Kinh nghiệm du lịch Châu Đốc, An Giang (Cập nhật 12/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 28 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Châu Đốc là một trong 2 thành phố của An Giang, đây là trung tâm kinh tế, du lịch và là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh. Bên cạnh nhiều quần thể di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như một trong những khu, điểm góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Châu Đốc nói riêng, của tỉnh nói chung là Khu du lịch quốc gia núi Sam. Với địa hình núi đá nổi giữa vùng đồng bằng trù phú, liền kề hệ thống kênh, rạch tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo cho vùng đất này. Mỗi năm, có hàng triệu du khách đến Khu du lịch quốc gia núi Sam, bởi nơi đây nổi tiếng về giá trị tâm linh tín ngưỡng của Lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Triệu Duy, manhhai, Bình Bùi, thuantu2308, vinhlocex, Nghia Nguyen, Phúc Minh, lisagotlost, ken_tv, nomad_dazz, ngocquoc_in.saigon, Athâm Ysa, Hà Hin, Brian Nguyen Phu, vitbauu, Nguyên Kha, Chung Diệp Thành, Đức Trọng Nguyễn, khongai156, duong181416, yeungwo, xuan.nd, Lê Thảo Nguyên, tracydinh103, Trọng Tín, quiho13, wildhorse_saigon, nanguyenreal nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu chung về Châu Đốc
Mục lục
Cuộc sống ở Châu Đốc những năm 1960 (Ảnh – manhhai) |
Châu Đốc là thành phố trực thuộc tỉnh An giang, sát biên giới Việt Nam với Campuchia, cách Thành phố Long Xuyên 54 km theo Quốc lộ 91. Châu Đốc có vị trí địa lý khá đặc biệt nằm ở ngã ba sông, nơi sông Hậu và sông Châu Đốc gặp nhau; giữa 4 cửa khẩu kinh tế với Campuchia là: cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên – Thị xã Tịnh Biên, cửa khẩu quốc gia Khánh Bình – huyện An Phú và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương – thị xã Tân Châu. Từ vị trí này, thành phố Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung hàng hoá buôn bán với Campuchia qua cả hai đường thuỷ và đường bộ.
Thành phố Châu Đốc ngày nay (Ảnh – Bình Bùi) |
Thành phố Châu Đốc ngày nay còn là trung tâm du lịch của tỉnh An Giang, là thành phố đồng bằng đặc biệt có sông, có núi với phong cảnh tự nhiên hấp dẫn và nhiều di tích lịch sử – văn hoá được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp địa phương, có nhiều địa điểm du lịch phong phú đa dạng được trải đều khắp thành phố. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư mới, kinh tế – xã hội ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho du lịch Châu Đốc thu hút khách đến tham quan ngày càng đông. Du khách phần lớn là viếng Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, hàng năm có trên 4 triệu lượt khách đến tham quan, hành hương. Ngoài ra, du khách còn có thể ngồi thuyền tham quan dòng sông Hậu, dạo quanh làng bè, khu chợ nổi trên sông và sang Cồn Tiên tham quan thánh đường Hồi Giáo, xem nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm An Giang và mua sắm hàng hoá, đặc sản tại chợ Châu Đốc như: mắm thái, đường thốt nốt, khô bò, khô cá tra phồng…
Du lịch Châu Đốc thời gian nào?
Các bạn có thể đến Châu Đốc vào thời điểm diễn ra Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ để cảm nhận không khí lễ hội (Ảnh – thuantu2308) |
Với nhiệt độ quanh năm từ 25ºC đến 29ºC và gần như không chịu ảnh hướng của gió bão nên các bạn có thể đến Châu Đốc vào bất kỳ thời gian nào. Nhưng nếu có thể sắp xếp, các bạn có thể tham khảo một số mốc thời gian để chuyến du lịch Châu Đốc sẽ hấp dẫn nhất.
- Khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm là mùa nước nổi miền Tây, lúc này đến với Châu Đốc nói riêng và An Giang nói chung các bạn có thể trải nghiệm được nhiều nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây dịp này.
- Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm
- Hội đua bò Bảy Núi của người Khmer, từ 29/8 đến 1/9 (âm lịch) tổ chức hàng năm ở thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn. Nếu đến Châu Đốc dịp này các bạn cũng có thể ghé qua đây để tham dự lễ hội nổi tiếng này.
Hướng dẫn đi tới Châu Đốc
Phương tiện công cộng
Máy bay
Các bạn ở xa có thể bay tới Cần Thơ rồi di chuyển đến Châu Đốc (Ảnh – vinhlocex) |
Sân bay gần nhất với Châu Đốc là sân bay Cần Thơ, các bạn ở khu vực miền Bắc và miền Trung trở ra có thể lựa chọn điểm đến là sân bay này nếu muốn tới Châu Đốc. Từ trung tâm thành phố Cần Thơ còn khoảng 100km nữa, các bạn có thể lựa chọn thuê xe máy ở Cần Thơ hoặc đi xe khách. Từ hầu hết các thành lớn trong cả nước đều có chuyến bay tới Cần Thơ của tất cả các hãng hàng không, các bạn có thể thoái mái lựa chọn sao cho phù hợp.
Xe khách
Từ Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, xe khách sẽ là phương tiện di chuyện thuận lợi hơn (Ảnh – Nghia Nguyen) |
Với các bạn di chuyển từ Sài Gòn, có thể di chuyển tới bến xe miền Tây để bắt xe tới Châu Đốc. Các chuyến xe khởi hành từ bến xe miền Tây liên tục hàng ngày với thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng.
Xem thêm bài viết: Xe khách đi Châu Đốc (Cập nhật 12/2024)
Phương tiện cá nhân
Ô tô
Có xe cá nhân, các bạn có thể sử dụng để kết hợp đi được thêm nhiều địa điểm (Ảnh – Phúc Minh) |
Với các bạn ở khu vực Sài Gòn và các tỉnh miền Tây, nếu có xe cá nhân các bạn có thể di chuyển dễ dàng tới Châu Đốc. Từ Sài Gòn, các bạn theo tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Sau khi qua cầu Vàm Cống, các bạn ra khỏi cao tốc để đi Thành phố Long Xuyên, tiếp đó cứ theo QL91 là tới Thành phố Châu Đốc nhé.
Xe máy
Với xe máy, do không thể di chuyển lên cao tốc nên nếu muốn chạy xe máy từ tận Sài Gòn các bạn sẽ phải đi theo tuyến QL1A, QL30 và QL91 để tới được Châu Đốc. Tuy vậy, quãng đường khá xa trong khi việc thuê xe máy ở Châu Đốc khá đơn giản nên trừ khi có các lộ trình kết hợp để khám phá các tỉnh miền Tây khác, còn không các bạn có thể đi bằng phương tiện công cộng cho nhàn.
Đi lại ở Châu Đốc
Thuê xe máy
Nếu đến Châu Đốc bằng phương tiện công cộng, các bạn có thể thuê xe máy ở đây để làm phương tiện đi lại (Ảnh – lisagotlost) |
Trong quá trình tham quan khám phá Châu Đốc, nếu là một người thích lang thang khám phá các ngõ ngách thì các bạn nên kiếm một chiếc xe máy để làm phương tiện di chuyển cho thuận lợi. Tuy chưa phát triển như các thành phố du lịch nổi tiếng khác nhưng việc thuê một chiếc xe máy ở Châu Đốc cũng khá dễ dàng, nhanh nhất các bạn chỉ cần hỏi ở ngay chính khách sạn mình lưu trú.
Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Châu Đốc, An Giang (Cập nhật 12/2024)
Taxi
Nếu bạn đi theo kiểu gia đình, có người già và trẻ nhỏ và chỉ xác định sẽ đi đến một số địa điểm nổi tiếng ở Châu Đốc thì việc thuê xe máy lại không hợp lý lắm. Lúc này, các bạn có thể lựa chọn taxi để làm phương tiện di chuyển, một số hãng taxi đang hoạt động ở Châu Đốc
- Taxi Mai Linh: 1055
- Taxi Châu Đốc: 0296 3668866
Xe lôi
Xe lôi là phương tiện di chuyển khá thú vị cho du khách khi đến Châu Đốc (Ảnh – ken_tv) |
Đây là một loại hình phương tiện vô cùng độc đáo của Châu Đốc. Loại phương tiện này được sử dụng nhiều ở khoảng 2 thập kỷ trước và có lẽ không còn được phổ biến ở thời điểm bây giờ nhưng riêng ở nơi đây vẫn còn khá thông dụng. Phía sau xe là phần đệm để khách ngồi lên có hai bánh xe to cỡ bánh xe đạp gắn vào hai bên để giữ thăng bằng được nối với phía trước là chiếc xe đạp do các chú, bác đạp kéo đi.
Thuyền
Với 1 số tuyến du lịch trên sông, các bạn cần thuê thuyền để di chuyển (Ảnh – cungphuot.info) |
Có một số địa điểm quanh Châu Đốc mà nếu muốn đến các bạn phải sử dụng các phương tiện đường thủy, các bạn sẽ dễ dàng thuê một chiếc thuyền ở ngay cảng du lịch Châu Đốc (số 3 Lê Lợi).
Lưu trú ở Châu Đốc
Khách sạn
Là trung tâm văn hóa du lịch của An Giang nên không có gì ngạc nhiên khi số lượng cơ sở lưu trú ở Châu Đốc rất nhiều. Các khách sạn to tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố, ngoài ra khu vực quanh núi Sam có rất nhiều nhà nghỉ nhỏ, chủ yếu để phục vụ du khách khi về dự lễ hội Bà Chúa Xứ.
Một số khách sạn tốt ở Châu Đốc
Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12
Homestay Khoa Chaudoc
Địa chỉ: 116 Nguyễn Văn Thoại, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại:
0943998873
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Hiệp Hòa
Địa chỉ: Vĩnh Tây 3, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại:
02963861388
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Hostel Đặng Lợi
Địa chỉ: 187 Đ. Nguyễn Tri Phương, Châu Phú B, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại:
02963565787
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Victoria Châu Đốc
Địa chỉ: 1 Lê Lợi, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại:
0296 3865010
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Victoria Núi Sam
Địa chỉ: Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại:
0296 3575888
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Khách sạn ở Thành phố Châu Đốc (Cập nhật 12/2024)
Homestay
An Giang hội đủ các yếu tố đầu vào cơ bản để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm. Tuy mới hình thành ở An Giang chưa lâu nhưng cho thấy tiềm năng phát triển lớn. Tham gia loại hình này, du khách có cơ hội được ăn, ngủ, sinh hoạt và làm việc cùng người bản địa để có những trải nghiệm thú vị, có cơ hội tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống của người dân tại điểm đến.
Một số homestay tốt ở An Giang
Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12
Homestay Khoa Chaudoc
Địa chỉ: 116 Nguyễn Văn Thoại, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang
Điện thoại:
0943998873
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Lá Homestay
Địa chỉ: 12 Đ. Số 4, khu đô thị Tây Sông Hậu, Thành phố Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
0968888052
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Alpha Homestay Marina
Địa chỉ: Tổ 1, khóm Bình Long 3, Tp. Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
02966569966
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Happy Homestay
Địa chỉ: Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang
Điện thoại:
02963637021
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Homestay ở Châu Đốc, An Giang (Cập nhật 12/2024)
Các địa điểm du lịch ở Châu Đốc
Tượng đài cá Basa
Đây được coi biểu tượng của thành phố Châu Đốc, một công trình của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong được dựng lên ở công viên bờ sông Châu Đốc. Cá basa là loài đã gắn bó với người An Giang gần 100 năm, giúp hàng vạn hộ dân An Giang trở nên giàu có.
Chợ Châu Đốc
An Giang được mệnh danh là “vương quốc mắm” miền Tây, bất kỳ du khách nào đến An Giang cũng đều tìm đến chợ Châu Đốc. Đây là trung tâm kinh doanh các mặt hàng mắm cùng thủy hải sản khô có quy mô lớn nhất miền Tây Nam Bộ.
Đình thần Châu Phú
Đình Châu Phú có tên chữ là Trung Nghĩa Từ còn được gọi là Lễ Công Từ Đường (gọi tắt là đền Lễ Công, dân chúng quen gọi là đền Ông); tọa lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Thoại. Đình Châu Phú được xây dựng bề thế với lối kiến trúc cổ kính, kiểu chữ “tam”, nóc có lầu, mái tam cấp, lợp ngói đại tiểu, nền lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột gỗ căm xe và cà chất. Trên nóc đình chạm khắc nhiều tượng đẹp, khỏe như: Bát tiên, lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa long, chim, công, phụng, sư tử…
Làng nổi Châu Đốc
Làng bè nổi trên sông Châu Đốc là làng bè nuôi cá nước ngọt được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Lúc đầu nơi đây chỉ có vài bè nổi nuôi cá theo kiểu tự nhiên, không cần cho ăn vì nguồn nước tốt. Tuy nhiên, từ những năm 70 trở đi, do nguồn lợi kinh tế đem lại cao, số lượng bè cá đã tăng lên đáng kể và dần trở thành điểm kinh tế trọng điểm của An Giang.
Làng Chăm Châu Phong
Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Phong là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường.
Khu du lịch Núi Sam
Núi Sam có tên khác Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m có chu vi 5.200m thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Miếu Bà Chúa Xứ
Việc thờ cúng Bà Chúa Xứ (主處聖母, Chúa Xứ Thánh Mẫu) được xem là trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam tọa lạc nơi chân núi Sam là một di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của An Giang và khu vực. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, và được công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001.
Chùa Tây An
Chùa Tây An nằm dưới chân núi núi Sam, đây là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam“. Chùa cất theo lối chữ “tam”, có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc Việt. Mặt tiền chùa, ở giữa là tháp thờ Phật cao hai tầng. Tầng trên là tượng Phật đứng giữa lầu cao, đặc biệt ở giữa mặt tiền chùa là ngọn tháp được xây theo kiểu Menara Azan của các thánh đường Hồi giáo (Islam) với mái vòm tròn, cao. Đây có lẽ là nét ảnh hưởng từ các kiểu kiến trúc của các làng Chăm Hồi giáo (Islam) mà cụ thể là thánh đườmg Mubarak, Châu Giang ở phía bên kia sông Hậu cách chùa Tây An không xa. Trong chính điện có khoảng 150 pho tượng lớn nhỏ: tượng Phật, Bồ tát, La hán, Bát bộ kim cang, Ngọc hoàng, Huỳnh đế, Thần nông v.v…Đa số tượng đều làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào thế kỷ 19.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, đây là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời phong kiến, và là một di tích lịch sử cấp quốc gia. Sơn Lăng tọa lạc tại vị trí mà Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại) đã chọn để làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn cho ông về sau. Hiện vật đáng chú ý nơi tường thành có cổng ra vào, là năm tấm bia đá do người sau qui tập về và gắn chặt vào tường thành. Bia ở chính giữa rất có thể là bia Vĩnh Tế Sơn được dựng lên từ năm 1828, tức bốn năm sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế.
Chùa Hang
Chùa Hang, tên chữ Phước Điền Tự, tọa lạc nơi triền núi Sam, cách cụm di tích chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng 1 km. Từ cổng chùa, theo nhiều bậc thang lên cao khoảng 300 m là đến chùa. Chùa có mặt chính 11m, mặt hông 10 m, nền cuốn đá xanh cao ráo, tráng xi măng, lát gạch bông, tường gạch hồ vôi ô dước, cột bê tông cốt sắt, lợp ngói đại ống. Trong chùa có nhiều hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo. Phía trước chùa có cây cột phướng cao hơn 20 m. Dưới thềm chùa là đôi tượng sư tử bằng xi măng khá sinh động. Đứng ở đây, khách thập phương có thể nhìn cảnh núi cao, hoặc ngắm cảnh ruộng đồng bát ngát…
Kênh Vĩnh Tế
Kênh Vĩnh Tế đào song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thành phố Hà Tiên. Đây là 1 trong 2 kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ. Công trình đào kênh Vĩnh Tế kéo dài từ thời tướng Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn Gia Định Thành (1819-1820) cho đến thời tướng Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành (1820-1832) mới xong.
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Nhìn chung, chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm đi Rừng tràm Trà Sư (Cập nhật 12/2024)
Khu du lịch Núi Cấm
Núi Cấm là địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi Cấm có nhiều danh thắng như: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm.
Búng Bình Thiên
Búng Bình Thiên, còn gọi là Hồ Nước Trời, là tên một hồ thuộc huyện An Phú, cách Thành phố Châu Đốc khoảng 30km. Búng Bình Thiên gồm 2 hồ nước là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Búng Nhỏ còn khá ít nước nên người ta thường ám chỉ Búng Lớn khi nói về Búng Bình Thiên (gọi tắt là Búng). Búng Bình Thiên là hồ chứa nước thiên nhiên rộng lớn, cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả vùng phụ cận, ngoài ra nơi đây còn là “túi cá đồng” tự nhiên rất phong phú, là điểm du lịch lý thú vì cảnh quan hãy còn khá nguyên sơ, và còn vì những món ăn dân dã mang đậm chất của một thời đi mỡ cõi, như: chuột nướng, lẩu mắm, cá linh kho, cá lóc nướng trui…
Ăn gì khi tới Châu Đốc
Bún cá Châu Đốc
Bún cá Châu Đốc không do người Việt sáng tạo mà du nhập từ nước láng giềng Campuchia. Linh hồn”của món này nằm ở vị nước lèo được nêm nếm từ mắm cá linh và mắm ruốc. Đây là một trong số món ăn bày bán khá phổ biến ở trung tâm Châu Đốc, bạn có thể dùng vào bữa sáng.
Bún mắm
Bún mắm gây ấn tượng bởi nước lèo có màu nâu bắt mắt của mắm nhưng lại trong và thơm ngọt vị cá. Không chỉ riêng Châu Đốc mà nhiều nơi ở miền Tây, du khách vẫn có thể tìm ăn món này. Món ăn có gốc từ Campuchia, rồi được biến tấu theo cách nấu của người Việt. Thay vì dùng mắm bò hóc (prohok), bún mắm ở miền Tây nấu bằng cá linh, ăn kèm với thịt heo quay và trứng vịt lộn. Nhiều tô bún mắm còn có thêm tôm, chả cá, thịt heo làm phong phú hương vị. Rau muống chẻ ngọn, bắp chuối, giá đỗ và rau diếp cá là các loại thường dùng chung.
Bò bảy món
Bò bảy món là thịt bò dọn thành bảy món khác nhau trên mâm, tương truyền có xuất phát ở trong Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20. Lối nấu thịt bò này sau thịnh hành tại một số tiệm ăn ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.
Cơm tấm
Món ăn quen thuộc ở miền Tây, khiến khách thòm thèm bởi vị nước mắm chua ngọt kèm miếng thịt nướng mềm, nêm nếm vừa miệng. Khác với thông thường, đồ ăn kèm của cơm tấm ngoài củ cải ngâm chua, ở Châu Đốc còn có cải ngâm chua, khiến hương vị món trở nên mới mẻ.
Lẩu cá linh
Món lẩu cá linh bông điên điển được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng ở miền Tây vào mùa nước nổi. Bông điên điển là loài hoa đặc trưng của miền Tây sông nước. Khi loài hoa này kết hợp với lẩu cá linh mang đến hương vị giòn ngọt, thơm ngon, vừa béo lại vừa bùi.
Bánh xèo điên điển
Bánh xèo miền Tây mùa nào nhân nấy. Mùa nước nổi, ngoài nhân bánh truyền thống, bông điên điển càng làm món bánh thêm đặc biệt với khách phương xa. Bánh xèo bông điên điển có hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, bông điên điển, mỡ, hành, tiêu, tỏi …. Bánh được ăn với các loại rau trong vườn nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, lá mơ..Các bạn có thể thưởng thức món này ở chợ Châu Đốc.
Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên.. Gỏi sầu đâu được biết đến là món ăn của người Campuchia, dùng như một món rau trong bữa cơm hàng ngày. Món ăn này du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống ven biên giới Việt Nam. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.
Cà na đập
Món ăn được đặt tên theo cách chế biến. Quả cà na tươi, sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, chờ khoảng vài tiếng đồng hồ là có thể sử dụng. Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn. Cà na đập ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn rất ngon.
Thốt nốt
Một trong những loài cây được người An Giang nâng niu nhất là cây thốt nốt, loại cây mang lại trái ngọt quả thơm cho đời sống người dân bớt nhọc nhằn. Nước, thạch, bánh bò… làm từ thốt nốt là những thức quà giản dị nhưng mang đậm dấu ấn vùng sông nước An Giang.
Tung lò mò
Tung lò mò chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang, do người Chăm không ăn thịt lợn nên họ chế biến nhiều món ăn từ thịt bò. Dần dần, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở An Giang.
Mắm Châu Đốc
Mắm Châu Đốc có bán khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất là ở chợ Châu Đốc. Hình thù mắm cũng vô cùng đa dạng. Vì tùy từng loại cá, cách thức chế biến mà người ta có thể xé nhỏ, để nguyên con, lóc lấy phi lê hoặc để cả xương. Một vài loại mắm dễ ăn mà bạn có thể mua tại chợ là mắm linh, mắm sặt, mắm lóc, mắm trèn, mắm rô, mắm chốt… Những loại này ăn sống hay dùng chưng, nấu mắm (mắm kho, bún, lẩu) đều rất ngon.
Lịch trình du lịch Châu Đốc
Sài Gòn – Châu Đốc
Lịch trình này dành cho các bạn không có nhiều thời gian, sử dụng phương tiện công cộng để khám phá Châu Đốc trong 2 ngày.
Ngày 0: Sài Gòn – Châu Đốc
Đêm đầu tiên các bạn bắt xe từ bến xe miền Tây đi Châu Đốc, đi chuyến muộn nhất thì khoảng sáng sớm các bạn sẽ có mặt ở thành phố Châu Đốc.
Ngày 1: Khám phá Châu Đốc
Sau khi xuống xe, các bạn về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi chút rồi sáng dậy đi kiếm chiếc xe máy làm phương tiện đi lại.
Các bạn có thể lượn lờ vào chợ Châu Đốc để ăn sáng, tham quan một vòng quanh chợ. Đây là thiên đường mắm của miền Tây nên các bạn có thể thoải mái tìm mua các loại mắm ở đây để khi về làm quà.
Sau khi ăn sáng xong các bạn dùng xe máy di chuyển từ trung tâm thành phố đi Núi Sam, khám phá quần thể các di tích ở đây. Phi xe máy lên đỉnh núi ngắm toàn cảnh Châu Đốc. Trưa các bạn có thể ăn uống ở dưới các quán ăn, nhà hàng dưới chân núi.
Chiều, các bạn tiếp tục từ núi Sam đi rừng tràm Trà Sư. Khoảng cách từ đây khoảng 20km nên chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển là đến thôi.
Dành cả buổi chiều khám phá rừng tràm, đi bộ theo con đường xuyên rừng hoặc thuê thuyền để đi thì tùy bạn nhé.
Tối quay trở lại trung tâm Thành phố, thưởng thức và khám phá các món ăn ngon ở Châu Đốc.
Ngày 2: Khám phá văn hóa
Các bạn di chuyển ra bến thuyền du lịch Châu Đốc mua vé, thuê thuyền đưa đi khám phá làng bè nổi Châu Đốc và làng Chăm ở phía bên kia sông. Tổng thời gian loanh quanh đâu đó chỉ khoảng 2 tiếng.
Chiều nếu thích các bạn có thể đi Búng Bình Thiên hoặc loanh quanh chơi trong thành phố.
Tối lên xe trở lại Sài Gòn, kết thúc hành trình.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Châu Đốc 2024
- du lịch Châu Đốc tháng 12
- tháng 12 Châu Đốc có gì đẹp
- review Châu Đốc
- hướng dẫn đi Châu Đốc tự túc
- ăn gì ở Châu Đốc
- phượt Châu Đốc bằng xe máy
- Châu Đốc ở đâu
- đường đi tới Châu Đốc
- chơi gì ở Châu Đốc
- đi Châu Đốc mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Châu Đốc
- homestay giá rẻ Châu Đốc