Kinh nghiệm du lịch Long Xuyên, An Giang (Cập nhật 12/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 23 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh An Giang, Long Xuyên có vị trí chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Là điểm giao thoa giữa khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên. Không chỉ được biết đến là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà nơi đây còn được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển du lịch. Trong các sản phẩm du lịch Long Xuyên thì mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái được nhiều du khách quan tâm nhất.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Nguyễn Thế Dương, hoangbordeaux, Võ Nguyễn Minh Bảo, duong181416, Anh Hầu, vuong_0488, trung6343, tan_yb, hieu.ricky, Tú Trần Minh, Thuy Mai, Nguyen Anh Thy, Thái Minh Triết, Nhân Quảng Nguyễn, Luong Van Vui, yoomat6, Thao Nguyen Hao, duyle32, oxxy.0811, Bùi Thụy Đào Nguyên, Thy Thanh Tú Trần, phuong nguyen, Dong Dang, Nguyễn Tuấn Quang, Diem Mi Nguyen, Quốc Việt Nguyễn, robert542, nhannep111, bonnuna, vulac_, hangphan.90, lucphan11491, duongdinhminh82, Nguyễn Đình Xuân, Thị Mai Dương Nguyễn nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu chung về Long Xuyên
Mục lục
- 1 Giới thiệu chung về Long Xuyên
- 2 Du lịch Long Xuyên thời gian nào?
- 3 Hướng dẫn đi tới Long Xuyên
- 4 Lưu trú ở Long Xuyên
- 5 Địa điểm du lịch Long Xuyên
- 6 Ăn gì khi tới Long Xuyên
- 7 Lịch trình du lịch Long Xuyên
Cổng chào Long Xuyên (Ảnh – hoangbordeaux) |
Trước khi người Việt đến khai phá, vùng đất An Giang nói chung, Long Xuyên nói riêng vẫn còn là vùng hoang vu, sình lầy, sông rạch chằng chịt, cây rừng rậm rạp. Đến năm 1780, vùng đất Long Xuyên mới có người Việt đến khai hoang, lập làng, đầu tiên là Châu Trấn Ba (cù lao Ông Hổ). Dấu ấn khai mở, xác lập địa danh vùng đất Đông Xuyên ghi tạc với sự kiện chúa Nguyễn Ánh cho lập Thủ Đông Xuyên vào năm Kỷ Dậu 1789 tại vàm Tam Khê, rồi đổi tên rạch Tam Khê thành rạch Đông Xuyên và vùng đất xung quanh cũng mang tên Đông Xuyên. Tiếp sau đó, Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào kinh Thoại Hà vào năm Mậu Dần 1818, mở ra tuyến đường thủy thông thương từ sông Hậu ra biển Tây. Từ đó lập hai làng Bình Đức, Mỹ Phước, qui tụ nhân dân hai bên vàm rạch Đông Xuyên, hình thành bến chợ Đông Xuyên để trao đổi hàng hóa với cac nơi. Những mốc lịch sử này đánh dấu tiến trình khai cơ lập nghiệp trên vùng đất Long Xuyên ngày nay.
Toàn cảnh thành phố Long Xuyên (Ảnh – Võ Nguyễn Minh Bảo) |
Hiện tại, thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang có vị trí chiến lược, là điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên. Là điểm giao thoa giữa hai khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên; nằm trên điểm giao của các tuyến giao thông trọng yếu của vùng Tây Nam Bộ, có lợi thế kết nối thuận lợi liên vùng và quốc tế.
Du lịch Long Xuyên thời gian nào?
Có nhiều thời điểm đẹp trong năm để các bạn có thể lựa chọn du lịch Long Xuyên (Ảnh – duong181416) |
Long Xuyên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm chỉ khoảng 27ºC. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Do không có quá nhiều lợi thế về phát triển du lịch so với các địa điểm khác trong cùng tình, các bạn có thể kết hợp khám phá Long Xuyên vào một số thời điểm như:
- Mùa nước nổi miền Tây, đến An Giang lúc này các bạn có thể trải nghiệm được nhiều nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây dịp này.
- Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm.
- Hội đua bò Bảy Núi tổ chức của người Khmer, từ 29/8 đến 1/9 (âm lịch) hàng năm.
Hướng dẫn đi tới Long Xuyên
Phương tiện công cộng
Xe khách
Từ Sài Gòn, không quá khó để tới Long Xuyên bằng xe khách (Ảnh – Anh Hầu) |
Từ Sài Gòn, chỉ mất khoảng hơn 3 tiếng là xe khách sẽ đưa các bạn tới Long Xuyên, gần hơn kha khá thời gian so với việc di chuyển tới Châu Đốc. Các bạn có thể dễ dàng bắt xe ở bến xe miền Tây, các nhà xe chạy liên tục hàng ngày với nhiều khung giờ khác nhau.
Xem thêm bài viết: Xe khách đi An Giang (Cập nhật 12/2024)
Máy bay
Thành phố Long Xuyên nằm khá gần sân bay Cần Thơ với khoảng cách chỉ chửng hơn 50km. Các bạn từ các tỉnh thành xa có thể lựa chọn các chuyến bay tới đây. Sau khi bay tới Cần Thơ, các bạn có thể thuê luôn xe máy ở Cần Thơ để làm phương tiện dạo chơi ở Long Xuyên.
Phương tiện cá nhân
Ô tô
Có ô tô cá nhân thì việc đi tới Long Xuyên tương đối đơn giản sau khi có hệ thống cao tốc khắp miền Tây (Ảnh – vuong_0488) |
Với hệ thống các tuyến đường cao tốc mới được hoàn thành ở miền Tây việc di chuyển tới Long Xuyên bằng ô tô cá nhân khá đơn gian. Từ Sài Gòn, các bạn theo tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi. Qua cầu Vàm Cống các bạn rẽ đi theo hướng QL91 một đoạn sẽ tới trung tâm thành phố Long Xuyên.
Xe máy
Nếu thích, các bạn có thể chạy thẳng xe máy tới Long Xuyên (Ảnh – trung6343) |
Với xe máy, do không thể di chuyển lên cao tốc nên nếu muốn chạy xe máy từ tận Sài Gòn các bạn sẽ phải đi theo tuyến QL1A, QL30 và QL91 để tới được Long Xuyên. Nhưng trừ khi có kế hoạch khám phá thêm những điểm khác, còn không các bạn hãy đi xe giường nằm tới Cần Thơ, thuê xe máy tại đây để chạy tới Long Xuyên cho nhàn.
Đi lại ở Long Xuyên
Xe máy
Có 1 chiếc xe máy các bạn sẽ chủ động hơn trong việc khám phá Long Xuyên (Ảnh – tan_yb) |
Ở những thành phố nhỏ của miền Tây, việc có 1 chiếc xe máy để đi lại bao giờ cũng sẽ chủ động nhất. Các bạn sẽ có thể lang thang khám phá từng ngóc ngách, trải nghiệm các món ăn địa phương thuận lợi và dễ dàng hơn. Nếu đi bằng xe khách tới Long Xuyên, các bạn hãy liên hệ thuê một chiếc xe máy ngay tại đây nhé.
Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Long Xuyên (Cập nhật 12/2024)
Phà/Thuyền
Phà là phương tiện cần thiết nếu các bạn muốn sang cù lao Ông Hổ (Ảnh – hieu.ricky) |
Với một số địa điểm nằm trên cù lao Ông Hổ, các bạn cần sử dụng phà mới có thể tới được đây do hiện chưa có cầu nối Trung tâm thành phố Long Xuyên với cù lao. Có 2 bến phà sang cù lao Ông Hổ là phà Trà Ôn và phà Ô Môi. Nếu muốn thuê thuyền đi khám phá chợ nổi Long Xuyên, các bạn có thể đến khu vực bến phà Ô Môi để tìm hiểu.
Lưu trú ở Long Xuyên
Khách sạn/Nhà nghỉ
Tuy là trung tâm hành chính, chính trị của An Giang nhưng do không phải là một điểm đến ưa thích của du khách nên số lượng cơ sở lưu trú đạt chuẩn của Long Xuyên chưa nhiều. Chủ yếu là những khách sạn nhỏ, ngoài ra hệ thống nhà nghỉ bình dân thì trải đều khắp mọi nơi cùng với số lượng du khách lưu trú ở lại không nhiều nên việc tìm một nơi ở phù hợp khi đến Long Xuyên không quá khó khăn.
Một số khách sạn tốt ở Long Xuyên
Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12
Khách sạn Châu Khương
Địa chỉ: Số 2 Đ. Hà Hoàng Hổ, Phường Mỹ Xuyên, Thành phố Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
02963727777
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Lá Homestay
Địa chỉ: 12 Đ. Số 4, khu đô thị Tây Sông Hậu, Thành phố Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
0968888052
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Hòa Bình 1
Địa chỉ: 130 Trần Hưng Đạo, Mỹ Bình, Tp Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
0296 3857227
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách sạn Lara
Địa chỉ: 46-48 Hùng Vương, P. Mỹ Phước, Thành phố Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
02963526526
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Alpha Homestay Marina
Địa chỉ: Tổ 1, khóm Bình Long 3, Tp. Long Xuyên, An Giang
Điện thoại:
02966569966
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Long Xuyên (Cập nhật 12/2024)
Homestay
Hiện ở Long Xuyên, hình thức lưu trú homestay và du lịch sinh thái được tập trung phát triển chủ yếu trên cù lao Ông Hổ. Đến đây du khách có thể ngủ lại qua đêm tại các ngôi nhà sàn truyền thống đậm chất Nam Bộ, chứng kiến nếp sinh hoạt rất riêng của người nông dân vùng sông nước, cùng ăn, cùng ngủ và cùng trải nghiệm cuộc sống dân dã như: bắt cá, hái rau, hái trái cây…
Địa điểm du lịch Long Xuyên
Bảo tàng An Giang
Nhà bảo tàng tỉnh An Giang là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật và hình ảnh phản ánh lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển của tỉnh An Giang. Đặc biệt Bảo tàng An Giang hiện đang trưng bày 6/8 bảo vật quốc gia Việt Nam của tỉnh An Giang.
Tượng Brahma Giồng Xoài
Tượng Brahma Giồng Xoài (niên đại Thế kỷ VI – VII) bằng sa thạch. Hiện vật được tìm thấy ở khu vực Giồng Xoài (khu di tích Óc Eo-Ba Thê) vào năm 1983. Tượng thần Brahma là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tượng thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn-Âu còn rất rõ.
Bộ Linga – Yoni Đá Nổi
Bộ linga-yoni bằng kim loại bằng vàng, đồng thau; là sản phẩm của quá trình trao đổi, giao lưu văn hóa của cư dân văn hóa Óc Eo với bên ngoài, đặc biệt là văn hóa Ấn Độ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo.
Tượng Phật đá Khánh Bình
Tượng Phật đá là một trong số rất hiếm hoi tượng Phật thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo còn nguyên vẹn và có thể được xếp vào nhóm những điêu khắc Phật giáo bằng đá còn nguyên vẹn, có độ hoàn thiện rất cao và rất tiêu biểu thuộc nền văn hóa này đã đươc phát hiện và biết đến hiện nay.
Tượng Phật gỗ Giồng Xoài
Tượng được phát hiện vào năm 1983 khi người dân đào mương dẫn nước ở khu vực gò Giồng Xoài và được Bảo tàng tỉnh An Giang sưu tầm chuyển về bảo tàng vào năm 1984. Các điêu khắc tôn giáo thuộc nhóm hiện vật đặc biệt tiêu biểu và quý hiếm trong các di tích văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long. Tượng được chế tác theo mẫu quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada có nguồn gốc từ Ấn Độ, song chất liệu, đặc điểm khuôn mặt cùng các chi tiết thể hiện cho thấy nó là sản phẩm của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa vốn diễn ra rất mạnh mẽ trong thời kỳ văn hóa Óc Eo, đặc biệt vào giai đoạn phát triển đỉnh cao của nền văn hóa này.
Bộ Linga – Yoni Linh Sơn
Hiện vật được người dân phát hiện năm 1985 tại chân núi phía đông thuộc khu vực chùa Linh Sơn. Bộ linga – yoni cùng với khối bệ nhiều tầng còn nguyên vẹn với đặc trưng trong kết cấu và sự hoàn thiện về kỹ thuật điêu khắc chế tác và thẩm mỹ, là sản phẩm của quá trình giao thoa, trao đổi văn hóa và đặc biệt mang đậm nét văn hóa – tôn giáo Ấn Độ giáo.
Mukhalinga Ba Thê
Mukhalinga Ba Thê được phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê, Thoại Sơn. Là di vật lịch sử tiêu biểu duy nhất trong văn hóa Óc Eo thể hiện sự chuyển biến về mặt phong cách nghệ thuật tạo hình trong nhóm loại hình linga, là gạch nối liên kết giữa linga 2 phần hiện thực với nhóm hiện vật linga – mukhalinga có cấu trúc 3 phần đều nhau. Đây cũng là hiện vật có niên đại sớm nhất đối với điêu khắc thể hiện biểu tượng “mukha” trong văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ.
Nhà thờ Long Xuyên
Nhà thờ chính tòa Long Xuyên hiện nay tọa lạc tại số 9 đường Nguyễn Huệ, phường Mỹ Long, ở trung tâm thành phố Long Xuyên. Nhà thờ chính tòa hiện nay là nhà thờ Thánh Nicôla Bari. Nhà thờ này được xây dựng vào năm 1958, sau đó tiếp tục được xây dựng mở rộng và chính thức được khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 1973 và trở thành nhà thờ chính tòa giáo phận. Nhà thờ có chiều dài 60m, rộng 18m, cao 20m, tháp chuông cao 55m. Ở mặt tiền của nhà thờ có tượng Đức Mẹ rất lớn do đó nhà thờ còn được gọi là Nhà thờ chính tòa Đức Maria Ban Hòa Bình hay Nhà thờ Nữ vương Hòa bình
Chợ nổi Long Xuyên
Chợ nổi Long Xuyên là nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản). Ai bán loại nào sẽ treo hàng (“bẹo” hàng) trên cây sào cao để người mua dễ nhận biết. Chợ nổi chỉ hoạt động từ khoảng 5 giờ sáng đến 10 giờ mỗi ngày.
Chùa Ông Bắc
Chùa Ông Bắc, tên chữ là Quảng Đông tỉnh hội quán, là một ngôi chùa của người Hoa Quảng Đông ở thành phố Long Xuyên, và là hội quán người Hoa đầu tiên ở An Giang. Chùa được xây dựng ở thế kỷ 19, khi vùng đất này còn mang tên Đông Xuyên. Ban đầu chùa khá đơn sơ do những người Hoa gốc Quảng Đông (Trung Quốc) đến lập nghiệp rồi xây dựng để làm nơi hội họp, sinh hoạt.
Đình Mỹ Phước
Đình Mỹ Phước tọa lạc tại trung tâm phường Mỹ Long. Không rõ năm xây dựng, chỉ biết ban đầu, đình được xây dựng bằng tre, lá. Đến năm 1889, được sửa lại (lợp ngói, cột bằng gỗ căm xe), và sau đó còn trải qua ba lần tu sửa. Cổng chính xây theo kiểu tam quan, trên có ba chữ “Mỹ Phước (Phúc) Đình”, hai bên có hai con lân bằng đất nung tráng men xanh. Bờ nóc gắn hai con rồng uốn khúc, đuôi xoắn, chầu nậm rượu. Nóc nhà võ ca gắn hai con phượng và bát tiên ở hai bên. Ở giữa có hình bát quái, hai bên có hai con nai. Mặt trước mái đình giữa đắp hình địa cầu, hai bên có hai con cá hóa rồng. Hai đầu đao có hình nhật nguyệt và hình người. Mái lợp ngói âm dương, có ba tầng mười hai mái, được đắp tượng cá hóa rồng, nhật nguyệt, lưỡng long tranh châu, phượng, lân và bát tiên. Gian chính có khám thờ thần Thành hoàng làng là Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), một vị tướng của chúa Nguyễn Phúc Chu, người có công chiêu dân khai phá vùng đất này.
Cù lao Ông Hổ
Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc trên cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, đây là một trong số 23 di tích Việt Nam đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Khu lưu niệm bao gồm ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đền thờ và nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Nhà cổ
Cù lao Ông Hổ có rất nhiều ngôi nhà cổ, tuổi đời cả trăm năm. Uớc tính hiện nay tại cù lao Ông Hổ còn gần 100 ngôi nhà cổ, được người dân bảo tồn nguyên vẹn. Người dân cù lao Ông Hổ không chỉ giữ cho những căn nhà cổ vững chãi dưới mưa nắng mà trăm năm trôi qua, bao chuyện đời, chuyện người gắn bó với ngôi nhà vẫn còn được lưu giữ.
Chùa Ông Hổ
Chùa ông Hổ tuy diện tích nhỏ, nằm thu mình dưới tán những cây dầu cổ thụ, nhưng bản thân mang trong mình nét cổ xưa. Hàng năm, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức vào ngày 28-10 (âm lịch) với sự tham gia rất đông của người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đây là dịp cầu mong mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, không xảy ra dịch bệnh…
Du lịch sinh thái
Đến Cù lao ông Hổ ngoài tham quan các di tích, du khách có cơ hội tận hưởng được hương vị cuộc sống của vùng sông nước Nam bộ, trải nghiệm cuộc sống cùng bà con nơi đây thông qua các điểm du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách có thể tham gia vào các hoạt động cùng người dân địa phương, đạp xe tham quan cù lao, đi thuyền trên kênh rạch chiêm ngưỡng phong cảnh, hay tham quan bè cá… đây đều là những hoạt động vô cùng thú vị. Nơi đây cũng có khá nhiều homestay của người dân địa phương để du khách có thể ở lại lưu trú.
Làng dâu tằm
Đây là địa chỉ thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái, hòa mình với thiên nhiên. Nơi đây được gọi là “Làng dâu tằm” bởi ở khu vực Mỹ Khánh này có rất nhiều hộ dân trồng vườn dâu tằm phụ vụ cho khách du lịch. Du khách tới đây có thể hái và thưởng thức dâu tằm ngay tại chỗ. Ngoài ra, còn được trải nghiệm câu cá, chèo xuồng tham quan vườn cây xanh mát, tận hưởng không khí trong lành của vùng miền Tây sông nước.
Khu du lịch Núi Sập
Khu du lịch Núi Sập là tên gọi chung của cụm địa điểm tham quan nổi tiếng là Hồ Ông Thoại và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 20km, nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn.
Ăn gì khi tới Long Xuyên
Cơm tấm
Cơm tấm là một trong những món ăn phổ biến ở Long Xuyên. Không cuốn hút bởi những miếng thịt nướng bản to như nhiều địa phương khác, đĩa cơm tấm ở đây đặc biệt ấn tượng nhờ những miếng thịt và trứng kho cắt nhỏ, hạt tấm nhuyễn, bì, dưa chua ngọt ăn kèm nước mắm pha sệt.
Bún cá
Món bún có điểm đặc biệt là nấu từ cá lóc đồng, thịt thơm, dai, ngọt và ít xương. Thịt cá được xào với sả và nghệ vàng, thơm, đậm vị. Nước dùng ninh từ xương cho vị ngọt tự nhiên. Ăn bún cá Long Xuyên nhất định phải có giá, rau nhút, rau muống, bông điên điển và hoa chuối thái sợi.
Bún nước suông
Không giống món bún suông ở Trà Vinh, ở Long Xuyên món này được gọi là bún nước suông. Trong tô bún tại đây gồm có huyết heo, chả cá, tép, gan heo, phèo heo, tim heo, mực và khóm băm nhỏ.
Lẩu mắm
Thành phần chính của món ăn được nấu từ mắm cá linh, cá sặc thêm sả, ớt, tỏi băm nhuyễn và nhiều nguyên liệu như thịt, tôm, mực, chả cá, cá hú… để nước dùng ngọt và đậm đà. Rau ăn lẩu mắm có hơn chục loại gồm điên điển, hoa chuối bào, rau muống bào, rau đắng, rau nhút, bông bí, kèo nèo, bông súng. Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, rau thơm, xà lách, dưa leo.
Bánh cống
Bánh có tên gọi đặc biệt là do khuôn làm bánh có hình dạng như một cái cống lòng sâu. Hỗn hợp bột bánh sau khi trộn đều sẽ được đổ từ từ vào khuôn. Cắn vào một miếng, bột bánh giòn tan lan tỏa trong miệng, mùi vị thơm nức, đượm béo của ít mỡ, ít đậu xanh và thịt. Nhân bánh gồm thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột…
Cháo đậu lá dứa
Cháo đậu cháo lá dứa Long Xuyên không quá nổi tiếng, nhưng nó lại là những món ăn vừa quen thuộc, vừa đậm đà hương vị của vùng đất Long Xuyên. Khi ăn, du khách có thể tự chọn những loại thức ăn mặn ăn kèm như tép kho, khô cá lóc, cá linh, cá cơm, cá bống kho hay thịt nạc kho tiêu.
Chè bưởi
Món chè bưởi hấp dẫn ở Long Xuyên khá nổi tiếng với các tín đồ ăn vặt. Với độ dai dai, bùi bùi của cùi bưởi cộng vị béo béo của nước cốt dừa hòa quyện với đậu xanh đã tạo nên độ hấp dẫn không thể chối từ.
Lịch trình du lịch Long Xuyên
Sài Gòn – Long Xuyên – Châu Đốc
Lịch trình này dành cho các bạn sử dụng phương tiện cá nhân, nếu từ xa đến các bạn có thể ghé Cần Thơ thuê xe để làm phương tiện đi lại rồi đi theo lịch trình này.
Ngày 1: Sài Gòn – Long Xuyên
Với khoảng cách khoảng gần 200km, tuy nhiên do có cao tốc nên thời gian di chuyển tới Long Xuyên chỉ vào khoảng hơn 3 tiếng. Các bạn có thể lựa chọn chạy thẳng tới Long Xuyên hoặc ghé qua chơi ở Cần Thơ nếu các bạn chưa tới đây.
Sau khi tới Long Xuyên, các bạn về khách sạn nhận phòng để cất đồ rồi bắt đầu đi chơi.
Điểm đến đầu tiên các bạn không nên bỏ lỡ là Bảo tàng An Giang, nơi đang lưu giữ khá nhiều bảo vật quốc gia.
Tiếp đến, các bạn di chuyển tới cù lao Mỹ Hòa Hưng ghé thăm Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, khám phá cù lao ông Hổ.
Chiều tối quay trở lại trung tâm Thành phố Long Xuyên thưởng thức các món ăn ngon, đặc sản Long Xuyên và nghỉ ngơi để sáng hôm sau dậy sớm.
Ngày 2: Long Xuyên – Châu Đốc
Sáng dậy sớm đi chợ nổi Long Xuyên, chợ họp khá sớm nên các bạn chủ động dậy sớm rồi ra thuê thuyền đi.
Sau khi chơi ở chợ nổi về, quay lại khách sạn trả đồ rồi lên đường đi Châu Đốc. Khoảng cách gần nên chỉ mất khoảng hơn 1h các bạn sẽ có mặt tại Châu Đốc.
Tiếp tục các bạn di chuyển thẳng đến Khu du lịch Núi Sam khám phá các di tích ở đây như lăng Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Hang…
Chiều tối quay trở lại Tp Châu Đốc nghỉ ngơi, thưởng thức ẩm thực địa phương
Ngày 3: Khám phá Trà Sư
Từ Thành phố Châu Đốc các bạn đi về Tịnh Biên ghé thăm khu rừng tràm Trà Sư vô cùng nổi tiếng. Dành khoảng nửa ngày ở đây, trưa có thể ăn trưa luôn ở trong rừng tràm hoặc về lại trung tâm tùy các bạn.
Chiều có thể ra bến thuyền du lịch Châu Đốc thuê thuyền đi chơi làng Chăm, làng bè nổi Châu Đốc…. nếu còn thời gian có thể đi Búng Bình Thiên
Tối vẫn nghỉ ở Châu Đốc
Ngày 4: Châu Đốc – Sài Gòn
Ngày này các bạn dành toàn bộ cho việc di chuyển lại về Sài Gòn kết thúc hành trình.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch Long Xuyên 2024
- du lịch Long Xuyên tháng 12
- tháng 12 Long Xuyên có gì đẹp
- review Long Xuyên
- hướng dẫn đi Long Xuyên tự túc
- ăn gì ở Long Xuyên
- phượt Long Xuyên bằng xe máy
- Long Xuyên ở đâu
- đường đi tới Long Xuyên
- chơi gì ở Long Xuyên
- đi Long Xuyên mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp Long Xuyên
- homestay giá rẻ Long Xuyên