Kinh nghiệm du lịch Cà Mau

Kinh nghiệm du lịch Cà Mau (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Cà Mau, vùng đất được mệnh danh là “thiên đường giao thoa của rừng và biển”, nơi đây được thiên nhiên ban tặng các vùng sinh thái đa dạng, với hệ động – thực vật phong phú. Bất cứ ai khi nhắc tới Cà Mau đều nghĩ tới mũi Cà Mau – điểm Cực Nam của Tổ Quốc, đây luôn là một trong những điểm nhấn và thu hút được hàng trăm ngàn lượt du khách mỗi năm. Nhưng du lịch Cà Mau không chỉ có vậy, đến đây du khách còn có thể trải nghiệm rất nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khác như các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng của người dân sinh sống trong quần thể Khu dự trữ sinh quyển Cà Mau với những hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rừng tràm trên đất ngập nước than bùn…

Đất Mũi, vùng cực Nam của Tổ Quốc (Ảnh – long_cot)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả long_cot, manhhai, truong2011_vo, Huỳnh Lâm, Trần Quốc Bình, Sói Lang Thang, bethoang, nhatphat, Ong Vò Vẽ, binh xitrumhamy, Ubtpcm Su, Truong Thang Pham, thaikimlong, Nobita, Nguyễn Quang Quân, thuy.nguyen.2020, bylmind, Khanh Do, joseph_pts, Sơn Nguyễn văn, lieulamphoto, ngvncuong, Quang Trần, Sang Nguyen, yuh.nguyen, Lê Quí Chuân, tuanthaohd, Lê Chí Hiển, anh duc huynh, jessica._min, minh luan nguyen, Bé Tâm, truong vo, Mai Thanh Tien, Lập Phạm Đức, Đệ Nguyễn Bùi Hoàng, Cuong Nguyen Dinh, dailimmy, Tuân Huỳnh Đình, Minh Thành Nguyễn, Trần Tường Vi, hieu_it91, Tran Huu Trang, Trần Thị Mỹ Linh, Dương Kiều My, Trân Phạm, Người Sa Đéc, Chot Doan Huu, k.harric và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Cà Mau

Mục lục

Biệt khu Hải Yến ở Cà Mau những năm 1960 (Ảnh – manhhai)

Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Vùng đất Cà Mau ngày xưa được Mạc Cửu dẫn người Hoa đến khai phá. Sau khi Mạc Cửu dâng toàn đất này thần phục Nhà Nguyễn, Mạc Thiên Tứ con của Mạc Cửu đã vâng lệnh triều đình Chúa Nguyễn lập ra đạo Long Xuyên. Qua nhiều lần thay đổi về hành chính, đến ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Cà Mau được tái lập.

Thành phố Cà Mau ngày nay (Ảnh – truong2011_vo)

Tên gọi Cà Mau được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau” (tiếng Khmer: តឹកខ្មៅ), có nghĩa là nước đen. Do Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã.

Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với tổng chiều dài hơn 7.000 km. Trong đó, có những con sông có chiều dài hơn 50 km như sông Bạch Ngưu (72 km), sông Ông Đốc (hơn 60 km), sông Cửa Lớn (58 km), sông Gành Hào (56 km). Một số kênh lớn như Quản Lộ – Phụng Hiệp (dài 118 km), Cà Mau – Bạc Liêu (hơn 70 km). Bờ biển Cà Mau dài 254 km, chiếm 7,7% chiều dài bờ biển cả nước. Diện tích vùng biển rộng trên 71.000 km² , là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với những loài thủy sản có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá thu, cá chim, cá mú…

Du lịch Cà Mau thời gian nào?

Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc là một trong những lễ hội tiêu biểu của Việt Nam (Ảnh – Huỳnh Lâm)

Nằm trong khu vực nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, Cà Mau có khi hậu ôn hòa với 2 mùa rõ rệt, ít có mưa bão. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 – tháng 11, mùa khô từ tháng 11 – tháng 4 năm sau.

  • Nếu không có kế hoạch gì đặc biệt, các bạn cứ lựa chọn thời điểm mùa khô để tới Cà Mau cho thuận tiện. Nếu kết hợp đi cùng với các địa điểm khác ở miền Tây thì nói chung đi lúc nào cũng được, thuận lợi nhất cho hành trình là ok.
  • Mùa mưa đi miền Tây thì rất đẹp để ngắm cảnh sông nước, tuy vậy nếu năm nào mưa nhiều quá thì việc đi lại di chuyển bằng đường thủy cũng sẽ không thuận lợi như đi vào mùa khô.
  • Từ 14-16/2 (âm lịch) hàng năm là lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc. Đây là lễ hội dân gian lớn nhất ở Cà Mau và được xếp vào danh sách 60 lễ hội tiêu biểu ở Việt Nam.
  • Lễ hội vía Bà Thiên Hậu, lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Hoa địa phương diễn ra vào 9h00 ngày 23/3 (âm lịch). Quanh mốc thời gian này, khu vực Chùa Bà sẽ được trang hoàng vô cùng lộng lẫy với màu đỏ đặc trưng của người Hoa.

Nếu là một người yêu thích tìm hiểu văn hóa địa phương, các bạn không nên bỏ lỡ những mốc thời gian tổ chức lễ hội  này khi lập kế hoạch du lịch Cà Mau.

Hướng dẫn đi tới Cà Mau

Phương tiện cá nhân

Ô tô
Với việc QL1A đã thông tuyến tới tận mũi Cà Mau, các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân khi tới đây (Ảnh – cungphuot.info)

Với khoảng cách từ trung tâm Sài Gòn tới Tp Cà Mau chừng 300km, việc di chuyển tới Cà Mau bằng ô tô cá nhân sẽ mất chừng 8 tiếng tùy thuộc vào lộ trình các bạn lựa chọn. Chặng đường phổ biến nhất (nhưng quãng đường không phải là ngắn nhất) là theo tuyến cao tốc Trung Lương rồi đi thẳng QL1A qua các địa phương Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang. Tới thị xã Ngã Bảy của Hậu Giang các bạn có thể tiếp tục đi theo tuyến QL1A nếu có kế hoạch dừng lại ở Sóc Trăng, Bạc Liêu hoặc sử dụng tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp để chạy thẳng tới Tp Cà Mau. Tại thời điểm cuối năm 2020, tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp vẫn đang trong giai đoạn nâng cấp, những đoạn nào đã làm xong thì chất lượng rất ổn, nhưng với những đoạn đường còn đang thi công thì việc đi lại tương đối vất vả.

Xe máy

Với xe máy, các bạn có nhiều lựa chọn về cung đường di chuyển hơn so với ô tô là bởi vì nhiều tuyến đường ở miền Tây vẫn phải đi qua phà. Việc mang xe máy qua phà sẽ nhanh hơn rất nhiều so với ô tô. Tuy vậy, lộ trình dễ đi nhất các bạn cứ bám theo QL1A (để thuận lợi trong việc tìm đường).

Phương tiện công cộng

Máy bay
Các bạn ở phương xa có thể kết hợp các chuyến bay để tới Cà Mau nhanh nhất (Ảnh – Trần Quốc Bình)

Với những bạn không có thời gian, các bạn có thể sử dụng phương tiện máy bay để rút bớt thời gian cho lộ trình của mình. Chặng bay Sài Gòn – Cà Mau được khai thác hàng ngày với thời gian bay chỉ chừng 1 tiếng sẽ giúp bạn làm được điều này. Các bạn ở miền Bắc và miền Trung cũng có thể lựa chọn các chuyến bay tới Tân Sơn Nhất rồi sau đó nối chuyến đi Cà Mau.

Nếu có nhiều thời gian hơn thì một lựa chọn khác là bay tới Cần Thơ, thuê xe máy hoặc ô tô tại đây để làm một vòng miền Tây rồi lại quay trở về đây trả xe, lên máy bay về lại nơi xuất phát.

Cập nhật

Từ tháng 4/2023, hãng hàng không BamBoo đã mở đường bay thẳng từ Hà Nội tới Cà Mau với tần suất 3 chuyến 1 tuần. Thời gian bay vào khoảng hơn 2 tiếng, các bạn từ Hà Nội có thể sử dụng đường bay này nếu không có nhiều thời gian.

Xe giường nằm

Bến xe khách Cà Mau (Ảnh – Sói Lang Thang)

Từ bến xe Miền Tây ở Sài Gòn, liên tục có các chuyến xe giường nằm chất lượng cao đi Cà Mau. Các bạn có thể lựa chọn các chuyến xe đêm, ngủ một giấc trên xe là sáng hôm sau đã có mặt ở Tp Cà Mau rồi. Từ đây, kiếm phương tiện để tiếp tục khám phá vùng đất cực Nam.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Cà Mau (Cập nhật 3/2024)

Đi lại ở Cà Mau

Xe máy

Có lẽ, kiếm một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại sẽ thuận lợi hơn trong những ngày ở Cà Mau (Ảnh – bethoang)

Nếu đến Cà Mau bằng các phương tiện công cộng, các bạn có thể lựa chọn phương án thuê xe máy tại đây. Đây là lựa chọn cơ động nhất bởi các bạn sẽ chủ động hơn trong việc đi lại giữa các địa điểm. Tất nhiên, nếu ngại chạy xe máy các bạn có thể xem các phương án đi lại khác phía dưới.

Xem thêm bài viết: Địa điểm thuê xe máy ở Cà Mau (Cập nhật 3/2024)

Đường thủy

Đường thủy là một kênh giao thông quan trọng của người dân Cà Mau (Ảnh – nhatphat)

Với mạng lưới sông ngòi kênh rạch chằng chịt, đường thủy cũng là một trong số những phương tiện đi lại chính ở nhiều huyện của Cà Mau. Hiện nay, tuy tuyến đường QL1A đã thông tuyến, nhưng nếu thích trải nghiệm hành trình trên sông, các bạn tới cũng có thể sử dụng các phương tiện đường thủy tới Đất Mũi để có thêm những trải nghiệm thú vị.

Xe buýt/Xe khách

Các tuyến xe buýt nội tỉnh có thể đưa bạn đến trung tâm các huyện (Ảnh – Ong Vò Vẽ)

Các tuyến xe khách nội tỉnh Cà Mau sẽ xuất phát tại bến xe Cà Mau. Với các tuyến xe khách này các bạn có thể đến được trung tâm các huyện. Một số nhà xe còn đưa khách tới những địa điểm du lịch như Đất Mũi.

Mạng lưới xe buýt ở Cà Mau tương đối nhỏ, hiện tại chỉ có 6 tuyến xe hoạt động thường xuyên. Nếu không có phương tiện các bạn có thể sử dụng các tuyến xe buýt này để di chuyển tới trung tâm của các huyện, từ đó tiếp tục sử dụng xe ôm để tới các địa điểm mong muốn. Ngoài ra, từ Tp Cà Mau các bạn nếu muốn ghé chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng cũng có thể sử dụng phương tiện này, hiện có một tuyến xe buýt chạy thẳng giữa 2 điểm này.

Taxi

Khi mà bạn đi theo đoàn đông, có nhiều trẻ em hay người già thì với những địa điểm quanh nơi lưu trú có thể lựa chọn taxi cho thuận tiện. Đi bằng taxi với đoàn nhiều người thì chi phí chia ra cũng không quá cao.

Một số hãng taxi đang hoạt động ở Cà Mau:

  • Vinasun Cà Mau: 0290 38 27 27 27
  • Mai Linh Cà Mau: 0290 3 78 78 78

Lưu trú ở Cà Mau

Chưa có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp hẳn nhưng ở thành phố Cà Mau hiện cũng có khá nhiều khách sạn lớn với quy mô 3-4 sao (Ảnh – cungphuot.info)

Khách sạn/Nhà nghỉ

Mặc dù hàng năm đón số lượng du khách rất lớn đến với tỉnh nhưng hạ tầng cơ sở lưu trú ở Cà Mau vẫn còn nhiều hạn chế. Chưa có nhiều các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, các khách sạn lớn đa phần vẫn tập trung chủ yếu ở Tp Cà Mau nên chưa thu hút được nhiều du khách ở lại dài ngày, thời gian lưu trú trung bình tương đối ngắn.

Một số khách sạn tốt ở Cà Mau

ads KHÁCH SẠN Phu Cuong Hotel
Địa chỉ: 81 Đường Phan Ngọc Hiển, Phường 4, Thành phố Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại: 0826889088
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Nhà nghỉ Như Ngọc toạ lạc tại khu vực trung tâm Phường 5, là một trong những địa điểm vui chơi giải trí nhộn nhịp nhất Thành phố Cà Mau. Với vị trí thuận lợi, nhà nghỉ Như Ngọc chỉ cách bến xe 1 km, cách sân bay 1,5 km. Ngoài ra, xung quanh nhà nghỉ là các trung tâm thương mại, khu mua sắm, các khu vui chơi, ẩm thực từ bình dân cho đến sang trọng.

Với những khách cần một nơi yên tĩnh, kín đáo nhưng vẫn đảm bảo an ninh, nhà nghỉ Như Ngọc cũng vẫn đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của quý khách. Hẻm vào nhà nghỉ rộng rãi với bãi đậu ô tô, xe máy riêng biệt cùng bảo vệ 24/24 sẽ mang lại sự yên tâm, đảm bảo cho tất cả khách lưu trú.

Nhà nghỉ Như Ngọc được thiết kế theo lối kiến trúc hiện đại, trẻ trung, đơn giản nhưng vẫn sang trọng. Không gian decor dễ thương, xinh xắn nhưng vẫn đầy lãng mạn, ấm cúng. Có quy mô 1 trệt, 2 lầu, bao gồm 22 phòng nghỉ. Như Ngọc có đầy đủ các phòng nghỉ đơn, phòng nghỉ đôi với đầy đủ các tiện nghi cao cấp để khách lưu trú luôn cảm thấy thoải mái nhất.

Giá phòng: 250k/1 ngày đêm (Miễn phí trà, cafe, nước suối)

KHÁCH SẠN Khách sạn Thanh Trúc
Địa chỉ: 113 Ngô Quyền, Phường 1, Thành phố Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại: 0290 3820021
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Thư Duy Resort
Địa chỉ: 323 Lý Thường Kiệt, Khóm 9, Thành phố Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại: 0852334434
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách Sạn Ánh Nguyệt
Địa chỉ: 207 Đường Phan Ngọc Hiển, Phường 6, Thành phố Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại: 0290 3567666
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Mường Thanh Luxury Ca Mau
Địa chỉ: C3A Khu trung tâm hành chính chính trị, Phường 9, Tp Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại: 0290 2228888
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Tp Cà Mau (Cập nhật 3/2024)

Homestay

Homestay ở Cà Mau hiện được phát triển chủ yếu ở vùng Đất Mũi (Ảnh – binh xitrumhamy)

Có khá nhiều điều kiện để phát triển hình thức du lịch sinh thái, cộng đồng nhưng các hoạt động này  ở Cà Mau mới chỉ được đẩy mạnh phát triển trong một vài năm gần đây. Các mô hình homestay này tập trung chủ yếu ở phía Đất Mũi và U Minh. Nếu là một người ưa thích khám phá tìm hiểu về văn hóa địa phương, các bạn có thể dành một vài ngày ở đấy để tham gia vào các hoạt động đánh bắt nuôi trồng thủy sản cùng với người dân.

Xem thêm bài viết: Homestay ở Cà Mau (Cập nhật 3/2024)

Các địa điểm du lịch ở Cà Mau

Thành phố Cà Mau

Sân chim Cà Mau

Sân chim Cà Mau khá đặc biệt bởi chúng nằm ngay giữa trung tâm thành phố (Ảnh – Ubtpcm Su)

Đây là sân chim nằm trong Khu tưởng niệm Bác Hồ, tọa lạc tại khóm 1, phường 1, thành phố Cà Mau. Sân chim có diện tích 4,5 ha. Tại đây, có hơn 10.000 cá thể chim muông đến làm tổ, sinh con, đẻ cái rồi định cư ở đây. Trong đó, có rất nhiều loài cò, vạc, còng cọc, điên điển… Buổi chiều, khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc đàn chim tìm về tổ ấm, du khách dễ dàng thưởng thức bản hợp ca của hàng ngàn đôi cò rượt đuổi nhau, chim non nhốn nháo gọi mẹ, chú chim trống cất tiếng gọi bạn tình… giữa chốn phồn hoa phố thị.

Chùa Phật Tổ

Chùa Phật Tổ (Ảnh – Truong Thang Pham)

Chùa Phật Tổ (Sắc Tứ Quan Âm Cổ Tự) tọa lạc tại số 84/4, đường Rạch Chùa, phường 4, thành phố Cà Mau. Chùa được xây dựng vào năm 1840. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa với mái ngói máng có hình quả ấn, phỏng theo mái đình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nét đặc sắc trong đường nét kiến trúc ở ngôi Tam Bảo là việc dùng đồ sứ ốp vào các họa tiết có chất liệu bằng xi măng tạo thành một áng thờ có đường nét là hình ảnh các linh vật Long – Lân – Qui – Phụng được gắn lên tạo thành bao lam bao quanh ngôi chánh điện như một chiếc lộng che lấy các tượng Phật.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu Cà Mau (Ảnh – thaikimlong)

Chùa Bà Thiên Hậu (chùa Bà Mã Châu) tọa lạc tại số 68, Lê Lợi, P.2, thành phố Cà Mau, có vị trí đắc địa vì thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, chùa Bà Thiên Hậu là công trình kiến trúc tiêu biểu của người Hoa Cà Mau, nổi tiếng là chốn linh thiêng, phù hộ an lành, may mắn.

Chùa Monivongsa Bopharam

Monivongsa Bopharam là ngôi chùa Khmer rất đẹp ở Cà Mau (Ảnh – Nobita)

Chùa Monivongsa Bopharam được xây dựng năm 1964, là ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất trong vùng. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng khoảng 230 m² , gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp để cốt, am thờ, ao sen… Với những nét văn hóa đặc trưng, có thể nói chùa Monivongsa Bopharam là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của người Khmer ở Cà Mau.

Chợ nổi Cà Mau

Chợ nổi Cà Mau giờ chỉ còn buôn bán các mặt hàng trái cây là chủ yếu (Ảnh – Nguyễn Quang Quân)

Chợ nổi Cà Mau là một chợ nổi trên sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào khoảng hơn 200 m, thuộc địa bàn phường 8 ở trung tâm thành phố Cà Mau. Ngày trước, chợ ở giữa ngã ba chùa Bà cách đó khoảng hơn chục cây số. Xưa kia, đây là nơi tụ tập kiếm sống của người tứ xứ và bán nhiều loại hàng hóa khác nhau. Bây giờ, chợ chỉ còn bán các sản vật của miệt vườn. Chợ nổi Cà Mau nhóm họp trên sông suốt khoảng 3-4 giờ sáng đến chiều tối. Ở đây, người ta cũng buôn bán theo phường, hội giống như các chợ khác trên bờ.

Chợ đêm Cà Mau

Chợ đêm Cà Mau (Ảnh – thuy.nguyen.2020)

Chợ đêm Cà Mau chạy dài trên đường Phan Bội Châu, đường 6A, 6B. Chợ bắt đầu bày bán hàng từ khoản 16h đến 22h với tấp nập kẻ bán người mua vô cùng nhộn nhịp. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp những điểm bán hàng ăn uống, thức ăn nhanh phục vụ nhu cầu giải khát, ăn đêm của khách.

Năm Căn

Khu du lịch sinh thái 184

Khỉ ở khu sinh thái 184 (Ảnh – Huỳnh Lâm)

Khu du lịch sinh thái 184 nằm giữa khu rừng đước thuộc ấp Chà Là, xã Tam Giang, Năm Căn, có diện tích 252 ha. Trong đó, bao gồm khu bảo tồn nghiêm ngặt và vùng đệm. Đây là khu rừng mang nét đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau. Khu bảo tồn đa dạng sinh học 184 có 44 loài thực vật, trong đó có 32 loài đặc trưng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn, chiếm ưu thế là cây đước trên 20 năm tuổi. Đặc biệt có một số loài quý hiếm như cóc trắng, đưng, sú, vẹt; có 6 loài chim, 5 loài thú, 2 loài bò sát, 2 loài lưỡng thê. Hệ động, thực vật được bảo tồn để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch.

Ngọc Hiển

Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau, điểm đến mà người dân Việt Nam ai cũng muốn đến một lần trong đời (Ảnh – bylmind)

Mũi Cà Mau là phần chót mũi, thuộc ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Chót mũi có hình dáng kỳ lạ và đang tiến ra biển Tây (Vịnh Thái Lan) với tốc độ từ 50 đến 80m mỗi năm. Đây được coi là điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc Việt Nam. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch mũi Cà Mau (Cập nhật 3/2024)

Vườn Quốc Gia Mũi Cà Mau

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là điểm đến du lịch sinh thái, cộng đồng được nhiều du khách lựa chọn (Ảnh – Khanh Do)

Nằm trong khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào tháng 4 năm 2010, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên 41.862 ha, bao gồm diện tích đất liền 15.262 ha và diện tích đất ven biển 26.000 ha. Phần lớn diện tích đất là bãi bùn ngập triều và rừng ngập mặn, với nhiều loài thực vật. Trong khoảng 60 loài thực vật bậc cao thì có đến 26 loài cây ngập mặn và 02 loài đước đôi và quao nước nằm trong sách đỏ Việt Nam.

Cồn Ông Trang

Cồn Ông Trang (Ảnh – joseph_pts)

Cồn Ông Trang là cồn cát pha lẫn phù sa, nhô lên giữa cửa sông Cửa Lớn thuộc phân Khu du lịch Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Cồn Ông Trang nổi bật với những cồn cát được cây mắm bao phủ một màu xanh bạt ngàn, trông xa như những bức tranh thủy mặc giữa một vùng sông nước bao la. Đây là nơi duy nhất có hai cồn và trở thành điểm đến thú vị cho những ai muốn khám phá vùng đất bãi bồi rộng lớn nơi cực Nam Tổ quốc.

Khu du lịch Khai Long

Khu du lịch Khai Long nằm trên đường ra Đất Mũi (Ảnh – cungphuot.info)

Trên con đường tới Đất Mũi, các bạn sẽ đi ngang qua khu du lịch Khai Long. Đây là khu tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng kết hợp tâm linh. Khu du lịch có vị trí tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi. Đến đây, du khách được tham quan phong cảnh hoang sơ, vui chơi giải trí, viếng Tượng đức Bồ tát Quan Thế Âm… Từ đây cũng có thể nhìn thấy Hòn Khoai ngoài biển.

Hòn Khoai

Hòn Khoai (Ảnh – Sơn Nguyễn văn)

Hòn Khoai có diện tích khoảng 4 km², nằm ở phía Đông – Nam mũi Cà Mau, cách đất liền (nơi gần nhất) 14,6 km, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển. Đỉnh hòn cao 318 m so với mặt nước biển. Hòn Khoai còn mang nhiều tên khác nhau như: Đảo Giáng Tiên, Hòn Độc Lập. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp còn đặt tên Poulop. Riêng người dân địa phương còn gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó trông giống như một củ khoai khổng lồ. Đảo Hòn khoai nổi tiếng với khu rừng nguyên sinh, thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo. Trong đó, hệ thực vật rất phong phú, với hơn 1.400 loài và có nhiều loại cây có giá trị kinh tế rất cao.

Hòn Khoai có bờ biển sạch, kín gió, là nơi neo đậu, trú bão cho nhiều phương tiện khai thác thủy sản trên biển và là nơi sinh sản, trú ẩn của nhiều loài sinh vật biển. Biển Hòn Khoai với những bãi cát rộng. Khi nước triều xuống, biển lặng, sóng yên du khách có thể đi bộ trên Bãi Lớn, Bãi Nhỏ để tìm hiểu sự sống của các loài sinh vật biển và hít thở cái không khí trong lành của rừng, của biển.

Phú Tân

Đầm Thị Tường

Đầm Thị Tường (Ảnh – lieulamphoto)

Đầm Thị Tường (còn có tên là Đầm Bà Tường) nằm giáp ranh giữa 3 huyện Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời, trong đó, diện tích lớn nhất thuộc huyện Phú Tân. Đầm Thị Tường có diện tích mặt nước khoảng 700ha, chiều dài hơn 10km, rộng khoảng 2km, nơi hẹp nhất khoảng 800m, được chia làm 03 đoạn: Đầm trên, Đầm giữa và Đầm dưới. Đầm không sâu nhưng luôn giữ được mực nước trên, dưới 1m. Đây là dấu tích biển lùi và quá trình phù sa bồi đắp vùng Bán đảo Cà Mau còn dang dở.

Hàng ngày, cứ vào lúc sớm tinh sương và lúc hoàng hôn xuống quang cảnh đánh bắt cá trên đầm trở nên nhộn nhịp với nhiều loại phương tiện như xuồng, chài, lưới, vó, lú, xà ngom…Đặc biệt, khi màn đêm buông xuống, hàng ngàn ánh đèn dầu, đèn điện lung linh trên mặt đầm như lễ hội hoa đăng. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận vẽ đẹp kỳ thú của thiên nhiên và thưởng thức những món đặc sản cá, tôm của vùng quê sông nước

Trần Văn Thời

Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Ảnh – ngvncuong)

Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành.

Hòn Đá Bạc

Khu du lịch Hòn Đá Bạc (Ảnh – Quang Trần)

Hòn Đá Bạc, cách thành phố Cà Mau khoảng 50 km, cách đất liền khoảng 500 mét, có diện tích 6,34 ha, nằm ở phía tây Bán đảo Cà Mau, thuộc địa phận ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Hòn Đá Bạc bao gồm Hòn Ông Ngộ, Hòn Đá Bạc, Hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển. Trên hòn có một vài ngôi chùa nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ. Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của Hòn Đá Bạc là đền thờ Ông Nam Hải – nơi thờ bộ xương cá Ông dài 13m. Hòn Đá Bạc còn có một thảm thực vật tự nhiên thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, thảm thực vật ấy như một chiếc áo choàng lên mình để tạo cho Đá Bạc ngày một xanh hơn. Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng… Cùng với đảo Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Nhà Bác Ba Phi

Nhà Bác Ba Phi (Ảnh – Sang Nguyen)

Bác Ba Phi tên thật là Nguyễn Long Phi, sinh năm 1884, tại Rạch Mũi, huyện Cái Nước. Đây là một nhân vật nổi tiếng với những câu chuyện tiếu lâm lan truyền ở các tỉnh miền Tây. Trong chuyện kể bác Ba Phi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, các địa danh, tên đất, tên làng và những điều kiện khó khăn của người dân xứ Cà Mau – rừng U Minh hạ luôn hiện hữu, chính điều đó đã khiến truyện bác Ba Phi có sức lan tỏa rất rộng rãi. Bác Ba mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tiếu lâm cho thế hệ sau, mặc dù không được ghi chép rõ ràng nhưng vẫn được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc chí Nam.

U Minh

Rừng tràm U Minh Hạ

Rừng tràm U Minh Hạ là một phần của Vườn Quốc gia U Minh Hạ (Ảnh – yuh.nguyen)

Rừng tràm U Minh Hạ thuộc địa phận tỉnh Cà Mau rộng khoảng 35.000 ha, tiếp giáp với rừng U minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Rừng tràm U Minh Hạ có liên hệ mật thiết với vườn quốc gia U Minh Hạ bởi có đến 8.256 ha rừng được công nhận là vườn quốc gia. Trong khi đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ lại là một trong ba vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi có hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng, rừng tràm trên đất than bùn.

Vườn dâu Cái Tàu

Những trái dâu trong vườn dâu Cái Tàu (Ảnh – Lê Quí Chuân)

Vườn dâu Cái Tàu nằm tiếp giáp với rừng tràm U Minh Hạ và dọc theo tuyến sông Cái Tàu, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Từ lâu, địa danh Cái Tàu được mệnh danh là “vương quốc” của loài dâu vàng (dâu bòn bon) ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần 1 thế kỷ trước, cây dâu đã có mặt trên vùng đất này. Xuất xứ của loại cây này từ ở hòn (các đảo nằm trên biển) mang về. Những người đi biển lúc đó mang giống về trồng ở trong đất liền và người dân nhân giống ra để chia nhau trồng. Cứ thế, cái vị ngon chua chua, ngọt ngọt đến kỳ lạ ấy của trái dâu Cái Tàu nhanh chóng được người dân xã Nguyễn Phích phát triển thành vườn cho đến ngày hôm nay.

Thới Bình

Vườn cò Tư Sự

Vườn cò Tư Sự có số lượng chim cò về đây rất nhiều (Ảnh – tuanthaohd)

Vườn cò Tư Sự được hình thành những năm 2000, từ sự gây dựng của một lão nông có tình yêu đặc biệt đối với những cánh chim muông hoang dã, đó là ông Tư Sự – người chủ của mảnh đất này. Vườn  có tổng diện tích 16 ha. Trong đó, khu vực chim, cò tập trung trú ngụ, sinh sản là 10 ha. Ngoài các loại chim muông trong tự nhiên về sinh sống, trú ngụ, ông Tư Sự còn bố trí bãi mồi, cung cấp thức ăn để dẫn dụ các loại chim cò về đây sinh sống, xây tổ, đẻ trứng.

Chùa Rạch Giồng

Chùa Rạch Giồng (Ảnh – Lê Chí Hiển)

Được xây dựng vào năm 1788, chùa Rạch Giồng đã trải qua nhiều đời trụ trì, đến năm 2012, chùa khánh thành ngôi chánh điện xây dựng trên diện tích hơn 1.000 m², cao 36m và các hạng mục phụ khác như cầu, lộ bê tông, nhà ăn, tăng xá, sala, tháp …Với đường nét hoa văn được chạm trổ công phu, độc đáo mang đậm kiến trúc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer, chánh điện chùa Rạch Giồng là một trong những ngôi chánh điện đẹp nhất trong các chùa Khmer trong tỉnh Cà Mau.

Ăn gì khi đến Cà Mau

Thủy hải sản

Cua Năm Căn

Cua Năm Căn (Ảnh – anh duc huynh)

Cua biển là loại hải sản có giá trị kinh tế cao và quen thuộc đối với người dân Cà Mau. Thịt cua biển rất bổ dưỡng và chế biến được nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Trong đó, cua biển rang me là một món ăn được nhiều người ưa thích, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món này ở trong bất kỳ nhà hàng quán ăn nào vùng Đất Mũi.

Ba khía

Ba Khía rang me (Ảnh – cungphuot.info)

Ba khía là loài giáp sát, nhỏ hơn và có hình dáng như con cua nhưng lớn hơn con còng. Ba khía thường có càng to, sống chủ yếu ở vùng đất ngập mặn ven sông, ven biển. Ở Cà Mau, ba khía sống tập trung nhiều ở vùng đất nuôi tôm, ven các tuyến sông rạch, bãi bồi và vùng đất rừng ngập mặn Mũi Cà Mau.

Cá lóc nướng

Cá lóc nướng (Ảnh – jessica._min)

Các món nướng ở Cà Mau rất nổi tiếng, bởi nó ngon từ nguyên liệu chế biến và cách nướng theo nhiều kiểu độc đáo, giữ được sự tinh túy, nguyên bản của thực phẩm. Riêng món cá lóc nướng trui là phải nướng bằng rơm thì thịt cá mới thơm và ngon. Sau khi rơm cháy rụi, ta lấy cá ra cạo sạch lớp vẩy đã cháy đen bên ngoài sẽ có được con cá lóc nướng trui vàng tươi. Cá còn nóng, để ra tàu lá chuối rồi dùng đủa ăn rạch một đường trên lưng từ đầu đến đuôi, khi xẻ cá ra khói và mùi thơm bên trong bốc lên tạo nên hương thơm đặc trưng làm cho người ta khó có thể cưỡng lại được.

Cá thòi lòi

Cá thòi lòi (Ảnh – minh luan nguyen)

Ở vùng Đất Mũi có cá thòi lòi với cặp mắt to, sống trong hang, biết leo cây, di chuyển rất nhanh. Trong thực đơn, thòi lòi là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Cá thòi lòi có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, thịt cá thơm, ngon, ngọt.

Cá ngát

Cá ngát là một trong những đặc sản nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao của vùng Đất Mũi Cà Mau. Nếu như các loại cá nước mặn khác như cá chẽm, cá mú, cá nâu, cá kèo, cá bớp… người dân có thể mua con giống về nuôi trong lồng bè hoặc các ao đầm nuôi tôm thì riêng cá ngát chỉ sống trong môi trường tự nhiên và chưa được người dân Cà Mau nuôi nhốt. Cá ngát có giá trị kinh tế tương đối cao. Cá ngát có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như nấu canh chua cơm mẻ, nấu canh chua dưa môn, kho trái giác, kho lạt, nướng, chiên sả, làm khô… Cá ngát từ lâu là một đặc sản không thể thiếu của vùng đất ngập mặn ven biển Mũi Cà Mau.

Nghêu Khai Long

Nghêu chế biến được nhiều món, có thể nấu cháo hoặc ăn cùng lẩu (Ảnh – Bé Tâm)

Bãi Khai Long cạn, nền đáy pha cát, có địa hình tương đối bằng phẳng nên rất thích hợp cho loài nghêu biển sinh sống, trú ngụ. Nghêu Khai Long ít ngậm cát, to con, mập ú, nhiều thịt, thịt ngon ngọt, chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng.

Sò huyết

Ở Cà Mau, sò huyết có nhiều ở bãi bồi Mũi Cà Mau và các kinh, rạch trong rừng đước. Ngày nay chúng còn được người dân nuôi trong các vuông nuôi tôm, rất mau lớn và đạt năng suất cao. Sò huyết có thể làm nhiều món, nhưng ở Đất Mũi ngon nhất có lẽ là đem nấu cháo. Cháo sau khi nấu chín, nêm nếm gia vị xong, đổ ruột sò huyết vào, trộn đều và nhấc xuống khỏi bếp là đã có một nồi cháo bổ dưỡng và ngon tuyệt vời.

Hàu

Hàu nướng mỡ hành (Ảnh – truong vo)

Ở Cà Mau, ngoài hàu từ thiên nhiên, người dân còn nuôi hàu bằng lồng và tập trung nhiều ở xã Đất Mũi.  Thịt hàu rất ngon lại giàu chất dinh dưỡng, có chứa protein, glucid, chất béo, kẽm, magiê, canxi,…tốt cho sức khỏe có thể chế biến thành nhiều món ngon như hàu nấu cháo, nấu lẩu, chiên giòn… Tuy nhiên, hàu nướng mỡ hành mới là “đúng sách” vì món này rất thơm ngon và giữ lại gần như nguyên vẹn vị ngon ngọt của nó.

Vọp

Vọp hấp gừng (Ảnh – Mai Thanh Tien)

Con vọp là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh, hình dạng giống con nghêu, con sò nhưng to hơn gấp 3 lần. Chúng sống ở các bãi bồi, cửa biển, rừng ngập mặn của một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, tại Ngọc Hiển và Năm Căn, vọp sinh sống rất nhiều, thịt dai và ngọt hơn các nơi khác. Thịt vọp chế biến được rất nhiều món, đơn giản và nhanh nhất là luộc vọp chấm nước mắm chua ngọt, nếu cầu kì thêm một tý thì nên luộc vọp với gừng, ăn sẽ đậm đà hơn.

Ghẹ

Ghẹ là một trong những đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau. Ghẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như nướng, rang muối, nấu bánh canh… Tuy nhiên, ghẹ luộc là món ăn dễ chế biến, chế biến nhanh và hấp dẫn nhiều người. Ở Cà Mau có 2 loại ghẹ: ghẹ sinh sống, đánh bắt được ở trên biển tương đối lớn con; ghẹ sinh sống trong sông rạch và các ao đầm nuôi tôm có thân hình nhỏ con hơn nhiều so với ghẹ biển. Có một điều đặc biệt là ghẹ Cà Mau chỉ được sinh sống trong môi trường tự nhiên, không có nuôi nhốt nên thịt săn chắc, ngon ngọt và gạch thì béo ngậy không chê vào đâu được.

Tôm sú

Tôm sú nướng (Ảnh – Lập Phạm Đức)

Tôm sú là một trong những loại hải sản giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao và có sản lượng lớn trong nuôi trồng, khai thác thủy sản Cà Mau. Chỉ cần lựa chọn những con tôm còn tươi, ngon nhất là những con tôm vừa mới được bắt lên, còn sống, rửa sạch, để ráo nước rồi cho lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Tôm sú nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua ngọt và ăn kèm với rau răm, rau thơm, hún lủi, quế, dưa leo… và cũng có thể cuốn bánh tráng với rau sống, chấm mắm nêm theo sở thích của mỗi người.

Ốc len

Ốc len (Ảnh – Đệ Nguyễn Bùi Hoàng)

Ốc len là loại nhuyễn thể, sống phổ biến ở rừng ngập mặn và là một món ăn đặc sản Cà Mau, nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Thịt ốc len có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo. Thường người ta có hai cách chế biến là xáo nước cốt dừa và xào sả ớt.

Lẩu mắm U Minh

Lẩu mắm (Ảnh – Cuong Nguyen Dinh)

Người dân Cà Mau nói chung, U Minh nói riêng, ăn cơm thường có các món ăn kèm, trong đó, lẩu mắm (mắm kho cho vào lẩu ăn kèm với nhiều loại rau đồng) là một trong những món ăn dân dã không thể thiếu của người dân U Minh Hạ. Theo người dân địa phương, để có lẩu mắm ngon phải nấu bằng mắm cá sặt. Con mắm sặt có mùi thơm đặc trưng so với các loại cá khác. Nước lẩu mắm thơm ngon không thể thiếu sả, ngải bún, ngò om, nêm chút đường, hạt nêm tuỳ theo khẩu vị. Thảm thực vật rừng U Minh vô cùng phong phú và đặc biệt có rất nhiều đặc sản cá đồng, rau rừng ăn với lẩu mắm.

Bánh tầm gà cay

Bánh tầm kết hợp với cà ri gà tạo thành món bánh tầm cay (Ảnh – dailimmy)

Bánh tầm có 2 loại là bánh tầm bì và bánh tầm xíu mại, để có món bánh tầm gà cay, người Cà Mau kết hợp bánh tầm với món cà ri gà cay. Cái dai dai của miếng thịt gà kết hợp với sợi bánh tầm cùng vị cay của nước cà ri và giá, rau thơm đã tạo nên món cà ri gà cay đặc trưng của vùng đất Cà Mau.

Bún nước lèo Tắc Vân

Bún nước lèo (Ảnh – Tuân Huỳnh Đình)

Bún nước lèo là món ăn dân dã mà đậm đà khó quên của người dân miền Tây, bún nước lèo Tắc Vân cũng vậy. Tô bún thoang thoảng hương vị mùi mắm đồng hòa quyện cùng vị ngọt thơm của tôm đất, của bì khiến tô bún nước lèo trở thành món ăn khó quên và làm xiêu lòng biết bao du khách. Quán bún này đã có hơn 30 năm, nằm ngay trên QL1A trên đường từ Bạc Liêu đi Cà Mau, cách trung tâm Tp Cà Mau khoảng 10km.

Bánh xèo

Bánh xèo ở Cà Mau (Ảnh – Minh Thành Nguyễn)

Có mặt trên khắp các vùng miền Tổ Quốc nhưng bánh xèo ở mỗi vùng vẫn có những hương vị khác nhau. Bánh xèo Cà Mau tương đối to, nhiều nhân, ăn kèm với các loại rau rừng. Nhân bánh xèo Cà Mau thường được làm từ tôm đất, tôm bạc còn sống, nhảy tanh tách, để nguyên vỏ, chỉ cắt đầu, cắt đuôi rồi thả vào trong bột. Ngoài tôm đất, tôm thẻ, nhân bánh xèo Cà Mau còn có thể dùng thịt heo ba rọi, thịt vịt xiêm băm nhuyễn, xào chung với củ hũ dừa, củ sắn, giá sống, đậu xanh luộc chín, cho thêm ít hành, tiêu và nêm nếm muối, bột ngọt cho vừa ăn.

Bánh canh cua cốt dừa

Bánh canh cua cốt dừa (Ảnh – Trần Tường Vi)

Đối với người dân Cà Mau, con cua không chỉ là nguồn lợi để phát triển kinh tế gia đình mà còn để chế biến nhiều món ăn đặc trưng riêng và rất bổ dưỡng. Bánh canh cua nước cốt dừa là món ăn quen thuộc của người dân vùng sông nước Cà Mau. Món này có vị béo của nước cốt, vị ngọt của thịt cua và sợi bánh canh vừa mềm, vừa dai sẽ rất hấp dẫn khi một lần được nếm thử.

Rau bồn bồn

Bồn bồn muối chua (Ảnh – cungphuot.info)

Từng một thời được xem là loài cây hoang dại, bồn bồn giờ đây đã “vươn mình” trở thành một loại đặc sản trứ danh của vùng Đất Mũi Cà Mau. Cây bồn bồn vốn bình dị là vậy, nhưng khi được người dân nơi đây tinh tế chế biến, nó đã được biến tấu thành nhiều món đặc sản hấp dẫn. Đặc biệt, món dưa chua giòn ngọt bồn bồn rắng nõn nà, khi ăn có vị chua, giòn, ngọt và sần sật.

Gỏi ong non

Mật ong rừng U Minh Hạ là một đặc sản rất nổi tiếng của vùng đất U Minh. Ngoài việc lấy mật, lấy tàn ong để nấu sáp, người gác kèo ong còn lấy nhộng ong để chế biến nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, mang đặc trưng của cư dân miệt rừng như nấu cháo, làm mắm. Trong đó, hấp dẫn nhất là lấy nhộng ong để làm món gỏi ong non. Món gỏi ong non thường ăn kèm với rau răm, rau thơm, quế

Đặc sản Cà Mau mua về làm quà

Mật ong rừng U Minh

Mật ong rừng U Minh là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Cà Mau (Ảnh – hieu_it91)

Mật ong rừng không chỉ thuần khiết tươi nguyên mà hương vị cũng vô cùng độc đáo, đậm đà chất rừng tràm của vùng Đất Mũi tận cùng Tổ quốc. Một đặc điểm đáng quý phải kể đến là quá trình làm mật ong rừng U Minh hoàn toàn tự nhiên và hoang dã. Ong ở đây tự đi hút mật, sinh sống và tạo mật mà không có bất cứ sự can thiệp nào của bàn tay con người.

Tôm khô Rạch Gốc

Tôm khô Rạch Gốc (Ảnh – Tran Huu Trang)

Nghề làm tôm khô ở huyện Ngọc Hiển không ai biết hình thành tự khi nào, chỉ nghe nhiều người lớn tuổi kể lại là có cả trăm năm. Khi đó, ở vùng ven biển nơi đây bà con chủ yếu làm nghề đóng đáy, đặt vó với sản lượng tôm dồi dào, không tiêu thụ hết. Họ đã luộc chín tôm trong nước muối nhạt rồi phơi khô, trữ lại dùng dần. Sau đó, các thương lái người Hoa tìm đến thu mua, bà con làm nghề bắt đầu tìm tòi để làm ra sản phẩm đẹp mắt, chất lượng hơn. Tôm khô của Rạch Gốc ngon và nổi tiếng không chỉ bởi vì chất lượng con tôm ngon mà trong đó còn mang cả tinh tuý kỹ thuật chế biến truyền thống.

Mắm cá lóc Thới Bình

Mắm cá lóc Thới Bình (Ảnh – Trần Thị Mỹ Linh)

Cà Mau tuy không phải là thủ phủ mắm như vùng Châu Đốc (An Giang), nhưng Cà Mau lại có nhiều loại mắm ngon nổi tiếng, mà trong đó phải kể đến mắm lóc Thới Bình, con mắm có tiếng từ lâu ở vùng Nam Bộ. Mắm lóc Thới Bình chính gốc có mùi thơm, vị mặn nhưng đậm đà, thịt cá đỏ au, có thể để rất lâu mà không bị thay đổi mùi vị.

Khô bổi U Minh

Khô bổi U Minh (Ảnh – Dương Kiều My)

Cá bổi là loài sống là một trong những lại cá đồng, sống trong môi trường nước ngọt, nhưng thuộc nhóm cá đen, tập trung nhiều nhất ở hai khu vực: vùng rừng tràm U Minh Hạ và các huyện thuộc vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Cá bổi có mặt ở nhiều vùng, nhưng con cá bổi của vùng rừng tràm U Minh thì ngon hơn hẳn, do con cá bổi chỉ ăn được phiêu sinh và rong tảo trong nước, mà U Minh là vùng đất phù sa, phần lớn mặt đất còn chìm ngập dưới mặt nước, lại được che phủ bởi rừng tràm trầm thuỷ, là môi sinh lý tưởng cho phù du, rong tảo phát triển. Trước kia, do sản lượng quá dồi dào nên để trữ cá ăn lâu dài người dân đem làm khô hoặc làm mắm; trong đó, khô cá sặc bổi là một trong những loại cá khô ngon xếp hạng nhất nhì.

Mắm cá sơn

Mắm cá sơn (Ảnh – Trân Phạm)

Ở Cà Mau có rất nhiều loại mắm, nhưng phổ biến nhất vẫn là mắm cá đồng. Mắm cá sơn mới xuất hiện những năm gần đây, bởi loại cá tạp này trong thời gian dài chỉ dùng làm cá phân ủ nước mắm hoặc bỏ đi. Quyết không để lãng phí nguồn cá tạp dồi dào của tự nhiên, người dân ở các huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời… đã chế biến thành món mắm chua dân dã nhưng cũng không kém phần hấp dẫn người thưởng thức.

Dâu Cái Tàu

Trái dâu khi chín có màu vàng đẹp mắt (Ảnh – Người Sa Đéc)

Đặc trưng của trái dâu Cái Tàu là trái lớn, mỏng vỏ, mọng nước, vị ngọt, chua nhẹ, khi chín nó có màu vàng trông rất đẹp mắt. Dâu Cái Tàu trổ bông vào cuối mùa Đông, chín vào cuối mùa Xuân khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt, thường đúng vào dịp lễ 30/4 – 01/5 hằng năm.

Rượu trái giác

Rượu trái giác (Ảnh – Chot Doan Huu)

Trái giác là một trong những loại dây leo, mọc hoang ngoài rừng, vườn tạp, bờ rào và phát triển mạnh trên đồng đất Cà Mau. Dây giác có trái bằng đầu ngón tay màu xanh và khi chín chuyển sang màu tím. Trước đây, người dân ở vùng nông thôn Cà Mau chỉ biết dùng trái giác như một thứ gia vị để chế biến các món ăn dân dã, đồng quê như nấu canh chua, kho cá. Thế nhưng, những năm gần đây loại trái này đã được chế biến ra sản phẩm rượu trái giác và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Lịch trình du lịch Cà Mau

Mùa hoa ô môi hồng ở Cà Mau (Ảnh – k.harric)

Sài Gòn – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau

Lịch trình này phù hợp cho các bạn sử dụng phương tiện cá nhân, chinh phục mũi Cà Mau là mục tiêu chính. Trên đường đi tranh thủ khám phá một số địa điểm dọc đường.

Ngày 1: Sài Gòn – Sóc Trăng

Quãng đường từ Sài Gòn tới Sóc Trăng chừng hơn 200km, nếu di chuyển theo tuyến QL1A qua Cần Thơ sẽ nhanh hơn vì không phải đi phà, tuy nhiên nếu thích các bạn có thể đi theo tuyến đường qua Tp Trà Vinh, bến phà Đại Ngãi – Cù Lao Dung để tới Tp Sóc Trăng.

Cù Lao Dung cũng là địa điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn của tỉnh Sóc Trăng với những vườn cây ăn trái trĩu quả cùng khu rừng bần ngập nước.

Tối ngủ ở Tp Sóc Trăng

Ngày 2: Sóc Trăng – Bạc Liêu

Khám phá một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng như Chùa Dơi, chùa Đất Sét, trên đường di chuyển sang Bạc Liêu ghé vào chùa Chén Kiểu. À đừng quên thường thức món bún gỏi dà nổi tiếng của Sóc Trăng vào buổi sáng.

Với khoảng cách giữa 2 thành phố chỉ chừng 50km nên việc di chuyển không mất quá nhiều thời gian. Khoảng buổi trưa các bạn đã có mặt ở Tp Bạc Liêu.

Ghé thăm nhà Công tử Bạc Liêu, nhà hát Cao Văn Lầu… rồi di chuyển ra phía biển để check-in với Cánh đồng điện gió đẹp nhất Việt Nam, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ… chiều tối thưởng thức món bánh xèo rồi quay lại trung tâm Tp Bạc Liêu ngủ.

Ngày 3: Bạc Liêu – Đất Mũi – Tp Cà Mau

Sáng dậy sớm, thưởng thức món bún bò cay đặc sản Bạc Liêu. Di chuyển thẳng đi Cà Mau, trên đường di chuyển qua Thị xã Giá Rai có thể ghé thăm nhà thờ Tắc Sậy (nhà thờ Cha Diệp).

Vì quãng đường từ Tp Bạc Liêu tới Đất Mũi vào khoảng gần 200km nên các bạn cố gắng đi sớm, khoảng trưa sẽ tới được Đất Mũi.

Sau khi dừng chơi chụp ảnh với vùng Cực Nam của Tổ Quốc, tối các bạn di chuyển lại về Tp Cà Mau nghỉ đêm.

Ngày 4: Tp Cà Mau – Tp Cần Thơ

Sáng dậy thong thả nghỉ ngơi do hôm trước chạy dài, sau khi ăn sáng cafe xong các bạn đi theo tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp, chặng đường chỉ chừng 150km nên đi cũng khá nhàn, chừng hơn 3 tiếng sẽ về tới Tp Cần Thơ.

Chiều khám phá một số địa điểm ở Tp Cần Thơ, tối dạo bến Ninh Kiều.

Ngày 5: Cần Thơ – Sài Gòn

Dậy sớm đi chợ nổi Cái Răng, tùy vào thời gian mà các bạn có thể chơi ở Cần Thơ đến chiều rồi sau đó trở về Sài Gòn hoặc chạy thẳng qua Vĩnh Long chơi rồi mới về lại Sài Gòn.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Cà Mau 2024
  • du lịch Cà Mau tháng 3
  • tháng 3 Cà Mau có gì đẹp
  • review Cà Mau
  • hướng dẫn đi Cà Mau tự túc
  • ăn gì ở Cà Mau
  • phượt Cà Mau bằng xe máy
  • Cà Mau ở đâu
  • đường đi tới Cà Mau
  • chơi gì ở Cà Mau
  • đi Cà Mau mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Cà Mau
  • homestay giá rẻ Cà Mau
5/5 - (1 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Cà Mau

CÀ MAU

Vị trí Cà Mau trên bản đồ Việt Nam

Cà Mau là một tỉnh ven biển ở cực nam nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Vùng đất Cà Mau ngày xưa được Mạc Cửu dẫn người Hoa đến khai phá.

Với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập lợ đan xen giữa những rừng cây là những dòng sông uốn lượn, từng là điểm mở đường Hồ Chí Minh trên biển cùng nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia; nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản chất văn hóa dân tộc nên Cà Mau là một trong những điểm đến được nhiều du khách ưa thích.

Bạn có biết: Cực Nam của Tổ Quốc nằm tại mũi Cà Mau của tỉnh Cà Mau.

  • Diện tích: 5.294,87 km²
  • Dân số: 1.194.476 người
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 8 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 290
  • Biển số xe: 69