Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hoả

Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hoả (Cập nhật 08/2024)

Cùng Phượt – Tàu hoả là một trong 3 loại hình vận tải phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng khách đi tàu hàng ngày vô cùng lớn. Trước đây, việc du lịch bằng tàu hỏa không phổ biến do nhiều vấn đề còn tồn tại như: hệ thống bán vé chưa hoàn thiện, chất lượng dịch vụ trên tàu không tốt, thời gian chạy tàu lâu… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, được đầu tư nâng cấp một cách bài bản nên ngành đường sắt đã thu hút thêm được đáng kể lượng khách du lịch lựa chọn hình thức di chuyển này. Nếu các bạn đang có kế hoạch du lịch bằng tàu hoả hoặc đang tìm hiểu thêm về lựa chọn này, những chia sẻ trong bài viết này sẽ khá hữu ích với bạn đấy.

Đèo Hải Vân là một trong những đoạn đường đẹp nhất trên hành trình Bắc Nam bằng tàu hỏa (Ảnh – cungphuot.info)

Giới thiệu về hệ thống đường sắt Việt Nam

Đường sắt Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp lâu đời của Việt Nam. Ngành Đường sắt Việt Nam ra đời năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho dài khoảng 70 km.

Một số địa phương hiện đã được nâng cấp riêng những chuyến tàu phục vụ du lịch như Sa Pa, Mũi Né (Ảnh – cungphuot.info)

Chuyến tàu đầu tiên khởi hành ở Việt Nam là vào ngày 20 tháng 7 năm 1885. Những năm sau đó, mạng lưới đường sắt tiếp tục được triển khai xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam theo công nghệ đường sắt của Pháp với khổ đường ray 1 mét. Thời kỳ chiến tranh, hệ thống đường sắt bị hư hại nặng nề. Kể từ năm 1986, Chính phủ Việt Nam tiến hành khôi phục lại các tuyến đường sắt chính và các ga lớn, đặc biệt là tuyến Đường sắt Bắc Nam.

Hệ thống đường sắt Việt Nam hiện nay có tổng chiều dài 2.600km, gồm các tuyến đường sắt chính:

  • Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh (dài 1.726km)
  • Hà Nội – Lào Cai
  • Hà Nội – Hải Phòng
  • Hà Nội – Quán Triều
  • Hà Nội – Đồng Đăng
  • Kép – Uông Bí – Hạ Long
  • Kép – Lưu Xá
  • Tàu liên vận quốc tế Hà Nội – Bắc Kinh (Trung Quốc), qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn).

Một vài địa điểm có thể đi du lịch bằng tàu hỏa

Có khá nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng mà các bạn có thể sử dụng đường sắt để di chuyển, phổ biến nhất là những thành phố du lịch nổi tiếng nằm trên trục đường sắt Bắc Nam. Một vài địa điểm du lịch bằng đường sắt mà các bạn có thể thực hiện, theo thứ tự từ Bắc vào Nam

Sa Pa – Lào Cai

Nhà thờ ngay trung tâm Thị trấn Sa Pa (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là tuyến đường sắt du lịch hiếm hoi ở các tỉnh miền núi phía Bắc được xây dựng, xuất phát từ Hà Nội và đi qua địa phận một số tỉnh như Phú Thọ, Yên Bái rồi lên tới Lào Cai – chặng cuối của hành trình. Thời gian tàu chạy từ Hà Nội thường buổi tối, 21-22h và đến ga Lào Cai vào sáng sớm (khoảng 5h). Tuyến này cũng có khá nhiều khoang riêng được các công ty lữ hành đầu tư để phục vụ du lịch. Trước đây, khi mà tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chưa hoàn thành thì tuyến này rất “hot”, khách đi du lịch Lào Cai hay du lịch Sa Pa đều lựa chọn tàu hỏa do thời gian tương đương với đi ô tô mà lại thoải mái hơn.

Hải Phòng

Đường sắt Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng. Tuyến này được Pháp khởi công xây dựng từ năm 1901. Ngày 16-6-1902, toàn tuyến được chính thức đưa vào khai thác. Tuyến đường sắt này dài 102 km đi qua 4 tỉnh thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng nó chính là một “cạnh” của tam giác phát triển kinh tế (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Điểm đầu là ga Hà Nội và điểm cuối là Ga Hải Phòng. Các bạn khi tới với Cát Bà có thể sử dụng tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, dừng nghỉ tại trung tâm thành phố 1 đêm trước khi tiếp tục hành trình ra đảo.

Ninh Bình

Trên dòng sông Ngô Đồng ở khu du lịch Tam Cốc, Bích Động (Ảnh – nhifoto)

Ninh Bình nằm ở vùng cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của tổ quốc.

Huế

Chùa Thiên Mụ ở Huế (Ảnh – cungphuot.info)

Huế là thành phố nằm ven biển Đông, là thành phố miền Trung nằm giữa hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn. Hai tỉnh láng giềng của Huế là Quảng Trị và Đà Nẵng. Đèo Hải Vân nối liền Huế với Đà Nẵng và ranh giới thời tiết hai miền.

Là thành phố duy nhất trong nước vẫn còn giữ được dáng vẻ của một thành phố thời Trung cổ và nguyên vẹn kiến trúc của một nền quân chủ. Huế đã trở thành một bảo tàng lớn và vô giá. Chính vì vậy, chính phủ đã xếp hạng các di tích ở cố đô Huế như là một tài sản vô cùng quí giá và tháng 12 năm 1993 Huế đã được UNESCO xếp hạng là di tích văn hóa thế giới.

Đà Nẵng

Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam (Ảnh – youngshinkim_ferero)

Đà Nẵng là một thành phố biển nằm ở miền Trung Việt Nam, có vị trí gần như là trung tâm khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sở hữu rất nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng, Đà Nẵng không chỉ thu hút du khách với bãi biển dài hơn 60 km, được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, mà còn có rất nhiều cảnh quan ấn tượng như bán đảo Sơn Trà, khu du lịch Bà Nà Hills, danh thắng Ngũ Hành Sơn…

Quy Nhơn

Bãi Rạng (Ảnh – cungphuot.info)

Là địa danh thuộc Bình Định, tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Là 1 trong 5 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định nằm ở trung tâm của trục Bắc – Nam (trên cả 3 tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt và đường hàng không nội địa), là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Bình Định là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi… với bờ biển dài, nhiều vũng vịnh với những bãi tắm đẹp và danh lam thắng cảnh như: Quy Nhơn, Tam Quan, Tân Thanh, Vĩnh Hội, Trung Lương, Hải Giang, Đảo Yến, bãi tắm Hoàng Hậu, Quy Hòa, Bãi Dại, Tân Phụng, Vĩnh Lợi…

Nha Trang

Toàn cảnh thành phố biển Nha Trang (Ảnh – tonytran_paris)

Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang.

Mũi Né

Những ngày trời lộng gió, lúc nào cũng có hàng trăm con diều lượn trên bờ biển như thế này (Ảnh – cungphuot.info)

Mũi Né Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 14 km về hướng Đông Bắc. Mũi Né là tên một làng chài và cũng là một điểm du lịch quen thuộc trong dải biển Nam Trung Bộ. Bãi biển nông thoải, nước sạch và trong, nắng ấm quanh năm, không có bão nên Mũi Né  là nơi tắm biển, nghỉ ngơi lý tưởng dành cho du khách.

Hướng dẫn mua vé tàu trực tuyến

Kiểm tra giờ tàu

Các bạn truy cập vào website https://k.vnticketonline.vn để kiểm tra trước giờ tàu chạy của tất cả các tuyến tàu trong hệ thống của đường sắt Việt Nam. Với bảng thông tin này các bạn sẽ biết trước các chuyến tàu chạy trong ngày, thời gian chạy cũng như giờ đến tại tất cả các ga.

Chọn vé

Truy cập vào website bán vé trực tuyến của Tổng công ty đường sắt Việt Nam tại địa chỉ https://dsvn.vn và nhập thông tin về ga đi, ga đến, thời gian đi, số lượng vé.

Lựa chọn ghế cho phù hợp (Ảnh – cungphuot.info)

Tiếp theo, các bạn sẽ được chuyển tiếp sang trang lựa chọn chuyến tàu và vị trí ghế. Ngay trên đầu sẽ hiển thị danh sách các chuyến tàu kèm thời gian đi và đến, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân các bạn chọn chuyến tàu có thời gian phù hợp với mình nhất.

Điền thông tin cá nhân

Trang điền thông tin khách hàng (Ảnh – cungphuot.info)

Lựa chọn xong vị trí khoang tàu và ghế, chọn Mua vé các bạn sẽ được chuyển tiếp sang trang để điền thông tin cá nhân của khách hàng. Ở trang này, các bạn cần điền tên của hành khách đi tàu tương ứng với số CMND/Căn cước công dân của hành khách. Thực ra thì cũng chẳng ai kiểm tra lại thông tin này, nhưng trong một số trường hợp muốn đổi trả vé hoặc nếu các bạn sử dụng vé điện tử thì nên điền cho chính xác.

Xác nhận thông tin

Bước tiếp theo sau khi điền thông tin các bạn sẽ cần xác nhận lại những thông tin đã điền vào. Có 2 loại thông tin cần xác nhận là thông tin của hành khách đi tàu và thông tin người mua vé tàu (với trường hợp mua vé cho nhiều người)

Thanh trạng thái trên cùng hiển thị tình trạng hiện tại của giao dịch (Ảnh – cungphuot.info)

Xác nhận thông tin hành khách đi tàu (Ảnh – cungphuot.info)

Thanh toán

Cuối cùng, các bạn sẽ được chuyển sang trang thanh toán. Hiện bên đường sắt sử dụng hệ thống thanh toán của Napas, có thể thanh toán bằng internet banking (thẻ ATM của ngân hàng trong nước) hoặc thanh toán ngay với các loại thẻ visa/master. Với một số chặng đặt sớm, các bạn có thể chọn thanh toán sau trong 24h, với những chặng thời gian khởi hành sắp đến thì cần phải thanh toán ngay. Sau khi thanh toán hoàn tất, các bạn sẽ được thông báo lại code đặt vé ngay trên màn hình giao dịch, đồng thời một email cũng được gửi về hòm thư bạn đã khai báo phía trên.

Thanh trạng thái báo giao dịch đã hoàn tất (Ảnh – cungphuot.info) 

Hủy vé tàu đã mua

Email thông báo việc hủy vé thành công (Ảnh – cungphuot.info)

Theo quy định thì bạn được phép trả lại vé tàu đã mua, thời gian muộn nhất để trả là 2 tiếng trước khi chuyến tàu đó khởi hành.

Để hủy vé, các bạn ra ga gần nhất có hỗ trợ đón trả khách (tức là ga tại đó khách có thể lên xuống tàu) và sử dụng kiosk in vé tự động in toàn bộ vé đã mua ra. Mang vé ra quầy đổi trả để làm thủ tục hủy vé, phí hủy vé là 10k/1 vé. Nếu bạn lựa chọn thanh toán trực tuyến thì tiền sẽ được hoàn trả lại vào tài khoản của bạn trong vòng 1-2 ngày.

Hướng dẫn in vé tại kiosk tự động

Để có thể lên tàu, các bạn có thể lựa chọn in vé tại các kiosk tự động có ở tất cả các ga. Nếu không kịp, các bạn có thể lưu vé điện tử trong máy để nhân viên nhà tàu kiểm tra.

Các kiosk in vé tự động được đặt ở tất cả các ga hỗ trợ đón trả khách (Ảnh – cungphuot.info)

Bước 1: Lựa chọn in theo mã (Ảnh – cungphuot.info)

Bước 2: Nhập mã đặt chỗ mà bạn nhận được sau khi thanh toán thành công (Ảnh – cungphuot.info)

Bước 3: Nhấn vào nút in xuất hiện ở phía trên bên trái của từng vé, lưu ý là có bao nhiêu vé thì phải nhấn bấy nhiêu lần (Ảnh – cungphuot.info)

Bước 4: Nhận vé nhả ra từ máy sau mỗi lần in (Ảnh – cungphuot.info)

Một số lưu ý khi du lịch bằng tàu hỏa

Có một vài lưu ý dưới đây, các bạn lưu ý để không gặp phải nhiều vấn đề phát sinh trong chuyến đi của mình nhé.

Các chuyến tàu Thống Nhất giờ đã được phục vụ các suất ăn theo tiêu chuẩn tương đương với ngành hàng không (Ảnh – cungphuot.info)

  • Luôn đặt mua vé trước chuyến đi khoảng 2-3 ngày để có thể chọn được chỗ trước. Với những dịp nghỉ lễ lớn nên đặt vé trước vài tuần.
  • Trước khi mua vé online nhớ chuẩn bị trước thông tin CMND/CCCD của tất cả những hành khách đi tàu. Mỗi lượt giao dịch chỉ diễn ra trong 10 phút nên nếu đến lúc đó mới đi hỏi các bạn sẽ không kịp thời gian hoàn thành, mất công làm lại từ đầu.
  • Trên các tuyến tàu chạy xuyên đêm, nhất là toa giường nằm, buổi tối điều hòa thường khá lạnh, các gia đình nếu có trẻ em, em bé thì nên mặc quần áo dài cho các bé.
  • Tàu Thống Nhất hiện tại nếu bạn đi các chặng dài sẽ được phát các suất ăn trưa/ăn tối miễn phí. Từ 15/3/2019 các suất ăn không được phát miễn phí nữa mà sẽ được bán cho khách có nhua cầu. Các suất ăn được đóng bọc trong các hộp nhôm như khi đi máy bay. Với các chặng đi ngắn thường sẽ không có, tuy nhiên các bạn có thể mua được những suất ăn này với giá khá hợp lý.
  • Trên tàu luôn có nước sôi, các bạn có thể mang theo một vài hộp mỳ tôm để ăn chống đói.

Tìm trên Google

  • hướng dẫn mua vé tàu hỏa online
  • mua vé tàu trực tuyến
  • du lịch bằng tàu hỏa
  • quy định trả lại vé tàu
  • mua vé tàu trực tuyến như thế nào
  • du lịch tàu hỏa tháng 8
  • kinh nghiệm đi tàu hỏa 2024
  • lưu ý gì khi đi tàu hỏa
  • giờ tàu thống nhất bắc nam tháng 8/2024

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 3 bình chọn và điểm trung bình là 5

Chưa có đánh giá nào