Kinh nghiệm du lịch Sông Cầu, Phú Yên

Kinh nghiệm du lịch Sông Cầu, Phú Yên (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Sông Cầu là một đô thị của Phú Yên, nằm sát với Tp Quy Nhơn của Bình Định. Với phong cảnh tự nhiên, hữu tình cùng nhiều món ăn ngon, du lịch Sông Cầu có tiềm năng phát triển lớn. Nổi bật ở Sông Cầu là vịnh Xuân Đài. Vịnh này có diện tích mặt nước 130,45km2, được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển tạo thành bán đảo Xuân Thịnh bao bọc lấy vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hài hòa và thơ mộng. Trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào… và nhiều đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, Mũi Đá Mài, mũi Tai Mã…

Nằm ngay sát Tp Quy Nhơn, Sông Cầu là một địa điểm du lịch vẫn còn khá mới mẻ, chưa nhiều người biết tới (Ảnh – mintarchi)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả mintarchi, julianywhere_x, tung sc, rosynguyen, linhkhanh23, embechichbong, photoholythang, thanhhoan77, Xuân Nam Nguyễn Trương, alolove.sc102, langbatblog, jonnyrouse7, lam.0607, peterthebroccoli, minhdang0107, archetype_group, trilemedia, alolove.sc102, thanhhong_tran, xitrumvu, nthn_1108, duylinh2015, Quỳnh Mai, Thế Lập, beooo_store, Sang Trần  nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Sông Cầu

Sông Cầu là một địa điểm du lịch khá thú vị khi đến Phú Yên (Ảnh – julianywhere_x)

Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khảo cổ học khẳng định Sông Cầu đã có một quá trình hình thành phát triển rất sớm và khá lâu đời, qua các thời kỳ đã có con người cư trú. Các di vật khảo cổ phát hiện ở di chỉ Gò Ốc – xã Xuân Bình và Cồn Đình – xã Xuân Lộc cách đây hàng ngàn năm đã có con người sinh sống. Điều đó cho thấy Sông Cầu là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời. Trên vùng đất này từng tồn tại các tập đoàn dân cư phân bố rộng, có chung một trình độ, một sắc thái văn hoá chung độc đáo: “Văn hoá Sa Huỳnh”.

Theo Đại Nam nhất thống chí, quá trình hình thành cộng đồng dân cư trên vùng đất Sông Cầu phải kể từ khi vua Lê Thánh Tông mở đất đến đây và “Triều Nguyễn đời chúa Tiên năm Mậu dần (1578) vua uỷ ông Lương Văn Chánh làm trấn biên quan chiêu tập lưu dân đến vùng Cù Mông, Bà Đài khai khẩn đất hoang…”.

Dân số Sông Cầu đến năm 1945 ước chừng 40.000 ngàn người, đa số là người kinh. Đại đa số nhân dân sống bằng nghề nông, đánh bắt hải sản, ngoài làm ruộng và làm biển, nhân dân các vùng ven núi còn sống bằng nghề khai thác lâm sản. Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trước năm 1945 Sông Cầu có một số cơ sở ép dầu dừa, đan lưới, kéo sợi, dệt vải, gạch ngói, làm nước mắm, làm muối… có tay nghề khá cao. So với các địa phương khác trong tỉnh, Sông Cầu vừa có vị trí địa lý thuận lợi, vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ, vừa là nơi được chọn làm tỉnh lỵ đầu tiên của Phú Yên nên Sông Cầu có điều kiện phát triển giao thông từ rất sớm. Ngoài mạng lưới giao thông đường biển, hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh vào thời kỳ này.

Một phần thị xã Sông Cầu nhìn từ trên cao (Ảnh – tung sc)

Hiện nay, Sông Cầu là đô thị loại IV với 14 đơn vị hành chính và dân số khoảng hơn 120.000 người. Theo quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Phú Yên đến năm 2030, thị xã Sông Cầu sẽ nâng cấp trở thành thành phố Sông Cầu.

Thị xã này nằm ở vị trí rất thuận lợi, có hai quốc lộ 1A, 1D đi qua, có tuyến 644 nối Sông Cầu – Đồng Xuân. Phía biển, Sông Cầu còn có những bán đảo lớn: Xuân Thịnh (xã Xuân Thịnh và xã Xuân Phương), Xuân Hải (xã Xuân Hải, xã Xuân Hoà và mảng phía đông của xã Xuân Cảnh). Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp.

Nên du lịch Sông Cầu vào thời gian nào?

Nếu không quan tâm đến mùa lễ hội, hãy đến Sông Cầu vào mùa khô để khám phá vẻ đẹp của rất nhiều bãi biển nơi đây (Ảnh – rosynguyen)

Với 2 mùa mưa và khô rõ rệt, các bạn nên tới Sông Cầu du lịch vào khoảng từ tháng 3-8 hàng năm. Lúc này thời tiết tương đối thuận lợi, ít mưa nhưng nắng nên thích hợp cho các hoạt động du lịch biển. Nằm sát ngay Sông Cầu là thành phố Quy Nhơn, một địa điểm du lịch cũng rất hấp dẫn khác mà các bạn có thể kết hợp trong cùng một chuyến đi.

Hướng dẫn đi tới Sông Cầu

Phương tiện cá nhân

Cách Hà Nội khoảng 1200km và Sài Gòn khoảng hơn 500km, các bạn sống ở 2 đầu đất nước có thể khám phá Sông Cầu bằng phương tiện cá nhân trong một chuyến hành trình xuyên Việt. Nếu ở các địa phương lân cận như Khánh Hòa hay Bình Định, việc đến Sông Cầu bằng phương tiện cá nhân sẽ thuận lợi hơn. Nếu không định xuyên Việt, các bạn hãy sử dụng phương tiện công cộng để đảm bảo thời gian cũng như sự an toàn.

Phương tiện công cộng

Máy bay

Các chuyến bay tới Phú Yên được khai thác hàng ngày từ cả Hà Nội và Sài Gòn (Ảnh – linhkhanh23)

Nếu sử dụng máy bay, có 2 sân bay để các bạn có thể tới Sông Cầu là sân bay Phù Cát và sân bay Tuy Hòa. Khoảng cách từ Phù Cát đến Sông Cầu khoảng 50km, khoảng cách từ Tuy Hòa đến Sông Cầu khoảng 80km.

Tàu hỏa

Để đến Sông Cầu bằng đường sắt, tùy theo lịch trình chuyến đi mà các bạn có thể sử dụng phương án đến ga Tuy Hòa hoặc ga Quy Nhơn (hoặc Diêu Trì). Hàng ngày từ 2 đầu đất nước đều có rất nhiều chuyến tàu đi tới Phú Yên và Bình Định.

Đến từ Phú Yên

Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7, SE9 và SE11 khởi hành từ ga Hà Nội và có dừng ở ga Tuy Hòa. Thời gian nhanh nhất vào khoảng 22 tiếng và lâu nhất khoảng 26 tiếng, các chuyến tàu phù hợp (đến Tuy Hòa vào thời gian ban ngày, gần khớp với thời gian nhận phòng khách sạn và có thể đi chơi được luôn) là SE9 (khởi hành từ Hà Nội lúc 14h30 và đến Tuy Hòa lúc 15h31), SE11 (khởi hành từ Hà Nội lúc 8h00 và đến Tuy Hòa lúc 10h03)

Từ Sài Gòn, số lượng các chuyến tàu đi Tuy Hòa có nhiều hơn từ đầu Hà Nội, các chuyến tàu bao gồm SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE12, SE22, SE26, SE28 và SQN2. Thời gian đi của tàu từ 8-12 tiếng. Các chuyến tàu phù hợp là SE8 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 6h00 và đến Tuy Hòa lúc 15h34), SQN2 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 21h25 và đến Tuy Hòa lúc 9h07) SE26 (khởi hành từ Sài Gòn lúc 19h00 và đến Tuy Hòa lúc 5h41).

Đến từ Bình Định

Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7, SE9 khởi hành từ ga Hà Nội tới ga Diêu Trì. Trong đó các chuyến tàu phù hợp nhất là SE3 (khởi hành 19h30 và đến lúc 17h16), SE5 (khởi hành 9h và đến lúc 6h42 ), SE9 (khởi hành 14h30 và đến lúc 13h44).

Từ Sài Gòn ngoài các chuyến tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE22 dừng ở ga Diêu Trì còn có tàu SQN2 dừng ở ga Quy Nhơn, tất cả các chuyến tàu đều xuất phát từ ga Sài Gòn. Các chuyến tàu phù hợp nhất là SE2 (khởi hành 21h55 và đến lúc 8h27) SQN2 (khởi hành 21h25 và đến lúc 10h55), SE4 (khởi hành lúc 19h45 và đến lúc 6h57) và SE8 (khởi hành lúc 6h và đến lúc 17h2).

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 3/2024)

Xe giường nằm

Với các tuyến xe giường nằm, có thể do thời gian di chuyển khá dài nên từ Hà Nội có ít các xe khách đi Phú Yên hơn so với Sài Gòn, các bạn có thể sử dụng các tuyến xe chạy Bắc Nam và dừng lại ở địa phận của thị xã Sông Cầu. Với khoảng cách gần 600km, xe từ Sài Gòn đi Sông Cầu sẽ mất khoảng từ 12-13 tiếng, các tuyến xe chạy tuyến Sài Gòn Sông Cầu khá nhiều và khởi hành hàng ngày.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Sông Cầu, Phú Yên (Cập nhật 3/2024)

Đi lại ở Sông Cầu

Xe buýt

Nếu lang thang một mình, các bạn có thể sử dụng xe buýt để đi lại nội tỉnh Phú Yên. Tất nhiên là hơi bất tiện chút và cần kết hợp thêm phương tiện xe ôm (Ảnh – embechichbong)

Mạng lưới xe buýt công cộng ở Phú Yên chỉ có một vài tuyến và cũng không phủ rộng được hết đến những điểm du lịch cần thiết. Nếu sử dụng xe buýt để làm phương tiện đi lại, các bạn cũng cần kết hợp thêm đi bộ và thậm chí sử dụng cả xe ôm để có thể tới được địa điểm mình cần.

Thuê xe máy

Do là một địa điểm du lịch khá bụi, các dịch vụ thuê xe máy ở Sông Cầu gần như chưa xuất hiện để phục vụ du khách. Các bạn nếu lưu trú ở Sông Cầu có thể thỏa thuận để mượn hoặc thuê được ở khách sạn là tốt nhất. Ngoài ra các bạn có thể lựa  chọn việc thuê xe máy ở Tuy Hòa hoặc gần hơn là thuê xe máy ở Quy Nhơn rồi từ đây chạy sang Sông Cầu (chỉ khoảng 20km)

Lưu trú ở Sông Cầu

Sông Cầu không có quá nhiều lựa chọn nhưng cũng không thiếu các địa chỉ lưu trú cho du khách (Ảnh – photoholythang)

Không có quá nhiều cơ sở lưu trú cao cấp nhưng những khách sạn, nhà nghỉ ở Sông Cầu cũng khá đa dạng, nằm rải rác ở quanh các địa điểm du lịch trên địa bàn thị xã.  Trong quy hoạch tương lai, Sông Cầu sẽ trở thành điểm du lịch được đầu tư hấp dẫn nên sẽ được đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn 4-5 sao, khu khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập) tại phân khu Nam Từ Nham, bãi Ôm, bãi Bàng; du thuyền lưu trú trên mặt vịnh. Đầu tư phát triển cơ sở lưu trú phổ thông (khách sạn 1-3 sao, nhà nghỉ) tại phân khu Bắc sông cầu, Nam sông cầu, Gành Đỏ – Bình Sa, Bắc Từ Nham.

KHÁCH SẠN Timothe Beach Bungalow
Địa chỉ: Xuân Thịnh, Sông Cầu, Phú Yên
Điện thoại: 0778 624 021
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Que Toi Village
Địa chỉ: Long Hải Đông, Xuân Yên, Thị xã Sông Cầu, Phú Yên
Điện thoại: 094 450 00 18
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Ocean Beach Hostel
Địa chỉ: Vịnh Hòa, Sông Cầu, Phú Yên
Điện thoại: 0395 523 015
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt ở Sông Cầu, Phú Yên (Cập nhật 3/2024)

Các địa điểm du lịch ở Sông Cầu

Đèo Cù Mông

Đèo Cù Mông nối 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định (Ảnh – thanhhoan77)

Trên những con đường xuyên Việt, với địa hình nhiều đồi núi, đất nước hình chữ S xinh đẹp tạo ra những con đèo, mà du khách mỗi lần đi qua không thể nào quên được. Đèo Cù Mông là một trong 5 con đèo được bình chọn là ngoạn mục nhất và cảnh quan đẹp, thu hút sự quan tâm, thích thú của du khách.

Đèo Cù Mông là một đèo ngắn nhưng hiểm trở nhất nhì Việt Nam. Đèo nằm trên quốc lộ 1, là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên – Bình Định, dài 7km, đỉnh cao 245m, đường nhiều dốc, có nhiều khúc cua gấp, hai bên là núi cao. Huyền thoại về tên đèo Cù Mông còn được lưu giữ tới ngày nay là do thế núi nằm trải dài từ cao nguyên An Khê (Gia Lai) đổ ra biển, giống như con rồng nằm phủ phục mà đầu là xã Xuân Lộc (Thị xã Sông Cầu, Phú Yên) ra tới Gành Ráng (Tp Quy Nhơn, Bình Định), đuôi níu giữ dãy Ngọc Linh.

Điểm dừng chân A Stop

Đây là một địa điểm dừng chân với các dịch vụ ăn uống tọa lạc ngay sát bờ biển của Vịnh Xuân Đài với đầy đủ các dịch vụ ăn uống, lưu trú cho khách du lịch khi đi ngang qua Sông Cầu.

Khu du lịch Bãi Bàu

Bãi Bàu (Ảnh – Xuân Nam Nguyễn Trương)

Bãi Bàu thuộc Phú Yên nhưng lại nằm gần Quy Nhơn hơn (chỉ cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 15km về phía Bắc). Đây là một bãi biển còn khá hoang sơ của thị xã Sông Cầu với biển xanh, cát trắng cùng cảnh quan tuyệt đẹp của những gành đá. Ở đây cũng có một khu du lịch sinh thái với đầy đủ các dịch vụ lưu trú, ăn uống để phục vụ du khách tới đây.

Vịnh Xuân Đài

Vịnh Xuân Đài nhìn từ đảo Nhất Tự Sơn (Ảnh – alolove.sc102)

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, bờ Vịnh dài hơn 50 km, nằm dọc theo hướng Bắc – Nam, được bao bọc bởi những rừng dừa, rừng dương xanh ngát, tiếp cận với 05 xã, phường của thị xã Sông Cầu là: xã Xuân Phương, phường Xuân Yên, phường Xuân Phú, phường Xuân Thành, phường Xuân Đài và 02 xã của huyện Tuy An là An Ninh Tây, An Ninh Đông. Vịnh Xuân Đài được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển khoảng 15 km, trông giống đầu con kỳ lân. Cửa Vịnh rộng 4,4 km.

Xuân Đài với một vùng non nước thắm đượm màu xanh: mặt biển xanh, rừng dừa xanh, núi non xanh và bầu trời xanh thẳm. Xung quanh vịnh là xóm làng bình yên nấp bóng dưới rừng dừa, những bãi cát trắng xen lẫn những bãi đá có hình thù khác lạ. Đi thuyền trên vịnh Xuân Đài phóng tầm mắt về phía tây là những dãy núi cao trùng điệp, nhìn về hướng đông trên bán đảo Xuân Thịnh bên cạnh những ngọn đồi xanh là cồn cát Từ Nham như một đám mây trắng sà xuống đỉnh núi. Phong cảnh trời mây, non nước Xuân Đài cùng với những đặc sản nổi tiếng ở đây đã làm say lòng biết bao thi nhân lữ khách. Ngoài những món đặc sản biển như ốc nhảy, cà khía, cua, tôm, ghẹ, cá mú… Xuân Đài còn nổi tiếng với ốc vú nàng, ai từng một lần thưởng thức sẽ rất khó quên.

Nhất Tự Sơn

Con đường ra đảo Nhất Tự Sơn chỉ hiện ra khi thủy triều xuống (Ảnh – langbatblog)

Thuộc phường Xuân Thành. Đảo có thế nằm giống như chữ “nhất” trong tiếng Hán nên gọi là Nhất Tự Sơn. Đảo có diện tích 6 ha, nằm cách bờ khoảng 300m, khi thủy triều xuống có thể lội ra đảo. Nhất Tự Sơn là hòn đảo đẹp nhất trong Vịnh Xuân Đài.

Bãi biển Vịnh Hòa

Bãi biển Vịnh Hòa còn khá hoang sơ (Ảnh – jonnyrouse7)

Vịnh Hòa nằm ở xã Xuân Thịnh, Thị xã Sông Cầu. Đây là một bãi biển với cát trắng nắng vàng, những đồi cát thơ mộng, bờ biển dài với hàng phi lao chạy tới tận chân trời.

Làng cổ Vũng Lắm

Hiện nay thuộc khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Đây từng là thương cảng buôn bán tấp nập của tỉnh Phú Yên, nơi diễn ra hoạt động ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Năm 1887, người Pháp đặt Tòa Công sứ tại đây, đồng thời đặt Sở Thương chánh để kiểm soát việc buôn bán. Năm 1888 tỉnh đường An Thổ từ thành An Thổ (xã An Dân, huyện Tuy An) dời ra Vũng Lắm.

Thác Cây Đu

Thác Cây Đu là địa điểm dã ngoại được ưa thích ở Sông Cầu (Ảnh – lam.0607)

Thác Cây Đu ở thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ với những dòng nước trắng xóa chảy từ trên những tảng đá xù xì, nhấp nhô.

Bãi Ôm

Bãi Ôm là một địa điểm khá hoang sơ, chưa được khai thác du lịch nhiều (Ảnh – peterthebroccoli)

Bãi Ôm nằm trên địa phận xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu,  có vẻ đẹp hoang sơ, phong cảnh hữu tình với nhiều ghềnh đá, bãi cát phẳng trải dài và hệ sinh thái biển đa dạng. Nằm trong khu vực vịnh Xuân Đài, nơi đây hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai gần của tỉnh Phú Yên.

Bãi Nồm

Bãi Nồm là địa điểm lý tưởng để cắm trại dã ngoại cuối tuần (Ảnh – minhdang0107)

Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm tọa lạc ở thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu cách quốc lộ 1A khoảng 15 km. Bãi Nồm có cảnh quan đẹp tự nhiên, bãi cát trắng mịn thoai thoải dần ra xa, nước biển trong xanh, lặng sóng. Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng không gian rộng lớn trải dài lý tưởng. Bãi tắm tựa lưng vào cánh rừng phi lao xen lẫn những đồi cát và có núi che chắn ở hai đầu. Cảnh vật ở đây còn hoang sơ, tuyệt đẹp và không khí trong lành, là điều kiện tốt để hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, cắm trại, dã ngoại cuối tuần.

Bãi biển Từ Nham

Từ Nham có một con đường nhựa tuyệt đẹp chạy xe giữa biển và những hàng cây (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Nham là một bãi biển nhỏ của Sông Cầu, bãi biển với bờ cát dài và nước biển xanh một cách ngỡ ngàng. Nơi đây hoàn toàn không có bóng dáng của các dịch vụ du lịch, chỉ có một làng chài nhỏ của người dân.

Khu du lịch Bãi Tràm

Bãi Tràm (Ảnh – archetype_group)

Nằm cách trung tâm Thị xã Sông Cầu khoảng 20km về phía bắc có một thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ mà độc đáo. Đó là Bãi Tràm ở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh. Đây là một thung lũng được dãy núi Hòa An bao bọc ba mặt bắc, tây, nam. Phía đông là bờ biển dài khoảng 1km trông tựa như một lưỡi liềm bạc với bờ cát phẳng mịn; nước biển luôn trong xanh, lặng sóng; 2 phía đầu bờ cát có những ghềnh đá như có bàn tay con người sắp đặt nên. Ở đây vẫn còn một ngôi nhà được xây bằng đá từ những năm 20 của thế kỷ trước, người dân địa phương vẫn thường gọi là nhà ông Mô-Rô.

Cánh đồng muối Tuyết Diêm

Cánh đồng muối Tuyết Diêm (Ảnh – trilemedia)

Làng muối Tuyết Diêm xã Xuân Bình, Sông Cầu, Phú Yên đến nay đã được 138 tuổi. Ngày trước còn được người dân buôn muối gọi là muối Cù Mông. Gọi là muối Cù Mông vì ngày xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc vào đây mua muối đều nhắm hướng chân đèo Cù Mông.

Hồ Xuân Bình

Hồ Xuân Bình (Ảnh – alolove.sc102)

Hồ Xuân Bình là một hồ chứa nước phục vụ thủy lợi cho khu vực các xã phía bắc thị xã Sông Cầu. Hồ này nằm ở phía tây xã Xuân Bình của thị xã Sông Cầu. Ngoài nhiệm vụ điều tiết nước, đây còn là một đỉa điểm với cảnh quan khá đẹp mà các bạn có thể ghé thăm.

Lễ hội ở Sông Cầu

Lễ hội vịnh Xuân Đài

Đua thuyền trong lễ hội Vịnh Xuân Đài (Ảnh – thanhhong_tran)

Đây là một lễ hội được tổ chức trên vịnh Xuân Đài vào dịp Tết. Trong các ngày diễn ra lễ hội có rất nhiều các hoạt động như: Đua thuyền, thi lắc thúng chai; thi bơi thúng chai; thi bơi lội; kéo co; triển lãm ảnh nghệ thuật về vùng đất con người Sông Cầu; hội thi ẩm thực; thi trèo dừa… Tất cả tạo nên bức tranh đầy màu sắc, làm nên giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của vùng đất Sông Cầu và trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng miền biển níu chân du khách gần xa.

Lễ hội cầu ngư

Cũng như bao làng chài ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, ngư dân miền biển Phú Yên nói chung và vùng biển Xuân Cầu nói riêng vẫn còn giữ tục giỗ ông Nam Hải còn gọi là lễ cầu Ngư, tức là việc thờ cúng cá voi (Cá Ông). Lễ hội cầu ngư là hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc của ngư dân vùng biển Phú Yên, chứa đựng tất cả những khát vọng, những ước muốn tâm linh vừa trần tục vừa thiêng liêng, vừa tha thiết, nhưng mãnh liệt.

Một số địa điểm du lịch gần Sông Cầu

Các món ăn ngon ở Sông Cầu

Các loại ốc

Các loại ốc ở Sông Cầu (Ảnh – alolove.sc102)

Sông Cầu nằm dọc theo vịnh Xuân Đài nên vùng đất này có rất nhiều loài hải sản tươi ngon nổi tiếng cả nước như ghẹ, tôm, sò, cá và đặc biệt hơn là các loại ốc. Ốc Sông Cầu có nhiều loại như: ốc giấm, ốc nón, ốc gai, ốc mỡ, ốc giác, ốc bàn tay, ốc móng tay, ốc đỏ… nhưng ngon, hấp dẫn nhất phải kể đến các loại ốc như ốc bướm, ốc lông, ốc hương.

Cá mú

Ngoài các loại ốc, ghẹ, cua, tôm, sò, hàu…, Sông Cầu còn khá nổi tiếng với món từ cá mú. Cá mú ở đây có nhiều loại như cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp… đều sống tự nhiên dưới đầm biển. Nếu có cá nuôi thì cũng được ngư dân nuôi bằng lồng bè thả ngoài biển nên thịt ngon hệt như cá tự nhiên.

Tôm hùm Sông Cầu

Tôm hùm được nuôi ở vịnh Xuân Đài (Ảnh – xitrumvu)

Tôm hùm được nuôi ở Vịnh Xuân Đài từ những năm 1990 và hiện nay trở thành một trong những ngành nghề chính ở khu vực này. Các bạn có thể thưởng thức món đặc sản này ở các nhà hàng quanh vịnh.

Ghẹ đầm Cù Mông

Ghẹ đầm Cù Mông, Sông Cầu (Ảnh – nthn_1108)

Một đặc sản ở Phú Yên không thể không nhắc đến là ghẹ đầm Cù Mông (Thị xã Sông Cầu). Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đều có ghẹ nhưng ghẹ Sông Cầu vẫn nổi tiếng và “đóng triện” thương hiệu bởi độ chắc, ngọt. Ghẹ vùng Sông Cầu to bằng nắm tay, mình xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, béo mầm. Ghẹ có thể hấp, luộc, rang muối hoặc nướng vỉ, làm món lai rai rất thú vị.

Ghẹ Sông Cầu thịt chắc, vị ngọt thơm là nhờ yếu tố môi trường, nguồn nước ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài rất ổn định về độ mặn, phong phú thực vật thủy sinh (làm nguồn thức ăn cho ghẹ). Nhờ vậy, ghẹ Sông Cầu có quanh năm và bất kể mùa nào cũng không bị xốp. Vùng này còn xuất hiện một loại ghẹ đặc biệt thơm ngon hơn, được gọi là ghẹ lột. Loại ghẹ này ăn cả vỏ, thịt mềm ngọt.

Đặc sản Sông Cầu mua về làm quà

Bò một nắng

Bò một nắng, đặc sản Phú Yên và vùng đất Tây Nguyên (Ảnh – duylinh2015)

Để có món này, phải chọn loại bò cỏ, non tơ được chăn thả tự nhiên. Chỉ lấy hai phần là thịt đùi và thịt thăn trong một con bò sơ chế kỹ rồi thái thành miếng mỏng, mỗi miếng nặng độ 0,4kg, ướp muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm rồi đem phơi. Nếu trời nắng tốt, chỉ phơi một hoặc hai nắng, nếu trời không nắng hoặc mưa có thể dùng lò than sấy. Làm cách nào để khoảng 2kg bò tươi còn lại độ 1,2kg thành phẩm là tốt nhất. Sau khi chế biến, phơi sấy song, phần thịt còn lại sẽ khô dai, có độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng. Ăn bò một nắng ngon nhất bằng cách nướng trên lửa than rồi xé dọc ra thành từng miếng nhỏ chấm với muối trứng kiến vàng, ăn kèm với dưa leo, các loại rau thơm.

Khô cá đét Sông Cầu

Khô cá đét nguyên con nướng than hoa giữ được độ giòn ngọt và mùi vị rất đặc trưng (Ảnh – Quỳnh Mai)

Cá đét là nguồn thực phẩm nhiều chất đạm, canxi, ít chất béo. Cá đét tươi cũng có thể nấu chua, nấu lẩu nhưng hạn chế của loại cá này là thịt hơi bở, có xương nên người ta chủ yếu là phơi khô làm mồi nhắm hoặc ăn cơm. Khác với một số vùng, cách chế biến khô cá đét Sông Cầu đơn giản giữ nguyên vị, không tẩm ướp. Mỗi lứa cá đét khô cần 2 nắng (phơi hai ngày) là vừa khô tới. Khô cá đét nướng (hoặc chiên) lên mềm, ít xương. Cá nhỏ không cần xẻ, phơi nguyên con, khi ăn ngọt thịt và có mùi nồng nồng, hăng hăng khá đặc trưng.

Khô cá đét được chuộng không chỉ bởi vị ngon dân dã mà còn khá tiện dụng. Trong nhà có bịch cá đét được bảo quản nơi thoáng mát hoặc bỏ vào tủ lạnh là không lo thiếu mồi ngon đãi khách đột xuất. Khô cá đét Sông Cầu là một trong những đặc sản của vùng đất xứ Nẫu. Không phải cao lương mỹ vị, khô cá đét ngon cái ngon dân dã, giá cả cũng hết sức bình dân.

Muối Tuyết Diêm

Muối Tuyết Diêm nổi tiếng với chất lượng tốt (Ảnh – Thế Lập)

Muối Tuyết Diêm là một loại muối được đánh giá là ngon nhất ở khu vực miền Trung và nổi tiếng hơn 100 năm. Vùng muối Tuyết Diêm thuộc xã Xuân Bình, Thị xã Sông Cầu, rộng gần 140ha, với 850 người theo nghề làm muối truyền thống. Muối Tuyết Diêm thường có hạt chắc, trắng tinh, vị mặn tinh khiết. Theo nhiều đánh giá, muối chứa hàm lượng Natri clorua (NaCl) đạt 97%, tạp chất không tan đạt 0,24%. Muối chưa qua chế biến có vị mặn đậm đà mà không quá chát.

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai Phú Yên (Ảnh – beooo_store)

Cũng là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo ở Phú Yên vào những ngày giỗ tổ tiên. nhân bánh được làm từ nhiều thứ như: đậu phộng và dừa; đậu xanh; đậu đen…Bánh này được bọc bằng lá gai và khi cho ra lò có màu xanh thẫm và tương tự như bánh gai của miền Bắc. Nhưng người Phú Yên không cho một miếng mỡ vào nhân bánh như bánh gai và bánh ít còn được làm với nhiều loại nhân chứ không chỉ là nhân đậu xanh.

Lịch trình du lịch Sông Cầu

Với nhiều địa điểm thú vị, du lịch Sông Cầu hứa hẹn sẽ bùng nổ trong một vài năm tới (Ảnh – Sang Trần)

Quy Nhơn – Sông Cầu

Lịch trình này phù hợp cho các bạn có kế hoạch du lịch Quy Nhơn nhưng muốn kết hợp ghé thăm một vài địa điểm dọc tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu.

Ngày 1: Quy Nhơn – Eo Gió – Kỳ Co – Nhơn Hải

Từ Tp Quy Nhơn các bạn đi theo hướng đường Trần Hưng Đạo rồi rẽ qua cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Sang bên cầu các bạn rẽ trái theo hướng đi Nhơn Lý. Tới đây lên Eo Gió chụp ảnh, kế bên có Tịnh xá Ngọc Hoà với tượng bồ tát 2 mặt.

Mua tour ra Kỳ Co, tắm biển và ăn trưa ở đó, đầu giờ chiều tàu đưa các bạn về lại Nhơn Lý

Từ Nhơn Lý quay ngược lại theo hướng cầu Thị Nại, theo biển đi Nhơn Hải ra chơi Hòn Khô. Đoạn đường từ cầu vào Nhơn Hải các bạn sẽ đi xuyên qua đầm Phương Mai, cảnh sắc khá đẹp.

Ở Nhơn Hải cũng có các tàu du lịch chờ sẵn để đưa bạn ra ngoài Hòn Khô, tiếp tục tắm biển lặn ngắm san hô. Chiều ở lại đón hoàng hôn và ăn tối ngay tại đây.

Chiều từ Nhơn Hải quay ngược lại về Tp Quy Nhơn nghỉ ngơi. Tối có thể ra bãi biển ngồi ở Bar Surf, hóng gió biển và nghe nhạc.

Ngày 2: Khám phá Tp Quy Nhơn, chạy dọc tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu

Sáng sớm dậy ăn sáng, thưởng thức món ăn quen thuộc của người dân nơi đây là Bánh hỏi Cháo Lòng, làm một vài ly cafe.

Các bạn nên bớt chút thời gian ghé thăm bảo tàng Bình Định, cũng ngay trong thành phố thôi. Mất khoảng 30 phút là đủ để hiểu sơ qua về văn hoá, con người mảnh đất võ nơi đây. Vào cửa hoàn toàn miễn phí nhé.

Chạy dọc tuyến đường ven biển Xuân Diệu, rẽ theo hướng trường Đại học Quy Nhơn là bạn sẽ đến khu du lịch Ghềnh Ráng, Tiên Sa. Ở đây có thể xuống Bãi đá trứng (bãi Hoàng hậu), khu mộ và khu lưu niệm Hàn Mạc Tử…

Tiếp tục đi theo tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu các bạn sẽ lần lượt đi qua hết các bãi biển đẹp của Bình Định như: biển Quy Hoà, bãi Xép, bãi Nhổm … và điểm cuối là Thị xã Sông Cầu.

Tuy Hòa – Sông Cầu

Lịch trình này dành cho các bạn chủ yếu khám phá quanh Tp Tuy Hòa và có dư thời gian để khám phá thêm về mảnh đất Phú Yên.

Ngày 1: Khám phá Tuy Hòa – Hải đăng Đại Lãnh

Buổi sáng dậy thật sớm ghé thăm Mũi Điện – Bãi Môn (hoặc hãy đến hải đăng từ tối hôm trước ngủ ở hải đăng). Nơi đây có ngọn hải đăng Đại Lãnh, trước đây được coi là điểm Cực Đông của Tổ Quốc.

Sau khi chơi chán ở Mũi Điện, các bạn hãy ghé thăm vịnh Vũng Rô và di tích tàu không số. Nghỉ ngơi và ăn trưa trong rất nhiều bè nổi ở Vũng Rô.

Từ Vũng Rô, có thể ghé thăm tiếp đảo Hòn Nưa, nơi được mệnh danh là đảo Robinson bởi sự hoang vắng và vẫn còn nguyên sơ.

Chiều quay trở lại Tp Tuy Hòa nghỉ ngơi, kết thúc hành trình.

Ngày 2: Tuy Hòa – Nhất Tự Sơn – Vịnh Hòa – Từ Nham

Từ Tuy Hòa khởi hành đi Gành Ông – Bãi Xép, nơi xuất hiện trong các thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, bộ phim giới thiệu Phú Yên đến với du khách.

Từ đây các bạn tiếp tục đi Gành Đá Đĩa, thắng cảnh nổi tiếng của Phú Yên. Tiếp theo khởi hành đi Thị xã Sông Cầu đến với Vịnh Xuân Đài, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 40km. Trên đường đi các bạn có thể ghé đầm Ô Loan.

Điểm đầu tiên nên khám phá là Nhất Tự Sơn, hòn đảo với con đường đi bộ từ đất liền ra nhưng chỉ xuất hiện khi thủy triều hạ.

Trưa các bạn ghé bãi biển Vịnh Hòa, chỗ này bãi tắm đẹp và sạch lắm. Ăn trưa ở đây luôn

Chiều hãy ghé Từ Nham với những đồi cát trải dài cùng ngọn núi Từ Nham với view hướng thẳng Vịnh Xuân Đài. Tối quay lại Vịnh Hòa ngủ đêm

Ngày 3: Vịnh Xuân Đài – Bãi Tràm

Buổi sáng này các bạn thuê thuyền tham quan Vịnh Xuân Đài, ghé các địa điểm trên vịnh, qua khu Bãi Tràm tắm biển hay lặn ngắm san hô.

Trưa quay trở lại trung tâm của Sông Cầu ăn trưa, thưởng thức món gà nướng Sông Cầu rồi từ đây kết thúc hành trình, về lại Tuy Hòa

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Sông Cầu 2024
  • du lịch Sông Cầu tháng 3
  • tháng 3 Sông Cầu có gì đẹp
  • review Sông Cầu
  • hướng dẫn đi Sông Cầu tự túc
  • ăn gì ở Sông Cầu
  • phượt Sông Cầu bằng xe máy
  • Sông Cầu ở đâu
  • đường đi tới Sông Cầu
  • chơi gì ở Sông Cầu
  • đi Sông Cầu mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Sông Cầu
  • homestay giá rẻ Sông Cầu
5/5 - (3 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Phú Yên

PHÚ YÊN

Vị trí Phú Yên trên bản đồ Việt Nam

Phú Yên nằm ở miền Trung Việt Nam, tỉnh lỵ Phú Yên là thành phố Tuy Hòa, cách thủ đô Hà Nội 1.160 km về phía Nam và cách Thành phố Hồ Chí Minh 560 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A.

Phú Yên được ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng, đầy đủ với núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo… Một số danh thắng tiêu biểu là Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, núi Đá Bia, vịnh Xuân Đài, bãi Môn- mũi Điện, di tích lịch sử cấp quốc gia như vũng Rô, núi Nhạn- sông Đà Rằng,..v.v…

Bạn có biết: Dân Phú Yên thường được gọi là dân xứ “nẫu”, đó là tiếng nói đặc trưng của họ, tiếng nẫu (nẫu = người ta).

  • Diện tích: 5.060,5 km²
  • Dân số: 931.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện
  • Mã điện thoại: 257
  • Biển số xe: 78