Kinh nghiệm du lịch Tây Nghệ An

Kinh nghiệm du lịch Tây Nghệ An (Cập nhật 08/2024)

Cùng Phượt –   Nghệ An từ lâu đã được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt và cũng là nơi có nhiều tiềm năng du lịch để phát triển du lịch. Trước kia, nhắc đến du lịch Nghệ An đa phần mọi người chỉ biết đến Cửa Lò hay Khu di tích Kim Liên. Những năm gần đây, hoạt động du lịch Tây Nghệ An đã có nhiều khởi sắc. Nhu cầu tìm kiếm các điểm đến mới, xa trung tâm, các điểm du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên và tìm về bản sắc văn hoá truyền thống đang là một trong những xu hướng được khách du lịch chọn lựa và miền Tây Nghệ An chính là một trong những điểm đến đang thu hút ngày một đông lượng khách tìm đến trải nghiệm và khám phá.

Vẻ đẹp của vùng Tây Nghệ An (Ảnh – lhd.dcn)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả lhd.dcn, ktor_in_jungle, Sach Nguyen, thuc_anh_2686, miachan, nguyenthao_ss, Nhím Bông, Hà Giang, Trong Hung Nguyen, Viet Hung Nguyen, Tạ Quang Vinh, hangle.018, Nguyễn Mạnh Cường, Bắc Truong, Lê Giang Vũ, Viet Nguyen, vividoo.33, Hải Dương, lacai_eatandgo, phong hy, Phan Tùng Lâm, trương thành, Lương Văn Nam, cembibo_2810, Trần Hoài Thương, Đào Thọ, Nhà bè Thọ Ngân, Tuyết Nghệ, Trong Manh Nguyen, gilly.nguyen, vht.bee, hoaianh_90, Đình Tuân, Tường Vi nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về miền Tây Nghệ An

Tây Nghệ An là bao gồm 2 Vườn quốc gia nên có sự phân bổ sinh học rất đa dạng (Ảnh – ktor_in_jungle)

Tây Nghệ An bao gồm các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà trong đó Quế Phong và Quỳ Châu là 2 huyện trung tâm của vùng Tây Bắc Nghệ An. Đây là nơi có Vườn quốc gia Pù Mát  và hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Hoạt, Pù Huống, cả Vườn quốc gia Pù Mát và hai khu bảo tồn trên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Người Đan Lai, một dân tộc còn rất ít người hiện sinh sống ở vùng Tây Nghệ An (Ảnh – Sach Nguyen)

Vùng này có hệ động thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài đặc hữu, được ghi vào Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, cơ bản vẫn giữ được vẻ hoang sơ, nguyên sinh. Miền Tây là khu vực rộng lớn có 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời, có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Đây cũng là vùng lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá đặc sắc, chính là tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…

Với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và hùng vĩ, miền Tây Nghệ An đang là điểm đến thu hút ngày càng đông lượng khách đến tham quan. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, các điểm du lịch miền Tây Nghệ An đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch. Hãy đến với miền Tây Nghệ An để được khám phá, trải nghiệm cuộc sống với người dân tộc Thái, được hoà mình vào thiên nhiên và tìm đến nét đẹp văn hoá với những điệu Lăm, những lễ hội đậm sắc màu truyền thống của người dân địa phương.

Nên du lịch Tây Nghệ An vào thời gian nào?

Mùa đông cũng là thời điểm vùng rừng núi Tây Nghệ An rất hấp dẫn (Ảnh – thuc_anh_2686)

Miền Tây – nơi sinh sống của gần nửa triệu đồng bào dân tộc thiểu số được ví như một bức tranh văn hóa đa sắc của tỉnh Nghệ An.

  • Nếu muốn khám phá miền Tây Nghệ An, ngoại trừ những đợt mưa bão có thể gây sạt lở còn lại đi vào mùa đông hay mùa hè đều được bởi đây là vùng núi cao, thời tiết thường mát mẻ và dễ chịu hơn vùng đồng bằng.
  • Nếu muốn săn mây trên đỉnh Pu Xai Lai Leng, nơi được mệnh danh là Tà Xùa của Nghệ An, các bạn có thể đi vào khoảng tháng 12 đến tháng 3 năm sau để có cơ hội cao hơn bắt được mây.
  • Nếu muốn thưởng thức đặc sản miền Tây xứ Nghệ, đừng quên đến đây vào mùa đông bởi đây chính là mùa mà những đặc sản miền núi “lên ngôi”.

Hướng dẫn đi tới Tây Nghệ An

Nếu sử dụng phương tiện cá nhân các bạn có thể di chuyển tự do tới bất kỳ vùng nào của Tây Nghệ An một cách chủ động, ngược lại nếu không có phương tiện cá nhân thì việc cần làm trước tiên là di chuyển tới trung tâm của tỉnh Nghệ An là Tp Vinh. Từ đây, tùy theo lịch trình khám phá Tây Nghệ An của riêng bạn mà lựa chọn phương tiện tiếp theo.

Phương tiện đường bộ

Hệ thống giao thông đường bộ của Nghệ An với Quốc lộ 1A chạy từ Bắc vào Nam, qua các huyện ven biển và thành phố Vinh, cùng với 132 km đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua các huyện miền núi trung du. Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, rất thuận tiện để các bạn có thể đi đến bất cứ địa điểm nào khi du lịch Tây Nghệ An.

Đối với phương tiện công cộng, các bạn có thể đi xe tới Tp Vinh rồi từ đây sử dụng các tuyến xe buýt địa phương và những chuyến xe khách nội tỉnh để di chuyển tới các huyện của vùng Tây Nghệ An.

Xem thêm bài viết: Các tuyến xe khách đi Nghệ An (Cập nhật 8/2024)

Phương tiện đường sắt

Tàu hỏa dừng tại ga Vinh, Nghệ An (Ảnh – miachan)

Với ga Vinh là một trong những ga hành khách chính trên trục đường sắt Bắc Nam nên đi tàu hỏa tới Nghệ An cũng là một lựa chọn không tồi. Thời gian tàu đi đến Vinh từ Hà Nội và Sài Gòn cũng tương đương thời gian ô tô chạy, tuy giá vé có cao hơn nhưng đi tàu sẽ thoải mái hơn đối với những gia đình có trẻ nhỏ.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm đi du du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 8/2024)

Các chuyến tàu đi Vinh xuất phát từ ga Hà Nội, thời gian đi khoảng 6 tiếng. Để đến Vinh các bạn có thể đi các chuyến tàu Thống Nhất, tàu đi Đà Nẵng, tàu đi Quảng Bình. Phù hợp nhất là đi các chuyến tàu SE5, SE7 và SE11 bởi các chuyến tàu này xuất phát từ Hà Nội vào buổi sáng, đến khoảng đầu giờ chiều sẽ có mặt ở Vinh.

Nếu đi từ Sài Gòn đến Vinh bằng tàu hỏa, thời gian trung bình mất khoảng từ 25-30 tiếng tùy theo đoàn tàu. Tất cả các chuyến tàu Thống Nhất xuất phát từ Sài Gòn đều dừng ở ga Vinh. Nếu lựa chọn tàu hỏa để du lịch Nghệ An, các bạn nên chọn các chuyến tàu SE6, SE8 và SE12 bởi các chuyến tàu này đều đến Nghệ An vào ban ngày, phù hợp hơn cho việc đi du lịch.

Phương tiện đường không

Sân bay quốc tế Vinh (Ảnh – nguyenthao_ss)

Sân bay Vinh (cách ga Vinh 5 km), đã được nâng cấp thành sân bay Quốc tế và mở rộng để máy bay hiện đại loại lớn có thể lên xuống dễ dàng và đang được mở thêm tuyến bay đi các nước trong khu vực. Từ Sài Gòn (và cả một số địa phương phía trong như Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Pleiku) đang có các đường bay thẳng tới Vinh. Tùy từng chặng sẽ do từng hãng hàng không khai thác, nhưng nói chung cả 3 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam đều có đường bay Sài Gòn – Vinh với giá rẻ nhất khoảng 4000k++ cho chặng bay khứ hồi. Từ Hà Nội thực tế ít người đi du lịch Nghệ An bằng máy bay do chi phí cao và chặng đường không quá dài.

Đi lại ở Nghệ An

Xe buýt

Có khá nhiều tuyến xe buýt ở Nghệ An để các bạn có thể đi đến một số điểm du lịch trong tỉnh (Ảnh – Nhím Bông)

Trên địa bàn Nghệ An có 18 tuyến xe buýt hoạt động ổn định với gần 300 phương tiện. Mỗi ngày, có trên 1.254 lượt phương tiện . Tần suất từ 15 đến 35 phút có 1 chuyến xe (tùy từng tuyến). Các tuyến xe có thể sử dụng để đi đến khá nhiều địa điểm du lịch ở Nghệ An, tùy vào hành trình của mình các bạn lựa chọn các tuyến cho phù hợp.

Xem thêm bài viết: Danh sách các tuyến xe buýt ở Nghệ An (Cập nhật 8/2024)

Xe máy

Chủ động nhất trong việc khám phá Tây Nghệ An là sử dụng xe máy. Các bạn có thể lựa chọn việc mang theo xe máy từ Hà Nội thông qua việc gửi xe máy bằng tàu hỏa, ô tô hoặc lựa chọn thuê xe máy tại Nghệ An.

Xem thêm bài viết: Các cửa hàng thuê xe máy ở Nghệ An (Cập nhật 8/2024)

Lưu trú ở Tây Nghệ An

Du lịch theo phương thức homestay ở Nghệ An, nhất là các huyện nằm ở phía Tây của tỉnh đang dần được nhiều du khách biết đến. Miền Tây Nghệ An vẫn còn giữ được những nét văn hóa độc đáo, phong cảnh thiên nhiên trữ tình, ngoài ra người dân luôn tỏ ra thân thiện và giàu lòng mến khách điều đó đã góp phần để Nghệ An là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Xem thêm bài viết: Homestay ở Nghệ An (Cập nhật 8/2024)

Các địa điểm hấp dẫn ở Tây Nghệ An

Bản đồ các địa điểm du lịch ở Quế Phong (Ảnh – Hà Giang)

Đồi hoa Hướng Dương

Cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, Nghệ An (Ảnh – Sach Nguyen)

Cánh đồng hoa hướng dương rộng 100 ha nằm ở nông trường 19/5, xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn. Hoa hướng dương ở đây đã được người trồng điều chỉnh nông học, kích thước vừa tầm không quá cao, nên không cần thuê thang. Nhưng nếu bạn muốn quan sát được hết vẻ đẹp bao quát, bạn có thể thuê thang với giá khoảng 30k một tiếng .

Đồi hoa Tam Giác Mạch

Xuất phát từ Hà Giang, hiện những đồi hoa tam giác mạch đã được trồng ở khắp mọi nơi trên cả nước (Ảnh – Trong Hung Nguyen)

Bên cạnh cánh đồng hoa hướng dương, vườn hoa tam giác mạch ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) đang là điểm đến mới, thu hút nhiều du khách quan tâm.

Quế Phong

Thác 7 tầng

Một đoạn trong 7 tầng của thác (Ảnh – Viet Hung Nguyen)

Nằm ở cuối bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thác 7 tầng là một trong những ngọn thác đẹp nhất ở Nghệ An. Quần thể thác nước nằm trải dài khoảng 7km với 7 tầng nước lớn và hàng ngàn tầng thác nhỏ khác nhau. Chính vì vậy được gọi là thác 7 tầng.

Ngọn thác này bắt nguồn từ Lào, chảy vắt qua khu rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Pù Hoạt trước khi tạo ra vẻ đẹp kỳ thú mê hoặc lòng người. Mỗi tầng thác như một nốt nhạc trong khung nhạc khổng lồ. Cùng với quần thể rừng nguyên sinh, thác 7 tầng đang được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đề nghị xây dựng thành khu du lịch sinh thái trong tương lai gần.

Thác Xao Va

Thác Xao Va rất nổi tiếng ở Nghệ An (Ảnh – Tạ Quang Vinh)

Thác Xao Va được biết đến là thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi du khách lên với miền Tây xứ Nghệ. Là một thắng cảnh nổi tiếng ở Nghệ An, ngoài ra do nằm trong vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thác Xao Va còn góp phần đảm bảo tính đa dạng sinh học, môi trường nơi đây.

Quỳ Châu

Hang Bua

Cửa vào Hang Bua (Ảnh- hangle.018)

Hang Bua, theo tiếng Thái là Thẩm Bua (nghĩa là Han g Sen) là hang ở bản Na Nhàng, tên khác là thôn Hồng Tiến, thuộc xã Châu Tiến, Quỳ Châu. Hang nằm trong núi đá vôi thuộc dãy núi Phà Én. Hang là một thắng cảnh tự nhiên gắn liền với truyền thuyết lịch sử, và với Lễ hội Hang Bua tổ chức sau Rằm tháng Giêng hàng năm, đây là một lễ hội lâu đời nhưng đến nay chưa có nghiên cứu nào cho biết chính xác thời gian ra đời của lễ hội. Nhưng chắc chắn rằng, những nghi thức tín ngưỡng dân gian mà người dân địa phương tiến hành trước hang Bua tạo nên “Hồn cốt” của các lễ nghi sau này, cũng như tục trai gái đầu xuân rủ nhau đi chơi và tình tự trong hang là gốc gác của phần hội.

Hang Thẩm Ồm

Lối vào hang Thẩm Ồm (Ảnh – Nguyễn Mạnh Cường)

Hang Thẩm Ồm thuộc xã Châu Thuận, Qùy Châu. Đây là một hang đẹp được thiên nhiên kiến tạo rất đa dạng. Hang nằm ở độ cao 15m, cửa hang hướng Đông Bắc, trầm tích bám vào vách hang. Năm 1975 đã xác định là một di chỉ khảo cổ học và khai quật. Kết quả thu được 3 răng người và nhiều hoá thạch xương răng động vật, một công cụ đá thạch anh được chế tạo bằng kỹ thuật clac-tôn- hạch đập vào đe. Các di vật có niên đại cách ngày nay chừng 20 vạn năm. Điều này cho thấy người Thẩm Ồm là người hiện đại đầu tiên và sớm nhất biết đến ở nước ta.

Kết hợp với hang Bua ở xã Châu Tiến ngay gần đó, đặc biệt là Lễ hội hang Bua tổ chức sau Rằm tháng Giêng hàng năm ở đây, Thẩm Ồm tạo ra một tour du lịch hấp dẫn, nhất là đối với những người đam mê khảo cổ, di tích.

Tân Kỳ

Thác Hồng Sơn

Thác Hồng Sơn (Ảnh – Bắc Truong)

Thác Hồng Sơn nằm tại km0, thị trấn Lạt, Tân Kỳ. Thác có độ cao khoảng 152m với 4 bậc đá thoai thoải gối lên nhau. Những ngày hè, khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua từng tia nước, bung tỏa trên những tảng đá hoa cương, thác nước như một bức họa điểm tô cho sắc màu lung linh, huyền ảo. Đến đây, du khách có thể ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh, tinh khiết, hòa mình vào thiên nhiên mây trời, xua tan mệt nhọc thường ngày.

Thác Vình

Thác Vình (Ảnh – Lê Giang Vũ)

Thác Vình nằm trên địa phận xóm Xuân Tiến, xã Giai Xuân Tân Kỳ, cách thị trấn Tân Kỳ khoảng 20 km Thác Vình bắt nguồn từ nhiều mó nước ở trên cao đổ về, ngày đêm tung bọt trắng xóa giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ. Nhìn tổng thể thác Vình giống như ruộng bậc thang nơi đá xếp lên nhau tầng tầng, lớp lớp cao thấp khác nhau, chúng nối đuôi nhau cho tới khi xuống tới chân đồi.

Đảo chè Thanh Chương

Đảo chè Thanh Chương nhìn từ trên cao (Ảnh – Viet Nguyen)

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, những đồi chè ở Thanh Chương còn tạo nên nét vẽ đầy thơ mộng trong bức tranh quê hương xứ Nghệ. Rất nhiều người đã tìm về vùng chè này để tận hưởng không khí trong lành với màu xanh quyến rũ của chè.

Nổi bật nhất có lẽ là những ốc đảo chè ở Cầu Cau, mỗi khi mùa hè đi qua cũng là lúc những đồi chè được bao phủ một màu xanh biếc. Phương tiện để tham quan các đảo chè là thuyền hoặc xuồng máy. Một chuyến thuyền chở tối đa bốn người khách với đầy đủ phao cứu hộ có mức giá từ 100.000-150.000 đồng trong một buổi.

Thác Mưa

Thác Mưa ở Thanh Chương (Ảnh – vividoo.33)

Nằm cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 25 km, nằm trên dãy núi cao thuộc bản Chà Luôn, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), thác Mưa đổ xuống thượng nguồn suối Vàng. Đường vào thác Mưa không hề dễ dàng, sau khi đi ô tô hoặc xe máy từ đường Hồ Chí Minh, vượt qua chặng đường gần 20 km, du khách sẽ phải để xe giữa rừng và đi bộ theo con suối có nhiều đá trơn trượt dài hơn 1km nữa mới tới thác Mưa.

Con Cuông

Con Cuông được xem là huyện đi đầu trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Nghệ An. Thời gian qua, huyện cũng đã chú trọng phát triển du lịch  gắn với bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế. Hiện, Con Cuông có 4 bản xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gồm: Bản Nưa (xã Yên Khê), bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Xiềng (xã Môn Sơn) và bản Nà Pha (xã Yên Khê). Thời gian qua, du lịch cộng đồng Con Cuông phát triển mạnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và khám phá miền đất nhiều lý thú này.

Suối nước Mọc (Tạ Bó)

Suối nước Mọc hay còn gọi là suối Tạ Bó ở Con Cuông (Ảnh – Hải Dương)

Suối Mọc hay còn có tên là Tạ Bó (nghĩa là suối nóng lạnh, tên do người Thái ở khu vực này gọi) nằm ở xã Yên Khê, Con Cuông. Đây là một dòng suối khá lạ bởi nước luôn đầy quanh năm, đầu suối nước tạo thành một hồ bơi tự nhiên tuyệt đẹp, mùa hè mát lạnh nhưng mùa đông lại rất ấm.

Người xưa kể lại rằng, khi Ngọc Hoàng thường cho các tiên nữ giáng trần xuống động Đào Nguyên (xã Bồng Khê – Con Cuông) đón những bậc hiền nhân quân tử lên thiên đình thưởng ngoạn cảnh bồng lai. Để các tiên nữ không vương vấn bụi trần gian, Ngọc Hoàng hóa phép tạo ra dòng suối tinh khiết mọc lên từ lòng đất để các nàng tắm gội dung nhan trước lúc gặp các bậc hiền nhân quân tử.

Thác Khe Kèm

Thường người dân chỉ đến Thác Kèm vào buổi trưa bởi nước ở thác lúc nào cũng rất lạnh (Ảnh – lacai_eatandgo)

Thác Khe Kèm nằm ở xã Lục Dạ, Con Cuông. Đường vào thác tương đối đơn giản. Chỉ có một thủ tục nhỏ là mọi người phải dừng chân ở chốt kiểm lâm để xuất trình giấy tờ và lắng nghe vào thông báo. Trái ngược với vẻ đẹp, sự cuốn hút của cảnh vật, dịch vụ du lịch ở thác Khe Kèm vẫn chưa phát triển quá nhiều càng tạo cảm giác thư thái cho những người thích du ngoạn khám phá.

Vườn Quốc gia Pù Mát

Cổng vào Vườn Quốc gia Pù Mát (Ảnh – phong hy)

Nằm ở sườn phía Đông của dãy Trường Sơn và trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An, Vườn Quốc gia Pù Mát được thành lập vào năm 2002, có diện tích tự nhiên 194.000 ha, trong đó vùng bảo tồn 94.000 ha và vùng đệm 100.000 ha.

Theo tiếng Thái, Pù có nghĩa là đỉnh núi, Pù Mát là đỉnh núi cao nhất trong khu vực (1.841 m) và được lấy để đặt làm tên cho Vườn Quốc gia. Tại Vườn quốc gia Pù Mát, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của muôn vàn cỏ cây, hoa lá. Từ những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng ngàn năm cho đến những loại cây cỏ, rêu, địa y và các loại dây leo chằng chịt. Do địa hình đa dạng và phức tạp, Vườn Quốc gia Pù Mát có nhiều cảnh đẹp thật hấp dẫn, là nơi quần tụ nhiều loài thú quý hiếm và muôn vàn cây cối khác nhau.

Rừng săng lẻ

Khu rừng săng lẻ mùa thay lá (Ảnh – Sach Nguyen)

Rừng săng lẻ nguyên sinh ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An) rộng hơn 70 ha, nằm trên QL7 nối tỉnh Nghệ An với nước bạn Lào. Đây là khu rừng nguyên sinh với hàng nghìn cây săng lẻ lớn cao 30-40m có tuổi đời hàng trăm năm.

Cửa khẩu Nậm Cắn

Nậm Cắn là cửa khẩu được dân du lịch bụi Việt Nam lựa chọn để xuất cảnh qua Lào (Ảnh – Phan Tùng Lâm)

Cửa khẩu Nậm Cắn là cửa khẩu quốc tế với Lào tại vùng đất làng Tiền Tiêu xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn thông thương sang cửa khẩu Namkan của Lào. Đường lên Nậm Cắn và tới tỉnh lỵ Xiengkhuang là cung đường kỳ vĩ hiểm trở, và là một tuyến du lịch mạo hiểm với nhiều nét hoang sơ của thiên nhiên và con người.

Cổng trời Mường Lống

Mây trên cổng trời Mường Lống (Ảnh – trương thành)

Mường Lống được ví như “Sa Pa của xứ Nghệ”, là điểm đến hấp dẫn cho bạn có sở thích xê dịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mây trời và khám phá văn hóa đặc sắc của vùng cao. Mường Lống là địa điểm phượt còn khá mới mẻ, nhưng khi tới đây bạn sẽ yêu những người dân hiền lành, thân thiện và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Địa hình vùng núi cao ở đây đa dạng, là địa điểm khá lý tưởng cho nhiều bạn muốn tham quan, dã ngoại ngoài trời như leo núi, cắm trại hay trekking vào các bản làng.

Đỉnh Pu Xai Lai Len

Với độ cao 2700m, đây được ví như một Tà Xùa thu nhỏ ở Nghệ An (Ảnh – Lương Văn Nam)

Nằm ở độ cao trên 2.700m, đỉnh núi Pu Xai Lai Leng nổi lên giữa biển mây trắng xốp, không ít người ví đây là Tà Xùa của miền Tây Nghệ An. Pu Xai Lai Leng là ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn Bắc, có đỉnh cao vượt trội , nằm trên đường biên giới Việt Nam và nước bạn Lào. Có thể ví dãy Trường Sơn là “xương sống” của bán đảo Đông Dương thì Pu Xai Lai Leng chính là một “đốt xương sống cổ”.

Các món ăn ngon ở Tây Nghệ An

Trứng kiến Tây Nghệ An

Trúng kiến là một món ăn ưa thích của đồng bào vùng cao (Ảnh – cembibo_2810)

Hàng năm, cứ đến khoảng tháng 3, tháng 4 là đến thời điểm trứng kiến nhiều và to nhất. Đây cũng đang là mùa cao điểm săn trứng kiến làm đặc sản của đồng bào miền Tây xứ Nghệ.

Ngoài món trứng kiến xào với dưa chuột thì trứng kiến còn chế biết được rất nhiều món như: cuốn lá chuối nướng, nấu canh măng chua, lam trong ống nứa… Món trứng kiến không những người dân miền núi mà người dân miền xuôi cũng ưu thích. Khi ăn món này ta có cảm giác trứng kiến vỡ lép bép trong khoang miệng tỏa ra hương thơm dịu, có vị thanh ngọt, béo

Chà Uốm

Quả chà uốm phổ biến ở Tây Nghệ An (Ảnh – Trần Hoài Thương)

Trong các cánh rừng tự nhiên ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, có một loài cây mà đồng bào người Thái thường gọi là cây chà uốm.

Ngoài công dụng có thể dùng gỗ làm nhà, chất đốt, chà uốm còn cho quả mỗi độ vào mùa thu. Dịp này, quả chà uốm rụng nhiều, vì vậy người dân chỉ việc đi nhặt về. Quả chà uốm có hình tròn, có lớp vỏ cứng bao bọc bên ngoài.

Để có thể sử dụng và chế biến món ăn, sau khi nhặt về, phải đập vỡ lớp vỏ cứng để lấy phần hạt nhân bên trong. Tiếp tục để chế biến thành món ăn phải dùng chày giã thật nhuyễn và cho thêm một ít muối trắng. Với những thao tác đơn giản nhưng loại quả này đã trở thành món ăn kèm với xôi hay còn gọi là Khàu Pằn – món xôi trộn truyền thống, vừa ngon, vừa béo bùi, được đồng bào người Thái ở các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn rất thích.

Khuộc lám Tây Nghệ An

Khuộc lám là món ăn rất lạ, được làm từ nòng nọc (Ảnh – Đào Thọ)

Trong không gian ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An có một món ăn rất được bà con ưa thích và chỉ khách quý mới được tiếp đãi món này. Đó là ‘khuộc lám” được chế biến kỳ công từ những con nòng nọc dưới khe suối.

Những con nòng nọc mang về sau khi làm sạch ruột bằng 1 thanh nứa vót mỏng sẽ được trộn với sả, ớt, mạc khẻn (hay còn gọi là mắc khén,tiêu rừng), mắm muối và gạo tấm giã nhỏ. Khi các công đoạn xong xuôi, cho tất cả vào 2 ống nứa nút kín đem bỏ lên bếp than hồng. Đây là cách chế biến món ăn truyền thống của người Thái khiến cho thức ăn không bị bay hết mùi. Khi ăn phải ăn kèm với xôi mới ngon”.

Món ‘khuộc lám’ vừa có vị ngọt đặc trưng lại vừa có vị ấm của sả, vị cay của mạc khẻn và mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện với mùi nứa tươi khi đốt trên than hồng.

Cá mát sông Giăng

Cá mát sông Giăng nướng (Ảnh – Nhà bè Thọ Ngân)

Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng… Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm.

Chịn Xồm

Món chịn xồm của người Thái ở Tây Nghệ An (Ảnh – Tuyết Nghệ)

Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.

Cơm lam

Cơm lam nướng, món ăn ngon của người Thái ở Tây Nghệ An (Ảnh – Trong Manh Nguyen)

Cũng như người dân Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc, người Thái ở Tây Nghệ An cũng coi các món lam (nướng) là một trong các món không thể thiếu trong đời sống của mình. Cơm lam là một trong những món đặc sản đó. Nếp nương được làm sạch rồi cho vào ống nứa cùng với nước, tất cả được nướng trên than hồng. Điểm đặc biệt của các món lam là hương vị của thức ăn thường không bị mất đi mà được giữ nguyên vẹn như vốn có của nó.

Cá bống suối

Cá bống suối chiên giòn (Ảnh – gilly.nguyen)

Vào mùa mưa đến cá, cua, nhái, ốc… có ở khắp các con khe, con suối nhưng nhiều nhất vẫn là cá bống, một loại cá nhỏ mà được người dân miền Tây xứ Nghệ rất ưa chuộng, dùng để chế biến thành các món ăn độc đáo.

Sau khi bắt về chọn ra những chú cá bống tươi nhất, tròn trịa nhất, sơ chế bằng cách rửa sạch, để nguyên phần ruột và tẩm ướp một ít gia vị. Cuối cùng được kẹp chặt cùng với nhiều loại cá suối nhỏ khác đưa vào nướng trên than hồng. Ngoài nướng, cá bống suối còn được sử dụng làm nhân cho món mọc, một món ăn thường xuất hiện trên mâm cỗ trong các dịp lễ tết của người Thái nơi đây

Lạp xường

Lạp xường (xưởng) là món ăn thường thấy trong gia đình người dân vùng cao (Ảnh – vht.bee)

Lạp xường là một món ăn truyền thống của đồng báo Thái vùng cao Nghệ An trong những ngày Tết. Nguyên liệu lạp xường là loại thịt lợn ngon được nuôi trong bản. Hiện nay, món lạp xường không chỉ bó hẹp trong cộng đồng người Thái mà còn trở thành một loại thực phẩm người dân vùng cao rất ưa chuộng.

Bò giàng

Món bò giàng thường được làm trong các dịp Tết (Ảnh – hoaianh_90)

Món này ngoài Bắc thường gọi là bò gác bếp hoặc bò sấy khô. Những người vùng xuôi lên miền Tây Nghệ An công tác, sinh sống lâu lài hoặc lên chơi thăm bạn bè nhận thấy sự độc đáo, hấp dẫn của món bò giàng nên thường đưa về quê làm quà, chiêu đãi người thân. Lâu dần, đặc sản bò giàng vượt ra khỏi phạm vi các huyện vùng cao để xuôi về đồng bằng và thành phố, trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.

Món chẻo

Với món chẻo này, người ta có thể chấm xôi hoặc ăn cùng với cơm. Khi ăn có vị bùi của đậu tương, vị thơm của lá hẹ, cay cay của ớt, tiêu (Ảnh – Đình Tuân)

Với người Thái miền Tây xứ Nghệ, đậu tương là một trong những nguyên liệu phổ biến để chế biến món ăn. Từ quả đậu tương, người dân nơi đây đã chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn, đặc biệt là món chẻo chấm xôi.

Sau khi làm sạch, đậu được cho vào nồi và nấu đến khi nào kiểm tra thấy lớp vỏ ngoài của hạt đậu bong ra thì đưa xuống đãi sạch. Đậu sau khi làm sạch còn phải cho vào chum ngâm 3-4 ngày, lúc nào có mùi lên men thì đưa ra gói vào lá chuối. Đặt cả gói lá chuối nướng trên than hồng, công đoạn cuối cùng là lấy ra cho vào cối giã nguyễn cùng với lá hẹ (đôi khi có thể dùng cá nướng) rồi trộn lẫn những loại gia vị khác như muối, ớt, bột ngọt…Với món chẻo này, có thể chấm xôi hoặc ăn cùng với cơm. Khi ăn có vị bùi của đậu tương, vị thơm của lá hẹ, cay cay của ớt, tiêu.

Tó tàu

Món “tó tàu” sau khi hoàn thành (Ảnh – Tường Vi)

Tó tàu là món được chế biến từ nhộng ong đất của đồng bào Thái. Tại huyện Con Cuông, Nghệ An món ăn này được người dân ưa chuộng và vùng đất này có lượng lớn ong đất làm tổ.

Các món từ côn trùng

Từ những con nhộng tằm, dế mèn, châu chấu, cào cào cho đến bọ xít, ve sầu, rắn mối, bọ cạp… với bàn tay khéo léo, sự chế biến tài tình của người miền Tây xứ Nghệ tất cả đã được đưa lên bàn ăn, thậm chí trở thành những món đặc sản.

Lịch trình đi Tây Nghệ An

Đây là lịch trình phượt Tây Nghệ An từ Hà Nội để các bạn tham khảo, với lịch trình này các bạn phải chạy xe máy từ Hà Nội, với những bạn muốn đi xe khách/tàu hỏa tới Vinh rồi thuê xe máy đi từ Vinh chỉ cần điều chỉnh một chút ở ngày đi và ngày về.

Ngày 1: Hà Nội – Cẩm Thủy (130km)

Chiều tối xuất phát từ Hà Nội đi theo đường Hồ Chí Minh đến Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Nghỉ ngơi tại Cẩm Thủy

Ngày 2: Cẩm Thủy – Con Cuông (235km)

Từ Cẩm Thủy đi theo hướng Yên Cát, Tân Kỳ, An Sơn để lên Con Cuông. Thuê thuyền đi dọc sông Giăng vào bản Cò Phạt (nơi sinh sống của người dân tộc Đan Lai). Sau khi chơi ở bản xong thì quay thuyền trở lại thăm đập Phà Lài, đi chơi thác Khe Kèm.

Tối chọn một nhà nghỉ tại Con Cuông rồi nghỉ lại qua đêm ở đây.

Ngày 3: Con Cuông – Mường Xén

Từ thị trấn Con Cuông đi thêm khoảng vài km nữa là đến Vườn quốc gia Pù Mát, có thể ghé vào đây để vào Vườn chơi.

Đi thẳng QL7A lên cửa khẩu Nậm Cắn chơi rồi từ đó rẽ đi Mường Lống săn mây. Dọc đường lên Nậm Cắn này các bạn sẽ đi qua khu rừng săng lẻ rất nổi tiếng.

Tối quay lại nghỉ tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn)

Ngày 4: Mường Xén – Tĩnh Gia

Từ Mường Xén quay ngược lại đi Con Cuông rồi tùy hứng có thể đi theo đường QL15 hoặc QL1A để về Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Quãng đường khoảng 250km, tối có thể lựa chọn nghỉ chơi ở Bãi Đông (Nghi Sơn), chỗ này hiện còn khá hoang sơ.

Ngày 5: Tĩnh Gia – Hà Nội

Rời Tĩnh Gia về lại Hà Nội theo đường QL1A, kết thúc hành trình khám phá Tây Nghệ An.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Tây Nghệ An 2024
  • du lịch Tây Nghệ An tháng 8
  • tháng 8 Tây Nghệ An có gì đẹp
  • review Tây Nghệ An
  • hướng dẫn đi Tây Nghệ An tự túc
  • ăn gì ở Tây Nghệ An
  • phượt Tây Nghệ An bằng xe máy
  • Tây Nghệ An ở đâu
  • đường đi tới Tây Nghệ An
  • chơi gì ở Tây Nghệ An
  • đi Tây Nghệ An mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Tây Nghệ An
  • homestay giá rẻ Tây Nghệ An
  • Tây Nghệ An gồm những huyện nào

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 37 bình chọn và điểm trung bình là 4.5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Nghệ An

NGHỆ AN

Vị trí Nghệ An trên bản đồ Việt Nam

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ có trung tâm hành chính là thành phố Vinh. Nghệ An có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, có 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Về kinh tế, ngành công nghiệp hiện nay của tỉnh tập trung phát triển ở 3 khu vực Vinh – Cửa Lò, Hoàng Mai và Phủ Quỳ.

Bạn có biết: Thời nhà Hậu Lê, tỉnh Nghệ An có tên gọi là Xứ Nghệ (bao gồm cả tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh của ngày nay).

  • Diện tích: 16.493,7 km²
  • Dân số: 2.978.700
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Mã điện thoại: 238
  • Biển số xe: 37