi tháp cổng, ngày nay chỉ còn lại những tàn tích nhỏ như các chân cột trụ, các bậc đá bị đất màu che nửa kín nửa hở.

Các hàng cột hình bát giác nằm ở tầng 2 của cụm tháp (Ảnh – cungphuot.info)

Đi qua những tàn tích mờ nhạt này sẽ đến cấp thứ 2 là Mandapa (tức nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách hành hương nghỉ ngơi, chuẩn bị lễ vật. Mandapa dài 20 m, rộng 15 m, gồm 4 hàng cột hình bát giác (10 cột lớn, 12 cột nhỏ).

Tâng trên cùng của quần thể tháp (Ảnh – cungphuot.info)

Cấp trên cùng là nơi các ngọn tháp tọa lạc. Những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính. Có lẽ, ấn tượng nhất đối với du khách là tháp Ponagar – tháp thờ chính ở dãy trước khá lớn và cao khoảng 23 m.

Tháp chính (Ảnh – cungphuot.info)

Tháp chính Ponagar có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá. Bên trong là tượng nữ thần cao 2,6 m tạc bằng đá hoa cương màu đen, gỗ trầm hương và vàng. Tượng nữ thần ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề.

Nhiều bức tượng được tạc trên đỉnh tháp (ảnh – cungphuot.info)

Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chăm Pa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi… Các tháp khác thờ thần Shiva, thần Sanhaka và thần Ganeca.

Phương thức xây dựng của người Chămpa cổ đến nay vẫn là một trong những điều bí ẩn (Ảnh – cungphuot.info)

Quần thể kiến trúc khu di tích được xây dựng bằng gạch nung ở nhiệt độ cao, xốp, nhẹ, thoát nước nhanh nên hầu như không có rêu bám. Đây là nét độc đáo của kỹ thuật nung gạch và xây dựng tháp Chăm. Năm 1979, Tháp Bà Ponagar được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

Những buổi biểu diễn văn hoá Chăm thường xuyên được diễn ra ở phía sau tháp chính (Ảnh – cungphuot.info)

Sự khác biệt lớn nhất của Tháp Bà Ponagar so với những ngôi tháp Chăm ở một số tỉnh thành khác đó là nó là “di tích sống” chứ không phải phế tích, là tháp Chăm duy nhất còn duy trì các hoạt động tín ngưỡng thường xuyên.

Để làm cho không gian văn hóa được màu sắc hơn, phía dưới tháp Tây Bắc, nơi nhiều bóng cây mát mẻ nhất của khu di tích, thường xuyên được tổ chức biểu diễn các điệu múa và âm nhạc của văn hóa Chăm, những điệu múa cho các vị thần của những người phụ nữ Chăm xưa kia vẫn thường múa trên tháp.

Theo một số nghiên cứu, phần mái che ở tầng 2 của tháp có thể bị phá huỷ do chiến tranh giữa các bộ tộc (Ảnh – cungphuot.info)

Theo như nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định đây có thể là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên Bà hành lễ. Họ thấy rằng, trên đỉnh mỗi cột đều có các lỗ mộng. Xác suất cao đây là kiến trúc hở tường bao và có mái che. Vì thời gian, đến nay không còn lại mái che nữa. Mặc dù vậy nhưng đây cũng là điểm nhấn rất độc đáo của Tháp Bà.

Phòng trưng bày Tháp Bà Ponagar (Ảnh – cungphuot.info)

Phần sau cùng của khi di tích là nhà trưng bày với tượng Ganesha thân người đầu voi, con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati, rất phổ biến trong đạo Hindu. Cạnh đó là những bộ linga và yoni, thế giới linh vật tượng trưng cho dương và âm mà hầu hết trong các ngôi tháp đều có.

Những bức tượng đất nung được đặt bên ngoài khu trưng bày (Ảnh – cungphuot.info)

Hàng năm, cứ vào ngày lễ vía Bà (từ 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch), Khu di tích Tháp Bà Ponagar lại đón hàng vạn du khách khắp nơi về trẩy hội, đảnh lễ Bà. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được coi là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, cần được bảo tồn, phát huy cũng như giới thiệu rộng rãi đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

4.2/5 - (32 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Nha Trang

NHA TRANG

Vị trí Nha Trang trên bản đồ Việt Nam

Vị trí Nha Trang trên bản đồ Việt Nam

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa. Thành phố này  được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, vẻ đẹp cũng như khí hậu của nó.

Bạn có biết: Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên “Nha Trang” được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Aia Trang theo tiếng Cham và Ea Trang theo tiếng Rađe

  • Diện tích:251 km²
  • Dân số: 535.000 người
  • Tỉnh: Khánh Hòa
  • Phân chia hành chính: 19 phường, 8 xã