Kinh nghiệm du lịch Na Hang, Tuyên Quang

Kinh nghiệm du lịch Na Hang, Tuyên Quang (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 16 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Na Hang là một huyện vùng cao của Tuyên Quang, có tiềm năng lớn cho ngành kinh tế du lịch phát triển. Với diện tích hơn 8.000 ha, hồ sinh thái Na Hang kết nối các tuyến đường thủy từ thị trấn Na Hang với 8 xã khu C của huyện và các xã của huyện Lâm Bình; nối liền với khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì các đền, chùa như đền Pác Tạ, Pác Vãng cũng được trùng tu, khôi phục đã đáp ứng phần nào việc tham quan, thưởng ngoạn các thắng cảnh và du lịch tâm linh của du khách. Du lịch Na Hang các bạn còn được hòa mình vào các lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Không chỉ có vùng lòng hồ thủy điện, Na Hang còn có nhiều địa điểm rất phù hợp cho các hoạt động du lịch sinh thái (Ảnh – Micheal Peter)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Micheal Peter, giang_rubies, dhvinh97, Trung Vũ, tuyen quan, haiyentq219, thedream_place, _lichang_120, langthangdaydo, Đào Việt Dũng, UBND Huyện Na Hang, Homestay Lâm Bình, Lien Bich Duong, Tuấn Trịnh, Fb Nét đẹp thành Tuyên, Quang Minh, gấutumi, Hoa Anh Đào, Quang Hòa, phuongnhi2408, shonekam2410, Bách Hợp, dinhhuy.96, thuy.un, Bùi Thu Trang, Nguyễn Hoa, thanhtung.10 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Na Hang

Thị trấn Na Hang (Ảnh – giang_rubies)

Là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm Tp Tuyên Quang hơn 100km, Na Hang nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, huyền ảo. Dưới sự sắp đặt của bàn tay tạo hóa, nơi đây đã trở thành một trong những tiềm năng du lịch lớn nhất tại mảnh đất Tuyên Quang xinh đẹp. Na Hang giàu có với một nền văn hóa độc đáo của 12 dân tộc đang cư trú. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa thật sinh động làm đắm say biết bao con người. Vốn được coi như một vùng đất cổ, nơi mà mỗi con sông, con suối, mỗi cánh rừng, ngọn núi đều được gắn liền với những truyền thuyết đầy hấp dẫn, cái tên Na Hang từ lâu đã trở thành một địa danh vô cùng hấp dẫn du khách đến du lịch Tuyên Quang.

Na Hang theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là “ruộng cuối”. Na Hang có những cánh đồng lúa xanh mướt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình, giống như một bức tranh cổ tích nổi bật nổi bật giữa đại ngàn xanh tươi. Nhắc tới Na Hang, có lẽ không thể không nhắc tới hồ Na Hang một địa điểm được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” của Tuyên Quang

Trên lòng hồ, Na Hang hiện lên với vẻ yên tĩnh, trầm mặc, là sự kết hợp tuyệt vời của núi non, sông nước hòa quyện với cảnh sắc mây trời. Mặt nước hồ phẳng lặng, lúc nào cũng xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi. Lòng hồ là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng, được bao bọc xung quanh bởi 99 ngọn núi trùng trùng điệp điệp. Mỗi ngọn núi có một hình dáng khác nhau, tất cả in hình lên nền trời xanh, hòa lẫn với làn nước xanh thăm thẳm, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của tạo hóa.

Du lịch Na Hang vào thời gian nào?

Đến với Na Hang, các bạn cũng có thể tha hồ ngắm ruộng bậc thang nhé (Ảnh – dhvinh97)

Na Hang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều. Mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, không khí lạnh, khô hanh ít mưa, có nhiều sương muối cục bộ. Về cơ bản, trừ lúc mưa bão miền Bắc còn lại du lịch Na Hang mùa nào cũng oke, mỗi mùa Na Hang lại mang một vẻ đẹp riêng, không mùa nào giống mùa nào.

  • Đầu năm (sau Tết Âm Lịch) thường là mùa của lễ hội, đến với Na Hang tầm này các bạn tha hồ tham gia vào lễ hội của đồng bào nơi đây. Mùa này các loại đào rừng cũng nở khắp vùng núi cao phía Bắc, Na Hang chắc cũng có chút ít.
  • Vào khoảng từ tháng 5-9 là mùa mưa nên nước hồ dâng cao, suối và thác cũng nhiều nước hơn nên cảnh sắc sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, tránh dịp mưa bão khoảng tháng 7-8 (đi cũng được nhưng cần theo dõi kỹ thời tiết thôi nhé).
  • Mùa đông từ khoảng tháng 11-1 trời sẽ khô ráo hơn, có điều lên vùng cao tầm này khá lạnh nên các bạn cần chú ý mặc đủ ấm để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
  • Nếu muốn thăm ruộng bậc thang, các bạn nhớ đến Na Hang vào mùa lúa chín. Tùy từng năm sẽ có mốc thời gian khác nhau nhưng thường sẽ trong khoảng tháng 9 dương lịch.

Hướng dẫn đi tới Na Hang

Nếu sử dụng phương tiện công cộng, các bạn sẽ được đưa tới bến xe khách Na Hang (Ảnh – Trung Vũ)

Phương tiện công cộng

Nằm cách khá xa trung tâm Tp Tuyên Quang nên các tuyến vận tải công cộng tới Na Hang không nhiều, các bạn có thể lựa chọn theo 2 phương án:

  • Đi xe khách tới Na Hang, hiện có nhà xe Bảo Yến khai thác tuyến Mỹ Đình – Na Hang khởi hành 2 chuyến mỗi ngày.
  • Đi xe khách tới Tp Tuyên Quang rồi từ đây bắt các tuyến xe nội tỉnh đi huyện Na Hang. Lựa chọn phương án này nếu các bạn muốn tranh thủ du lịch khám phá Tuyên Quang.

Phương tiện cá nhân

Từ Hà Nội đi lên Na Hang khoảng gần 300km. Các bạn có thể đi từ Hà Nội theo hướng Vĩnh Yên thẳng QL2 để lên Tp Tuyên Quang, thẳng tiếp QL2 đến đoạn Km31 (Hàm Yên) thì rẽ phải theo hướng đi Chiêm Hóa, thẳng tiếp sẽ lên đến Na Hang.

Chú ý: Nếu đi ô tô các bạn có thể đi cao tốc Nội Bài – Lào Cai, rẽ ra ở nút IC9 rồi quay ngược lại ra QL2 để đi.

Lưu trú ở Na Hang

Đến du lịch sinh thái Na Hang, đừng quên ở homestay để tìm hiểu về văn hóa người Tày ở đây nhé (Ảnh – tuyen quan)

Khách sạn ở Na Hang

Để phục vụ phát triển du lịch Na Hang, hệ thống nhà hàng, khách sạn cũng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Đến nay, toàn huyện có 12 nhà nghỉ, khách sạn với 127 phòng, 249 giường nghỉ, 9 nhà hàng ăn uống.

Xem thêm bài viết: Khách sạn ở Thị trấn Na Hang (Cập nhật 12/2024)

Homestay ở Na Hang

Nếu thích ở homestay Na Hang, các bạn có thể lựa chọn những nhà sàn của người dân địa phương. Các nhà sàn này tập trung quanh khu vực lòng hồ thủy điện Na Hang, trước kia thuộc huyện Na Hang nhưng từ sau khi chia tách thì những homestay này thuộc huyện Lâm Bình, một huyện mới thành lập.

Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Na Hang (Cập nhật 12/2024)

Các địa điểm du lịch Na Hang

Nhà máy thủy điện Na Hang

Nhà máy thủy điện Tuyên Quang đặt tại huyện Na Hang (Ảnh – haiyentq219)

Đây là nhà máy thuỷ điện có công suất lớn thứ tư của miền Bắc sau nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hoà Bình. Nhà máy trước đây còn được gọi là Nhà máy thủy điện Na Hang hiện tên chính thức là Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, nằm trên lưu vực sông Gâm, thuộc địa phận xã Vĩnh Yên và thị trấn Na Hang.

Lòng hồ Na Hang

Dạo chơi trên lòng hồ Na Hang bằng thuyền là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi du lịch Na Hang (Ảnh – thedream_place)

Hồ Na Hang là một hồ nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Hồ được hình thành do dâng nước làm nhà máy thủy điện, là vùng hồ chứa nước của nhà máy với dung tích hồ chứa nước từ 1.000 triệu đến 1.500 triệu m3. Hồ là một địa điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng ở Na Hang với cảnh sắc hùng vĩ cùng nhiều địa điểm du lịch thú vị.

Cọc Vài Phạ

Cọc Vài Phạ trên hành trình thăm hồ Na Hang (Ảnh – _lichang_120)

Cọc Vài hay còn gọi là Vài Phạ, trong tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu chống Trời, là một trong những địa danh thuộc thị trấn Nà Hang. Địa danh này vốn nổi tiếng với truyền thuyết về chàng Tài Ngào đắp đập ngăn nước cho dân bản và cũng là một địa danh sơn thủy hữu tình, cuốn hút du khách vào một hành trình khám phá vô cùng lí thú đầy hấp dẫn.

Thác Mơ

Thác Mơ, Na Hang (Ảnh – langthangdaydo)

Thác Mơ Na Hang (hay còn gọi là thác Pác Ban) nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Đây là một danh thắng quốc gia với những truyền thuyết vô cùng thú vị, khơi gợi trí sự khám phá cho du khách tới thăm Na Hang.

“Truyền thuyết kể rằng thác Mơ là câu chuyện đầy cảm động về vợ chồng nàng Mơ sinh sống dưới chân núi Pắc Ban. Xưa kia, dưới chân núi Pắc Ban là ngôi nhà ấm cúng của vợ chồng nàng Mơ, sống bằng nghề hái thuốc. Nàng Mơ nhan sắc nhất vùng, da nàng trắng như hoa ban, mắt nàng trong như nước hồ, môi nàng hồng tươi như bông hoa gạo. Một hôm người chồng lên đỉnh núi hái thuốc và chàng đã không trở về. Nàng Mơ ở nhà nhớ thương chồng da diết, nàng quyết chí lên đỉnh Pắc Ban tìm chồng. Nàng mải miết đi nhưng lạ thay cứ gần đến đỉnh núi thì trời bỗng tối sầm, nàng lại phải nghỉ chân, sáng dậy thì đỉnh núi lại cao chót vót. Một ngày kia khi màu đen của màn đêm đã trùm khắp đỉnh núi, nhưng nàng vẫn đi và đêm đen đã làm nàng ngã xuống triền núi và biến thành dòng thác.”

Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung

Bản Bung, Na Hang (Ảnh – cungphuot.info)

Còn gọi là khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Nà Hang), nằm trên địa bàn 4 xã Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú và Thanh Tương. Đây là một trong những điểm du lịch thú vị ở Tuyên Quang. Với diện tích trên 21000 ha, sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên và phong phú về hệ động thực vật.

Đền Pác Vãng

Đền Pác Vãng được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa ở Na Hang (Ảnh – Đào Việt Dũng)

Trước khi xa mảnh đất đã gắn bó lâu đời, toàn thể cộng đồng người Hoa đã đóng góp tiền của để xây dựng mới ngôi đền Pác Vãng làm nơi thờ Quan đế Đaị thần và thờ Mẫu, tuy nhiên khi thuỷ điện Tuyên Quang được tích nước, ngôi đền được người dân di dời lên một vị trí mới cao hơn chính là vị trí hiện nay mà chúng ta đang thấy, đây cũng là nơi giao thoa giữa hai nền văn hoá, giữa văn hoá của người dân tộc Hoa và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Đây là một ngôi đền thiêng, mỗi khi du khách qua đây đều ghé lại thắp hương cầu nguyện.

Thác Nặm Me

Thác Nặm Me (Ảnh – UBND Huyện Na Hang)

Thác Nặm Me (Khuôn Hà) là một con thác lớn tiêu biểu trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m, cao trên 200m so với mặt nước biển với 15 tầng thác lớn, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn.

Đền Pác Tạ

Đền Pác Tạ, Na Hang (Ảnh – Đào Việt Dũng)

Đền Pác Tạ là một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai năm 1285: vị tướng tài giỏi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lúc đó đương trấn thủ vùng đất Tuyên Quang đã khôn khéo chỉ huy quân chống giặc từ Vân Nam xuống. Theo những tư liệu lịch sử cho thấy, ngôi đền Pác Tạ được dựng lên bên Gâm giang dưới ngọn Tạ sơn để phụng thờ và ngưỡng vọng vị hôn phu (người vợ sắp cưới) của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.

Thượng Lâm

Hang, thác Khuổi Súng ở Lâm Bình (Ảnh – Homestay Lâm Bình)

Xã Thượng Lâm thuộc huyện Lâm Bình, cách Tp Tuyên Quang khoảng hơn 100km. Đây là vùng đất có nhiều truyền thuyết, sơn thuỷ hữu tình với nhiều danh lam thắng cảnh. Vùng đất này có nhiều huyền thoại với những địa danh nổi tiếng như đèo Ái Au, đèo Nàng, cánh đồng Nà Tông. Cách Thượng Lâm không xa người dân ở đây còn duy trì được một lễ hội khá độc đáo đó là lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn ở xã Hồng Quang.

Đến Thượng Lâm các bạn sẽ vô cùng ấn tượng với những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày vương cùng làn khói trắng thanh bình, thấp thoáng dưới những rặng cây cổ thụ bên sườn núi.

Thác Khuổi Nhi

Thác Khuổi Nhi (Ảnh – Lien Bich Duong)

Dòng thác quanh năm tung bọt trắng đẹp như mái tóc nàng tiên giữa đại ngàn, ngược dòng thác các bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp làm đắm say lòng người. Dòng thác cao vút, bọt tung trắng xoá đổ dồn xuống một bể nước tự nhiên trong xanh, kỳ ảo, đẹp đến mê hồn. Ngoài ra, khi ngâm mình trong dòng nước ở đây, các bạn sẽ được thưởng thức một trong những dịch vụ matxa tự nhiên nhất được phục vụ bởi các nhân viên “cá” bơi tung tăng dưới nước.

Động Song Long

Động Song Long (Khuôn Hà) (Ảnh – Tuấn Trịnh)

Động Song Long thuộc xã Khuôn Hà, Lâm Bình là một hang động đẹp và có quy mô khá lớn trong vùng. Động nằm cách mặt hồ thuỷ điện khoảng trên 200m, lòng hang có chiều cao 40m, rộng khoảng 50m, chiều sâu có thể lên tới 200m. Trong hang có nhiều cột thạch nhũ với các hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương, lòng hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn.

Chùa Phúc Lâm

Bình minh trên đất Thượng Lâm (Ảnh – Fb Nét đẹp thành Tuyên)

Chùa Phúc Lâm thuộc xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Chùa có tên đầy đủ là “Phúc Lâm Tự”. Chùa tọa lạc trên một gò đất cao, rộng và bằng phẳng, quay theo hướng Tây Nam nhìn ra cánh đồng bản Nà Tông. Phía xa hơn nữa là những dãy núi Thượng Lâm trùng điệp, mây trắng bao phủ quanh năm.

Các hiện vật còn được lưu giữ tại chùa như: Tảng kê chân cột bằng đá xanh, mảng trang trí vật liệu kiến trúc bằng đất nung, bình đồ kiến trúc của ngôi chùa, các mảng tháp đất nung cùng hệ thống tượng thờ… đã chứng minh chùa Phúc Lâm ra đời trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XIII và XIV (dưới thời Trần) theo những phế tích còn lại cho thấy: Toà tiền đường có kích thước là 15m x 6m, đây là nơi để nhân dân địa phương tới hành lễ vào các ngày rằm và mùng một hàng tháng, hai bên là hai pho tượng thờ được đặt ở vị trí sát vách, trên hai tảng kê chân cột bằng đá xanh.

Ruộng bậc thang Hồng Thái

Ruộng bậc thang Hồng Thái , bức tranh sơn thủy thu hút du khách đến với xã vùng cao này (Ảnh – Quang Minh)

Hồng Thái  sở hữu khí hậu mát mẻ, trong lành, núi non hùng vỹ cùng những thảm ruộng bậc thang uốn lượn trên những sườn đồi đẹp nao lòng. Những ai đã đặt chân đến Hồng Thái đều cảm nhận về sự hấp dẫn của vùng đất có sức hút kỳ lạ. Từ Thị trấn Na Hang chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ, du khách có thể đặt chân đến nơi đây và thỏa mình khám phá cảnh quan thiên nhiên cùng văn hóa đậm bản sắc của người Dao, Mông.

Hồng Thái có cảnh đẹp bốn mùa. Mùa xuân, rực rỡ sắc hoa mận, hoa lê bạt ngàn núi rừng. Mùa hè, những thửa ruộng bậc thang hơn 80 ha đẹp tựa như thảm lụa vắt ngang lưng đồi. Khi tiết thu về, những thảm lúa chín vàng óng trên những ruộng bậc thang lớp lớp sóng lúa tỏa hương. Còn mùa đông, Hồng Thái thật huyền ảo, mây sà xuống từng vạt rừng, từng nóc nhà.

Hang Phia Vài

Di tích hang Phia Vài (Khuôn Hà) là di chỉ khảo cổ điển hình, tìm thấy hàng nghìn công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hóa Hòa Bình và bộ di cốt người nguyên thủy bán hóa thạch.

Hang Phia Muồn

Di tích hang Phia Muồn (Sơn Phú) nằm trong khu vực phổ biến là những núi đá phiến sét vôi xen kẽ những núi đất, những dải thung lũng hẹp và những thảm rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Phia Muồn là một di chỉ cư trú và là khu mộ táng của cư dân thuộc nhiều giai đoạn tiền sử khác nhau.

Xưởng quân khí H52

Di tích Xưởng Quân khí H52 (Thượng Lâm) và địa điểm sản xuất diêm tiêu (Năng Khả) là 2 cơ sở trọng yếu khai thác và sản xuất diêm tiêu phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn từ năm 1950 đến 1954, nơi có vị trí bảo đảm bí mật, an toàn, là nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất diêm tiêu thô và than củi (hai nguyên liệu chính để sản xuất thuốc súng). Xưởng Quân khí H52 do đồng chí Ngô Gia Khảm làm giám đốc, chuyên sản xuất diêm tiêu làm thuốc súng (còn gọi là thuốc đen) đã đáp ứng một phần chế tạo vũ khí như lựu đạn, mìn, thuốc phóng, dây cháy chậm, pháo hiệu phục vụ chiến trường.

Hồ Ba Bể

Pác Ngòi, Ba Bể (Ảnh – gấutumi)

Một trong những điểm đến đẹp của vùng Đông Bắc, nằm trên trục đường có thể kết hợp với hành trình khám phá Na Hang, Hồ Ba Bể là một điểm đến được khá nhiều phượt thủ lựa chọn cho cung đường của mình. Đây là một hồ nước ngọt ở Bắc Kạn, Việt Nam. 1 trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam.

Từ Na Hang có thể đi thuyền dọc sông Năng, tại điểm lên bờ đi bộ thêm khoảng 1km rồi tiếp tục thuê thuyền đi sang hồ Ba Bể.

Món ăn ngon và đặc sản Na Hang

Thịt lợn chua Na Hang

Thịt chua Na Hang (Ảnh – Hoa Anh Đào)

Đây là món ăn dân dã, được chế biến khá đơn giản với những gia vị như lá giềng, lá quế, cơm rượu nếp, muối… Các loại gia vị trên phơi khô, giã nhỏ, cùng với rượu nếp cái ướp chung với thịt lợn, sau đó cho vào hũ lớn, cứ mỗi lớp thịt lại rải một lớp gạo rang rồi bọc kín, để trên gác bếp, khoảng 1 – 2 tuần là dùng được. Đây là món ăn không chỉ ngon mà còn mang nét độc đáo đặc sắc riêng trong văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao Na Hang.

Bánh đúc Đà Vị

Người dân bán bánh đúc ở chợ Đà Vị (Ảnh – Quang Hòa)

Món bánh đúc của đồng bào Tày ở chợ Đà Vị từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân và du khách. Với những đặc trưng riêng có như mùi vị, độ giòn… bánh đúc nơi đây đã được nhiều người yêu thích và nhớ mãi.

Lợn tên lửa

Do hình dáng thon nhỏ nên giống lợn này có tên gọi là lợn tên lửa (Ảnh – phuongnhi2408)

Lên Na Hang chắc hẳn ai cũng nhớ đến hình ảnh những chú lợn màu đen, mõm dài, nhọn, có thân hình chắc, nhỏ, người ta gọi là “Lợn tên lửa”. Qua bàn tay khéo léo chế biến ẩm thực của người Na Hang, “Lợn tên lửa” đã thực sự trở thành món ăn độc đáo níu chân du khách đến với huyện vùng cao này. Thịt lợn tên lưa thơm, săn chắc, khi nấu không có nước, bì giòn…

Rau dớn Na Hang

Nộm rau dớn (Ảnh – shonekam2410)

Bà con dân tộc Tày Na Hang gọi rau dớn là Phéc cút. Loại cây chỉ có ở vùng núi cao, nơi ngọn nguồn của sông, suối và thường mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm ướt cao. Từ rau dớn người ta có thể chế biến nhiều món ăn dân dã như rau dớn luộc, nộm rau dớn, rau dớn xào tỏi, canh rau dớn.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc có thể dễ dàng tìm thấy trong các phiên chợ vùng cao (Ảnh – Bách Hợp)

Xôi ngũ sắc là món đặc trưng của dân tộc Tày Tuyên Quang, thường được làm trong các dịp lễ tết để dâng cúng thần linh. Xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng, rất thơm và có năm màu: trắng, vàng, xanh, đỏ, tím; tượng trưng cho Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ; tượng trưng cho Đất, Nước, Mây, Mưa, Nắng thuận hoà. Xôi màu trắng là loại được dùng gạo nếp đồ bình thường, màu đỏ dùng lá cơm đỏ, màu xanh dùng lá gừng, lá giềng, màu vàng dùng củ nghệ, màu tím dùng lá cơm tím. Tất cả những nguyên liệu này đều có sẵn trong vườn nhà của người dân tộc Tày. Người Tày cũng dùng những chõ đồ xôi loại đặc biệt, chõ cao được làm bằng gỗ. Khi đồ xôi, cho gạo vào chõ, vảy thêm chút rượu trắng rồi đặt vào chảo nước xôi, đến khi nào có mùi thơm toả ra là xôi đã chín.

Cơm lam

Cơm lam nướng có thể tìm thấy không chỉ ở Na Hang mà ở khắp các vùng núi phía Bắc (Ảnh – dinhhuy.96)

Cơm lam ở Tuyên Quang không có nhiều khác biệt so với các địa phương khác, nhưng phổ biến và cũng trở thành món ăn khó quên của mảnh đất này. Ai đã từng thưởng thức cơm lam Tuyên Quang sẽ không bao giờ quên được hương vị dẻo thơm của nếp. Hương thơm, vị bùi của cơm, vị cay nồng của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh của lá chuối cùng với mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ.

Hạt dổi

Hạt dổi Na Hang là loại rất thơm ngon (Ảnh – thuy.un)

Do hạt dổi có 2 loại, cây nhỏ cho hạt hắc nhưng không thơm. Cây phải trồng trên 7 năm cho hạt thơm, không hắc, nên hạt dổi trên núi Na Hang luôn được những người sành ăn ưa thích. Hiện nay, ở Na Hang chỉ còn một số nơi như xã Năng Khả, Thanh Tương là còn nhiều cây dổi. Khi còn tươi, hạt dổi có màu đỏ. Theo người dân địa phương, hạt dổi chính gốc Na Hang thường rất nhỏ, thậm chí chỉ bằng một nửa so với hạt dổi các nơi khác. Dù chỉ là thứ gia vị, nhưng khi tẩm ướp hoặc pha đồ nêm nếm, hạt dổi khiến món ăn hấp dẫn lạ thường, bởi thế nó được ví đặc sản trời cho.

Măng rừng

Măng có thể sử dụng làm nhiều món ăn nhưng măng nhồi thịt là ngon lạ nhất (Ảnh – cungphuot.info)

Được thu hoạch nhiều vào mùa mưa khoảng tháng 7-8, măng là thực phẩm ưa thích của người dân bản địa ở Na Hang và được chế biến làm nhiều món ngon như măng nhồi thịt, canh măng hay măng khô.

Đặc sản Na Hang làm quà

Rượu ngô Na Hang

Rượu ngô Na Hang có mùi thơm đặc trưng, cũng là đặc sản của huyện vùng cao này (Ảnh – Internet)

Tuyên Quang không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên của những người con gái dân tộc nơi đây mà còn nổi tiếng bởi món rượu ngô Na Hang thơm nồng và êm dịu. Rượu được nấu từ ngô cùng men lá rừng được chọn từ 20 loại thảo dược như cán cuông, khúc khắc, ớt rừng, tẳng tó, lép nặm, nhân trần, mác mjầu, khau thương, pài đổng (cây vải rừng), chuối njồm, lạc moong, nét tỉ, hoom qua (chỉ thiên), một lá, tham tràng, trầu rừng, đứa poóng, mạt cần, củ giềng, củ xả, thêm vào đó là rau răm, môn thục, cam thảo, lá quế và được chưng cất theo phương pháp gia truyền của người dân Na Hang.

Chỉ cần nhấp một chút rượu ngô thôi, bạn sẽ có những cảm giác vô cùng mới lạ. Không cay nồng như những loại rượu ở miền xuôi, không nồng nàn như những chai sâm panh, mà nó mang một hương vị hoàn toàn mới, hương vị ấy là sự pha trộn của núi rừng Na Hang. Cái hương vị thơm mát lan tỏa của rượu ngô từng chút, từng chút được ngấm vào trong cơ thể bạn, khiến bạn có cảm giác như một dòng suối đang chảy trong cơ thể mình.

Thịt trâu gác bếp Na Hang

Thịt trâu khô (trâu gác bếp) là món ăn dân dã rất ngon (Ảnh – Bùi Thu Trang)

Thịt trâu Nà Hang thơm ngon, chắc thịt, tỷ lệ mỡ và thịt hài hòa, khi ăn không có cảm giác ngấy. Những miếng thịt trâu tươi mổ trong ngày được ông cùng vợ tẩm ướp cẩn thận với gừng, tỏi, ớt bột cùng một số gia vị. Khi thịt ngấm thì đem lên sấy trên bếp củi, phải là loại củi gộc to bản thì khi cháy mới có nhiều than làm miếng thịt dậy mùi thơm

Lê Hồng Thái

Lê Hồng Thái là một loại quả đặc sản của Na Hang và Tuyên Quang (Ảnh – Nguyễn Hoa)

Nhắc đến Hồng Thái, người ta không thể không nói đến cây lê, loài cây đặc sản có từ lâu đời trên mảnh đất này. Lê ở Hồng Thái vốn có vị chua chát, chỉ người ăn quen mới cảm nhận hết được hương vị đậm đà.

Lịch trình du lịch Na Hang

Với nhiều ưu thế, du lịch Na Hang đang là một trong những điểm thu hút khách khi đến với Tuyên Quang (Ảnh – thanhtung.10)

Hà Nội – Tuyên Quang – Na Hang – Hà Nội

Ngày 1: Hà Nội – Tuyên Quang – Suối khoáng Mỹ Lâm (160km)

Từ Hà Nội xuất phát đi Tp Tuyên Quang, đi tiếp suối khoáng Mỹ Lâm. Nghỉ ngơi tắm khoáng và thưởng thức các món ăn ngon Tuyên Quang ở đây.

Ngày 2: Khám phá Na Hang

Sáng dậy ăn sáng, nghỉ ngơi rồi từ suối khoáng Mỹ Lâm đi Na Hang khoảng 150km. Đến Na Hang thuê homestay nghỉ ngơi, có thể mượn xe đạp của nhà sàn để đạp xe đi chơi quanh vùng.

Thuê thuyền thưởng ngoạn phong cảnh Hạ Long trên cạn, tham quan các di tích ngay Na Hang.

Tối thưởng thức các món ăn ngon ở Na Hang, đừng quên thử một chút rượu ngô Na Hang nhé.

Ngày 3: Na Hang – Hà Nội

Từ Na Hang về Hà Nội vào khoảng 270km, ngày về các bạn có thể lựa chọn đi qua đường Thái Nguyên. Nếu có thời gian tranh thủ khám phá thêm các điểm du lịch ở Thái Nguyên trước khi về lại Hà Nội.

Hà Nội – Ba Bể – Sông Năng – Na Hang – Hà Nội

Lịch trình này chỉ phù hợp cho các bạn đi xe máy do di chuyển từ Hồ Ba Bể qua Na Hang thuyền chỉ có thể chở theo xe máy, không thể chở theo ô tô. Nếu đi ô tô các bạn cần di chuyển từ Ba Bể qua Na Hang theo hướng đường bộ (Đường 254, khoảng 60km)

Ngày 1 : Hà Nội – Hồ Ba Bể (220km)

  • Khởi hành từ Hà Nội đi Hồ Ba Bể
  • Chơi trọn vẹn 1 ngày ở Ba Bể

Ngày 2 : Hồ Ba Bể – Thác Đầu Đẳng  – Hồ thủy điện Na Hang (220km)

  • Từ Ba Bể thuê thuyền (2 lần thuyền, lần thứ nhất đi từ Ba Bể qua Thác Đầu Đẳng rồi từ đó di chuyển bằng xe máy qua bến thuyền tiếp theo đi du lịch Na Hang.
  •  Mất khoảng 5 tiếng cho 2 lần đi thuyền này
  • Tiếp tục từ Na Hang về Tp Tuyên Quang nghỉ ngơi

Ngày 3 : Tuyên Quang – Hà Nội (150km)

Ngày này chỉ di chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội

Hà Nội – Na Hang – Hà Giang  – Nguyên Bình – Ba Bể – Hà Nội

Lịch trình này sẽ đưa các bạn đi một vòng các tỉnh Đông Bắc, từ Tuyên Quang sang Hà Giang, vòng qua Cao Bằng, trên đường về Hà Nội sẽ ghé qua Bắc Kạn. Lịch trình khá dài nên cần có thời gian mới có thể đi hết được

Ngày 1: Hà Nội – Na Hang – Thượng Lâm

Từ Hà Nội các bạn đi Tuyên Quang rồi đi chuyển lên Na Hang, dừng chơi ở Thuỷ điện Tuyên Quang, thuê thuyền đi ngắm lòng hồ thuỷ điện. Tiếp tục di chuyển lên xã Thượng Lâm của huyện Lâm Bình, tối nghỉ ngơi tại các homestay của người dân địa phương tại đây. Ngày này quãng đường hơi dài nên các bạn phải di chuyển sớm để lên tới Thượng Lâm không bị quá muộn.

Ngày 2: Thượng Lâm- Tp Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh

Sáng từ Thượng Lâm của huyện Lâm Bình các bạn đi theo đường 185 ra Vị Xuyên rồi thẳng QL 2 đi lên Tp Hà Giang. Tiếp tục từ đây các bạn di chuyển đến Quản Bạ, Yên Minh. Tối nghỉ tại Yên Minh để hôm sau tiếp tục di chuyển.

Ngày 3: Yên Minh – Đồng Văn

Ngày này quãng đường không dài, các bạn có thời gian thư thả để khám phá du lịch Đồng Văn. Từ Yên Minh đi lên Đồng Văn, đoạn đường này là một trong những đoạn đường vô cùng đẹp ở Hà Giang, các bạn cứ từ từ mà thưởng thức. Tiếp tục đi Dinh Vương, Cột cờ Lũng Cú, tối về ngủ tại phố cổ Đồng Văn.

Ngày 4: Đồng Văn – Mèo Vạc – Mã Pì Lèng – Bảo Lạc – Tĩnh Túc – Ba Bể

Chặng này cũng khá dài, khoảng 250km. Từ Đồng Văn các bạn sẽ đi qua Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc. Tiếp theo sẽ qua đến Mèo Vạc, các bạn đi theo đường Niêm Sơn để đi Bảo Lâm, Bảo Lạc qua Tĩnh Túc rồi đi theo đường 212 về Ba Bể. Tối nghỉ ngơi tại Ba Bể (nên nghỉ homestay)

Ngày 5: Ở lại Ba Bể nghỉ ngơi

Sáng dậy sớm đi tham quan khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, khám phá một số địa điểm du lịch hấp dẫn ở Ba Bể, thưởng thức các món ăn ngon ở Ba Bể.

Ngày 6: Ba Bể – Thái Nguyên – Hà Nội

Ngày cuối cùng từ Ba Bể về Hà Nội theo quốc lộ 3, các bạn có thể dành thời gian để ghé qua Thái Nguyên để tham quan một số địa điểm du lịch ở đây rồi sau đó về Hà Nội, kết thúc hành trình khám phá Đông Bắc trong 6 ngày.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Na Hang 2024
  • review Na Hang
  • hướng dẫn đi Na Hang tự túc
  • ăn gì ở Na Hang
  • phượt Na Hang bằng xe máy
  • Na Hang ở đâu
  • đường đi tới Na Hang
  • chơi gì ở Na Hang
  • đi Na Hang mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Na Hang
  • homestay giá rẻ Na Hang

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 14 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào