Kinh nghiệm du lịch Tây Thiên

Kinh nghiệm du lịch Tây Thiên (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 65 km về phía Tây Bắc, Khu du lịch Tây Thiên là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp tọa lạc trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo, tại trung sơn điểm giữa các huyệt mạch quốc gia gồm Đền Hùng của nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, Hoa Lư của cố đô nước Đại Việt, núi Tản- Sông Đà, các trụ xứ phật giáo thâm uy như Chùa Hương, Yên Tử; tất cả tạo nên một thế phong thủy vững chãi dựa vào mạch núi thiêng tỏa ra đồng bằng rộng mở và tràn xuống phương Nam, hướng về biển lớn.

Tây Thiên là địa điểm du lịch tâm linh khá gần Hà Nội (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả gioi.viet, Phi Long, victor._nguyen, Phương Phiêu Diêu, trangphan615, Tuấn Trần Anh, Pema Gyamtsho,  imaglobalwanderer và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Nguồn gốc tên Tây Thiên

Cái tên Tây Thiên có thể xuất phát từ Ấn Độ (Ảnh – cungphuot.info)

Tây Thiên trước hết gắn với cửa Phật, ngay từ chính tên gọi địa danh. Phật đến núi Thạch Bàn từ tế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, lấy nơi ấy làm nơi trụ trì, từ đó núi mang tên Tây Thiên, là nơi các vị thiền sư đã xây thành Nê Lê và dựng tháp A Dục.

Tên gọi Tây Thiên, tức “bầu trời Tây”, là gốc của từ Hán Việt. Bầu trời của Phật vì ý thức hệ Việt Nam theo Phật gọi Tây Thiên là thế giới của cực lạc, quan niệm đó là nơi thế giới của Phật ở. Chữ Tây Thiên được dùng chỉ ngọn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo. Ngoài ra cái tên còn mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo, được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước.

Toàn cảnh khu Đền Thượng Tây Thiên nhìn từ trên cao (Ảnh – gioi.viet)

Mẫu xuất hiện trong Ngọc phả Hùng Vương từ đời Hùng Chiêu Vương, đến nay đã trên 3641 năm. Sau khi Bà uy hóa, nhiều đền thờ cúng bà đã xuất hiện, ngay tại địa phương nơi bà sinh ra, nơi liên quan đến những sự tích của về Bà. Trong đó, điểm thờ quan trọng nhất là ngôi đền Thượng trên lưng chừng núi Thạch Bàn, nơi ấy trong tâm thức người Việt là nơi đất Mẹ – đất Mẫu, nơi “nước trong nguồn chảy ra”.

Du lịch Tây Thiên vào thời điểm nào?

Nếu thích không khí náo nhiệt, đông vui, các bạn có thể đến Tây Thiên vào mỗi dịp chính hội (Ảnh – Phi Long)

Là một điểm du lịch gắn nhiều với các yếu tố tâm linh, chính vì vậy các bạn có thể sắp xếp tới Tây Thiên vào các dịp lễ đặc biệt của nhà Phật hoặc tham khảo thêm một vài thông tin gợi ý như dưới đây:

  • Lễ hội Tây Thiên được khai mạc vào ngày 15/2 (âm lịch) hàng năm, đây là một trong những lễ hội lớn của miền Bắc
  • Mùa hè, các khóa tu tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên thường được mở cho các bạn trẻ quan tâm.

Hướng dẫn đi tới Tây Thiên

Phương tiện cá nhân

Xe máy
Thường các bạn trẻ đi Tây Thiên bằng xe máy sẽ kết hợp đi Tam Đảo (Ảnh – victor._nguyen)

Từ Hà Nội đi ra hướng đường Phạm Văn Đồng (hoặc đường vành đai 3 thẳng lên) sau đó đi tới cầu Thăng Long, xe máy không được phép đi trên tầng 2 của cầu nên các bạn chú ý theo biển chỉ dẫn đi dưới tầng 1. Qua cầu Thăng Long, đi thẳng đường Nội Bài đến ngã 4 Nam Hồng (có cầu vượt bắc ngang qua) các bạn rẽ trái theo hướng đi Mê Linh (Phúc Yên), đi thẳng đường này theo biển chỉ dẫn để tiếp tục đi tới Vĩnh Yên. Ngay đầu vào thành phố sẽ có biển chỉ dẫn các bạn đi Tây Thiên – Tam Đảo, cứ đi theo biển chỉ dẫn khoảng 20km nữa sẽ tới khu danh thắng Tây Thiên.

Ô tô

Nếu đi ô tô các bạn hãy đi theo hướng cầu Nhật Tân, tới ngã 4 QL2 thì rẽ phải đi về hướng Vĩnh Yên rồi rẽ vào cao tốc Hà Nội – Lào Cai, thoát khỏi cao tốc ở nút giao IC4 (nút giao QL2B) sau đó quay đầu xe và chạy thẳng theo tuyến quốc lộ này theo hướng đi Tam Đảo. Tới chân dốc Tam Đảo, các bạn đi thẳng theo biển hướng dẫn tới Tây Thiên.

Phương tiện công cộng

Vé xe buýt tới Tây Thiên, Tam Đảo (Ảnh – Phương Phiêu Diêu)

Đi bằng phương tiện công cộng thời gian di chuyển sẽ hơi lâu một chút (khoảng 2,5 tiếng từ Hà Nội) và sẽ mất công chuyển giữa các loại xe, tuy nhiên bù lại sẽ không phải lo tìm đường. Bắt xe buýt số 58 (Xe buýt Hà Nội) tới điểm dừng Mê Linh plaza, tiếp tục bắt xe buýt VP01 (xe buýt Vĩnh Phúc) tới Bến xe Vĩnh Yên thì chuyển sang tuyến buýt VP07 của Vĩnh Phúc đi Tây Thiên.

Đi lại ở Tây Thiên

Đi bộ
Tuyến đường bộ lên đỉnh Tây Thiên khá đẹp và mát mẻ (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu có đủ sức khỏe và thể lực, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn việc leo bộ lên tới tận đỉnh Tây Thiên. Tổng quãng đường chừng 4km với nhiều đoạn đi dưới bóng cây, lội suối, rất mát mẻ và thú vị. Đoạn cuối từ Đền Cô lên Đền Thượng là vất vả nhất do dốc cao, còn lại đâu cơ bản các bạn trẻ không gặp quá nhiều khó khăn với chặng đường này. Thời gian lên đến đỉnh khoảng 2-3 tiếng, tùy thuộc vào mức độ ham chơi của các bạn.

Cáp treo
Vé xe điện Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Cách khác nữa là đi cáp treo, với phương án này bạn sẽ chỉ mất khoảng 10 phút để di chuyển lên tới đền Thượng. Từ khu vực Đền Thõng, các bạn có thể đi bộ hoặc thuê xe điện để lên tới ga cáp treo.

Cáp treo giúp rút ngắn thời gian lên đỉnh chỉ mất khoảng 10 phút (Ảnh – cungphuot.info)

Đi bộ lên đến sân ga các bạn mua vé tại đây rồi sau đó di chuyển lên tầng 2 để vào cabin. Cabin được thiết kế tự động với sức chứa 6 người trong 1 khoang, đi vào mùa vắng thì các bạn cứ thoải mái ngồi vì cũng chẳng có mấy người.

Các điểm du lịch ở Tây Thiên

Bản đồ các địa điểm du lịch ở Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (Ảnh – trangphan615)

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).

Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.

Thiền viện Trúc lâm An Tâm

Thiền viện Trúc lâm An Tâm (Ảnh – Tuấn Trần Anh)

Hệ thống Thiền viện Trúc lâm ở khu vực Tây Thiên bao gồm Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (chùa tăng) và Thiền viện Trúc lâm An Tâm (chùa ni). Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm  được xây dựng từ năm 2009 do ni sư thích nữ Thuần Giác xây dựng và phần cơ bản hoàn tất năm 2012. An Tâm có ngôi chính điện thờ Phật Thích Ca mâu ni, ngôi nhà tổ thờ các vị tổ thiền tông, một nhà khách, một nhà ăn phục vụ được một lúc 200 người. Ngoài ra còn có ni đường, thiền đường dành cho các thiền sinh tu tập; nhiều thiền thất cho các ni sư tu hành.

Đại bảo tháp Mandala

Đại Bảo Tháp Man Đa La (Ảnh – cungphuot.info)

Đại Bảo tháp kiến trúc theo truyền thống Kim Cương Thừa được xây dựng lần đầu tiên tại Việt Nam. Do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã trực tiếp hướng dẫn thiết kế và yểm tâm theo đúng lời Phật dạy trong kinh điển về cách kiến lập Vũ trụ đại Mandala. Đại Bảo tháp khởi công từ ngày 16/3/2011, cao 29m; tổng diện tích mặt sàn hơn 1500m², cùng với một tầng âm thoáng rộng, thiết kế theo kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa.

Đường kính chân đế 60m, 3 tầng có hình dáng khác nhau, biểu trưng cho 6 yếu tố hình thành nên vũ trụ và sự sống, gọi là Lục đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không và Thức. 3 phần của Tháp tượng trưng cho Thân – Khẩu – Ý giác ngộ của Đức Phật. Tầng thứ hai là nơi dành cho du khách thập phương chiêm bái cầu nguyện, tầng này bài trí một cây truyền thừa với hơn một trăm chư Phật, Bồ Tát được an vị trên các cành nhánh của cây.

Dưới gốc cây thờ 5 pho tượng Ngũ Trí Phật cao 2m, hướng ra 5 phương theo phong cách của Kim Cương Thừa uyển chuyển mềm mại và vô cùng tinh xảo; đây là những pho tượng Phật theo trường phái Kim Cương Thừa đầu tiên được nghệ nhân Việt Nam thiết kế và đúc bằng đồng vàng nguyên chất. Lan can của tầng 2 được gắn rất nhiều Kim luân chuyển chú cho các phật tử đi nhiễu và chuyển luân để viên mãn mọi tâm nguyện. Trên tầng thượng của Bảo tháp có bốn tháp nhỏ cao 7m, nằm ở bốn phương, được thiết kế xây dựng theo mẫu của tháp Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ. Vòng quanh bầu tròn của Bảo tháp là tám am nhỏ được thờ Tứ Trí Phật (Phật Bảo Sinh, A Súc Bệ, A Di Đà, Bất Không Thành Tựu) và Tứ Đức Bồ Tát (Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc). Tiếp theo là mười ba tầng thu nhỏ của đỉnh Tháp tượng trưng cho mười ba quả vị viên mãn của con đường thành tựu chính đẳng, chính giác.

Đền Thõng

Đền Thõng và Cây Đa đã hàng trăm năm tuổi (Ảnh – cungphuot.info)

Đền Thõng là cửa ngõ đưa chúng ta về với Mẫu và đến thăm một quần thể kiến trúc cổ nằm hòa quyện với cảnh thiên nhiên của núi rừng Tây Thiên. Đến với nơi đây các bạn sẽ được chiêm ngưỡng Cây Đa Chín Cội, nằm ngay tại sân đền Thõng đã có niên đại hàng trăm năm tuổi, là biểu tượng linh thiêng, làm tôn lên vẻ đẹp của khu danh thắng . Vẫn tại nơi đó nay còn lưu giữ tấm bia đá được bảo tồn nguyên vẹn, có nội dung “Tam Đảo Linh Sơn” là một chứng tích lịch sử – văn hoá rất giá trị, khẳng định danh thắng Tây Thiên đã được nhiều triều đại hết sức quan tâm và coi trọng.

Đền Cậu Tây Thiên

Đền Cậu Trường Sinh (Ảnh – cungphuot.info]

Theo như lời kể của nhân dân thì đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, ở đây có đặt một bát hương và có một hòn đá, tương truyền là Cậu ngự ở đây, tập trung và nuôi quân trước khi đưa quân lên trên Mẫu. Đền được ban quản lý và nhân dân chung sức tu sửa lại vào năm 1993. Chắc chắn đây sẽ là điểm khởi nguồn đầu tiên tốt nhất cho mạch cảm xúc về với Mẫu của mỗi người khi đến với Tây Thiên.

Đền Cô Tây Thiên

Đền Cô Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Đền Cô, cách đền Cậu khoảng 2km, gần thác Bạc, bên dòng Giải Oan (phần trên suối Trường Sinh), để chúng sinh rũ bỏ bụi trần mà nhẹ tâm tiếp bước lên miền thánh thiện. Đền Cô cũng có niên đại lâu đời và hiện đang thờ Cô Bé, tương truyền là một vị con nhà Trời đã cùng Quốc Mẫu giúp dân giúp nước. Cảnh sắc nơi đây thanh nhã, khoáng đãng và yên bình với thảm thực vật phong phú cùng khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ. Dòng suối Giải Oan cùng giếng nước cổ sát chân đền tăng thêm vẻ tịch mịch và thanh tĩnh cho không gian nơi đây. Nếu ai lấy nước từ đó dâng lên cùng lễ vật rồi uống sẽ thấy trong lòng thư thái, thanh thản và tịnh tâm đến lạ lùng.

Thác Bạc Tây Thiên

Thác Bạc (Ảnh – cungphuot.info)

Xa tít trên cao nơi đỉnh sườn chon von của khối núi trước mặt, nổi bật lên trên nền xanh thẫm của rừng già là một dải lụa trắng mềm mại kéo thẳng xuống một vực sâu bên dưới. Đó là Thác Bạc, một con thác cao rộng trắng xóa, ánh bạc đúng như tên gọi của nó. Cũng mang tên Thác Bạc bắt nguồn từ con suối chạy dọc thị trấn Tam Đảo hay ngọn thác ở đầu Thị xã Sa Pa, nhưng lòng thác ở Tây Thiên rộng hơn cả. Vào mùa khô cạn, những người trẻ khỏe có thể tìm đường vượt sang bờ suối bên kia để theo vách núi leo lên đến đỉnh ngọn thác này.

Ni cô Tịnh thất

Tịnh thất Tây Thiên (Ảnh – Pema Gyamtsho)

Đây là địa điểm tu hành của các ni cô phái Mật tông Tây Tạng. Du khách sẽ cảm nhận được sự huyền bí của thiên nhiên với suối chảy rầm rì, rừng sâu u tịch, mây nước hiền hòa và không gian thanh tịnh; được chìm đắm và thăng hoa trong những thanh âm của các pháp cụ cùng tiếng đọc kinh của các ni cô, du khách sẽ thực sự thấy lòng mình thư thái.

Chùa Tây Thiên Phù Nghì

Chùa Tây Thiên Phù Nghì lại được coi là ngôi chùa cổ nhất, có diện tích rộng nhất tại linh địa Tây Thiên. Được kiến lập nơi đỉnh núi linh khí vần vũ suốt ngày đêm, hai bên long chầu hổ phục, tiền án hậu chẩm vẹn toàn, đây chính là nơi thánh địa đã được các bậc tổ xưa chọn để xây dựng ngôi cổ tự tràn đầy linh khí che trở trấn an cho cả miền đất nước. Song ngày nay, trải qua những thăng trầm của lịch sử, vô thường của thời gian, ngôi chùa đã hoàn toàn đổ nát chỉ còn phế tích năm cấp nền khá bằng phẳng. Cũng bởi lẽ vô thường này mà người dân địa phương bây giờ còn gọi chùa cổ Phù Nghì là chùa Nát.

Khu vực Đền Thượng

Hiện nay, đây là khu vực tâm linh chung của cả tín ngưỡng dân gian và tôn giáo, mà trung tâm là điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Đền Thượng Tây Thiên

Đền Thượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Đền Thượng là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo. Tương truyền bà được sinh ra từ khí thiêng của ngọn Tam Đảo, kết duyên cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7 và đã có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa. Sau đó bà được phong là “Tam Đảo Sơn Trụ Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần” và danh vị Quốc Mẫu Tây Thiên.

Chùa Tây Thiên

Chùa Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Ngôi chùa cổ đã được thay bằng một chùa mới, dấu xưa chỉ còn lại một ngôi tam quan cổ, khá đẹp, cùng bức hoành phi ghi tên chùa là “Tây Thiên thiền tự”. Kết cấu tam quan theo dạng tam sơn, với sự kết hợp cả yếu tố Phật và Nho. Ngôi tam quan này gần như theo dáng hiện có của tam quan chùa Kim Liên (Nghi Tàm, Hà Nội), song nhỏ và đơn giản hơn, chủ yếu theo hình thức bào trơn đóng bén, mang phong cách nghệ thuật vào khoảng thế kỷ XIX.

Mộ tổ Thiền sư

Khu mộ tổ Thiền Sư (Ảnh – cungphuot.info)

Mộ tổ thiền sư ngay phía sau chùa Thượng Tây thiên, bên phải chùa có một lối rẽ nhỏ, xếp bậc đá là khu mộ tổ của 3 vị thiền sư. Nơi đây là một khu vườn tháp nhỏ với 3 tháp còn bia danh ghi danh 3 vị: Võng Sơn Thiền sư, Cúc Khê Thiền sư, Giác Linh Ngã Thiền Sư. Xưa kia là 3 ngôi mộ có chỉ có bia đá, về sau được xây thành tháp bia…đến nay cũng đã phủ màu rêu phong.

Bàn cờ Tiên

Từ Đền Thượng, còn phải đi khoảng 150m nữa mới tới bàn cờ Tiên (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một khối đá lớn, dài có địa thế nằm gần như độc lập trong quá trình tạo sơn khu vực này, mũi của tảng đá hướng về hướng đồng bằng, trên đỉnh cả khối đá có khắc 1 bàn cờ rõ nét, từ khi nào không ai biết rõ, truyền thuyết kể rằng xưa kia trong những lần đi cầu đảo đã nhiều lần gặp các vị tiên thường xuống đây đánh cờ vì thế nên được gọi là bàn cờ tiên hay đá bàn cờ.

Đền Cô Chín Tây Thiên

Đền Cô Chín Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Đền Cô Chín Tây Thiên nằm trên lưng chừng ngọn núi cùng với Chùa Thượng, Đền Thượng, đền Mẫu địa, đền Thần núi, Miếu Sơn thần.. tạo thành một quần thể tâm linh đặc sắc chìm mình trong ngút ngàn rừng già, một chốn bồng lai tiên cảnh sơn thủy hữu tình. Ngôi đền mới được xây dựng trong thời gian gần đây, khi nhà nước có chủ trương mở rộng khu du lịch tâm linh này.

Thanh Sơn Linh Từ

Thanh Sơn Linh Từ (Ảnh – cungphuot.info)

Sự tích kể rằng, thần đã âm phù cho cuộc cầu đảo dưới thời Trần Nhân Tông (1279 – 1293) nên được vua phong là “Thanh Sơn Đại Vương”. Đến thời Lê Sơ, đời vua Nhân Tông, niên hiệu Thái Hoà thứ 8 (1450), vua sai đại thần Lê Khắc Phục lên tế thần, ông có để lại tấm bia ma nhai (khắc vào vách núi) ghi lại sự kiện này (cách đền khoảng gần 700m theo lối mòn).

Giá dịch vụ  ở Tây Thiên

Ở thời điểm giữa đến tháng 3/2024, giá cả một số dịch vụ ở Tây Thiên như dưới đây, các bạn có thể sử dụng để tham khảo

  • Gửi xe máy: 10k
  • Gửi ô tô 35k
  • Vé xe điện 2 chiều: 40k
  • Vé cáp treo: 240k khứ hồi 150k 1 chiều (người lớn) – 160k khứ hồi 100k 1 chiều (trẻ em)
  • Nước mía: Giá bình quân 10k

Một số lưu ý khi khi du lịch Tây Thiên

  • Nếu đi vào mùa hè, nhớ chuẩn bị áo dài tay, mũ rộng vành và mang đủ lượng nước cần thiết. Ngoài ra, nếu đi xuyên trưa các bạn cũng nên chuẩn bị đồ ăn nhẹ dọc đường.
  • Nếu tự đi xe cá nhân, khi đến ngay đầu Trung tâm Lễ hội Tây Thiên các bạn đừng rẽ vào đó, cứ đi thẳng sát vào tận trong chân núi để đỡ phải đi bộ xa.
  • Nếu xác định leo bộ lên Tây Thiên các bạn nhớ chuẩn bị sẵn dép (hoặc thuê ở chân núi) bởi khi leo sẽ phải vượt qua khá nhiều đoạn suối, đi giầy dễ ướt lắm.
  • Nếu thích không khí náo nhiệt của lễ hội, các bạn nhớ đến Tây Thiên vào các ngày 15,16,17/2 (âm lịch) hàng năm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của miền Bắc, lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ bà Quốc Mẫu Tây Thiên.

Lịch trình du lịch Tây Thiên

Đi vãn cảnh Tây Thiên nên đi vào những dịp bình thường cho thoải mái các bạn nhé (Ảnh – imaglobalwanderer)

Hà Nội – Tây Thiên – Tam Đảo

Ngày 1: Hà Nội – Tây Thiên – Tam Đảo

Từ Hà Nội các bạn xuất phát sớm đi Tây Thiên, khu vực này sẽ có chùa Tây Thiên và Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Khoảng 2 tiếng kể từ thời gian xuất phát sẽ lên tới chùa Tây Thiên, mua vé cáp treo để lên trên đỉnh cho nhanh. Nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể leo núi để lên chùa, mang theo đồ ăn đi để ăn luôn dọc đường cho tiện.

Chiều xuống núi, từ chùa Tây Thiên quay ngược lại đi lên thăm Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Thời gian ở đây khoảng 1 tiếng là tương đối thoải mái với những bạn chỉ ghé tham quan, nếu quan tâm tới Phật Giáo và Thiền Tông, các bạn có thể dành thêm thời gian để tìm hiểu.Từ Tây Thiên, chạy thẳng lên Tam Đảo nhận phòng nghỉ ngơi. Tối lang thang quanh thị trấn thưởng thức đồ nướng trong tiết trời se lạnh của Tam Đảo.

Ngày 2 : Tam Đảo – Hà Nội

Sáng dậy ăn sáng, ghé Quán Gió hoặc lên Cổng Trời làm ly cafe ngắm cảnh. Tiếp tục ghé Thác Bạc, Nhà thờ, nếu thích vận động có thể leo Tháp truyền hình, đền Bà Chúa Thượng Ngàn.Trưa ăn trưa, trả phòng khách sạn rồi khởi hành về lại Hà Nội.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Tây Thiên 2024
  • du lịch Tây Thiên tháng 3
  • tháng 3 Tây Thiên có gì đẹp
  • review Tây Thiên
  • hướng dẫn đi Tây Thiên tự túc
  • ăn gì ở Tây Thiên
  • phượt Tây Thiên bằng xe máy
  • Tây Thiên ở đâu
  • đường đi tới Tây Thiên
  • chơi gì ở Tây Thiên
  • đi Tây Thiên mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Tây Thiên
  • homestay giá rẻ Tây Thiên
4.8/5 - (1009 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Vĩnh Phúc

VĨNH PHÚC

Vị trí Vĩnh Phúc trên bản đồ Việt Nam

Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.  Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như khu danh thắng Tây Thiên với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam cùng với Yên TửĐà Lạt), khu nghỉ mát Tam Đảo, tháp Bình Sơn, đền Gia Loan – chùa Biện Sơn,… là nơi để phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát,… Ngoài ra còn có trên 500 di tích lịch sử, văn hoá với 170 di tích được xếp hạng, trong đó 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Bạn có biết: Vĩnh Phúc là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng.

  • Diện tích: 1.235,2 km²
  • Dân số: 1.154.154 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 7 huyện
  • Vùng: Đồng Bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 211
  • Biển số xe: 88