Kinh nghiệm du lịch Ba Bể

Kinh nghiệm du lịch Ba Bể (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Một trong những điểm đến đẹp của vùng Đông Bắc, nằm trên trục đường có thể kết hợp với nhiều cung đường khác, Hồ Ba Bể là một điểm đến được khá nhiều phượt thủ lựa chọn cho cung đường của mình. Đây là một hồ nước ngọt ở Bắc Kạn, Việt Nam. 1 trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Ngoài thắng cảnh đẹp, du lịch Ba Bể còn thu hút du khách bởi các sản phẩm du lịch cộng đồng homestay của người dân quanh hồ.

Pác Ngòi, Ba Bể (Ảnh – gấutumi)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả gấutumi, hungdinh2306, Phan Thoai Linh, Trinh Quang Minh, Asian Hideaways Photography, MrForbzPhotography, PascalBo, thanhbui2, NQA – OngBom, Vũ Kim Khoa, USA_Tran, Vu Anh Tu, vietnam2go, break_away, haitac20111978, Hội những người yêu xứ Lạng, Tulbach, Phạm Thị Út Hạnh, Vân Trang, Đồ Ăn Vặt nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể (Ảnh – hungdinh2306)

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.

Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Một số thông tin về Ba Bể

  • Hồ ở độ cao khoảng 145m so với mặt nước biển
  • Hồ có diện tích mặt nước là hơn 650 ha, chiều dài gần 8 km, có thắt nút ở giữa. Hồ được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có nhiều hang động và những suối ngầm.
  • Độ sâu trung bình 20-25 m,lúc cạn nhất còn 5–10 m.
  • Nguồn nước chính được cung cấp từ 3 con sông chảy vào hồ.
  • Nước trong hồ di chuyển với vận tốc khoảng 0,5 m/s. Vào mùa lũ, vận tốc tăng lên đến 2,5-3 m/s.
  • Đây là một hồ kiến tạo lớn nhất miền Bắc Việt Nam giữa vùng đá phiến và đá vôi.
  • Có hai đảo nhỏ nổi lên giữa hồ là đảo An Mã (đảo giống như con ngựa đóng cương đang lội nước) và đảo Bà Góa. Ngày mồng 5 tháng Giêng, trên đảo An Mã có hội “Lồng tồng” (lễ xuống đồng) của người dân tộc sống trong vùng.
  • Hồ Ba Bể được công nhận là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam.

Sự tích Hồ Ba Bể

Ngày xưa, ở vùng Bắc cạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền mạn ngược tề tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng dự lễ. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà có mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão cui hủi này đến nhà nào xin ăn, đều bị xua đuổi, mắng nhiếc. Người ta sợ lây bệnh cùi hủi.Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà không kinh tởm, kêu bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con giao long lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa.

Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc và nói “Tôi thật sự không phải là người,tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Năm Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ 2 mẹ con nhà cô. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành,đó là một trận đại hồng thủy. Hễ khi nào thấy có nước nguồn bắt đầu đổ về đây, thì hai mẹ con hãy mau mau chạy lên đỉnh núi mà tránh kiếp nạn.Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp con cứu người”

Nói xong, bà lão liền biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ 2 mẹ con bà goá kia đã chạy vội thoát lên được trên đỉnh núi cao,thả hai mảnh vỏ trấu là hai chiếc thuyền.Mặc mưa to,hai mẹ con chèo thuyền đi cứu người. Trên núi, hai mẹ con dựng lên một gian nhà nhỏ để sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu. Cả thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là Hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt.Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ,người địa phương gọi đó là Gò Bà Góa.

Nên du lịch Ba Bể vào thời gian nào ?

Hồ Ba Bể trong sương (Ảnh – Phan Thoai Linh)

Toàn bộ hồ Ba Bể được bao bọc với những dãy núi đá và các cánh rừng nguyên sinh chính vì vậy lúc nào Ba Bể cũng vô cùng mát mẻ. Bạn có thể đến hồ Ba Bể vào mùa hè để tận hưởng cảm giác mát lạnh của một hồ trên núi.

Đến vào mùa xuân để tham gia ễ hội Hồ Ba Bể được tổ chức vào ngày mùng 9 và 10 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ðua thuyền, ném Còn, đấu vật, bắn cung và biểu diễn múa, hát truyền thống của các dân tộc được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội

Hướng dẫn đi tới Ba Bể?

Có nhiều phương tiện đi tới Ba Bể, nếu đi từ Tuyên Quang các bạn có thể đi thuyền trên sông Năng rồi sang Ba Bể (Ảnh – Trinh Quang Minh)

Ba Bể cách Hà Nội khoảng 220km, thời gian di chuyển khoảng 5h xe chạy. Cùng Phượt gợi ý cho các bạn một số cách di chuyển tới Ba Bể như sau

Phương tiện công cộng

Từ Hà Nội tới Ba Bể

Từ Hà Nội có nhà xe Thưởng Nga xuất phát từ bến xe Mỹ Đình và chạy trực tiếp tới Ba Bể, chiều về các bạn có thể đặt vé xe khách Ba Bể trực tiếp và hẹn nhà xe đón tại các địa điểm gần hồ.

Dừng ở Thái Nguyên hoặc Bắc Kạn

Từ Hà Nội bắt xe khách đi Thái Nguyên, tại bến xe Thái Nguyên tiếp tục bắt xe khách Thưởng Nga để đi Ba Bể. Lưu ý là đi đúng xe của nhà xe này, các nhà xe khác thường chỉ đưa bạn tới Chợ Rã mà không vào tới Hồ Ba Bể. Ngoài ra nếu các bạn có kế hoạch dừng ở Thành phố Bắc Kạn các bạn có thể di chuyển vào Ba Bể bằng tuyến xe buýt nội tỉnh số 02.

Phương tiện cá nhân

Từ Hà Nội theo đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đi Thái Nguyên sau đó rẽ ra QL3, tới ngã 3 giao với TL 268 (km 31) thì rẽ trái đi Định Hóa (Chợ Chu), từ đây cứ tiếp tục đi dọc theo TL 254 tới Bằng Lũng (Chợ Đồn) đi khoảng 40km nữa sẽ tới Ba Bể. Tuyến đường này sẽ đưa các bạn tới các bản homestay ở bên hồ, từ các homestay này người dân cũng có thuyền để đưa các bạn đi tham quan hồ.

Nếu muốn vào phía  cổng chính của vườn, hết cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên các bạn hãy đi theo đường mới đi Bắc Kạn theo Quốc lộ 3, tiếp tục đi tới Thị trấn Phủ Thông thì rẽ trái đi theo TL 258 khoảng 40km là tới Ba Bể.

Lưu trú ở Ba Bể

Ba Bể hiện có khá nhiều dịch vụ homestay của người Tày (Ảnh – Asian Hideaways Photography)

Khách sạn nhà nghỉ tại Ba Bể

Nếu muốn ngủ ngay trong khuôn viên của Vườn Quốc gia Ba Bể, các bạn có thể lựa chọn một số đơn vị kinh doanh khách sạn nhà nghỉ ở đây, chỗ này cách bến thuyền Ba Bể khoảng 2km.

CĂN HỘ RIÊNG Ba Be Lakeside Bungalow
Địa chỉ: Cốc Tộc, Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
Điện thoại: 091 226 75 59
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Ba Bể Legend Villa
Địa chỉ: ĐT254, Khang Ninh, Ba Bể, Bắc Kạn
Điện thoại: 097 730 29 10
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Minh Quang Homestay
Địa chỉ: Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
Điện thoại: 0395 420 267
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Huyền Hào Homestay
Địa chỉ: Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn
Điện thoại: 0376 496 504
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Khu Du Lịch Nghỉ Dưỡng Sài Gòn - Ba Bể
Địa chỉ: Vườn Quốc gia Ba Bể, Ba Bể, Bắc Kạn
Điện thoại: 0209 3876 699
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Ba Bể (Cập nhật 10/2024)

Homestay ở Ba Bể

Kiểu nhà nghỉ homestay đang được đầu tư và phát triển mạnh, chủ yếu được xây dựng ở phía bên kia hồ thuộc các bản của Nam Mẫu. Nếu là một người thích hòa mình vào thiên nhiên, bạn nên ngủ tại bản để tận hưởng không khí dễ chịu của núi rừng vùng cao. Nếu định ở homestay, các bạn nên xác định đi tới Ba Bể từ hướng Chợ Đồn, nếu đi hướng Phủ Thông vào sẽ phải đi 1 vòng qua bên kìa hồ với tuyến đường khá nhỏ và xấu (chỉ vừa 1 xe 4-7 chỗ).

Xem thêm bài viết: Homestay ở hồ Ba Bể (Cập nhật 10/2024)

Dự trù chi phí khi đi du lịch Ba Bể

[CP_CALCULATED_FIELDS id=”13″]

Các điểm du lịch đẹp ở Ba Bể

Bản đồ các địa điểm du lịch Ba Bể

Động Hua Mạ

Động Hua Mạ (Ảnh – MrForbzPhotography)

Động Hua Mạ là một thắng cảnh thuộc khu vực vườn quốc gia Ba Bể. Hang nằm bên dòng sông Lèng và thuộc bản Pắc Ngòi, xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Động Hua Mạ nằm ở lưng chừng ngọn núi Cô Đơn nằm giữa khu Lèo Pèn (Rừng Ma) cây cối xanh rì, rậm rạp. Động Hua Mạ ăn sâu vào lòng núi theo hướng Đông – Nam quanh năm u tịch và được người dân bản địa gọi là hang Lèo Pèn.

Theo truyền thuyết của cư dân địa phương, Rừng Ma xưa kia là nơi ma quỷ ngự trị, sau đó có một vị tướng triều đình đi tuần thú qua đây và đã nghe được tiếng hú của những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc không được siêu thoát, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa, lấy đầu ngựa làm lễ tế trời đất. Sau khi tế lế, những tiếng hú biến mất và qua năm tháng đã mọc lên những khối nhũ đá rất đặc biệt kỳ vĩ. Từ đó người ta gọi sơn động “Lèn Pèn” là động Hua Mạ hay tiếng địa phương gọi là hang Đầu Ngựa.

Chân núi Cô Đơn nằm ở độ cao 350 m so với mực nước biển. Đường từ chân núi đến cửa động đã được xây thành những bậc thang, du khách phải leo núi 300 mét là đến Động Hua Mạ, cửa động rộng 3 mét, cao 5 mét. Động Hua Mạ có lòng hang rất rộng khoảng 1ha, chiều dài tới hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 – 50m, chứa đựng nhiều vách, nhũ đá kỳ vĩ. Động Hua Mạ mới chỉ được khảo sát du lịch vào năm 2003-2004 và hiện vẫn chưa phát triển nhiều về dịch vụ du lịch cũng như số lượng du khách.

Động Puông

Đi thuyền vào trong động Puông (Ảnh – PascalBo)

Không biết từ bao giờ, dòng sông Năng hiền hòa là thế mà đục thủng cả vách núi đá vôi để tạo thành một dòng chảy với những hang động kỳ vĩ. Nhiều người còn ví động Puông như hàm cá mập khổng lồ há miệng nuốt từng áng thuyền độc mộc cứ nối đuôi nhau xuôi dòng.

Động Puông thuộc xã Cao Thượng, Ba Bể. Là một hang thông hai đầu, động Puông có chiều dài 300 mét, cao hơn 30 mét với các vách đá đứng và nhiều nhũ đá có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, được hình thành khi con sông Năng chảy xuyên qua bên dưới núi đá vôi Lũng Nham tạo nên một cảnh quan đá vôi rất ngoạn mục với lối vào ra thông thoáng cho dòng sông Năng tự do lưu chuyển. Cửa động nơi đây vút đứng và khá phẳng, tưởng như ai đó đã buông một nhát chém ngọt ngào vào khối đá mềm từ hàng triệu năm trước. Do có nhiều ánh sáng mà từ phía bên ngoài động đã lộ hiện những mảng đá hoa cương từng bị che lấp bởi những thảm rêu xanh theo thời gian. Bên trong động, những dải thạch nhủ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước. Càng vào sâu bên trong, tuy lòng động khá tối nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn du khách bởi trên vòm động có cả hàng vạn con dơi đang sinh sống hay trú chân. Thuyền bè có thể đi trên sông Năng xuyên qua động Puông.

Thác Đầu Đẳng

Thác Đầu Đẳng (Ảnh – thanhbui2)

Thác Đầu Đẳng nằm giữa hai dãy núi đá vôi trên dòng sông Năng, nơi tiếp giáp giữa Bắc Kạn và Tuyên Quang. Sông Năng sau khi luồn dưới núi Lũng Nham tạo thành động Puông, khi chảy đến bản Húa Tạng thì bị chặn lại bởi hàng trăm tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau với độ dốc chừng 500m, tạo thành một thác nước kỳ vĩ ba bậc, mỗi bậc thác cách nhau từ 3-4m theo chiều dài. Khu vực này cũng là nơi xuất hiện loại cá chiên, một trong những loài cá hiếm thấy hiện nay với nhưng con có cân nặng hàng chục kg.

Ao Tiên

Ao Tiên (Ảnh – NQA – OngBom)

Nằm ở góc “hồ ba” của Hồ Ba Bể, Ao Tiên là một hồ nước nhỏ xinh xắn nằm lọt giữa lòng chảo đá vôi biệt lập với hồ chính. Từ bờ hồ chỉ đi bộ một chút là bạn có thể tới được ao. Ao được nuôi dưỡng bởi nước ngầm thấm qua đá ở xung quanh, làm cho Ao Tiên có cùng mực nước với Hồ Ba Bể.

Ao Tiên là nơi ở của một số loài cá địa phương và các động vật dưới nước khác. Những người đánh cá địa phương thỉnh thoảng đến đây đánh bắt cá, mặc dù chắc chắn rằng đây là nơi dành cho sự yên tĩnh và tách biệt hơn là để hy vọng đánh bắt lớn. Giống như các đặc trưng riêng biệt của Ba Bể, Ao Tiên gợi lên truyền thuyết địa phương; cái tên “Ao Tiên” muốn nói đến một câu chuyện về một người thợ săn trong lúc qua Ao Tiên đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp của các nàng tiên đang tắm trong ao.

Đảo Bà Góa

Hoàng hôn đảo Bà Góa (Ảnh – Vũ Kim Khoa)

Đảo Bà Góa (Tiếng địa phương là Pò Giả Mải) hòn đảo nhỏ xinh xắn nằm giữa hồ 1(Pé Lèng) của hồ Ba Bể. Đảo được tạo thành bởi những phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau, cây cối trên đảo xanh tốt quanh năm, rễ cây buông xuống ôm lấy những phiến đá, nhìn xa đảo như một hòn non bộ giữa mặt hồ.

Tương truyền đảo chính là nơi sinh sống của hai mẹ con bà góa tốt bụng năm xưa đã dùng vỏ trấu lấy từ hạt thóc bà Tiên cho tách làm đôi biến thành hai chiếc thuyền độc mộc đi cứu giúp dân lành trong trận đại hồng thuỷ hình thành hồ Ba Bể.

Đảo Bà Goá điểm du lịch hấp dẫn, viên ngọc xanh in bóng lung linh giữa hồ nước trong xanh, nơi lý tưởng dành cho du khách tham quan và chụp những bức hình kỷ niệm về chuyến đi đến với khu du lịch vườn Quốc Gia Ba Bể, Bắc Kạn.

Thác Bạc Bản Vàng

Thác Bạc, Ba Bể (Ảnh – USA_Tran)

Thác Bạc nằm ở địa bàn xã Hoàng Trĩ thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể. Từ đỉnh đèo Khau Vàng nhìn Thác Bạc như một dải lụa trắng, là điểm du lịch lý tưởng cho những ngày hè oi bức.

Thác có chiều cao khoảng 40m, có vách đá gần như thẳng đứng, ẩn trong màu xanh của rừng cây, phía dưới có các vũng nước trong vắt cùng với những hòn đá to, thoai thoải, bạn có thể tắm, hưởng thụ một không gian yên bình tại đây. Dòng chảy của nước hiền hòa mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xóa. Cảm giác được ngâm mình thư giãn trong dòng nước mát rượi, bao mệt nhọc sẽ tan biến, chỉ còn lại sự thư thái đầy sảng khoái. Thác Bạc mang vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ thuần khiết. Ngắm thác bạc, bạn như được đi vào một không gian thiên nhiên mênh mông, dù đã được Vườn Quốc gia Ba Bể đưa vào khai thác du lịch nhưng không gian nơi đây vẫn còn rất hoang sơ. Nước của con thác từ dòng suối đổ về, những khối đá chắn lại tạo thành những tầng bậc. Lúc thì dịu dàng lách qua những hòn đá để chảy về hạ nguồn, lúc thì tuôn trào dữ dội. Vào mùa mưa, nước từ trên cao đổ xuống tạo thành cuộn sóng lớn, không khí mát rượi, thiên nhiên thuần khiết, hiện nay thác được nhiều bạn tìm đến tham quan tắm mát trong những ngày hè.

Đứng ở dưới thác tầng một nhìn lên, bạn sẽ thấy thác đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, màu trắng trong tinh khiết của nước, màu tím, hung của đá, xen lẫn với màu xanh của cây rừng, tất cả sẽ làm bạn ấn tượng khó quên biết nhường nào. Nghỉ ngơi một lát, bạn đi tiếp đến điểm thác tầng 2 là điểm lý tưởng để thưởng thức dòng nước sạch trong mát và có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát-xa đôi bàn chân sau chặng đường dài. Đến Thác Bạc, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của núi rừng, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.

Bản Pác Ngòi

Bản Pác Ngòi nằm bình yên bên hồ Ba Bể (Ảnh – Vu Anh Tu)

Bản du lịch văn hoá Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là bản nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày bên bờ sông Lèng sát với hồ Ba Bể. Bản có hơn 80 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Đặc biệt dân trong bản đều là người Tày.

Bản Pác Ngòi hiện còn một số ngôi nhà sàn cổ, lợp ngói máng âm dương, kiểu dáng kiến trúc độc đáo. Người dân trong bản bao đời nay sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô ở các bãi bồi ven sông và đánh bắt cá tôm trên hồ Ba Bể. Hiện nay đa số các hộ dân trong bản đều tham gia các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Đến với bản Pác Ngòi bạn sẽ được trải nghiệm và thưởng thức những món ăn ngon đặc sản của vùng hồ (Cơm lam, cá nướng, tép chua, thịt chua, dạ yến, xôi ngũ sắc….); ngủ nhà sàn; tham quan hồ bằng thuyền độc mộc; đánh bắt cá trên sông, hồ; xem các thiếu nữ Tày biểu diễna hát then đàn tính và cùng người dân nơi đây đi tham quan các bản làng dân tộc vùng hồ Ba Bể và mua các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Đền An Mã

Đền An Mã (Ảnh – vietnam2go)

Đền An Mã (An Mạ) toạ lạc trên đảo An Mã giữa hồ Ba Bể. Đây là ngôi đền cổ được trung tu xây dựng lại năm 2007. Đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần….

Tương truyền đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp” nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc.

Đền An Mã là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, khách thập phương và cũng là nơi dâng lễ hội xuân Ba Bể tổ chức vào ngày 10 tháng giêng. Hội đền An Mã được tổ chức vào ngày 6 tháng hai âm lịch hàng năm

Ăn gì khi đến Ba Bể

Khi đi du lịch Ba Bể các bạn đừng quên thưởng thức hương vị ẩm thực người dân vùng cao Bắc Kạn, những món ăn này thường có sẵn và có thể dễ dàng tìm thấy khi đến Ba Bể

Cá nướng Pắc Ngòi

Cá nướng Pác Ngòi (Ảnh – break_away)

Cá trong hồ Ba Bể có rất nhiều, thường được người dân đánh bắt thủ công, số lượng cá không nhiều nhưng chất lượng thì thật tuyệt vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những xiên cá nướng, tôm nướng ở quanh hồ Ba Bể (Ảnh – haitac20111978)

Để có được món cá nướng, người dân nơi đây đã phải trải qua một quá trình chế biến cá, dù không khó nhưng lại mất thời gian. Cá tươi sau khi được đánh bắt chọn những con đều nhau, mổ lấy ruột bỏ đi và rửa sạch, sau đó cho vào chõ đồ chín tới. Tiếp đến người ta dùng nẹp tre để tạo thành kẹp, mỗi kẹp chừng 8 – 10 con. Đem những kẹp cá phơi cho khô ngoài nắng. Phơi khoảng 3 – 4 nắng là được. Khi ăn, ta chỉ việc gỡ cá ra khỏi nẹp tre và dùng cồn để nướng (giống như nướng mực), hoặc để cả kẹp cá mang nướng trên bếp than (nướng bằng than cá sẽ ngon hơn). Không cần nướng quá kỹ vì cá đã đồ một lần rồi. Ta chỉ nướng sơ cho cá vừa chín tới. Nướng kỹ quá cá sẽ bị đắng và khô ăn sẽ kém ngon.

Lợn sữa quay

Hội thi lợn quay vùng cao (Ảnh – Hội những người yêu xứ Lạng)

Lợn sau khi chọc tiết thì dùng nước nấu lá ổi để cạo sạch lông, mổ moi và làm sạch trong bụng rồi nhồi vào trọng bụng lợn các nguyên liệu như quả mắc mật, tai hồi, thảo quả, quế chỉ … rồi đem quay trên than hồng. Khi quay thì thường xuyên lấy khăn nhúng nước lau chú lợn để phần da lợn ở ngoài không bị cháy, khi lợn gần chín thì dùng que xăm thủng lợn để nước và mỡ chảy ra.

Bỏ lợn ra khoảng 1 tiếng cho bớt nóng và để khi chặt thịt miếng thịt bày ra đĩa không bị nát. Đĩa thịt lợn quay vàng xộm thơm lừng ngon lành đến ứa nước miếng. Cắn miếng thịt quay có vị ngọt của thịt chín tới, vị thơm của lá mác mật, vị ngậy của thịt nướng, miếng thịt được tẩm ướp đậm đà, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Gà chạy bộ

Gà nướng (Ảnh – Tulbach)

Một đặc sản của các vùng đồi núi, gà được nuôi bằng thóc và thả rông cho nên thịt gà chắc, ngọt và thơm, đặc biệt da giòn ăn rất ngon.

Xôi nếp nương

Xôi nếp nương (Ảnh – Phạm Thị Út Hạnh)

Món ăn vô cùng phổ biến của người vùng cao, thường là món ăn kèm với các món thịt lợn, thịt gà nướng ở trên. Gạo được dùng để nấu thường là gạo nếp nương, khi nấu khá dậy mùi, hạt to và dẻo.

Măng hấp thịt

Măng hấp thịt (Ảnh – Vân Trang)

Măng dùng để chế biến thường là các loại măng nứa, măng vày, măng tre, măng trúc. Sau khi luộc chín măng được bổ ra, khía ở phía trong. Trộn đều thịt, trứng với hành và các loại hương liệu khác băm nhỏ, gia vị, hạt tiêu để làm nhân, tất cả cho vào giữa miếng măng rồi cuộn lại cho vào xoong, đổ nước ngang với mặt của măng, đun sôi rồi bắt đầu vặn nhỏ lửa cho tới khi gần cạn nước, lúc này măng được cho thêm chút mỡ lợn vào để tăng độ ngậy.

Mắm tép chua Ba Bể

Mắm tép chưng thịt (Ảnh – Đồ Ăn Vặt)

Tép tươi mang về trộn đều với 1 bát cơm, 1 thìa muối, 1 chút rượu. Tất cả sau đó được cho vào lọ, đậy kín và ủ trong khoảng 1 tháng là có thể ăn được.

Lịch trình du lịch Hồ Ba Bể

Một số lịch trình đi du lịch Ba Bể để các bạn tham khảo, do giáp ranh với Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang nên từ Hồ Ba Bể các bạn có thể kết hợp thêm một số địa điểm du lịch khác như : Hồ Núi Cốc, Thác Bản Giốc, Hồ Na Hang … để tạo thành một cung đường hoàn thiện và trọn vòng

Hà Nội – Ba Bể – Thác Bản Giốc – Mẫu Sơn

Ngày 1 : Hà Nội – Bắc Kạn – Ba Bể (220km)
– 8h : Khởi hành đi Hồ Ba Bể từ Hà Nội
– 12h : Tới Phủ Thông, nghỉ ngơi ăn trưa
– 13h : Phủ Thông – Hồ Ba Bể
– Chiều đi chơi các địa điểm đẹp ở Ba Bể, đi thuyển trên hồ, thăm Đảo Bà Góa, Ao Tiên , thác Đầu Đẳng ..
– Tối nghỉ ở Ba Bể, nếu thích có thể vào các bản người Tày ở theo kiểu home stay

Ngày 2 : Ba Bể – Cao Bằng – Thác Bản Giốc (200km)
–  Từ Ba Bể khởi hành đi Thác Bản Giốc theo hướng Quốc lộ 3
–  Chơi ở Thác Bản Giốc, Động Ngườm Ngao, một số mốc biên giới ở khu vực này. Có thể kết hợp khám phá các địa điểm du lịch ở Cao Bằng.
– Tối ngủ ở Trùng Khánh

Ngày 3 : Trùng Khánh – Lạng Sơn – Mẫu Sơn (200km)
– Từ Trùng Khánh quay ngược về Tp Cao Bằng
– Đi theo hướng Đông Khê – Thất Khê sang Lạng Sơn. Trên đường này có một số địa điểm du lịch Cao Bằng các bạn có thể tranh thủ khám phá.
– Từ Lạng Sơn đi tiếp lên Mẫu Sơn để nghỉ ngơi.
– Tối ngủ Mẫu Sơn

Ngày 4 : Mẫu Sơn – Lạng Sơn – Hà Nội (220km)
– Sáng đi tham quan một vài điểm ở Mẫu Sơn
Khám phá Lạng Sơn, ở đây có rất nhiều đặc sản Lạng Sơn ngon mà bạn nên thử
– Chạy từ Lạng Sơn về Hà Nội, kết thúc hành trình

Hà Nội – Ba Bể – Na Hang

Ngày 1 : Hà Nội – Hồ Ba Bể (220km)
– Khởi hành từ Hà Nội đi Hồ Ba Bể
– Chơi trọn vẹn 1 ngày ở Ba Bể

Ngày 2 : Hồ Ba Bể – Thác Đầu Đẳng  – Hồ thủy điện Na Hang (220km)
– Từ Ba Bể thuê thuyền (2 lần thuyền, lần thứ nhất đi từ Ba Bể qua Thác Đầu Đẳng rồi từ đó di chuyển bằng xe máy qua bến thuyền tiếp theo đi  du lịch Na Hang.
– Mất khoảng 5 tiếng cho 2 lần đi thuyền này
– Tiếp tục từ Na Hang về Tp Tuyên Quang nghỉ ngơi

Ngày 3 : Tuyên Quang – Hà Nội (150km)
– Ngày này chỉ di chuyển từ Tuyên Quang về Hà Nội

Hà Nội – Hồ Núi Cốc – Ba Bể

Ngày 1 : Hà Nội – Thái Nguyên – Hồ Núi Cốc – Ba Bể
– Từ Hà Nội khởi hành đi Thái Nguyên, rẽ vào tham quan Hồ Núi Cốc
– Tiếp tục từ Hồ Núi Cốc đi Ba Bể
– Tối ăn ngủ tại Ba Bể

Ngày 2 : Hồ Ba Bể – Bắc Kạn – Hà Nội
– Sáng dậy sớm đi tham quan nốt những điểm du lịch hôm trước chưa đi
– Trưa ăn trưa tại bản hoặc thị trấn Chợ Rã
– 1h chiều từ Ba Bể về Hà Nội, kết thúc chuyến đi

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Ba Bể 2024
  • du lịch Ba Bể tháng 10
  • tháng 10 Ba Bể có gì đẹp
  • review Ba Bể
  • hướng dẫn đi Ba Bể tự túc
  • ăn gì ở Ba Bể
  • phượt Ba Bể bằng xe máy
  • Ba Bể ở đâu
  • đường đi tới Ba Bể
  • chơi gì ở Ba Bể
  • đi Ba Bể mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Ba Bể
  • homestay giá rẻ Ba Bể

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 14 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào