Kinh nghiệm du lịch Hoa Lư, Ninh Bình

Kinh nghiệm du lịch Hoa Lư, Ninh Bình (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Khu du lịch Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước Việt (Ảnh – shozebhaider)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả shozebhaider, drifting_nikitin, Xuân Lâm, VEC, Tran Quang Thuy, Nicola e Pina, Đức Tiệp, Kien1980v, Chùa Bái Đính, Phuong Thao Bui, 韋能王, hanhinno, Dân Ngô, Đào Việt Dũng, mailinh25599, jessjamesjo, tieu_panda, _beo.iu.____, dimessi85 và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về cố đô Hoa Lư

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư (Ảnh – drifting_nikitin)

Nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình, kinh đô Hoa Lư xưa (tức khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay) là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An và nhiều hang động có di chỉ cư trú của con người các thời kỳ văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn và Đa Bút. Quần thể di sản thế giới Tràng An ở Hoa Lư còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước. Thời Hồng Bàng nơi đây thuộc bộ Quân Ninh. Thời An Dương Vương, vùng này thuộc bộ lạc Câu Lậu.

Từ thời thuộc Hán qua Tam Quốc đến thời Nam Bắc triều, vùng cố đô Hoa Lư thuộc huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ. Sang thời thuộc Đường, vùng này thuộc Trường châu.

Trong thời nhà Ngô, vùng này là nơi cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh. Ông ly khai đã đẩy lui thành công cuộc tấn công của chính quyền trung ương Cổ Loa năm 951 do 2 anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn đích thân chỉ huy. Cho tới khi nhà Ngô mất, đây vẫn là vùng cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Hoa Lư, nơi đây trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Cồ Việt. Từ năm 968 đến năm 1009, có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại đóng đô tại đây. Thời kỳ này, Hoa Lư là nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao giữa các triều đình nước Đại Cồ Việt với triều đình nhà Bắc Tống (Trung Quốc): thời Đinh 2 lần (năm 973, 975), thời Tiền Lê 10 lần (980, 985, 986, 987, 988, 990, 995, 996, 997, 1007.

Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, cho hoàng tử Lý Long Bồ trấn thủ đất này. Từ đó đến thời Trần, vùng này thuộc lộ Trường Yên. Nhà Trần sử dụng thành Nam Trường Yên của cố đô Hoa Lư để làm cứ địa kháng chiến chống Nguyên Mông. Vua Trần Thái Tông xây dựng ở Hoa Lư hành cung Vũ Lâm, đền Trần thờ thần Quý Minh và chùa A Nậu. Cung Vũ Lâm là nơi các vua Trần xuất gia tu hành.

Đầu thời Lê sơ, vùng cố đô Hoa Lư nhập vào Thanh Hóa, từ thời Lê Thánh Tông lại tách ra, thuộc phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam.

Qua thời Nam Bắc triều, từ thời Lê trung hưng tới thời Tây Sơn, vùng này thuộc phủ Trường Yên thuộc trấn Thanh Hoa ngoại. Từ cải cách hành chính của vua Minh Mạng nhà Nguyễn năm 1831, vùng này thuộc tỉnh Ninh Bình. Từ ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với các tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh rồi lại tái lập ngày 26 tháng 12 năm 1991, vùng cố đô Hoa Lư trở lại thuộc tỉnh Ninh Bình.

Nên đi du lịch Hoa Lư vào thời gian nào

Lễ hội Hoa Lư thường diễn ra vào khoảng tháng 3 âm lịch hàng năm (Ảnh – Xuân Lâm)

Có thể đi du lịch Hoa Lư vào dịp tháng 3-4-5 dương lịch hàng năm, thời gian này ở miền Bắc chưa chuyển hẳn sang hè và vẫn là mùa khô, thời tiết thường có nắng nhẹ nhưng vẫn tương đối dịu mát. Ngoài ra nếu muốn đi kết hợp với các địa điểm khác các bạn có thể đi Hoa Lư vào

  • Cuối tháng 5 là mùa lúa chín ở Ninh Bình, kết hợp để đi Tam Cốc Bích Động
  • Sau Tết Âm Lịch là mùa lễ hội, có thể kết hợp để đi Bái Đính
  • Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư (hay còn gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) diễn ra vào 8-10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Hướng dẫn đi đến Hoa Lư

Hoa Lư cách trung tâm Tp Ninh Bình khoảng 15km, các bạn có rất nhiều cách để có thể đến được với nơi đây, nếu không có sẵn phương tiện cá nhân thì phương án đi phương tiện công cộng đến Ninh Bình rồi thuê xe máy là một trong những lựa chọn khá phù hợp.

Đi tới Ninh Bình

Đường bộ

Với đường cao tốc, từ Hà Nội đi Ninh Bình giờ chỉ mất khoảng 1h đồng hồ (Ảnh – VEC)

Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.

Phương tiện công cộng

Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do Tp Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục)

Xem thêm bài viết: Các tuyến xe khách đi Ninh Bình (Cập nhật 10/2024)

Phương tiện cá nhân

Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.

Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa. Chú ý là tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định – Thái Bình để đỡ vòng vèo.

Đường sắt

Ga Ninh Bình hiện tại cũng đã được nâng cấp khá nhiều (Ảnh – Tran Quang Thuy)

Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.

Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22 và tàu SE19 (20h05) đến Ninh Bình lúc khoảng 23h.

Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.

Từ Ninh Bình đi Hoa Lư

Nếu đơn giản các bạn chỉ muốn đến Hoa Lư rồi về thì có thể thuê taxi hoặc xe ôm, với nhóm khoảng 4 người thì thuê một taxi với quãng đường 15km thì cũng không quá đắt.

Nếu muốn kết hợp để đi nhiều điểm du lịch khác ở Ninh Bình gần đấy như Tam Cốc Bích Động, Tràng An, Bái Đính, các bạn hãy lựa chọn phương án thuê xe máy ở Ninh Bình rồi đi theo một lịch trình vòng cung đi tất cả các điểm, cơ bản là cũng không quá xa nhau đâu.

Lưu trú tại Hoa Lư

Thực tế khách du lịch khi đến với cố đô Hoa Lư thường chỉ dừng chân trong khoảng thời gian ngắn, rồi lại tiếp tục đến với những địa danh khác cùng nằm trong quần thể di tích.

Xem thêm bài viết: Danh sách khách sạn tại Hoa Lư (Cập nhật 10/2024)

Các địa điểm đẹp khi du lịch Hoa Lư

Đền vua Đinh Tiên Hoàng

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại khu di tích Hoa Lư (Ảnh – Nicola e Pina)

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Đền toạ lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh.

Đền Vua Đinh được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, trục chính đạo hướng đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Đền vua Đinh được xây dựng trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa. Xung quanh khu vực này, các nhà khảo cổ đã đào được một mảng sân gạch có họa tiết hoa sen và đôi phượng vờn nhau. Trên mặt gạch có dòng chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” và “Giang tây quân”.

Đền vua Lê Đại Hành

Trong khuôn viên đền thờ vua Lê (Ảnh – Đức Tiệp)

Đền thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh, ngoài ra còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng. Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét, thuộc thành Đông. Đền được xây theo kiểu nội công ngoại quốc nhưng có quy mô nhỏ hơn đền Vua Đinh. Trước mặt đền là khu quảng trường trung tâm cố đô Hoa Lư và núi Ðèn nằm bên sông Sào Khê, sau đền là hào nước bảo vệ cố đô chạy dưới chân núi Ðìa.

Đền Phất Kim

Đền Phất Kim nằm trong một khuôn viên khá hẹp, gần cửa bắc vào khu trung tâm cố đô Hoa Lư, một mặt giáp đường làng cổ Yên Thành. Đền gồm có 3 tòa xếp kiểu chữ môn quay nhìn vào sân chính giữa. Tương truyền vị trí này nằm trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây công chúa Phất Kim (con gái vua Đinh Tiên Hoàng) đã ở, rất gần chùa Nhất Trụ. Phía trước sân còn một cái giếng lớn, hình lục lăng, được coi là nơi công chúa Phất Kim đã tự vẫn.

Hoa Lư Tứ Trấn

Trấn Đông: Thần Thiên Tôn

Cổng vào động thờ thần Thiên Tôn (Ảnh – Kien1980v)

Thần Thiên Tôn là vị thần trong truyền thuyết ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ X Tương truyền, trước khi đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh đã mang lễ vật vào tế lễ trong động để mong được thần giúp đỡ đánh tan các sứ quân khác. Sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng Đế đóng đô ở Hoa Lư, ông đã cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi vào kinh đô.

Theo các thần tích đình làng Bích Đào, làng Đại Phong, thì thần Thiên Tôn là vị thiên thần, nguyên là hoàng tử, do hoàng hậu nằm mộng thấy nuốt mặt trời, có thai rồi sinh ra ngài vào ngày mồng 3 tháng 3 năm Khai hoàng thứ 25 (năm 625), gọi là Huyền Nguyên. Lớn lên hoàng tử dũng mãnh hơn người, đi khắp thiên hạ, vào núi Dũng Dương (Hoa Lư) tu luyện 42 năm, khi đắc đạo có thể bay lượn, biến hóa, tận trừ tà ma quỷ quái. Ngọc hoàng ban cho thanh kiếm Tam thai thất tinh và phong làm Bắc phương Trấn Vũ đại tướng quân. Sau phóng gươm ở dưới núi Cánh Diều (Ninh Bình) mà hóa. Năm 938, Cao Đô Đường Thái sư xây đền ở cửa động Thiên Tôn, tạc tượng tay chống bảo kiếm, chân đạp lên rùa rắn và ban sắc phong là Trấn Vũ An Quốc đại vương… Đinh Tiên Hoàng khởi nghĩa ở động Hoa Lư được hai tướng Rùa, Rắn của thần giúp sức nên được sắc phong là An Quốc hoàng đế. Ở phía đông cố đô Hoa Lư có 7 nơi thờ thần là Bích Đào, Đại Phong, Yên Cư của huyện Yên Khánh, Lực Giá và Phú Gia của huyện Gia Viễn đều thuộc Ninh Bình.

Trấn Tây: Thần Cao Sơn

Đền thờ thần Cao Sơn ở chùa Bái Đính (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở vùng núi đá phía tây Ninh Bình như: đền Láo ở xã Văn Phú, Nho Quan; đền Núi Hầu (Yên Thắng – Yên Mô); đền Quèn Thờ (Đông Sơn – Tam Điệp); đền Sơn Thần (Gia Thủy – Nho Quan) và đền Cao Sơn (khu núi chùa Bái Đính) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay), con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ.

Trấn Nam: Thần Quý Minh

Đền Suối Tiên thờ Minh Quý Vương ở khu danh thắng Tràng An (Ảnh – Phuong Thao Bui)

Theo truyền thuyết dân gian cố đô Hoa Lư, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18). Người là một “thượng đẳng thần”, được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong, được nhân dân khắp xứ này thờ phụng. Đền chính được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng tại thành Nam (Tràng An) ở cố đô Hoa Lư, sau vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại với quy mô như ngày nay. Xung quanh khu vực này còn nhiều đền thờ Quý Minh Đại Vương như: đền Dưỡng Khê, đền Quý Minh Đại Vương, đền Đô ở xã Ninh Nhất, chùa Đẩu Long, đền Hiềm phường Phúc Thành thành phố Ninh Bình Xa hơn là các di tích ở làng Thiện Trạo, xã Ninh Sơn và làng Phúc Trì, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình), đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư), đình Sinh Dược, đình Bình Khang (Liên Sơn, Gia Viễn), đình Trung Lận Khê (Khánh Thượng, Yên Mô).

Trấn Bắc: Thần Khổng Lồ

Đền thờ đức Thánh Nguyễn ở chùa Bái Đính (Ảnh – Chùa Bái Đính)

Khác với các vị thần trên là thành hoàng trấn giữ 3 vòng thành, Đức Thánh Nguyễn lại là danh nhân sinh ra trên quê hương Vua Đinh Tiên Hoàng và có công gây dựng, tu tạo nhiều di tích trong cố đô Hoa Lư nên ông được coi là vị thánh trấn bắc Hoa Lư tứ trấn. Tên gọi thông dụng nhất của ông là Lý Quốc Sư, ở quê hương ông được gọi là đức Thánh Nguyễn. Trong các truyền thuyết ông được xem là vị thần Khổng Lồ có thể đi lại bay lượn trên không, tạo ra nhưng hòn núi, hang động, hồ đầm…

Các chùa cổ ở Hoa Lư

Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Theo các thư tịch và dấu vết còn sót lại, vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp như chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh); chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ, chùa Đẩu Long (nhà Tiền Lê). Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên của Việt Nam là Khuông Việt. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc…

Chùa Nhất Trụ

Chùa Nhất Trụ (Ảnh – 韋能王)

Hay chùa Một Cột cùng với đình Yên Thành tọa lạc ở gần đền Vua Lê Đại Hành, được Vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang phật giáo. Hiện còn cột kinh Phật trước chùa vẫn giữ nguyên vẹn từ nghìn năm trước, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam.

Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là một điểm du lịch tâm linh rất nổi tiếng ở Ninh Bình (Ảnh – hanhinno)

Gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới với đền thờ đức Thánh Nguyễn, hang động sáng thờ Phật, hang động tối thờ Tiên và đền thờ thần Cao Sơn. Quần thể chùa Bái Đính nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.

Chùa Địch Lộng

Lối xuống động Địch Lộng (Ảnh – kien1980v)

Động – Chùa Địch Lộng là quần thể di tích danh thắng gồm có đình đá (có 16 cột đá nguyên khối); đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng và ba gian chùa Hạ.

Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động mà trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự”. Hai bên cửa động có hai tượng Hộ pháp và tại mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu; hai giếng ngọc quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi và tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử. Đứng tại sân này, phía bên phải là chùa mà với mái là vòm hang cao khoảng 20 m, sâu khoảng 30 – 40 m và có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.

Chùa Bà Ngô

Trong sân chùa Bà Ngô (Ảnh – Dân Ngô)

Chùa Bà Ngô được xây từ thời nhà Đinh. Nằm bên phải bờ sông Hoàng Long thuộc khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Tấm bia đá dựng ở chùa, niên đại 1877 có đoạn: “Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam của đô cũ Đại Việt trước. Vốn là một danh thắng nhưng do thế đại chuyển dời, phong quang thay đổi, am ngọc quạnh quẽ dưới ánh dương tà, chùa báu điêu tàn trơ trọi trong ánh trăng đêm”. Tương truyền là nơi hoàng hậu mẹ Ngô Nhật Khánh tu hành. Trong chùa có bức đại tự thời Nguyễn ghi 3 chữ Bà Sa tự. Theo từ điển Hán Việt, Sa có nghĩa là nhiều khổ não. Chùa Bà Ngô ở thế kỷ thứ X chính là nơi tiến hành nghi thức sám hối, rửa sạch mọi tội lỗi nghiệp chướng trần gian. Tại đây còn khai quật được ngôi mộ cổ thời Hán – Đường.

Chùa Bàn Long

Động và Chùa Bàn Long (Ảnh – Đào Việt Dũng)

Chùa Bàn Long cũng được hình thành từ thời Đinh. Khi chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: “Bàn Long Tự” trên vách cửa động. “Bàn Long” là bệ rồng – bệ đá rồng ngồi. Tấm bia ở vách núi khắc vào thế ký 16 có ghi: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá mà đi về phía nam đến làng Khê Đầu, ở đó có chùa Bàn Long.

Chùa Kim Ngân

Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, thuộc vòng thành trong ở phía tây, xưa là nơi cất giữ vàng bạc từ khi vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân. Chùa Duyên Ninh xưa là nơi vui chơi của các công chúa, nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông.

Động Am Tiên

Động Am Tiên (Ảnh – mailinh25599)

Chùa động Am Tiên như một thế giới riêng biệt. Có một tấm bia cổ, từ thời Lý, chữ đã mờ hết đọc không được. Nhưng tấm bia dựng thời vua Ðồng Khánh, chữ viết còn rõ ràng, nói về việc tu sửa chùa và động. Đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ báo để trừng trị những người phạm tội nặng. Đến thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây bệ thờ Phật ở trong hang, người đời sau mới mở ra cảnh chùa chiền để khách thập phương hành hương đến đó.

Ăn gì khi du lịch Hoa Lư

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình, đặc sản nổi tiếng cùng thịt dê (Ảnh – jessjamesjo)

Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.

Thịt dê núi Ninh Bình

Thịt dê núi Ninh Bình (Ảnh – tieu_panda)

Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.

Ốc núi Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây rừng. (Ảnh – _beo.iu.____)

Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.

Xem thêm bài viết: Các món ăn ngon ở Ninh Bình (Cập nhật 10/2024)

Một số lịch trình du lịch Hoa Lư

Ngoài cố đô Hoa Lư, ở Ninh Bình còn rất nhiều địa điểm du lịch thú vị khác mà các bạn có thể kết hợp đi cùng (Ảnh – dimessi85)

Hà Nội – Tràng An – Bái Đính – Hoa Lư (1 ngày)

Sáng từ Hà Nội khởi hành đi Ninh Bình, nếu đi theo đường cao tốc thì chỉ chừng hơn 1 tiếng là bạn có mặt ở Tp Ninh Bình. Từ đây bắt đầu đi tới khu du lịch Tràng An.

Khoảng 9h bắt đầu đi khám phá Tràng An bằng thuyền, tùy thuộc lịch trình mà các bạn mất khoảng 2-3 tiếng để khám phá hết nơi này. Sau khi rời Tràng An, đến khu di tích Cố đô Hoa Lư, tham quan khu đền vua Đinh, vua Lê. Nghỉ ngơi ăn trưa tại một nhà hàng nào đó.

Chiều đi thăm chùa Bái Đính, đây là quần thể chùa rất nổi tiếng ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác nhận. Kết thúc hành trình các bạn trở lại về Hà Nội.

Hà Nội – Nhà thờ Phát Diệm – Tràng An – Bái Đính (2 ngày 1 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Phát Diệm – Động Thiên Hà

Từ Hà Nội khởi hành đi thẳng nhà thờ đá Phát Diệm. Đây là một quần thể nhà thờ công giáo với kiến trúc độc đáo và đặc sắc, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ trong một thời gian dài từ 1875 đến 1899.

Nghỉ ngơi ăn trưa. Chiều từ Phát Diệm đi tham quan Động Thiên Hà. Tuy động không lớn nhưng do nằm ngay trong dải núi Tướng, vốn là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ 10, nên động Thiên Hà được nhiều du khách tìm đến để hiểu thêm về vùng đất cố đô.

Chiều tối quay lại Tp Ninh Bình, thuê khách sạn tại Tp Ninh Bình để nghỉ ngơi, tối nhớ thưởng thức các đặc sản của Ninh Bình

Ngày 2: Tràng An – Hoa Lư – Bái Đính – Hà Nội

Từ Tp Ninh Bình di chuyển tới khu du lịch Tràng An, chọn 1 trong 2 tuyến khám phá Tràng An để đi. Sau khi kết thúc hành trình ở đây thì tiếp tục đi tới cố đô Hoa Lư thăm đền vua Đinh, vua Lê

Trước khi trở lại Hà Nội, các bạn nhớ ghé thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa mới được xây dựng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập.

Hà Nội – Cúc Phương – Bái Đính – Tràng An – Vân Long (3 ngày 2 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Cúc Phương

Sáng khởi hành từ Hà Nội, khoảng 3 tiếng sẽ xuống đến cổng vườn quốc gia Cúc Phương, ăn trưa tại Cúc Phương. Tham quan rừng Cúc Phương, Cây Trò ngàn năm, các địa danh dọc theo chặng đường từ cửa rừng vào trong.

Tối ngủ một đêm tại Cúc Phương

Ngày 2: Cúc Phương – Bái Đính – Hoa Lư – Tràng An

Buổi sáng trả phòng, ăn sáng rồi từ Cúc Phương khởi hành đi chùa Bái Đính, ngôi chùa có quy mô hoành tráng và lớn bậc nhất. Từ Bái Đính tiếp tục di chuyển đi đến cố đô Hoa Lư. Sau khi thăm đền vua Đinh, vua Lê và khám phá cố đô, các bạn nghỉ ngơi ăn trưa rồi tiếp tục di chuyển đến khu du lịch Tràng An. Lựa chọn một trong 2 tuyến di chuyển ở đây, chiều về Tp Ninh Bình Nghỉ Ngơi

Ăn tối và ngủ đêm tại Tp Ninh Bình

Ngày 3: Ninh Bình – Vân Long – Kênh Gà – Hà Nội

Buổi sáng dậy trả phòng, từ Tp Ninh Bình đi đầm Vân Long. Đây cũng là một trong những nơi thực hiện các cảnh quay của Kong : Skull Island. Trưa từ Vân Long về thẳng khu suối nướng nóng Kênh Gà ăn uống, nghỉ ngơi và tắm suối nước nóng.

Chiều khởi hành về Hà Nội.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch hoa lư 2024
  • du lịch hoa lư tháng 10
  • tháng 10 hoa lư có gì đẹp
  • review hoa lư
  • hướng dẫn đi hoa lư tự túc
  • ăn gì ở hoa lư
  • phượt hoa lư bằng xe máy
  • hoa lư ở đâu
  • đường đi tới hoa lư
  • chơi gì ở hoa lư
  • đi hoa lư mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp hoa lư
  • homestay giá rẻ hoa lư

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 35 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào