Chinh phục Bạch Mã, chuyến hành trình đầy cảm xúc !

Chinh phục Bạch Mã, chuyến hành trình đầy cảm xúc !

Cùng Phượt – Bài viết chia sẻ về chuyến đi chinh phục Bạch Mã của các bạn trong nhóm Hội Phượt Huế qua sự chia sẻ của bạn Đặng Văn Chương. Do Bạch Mã cấm xe máy (chỉ cho phép đi bộ hoặc ô tô) nên để có thể lên tới đỉnh, các bạn trong nhóm lựa chọn phương án leo bộ cung đường gần 20km.

Đoàn chụp ảnh trước khi đi (Ảnh – Hội Phượt Huế)

Đoàn gồm 17 thành viên khởi hành với hành trang của nhiều người là con số 0 tròn trĩnh về kinh nghiệm leo núi, vượt rừng. 8h45 sáng, Bắt đầu cuốc bộ 17km từ chân Bạch Mã lên Hải Vọng Đài cao 1430m với 5kg đồ ăn thức uống và các vật dụng cần thiết khác trên mỗi cái lưng. Không quên chụp lại một tấm ảnh trước khi đi, đây có lẽ là tấm ảnh sáng sủa nhất của 17 khuôn mặt trước chuyến “khổ hạnh” sắp tới. Đường đi được lát bê tông, khá rộng và dễ di chuyển, tầm 1 tiếng sau chúng tôi mới nhận ra đó chính là trở ngại lớn nhất của chuyến đi

Trời nắng nên cả đoàn mất khá nhiều sức (Ảnh – Hội Phượt Huế)

10h, cả đoàn chạm mốc km số 2/17. Cứ mỗi lần mặt trời ló ra từ mấy đám mây thì mặt đứa nào đứa nấy lại tối sầm lại, mặt đường bê-tông trãi rộng có quá ít bóng râm, mệt và mồ hôi vã như tắm, nhưng vẫn còn tới 15km để chinh phục.

12h30 đoàn nghỉ trưa trong 20 phút ngay bên đường (Ảnh – Hội Phượt Huế)

Giữa đường đi may mắn bắt gặp được vài cây khế chua. Vì cả đoàn chỉ mang theo bánh mì và đồ khô để ăn nên mặc dù chua lè nhưng nếu kết hợp nó với mấy gói muối ở trong gói mì tôm chua cay thì sẽ được một món đặc sản bổ dưỡng của núi rừng Bạnh Mã, vừa có thể giải khát chút ít. Giữa trưa cả đoàn nằm la liệt ven đường và đánh 1 giấc 20 phút để thu nạp lại năng lượng, khái niệm “sạch sẽ” giờ đã được đóng gói trong ngăn tủ. Cả đám giờ như một nhóm tị nạn, tuy mệt lừ nhưng vui cực kì !

Trời nắng nên vấn đề lớn nhất của cả đoàn là nước. Những dòng suối mát lạnh của Bạch Mã là một trong những nguồn nước tinh khiết nhất mà bạn có thể tìm thấy, nước cực mát như được mang ra từ tủ lạnh. Đoạn 6km đầu có khá nhiều dòng suối ven đường, nhưng có một đoạn từ km số 7 đến 11 thì chả có cái nào. Đây là đoạn đường khó khăn nhất của cả đoàn, nhiều người trong bọn tôi vật vã từng bước như zombie, chai nước của đứa nào cũng trống không nên chỉ còn biết biết động viên nhau cố gắn, may mắn là không có ai bỏ cuộc giữa chừng. Đang lê lết thì trời thương, gặp được các chuyến xe oto chở du khách từ trên đỉnh đi về, mấy bạn tốt bụng ở trên xe đôi cho đoàn vài bịt nước với lương thực các kiểu, cả đoàn mừng húm như vừa chết đi sống lại !

Chụp ảnh tại km 11 nơi đoàn như được hồi sinh lần nữa (Ảnh – Hội Phượt Huế)

Càng về chiều thì thời tiếc bắt đầu lạnh và dày đặc sương mù. Vô số cảnh đẹp dọc đường đi là chất xúc tác tinh thần không hề nhỏ để chúng tôi có thể chinh phục Bạch Mã thành công. Cà ràng cà tỏi suốt 10 tiếng đồng hồ thì cuối cùng cả đoàn cũng đặt chân đến Hải Vọng Đài vào lúc 6h30 tối. Thật khó mô tả được cảm giác hạnh phúc của bọn tôi trong lúc này, dù biết rằng độ cao 1430m là quá bình thường so với những “nóc nhà” khác, và chỉ gần bằng một nửa độ cao của PhanXiPang, nhưng đêm nay hãy cứ tận hưởng cái cảm giác được sống trọn vẹn một ngày có ý nghĩa đi đã.

Những thành viên khỏe nhất (Ảnh – Hội Phượt Huế)

Chúng tôi may mắn được lên Hải Vọng Đài vào một đêm trời quang, ở độ cao này thì chắc chắn sẽ không bị ánh sáng nhân tạo làm ô nhiễm, che khuất tầm nhìn, có cảm tưởng như bạn đang nhìn thấy cả vũ trụ trên đầu vậy. Bây giờ thì 17 con người xa lạ đã trở thành một gia đình quây quần bên đống lửa nhỏ, chặng đường vừa qua đem đến cho chúng tôi nhiều người bạn mới, và có thể là những tri kỉ nữa. Khuya đến thì trời bắt đầu đổ mưa dông, sấm chớp đùng đoàn các kiểu con đà điểu. Hên cái là Hải Vọng Đài là tòa nhà rất kín, không thì nếu ngủ ngoài trời thì chả biết sống chết ra sao, mặc dù vậy chúng tôi vẫn được tận hưởng một đêm nằm co ro vì lạnh, mặc dù đã trang bị chăn mềm áo ấm đủ thứ, nhiệt độ ban đêm tầm 15 độ, chả biết gió ở đâu cứ luồng vào liên hồi.

Bên trong Hải Vọng Đài khá kín gió và sạch sẽ (Ảnh – Hội Phượt Huế)

Sáng sớm cả đám định dậy sớm để xem bình minh nhưng kế hoạch phá sản vì sương mù dày đặc. Ăn uống xong xuôi, tầm 7h sáng cả đoàn lại tiếp tục chuyến hành trình vượt rừng 5km để thăm Ngũ Hồ và thác Đỗ Quyên. Đường đi khá hiểm trở nên cả đoàn chủ động đi chậm để không bị lạc nhau, mặc dù đã bôi kem thoa thuốc các kiểu nhưng vẫn không ngăn được bọn vắt chui vào trong người để xin tí huyết, như một sự tri ân trước vẽ đẹp của núi rừng Bạch Mã , đứa nào cũng phải bỏ lại một ít máu để lưu dấu kỉ niệm.

7h bắt đầu hành trình ghé thăm Ngũ Hồ và thác Đỗ Quyên (Ảnh – Hội Phượt Huế)
Đường đi khá hiểm trở (Ảnh – Hội Phượt Huế)
và phải vượt qua nhiều đoạn suối (Ảnh – Hội Phượt Huế)

10h30, đoàn dừng chân tại thác Đỗ Quyên, chặn cuối cùng của chuyến đi lần này, với độ cao 300m, đây là con thác lớn nhất của rừng Bạch Mã. Vừa mưa xong nên nước chảy khá mạnh, phải mất vài chục phút sau khi sương tan chúng tôi mới trông thấy quan cảnh hùng vĩ phía dưới. Có một đường đi xuống dưới chân thác bằng bậc thang rất dốc, nếu xuống dưới thì lo ngại cả đoàn không đủ sức để lết lên nên chúng tôi quyết định để dành cho… lần sau.

Điểm dừng chân cuối cùng ở thác Đỗ Quyên (Ảnh – Hội Phượt Huế)

Từ đây chúng tôi men theo con đường mòn dài khoảng 30 phút đi bộ để ra chỗ đỗ xe, kết thúc chuyến hành trình tuyệt vời cùng những người bạn mới quen nhưng đã thân nhau như bạn bè mấy trăm năm rồi. Tạm biệt Bạch Mã đã đem đến cho chúng tôi 2 ngày 1 đêm thực sự có ý nghĩa và đầy niềm vui.

4.7/5 - (7 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thừa Thiên Huế

THỪA THIÊN HUẾ

Vị trí Thừa Thiên Huế trên bản đồ Việt Nam

Thừa Thiên – Huế là một tỉnh ven biển nằm ở vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam cách thủ đô Hà Nội 660 km về phía Bắc, cách Thành phố Đà Nẵng 101 km về phía Đông Nam, cách Nha Trang 612 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.050 km về phía Nam theo đường Quốc lộ 1A. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc – Nam, trục hành lang Đông – Tây nối Thái Lan – Lào – Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hoá lớn và đặc sắc của Việt Nam. Thừa Thiên Huế có 5 di sản văn hoá thế giới là:

  • Quần thể di tích Cố đô Huế.
  • Nhã nhạc cung đình Huế.
  • Mộc bản triều Nguyễn.
  • Châu bản triều Nguyễn.
  • Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Bạn có biết: Huế từng là thủ đô của Việt Nam từ năm 1802, sau khi vua Gia Long lên ngôi hoàng đế, mở đầu cho nhà Nguyễn – vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

  • Diện tích: 4.947,11 km²
  • Dân số: 1.153.800 người
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện
  • Mã điện thoại: 234
  • Biển số xe: 75