Cùng Phượt – Tam Kỳ là thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 70km và cách sân bay Chu Lai 30km. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Địa đạo Kỳ Anh, Văn thánh Khổng Miếu, Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng, làng bích họa Tam Thanh…. cùng hạ tầng giao thông thuận tiện, hệ thống dịch vụ phục vụ du khách được nâng cấp phát triển, du lịch Tam Kỳ được kỳ vọng sẽ là trung tâm du lịch phía Nam của tỉnh Quảng Nam kết nối với Hội An ở phía Bắc và du lịch cộng đồng ở các huyện vùng cao sẽ giúp ngành du lịch Quảng Nam phát triển hơn nữa.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả son_dx, SANGSOO son, FB Xe buýt Quảng Nam, Hòa Nguyễn Khắc, huychinhai, holly_dang, andelan_hue75, tadao_pham, anan.phan, Duyen Hai, agentqhawaii nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu chung về Tam Kỳ
Mục lục
Một góc Tp Tam Kỳ từ trên cao (Ảnh – cungphuot.info) |
Tam Kỳ là thành phố trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Tam Kỳ từ một thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm năm 2006, sau 10 năm, đến 2016 thành phố Tam Kỳ đạt tiêu chuẩn đô thị loại 2.
Trước kia, từ vị trí một ngã ba, nay trở thành thành phố với nhiều giao lộ lớn. Hạ tầng phố phường đã xây dựng khá nhiều và quy mô, nhất là khu hành chánh, quảng trường,… Thị xã Tam Kỳ là một đô thị được hình thành từ lâu, có bề dày lịch sử. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, Tam Kỳ luôn có sự phát triển không ngừng, gắn liền với vùng đất Quảng Nam giàu truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.
Sau khi khi kết thúc chiến tranh, ngày 20 tháng 11 năm 1976 huyện Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, được lập lại trên cơ sở sát nhập huyện Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ.
Ngày 27/10/2015, tại thành phố Fukuoka, Nhật Bản, Tổ chức Định cư con người Liệp Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) đã trao tặng giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015” cho thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” (gọi tắt là ATA) là giải thưởng quốc tế được thành lập vào năm 2010 bởi sự phối hợp của 4 tổ chức: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hiệp Quốc vùng châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị thành phố Fukuoka, (Nhật Bản) với mục tiêu công nhận một môi trường sống thoải mái, hạnh phúc cho người dân châu Á.
Nên du lịch Tam Kỳ vào thời gian nào?
Tam Kỳ nổi bật sắc vàng trong mùa hoa sưa (Ảnh – son_dx) |
Thành phố Tam Kỳ nằm trong phân vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và mưa theo mùa. Trong năm có hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô.
- Các bạn nên tránh du lịch Tam Kỳ vào mùa mưa từ tháng 9-12. Khoảng thời gian này trong năm lượng mưa thường khá nhiều dẫn đến ngập lụt trên diện rộng, bao gồm cả Tam Kỳ. Đi du lịch thời gian này vừa không đẹp lại gặp nhiều khó khăn khi di chuyển.
- Khoảng tháng 4 là mùa hoa sưa ở Tam Kỳ, lúc này đường phố Tam Kỳ sẽ tràn ngập trong sắc vàng trải dài rực rỡ khắp mọi nơi. Nếu yêu thích loài hoa này, các bạn có thể đến làng Hương Trà để ngắm nhìn vườn sưa cổ thụ lên tới hàng ngàn cây.
Hướng dẫn đi tới Tam Kỳ
Phương tiện công cộng
Ô tô giường nằm
Nằm trên trục đường Bắc Nam, có rất nhiều các xe giường nằm chất lượng cao chạy qua Tam Kỳ (Ảnh – cungphuot.info) |
Từ Hà Nội và Sài Gòn (cũng như các địa điểm du lịch nổi tiếng dọc 2 đầu đất nước khác) đều có các tuyến xe chất lượng cao, xe giường nằm đi Tam Kỳ. Nếu không ngại không gian chật chội, thời gian lâu và lại muốn tiết kiệm chi phí đi lại thì các bạn có thể chọn phương án này. Không phải chuyển đi chuyển lại giữa các loại hình phương tiện khác nhau.
Máy bay
Quảng Nam hiện tại có sân bay Chu Lai, là sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam và đang được quy hoạch để trở thành Cảng hàng không Quốc tế. Các hãng hàng không trong nước hiện đều có các đường bay thẳng đến Chu Lai với tần suất hàng ngày.
Tàu hỏa
Từ Hà Nội hàng ngày có 5 chuyến tàu đi Tam Kỳ là SE1, SE3, SE5, SE7, SE9, từ Sài Gòn hàng ngày có 5 chuyến tàu đi Tam Kỳ là SE2, SE4, SE8, SE10 và SE22. Các chuyến tàu đến Tam Kỳ vào thời gian ban ngày là SE2 (đi từ Sài Gòn 21h55 đến Tam Kỳ 12h24) SE4 (đi từ Sài Gòn 19h45 và đến Tam Kỳ lúc 11h08) và SE22 (đi từ Sài Gòn 14h40 và đến Tam Kỳ lúc 8h12), các bạn có thể lựa chọn các chuyến tàu này để kịp thời gian nhận phòng và có thể bắt đầu chuyến du lịch ngay sau khi xuống tàu.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 10/2024)
Phương tiện cá nhân
Với các bạn thích cùng gia đình hoặc bạn bè có những chuyến đi xuyên việt trên chính phương tiện của mình, dọc theo QL1A các bạn có thể khám phá rất nhiều địa điểm như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng (nếu đi từ phía Bắc) và các địa điểm du lịch nổi tiếng dọc theo đường bờ biển Nam Trung Bộ (nếu đi từ phía Nam).
Đi lại ở Tam Kỳ
Xe buýt Tam Kỳ
Tam Kỳ hiện có nhiều tuyến xe buýt công cộng, thuận tiện cho du khách trong việc di chuyển. như các tuyến: Tam Kỳ – Núi Thành, Tam Kỳ – Bắc Trà My, Tam Kỳ – Hiệp Đức, Tam Kỳ – Đại Lộc, Tam Kỳ – Đà Nẵng với thời gian hoạt động từ 5h30 đến 18h30 hàng ngày (tùy từng chặng thời gian hoạt động chuyến cuối cùng sẽ trong khoảng từ 17h-18h30).
Thuê xe máy ở Tam Kỳ
Với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, các bạn có thể chủ động sắp xếp lộ trình để khám phá Tam Kỳ dễ dàng hơn bằng phương tiện xe máy. Tuy chưa có nhiều nhưng hiện tại có một số cửa hàng ở Tam Kỳ có sẵn xe máy để các bạn có thể thuê dài ngày cũng như ngắn ngày.
Xem thêm bài viết: Các địa điểm thuê xe máy ở Tam Kỳ (Cập nhật 10/2024)
Lưu trú ở Tam Kỳ
Tuy không đa dạng về các loại hình để có thể thoải mái lựa chọn như ở phố cổ Hội An nhưng hệ thống lưu trú ở Tam Kỳ cũng có thể đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Trong khu trung tâm thành phố các khách sạn, nhà nghỉ với các dịch vụ cơ bản đều có thể dễ dàng tìm thấy. Một số resort và khách sạn cao cấp được xây dựng gần biển, nếu thích ở homestay khi đến Tam Kỳ các bạn hãy ghé thăm và ở lại làng bích họa Tam Thanh, tại đây đã dần hình thành loại hình lưu trú này dựa trên nhu cầu của du khách.
Một số khách sạn tốt ở Tam Kỳ
Tam Thanh Natural Beach Resort
Địa chỉ: Đường Thanh Niên, Tam Tiến, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại:
096 747 46 47
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Tam Thanh Beach Resort & Spa
Địa chỉ: Thôn Hạ Thanh 1, Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại:
0235 6256 666
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Mường Thanh Grand Quảng Nam
Địa chỉ: Số 351A, Hùng Vương, Phường An Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại:
0235 3555 222
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Ban Thach Riverside Hotel & Resort
Địa chỉ: 10, Bạch Đằng, Phường Tân Thạnh, Tam Kỳ, Quảng Nam
Điện thoại:
0235 3595 999
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt ở Thành phố Tam Kỳ (Cập nhật 10/2024)
Các địa điểm du lịch ở Tam Kỳ
Làng bích họa Tam Thanh
Từ bãi tắm Tam Thanh, đi khoảng 5 phút xe máy là tới thôn Trung Thanh, có làng bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam. Ngôi làng này được vẽ vào năm 2016 trong dự án của Quỹ giao lưu quốc tế HQ (Korea Foundation) và Chương trình định cư LHQ (UN – Habitat) thực hiện. Có khoảng 70 bức bích hoạ đủ màu sắc do 5 nghệ sĩ Hàn Quốc cùng đội tình nguyện viên thực hiện trong vòng 3 tuần.
Bãi biển Tam Thanh
Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ 07 km về phía đông, Tam Thanh là một bãi tắm sạch đẹp, trong lành. Biển Tam Thanh là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch: bãi biển đẹp với bờ cát chạy dài hàng cây số
Tượng đài Mẹ Thứ
Tượng đài này được lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ. Những dòng thác từ bức tượng lớn như những dòng lệ tuôn rơi của mẹ khi cả 9 người con lần lượt ra đi. Tượng đài này ghi lại sự biết ơn sâu sắc của người dân Quảng Nam trước sự hi sinh vì tổ quốc của những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Địa đạo Kỳ Anh
Địa đạo Kỳ Anh, một trong ba địa đạo lớn nhất Việt Nam (sau địa đạo Củ Chi ở Sài Gòn và Vịnh Mốc ở Quảng Trị). Địa đạo Kỳ Anh bắt đầu đào từ 5/1965 và hoàn thành vào năm 1967. Tổng chiều dài địa đạo khoảng 32km, chiều rộng từ 0.5 đến 0.8 mét, chiều cao khoảng 0.8-1 mét, chiều dài địa đạo tùy theo địa thế mỗi thôn (trong lòng địa đạo có nơi rất hẹp đề phòng khi địch phát hiện miệng địa đạo, dùng hơi cay hay lựu đạn ném xuống, ta dễ dàng bịt ngăn gian còn lại để thoát tránh thương vong). Địa đạo còn có hầm cứu thương, hầm tác chiến, hầm chỉ huy, hầm lương thực, thực phẩm,… với sức chứa 1.500 người.
Văn Thánh – Khổng Miếu
Văn Thánh – Khổng Miếu tọa lạc khu đất có diện tích 6200 m2 nằm bên cạnh đường Phan Bội Châu, Tp Tam Kỳ. Khu di tích Văn Thánh – Khổng Miếu với quần thể di tích bao gồm chánh điện, hậu điện, tháp chuông, tháp trống, hai dãy nhà cầu, nhà cổ dân gian Quảng Nam, cầu bắc qua hồ sen và cổng Tam quan. Đây là nơi thờ đức Khổng Tử và tổ chức huấn học về tư tưởng Nho giáo, với quần thể lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật độc đáo, hội tụ nét truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc có niên đại hơn 300 năm.
Tháp Chiên Đàn
Tháp Chiên Đàn nằm cách thành phố Tam Kỳ 5 km về phía Bắc và nằm ngay cạnh quốc lộ 1A. Hiện nay, tại di tích Chiên Đàn có một nhà trưng bày những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu nhất, đồng thời còn trưng bày một bộ Yoni – Linga rất lớn được tìm thấy tại phế tích Champa ở Mỹ An, nằm cách Chiên Đàn 1,5 km về phía Tây Nam.
Đây là một nhóm gồm 3 tháp xếp hàng theo trục Bắc – Nam, cửa ra vào ở hướng Đông. Các tháp ở Chiên Đàn có hình dạng gần giống nhau, mặt bằng tháp hình vuông, mái tháp là những tầng thu nhỏ dần lên trên. Trên thân các tháp không có hoa văn trang trí nhưng giáp đỉnh tháp có những đường diềm bằng sa thạch chạm trỗ nhiều mặt Kala xếp thành hàng ngang. Tại đây, đã phát hiện nhiều hiện vật trang trí, điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao, đặc biệt là bệ thờ Yoni và các bức tượng người, động vật (tượng rắn Naga, ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuda, voi thần Gajasimha …) được thể hiện theo phong cách Chánh Lộ (giai đoạn cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12).
Bảo tàng Quảng Nam
Bảo tàng Quảng Nam tọa lạc tại số 281 đường Phan Bội Châu, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Có tổng diện tích sử dụng 21.976 m²; trong đó, diện tích sàn xây dựng là 7.322 m², diện tích trưng bày ngoài trời 1.305 m², vườn tượng danh nhân 1.004 m², khu phục dựng văn hóa các dân tộc Quảng Nam 2.164 m² … Riêng phần trưng bày nội thất của Bảo tàng có diện tích 2.700 m², bao gồm những đặc điểm tự nhiên và tài nguyên; văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh và lịch sử, xã hội tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra còn có gian trưng bày chuyên đề để phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương.
Các món ăn ngon ở Tam Kỳ
Cơm gà Tam Kỳ
Gà sau khi chế biến có da vàng ươm, từng thớ thịt săn lại, thơm nức. Cơm cũng được nấu bằng chính nước luộc gà, vì thế khi chín hạt cơm ngả màu vàng óng, có độ bóng mượt rất hấp dẫn. Đặc trưng của món cơm gà nơi đây là vị mặn mà, đằm đặm, cay cay rất riêng của miền cát nóng. Thưởng thức món cơm gà Tam Kỳ không thể thiếu món dưa bóp chua – cay – giòn ngọt. Nó trung hoà vị béo ngậy của cơm gà, khiến món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn.
Mì Quảng
Mỳ Quảng, từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam. Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Mì được làm từ lá bánh tráng thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… và có cả mì chay dành cho người hành đạo. Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Rau để ăn mì Quảng thường là rau muống chẻ nhỏ hoặc cây cải con trộn với búp chuối non thái mỏng, rau thơm, rau quế…
Mít hông
Mít sau khi đưa về nhà được gọt vỏ, chùi mủ sạch sẽ, xẻ ra làm nhiều miếng rồi cắt cùi, tách múi. Sau đó, dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài. Nhân bỏ trong múi mít không cầu kỳ, tốn kém mà được làm từ hạt mít luộc chín. Hạt mít đã lột vỏ cho vào cối xay nát, sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng đũa bếp đánh tơi ra. Bấy giờ mới trộn các loại gia vị như tiêu bột, mì chính, muối hầm với tỉ lệ ước lượng theo kinh nghiệm từng người. Công đoạn này có tính chất quyết định mùi vị của món mít hông. Đó cũng là bí quyết riêng của mỗi chủ quán để hương vị của từng múi mít níu giữ chân khách, “một lần đến là nhiều lần quay lại”.
Sau khi trộn các loại gia vị thấm đều, lấy xoong đổ dầu phộng phi hành tỏi cho thơm rồi cho nhân vào xào khoảng năm phút. Nhân nguội, dùng muỗng xúc cho vào từng múi mít. Công đoạn cuối cùng là sắp xếp những múi mít vào xửng và hông (hấp) cách thủy chừng ba mươi phút cho chín. Khi sắp mít hông vào đĩa, rắc lên trên ít đậu phộng rang giã giập, dừa nạo, dầu phộng đã phi thơm…
Bánh chập
Bột rải được lên khuôn, tráng đều đậy nắp lại, chờ 30 giây thì mở nắp dùng que tre lấy chiếc bánh ướt đặt lên miếng lưới để sẵn. Lấy miếng bánh vừa làm xong đặt lên miếng bánh tráng rồi gõ nhẹ nghe cái tách, bánh vỡ làm đôi rồi chập lại thành cặp. Có lẽ vì thế mà bánh đập còn có nơi gọi bánh cặp, bánh chập… để thể hiện các hình ảnh, âm thanh sống động lúc làm bánh.
Cái nóng hổi của bánh ướt, có thêm độ giòn của bánh tráng quyện lại cùng nhau, thêm mùi thơm của mè, mùi của mắm nêm hòa trộn, dẫu chẳng có chút thịt thà bên trong nhưng bao người ăn không ngừng. Bánh ngon cũng một phần nhờ mắm. Tam Kỳ có biển Tam Thanh, nổi tiếng với nghề cá. Những con cá tươi được làm thành mắm nêm, có khi là cá cơm, có khi là cá nục.
Mắm nêm được cho vào nhiều món ngon như bún trộn mắm nêm, thịt heo luộc chấm mắm, hay ăn kèm bánh đập. Chén mắm còn pha chút dầu ăn phi thơm, dầu cũng là loại dầu phụng đặc sản trồng ở đây. Bẻ miếng bánh đập, chấm vào chén mắm, có mùi thơm của hành tỏi, có vị béo thơm của dầu phụng, ăn một lần là nhớ mãi.
Bánh ướt ram
Nói đến các món ăn đặc trưng Xứ Quảng, người ta thường nghĩ đến mì Quảng, cơm gà Tam Kỳ hay mì Cao Lầu… nhưng chẳng mấy ai nhớ đến bánh ướt cuốn ram hay gọi ngắn gọn là bánh ướt ram.
Đúng như tên gọi, bánh ướt ram chỉ gồm một lá bánh ướt mỏng quấn quanh chiếc ram rồi chấm chút tương mặn mặn. Muốn “sang” hơn thì khách có thể yêu cầu người bán cho thêm ít chả lụa xắt sợi hay mít non luộc cuộn cùng ram trong lá bánh ướt.
Nếu có dịp ghé ngang Tam Kỳ, mời bạn thử dừng lại bên hàng bánh ướt ram, nhâm nhi miếng bánh ướt mềm mại cuộn quanh cuốn ram giòn tan và chấm chút tương mặn ngọt, một khi đã thử có lẽ bạn sẽ khó lòng quên được món ăn bình dị mà rất riêng này.
Nem nướng Tam Kỳ
Cũng là nem lụi nhưng ở Tam Kỳ người ta thường gọi nem nướng. Tuy không phải là đặc sản nổi tiếng bằng những món ăn khác nhưng nem nướng ở đây lại mang một hương vị rất riêng, rất “Quảng”. Đây là món ăn ngon được mệnh danh “ăn là ghiền” ở Tam Kỳ.
Nem nướng của người Tam Kỳ không dùng quá nhiều thịt “nắm” vào chiếc que tre, mà thịt được “dàn” chung quanh để không quá dày, làm cho tre mau bắt nhiệt, nem mau chín, và mùi thịt không lấn mùi tre. Mùi vị và màu sắc có thể nhìn không bắt mắt nhưng nem lụi của Đà Nẵng, hay Huế, nhưng cái mùi vị rất “Quảng” ấy vẫn đủ làm ngất ngây lòng thực khách ghé qua và thưởng thức nem nướng, món ẩm thực làm lưu luyến bao du khách đến Tam Kỳ.
Trà lài
Tam Kỳ vốn là xứ sở nổi tiếng của các loại trà như Mai Hạc, Sanh Hoa, Kim Sơn, Tam Hạc… Thời Pháp, nguồn nguyên liệu làm trà được lấy từ đồn điền chè Đức Phú do Pháp khai thác còn khu vực Vườn Lài ở Tam Kỳ ngày nay vốn là nơi trồng hoa lài để cung cấp hương liệu. Hoa lài thu hoạch về được phơi khô, gói ghém cẩn thận trong các bao tải để giữ hương. Khi làm, người ta mới mang hoa ra ướp vào nguyên liệu trà.
Trải qua thời gian dài, trà Tam Kỳ vẫn giữ được thương hiệu. Đặc trưng của nó vẫn là trà ướp hương lài, hương ngâu. Nguyên liệu trà được lấy từ nông trường chè Quyết Thắng (huyện Đông Giang), trà Lao Bảo – Đà Lạt và có pha thêm trà Thái Nguyên. Trà Tam Kỳ hương vị đậm ngọt, thoang thoảng mùi hoa lài, hoa ngâu.
Lịch trình du lịch Tam Kỳ
Hà Nội/Sài Gòn – Hội An – Mỹ Sơn – Tam Kỳ
Ngày 1: Hà Nội/Sài Gòn – Hội An
Ngày đầu tiên các bạn sẽ di chuyển từ Hà Nội hoặc Sài Gòn bay thẳng vào Đà Nẵng, từ đây thuê taxi đi Hội An. Tùy thuộc vào cá nhân mà các bạn đặt chuyến bay cho phù hợp, tuy nhiên hợp lý nhất sẽ là bay buổi sáng để khoảng trưa có mặt kịp ở Hội An nhận phòng.
Khám phá Hội An trong khoảng một ngày là oke, nếu muốn thêm thời gian ở lại phố cổ Hội An hoặc đi ra đảo Cù Lao Chàm, các bạn chỉ cần cộng thêm ngày vào hành trình này.
Ở Hội An các bạn có thể dạo quanh phố cổ uống cafe, thưởng thức các món ăn ngon ở Hội An, buổi tối có thể ngắm Hội An từ sông Thu Bồn, thả đèn hoa đăng… nói chung là không thiếu các hoạt động cho các bạn tham gia.
Ngày 2: Hội An – Mỹ Sơn – Tam Kỳ
Trưa hôm sau, trả phòng ở Hội An rồi tìm một tour khám phá Mỹ Sơn đi về trong ngày, khoảng cách từ Hội An đi Mỹ Sơn khoảng 40km, hoặc nếu thích các bạn có thể thuê xe riêng (xe máy hoặc ô tô) để đi cho chủ động. Sau khi quay trở lại Hội An có thể bắt tuyến buýt từ Hội An đi Tam Kỳ. Tối nghỉ ngơi tại Tp Tam Kỳ.
Ngày 3: Khám phá Tam Kỳ
Sáng dậy các bạn cứ thoải mái dành thời gian ăn sáng, uống cafe rồi bắt đầu hành trình tìm hiểu Tam Kỳ. Ở Tam Kỳ các bạn có thể dành thời gian tham quan một vài địa điểm như tượng đài Mẹ Thứ, làng chài Tam Hải, bãi biển Tam Thanh…
Tùy vào thời gian của mình, nếu thoải mái các bạn có thể sắp xếp thêm một đến hai ngày để khám phá du lịch cộng đồng các huyện vùng cao Quảng Nam. Nếu không, có thể kết thúc hành trình để về nhà. Từ Tam Kỳ có xe buýt đi thẳng ra sân bay Chu Lai và xe buýt về lại Tp Đà Nẵng, tùy thuộc hành trình bay mà các bạn chọn tuyến phù hợp.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Tam Kỳ 2024
- du lịch Tam Kỳ tháng 10
- tháng 10 Tam Kỳ có gì đẹp
- review Tam Kỳ
- hướng dẫn đi Tam Kỳ tự túc
- ăn gì ở Tam Kỳ
- phượt Tam Kỳ bằng xe máy
- Tam Kỳ ở đâu
- đường đi tới Tam Kỳ
- chơi gì ở Tam Kỳ
- đi Tam Kỳ mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Tam Kỳ
- homestay giá rẻ Tam Kỳ