Kinh nghiệm du lịch Đường Lâm, Hà Nội

Kinh nghiệm du lịch Đường Lâm, Hà Nội (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Sẽ thiếu sót nếu ai từng theo đuổi “mùa thu phương Bắc” mà bỏ qua Làng cổ Đường Lâm – nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 50km. Cho đến ngày nay, làng cổ Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Nếu coi phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là “Bảo tàng lối sống đô thị” thì làng cổ ở Đường Lâm được ví như “Bảo tàng lối sống nông nghiệp”. Không gian văn hóa làng cổ ở Đường Lâm hợp thành những công trình sở hữu chung của cộng đồng như đình, chùa, đền, nhà thờ họ, các ngôi nhà cổ hài hòa với cảnh quan thiên nhiên ở vùng đồi gò thấp bán sơn địa. Với nhiều lợi thế, du lịch Đường Lâm đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, một phần không thể thiếu trong các chương trình đến với du lịch Sơn Tây.

Đường Lâm là một ngôi làng cổ đẹp của Hà Nội (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Ardika Dodoka, Vu Pham, Trọng Khanh Nguyễn, Tran van Điep, hata4282 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Làng cổ Đường Lâm

Toàn cảnh Đường Lâm từ trên cao (Ảnh – cungphuot.info)

Làng cổ Quốc gia ở Đường Lâm nằm cách trung tâm thị xã Sơn Tây khoảng 5 km. Đường Lâm xưa kia là một ấp nhỏ, nay là một xã bao gồm 9 thôn, có diện tích khoảng 800 ha với dân số gần 10.000 người thuộc địa bàn thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đường Lâm ngày nay và Làng Mía ngày xưa là làng thuần Việt tối cổ, một trong những cái nôi của dân tộc Việt. Đây là một làng Việt (người Kinh) điển hình, là sự kết tinh rực rỡ về sự phát triển qua hàng nghìn năm của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Hẳn không phải ngẫu nhiên mà trước đây, thôn Mông Phụ xã Đường Lâm từng là trấn lỵ của Sơn Tây. Những chặng đường lịch sử của dân tộc còn ghi dấu ấn ở nơi đây. Đường Lâm cùng mấy vùng lân cận có rất nhiều địa danh được lưu truyền trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh (thời Hùng Vương); làng Mía (Nam Nguyễn) là quê ngoại của Hai Bà Trưng. Đặc biệt nhất, Đường Lâm là nơi duy nhất trong lịch sử dân tộc có “một ấp hai vua”, nơi đã sinh ra hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị anh hùng có công lớn với đất nước. Nơi đây còn là quê hương của nhiều danh nhân đất Việt: Giang Văn Minh, Kiều Oánh Mậu, Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Phan Kế An…

Đường Lâm chính là một Làng cổ Việt Nam vừa đẹp về cảnh quan thiên nhiên, vừa rất giàu về truyền thống lịch sử văn hoá. Có thể kể đến hàng loạt những chứng tích cổ vẫn còn đượng tập trung chủ yếu ở các thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Lâm, Đoài Giáp, Văn Miếu. Làng Mông Phụ còn có tên gọi là Đông Phụ. Làng gồm 11 họ tụ thành, đông nhất là các họ: Phan, Giang, Nguyễn, Hà, Kiều, Đỗ. Có thể nói, làng Mông Phụ là một trong những làng cổ Việt Nam đặc sắc ở Xứ Đoài; không chỉ vì nơi đây còn giữ được nét duyên dáng độc đáo của làng quê Việt Nam với cây đa, giếng nước, sân đình… mà còn là một ngôi làng mà dấu ấn của nền văn minh lúa nước dường như được bảo tồn nguyên vẹn.

Đến Đường Lâm vào những ngày lễ hội đầu xuân, người ta còn được nghe những giọng hát chèo, chầu văn, ca trù của các cô thôn nữ, hay xem những trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, cờ người, bơi chải, rước kiệu…Vùng đất này còn nổi tiếng với những món ăn và sản vật đồng quê như gà mía, kẹo bột, chè lam, bóng nóng, giò lụa…

Nên đi Đường Lâm vào thời gian nào?

Với con đường vào xuyên qua cánh đồng lúa, tới Đường Lâm vào mùa lúa chín sẽ rất đẹp (Ảnh – cungphuot.info)

Về cơ bản, bạn có thể đến Đường Lâm vào bất kỳ khoảng thời gian nào trong năm bởi vị trí của Đường Lâm khá gần, có thể đi về trong khoảng nửa ngày. Tuy nhiên, có thể bạn nên cân nhắc một chút về thời tiết trước khi đến đây để có một chuyến đi đẹp

  • Theo như chính người dân Đường Lâm gợi ý thì mùa đẹp nhất khi đến Đường Lâm và vào mùa lúa chín tháng 5 hoặc tháng 9, lúc đó toàn bộ các tuyến đường đi quanh làng đều được lót bằng rơm khô sau vụ gặt.
  • Nếu muốn kết hợp đi Đường Lâm và một vài địa điểm nghỉ mát ở Sơn Tây như Ao Vua, Khoang Xanh… các bạn có thể đi vào mùa hè khoảng tháng 6-8, lúc này thời tiết Hà Nội khá nóng, phù hợp để có những chuyến nghỉ mát tại những địa điểm này.
  • Thời điểm cuối năm, Vườn Quốc gia Ba Vì được tô màu vàng rực bởi dã quỳ, các bạn có thể kết hợp đi Đường Lâm và Ba Vì trong cùng một ngày.

Hướng dẫn đi tới Đường Lâm

Đường tới Đường Lâm cơ bản khá dễ dàng và thuận tiện (Ảnh – cungphuot.info)

Phương tiện cá nhân

Ô tô

Với phương tiện là ô tô, các bạn có thể di chuyển theo tuyến đường Đại Lộ Thăng Long, đây là tuyến đường cho phép chạy với tốc độ cao nên sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của các bạn. Tới Hòa Lạc các bạn rẽ phải đi Sơn Tây, khoảng 10km sẽ tới ngã tư viện 105 (đèn xanh đỏ). Các bạn đi thẳng (đường tránh QL32) đến hết đường sẽ gặp vòng xuyến to trên QL32 , men theo vòng xuyến rẽ trái theo hướng đi Trung Hà, qua khỏi hết vòng xuyến nhìn sang bên kia đường sẽ thấy biển vào làng cổ Đường Lâm.

Xe máy

Với xe máy, tùy thuộc vào vị trí mà các bạn có thể đi theo hướng đường 32 (phía Nhổn) hoặc theo tuyến đường gom Đại Lộ Thăng Long (đoạn sau đi tương tự như ô tô). Với tuyến đường 32 các bạn cứ bám theo biển chỉ dẫn đi cầu Trung Hà, qua vòng xuyến đi cầu Vĩnh Thịnh một đoạn là tới. (rẽ phải đi cầu Vĩnh Thịnh, các bạn đi thẳng qua vòng xuyến khoảng vài trăm mét rồi nhìn sang bên kia đường).

Phương tiện công cộng

Nếu lười chạy xe và chỉ đến mỗi Đường Lâm, các bạn có thể sử dụng xe buýt để đến đây (Ảnh – cungphuot.info)

Với mạng lưới tương đối rộng lớn của các tuyến xe buýt Hà Nội, nếu muốn sử dụng phương tiện công cộng, các bạn có thể sử dụng một trong các lộ trình xe buýt sau sau để tới được Đường Lâm:

  • Tuyến 70A: Bến xe Mỹ Đình – Trung Hà: Đến điểm vào bến phà Đường Lâm các bạn có thể xuống, đi bộ sang bên kia đường là tới.
  • Sử dụng các tuyến xe buýt tới Bến xe Sơn Tây: 20B từ Cầu Giấy, tuyến 67 đi từ Phùng, tuyến 89 đi từ bến xe Yên Nghĩa; Tiếp đó từ Bến xe Sơn Tây có thể bắt xe 118 đi Tòng Bạt, 126 đi cầu Trung Hà rồi xuống Đường Lâm.

Đi lại ở Đường Lâm

Đi bộ

Đến Đường Lâm, các bạn có thể đi bộ quanh làng để tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh. Trong trường hợp có đưa các em bé đi, các bạn có thể mang theo xe đẩy để các bé có thể ngồi nghỉ ngơi khi đã mỏi chân.

Xe đạp

Nếu sợ mỏi chân, các bạn có thể thuê xe đạp để chạy quanh làng (Ảnh – cungphuot.info)

Ngoài ra, do nhu cầu đi lại thăm quan của khách du lịch ngày càng cao, tại làng cổ Đường Lâm hiện nay, có nhiều chủ nhà của những ngôi nhà cổ cho thuê xe đạp nhằm phục vụ đi lại trong ngày của du khách. Với một chiếc xe đạp, khách du lịch có thể đi lại quanh làng cũng như các điểm du lịch gần làng cổ mà không mất quá nhiều thời gian.

Xe điện

Xe điện có thể chở được cả đoàn với số lượng người nhiều (Ảnh – cungphuot.info)

Với những đoàn đông (nhất là đoàn có nhiều người cao tuổi, trẻ con) các bạn có thể thuê các chuyến xe điện để di chuyển quanh làng cho thuận tiện, nhất là trong những ngày trời nắng nóng khiến việc đi bộ trở nên mất nhiều sức.

Lưu trú ở Đường Lâm

Tuy không phổ biến nhưng nếu thích, các bạn có thể lưu trú qua đêm ở Đường Lâm (Ảnh – cungphuot.info)

Đối với đa phần du khách thường chỉ đến với Đường Lâm trong một khoảng thời gian ngắn, hiếm người nghĩ tới việc lưu trú ở đây. Tuy nhiên, nếu quan tâm và muốn trải nghiệm (thường với những du khách không ở Hà Nội) thì các homestay ở làng cổ Đường Lâm sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm lý thú ở một vùng quê yên tĩnh, “trốn” cái ồn ào, xô bồ của thị thành, sống những ngày thư thái, an nhiên nhất.

RESORT Tomodachi Retreat Lang Mit
Địa chỉ: Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội
Điện thoại: 091 106 72 55
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Chicken's house Đường Lâm Homestay
Địa chỉ: Xóm Chim, thôn Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Điện thoại: 0868 651 480
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Duong Lam Homestay
Địa chỉ: Xóm Hè, Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Điện thoại: 091 206 95 30
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Bạch Dương Sơn Tây
Địa chỉ: Số 417, Đường Đá Bạc, Xuân Khanh, P. Xuân Khanh, Sơn Tây, Hà Nội
Điện thoại: 024 6325 1666
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Thảo viên Resort
Địa chỉ: Trung Sơn Trầm, Sơn Tây, Hà Nội
Điện thoại: 090 614 51 46
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Chơi gì khi đến Đường Lâm

Cổng làng Mông Phụ

Cổng làng Mông Phụ, Đường Lâm (Ảnh – cungphuot.info)

Có nhiều lối vào Đường Lâm, tuy nhiên chiếc cổng cổ còn lại duy nhất của làng cho đến ngày nay nằm ở Mông Phụ. Trong kiến trúc Việt cổ, cổng làng được hiểu như là cánh cửa của một ngôi nhà. Theo đó, kiến trúc này như một dấu hiệu đánh mốc trong với ngoài không gian làng và là một nghi thức trong cấu trúc không thể thiếu của một ngôi làng. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào thời Hậu Lê, năm 1553, đời vua Lê Thần Tông.

Cổng làng Mông Phụ là một công trình trong quần thể di tích của Đường Lâm, được kết hợp hài hòa với đường làng, cây đa, giếng nước, ao đình, lũy tre xanh và cánh đồng lúa mênh mông. Bao quát quanh cổng là một không gian rộng và thoáng. Một bên cổng làng là cây đa, tương truyền đã hơn 400 năm tuổi và xa xa là hàng dừa xanh mướt, tựa như các cô gái làng đang nhẹ nhàng thả dáng.

Cổng được làm theo kiểu “Thượng gia hạ môn” có nghĩa là trên là nhà, dưới là cổng. Cổng được xây bít đốc, có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành, rui, trên mái lợp ngói. Thượng lương còn rõ dòng chữ khắc trên gỗ “Thế hữu hưng nghi đại”, nghĩa là “Cuộc đời muốn được hưng thịnh cần phải thích nghi”. Tường của cổng làng được làm bằng đá ong đào từ lòng đất, cát thì lấy trên gò trong vùng rồi trộn vôi với mật, tạo thành hỗn hợp kết dính để xây cổng. Tường xây đá ong trần chít mạch, không “đao, đấu, diềm, mái”. Hai cánh cổng được làm bằng gỗ lim theo hình “cánh dế” dày chừng bốn năm phân, xoay trên hai cối cổng bằng đá và hai bánh xe gỗ bọc thép.

Đình Mông Phụ

Khoảng sân rộng trước đình Mông Phụ thường được người dân phơi nông sản vào mùa thu hoạch (Ảnh – cungphuot.info)

Đình được xây dựng từ năm 1553 dưới thời vua Lê Thần Tông đình thờ Đức Thánh Tảng – đệ nhất phúc đẳng thần -một vị đứng đầu trong tứ bất tử của người Việt. Và đến đời vua Tự Đức thứ 12, năm Kỷ Mùi 1859 đình được mở rộng, xây thêm đình ngoài và hai nhà tả hữu mạc ở hai bên, xây tường hoa xung quanh và bốn cột trụ trước cửa, có đắp câu đối và phù điêu nổi hình tạo thành một khối kiến trúc hoàn chỉnh và khép kín.

Đình Mông Phụ có quy mô lớn nhất xã Đường Lâm.được tọa lạc ngay trong trung tâm làng Mông Phụ, đình tọa lạc ở vị trí đầu rồng nằm hai bên hông đình còn có hai cái giếng cổ được coi như mắt rồng. Đình gồm có hai toà đại bái và hậu cung, một gian hai chái lớn và cả hai toà nhà đều được làm theo kiểu 4 lá mái với họa tiết trang trí bay bổng hình mây cuộn. rồng bay.Đình được lợp bằng ngói di xếp vảy cá. Trên thân các cột xà, thanh xà đều được trạm khắc hết sức tinh sảo với họa tiết đầu rồng, tứ linh, tứ quý, chim phượng . Có thể nói đây chính là hình mẫu tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc trên gỗ hết sức tinh vi của người Việt cổ.

Hệ thống nhà cổ ở Đường Lâm

Đến thăm quần thể di tích làng cổ ở Đường Lâm ngoài các điểm tham quan tiêu biểu, các giá trị nổi bật du khách không thể không bỏ qua một loại hình di tích quý là nơi trú ngụ sinh sống của các thế hệ người nông dân đó là những ngôi nhà cổ. Nó được nằm ẩn mình phủ màu ngói vẩy cá rêu phong đã có tuổi đời vài thế kỉ… hội tụ trong ngôi nhà ấy là những phong tục tập quán, tín ngưỡng, gia phong cổ truyền. Những ngôi nhà ấy được xây dựng bằng các vật liệu đăc trưng của vùng Xứ Đoài xưa từ các loại gỗ quí hàng tứ thiết như: đinh- lim- sến- táu, re, lát, trai, nghiến, đến các loại dân dụng phổ thông rẻ tiền hơn như: xoan, mít, keo, muồng, trám, tre, mía, vầu, luồng,.. gạch bát tràng , gạch chỉ, thẻ , đá xanh, tảng, kèm theo là các phụ kiện như: rơm, rạ, bùn non, mùn cưa, trấu, đất sét mịn. Trong đó nói trên và đangs chú hơn cả là các nhà cổ thường được xây cất bằng gạch đá ong 1 loại vật liệu sẵn có, bền ở ngay trong lòng đất cổ, nó được khai thác đơn giản, dễ kiếm, chịu được khí hậu thay đổi( mưa, nắng) đá ong luôn đảm bảo không khí trong nhà mát về mùa Hạ, ấm áp về mùa Đông, thế nên ngôi làng cổ này còn được gọi với cái tên Làng cổ đá ong Đường Lâm. Các nhà cổ thường được xây dựng quay về hướng Nam.

Nhà cổ Ông Thể

Nhà cổ ông Thể (Ảnh – cungphuot.info)

Nhà ông Hà Hữu Thể tọa lạc ở xóm Xui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, được xếp hạng là nhà cổ loại I. Đây là một trong những ngôi nhà đẹp và còn tương đối nguyên vẹn như hồi tạo dựng trong các nhà cổ của Mông Phụ.

Theo gia đình cho biết thì đã ở được đến nay là 13 đời. Trên phương diện kiến trúc, ngôi nhà hiện nay cũng là sản phẩm của nghệ thuật giữa thế kỉ XIX. Ngôi nhà 7 gian 2 dĩ, nhìn theo hướng Tây Nam. Mái nhà được lợp ngói ri, nền nhà lát gạch đất nung, tường nhà bằng đá ong, rui, mè bằng gỗ. Phía ngoài hiên có 8 hàng cột (cao khoảng 1,7m) chạy ngang từ đầu nhà đến cuối nhà. Chân các cột cái, cột quân, cột hiên bằng đá tròn. Các bộ vì đứng trên 5 hàng chân cột, các bộ vì chính đều được xẻ họng đầu cột cái, từ đó câu đầu ăn mộng vào thân cột cái đỡ sức nặng mái trên. Hoa văn trang trí tại các đầu con rường là vân xoắn, tiếp đến là hoa văn trang trí tại các đấu kê giữa các con rường với nhau.

Gian chính giữa là nơi thờ Chúa (Ảnh – cungphuot.info)

Bên trong ngôi nhà được chia thành các gian riêng biệt, 3 gian phía ngoài dành cho thờ tự và tiếp khách, ngăn cách 3 gian phía ngoài với gian buồng là bức lụa có trang trí các đường gờ nổi dọc. Gian chính giữa dùng là nơi thờ Đức Chúa (gia chủ theo Đạo Thiên Chúa).

Nhà cổ ông Hùng

Nhà cổ ông Nguyễn Văn Hùng xóm Sui Dưới, thôn Mông Phụ, là di tích được xếp hạng nhà cổ loại I dạng dân sinh. Ngôi nhà chính của ông Hùng có niên đại từ năm 1649 và đã qua 12 đời sinh sống ở đây. Khi đến đây chúng ta sẽ bắt gặp chiếc cổng cổ được xây bằng chất liệu đất đá, bã chấu, bùn để tạo chất kết dính. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên bên cạnh bài trí là bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ, hệ thống cửa cánh phố ở chính giữa ngôi nhà. Ngôi nhà được kiến trúc theo lối không gian thoáng đãng,Nhờ hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng, dù trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ. bên ngoài là khoảng sân rộng lát gạch để vui chơi.

Nhà cổ Ông Huyến

Nhà cổ ông Hà Nguyên Huyến thuộc xóm Xui, thôn Mông Phụ, là di tích được xếp hạng nhà cổ loại I dạng dân sinh. Nhà ông Hà Nguyên Huyến có hình thức tổ chức không gian, các hạng mục công trình được bố trí theo nối kết cấu dạng chữ Môn. Tổ chức không gian trên mặt bằng tổng thể nhà ông Huyến có sự giao thoa kiến trúc nhà cổ ở Đường Lâm với dạng kiến trúc vòm của Pháp.

Cổng nhà ông Huyến được thiết kế dạng 2 tầng. Tầng trên có 2 mái, bờ nóc có đắp hoa văn trang trí bằng chất liệu vôi vữa. Tầng dưới cũng có dạng 2 mái, lợp ngói mũi để che cho lớp cánh cửa kiểu xoay. Đây là một hình thức cánh cửa khá phổ biến và đặc trưng ở Đường Lâm.

Ngôi nhà chính gồm 5 gian 2 dĩ, thiết kế theo lối nội tự ngoại khách. Bộ vì kết cấu trên 4 hàng chân cột, cột nhà bằng gỗ có đường kính 30cm. Ứng với các hàng chân là các bộ vì liên kết theo cách thức khác nhau. Gian giữa nhà ông bài trí ban thờ, ngăn cách với phía ngoài nơi tiếp khách bằng ngưỡng cửa gỗ. Các không gian sử dụng được phân tách nhờ hệ thống bức thùng.

Đối diện ngôi nhà chính là nhà làm tương – nhà ông Huyến vốn có nghề làm tương gia truyền. Ngôi nhà này gồm 5 gian 2 chái, là dạng nhà kiểu tường hồi bít đốc nhưng bên trong bộ khung nhà hoàn toàn bằng gỗ, các bộ vì kết cấu trên 3 hàng chân cột.

Nhà cổ loại I nhà ông Hà Nguyên Huyến là một trong những di sản văn hóa mang nhiều giá trị góp phần cấu thành nên bản sắc văn hóa của quần thể làng cổ ở Đường Lâm.

Nhà cổ Bà Lan

Ngôi nhà của bà thuộc diện cổ nhất làng, lại là nhà của quan lại trước kia nên có rất nhiều đồ vật cổ, quý hiếm vào có giá trị lịch sử. Tiêu biểu có thể kể đến đó là đôi võng được vua ban của cụ Đốc học Đỗ Doãn Chính vào ngày ông vinh quy bái tổ; bức tranh “Bát tiên quá hải”, tượng “Phật bà quan âm” có từ thế kỉ 17…

Nhà cổ Bà Điền

Nhà cổ bà Điền (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là ngôi nhà được xây dựng bằng vật liệu chính là gỗ. Ngôi nhà được kết cấu theo lối “nội tự ngoại khách” gồm 5 gian 2 dĩ, 3 gian chính giữa được dùng riêng đặt bàn thờ thờ cúng tổ tiên và dùng làm nơi để tiếp khách…Nhà được xây dựng theo truyền thống văn hóa lúa nước, vào trong ngôi nhà, du khách có cảm giác yên bình và thân thuộc. Lối kiến trúc phương Đông thể hiện sự mềm mại qua những đường nét chạm khắc tinh xảo. Hai gian hai bên là hai phòng ngủ, một hành lang rộng dẫn xuống sân, nền nhà cao, hiên được lát gạch bát, nền nhà trong và gian trái là nền đất nện. Tường nhà được đắp bằng hỗn hợp đất bùn, tro và rơm bao lấy kết cấu khung gỗ tất cả những vật liệu trên đều được lấy từ những nguyên vật liệu sẵn có ở vùng đất xứ đoài này.

Nhà bà Điền vừa mang tính nghệ thuật – nhân văn đậm nét văn hóa làng cổ truyền thống Việt Nam, Các hiện vật trang trí và đồ dùng trong nhà còn nhiều và hầu hết là cổ vật toàn bộ kiến trúc ngôi nhà và hiện vật bên trong.

Nhà cổ Ông Vĩnh

Ngôi nhà chính của ông Vĩnh kết cấu theo lối “nội tự ngoại khách”, dành riêng gian giữa để bài trí ban thờ và các đồ tế tự với mục đích thờ cúng tổ tiên; đồng thời dành riêng một không gian rộng ở phía ngoài (tính từ hệ thống cửa gỗ bức bàn ra phía tường ngoài chính diện ngôi nhà) để bài trí bộ trường kỷ làm nơi tiếp khách.

Hình thức ngôi nhà của ông Hà Văn Vĩnh cũng tuân thủ nguyên tắc coi trọng số lẻ của truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước : bước lên nhà là con số lẻ, số gian nhà ông là số lẻ, bộ vì nhà được chia theo số lẻ…Bên cạnh đó, nhà ông còn tuân theo nguyên lí âm dương : bộ vì được ghép mộng kiểu âm dương, ngói lợp cũng dùng ngói âm dương…như để mong muốn hướng tới một cuộc sống hài hòa với môi trường.

Việc xác định niên đại của ngôi nhà gia đình ông Hà Văn Vĩnh nhờ vào những chữ Hán khắc trên câu đầu của bộ vì nóc. Nhà ông Vĩnh là một trong số ít nhà còn có dòng chữ hán khắc trên câu đầu là “Tự Đức Quý Sửu” để xác định niên đại tuyệt đối của ngôi nhà năm 1853.

Bên cạnh nét đặc sắc về hình thức kiến trúc nhà chính nhà cổ loại I – nhà ông Vĩnh còn có hình thức tổ chức không gian rất hợp lý và tiện ích. Các công trình phụ ngoài cổng, bếp, khu chăn nuôi, sân vườn…nhà ông có 2 dãy nhà cầu (kiểu 1 tầng 1 mái trên tổ hợp hoành, rui, mè, lợp ngói mũi, rộng 1m2) để kết hợp hài hòa với gian nhà chính thành một không gian kín, kiểu chữ “Môn”. Với cách thức này, tổng thể nhà ông Vĩnh là một dạng liên hoàn, tiện ích cho việc sử dụng phục vụ sinh hoạt dạng dân sinh và kết hợp với nghề phụ làm tương truyền thống.

Nhà thờ thám hoa Giang Văn Minh

Cổng vào nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh (Ảnh – cungphuot.info)

Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 – 1638) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.

Hiện nay lăng mộ ông và quán Giang (nơi đặt thi hài) cùng nhà thờ đều nằm ở  thôn Mông Phụ. Khu nhà thờ có diện tích 400m2, được dựng theo hình chữ Nhị, bao gồm Nhà Bái, Hậu đường quay theo hướng đông. Ngoài ra còn có các hạng mục khác như: sân, cổng, vườn, nét kiến trúc họa tiết trang trí hoa văn mang phong cách thuộc niên đại triều Nguyễn. Trong nhà thờ còn lưu giữ một số đi vật quý như câu đối, bia đá, lư hương, đỉnh đồng. Vào ngày 24/5/1991, nhà nước đã ra quyết định xếp hạng Nhà Thờ là di tích lịch sử văn hóa. Vào ngày 2/6 âm lịch hàng năm, nhân dân và chính quyền địa phương cùng con cháu mang họ Giang ở khắp nơi đều tề tựu về để tưởng nhớ công lao to lớn của ông và dân với nước.

Nhà thờ giáo họ Mông Phụ

Nhà thờ Mông Phụ có thể nhìn thấy ở nhiều góc khi đi dạo quanh làng (Ảnh – cungphuot.info)

Nhà thờ được khởi công xây dựng từ năm 1954, từ xa nhà thờ nổi bật giữa hàng trăm mái nhà cổ của Đường Lâm. Ngôi nhà thờ mới hơn so với những ngôi nhà cổ thuần Việt, nét đạo chưa thể sánh với nét cổ đi cùng năm tháng của Đường Lâm nhưng khi nói về lịch sử Công giáo ở Việt Nam thì Mông Phụ quả thực đáng được khen ngợi. Có thể chính do cái cổ của Đường Lâm đã làm nên cái cổ của họ đạo này.

Chùa Mía

Tháp Kính Thiên trong Chùa Mía (Ảnh – Ardika Dodoka)

Chùa Mía tọa lạc trên mảnh đất xứ Đoài giàu truyền thống, nơi hội tụ quần thể di tích gồm nhiều đền chùa, miếu mạo, phản ánh quá trình xây dựng và gìn giữ một vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Chùa Mía tên hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, nằm trên vùng đồi của làng Đông Xàng. Cấu trúc chùa Mía gồm các tòa tam quan, chính điện, thượng điện, nhà tổ, hành lang san sát, nối kề nhau theo hình chữ Mục. Bước qua cổng Tam quan, nhìn sang bên phải, du khách sẽ nhìn thấy cây đa cổ, gốc to khít vòng tay mấy người ôm, rễ cây rắn chắc nổi lên trên mặt đất. Đối đỉnh với ngọn đa già là tòa bảo tháp cử phẩm Liên hoa. Tòa tháp này mới được xây dựng để thờ vọng Xá lợi Phật. Đây cũng là ngọn Tháp bút, Kính thiên, được coi là trấn giữ cho mạch âm của làng quê được an lành và phát triển. Đi vào bên trong là khu nội điện gồm tiền đường, đại hùng, bảo điện, thượng điện được cấu trúc theo kiểu “Nội công ngoại quốc” rất bề thế.

Chùa Mía là nơi lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam. Ở đây có đến 287 pho tượng thờ, trong đó có 174 tượng bằng đất nung sơn son thếp vàng, 107 tượng mộc và sáu pho tượng bằng đồng.

Đình Cam Thịnh

Đình Cam Thịnh (Ảnh – cungphuot.info)

Đình Cam Thịnh được xây dựng ở nửa sau thế kỷ XVII, thờ Đức Thành hoàng Bản thổ Kỳ Đại vương và Đức gia hậu Thượng tướng quân Cao Phúc Diễn cùng phu nhân là bà Giang Thị Thắng – người chị gái của sứ thần tài ba Giang Văn Minh. Đình được dựng vào thời vua Lê Thần Tông (1649 – 1662) với phần công đức lớn của vợ chồng tướng quân Phù Việt Hầu. Trong Đình hiện còn lưu giữ một số di vật quý như 5 đạo sắc phong có niên đại sớm nhất mang niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767), 1 tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712), 1 bộ kiệu mui luyện tạo tác ở Thế kỷ XVIII. Đình đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 2000 nằm trong vùng đất cổ với nhiều Di sản văn hóa quý và truyền thống của làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.

Đình Phùng Hưng

Đình Phùng Hưng ở Đường Lâm (Ảnh – Vu Pham)

Đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) được lập ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng ngôi đền ở Cam Lâm có quy mô lớn nhất, kiến trúc độc đáo nhất, chứa đượng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhất.

Đền thờ có kiến trúc đời nhà Nguyễn vào những năm đầu thế kỷ XX gồm các hạng mục công trình như: Tả – Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung. Tuy nhiên việc đền thờ có hình dáng như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời vua Thành Thái). Trong đền thờ có tấm bia Phùng tự bi ký ở đình Đoài Giáp được tạc vào năm Hồng Đức thứ 4 (1473) đã chép lại rất nhiều thông tin liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Ngài.

Đền và lăng Ngô Quyền

Đền thờ và Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm (Ảnh – Trọng Khanh Nguyễn)

Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi; một nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích; bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ. Đây có lẽ là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa. Đền thờ Ngô Quyền được xây dựng từ lâu đời và đã qua nhiều lần trùng tu. Lần tu sửa gần đây nhất là vào thời Vua Tự Đức (1848 – 1883).

Đền có quy mô khá khiêm tốn, gồm: Nghi Môn, Tả Mạc, Hữu Mạc, Đại Bái (Tiền Đường) và Hậu Cung. Đền được xây bằng gạch, lợp ngói mũi hài, có tường bao quanh. Đại Bái đền thờ là một nếp nhà 5 gian, bộ khung bằng gỗ, được thể hiện chủ yếu thiên về sự bền chắc, tôn nghiêm; gian giữa có treo bức hoành phi đề bốn chữ Hán “Tiền vương bất vong” (Vua Ngô Quyền sống mãi). Hiện nay, Đại Bái còn được dùng làm phòng trưng bày về trận chiến thắng trên sông Bạch Đằng và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền. Hậu Cung là một ngôi nhà dọc 3 gian, bộ khung nhà bằng gỗ được trang trí hình rồng, hoa, lá… Gian giữa có đặt tượng thờ Ngô Quyền .

Ăn gì ở Đường Lâm

Thịt quay đòn

Thịt quay đòn ở Đường Lâm (Ảnh – Tran van Điep)

Đường Lâm còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng.

Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng. Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.

Món này do cách chế biến cầu kỳ nên thường không có sẵn mà thường trong các dịp giỗ chạp người dân ở Đường Lâm mới tự làm, nếu có đoàn khách đông đặt trước thì cũng có thể có cơ hội thưởng thức món này.

Gà mía

Gà mía là món ngon nên thử khi tới Đường Lâm (Ảnh – cungphuot.info)

Thịt gà Mía thơm, có vị ngọt, đậm, dai, không mềm, nhũn như thịt gà công nghiệp nhưng cũng không dai quá như gà ta. Da gà ăn rất giòn, nhất là gà trống thiến. Gà Mía được nuôi thả vườn và ăn cả thức ăn xanh (rau, củ, quả…), thóc, cám gạo, ngô nghiền, các loại khoáng, vitamin… nên bảo đảm khỏe mạnh và ngon.

Bánh tẻ

Bánh tẻ dễ dàng mua ở các hàng quán ngay trước đình Mông Phụ (Ảnh – hata4282)

Từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống lúa nước như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành, lá dong, lá chuối đã tạo nên chiếc bánh trắng ngần, thơm ngậy, khiến khách phương xa đã đến là phải mua về làm quà. Bánh tẻ ngon nhất là ăn lúc nóng. Bóc phần lá ra, chiếc bánh vẫn còn nóng hổi, hiện ra trắng ngần với mùi thơm dung dị từ lá dong, bột gạo nấu chín ôm ấp phần nhân mỡ màng, khiến ai đi xa cũng khó lòng quên được.

Đặc sản Đường Lâm mua về làm quà

Tương làng Mông Phụ

Ghé thăm các ngôi nhà cổ, các bạn có thể thấy những chum vại làm tương được bày khắp sân nhà (Ảnh – cungphuot.info)

Xứ Bắc có các loại tương khá nổi tiếng như tương Nam Đàn (Nghệ An), tương Bần (Hưng Yên), thì tương được sản xuất ở làng Mông Phụ (Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) cũng có ấn tượng không nhỏ. Món ăn từ tương không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình và là đặc sản dành cho du khách khi về thăm di tích làng cổ Đường Lâm. Vào thăm những ngôi nhà cổ đá ong mộc mạc được kết cấu bởi vật liệu đặc trưng của xứ Đoài, du khách sẽ bắt gặp ở góc sân nhà nào cũng có những chum, hũ đựng tương.

Kẹo dồi – Kẹo lạc

Món kẹo dồi, kẹo lạc có thể thưởng thức cùng chén trà trong quãng thời gian nghỉ khi dạo chơi ở Đường Lâm (Ảnh – cungphuot.info)

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để “đánh” kẹo.

Chè lam Đường Lâm

Vào đến làng các bạn dễ dàng bắt gặp những mẹt chè lam của người dân (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu ngày xưa, chè lam chỉ được làm vào dịp Tết như một món ăn chơi dân dã mà thanh tao, thì nay nó được làm và bán quanh năm. Khi ghé xứ Đoài thăm ngôi làng cổ nhất Việt Nam, chè lam lại được làm và bày bán khắp trong làng, ngoài ngõ. Cùng với những kẹo lạc, kẹo dồi chó, oản, bỏng gạo… chè lam đã trở thành thứ quà quê gắn liền với vùng quê Bắc Bộ nằm bên bờ sông Hồng hiền hoà này.

Bánh gai

Bánh gai được bày bán ở Đường Lâm (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh gai đã món quà đặc sản của làng cổ Đường Lâm, bánh gai ở đây được làm theo phương pháp thủ công tuyệt đối nên vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống quen thuộc.

Lịch trình du lịch Đường Lâm

Đường Lâm là một điểm khá thích hợp để đi về trong ngày (Ảnh – cungphuot.info)

Cùng Phượt gợi ý cho các bạn một lịch trình khám phá Đường Lâm nhanh trong vòng 1 ngày, kết hợp với đi Vườn Quốc Gia Ba Vì.

Sáng xuất phát từ Hà Nội khoảng 9h sáng, đi theo hướng đường Đại lộ Thăng Long (hoặc QL32, tùy địa điểm xuất phát), đến cuối đường sẽ có biển chỉ dẫn đi Sơn Tây, các bạn rẽ phải đi theo hướng này khoảng hơn 10km sẽ tới ngã tư viện 105. Từ ngã 4 viện 105 này các bạn đi thẳng (rẽ trái đi Ba Vì, rẽ phải vào trung tâm Sơn Tây) theo tuyến đường tránh QL32, đi hết đoạn đường này khoảng vài km sẽ đến đoạn giao với QL32 (chỗ có vòng xuyến rất to), các bạn bám theo hướng bên trái đi về phía cầu Trung Hà, đi qua khỏi hết vòng xuyến nhìn sang bên kia đường sẽ thấy biển vào làng cổ Đường Lâm.

Gửi xe ngay quán nước ở cổng làng, mua vé tham quan (20k/1 người) rồi thong dong đi bộ vào khám phá làng cổ. Trong làng có nhiều hàng quán ăn, các bạn có thể đặt trước hoặc đến gần trưa rồi đặt ăn luôn cũng được.

Trong thời gian đó thì đi quanh làng, tham quan các địa điểm di tích, các ngôi nhà cổ. Trưa về lại chỗ đặt ăn trưa rồi nghỉ ngơi tại đó.

Đầu giờ chiều từ Đường Lâm quay lại theo hướng đường tránh 32 lúc đi để quay lại ngã 4 viện 105, đến ngã 4 thì rẽ phải đi Ba Vì. Khoảng 30 phút là đến cổng Vườn quốc gia Ba Vì, dừng xe mua vé rồi tiếp tục khám phá ở đây.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Đường Lâm 2024
  • du lịch Đường Lâm tháng 4
  • tháng 4 Đường Lâm có gì đẹp
  • review Đường Lâm
  • hướng dẫn đi Đường Lâm tự túc
  • ăn gì ở Đường Lâm
  • phượt Đường Lâm bằng xe máy
  • Đường Lâm ở đâu
  • đường đi tới Đường Lâm
  • chơi gì ở Đường Lâm
  • đi Đường Lâm mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Đường Lâm
  • homestay giá rẻ Đường Lâm

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 86 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hà Nội

HÀ NỘI

Vị trí thủ đô Hà Nội trên bản đồ Việt Nam

là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là kinh đô của hầu hết các vương triều phong kiến tại Việt Nam trước đây.

So với các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam, đây là một thành phố có tiềm năng để phát triển du lịch. Trong nội ô, cùng với các công trình kiến trúc, thủ đô còn sở hữu một hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam. Thành phố cũng có nhiều lợi thế trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam với du khách nước ngoài thông qua các nhà hát sân khấu dân gian, các làng nghề truyền thống,… Du lịch Hà Nội đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các du khách.

Bạn có biết: Tên gọi “Hà Nội” bắt đầu được dùng làm địa danh ở Việt Nam từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831)

  • Diện tích: 3.358,9 km²
  • Dân số: 8.053.663 người
  • Phân chia hành chính: 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 24
  • Biển số xe: 29,30,31,32,33,40