Kinh nghiệm du lịch Hà Tiên

Kinh nghiệm du lịch Hà Tiên (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Nằm bên bờ vịnh Thái Lan, thành phố Hà Tiên lâu nay được ví như một đất nước Việt Nam thu nhỏ nhờ có địa hình đa dạng gồm: đồng bằng, biển đảo, đồi núi, biên giới… Nơi đây cũng sở hữu bãi biển hút khách bậc nhất vùng Tây Nam Bộ thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tới hàng năm. Ngoài du lịch biển, du lịch Hà Tiên còn thu hút du khách bởi còn nhiều thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử – văn hóa gắn với những giai thoại, truyền thuyết về thời mở đất, xây dựng và bảo vệ quê hương của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer.

Hà Tiên là vùng biển nổi tiếng bậc nhất miền Tây (Ảnh – goitolangoc)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả goitolangoc, Hoàng Giám, tydiiii_, sophiedarvill, aolaya00, tanntposeidon, flustillin, pjmooney, Văn Nguyên Nguyễn, yessharklie.72_, noname_justpeople, annfoodie, Nguyen Canh, bell.beoo, Long Hoang, Nhut Truong, DMD Viet, Thái Trọng Tín, Hoang Vu Le, Alex Nguyễn, Tòng Tạ Thanh, Nguyễn Hải Đăng, Lê Ngọc Long, Nguyễn Văn Luyện, Binh Do, Thành Huỳnh, Thai Vo Hong, riiizon.music, maithuy1604, haaa.307, mymaket, iam_neyut, Huu Xuan Nguyen, Đỗ Minh Đông, Linh Pham, aboutngocdian, vinhnguyen369717, pkvv.foodies, congox, hmh_doan, mylinhh, lannnhuong_ nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Hà Tiên

Thành phố Hà Tiên ngày nay (Ảnh – Hoàng Giám)

Thành phố Hà Tiên trước đây thuộc địa bàn huyện Hà Tiên thuộc tỉnh Rạch Giá và sau đó thuộc tỉnh Kiên Giang, thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và nằm trong vùng tam giác vàng du lịch Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc

Hà Tiên vào thời Mạc Cửu còn có tên gọi là Mang Khảm, là một mắt xích quan trọng ở phía Đông vịnh Thái Lan, trên tuyến hàng hải thương mại châu Á qua vịnh Thái Lan, men theo bờ biển Đông Việt Nam lên Quảng Châu, Trung Quốc hay Luzon, Philippines. Thời kỳ cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ (1706-1780) cai quản vùng đất này, đã áp dụng một chính sách tự do và coi trọng thương mại. Mạc Thiên Tứ mở cảng cho tàu buôn nước ngoài buôn bán tự do. Hà Tiên trở thành điểm đến của các đoàn thương thuyền từ bán đảo Mã Lai, các đảo Sumatra, Java, các nước Xiêm, Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc (Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam),…

Nên du lịch Hà Tiên khi nào?

Muốn đi biển ở Hà Tiên thì cứ mùa nóng nhất nhé (Ảnh – tydiiii_)

Khí hậu Hà Tiên quanh năm mát mẻ, thường cao nhất cũng chỉ quanh mức 30ºC nên không tương đối dễ chịu, các bạn cứ sắp xếp đến Hà Tiên vào thời điểm nào thích hợp với kế hoạch cá nhân, tuy vậy có thể tham khảo một vài gợi ý:

  • Muốn khám phá biển Hà Tiên, các bạn nên đến đây vào khoảng tháng 4-5, lúc này nhiệt độ ở Hà Tiên thường cao nhất trong năm, phù hợp cho các hoạt động với nước.
  • Nếu quan tâm tới lịch sử văn hoá, các bạn không thể bỏ lỡ lễ giỗ Đức Khai trấn Mạc Cửu, người đã xin sáp nhập vùng đất Hà Tiên vào nước Đại Việt. Lễ được tổ chức trong ba ngày từ 25-27/5 (âm lịch) hàng năm.
  • Từ khoảng tháng 5-10 là mùa mưa của miền Tây nói chung, đi chơi vào thời điểm này nhiều khi hên xui vì nếu không may gặp phải mưa thì cũng chả đi được đâu. Tuy vậy, thời điểm này cũng là mùa nước nổi miền Tây, các bạn có thể sắp xếp làm một chuyến du lịch mảnh đất này và kết hợp ghé thăm Hà Tiên.

Hướng dẫn đi tới Hà Tiên

Phương tiện cá nhân

Ô tô
Với những tuyến cao tốc đang được thành hình, đi ô tô tới Hà Tiên giờ đã tương đối thuận lợi hơn (Ảnh – sophiedarvill)

Với phương tiện ô tô, các bạn có nhiều lợi thế hơn trong việc di chuyển tới Hà Tiên bởi kết hợp được một số đoạn cao tốc. Từ Sài Gòn, các bạn có thể đi theo tuyến đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương – Mỹ Thuận – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi để tới được Thành phố Rạch Giá, từ đây theo tuyến QL 80 khoảng 80 km nữa sẽ tới được Hà Tiên.

Xe máy
Nếu chạy xe máy, chắc sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thể khám phá Hà Tiên (Ảnh – aolaya00)

Đi bằng xe máy, tuy thời gian sẽ lâu hơn nhưng bù lại cũng có khá nhiều lựa chọn về cung đường. Các bạn có thể dễ dàng đi những tuyến đường có sử dụng phà mà không phải lo về mặt thời gian chờ đợi. Từ Sài Gòn, tuỳ kế hoạch các bạn cần di chuyển tới Cao Lãnh (Đồng Tháp) rồi tiếp đó có thể lựa chọn các cung đường qua Châu Đốc (An Giang) hay cũng đi tới Thành phố Rạch Giá rồi tiếp tục tới Hà Tiên.

Phương tiện công cộng

Máy bay
Sân bay Cần Thơ là cửa ngõ quan trọng của đường hàng không tới miền Tây (Ảnh – tanntposeidon)

Với những bạn ở xa muốn tới Hà Tiên bằng máy bay, các bạn có thể lựa chọn các sân bay gần nhất với Hà Tiên là sân bay Rạch Giá hoặc Cần Thơ. Sân bay Rạch Giá chỉ có các đường bay từ Hà Nội và Sài Gòn, số lượng không nhiều chuyến bay. Nếu từ các tỉnh thành khác có thể lựa chọn sân bay Cần Thơ, từ Cần Thơ sẽ mất thêm khoảng 3 tiếng di chuyển sẽ tới được Hà Tiên. Ngoài ra, một phương án khác là kết hợp bay tới Phú Quốc và dành thêm 1 ngày để khám phá Hà Tiên. Từ Phú Quốc có thể sử dụng tàu cao tốc chạy ngược về Hà Tiên với thời gian khoảng 2 tiếng.

Xem thêm bài viết: Tàu cao tốc đi Phú Quốc (Cập nhật 3/2024)

Xe khách

Từ Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Tây hàng ngày đều có xe giường nằm chất lượng cao đi Hà Tiên, các xe đều dừng tại bến xe khách Hà Tiên, thời gian di chuyển từ Sài Gòn tới Hà Tiên vào khoảng 8 tiếng.

Xem thêm bài viết: Xe chất lượng cao đi Hà Tiên (Cập nhật 3/2024)

Đi lại ở Hà Tiên

Xe máy
Có một chiếc xe máy trong những ngày ở Hà Tiên sẽ chủ động hơn khi di chuyển (Ảnh – flustillin)

Hà Tiên khá nhỏ, nếu muốn thuận lợi và chủ động các bạn nên tìm một chiếc xe máy. Dịch vụ này ở Hà Tiên chưa phát triển lắm nhưng các bạn có thể hỏi tại các khách sạn/nhà nghỉ mình lưu trú để được giúp đỡ trong trường hợp cần thiết.

Xe lôi
Xe lôi là phương tiện đi lại khá thú vị với du khách (Ảnh – pjmooney)

Đến Hà Tiên, nếu không muốn tản bộ thì bạn có thể thuê một chiếc xe lôi ngồi cùng bạn bè hoặc người thân để được đưa đi dạo chơi đến các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Tiên cũng như ngắm cảnh phố phường và đời sống của người dân.

Xe buýt

Mạng lưới xe buýt toàn tỉnh Kiên Giang gần đây đang được mở rộng với nhiều tuyến buýt chạy khắp tỉnh. Từ trung tâm Hà Tiên, các bạn có thể sử dụng xe buýt để tới các huyện trong tỉnh, tới các tỉnh thành lân cận và cả cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Với những bạn hay lang thang một mình, sử dụng xe buýt  sẽ tương đối tiết kiệm, chỉ không được chủ động lắm về hành trình di chuyển.

Taxi

Nếu không tìm được xe máy và muốn chủ động trong việc đi lại quanh Hà Tiên, các bạn có thể sử dụng taxi để làm phương tiện di chuyển.

Một số hãng taxi ở Hà Tiên

  • Mai Linh 0297 3966 966
  • Trang Ngọc Phát 0297 3959595

Lưu trú ở Hà Tiên

Là một thành phố không quá to, Hà Tiên không có các khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chỉ có các khách sạn ở quy mô vừa phải (Ảnh – Văn Nguyên Nguyễn)

Xác định việc phát triển du lịch Hà Tiên là một ngành kinh tế mũi nhọn, chính quyền thành phố ngày cành quan tâm tới việc mở rộng đồng thời nâng cao chất lượng của hệ thống lưu trú. Toàn thành phố hiện có khoảng 3000 phòng, khá đủ để phục vụ nhu cầu của du khách khi tới đây.

Một số khách sạn tốt ở Hà Tiên

HOMESTAY Sele House
Địa chỉ: Số 38, Pháo Đài, Hà Tiên, Kiên Giang
Điện thoại: 0906605929
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Ha Tien Happy Hotel
Địa chỉ: 13-14 Hoàng Văn Thụ, Pháo Đài, Hà Tiên, Kiên Giang
Điện thoại: 0297 3966 688
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Hà Tiên Homestay
Địa chỉ: Số 30 Đường Tô Châu, Đông Hò, Hà Tiên, Kiên Giang
Điện thoại: 0901020330
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Thảo Trân
Địa chỉ: Tổ 1, đường, QL80, khu phố 3, Hà Tiên, Kiên Giang
Điện thoại: 0937794134
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Visuha Hotel
Địa chỉ: 81Trần Hầu, Pháo Đài, Hà Tiên, Kiên Giang
Điện thoại: 0985066662
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn ở Hà Tiên (Cập nhật 3/2024)

Các địa điểm du lịch ở Hà Tiên

Quần đảo Hải Tặc

Quần đảo Hải Tặc là một điểm đến mới nổi trong thời gian gần đây (Ảnh – yessharklie.72_)

Xã đảo Tiên Hải với quần đảo Hải Tặc có 18 hòn đảo, nơi này cách trung tâm thành phố Hà Tiên khoảng 20 km, tiếp giáp với nước bạn Campuchia và hai huyện Phú Quốc, Kiên Lương. Quần đảo Hải Tặc thu hút du khách bởi bãi biển đẹp, cát trắng mịn, làn nước trong xanh, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, không khí mát mẻ, trong lành với nhiều sản phẩm du lịch thú vị như: câu cá, tắm biển, tắm nắng, du thuyền ngắm biển, khám phá trải nghiệm rừng, biển đảo tự nhiên và nghề nuôi cá lồng bè truyền thống của ngư dân. Nơi đây, nhiều loài thủy sản tươi ngon làm vừa lòng thực khách.

Khu du lịch Mũi Nai

Khu du lịch Mũi Nai (Ảnh – noname_justpeople)

Mũi Nai là một bãi biển xinh đẹp nằm ở vịnh Thái Lan, thuộc địa phận phường Pháo Đài. Nếu đa số các bãi biển ở Việt Nam nằm ở phía Đông, nơi mọi người có thể ngắm bình minh rực rỡ thì bãi biển Mũi Nai lại nằm ở phía Tây Nam nên đây sẽ là điểm đến lý tưởng để ngắm hoàng hôn. Trước kia, bãi biển này khá đục và nhiều rác, tuy nhiên từ 2019 nơi này đã được cải tạo lại bằng việc đổ cát trắng, trồng xây xanh để tạo cảnh quan đẹp mắt. Đến với Mũi Nai, ngoài việc ngắm cảnh biển hoang sơ, du khách còn tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí.

Đầm Đông Hồ

Hoàng hôn trên đầm Đông Hồ (Ảnh – annfoodie)

Đầm Đông Hồ là một đầm nước mặn với diện tích hơn 1000 ha nằm ở phía đông của Hà Tiên. Đầm Đông Hồ có lưu lượng nước ngọt bắt nguồn từ sông Giang Thành, kênh Rạch Giá – Hà Tiên, đặc biệt là đầm thông với cửa biển Trần Hầu nên ảnh hưởng chế độ nhật triều của vịnh Thái Lan, vì thế đầm Đông Hồ có nguồn sinh vật vô cùng phong phú. Khi tham gia tour du lịch sinh thái đầm Đông Hồ, du khách sẽ được ngồi trên tàu đi len lỏi qua các vườn dừa nước giữa đất trời bát ngát mênh mông, đến tham quan vườn cò với hàng ngàn con đậu trên những cành cây, vườn cây ăn trái; cùng tham gia các hoạt động để trải nghiệm với người dân địa phương.

Các di tích họ Mạc

Tượng đài Mạc Cửu

Tượng đài Mạc Cửu (Ảnh – Nguyen Canh)

Mạc Cửu là một thương gia người Hoa có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên vào khoảng đầu thế kỷ 18 ở Việt Nam. Tượng đài này được xây dựng nhân dịp ngày giỗ của Mạc Cửu và lễ kỷ niệm 300 năm thành lập Hà Tiên vào năm 2008. Tượng được đặt tại công viên Mũi Tàu, phường Tô Châu, Hà Tiên.

Đền thờ Họ Mạc

Quần thể đền thờ họ Mạc (Ảnh – bell.beoo)

Nằm dưới chân núi Bình San, còn gọi là Mạc Công Miếu với hai câu đối:

“ Nhất môn trung nghĩa gia thịnh trọng
Thất diệp phiên hàn quốc sủng vinh”

như ghi lại công lao của dòng họ Mạc đối với đất Hà Tiên. Ngôi đền, ngoài giá trị lịch sử, nó còn là một công trình có giá trị nghệ thuật cao, bởi cách bố trí hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Cả đền thờ được bảo vệ bằng một tường rào dày bằng đá, rêu phong.

Lăng Mạc Cửu

Khu mộ Mạc Cửu và gia đình (Ảnh – Long Hoang)

Lăng Mạc Cửu nằm trong quần thể núi Bình San, tọa lạc trên đường Mạc Cửu thuộc phường Bình San. Mặt tiền đền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng lưu thủy Đông Hồ, lưng tựa vào vách núi hình vòng cung vững chãi, bên trái là núi Bát Giác, bên phải là Đại Kim Dự.

Đền thờ Bà Mạc Mi Cô

Đền thờ bà Mạc Mi Cô (Ảnh – Nhut Truong)

Bà Mạc Mi Cô là con gái thứ năm của Tổng trấn Mạc Thiên Tích và bà Thái Phu Nhân Họ Nguyễn, cháu năm đời của Mạc Cửu, được người đời truyền khẩu tôn xưng Bà Cô Năm. Bà được ca ngợi nhân từ bác ái, giúp đỡ mọi người, thường có mặt trong việc ủy lạo cứu trợ, an ủi nhân dân khổ lụy vì chiến tranh hay có chiến tranh địch họa. Đền thờ Bà Mạc Mi Cô được xây dựng năm 2012, nằm ở phía tây núi Bình San. Hàng năm, cứ đến ngày 29 tháng 9 âm lịch, thành phố Hà Tiên lại long trọng tổ chức lễ giỗ Bà Cô Năm. Đây là dịp để người dân địa phương thành tâm khấn nguyện những điều may mắn, tốt đẹp cho gia đình, người thân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Chùa

Chùa Phật Đà

Chùa Phật Đà (Ảnh – DMD Viet)

Chùa Phật Ðà có tên dân gian là chùa Lò Gạch bởi có một điện thờ được kiến trúc giống lò gạch thủ công thường thấy ở miền Tây. Chùa nằm dưới chân núi Bình San, cách không xa lăng Mạc Cửu. Xưa kia lúc mới lập chùa, nơi đây có lò gạch bỏ hoang được sử dụng làm chánh điện. Từ chuyện xưa ấy, nên khi xây dựng, các sư có ý tưởng phục dựng lại cảnh cũ như một hoài tưởng, tri ân đến những tiền bối đã có công khai sơn, hoằng pháp.

Chùa Phù Dung

Chùa Phù Dung (Ảnh – Thái Trọng Tín)

Chùa Phù Dung hiện nay tọa lạc tại chân núi Bình San. Địa điểm hành hương & du lịch này hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với thiên nhiên mà còn bởi những câu chuyện bí ẩn gây tranh cãi về lai lịch ngôi chùa.

Chùa Xà Xía

Chùa Xà Xía (Ảnh – Hoang Vu Le)

Chùa được xây dựng theo kiến trúc độc đáo của người dân tộc Khmer Nam bộ. Hàng năm, ở đây tổ chức các lễ hội theo phong tục tập quán của người Khmer và cũng giống như đồng bào khmer ở các tỉnh Nam bộ, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của bà con dân tộc Khmer ở địa phương.

Chùa Tam Bảo

Chùa Tam Bảo (Ảnh – Alex Nguyễn)

Chùa Tam Bảo còn có tên gọi là chùa Tiêu, là một trong 10 cảnh đẹp từng được Mạc Thiên Tứ ca ngợi qua bài vịnh Tiêu Tự Thần Chung khá nổi tiếng. Chùa được triều đình nhà Nguyễn ban biển sắc phong nên còn được gọi là Sắc Tứ Tam Bảo Tự. Năm 1730, để có nơi chốn cho mẹ tu hành trong những năm cuối đời, Khai trấn Cửu Lộc Hầu Mạc Cửu đã cho xây dựng chùa Tam Bảo sau khi Thái Thái phu nhân quy y với Hòa thượng Ấn Hạ thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 35.

Núi

Núi Đá Dựng

Núi Đá Dựng (Ảnh – Tòng Tạ Thanh)

Từ trung tâm thành phố Hà Tiên, theo đường Quốc lộ 80 đến gần Thạch Động (khoảng 7 km), rẽ phải và đi khoảng 2,5 km nữa là đến núi Đá Dựng. Đây là một khối đá vôi cao khoảng 100 m. Nhìn từ xa, núi như một hình thang cân, và vì các vách đá đứng nên được gọi là núi Đá Dựng. Cảnh quan núi vẫn còn khá hoang sơ, trên núi có 14 hang động lớn nhỏ gắn với nhiều huyền thoại.

Núi Bình San

Núi Bình San với tên gọi đầy đủ trong thơ ca của Tao Đàn Chiêu Anh Các là Bình San Điệp Thúy ( Bình San chồng biếc). Và người dân địa phương còn gọi núi Bình San là “ núi Lăng” vì trên núi có lăng tẩm của vị Khai Trấn Quốc Công Mạc Cửu, vị tướng kiêm nhà thơ Mạc Thiên Tích cùng lăng mộ các tướng sĩ đã theo giúp họ Mạc xây dựng và bảo vệ Hà Tiên.

Núi Pháo Đài

Trên khu vực núi Pháo Đài ngày nay có khách sạn Pháo Đài (Ảnh – Nguyễn Hải Đăng)

Núi Pháo Đài vốn là một ngọn núi thấp nhỏ ở sát vịnh Thái Lan gần Mũi Nai được mang cái tên này vì núi giống như pháo đài che chắn cho cả Hà Tiên. Người xưa nói đặt tên núi Pháo Đài còn hàm ý cả Hà Tiên như một pháo đài phên giậu che chắn cho vùng giang sơn nội địa sau lưng, cho cả dải đất Nam Bộ. Vào thời thịnh vượng, vua Minh Mạng còn sai sửa sang, xây đồn lũy và đặt pháo trên núi. Sau này, khi cầu Tô Châu xây dựng bên núi Pháo Đài, vị trí này trở thành trung tâm của Hà Tiên.

Núi Tô Châu

Tịnh xá Ngọc Bích trên núi Tô Châu (Ảnh – Lê Ngọc Long)

Tô Châu là tên một dãy núi nằm ở phía Tây vũng Đông Hồ, bao gồm hai ngọn là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu. Đại Tô Châu còn tồn tại nền đá xưa từ thời họ Mạc, còn tiểu Tô Châu thì nằm sát bờ Đông Hồ. Trên đỉnh Tiểu Tô Châu có rất nhiều chùa chiền, tịnh xá nằm ẩn mình dưới vườn cây trái xum xuê, rợp bóng. Từ trên đỉnh núi này, có thể nhìn thấy toàn cảnh Hà Tiên trập trùng giữa biển trời mây nước.

Thạch Động

Thạch Động (Ảnh – Nguyễn Văn Luyện)

Từ trung tâm thành phố Hà Tiên theo con đường nhựa đi về hướng biên giới Tây Nam, khoảng 3 km sẽ gặp núi Thạch Động nằm cạnh bên đường, với nhiều cỏ dại và cây xanh. Leo hết những bậc thang là một hang cao và rộng, có nhiều thạch nhũ với những hình thù lạ mắt. Nhờ hai cửa hang ở trên cao (cửa phía Đông và cửa phía Tây), nên trong hang lúc nào cũng thoáng mát, và cũng nhờ nó mà người viếng cảnh nhìn thấy toàn cảnh thôn Vân, cửa khẩu Hà Tiên, và mũi Nai ở phía xa…

Tao Đàn Chiêu Anh Các

Tao Đàn Chiêu Anh Các (Ảnh – Binh Do)

Tao Đàn Chiêu Anh Các – một Tao đàn văn học có giá trị văn hóa và lịch sử to lớn được Mạc Thiên Tích sáng lập vào năm 1736. Đây được xem là Tao đàn văn học lớn của cả nước chỉ sau Tao Đàn Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ.  Công trình nhà lưu niệm được xây dựng năm 2019, đây là công trình văn hóa được xây dựng phù hợp với quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa núi Bình San nhằm mục đích bảo tồn và phát triển Tao Đàn Chiêu Anh Các thành nét văn hóa đặc trưng của khu vực phía Nam nói chung và của Hà Tiên nói riêng.

Nhà tù Hà Tiên

Di tích lịch sử nhà tù Hà Tiên (Ảnh – Thành Huỳnh)

Nhà tù Hà Tiên được thực dân Pháp xây dựng năm 1897, là nơi giam giữ và tra tấn những chiến sỹ yêu nước trong thời gian Pháp chiếm đóng Việt Nam.

Chợ đêm Hà Tiên

Chợ đêm Hà Tiên (Ảnh – Thai Vo Hong)

Chợ đêm Hà Tiên nằm trước công viên Đông Hồ Ấn Nguyệt, khu chợ đêm sầm uất này không chỉ là nơi mưu sinh của nhiều người dân Hà Tiên mà từ khi du lịch phát triển, nơi đây  trở thành điểm tham quan thu hút được nhiều du khách.

Cửa khẩu Hà Tiên

Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên (Ảnh – riiizon.music)

Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên là một trong các cửa khẩu nằm trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, điểm cuối của Quốc lộ 80. Đây là cửa khẩu đường bộ, nằm trên địa bàn Thành phố Hà Tiên, nối với cửa khẩu Prek Chak, tỉnh Kampot, Campuchia.

Ăn gì khi tới Hà Tiên

Các món bún

Bún Kèn

Bún kèn ở Hà Tiên (Ảnh – maithuy1604)

Đây là món ăn vô cùng nổi tiếng của Hà Tiên. Để có tô bún kèn thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn chế biến cầu kỳ, chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu đến rau ăn kèm. Công đoạn quan trọng để có tô bún ngon là kèn cá với nước cốt dừa. Cá sau khi luộc được tách lấy thịt, sau đó dùng chày dằm cá nhuyễn và đánh cho thịt cá bông lên, kèn với nước cốt dừa và nêm gia vị phù hợp. Các loại rau ăn kèm bún kèn gồm đu đủ, rau thơm, giá, ớt, chanh và nước mắm. Khi ăn sẽ cảm nhận được độ giòn của các loại rau hòa quyện cùng vị béo của nước cốt dừa và vị thơm ngon của cá biển tươi.

Bún nhâm

Bún nhâm (Ảnh – haaa.307)

Nhâm còn được gọi là gỏi, các tỉnh phía Bắc gọi là nộm, Nhâm được làm từ trái đu đủ mỏ vịt bào hoặc xắt sợi thêm đường, giấm, ớt, nước mắm, tôm luộc và thịt ba chỉ cùng rau thơm. Bún nhâm là bún khô bởi món ăn giản đơn và mộc mạc này nguyên liệu chỉ gồm có sợi bún tươi, đu đủ sống bào sợi, bắp chuối xắt sợi, rau sống, tôm khô (xay cho bông lên), nước cốt dừa cùng nước mắm pha chua ngọt.

Bún Xiêm Lo

Món bún Xiêm Lo ngoài ở Hà Tiên còn có thể gặp ở một số tỉnh miền Tây (Ảnh – mymaket)

Món ăn này có nguồn gốc từ Campuchia, tuy vậy khi mang về Việt Nam bún Xiêm Lo đã được cách điệu dần để phù hợp với khẩu vị của người Việt và trở thành một trong những món ăn mang đậm nét riêng của Hà Tiên. Cách chế biến về cơ bản giống món bún kèn, chỉ có chút khác biệt là ở món bún này sẽ không có nước cốt dừa mà được thay thế bằng củ ngải bún, bông súng chẻ và nước hầm từ xương heo.

Xôi Hà Tiên

Xôi Hà Tiên có 2 loại là xôi mặn và xôi ngọt (Ảnh – iam_neyut)

Xôi là món ăn bình dị làm từ nếp nhiều nơi có nhưng thưởng thức món xôi này tại Hà Tiên cũng sẽ mang lại một trải nghiệm ẩm thực thú vị cho du khách. Xôi ở Hà Tiên được chia làm hai loại là xôi mặn và xôi ngọt. Xôi ngọt có thêm nước cốt dừa được chế biến sền sệt như nước sốt, bên trên để chút dừa nạo sợi được ngào với đường thốt nốt. Xôi mặn chỉ có lớp tôm khô giã sợi nhuyễn để trên bề mặt nhưng hương vị rất đậm đà.

Hủ tiếu hấp

Hủ tiếu hấp (Ảnh – Huu Xuan Nguyen)

Món ăn có thành phần chính là hủ tiếu tươi được hấp cách thủy, dùng với nước cốt dừa, bì trộn thính, xíu mại, chả giò tôm kèm rau thơm, dưa leo băm, giá… Thực khách không thích vị béo ngậy của nước cốt dừa có thể dùng nước mắm chua ngọt, cay

Bánh canh ghẹ

Bánh canh ghẹ (Ảnh – Đỗ Minh Đông)

Bánh canh là món ăn không quá xa lạ mà ở đâu cũng có nhưng cách chế biến ở mỗi nơi đều khác nhau, bánh canh Hà Tiên được làm từ con ghẹ Hà Tiên, tạo ra hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Bánh canh ghẹ có cái ngon riêng là nước súp còn vương mùi ghẹ luộc thơm mà bánh canh thịt heo không có.

Cơm ghẹ

Cơm ghẹ (Ảnh – Linh Pham)

Dù khá giản dị và chẳng phải là món ăn đẳng cấp, nhưng cơm ghẹ xứ sở Hà Tiên luôn mang hương vị đậm đà khiến thực khách khó lòng quên được một khi đã thử qua. Thành phần làm nên món cơm ghẹ thơm ngon đương nhiên phải có cơm và ghẹ, ngoài ra còn có trứng, cà rốt, rau sống, dưa leo, cà chua, hành ngò và gia vị gồm nước tương và tiêu. Cơm ghẹ còn nóng được đơm bằng chén trình bày lên đĩa cùng ít hành ngò, dưa leo, cà chua thái mỏng, rắc chút tiêu và kèm theo một chén nước tương hoặc nước mắm mặn có vài lát ớt tươi để thực khách dùng thêm tùy theo khẩu vị.

Cơm tấm

Cơm tấm ở Hà Tiên (Ảnh – aboutngocdian)

Một trong những đặc sản chung của miền Tây là cơm tấm ăn cùng bì, chả, sườn nướng hay ăn kèm trứng ốp la, tép khô. Món ăn bán cả ngày nhưng lý tưởng nhất là ăn sáng hoặc tối. Quanh các con đường ở trung tâm thành phố Hà Tiên, gần chợ hải sản có nhiều quán cơm tấm.

Hải sản

Ghẹ

Ghẹ Hà Tiên (Ảnh – vinhnguyen369717)

Ghẹ thì có khá nhiều khắp ven biển của đất nước ta, nhưng ghẹ trên vùng biển Kiên Giang vẫn được đánh giá khá cao về chất lượng, nhất là ghẹ ở vùng biển Hà Tiên, vùng biển Hàm Ninh.

Tôm tích

Tôm tích (Ảnh – pkvv.foodies)

Ngoài bắc gọi là bề bề, ở vùng biển Hà Tiên, loài này thường sinh sản vào khoảng tháng 3, 4 (âm lịch) và trưởng thành vào tháng 9, 10. Những con tôm tích lúc này mang trứng, có nhiều gạch và thịt ăn rất béo. Hấp sả, rang cháy tỏi hoặc nấu lẩu hải sản là những cách làm phổ biến nhất.

Cà xỉu

Cà xỉu (Ảnh – congox)

Đây được cọi là đặc sản chỉ có ở Hà Tiên, loài này giống như sò, sống dưới tầng nước bùn, chủ yếu ở môi trường sông, cửa biển, nước lợ. Vẻ bề ngoài của cà xỉu trông khác lạ, vừa giống động vật hai mảnh vỏ, vừa giống côn trùng khi có cái râu to và dài. Cà xỉu sống theo mùa, khoảng tháng 6 – 8 nên ngoài việc ăn tươi, người dân Hà Tiên còn làm mắm để dùng quanh năm. Bạn có thể nếm thử đĩa gỏi cà xỉu ngâm mắm hoặc cà xỉu xào tỏi dùng chung với cơm trắng.

Cá đỏ

Cá đỏ là món ăn vặt khá phổ biến ở Hà Tiên (Ảnh – hmh_doan)

Cá đỏ nướng ăn kèm đồ chua là món vặt quen thuộc của người Hà Tiên vào mỗi buổi xế chiều. Món này được bán nhiều tại trung tâm thành phố nhưng du khách có thể tìm đến quán trên đường Trần Hầu. Nơi đây được xem là điểm hẹn dành cho người mê cá đỏ.

Đặc sản Hà Tiên làm quà

Mắm cà xỉu

Cà xỉu tập trung sống ven bờ biển nên việc tìm bắt thuận lợi, chỉ cần nhận biết được hang, dùng dụng cụ đào giống như cây xẻng nhỏ hoặc dao là bắt được nhiều. Làm mắm cà xỉu không quá cầu kỳ, sau khi trụng nước sôi và đem phơi nắng có thể muối bằng nước muối, tuy nhiên để ngon hơn thì phải muối bằng nước mắm. Vị thơm của tỏi, cay của ớt cùng cái giòn từ đuôi và thịt con cà xỉu khiến món mắm rất hấp dẫn.

Tiêu đỏ

Tiêu đỏ Hà Tiên được khai thác, sản xuất và đóng gói bằng nguồn nguyên liệu tiêu được người dân trồng tại các vùng núi. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không tẩm ướp bất kỳ thành phần, hương liệu nào khác.

Bánh thốt nốt

Bánh thốt nốt (Ảnh – mylinhh)

Thốt nốt là cây thân thẳng, mọc nhiều ở An Giang và vùng đất Hà Tiên. Cây thốt nốt ngoài việc cho đường, làm thức uống giải khát, trái thốt nốt chín vàng có mùi thơm, có thể làm ra một số loại bánh, phổ biến nhất là bánh thốt nốt. Bánh thốt nốt nhìn ngoài không mấy hấp dẫn nhưng khi mở gói ra thì ngon mắt vô cùng, làm khách phương xa nhớ nhung không chỉ ở màu vàng đặc trưng từ nước thốt nốt, mà còn ở cái vị bùi bùi của bột gạo và béo ngậy của dừa.

Lịch trình du lịch Hà Tiên

Hà Tiên là một điểm đến có thể kết hợp cùng nhiều lịch trình khám phá miền Tây (Ảnh – lannnhuong_)

Sài Gòn – Hà Tiên – Đảo Hải Tặc

Lịch trình này các bạn sẽ khám phá đảo Hải Tặc từ Sài Gòn, kết hợp thêm một số địa điểm du lịch hấp dẫn ngay ở Hà Tiên. Tuỳ vào thời gian rảnh, các bạn có thể sắp xếp kéo dài thêm cho phù hợp với lịch trình cá nhân.

Ngày 0: Sài Gòn – Hà Tiên

Bắt xe đêm từ Sài Gòn, khoảng sáng sớm ngày hôm sau các bạn sẽ có mặt tại Hà Tiên. Nếu sử dụng phương tiện cá nhân các bạn cần sắp xếp nguyên 1 ngày đầu tiên này để di chuyển nhé.

Ngày 1: Khám phá Đảo Hải Tặc

Sáng các bạn khởi hành đi đảo Hải Tặc từ ngay Hà Tiên, nếu đi vào những dịp cuối tuần hay ngày lễ các bạn nhớ đặt trước vé tàu cao tốc ra đảo nhé.

Sau khoảng 1 tiếng, các bạn có mặt trên đảo.  Thuê 1 chiếc xe máy rồi chạy quanh đảo khám phá cột mốc chủ quyền, tham quan cuộc sống và sinh hoạt của người dân trên đảo.

Trưa ăn trưa hải sản, nghỉ ngơi rồi đầu giờ chiều thuê thuyền đi quanh đảo. Chiều tối về lặn ngắm san hô, ngắm hoàng hôn trên biển.

Tối nghỉ ngơi ở các homestay trên đảo.

Ngày 2: Hà Tiên – Sài Gòn

Sáng dậy ăn sáng, trả phòng rồi mua vé tàu cao tốc trở lại Hà Tiên. Nếu không có thêm kế hoạch gì khác, các bạn lên xe trở lại Sài Gòn. Tối ngày này các bạn có mặt ở Sài Gòn, kết thúc hành trình.

Sài Gòn – Hà Tiên – Phú Quốc

Lịch trình này sử dụng phương tiện công cộng nhé, các bạn đừng mang theo xe cá nhân không lại không biết mang xe về kiểu gì. Kết hợp đi đủ các phương tiện đường bộ, đường biển, đường không trong cùng 1 hành trình luôn.

Ngày 0: Sài Gòn – Hà Tiên

Từ Sài Gòn các bạn bắt xe khách đi Hà Tiên, thời gian di chuyển sẽ mất khoảng 8 tiếng nên các bạn hãy chọn những chuyến xe đêm, buổi sáng đến Hà Tiên là vừa.

Ngày 1: Khám phá Hà Tiên

Sáng đến Hà Tiên, các bạn có thể thuê xe máy để làm phương tiện di chuyển quanh thành phố này. Một số địa điểm không thể bỏ qua như Khu du lịch núi Bình San, Mũi Nai, núi Đá Dựng với 14 hang động. Nếu thích khám phá biên giới có thể chạy về phía cửa khẩu Hà Tiên.

Nếu các bạn ngại di chuyển, có thể đặt 1 tour khám phá Hà Tiên trong ngày.

Tối lang thang thưởng thức đặc sản Hà Tiên, ghé thăm chợ đêm Hà Tiên.

Ngày 2: Hà Tiên – Phú Quốc

Sáng dậy ăn sáng, thưởng thức cafe rồi tiếp tục khám phá Hà Tiên. Đến đầu giờ chiều, lên tàu cao tốc đi Phú Quốc từ Hà Tiên (có cả chuyến sáng nếu các bạn thích đi sớm). Chỉ mất chừng hơn 1 tiếng là đến Phú Quốc. Nếu đi cùng bạn bè, các bạn có thể thuê xe máy ở Phú Quốc để làm phương tiện đi lại trên đảo, các dịch vụ này thường giao/trả xe ngay tại bến tàu hay sân bay nên rất thuận lợi.

Ngày 3+4 Khám phá Phú Quốc

Các bạn nên dành khoảng 2 ngày ở lại trên đảo để khám phá Phú Quốc, thưởng thức các món ăn ngon của thành phố đảo này.

Ngày 5: Phú Quốc – Sài Gòn

Từ Phú Quốc các bạn bay trở lại Sài Gòn, kết thúc hành trình. Tất nhiên, trước chuyến đi các bạn nhớ sắp xếp để đặt vé máy bay trước nhé.

Sài Gòn – Châu Đốc – Hà Tiên

Lịch trình này phù hợp với việc sử dụng xe cá nhân, bởi việc đi lại giữa các tỉnh miền Tây bằng phương tiện công cộng đôi khi mất hơi nhiều thời gian. Nếu có thời gian, các bạn có thể kéo dài thêm lịch trình bằng cách đưa thêm một vài điểm vào trong hành trình.

Ngày 1: Sài Gòn – Châu Đốc

Sáng xuất phát từ Sài Gòn khoảng 8-9h, nếu đi nhanh khoảng đầu giờ chiều các bạn sẽ có mặt ở Châu Đốc.

Từ Sài Gòn các bạn lái xe đi Châu Đốc, quãng đường chừng 250 km sẽ mất khoảng 5-6 tiếng di chuyển. Tuyến đường thuận lợi nhất là theo QL1A đến Tiền Giang thì rẽ QL30 theo hướng đi Đồng Tháp, qua cầu Vàm Cống đi theo tuyến QL91 đi Long Xuyên rồi cuối cũng đến Châu Đốc.

Nhận phòng khách sạn ở Châu Đốc để cất đồ, nghỉ ngơi.

Chiều tranh thủ khám phá một vài địa điểm ở Châu Đốc như miếu Bà Chúa Xứ, chùa Hang, đi thuyền khám phá làng nuôi cá bè ở Châu Đốc, làng người Chăm, thánh đường Hồi Giáo. Đừng quên ghé chợ Châu Đốc mua quà hay ăn vặt nhé.

Ngày 2: Châu Đốc – Hà Tiên

Sáng dậy, sau khi ăn sáng thì trả phòng rồi chạy đi rừng tràm Trà Sư, khu du lịch Núi Cấm rồi thẳng đường đi Hà Tiên. Chiều đến Hà Tiên, nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi rồi tranh thủ khám phá một vài địa điểm nổi tiếng ở Hà Tiên như các di tích họ Mạc, một số ngôi chùa nổi tiếng

Tối có thể lang thang, thưởng thức ẩm thực Hà Tiên, ghé thăm chợ đêm Hà Tiên.

Ngày 3: Hà Tiên – Rạch Giá – Cần Thơ

Sáng dậy ăn sáng, cafe rồi có thể ghé qua khu du lịch Mũi Nai, chơi trò máng trượt cao tốc từ trên đỉnh núi xuống, tắm biển…

Từ Hà Tiên tiếp tục khởi hành đi Rạch Giá rồi về Cần Thơ.

Tối ngủ ở Thành phố Cần Thơ, dạo chơi quanh bến Ninh Kiều, chợ đêm Cần Thơ.

Ngày 4: Cần Thơ – Sài Gòn

Sáng dậy sớm thuê thuyền đi chợ nổi Cái Răng trên sông, đi nhà cổ Bình Thuỷ rồi từ Cần Thơ chạy ngược về lại Sài Gòn kết thúc hành trình.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Hà Tiên 2024
  • du lịch Hà Tiên tháng 3
  • tháng 3 Hà Tiên có gì đẹp
  • review Hà Tiên
  • hướng dẫn đi Hà Tiên tự túc
  • ăn gì ở Hà Tiên
  • phượt Hà Tiên bằng xe máy
  • Hà Tiên ở đâu
  • đường đi tới Hà Tiên
  • chơi gì ở Hà Tiên
  • đi Hà Tiên mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Hà Tiên
  • homestay giá rẻ Hà Tiên
5/5 - (1 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kiên Giang

KIÊN GIANG

Vị trí Kiên Giang trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng phía Tây Nam của nước ta, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền tây và lớn nhì ở miền nam, trung tâm hành chính đặt ở thành phố Rạch Giá. Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam  có tốc độ tăng trưởng du lịch được coi là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh đẹp của vùng đất này ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”.

Bạn có biết: Có vị trí nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore nên Kiên Giang đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực.

  • Diện tích: 6.348,5 km²
  • Dân số: 1.738.800
  • Phân chia hành chính: 3 thành phố và 12 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 297
  • Biển số xe: 68