Các địa điểm du lịch ở Vĩnh Phúc

Các địa điểm du lịch ở Vĩnh Phúc (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, song, trong nhiều năm, Vĩnh Phúc chưa khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có để phát triển du lịch.  Cùng với việc tỉnh bắt đầu thực hiện hàng loạt các giải pháp phát triển, các địa điểm du lịch ở Vĩnh Phúc từng bước ghi dấu ấn trong lòng du khách, trở thành điểm đến hấp dẫn, đa sắc màu. Du khách không chỉ bị thu hút du khách bởi những danh lam thắng cảnh đẹp mà còn cả những điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.

Ngoài Tam Đảo và Đại Lải, các địa điểm du lịch ở Vĩnh Phúc đa phần liên quan đến tâm linh (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Bùi Hải Giang, Phan Anh Hung, Nguyễn Hoàng Cường, Chùa Tích Sơn, Cuong Hoang, Hiếu SS, Độc Hành Nhân, minh pham, Dang Tran Hoang, Tung Mai_S, Giang Hoàng, 권기운, NP Vlog, Tuy Nguyen, Dinh Tuan, Giang Vo Minh, Minh Nghĩa Đỗ, Dũng Phạm, Nguyễn Vượng, Đào Anh Phúc, Diện Nguyễn  nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Vĩnh Yên

Bảo tàng Vĩnh Phúc
Bảo tàng Vĩnh Phúc (Ảnh – Bùi Hải Giang)

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 20.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 01 bảo vật quốc gia, 03 bộ sưu tập. Hệ thống trưng bày gồm trưng bày nội thất và trưng bày ngoài trời. Trưng bày nội thất có diện tích 1800m², trưng bày ngoài trời có diện tích 3000m².

Văn Miếu Vĩnh Phúc
Văn miếu Vĩnh Phúc (Ảnh – Phan Anh Hung)

Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc hiện nay được khởi công xây dựng ngày 16/6/2012 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, với diện tích 42,41 ha, là công trình văn hóa trọng điểm – biểu tượng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của tỉnh.

Chùa Hà Tiên
Chùa Hà Tiên (Ảnh – Nguyễn Hoàng Cường)

Chùa Hà Tiên được xây dựng từ năm Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hòa thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp. Ngôi chùa trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với những câu chuyện cổ xưa được lưu truyền đến mãi về sau. Không gian chùa hiện nay đã được trùng tu xây dựng lại với quy mô lớn, Qua Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng tòa Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến chùa, phải bước qua 9 bậc thềm, gọi là “Cửu trùng”. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có “Lưỡng Long Triều Nguyệt”. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Phật đường và nhà Mẫu cao lồng lộng, uy nghi, thể hiện sự vĩnh cửu, thanh tịnh và thiêng liêng. Mặt tiền sảnh là bộ cánh cửa bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ công phu, phía trên đặt chấn song con tiện, bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu.

Đầm Vạc
Đầm Vạc (Ảnh – Son Nguyen)

Là một đầm tự nhiên tồn tại hàng nghìn năm nay, nơi đây là một phần phình to của ngòi Vĩnh Yên hay còn gọi là sông Cánh. Đầm có diện tích lên đến gần 500 ha, chu vi gần 14 km, lan tỏa ra 23 nhánh. Từ trên cao nhìn xuống xen kẽ giữa đầm nước và các cồn đất nổi như một con bạch buộc với các chiếc vòi đan xen lẫn nhau, có chiều nông sâu mỗi chỗ mỗi khác, nơi sâu nhất có thể đạt 4,5 m. Từ xưa đến nay, đầm Vạc được biết tới như là một nơi có không gian mây nước hữu tình và được người dân ở đây xem là nơi hội tụ của cái đẹp và thơ mộng trong vùng.

Phúc Yên

Hồ Đại Lải

Hồ Đại Lải (Ảnh – cungphuot.info)

Khu du lịch Đại Lải nằm ở Thành phố Phúc Yên, chỉ cách Hà Nội khoảng 40km, nằm gần chân dãy núi Tam Đảo. Toàn bộ khu vực này với trung tâm là hồ Đại Lải cùng những quần đảo nhỏ nằm trong lòng hồ, kết hợp với các quần thể rừng tự nhiên xung quanh biến Đại Lải thành một nơi vô cùng thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Đại Lải (Cập nhật 3/2024

Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân thuộc phường Trưng Nhị, được xây dựng ở thế kỷ 12 đời vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Đây là một trong số ít ngôi chùa thời Lý còn lại đến ngày nay. Chùa làm trên một quả đồi cao, xưa gọi là rừng Cấm, cây cối xum xuê, bốn bề lộng gió, phong cảnh đẹp, tĩnh tại, đậm chất vi vu, u tịnh của chốn thiền tôn.

Chùa Tích Sơn

Ảnh – Chùa Tích Sơn

Tích Sơn vốn là một ngôi chùa cổ, là điểm đến tâm linh của người dân Vĩnh Phúc và nhiều du khách thập phương tìm về. Về thời gian xây dựng chùa Tích Sơn không có tài liệu nào ghi rõ, tuy nhiên thông qua kiến trúc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chùa được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời nhà Nguyễn và trải qua nhiều lần trùng tu. Chùa Tích Sơn có quy mô đồ sồ với nhiều kiến trúc nối liền nhau tất cả tạo nên một hệ thống chùa Tích Sơn thiêng liêng, bề thế. Đặc biệt phải kể đến bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng nguyên khối cao 1 mét, ở tư thế ngồi thiền, trên tòa sen toát lên vẻ cân đối, hài hòa, thể hiện sự tinh xảo. Bên cạnh đó ở chùa Tích Sơn còn có một chuông đồng được đúc từ năm 1832 và một khánh đồng cổ với nhiều giá trị cao.

Bình Xuyên

Làng gốm Hương Canh

Làng gốm Hương Canh (Ảnh – Cuong Hoang)

Làng gốm Hương Canh nằm ngay bên đường quốc lộ 2, đã tồn tại cách ngày nay chừng 300 năm. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai. Ông Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất và đem người đến đây làm nghề cang chĩnh. Khi mới ra đời, những sản phẩm của làng nghề còn khá đơn giản, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống hàng ngày như: chum đựng thóc, ngô, gạo, đỗ; chum đựng nước, nồi đất, ấm pha trà, vại làm tương, muối cà. Trải quan bao bước thăng trầm, những sản phẩm thô sơ của làng nghề này không còn được ưa dùng vì không còn phù hợp với thị hiếu của cuộc sống hiện đại và chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Đình Hương Canh

Đình Hương Canh (Ảnh – Hiếu SS)

Đình Hương Canh làm thời Hậu Lê thế kỷ 17. Đây là ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, chạm trổ tinh vi điêu luyện. Là một trong các ngôi đình độc đáo về mỹ thuật kiến trúc gỗ cổ dân gian, rất quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc, của xứ Đoài và vùng đồng bằng – trung du Bắc bộ và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian.

Đền thờ Trần Nguyên Hãn

Đền thờ Trần Nguyên Hãn (Ảnh – Độc Hành Nhân)

Đền thờ Trần Nguyên Hãn Tả Tướng Quốc, phò Lê Lợi diệt giặc Minh giải phóng đất nước thế kỷ 15. Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao, tương truyền chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn.

Sông Lô

Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn (Ảnh – minh pham)

Tháp Bình Sơn, còn gọi là Tháp chùa Vĩnh Khánh hay Tháp Then, là một ngôi tháp cổ, tương truyền nguyên thủy có 13 tầng tuy hiện nay chỉ còn lại 11 tầng. Tháp được xây dựng từ thời Trần, nằm ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh. Là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý – Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay, tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú điêu luyện, là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật có giá trị cao trên lãnh thổ Việt Nam.

Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức

Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức (Ảnh – Dang Tran Hoang)

Trúc lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền viện chính tông được được sáng lập bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chính điện của Thiền viện được 03 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng bao bọc, từ ngôi chính điện này ta có thể nhìn thẳng ra Sông lô, và một chiếc Hồ lớn hình một ông Rùa đang cõng cả quả núi trên lưng.

Tam Đảo

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là một trong những thiền viện lớn trong hệ thống Thiền phái Trúc Lâm (Ảnh – Tung Mai_S)

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.

Chùa Tây Thiên

Chùa Tây Thiên trong quần thể danh thắng Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Tây Thiên trước hết gắn với cửa Phật, ngay từ chính tên gọi địa danh. Phật đến núi Thạch Bàn từ tế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, lấy nơi ấy làm nơi trụ trì, từ đó núi mang tên Tây Thiên, là nơi các vị thiền sư đã xây thành Nê Lê và dựng tháp A Dục. Ngoài ra cái tên còn mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo, được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tây Thiên (Cập nhật 3/2024)

Khu du lịch Tam Đảo

Thị trấn Tam Đảo là nơi có khí hậu mát mẻ, thoáng đãng (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo, Tam Đảo được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Quốc gia Tam Đảo, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C. Là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Từ lâu đây đã là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nước, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tam Đảo (Cập nhật 3/2024)

Hồ Xạ Hương

Hồ Xạ Hương (Ảnh – Giang Hoàng)

Hồ Xạ Hương là một hồ nước ngọt, nhân tạo đặc biệt, hồ trên lưng núi tọa lạc tại thung lũng núi Con Trâu, thuộc làng Xạ Hương, xã Minh Quang. . Từ trên đỉnh núi Tam Đảo nhìn xuống mặt nước hồ Xạ Hương, hồ như một con chim phượng hoàng khổng lồ quyến rũ, xinh xắn, đang sải cánh chuyên chở màu xanh của nước, của rừng xuống miền xuôi vùng hạ lưu. Với lưu vực 24 km2 gồm bốn con suối lớn và hàng trăm khe nhỏ chảy vào lòng hồ quanh năm, giữ cho hồ Xạ Hương không bao giờ hết nước. Đây cũng là một trong những địa điểm cắm trại yêu thích của nhiều bạn khi tới Vĩnh Phúc.

Hồ Vĩnh Thành

Hồ chứa nước Vĩnh Thành (Ảnh – 권기운)

Hồ nằm dưới thung lũng thuộc dãy núi Con Voi, lòng hồ có diện tích khoảng 6 ha và độ sâu từ 15 – 20m. Từ trên đỉnh núi Con Voi nhìn xuống Hồ Vĩnh Thành có hình tam giác và được bao quanh bởi 1,5 km bờ đập. Hồ Vĩnh Thành có mặt nước trong xanh quanh năm, mặt hồ phẳng lặng như một chiếc gương khổng lồ soi chiếu cho những dãy núi cao và thảm thực vật xung quanh, tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình. Nơi đầu nguồn, trong thung lũng, lác đác những ngôi nhà mang đậm nét riêng của cảnh núi rừng.

Thác Vĩnh Ninh

Thác Vĩnh Ninh (Ảnh – NP Vlog)

Từ hồ nước Vĩnh Thành đi sâu vào trong lòng núi khoảng 1 km nữa các bạn sẽ tới đường vào thác Vĩnh Ninh, ở đầu đường vào có nhà dân để các bạn gửi xe. Thác phù hợp cho các hoạt động picnic, cắm trại nhất là trong những ngày nóng nực của mùa hè.

Thác Thậm Thình

Thác Thậm Thình (Ảnh – Tuy Nguyen)

Thác Thậm Thình nằm ở phía bên hồ Bản Long (đối diện bên kia dãy núi so với hồ Xạ Hương). Thác cao chừng 100m chia ra làm hai tầng rõ rệt, thác nước ầm ầm đổ xuống tung bọt trắng xóa như con rồng đang vươn mình trong núi rừng Tam Đảo.

Vĩnh Tường

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang (Ảnh – Dinh Tuan)

Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, đình được xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương – một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam vào thế kỷ 12. Đình Thổ Tang hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về quá trình lao động, làm ăn, hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân thời Lê Trung hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp theo thứ tự quá trình đó.

Chùa Tùng Vân

Chùa Tùng Vân (Ảnh – Giang Vo Minh)

Đây là ngôi chùa lớn với lịch sử hơn 320 năm tuổi được xây dựng từ đời vua Lê Huy Tông vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) để phục vụ đời sống tôn giáo của người dân địa phương và cả một vùng rộng lớn. Chùa được xếp hạng di tích Văn hóa quốc gia năm 1964 và nhận bằng di tích văn hóa quốc gia năm 1992. Trải qua những thăng trầm biến cố chùa được nhiều lần trùng tu và lần gần đây nhất là vào năm 2008. Chùa được xây dựng trên địa thế đẹp, bố cục theo kiểu chữ “quốc” có cây cối bao bọc xum xuê, với các hạng mục: Tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, hành lang. Chùa Tùng Vân không bề thế, nhưng có kiến trúc đẹp, gồm 7 gian 2 dĩ, với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá. Đây là kiểu kiến trúc hình chuôi vồ, 3 gian hậu cung, 7 gian tiền đường; là một trong những kiến trúc phật giáo tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đền Phú Đa

Đền Phú Đa (Ảnh – Minh Nghĩa Đỗ)

Với tuổi đời hơn 300 năm, đền đá Phú Đa là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua nhiều giai đoạn dài và có nhiều biến cố, nhưng ngôi đền vẫn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giữ được những nét kiến trúc độc đáo, đậm chất văn hóa Việt cổ. Đền Phú Đa theo tư liệu hồi cố của các bậc cao niên được ghi chép lại trong hồ sơ di tích, được khởi dựng vào triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786) niên hiệu Cảnh Hưng, trên diện tích mặt bằng 3 mẫu đất. Đền tọa hướng đông nam, với 3 tòa kiến trúc (Cổng đền, Đại bái và Từ đường), làm hình chữ tam (tính từ cổng vào) bằng vật liệu đá xanh và gỗ lim.

Đình Cam Giá

Đình Cam Giá xây năm 1811, thờ 2 vị thành hoàng là Cao Sơn đại vương và Cự Hải đại vương. Theo truyền thuyết, hai ông là Bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh có công đánh giặc Thục thời Hùng Vương và có công mở đất, âm phù, bảo hộ cho vùng đất Cam Giá. Hiện nay Đình Cam Giá đã mở cửa và đón nhiều du khách thập phương về chiêm bái, khi đến đây du khách có thể tham quan thêm mô hình sản xuất, các sản phẩm của làng mộc Bích Chu (An Tường). Đây là một ngôi làng nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ với những nét chạm trổ, đục đẽo tinh xảo.

Đền Đuông

Đền Đuông (Ảnh – Dũng Phạm)

Đền Đuông được xây dựng trên một gò đất cao thuộc xã Bồ Sao, thờ Đông Hải Long Vương, con thứ 25 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nằm hài hoà với thiên nhiên, giữa những cánh đồng, đền Đuông có kiến trúc hình chữ Công. Hai toà tiền đường và hậu cung được nối với nhau bằng ống muống. Toàn bộ công trình có 48 cột, hình chum, phình ở giữa và thuôn hai đầu. Các cột đều kê trên đá tảng, chia làm 4 hàng vững chắc. Các kèo làm lối kẻ chuyền, bào trơn đóng bén. Thượng lương đặt trên giá chiêng. ống muống có cấu trúc hai tầng mái kiểu chồng diềm mỗi cạnh 6m nổi lên thành lầu chuông, lầu trống.

Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng 10 pho tượng cổ còn lưu giữ được: Đông Hải Long Vương, Thụy Minh Thái phu nhân, Mục Trinh công chúa, quan văn, quan võ, lưỡng sư Đồ đồng có đỉnh và 4 cây đèn to cao, màu đen bóng. Đặc biệt, đền Đuông còn bảo tồn được 14 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng (1745) đến đời vua Khải Định (1925) và cuốn ngọc phả ghi rõ về thần tích, lịch sử Đền.

Yên Lạc

Đền Gia Loan – Chùa Biện Sơn

Bảo tháp trong chùa Biện Sơn (Ảnh – Nguyễn Vượng)

Khu di tích đền Gia Loan – chùa Biện Sơn là quần thể di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lễ hội sông Loan – núi Biện được tổ chức đầu xuân hàng năm nằm trên địa bàn thị trấn Yên Lạc. Đền Gia Loan nhìn xuống dòng sông Loan, là nơi phụng thờ sứ quân Nguyễn Khoan, vị tướng đã có công chiếm đóng và cai quản tại địa phương thời kỳ 12 sứ quân tranh hùng. Gò Đồng Đậu là nơi đặt tiền đồn canh gác cho thủ phủ sứ quân trên núi Biện. Chùa Biện Sơn nằm cách Đền Gia Loan khoảng 200m về phía Bắc do Nguyễn Khoan xây dựng tại thủ phủ. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc với nhiều pho tượng Phật cổ, có tòa bảo tháp bằng đồng nguyên chất lớn nhất Việt Nam và lưu giữ nhiều xá lợi. Trong chùa có nhiều công trình kiến trúc có giá trị, mang đậm nét truyền thống kết hợp với hiện đại tạo thành hệ thống “thánh đường Phật giáo” khang trang và tôn nghiêm.

Di chỉ Đồng Dậu

Di tích khảo cổ học ở Đồng Dậu (Ảnh – Đào Anh Phúc)

Di chỉ Đồng Đậu là một khu di chỉ khảo cổ học ở gò Đậu, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc. Tại đây, vào tháng 2 năm 1962, những di chỉ khảo cổ đầu tiên đã được phát hiện. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 6 đợt khai quật và phát hiện ra hàng ngàn hiện vật của 4 tầng văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn nằm chồng lên nhau lần lượt. Phát hiện này cho phép các nhà nghiên cứu khẳng định văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa.

Đền Thính

Đền Bắc Cung (Ảnh – Diện Nguyễn)

Đền Thính (hay còn gọi là đền Bắc Cung) nằm ở xã Tam Hồng. Đền thờ đức thánh Tản Viên (một trong tứ bất tử của tâm thức người Việt Nam). Theo truyền thuyết dân gian, Tản Viên Sơn Thánh là Sơn Tinh – con rể vua Hùng đã có công giúp vua cha chiến thắng thủy thần, đánh đuổi giặc ngoại bang xâm lấn bờ cõi, giữ vững ổn định biên cương Văn Lang.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Vĩnh Phúc
  • tháng 3 Vĩnh Phúc có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Vĩnh Phúc
  • phượt Vĩnh Phúc có gì
  • cảnh đẹp Vĩnh Phúc
  • địa điểm check-in Vĩnh Phúc
  • danh lam thắng cảnh Vĩnh Phúc
  • địa điểm du lịch tâm linh Vĩnh Phúc
  • đến Vĩnh Phúc nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Vĩnh Phúc
5/5 - (1 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Vĩnh Phúc

VĨNH PHÚC

Vị trí Vĩnh Phúc trên bản đồ Việt Nam

Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.  Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như khu danh thắng Tây Thiên với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam cùng với Yên TửĐà Lạt), khu nghỉ mát Tam Đảo, tháp Bình Sơn, đền Gia Loan – chùa Biện Sơn,… là nơi để phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát,… Ngoài ra còn có trên 500 di tích lịch sử, văn hoá với 170 di tích được xếp hạng, trong đó 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Bạn có biết: Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng.

  • Diện tích: 1.235,2 km²
  • Dân số: 1.154.154 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 7 huyện
  • Vùng: Đồng Bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 211
  • Biển số xe: 88