Kinh nghiệm du lịch Rạch Giá

Kinh nghiệm du lịch Rạch Giá (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Rạch Giá là thành phố biển, tỉnh lỵ của Kiên Giang. Đây là một đô thị kinh tế biển bao gồm dịch vụ, thương mại và đánh bắt thủy hải sản. Thành phố biển nằm ở phía Tây Nam này hiện nay được nhiều du khách biết đến bởi nơi đây có khu đô thị lấn biển đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Ngoài là điểm trung chuyển để du khách đến với Hòn Sơn, Nam Du, du lịch Rạch Giá còn được biết đến với Lễ tế Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn được tổ chức trang trọng vào các ngày 26, 27, 28 tháng 8 âm lịch.

Rạch Giá là một trong 3 thành phố của tỉnh Kiên Giang (Ảnh – Tiny World)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Tiny World, Life, letuananh, kimng.3, shin_park_0, lytuanphong, filmneca, eyan_park, huynhtran2016, Hoàng Nguyễn, tuan.dlks53, bien1469, Khanh Tran, Hoa Sữa, Tien Vu anh, Nguyen Van Dong, Hoàng Nguyễn, Phu Triet Vo, Hiệp Đỗ, Anh Hầu, Liêm Lê, Việt Nguyễn, dano_travels, killian.tran, tuantuan8489, jenbi15, Lê Quý Thạch, nuu_trann, Tu Nguyet, thanh.thuyen.ig, Daisy, kokzhu, Xinh Hà, pupu_tran, Phạm Đăng Khoa, an_ngo98, hallodanguyen, dinhphatdang, 187kt14507 và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Rạch Giá

Không ảnh Rạch Giá năm 1968 (Ảnh – Life)

Rạch Giá là một thành phố biển, trung tâm chính trị, kinh tế của Kiên Giang. Địa hình vùng đất Rạch Giá tương đối bằng phẳng, bao quanh là những ruộng lúa, rau màu của các phường vùng ven thành phố. Phía biển, gần tầm mắt nhất là đảo Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải nằm đối diện với cửa biển Rạch Giá; phía Tây – Bắc là cụm núi Ba Hòn: Hòn Đất, Hòn Me và Hòn Sóc thuộc huyện Hòn Đất. Tổng diện tích tự nhiên gần 105 km², trong đó có khu lấn biển về phía Tây để mở rộng đô thị mới rộng 420 ha thuộc các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc và An Hòa; khu lấn biển 16 ha thuộc phường Vĩnh Thanh Vân.

Theo khẩu truyền, có tên gọi Rạch Giá vì xưa kia nơi đây có rừng cây Giá mọc theo ven biển, có một lạch nước chảy ngang qua ra biển. Theo sách Gia Định thành thông chí: Lạch Giá có tên chữ thường gọi là Giá Khê.

Thành phố Rạch Giá ngày nay (Ảnh – letuananh)

Rạch Giá là nơi cộng cư của người Việt, Hoa và Khmer, nhưng chiếm đa số là người Việt và Khmer. Trước đời Gia Long, dân chúng đã chọn lựa vài gò cao ven các sông rạch để cư trú. Từ làng chài nhỏ ven cửa sông, Rạch Giá dần phồn thịnh hơn nhờ buôn bán lúa gạo và thương mại sung túc. Vào thế kỷ 17 tức thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vùng Rạch Giá nay là một trong 7 đơn vị hành chính thuộc Trấn Hà Tiên xưa.

Do đặc điểm về điều kiện địa lý và tự nhiên, Vịnh Thái Lan – Rạch Giá là một miền biển trù phú, được biết đến xưa nay với kinh tế rất phong phú, đa dạng. Đó là thương mại – dịch vụ và du lịch, khai thác và chế biến hải sản. Rạch Giá cung cấp cho nhiều nơi trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Nên đến Rạch Giá thời gian nào?

Nên đến Rạch Giá vào mùa khô để kết hợp đi đảo (Ảnh – kimng.3)

Nằm ở phía Tây Nam của đất nước, Rạch Giá không phải chịu quá nhiều ảnh hưởng từ những cơn bão và vùng thời tiết xấu xuất hiện ở phía biển Đông. Thời tiết ở Rạch Giá chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa. Một vài gợi ý về thời điểm du lịch Rạch Giá phù hợp mà các bạn có thể tham khảo:

  • Thường du khách đến Rạch Giá để làm điểm trung chuyển ra các đảo ngoài khơi bờ biển Tây Nam. Chính vì vậy các bạn có thể cân nhắc đến Rạch Giá vào khoảng cuối năm từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, đây là thời điểm mùa khô hàng năm.
  • Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực diễn ra từ 26-28/8 âm lịch hàng năm. Đây là một trong các lễ hội lớn ở Kiên Giang với nhiều hoạt động diễn ra.

Hướng dẫn đi tới Rạch Giá

Phương tiện công cộng

Xe khách
Xe giường nằm tới Rạch Giá thường mất khoảng 6-7 tiếng di chuyển (Ảnh – shin_park_0)

Từ bến xe miền Tây ở Sài Gòn, hàng ngày đều có rất nhiều xe đi tới Rạch Giá, xe thường xuất phát vào buổi đêm và khoảng sáng sớm sẽ đến nơi.

Xem thêm bài viết: Xe khách giường nằm đi Rạch Giá (Cập nhật 4/2024)

Máy bay
Nếu muốn tiết kiệm thời gian, các bạn có thể bay thẳng tới Rạch Giá (Ảnh – lytuanphong)

Nếu từ Sài Gòn hoặc Hà Nội các bạn có thể bay tới Thành phố Rạch Giá, từ Sài Gòn có các chuyến bay của Vietnam Airlines và từ Hà Nội có các chuyến bay của Bamboo tới đây. Phương án đi bằng máy bay sẽ phù hợp cho những bạn ở xa và muốn tiết kiệm thời gian di chuyển, tuy vậy do là thành phố nhỏ nên số lượng các chuyến bay tới Rạch Giá không nhiều như bay tới Sài Gòn hay Cần Thơ. Nếu không quá vội, các bạn có thể bay tới các thành phố đó rồi đi tiếp xe khách tới Rạch Giá.

Phương tiện cá nhân

Với các bạn có sẵn phương tiện cá nhân và muốn chủ động trong việc đi lại, các bạn có thể lựa chọn tự lái xe tới bến tàu ở Tp Rạch Giá. Tổng quãng đường từ Sài Gòn đi Rạch Giá vào khoảng 240 km với thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng.  Cung đường các bạn có thể lựa chọn đi tới Cao Lãnh, từ đây các bạn xe máy đi theo tuyến QL 80, các bạn đi ô tô sử dụng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi để tới Thành phố Rạch Giá.

Đi lại ở Rạch Giá

Xe máy
Loanh quanh trong thành phố, kể có chiếc xe máy là tiện nhất (Ảnh – filmneca)

Không có quá đông khách du lịch ở tại Rạch Giá nên dịch vụ cho thuê xe máy ở đây cũng tương đối hạn chế, tuy vậy các bạn vẫn có thể thuê được xe để có phương tiện di chuyển một cách dễ dàng.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Rạch Giá, Kiên Giang (Cập nhật 4/2024)

Taxi

Nếu chỉ muốn lướt qua một số địa điểm hấp dẫn, hay di chuyển từ khách sạn đến các quán ăn, các bạn có thể sử dụng taxi.

Một vài hãng taxi ở Rạch Giá

  • Mai Linh: 0297 38383838
  • Phú Cường: 0297 3686868
  • Rạch Giá: 0297 3690690

Lưu trú ở Rạch Giá

Rạch Giá nói chung không có nhiều lựa chọn về lưu trú, không có các khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chủ yếu là khách sạn nhỏ (Ảnh – eyan_park)

Tuy là trung tâm hành chính của tỉnh Kiên Giang, nhưng Rạch Giá lại không phải là một địa điểm du lịch quá hấp dẫn so với các địa phương khác trong tỉnh như Phú Quốc, Hà Tiên… Số lượng khách lưu trú tại đây cũng không quá nhiều, cũng chính bởi vậy hạ tầng cơ sở lưu trú ở Rạch Giá không quá đa dạng, chưa có nhiều khách sạn hay khu nghỉ dưỡng lớn như ở Phú Quốc, cũng không nhiều homestay như ở Nam Du hay Hòn Sơn. Tuy vậy, nếu với nhu cầu nghỉ qua đêm đơn giản, việc tìm được một khách sạn hay nhà nghỉ phù hợp ở Rạch Giá tương đối dễ dàng.

Một số khách sạn tốt ở Rạch Giá

NHÀ NGHỈ Stay Hostel
Địa chỉ: 27 Nguyễn Thượng Hiền, Thanh Vân, Rạch Giá, Kiên Giang
Điện thoại: 0987276383
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Kiệt Hồng
Địa chỉ: 40 Nguyễn Công Trứ, Vĩnh Thanh, Tp Rạch Giá, Kiên Giang
Điện thoại: 0297 6251 252
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Mỹ Phương
Địa chỉ: Đường số 5, Lô A7 căn 10+11+12, Khu đô thị Tây Bắc, Tp. Rạch Giá, Kiên Giang
Điện thoại: 0918668228
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Ngọc Thành
Địa chỉ: L3 Căn 1-2 Đường Trần Quang Khải, Phường An Hòa, TP Rạch Giá, Kiên Giang
Điện thoại: 0297 3818818
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY BamBoo Homestay
Địa chỉ: 03 Tôn Đức Thắng, P. An Hoà, Rạch Giá, Kiên Giang
Điện thoại: 0297 8557878
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Rạch Giá (Cập nhật 4/2024)

Các địa điểm du lịch ở Rạch Giá

Cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan (Ảnh – huynhtran2016)

Cổng Tam quan là công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp, chắn ngang đường Nguyễn Trung Trực tại ngã tư Nguyễn Trung Trực – Lạc Hồng. Công trình được thiếp kế theo phong cách truyền thống Việt Nam gồm ba ô cửa (tam quan) hình vòng cung. Trước đây, cổng Tam quan được xây dựng với vai trò như một cổng làng khi vào Rạch Giá từ phía các huyện. Khi đó Rạch Giá vẫn chưa là một đơn vị hành chính độc lập mà vẫn thuộc huyện Châu Thành. Ngày nay, Cổng Tam quan tại Rạch Giá đã được sơn mới lại nhiều lần, được lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu để sử dụng vào ban đêm.

Bảo tàng Kiên Giang

Bảo tàng tỉnh Kiên Giang (Ảnh – Hoàng Nguyễn)

Bảo tàng Kiên Giang vốn là dinh thự của một địa chủ phong kiến xưa kia với lối kiến trúc Pháp vừa hiện đại vừa pha trộn nét cổ kính của nhà cổ Nam Bộ, là nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người Kiên Giang vô cùng ấn tượng qua những hiện vật quý giá đang được lưu giữ cẩn thận.

Hiện tại, bảo tàng Kiên Giang đang trưng bày 6 chuyên đề, gồm: Kiên Giang – vùng đất, con người; Văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Họ Mạc với công cuộc khai phá trấn Hà Tiên; Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; Quân và dân Kiên Giang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ và chuyên đề trưng bày về các hiện vật được trục vớt tại vùng biển Kiên Giang.

Khu lấn biển Rạch Giá

Khu lấn biển Rạch Giá (Ảnh – tuan.dlks53)

Là khu lấn biển đầu tiên của Việt Nam, với diện tích lên tới hơn 420 ha. Khu đô thị lấn biển Rạch Giá có nhiều địa điểm vui chơi, ăn uống…Quảng trường Phú Cường nằm trong quần thể khu đô thị với một số công trình tiêu biểu như nhạc nước, biểu tượng quả cầu lớn, khu phố đi bộ, khu mua sắm…

Đền thờ Nguyễn Trung Trực

Đền thờ Nguyễn Trung Trực (Ảnh – bien1469)

Đây là ngôi đền lớn nhất trong số chín ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ngôi đền nằm đối diện dòng sông êm đềm, ngay sát cửa biển, rợp mát bóng cây bồ đề xanh tốt. Mặt đền quay ra cửa biển và cách biển khoảng 100 m nằm trên đường Nguyễn Công Trứ. Bước qua cổng đền là bức tượng Nguyễn Trung Trực đúc bằng đồng trông oai nghiêm, sống động với khí thế trung nghĩa, bất khuất. Trong khuôn viên, ngoài bức tượng còn có ngôi mộ của ông được xây vào năm 1986.

Về mặt kiến trúc, đền Nguyễn Trung Trực được khởi dựng năm 1869 sau khi cụ mất, lúc đầu chỉ là ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá, do dân chài dựng lên để thờ Thần Nam Hải (Cá voi). Đền được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm Chính điện, Đông lang và Tây lang. Cột kèo bằng bê tông, mái lợp ngói. Được xây dựng theo phong cách truyền thống, mái đình cong lợp ngói âm dương, trên nóc đắp hình lưỡng long tranh châu, sơn màu đỏ ngời lên vẻ tôn nghiêm. Điện thờ chính có những vật dụng thường thấy trong các ngôi đình Nam bộ. Năm 2012, tỉnh Kiên Giang tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Trung Trực để xứng tầm là điểm du lịch không thể thiếu khi đến Kiên Giang.

Đình Vĩnh Hòa

Đình thần Vĩnh Hòa (Ảnh – Khanh Tran)

Đình Vĩnh Hoà là ngôi đình cổ nhất của tỉnh Kiên Giang, là nơi sinh hoạt văn hoá thuần tuý của nhân dân vùng Rạch Giá từ lúc con người đến đây khai hoang lập ấp. Đình được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ 18 với tên gọi đầu tiên là miếu Hội Đồng, miếu thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị Tôn Thần thời Trung Hưng mà nhân dân cho là rất linh ứng. Năm 1883, ngôi miếu cổ Hội Đồng được xây dựng lại to hơn thành đình. Đình Vĩnh Hòa tự hào được triều đình Huế hai lần phong sắc: thời vua Minh Mạng (1832) và thời vua Bảo Đại (1934).

Hệ thống chùa

Chùa Tam Bảo

Chùa Sắc Tứ Tam Bảo (Ảnh – Hoa Sữa)

Lịch sử phát triển của chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá gắn liền với sự nghiệp hoằng pháp của hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng. Vì vậy chùa còn có tên gọi là chùa Ông Đồng. Chùa Tam Bảo lúc đầu được dựng bằng gỗ, lợp lá. Năm 1917, Hòa thượng Trí Thiền đã trùng kiến ngôi chùa. Ngôi chánh điện của chùa kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên,ở mặt tiền bên trên hàng hiên là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên Hoa. Chánh điện có chiều ngang 14,50m, chiều dọc 22m. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trỗ công phu, thếp vàng rực rỡ. Các tượng Phật Di Đà, Thích Ca và các vị Bồ Tát được bài trí trang nghiêm. Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của Hòa thượng trụ trì. Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường – nơi chữa bệnh miễn phí cho đồng bào.

Chùa Phật Lớn

Chùa Phật Lớn ở Rạch Giá (Ảnh – Tien Vu anh)

Chùa Phật Lớn là ngôi chùa lâu đời của Người Khmer ở Thành phố Rạch Giá. Chùa có diện tích khuôn viên rộng được xây dựng năm 1504 Dương lịch, Phật lịch 2047. Sau 3 lần di dời và được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chính thức trùng tu hoàn chỉnh vào năm 2011 cho đến nay. Chùa Phật Lớn được xem là niềm tự hào của người dân thành phố bởi lịch sử hình thành, quy mô kiến trúc độc đáo, gắn liền với những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer Tây nam bộ.

Chùa có kiến trúc theo kiểu cổ truyền chùa Khmer, các họa tiết hoa văn trang trí chính điện, giảng đường, cổng chùa, hàng rào…Với đường nét rất tinh xảo. Trong chùa có nhiều ngôi tháp cổ và nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi rất hiếm có tại các ngôi chùa trong tỉnh. Đặc biệt là cây U Đàm

Chùa Quan Đế

Chùa Quan Đế (Ảnh – Nguyen Van Dong)

Trước đây khu vực chung quanh chùa là vùng đất hoang vu. Đến giữa thế kỷ XIX một số cư dân đã chọn đất cất một ngôi miếu thờ Quan Đế gọi là miếu Vĩnh Lạc (theo địa danh của vùng). Đến ngày 29-11-1852 vua Tự Đức đã phong sắc cho chùa để phụng thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Vân Trường).

Chùa Láng Cát

Trong khuôn viên chùa Láng Cát (Ảnh – Hoàng Nguyễn)

Chùa được nhà sư Riddhijaya cho xây dựng vào năm 1412, lúc đầu có tên gọi là Angkor Chum. Năm 1954, dưới thời trụ trì của đại đức Danh Hao, chùa được đổi tên chùa là Ang Kor Chum Wongsa. Đến năm 1961, hòa thượng Danh Ớt lại đổi tên chùa là Ratanaransĩ, người Việt quen gọi là chùa Láng Cát. Kiến trúc chùa mang đậm dấu ấn của phong cách Khmer. Chánh điện được bài trí trang nghiêm. Trên bệ thờ Phật có một viên ngọc xá lợi Phật do hoà thượng Hộ Tông thỉnh từ Ấn Độ về năm 1957.

Khu mộ Hội đồng Suông

Khu di tích mộ hội đồng Suông (Ảnh – Phu Triet Vo)

Được xây dựng năm 1936 và hoàn thành vào năm 1938, mộ Hội đồng Suông là một quần thể kiến trúc bằng đá được trạm trổ tinh xảo, cầu kỳ và rất công phu. Khu mộ Hội đồng Suông là tên thường gọi từ trước đến nay, nhưng đây không phải là mộ của Hội đồng Suông, mà do ông làm cho song thân ông là ông Hà Mỹ Đức và bà Trần Thị Nghĩa Hương. Các hạng mục chính bao gồm : khu mộ, hòn non bộ, nhà thờ và long đình.

Khu du lịch sinh thái

Phú Điền

Khu sinh thái Phú Điền phù hợp với nhiều hoạt động dã ngoại hay team building (Ảnh – Hiệp Đỗ)

Khu sinh thái Phú Điền mang nét đặc trưng của miền quê sông nước Nam bộ, thích hợp cho du khách thư giãn, dã ngoại. Đến đây, du khách được tận hưởng không gian yên tĩnh, không khí trong lành và tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí với các trò chơi dân gian như câu cá giải trí, bơi xuồng trên hồ, thử thách cầu lắc, đạp xe thăng bằng qua cầu, trò chơi vận động kasuke, trò chơi bóng nước…

Hoàng Vũ 5

Khu sinh thái Hoàng Vũ với nhiều trò chơi khá thú vị (Ảnh – Anh Hầu)

Khu du lịch sinh thái Rạch Giá có diện tích trên 6.000 m², nằm giữa những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn. Khu vui chơi có các trò chơi trên bờ và dưới nước như đi cầu khỉ trên sông, cầu dây, bơi xuồng tham quan khu du lịch, đu dây, cầu lắc… Điều thú vị là khách có thể trải nghiệm làm bánh xèo. Ngoài ra, ở đây có dịch vụ cho thuê đồ bà ba để mặc khi tham gia trò chơi và chụp hình, thu hút khách.

Đồng hoa Vĩnh Hiệp

Đồng hoa Vĩnh Hiệp (Ảnh – Liêm Lê)

Cánh đồng hoa Vĩnh Hiệp là mô hình trồng hoa trên đồng đất của gia đình anh Đinh Văn Mạnh. Đây giống như một mô hình du lịch miệt vườn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh… với hoa cho người dân, du khách.

Hòn Tre

Trong các nhóm đảo của Kiên Hải thì Hòn Tre là đảo gần Rạch Giá nhất (Ảnh – Việt Nguyễn)

Hòn Tre là trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải, gần với đất liền nhất cách trung tâm Thành Phố Rạch Giá khoảng 30 km. Hòn Tre các điểm đến như: Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá, Đá Đài, Sơn Linh Động, các vườn cây ăn trái trên triền núi và các cơ sở tôn giáo như: Miếu Bà Chúa Xứ, Dinh Ông Nam Hải, Miếu Bà Thượng…

Hòn Sơn

Hòn Sơn (Ảnh – dano_travels)

Hòn Sơn nằm ngoài khơi Rạch Giá, nằm giữa Hòn Tre và Nam Du. Phong cảnh tại Hòn Sơn hoang dã, tự nhiên. Các bãi đá, bãi tắm sạch sẽ, không gian yên tĩnh với bãi cát trắng, nước biển xanh trong, những hàng dừa, bãi đá lớn, nhỏ khiến bạn có cảm giác yên bình.

Nam Du

Quần đảo Nam Du còn nhiều địa điểm tương đối hoang sơ, hấp dẫn du khách (Ảnh – killian.tran)

Nam Du là nơi còn rất hoang sơ, với 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hóa xếp đặt khéo léo với đảo lớn nhất là đảo Nam Du có đỉnh cao khoảng hơn 300m.

Món ngon và đặc sản Rạch Giá

Hải sản

Sò huyết

Sò huyết (Ảnh – tuantuan8489)

Sò huyết của vùng Rạch Giá là loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, bổ máu, được chế biến thành nhiều món ăn ngon.

Sò lông

Gỏi sò lông Rạch Giá (Ảnh – jenbi15)

Sò lông là loài nhuyễn thể hai mảnh có nhiều ở Rạch Giá và các vùng biển ven bờ nước ta. Sò lông có ở nhiều nơi nhưng ở Rạch Giá, sò đặc biệt béo, thơm ngon hơn các địa phương khác. Đến đây, các bạn đừng quên thưởng thức món gỏi sò lông trộn bắp chuối. Vị ngọt, giòn của sò lông, beo béo của thịt ba rọi, vị the the của rau răm như lan tỏa khắp miệng sẽ khiến du khách khó lòng quên.

Hàu

Hàu nướng mỡ hành (Ảnh – Lê Quý Thạch)

Thịt hàu rất ngon lại giàu chất dinh dưỡng, có chứa protein, glucid, chất béo, kẽm, magiê, canxi,…tốt cho sức khỏe có thể chế biến thành nhiều món ngon như hàu nấu cháo, nấu lẩu, chiên giòn… Tuy nhiên, hàu nướng mỡ hành mới là “đúng sách” vì món này rất thơm ngon và giữ lại gần như nguyên vẹn vị ngon ngọt của nó.

Ốc nhảy

Ốc nhảy hấp (Ảnh – nuu_trann)

Ốc nhảy còn có tên gọi khác là ốc khiêu vũ nhờ vào đặc điểm di chuyển khá đặc biệt của chúng. Trái với cách di chuyển thông thường như các loại ốc khác là bò thì ốc nhảy thường bật nảy lên giống như đang nhảy. Thịt ốc nhảy đỏ dai hơn, giòn và thịt dày hơn, ăn cảm nhận được độ ngọt thịt đặc trưng rất ngon miệng.

Lụa xào

Món lụa xào ở Rạch Giá (Ảnh – Tu Nguyet)

Sò lụa được người dân nơi đây gọi tắt là lụa, cách gọi tên khơi dậy sự tò mò của khá nhiều du khách ở nơi khác đến Rạch Giá. Món này được người dân địa phương xào với đậu bắp và lá quế cùng với các loại gia vị khác.

Gỏi cá trích

Gỏi cá trích ở Rạch Giá (Ảnh – thanh.thuyen.ig)

Nguyên liệu chính của món ăn là cá trích tươi, phi lê lấy thịt còn da, hành tây thái mỏng, cà rốt thái sợi, dừa nạo, thêm tỏi băm phi vàng, ngò rí, đậu phộng rang… và nước sốt rưới lên trên. Cuốn cá trích cùng bánh tráng, rau sống chấm với nước mắm ngon kết hợp ớt, tỏi băm, chanh, đường, đậu phộng. Thực khách sẽ cảm nhận từng miếng thịt cá tươi giòn, vị béo từ dừa nạo, mùi rau thơm quyện cùng nước chấm cay nồng.

Các loại bún

Bún cá

Bún cá Kiên Giang (Ảnh – Daisy)

Bún cá Kiên Giang phản ánh đúng chất địa lý của vùng đất Kiên Giang, bên biển bên đồng, phải có thịt cá lóc đồng, tôm biển, rau ăn kèm cây nhà lá vườn và nước mắm ngon.

Bún nhâm

Bún nhâm (Ảnh – kokzhu)

Món này là đặc sản của vùng đất Hà Tiên, ngoài Hà Tiên thường cũng chỉ tìm được ở trong tỉnh Kiên Giang. Bún nhâm sử dụng xà lách, tía tô, rau thơm, giá, đu đủ sống, tôm khô, nước cốt dừa làm thành phần ăn kèm với bún. Ở Rạch Giá, món bún nhâm được biến tấu thành món nhâm với đu đủ sống bào sợi rất nhiều, chỉ một chút bún, ăn kèm với giá, các loại rau và dưa leo xắt sợi, da heo và tôm luộc.

Bún quậy

Bún quậy ở Rạch Giá (Ảnh – Xinh Hà)

Đây là món mà sợi bún được sản xuất ngay tại chỗ, ăn tới đâu làm tới đó. Nước dùng của món này chính là nước luộc bún, có thành phần giống nước cơm và giữ được khá nhiều vitamin cùng khoáng chất trong hạt gạo. Bún quậy được ăn cùng chả cá, chả tôm, mực, thịt bò tươi ngon.

Các loại bánh

Bánh tằm

Bánh tằm bì (Ảnh – pupu_tran)

Ban đầu vì cọng bánh được làm thủ công bằng cách se bột nên món này có tên gọi là bánh tằm se. Về sau, người ta dùng khuôn ép bánh để tăng năng suất nên được gọi là bánh tằm ép. Dù là bánh tằm se hay bánh tằm ép đều sử dụng bột gạo “lấy trùn” (làm chín như hồ đặc). Tuy nhiên, bánh tằm se dai và ngon hơn bánh tằm ép. Có 3 loại: bánh tằm xíu mại, bánh tằm bì và bánh tằm nước cốt dừa, mỗi loại có một hương vị khác nhau. Bánh tằm khi ăn được chan cùng nước cốt dừa và nước mắm chanh ớt; thêm bì, xíu mại và rau thơm sẽ tạo nên hương vị tuyệt vời.

Bánh bèo

Bánh bèo ở quán Bà Ba (Ảnh – Phạm Đăng Khoa)

Bánh bèo là món ăn vặt có tiếng tại Rạch Giá, Kiên Giang thu hút nhiều tín đồ ẩm thực. Có nhiều loại như bánh bèo mặn, bánh bèo chay và bánh bèo ngọt với giá chỉ 20k/phần. Khá nổi tiếng ở Rạch Giá là quán bánh bèo Bà Ba, chỉ bán chiều tối. Các bạn tới Rạch Giá có thể ghé đây thưởng thức.

Bánh xèo

Bánh xèo ở Rạch Giá khá to (Ảnh – an_ngo98)

Là món ăn nổi tiếng của miền Tây, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy bánh xèo ở khắp mọi nơi. Đến Rạch Giá các bạn có thể thử món bánh xèo ở quán Thanh Nhi. Điểm nổi bật là rau ăn kèm với bánh xèo có nhiều loại rau rừng ngộ ngộ, chấm nước mắm kẹp với bánh ăn rất ngon, tuy vậy vỏ bánh ở đây không giòn nên nếu bạn nào không thích sẽ thấy không hợp miệng.

Cơm tấm

Cơm tấm sườn trứng (Ảnh – hallodanguyen)

Đây là món tương đối dễ ăn, dễ tìm và có thể thưởng thức bất kỳ thời gian nào. Cơm mềm xốp bên những miếng thịt, sườn nướng vàng óng, dưa chua dùng kèm nước mắm ngọt, cay cay sẽ khiến thực khách hài lòng.

Chè mâm

Chè mâm (Ảnh – dinhphatdang)

Những ai lần đầu tiên ghé quán chè này nghe khách gọi một mâm chè sẽ thấy khá tò mò. Đây là điều bình thường ở quán chè Hello cô Hai khi mỗi mâm sẽ có nhiều chén chè nhỏ xinh, đủ màu sắc với chè khoai môn, đậu đen, trôi nước, bà ba… được xếp ngay ngắn trông rất hấp dẫn.

Lịch trình du lịch Rạch Giá

Đến Rạch Giá, tuyệt nhất là kết hợp để lâp hành trình khám phá nhóm đảo của huyện Kiên Hải (Ảnh – 187kt14507)

Sài Gòn – Rạch Giá – Hòn Sơn

Ngày 0: Sài Gòn – Rạch Giá

Tối ngày này các bạn ra bến xe miền Tây để bắt xe đi Rạch Giá, thời gian di chuyển khoảng 7-8 tiếng nên đến sáng các bạn tới nới là vừa.

Ngày 1: Khám phá Rạch Giá

Sau khi tới Rạch Giá, các bạn di chuyển về khách sạn nhận phòng, nếu đi bằng phương tiện cá nhân thì có thể thuê xe máy ở Rạch Giá để đi lại. Do thành phố Rạch Giá cũng nhỏ xinh nên các bạn có thể dành 1 ngày để dạo chơi thăm thú và thưởng thức đặc sản.

Tối về khách sạn nghỉ ngơi

Ngày 2: Khám phá Hòn Sơn

Buổi sáng các bạn trả phòng sớm, ra cảng mua vé tàu để đi Hòn Sơn. Tới Hòn Sơn các bạn có thể dành thời gian để khám phá đền thờ Nguyễn Trung Trực, tham quan các bãi biển trên đảo như Bãi Bắc, Bãi Nhà, Bãi Bàng…tự do tắm biển, nghỉ ngơi thư giãn

Tối nghỉ trong các homestay ở Hòn Sơn,  thưởng thức hải sản địa phương.

Ngày 3: Hòn Sơn – Rạch Giá – Sài Gòn

Lên tàu trở lại Rạch Giá và bắt xe về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình. Tối ngày 3 này các bạn sẽ có mặt tại Sài Gòn để sáng hôm sau có thể trở lại nhịp sống bình thường.

Sài Gòn – Rạch Giá – Nam Du

Ngày 0: Sài Gòn – Rạch Giá

Tối ngày đầu tiên này các bạn bắt xe từ Sài Gòn đi Rạch Giá, xe chạy chuyến muộn thì chỉ khoảng sáng sớm sẽ tới nơi. Tiếp đến các bạn đón xe trung chuyển ra cảng, nghỉ ngơi ăn sáng rồi đợi giờ lên tàu.

Ngày 1: Rạch Giá – Nam Du

Tàu chạy chuyến sáng thì sau khoảng2 tiếng các bạn có mặt ở Nam Du, nhận phòng rồi cất đồ đạc, thuê một chiếc xe máy để khám phá đảo. À, đừng quên đặt trước homestay ở Nam Du trước khi đi nhé.

Buổi sáng nếu còn nhiều thời gian, các bạn có thể ghé các điểm tham quan trên đảo như Hải Đăng, gành Ông. Xong buổi trưa về lại homestay nghỉ ngơi, ăn uống rồi đến chiều chạy một lèo các bãi biển của Nam Du như bãi cây Mến, bãi Ngự, bãi Chệt…

Tối về lại homestay nghỉ ngơi

Ngày 2: Đi đảo

Ngày này các bạn chủ động liên hệ thuê thuyền của người dân để khám phá các đảo xung quanh như Hòn Ngang, Hòn Mấu. Nếu không muốn tự liên hệ, các bạn cũng có thể đặt các tour khám phá đảo mà người dân nơi đây tổ chức.

Tối quay lại Hòn Lớn nghỉ ngơi

Ngày 3: Khám phá Rạch Giá

Sáng dậy các bạn lên tàu về lại Rạch Giá, dành 1 ngày để khám phá thành phố này. Thành phố Rạch Giá tương đối nhỏ, 1 ngày là đủ đi rồi.

Tối ngủ ở Rạch Giá đêm cuối nhé

Ngày 4: Rạch Giá – Sài Gòn

Mua vé và lên xe về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Rạch Giá 2024
  • du lịch Rạch Giá tháng 4
  • tháng 4 Rạch Giá có gì đẹp
  • review Rạch Giá
  • hướng dẫn đi Rạch Giá tự túc
  • ăn gì ở Rạch Giá
  • phượt Rạch Giá bằng xe máy
  • Rạch Giá ở đâu
  • đường đi tới Rạch Giá
  • chơi gì ở Rạch Giá
  • đi Rạch Giá mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Rạch Giá
  • homestay giá rẻ Rạch Giá

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kiên Giang

KIÊN GIANG

Vị trí Kiên Giang trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng phía Tây Nam của nước ta, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền tây và lớn nhì ở miền nam, trung tâm hành chính đặt ở thành phố Rạch Giá. Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam  có tốc độ tăng trưởng du lịch được coi là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh đẹp của vùng đất này ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”.

Bạn có biết: Có vị trí nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore nên Kiên Giang đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực.

  • Diện tích: 6.348,5 km²
  • Dân số: 1.738.800
  • Phân chia hành chính: 3 thành phố và 12 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 297
  • Biển số xe: 68