Kinh nghiệm du lịch Hòn Sơn, Kiên Giang

Kinh nghiệm du lịch Hòn Sơn, Kiên Giang (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Mảnh đất Kiên Giang không chỉ có Hà Tiên với “Thập Khúc Cảnh Vịnh” hay Phú Quốc với vẻ đẹp như viên ngọc sáng giữa biển khơi mà còn có Kiên Hải mang nhiều vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Đây là một huyện đảo nằm ở phía Tây Nam, bao gồm các xã là Hòn Tre, An Sơn, Lại Sơn và Nam Du. Trong các xã đảo này thì du lịch Hòn Sơn và Nam Du thuộc dạng phát triển nhất, được đông đảo du khách biết đến. Đến với Hòn Sơn, các bạn có thể được trải nghiệm đầy đủ các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, biển đảo, sinh thái, dã ngoại cắm trại cũng như thưởng thức nhiều loại đặc sản hấp dẫn của vùng đảo này.

Hòn Sơn cùng với Nam Du nằm trên tuyến đường du lịch biển đảo của huyện Kiên Hải (Ảnh – nhientravelvn)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả nhientravelvn, rosynguyen, dieunhu_, Oanh Tỷ Tỷ, Mạnh Lê, Nguyễn Như Tùng, Cu Ru, terryawhile, iammeo.meo, Nguyễn Thanh An, nguyen_than1110, Hiếu Nguyễn, tthanhtoann, ngoctram92, ViVi Meow, Tap Nguyen, Tony Trần, dong.thien, Jungle Duy, KhnhS Lq, Nam Văn Nguyễn, Phạm Thanh Nho, Trần Hào Huân, mykale912, bubungongan_, alanpham22, vhth.94, Chí Công, calvinthaipham, Hoang Thi Hang, tran.xuan.quyen nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Hòn Sơn

Hòn Sơn nằm ngoài khơi Thành phố Rạch Giá, thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Giang (Ảnh – rosynguyen)

Lại Sơn còn có tên gọi Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái là một xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Hòn Sơn nằm giữa quần đảo Nam Du và Hòn Tre với cuộc sống yên bình, cảnh quan tươi đẹp. Tiềm năng du lịch sinh thái biển nơi đây đang được khơi dậy, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của mảnh đất Kiên Giang.

Hòn Sơn có cảnh quan tươi đẹp, yên bình và nhiều địa điểm lý thú (Ảnh – dieunhu_)

Hòn Sơn ẩn chứa trong mình biết bao điều kỳ thú về đỉnh núi Ma Thiên Lãnh, đỉnh Ông Rồng; những nét văn hoá tín ngưỡng dân gian như: Đình thần Nguyễn Trung Trực, Đình Nam Hải, Miếu Bà chúa Hòn, Dinh ông Nam Hải, Chùa Hải Sơn Tự, Thánh thất Liên Giao Hải Sơn, Phật lộ thiên với nhiều lễ hội mang nét văn hóa tâm linh, độc đáo, đặc trưng của vùng biển đảo.

Cùng với đó, cảnh quan thiên nhiên của Hòn Sơn hoang sơ với núi rừng trùng điệp một màu xanh cây lá giữa bốn bề biển cả bao la dạt dào sóng nước.  Tất cả đã tạo cho Hòn Sơn tiềm năng du lịch sinh thái biển phong phú được du khách trong, ngoài nước biết đến là một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Kiên Giang và khu vực miền Tây Nam bộ.

Nên du lịch Hòn Sơn thời gian nào?

Đi biển thì cứ mùa nắng và khô là đẹp nhá các bạn (Ảnh – Oanh Tỷ Tỷ)

Khí hậu và thời tiết Hòn Sơn chia làm 2 mùa rõ rệt với mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Nếu đến Hòn Sơn vào thời điểm này các bạn cần lưu ý xem dự báo thời tiết, tránh những thời điểm mưa bão và biển động sẽ không thuận lợi lắm khi di chuyển ra đảo. Quãng thời gian đẹp nhất để tới Hòn Sơn sẽ nằm trong khoảng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, lúc này thời tiết khô ráo, mát mẻ, biển êm nên sẽ thích hơn.

Hướng dẫn đi tới Hòn Sơn

Muốn đi Hòn Sơn các bạn cần bắt tàu từ Rạch Giá (Ảnh – Mạnh Lê)

Là một hòn đảo ngoài khơi Kiên Giang nên để tới được Hòn Sơn các bạn sẽ cần có mặt tại Thành phố Rạch Giá, từ đây tiếp tục sử dụng các tàu cao tốc để tới được Hòn Sơn.

Đi tới Rạch Giá

Phương tiện cá nhân

Các bạn sử dụng ô tô hoặc xe máy cá nhân có thể tự di chuyển tới Rạch Giá, tổng quãng đường từ Sài Gòn đi Rạch Giá vào khoảng 240 km với thời gian di chuyển khoảng 5 tiếng.  Cung đường các bạn có thể lựa chọn đi tới Cao Lãnh, từ đây các bạn xe máy đi theo tuyến QL 80, các bạn đi ô tô sử dụng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi để tới Thành phố Rạch Giá.

Phương tiện công cộng
Xe khách

Từ Sài Gòn hàng ngày đều có xe di chuyển từ bến xe Miền Tây đi Rạch Giá, các bạn muốn tiết kiệm thời gian có thể lựa chọn các tuyến xe đêm để sáng sớm tới nơi, nghỉ ngơi ăn sáng xong là có thể lên tàu đi luôn Hòn Sơn.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Rạch Giá (Cập nhật 3/2024)

Máy bay
Các bạn ở địa phương khác ngoài Hà Nội và Sài Gòn có thể lựa chọn bay tới Cần Thơ rồi từ đây di chuyển tới Rạch Giá (Ảnh – Nguyễn Như Tùng)

Với các bạn từ Hà Nội và Sài Gòn, nếu muốn đi tới Rạch Giá bằng máy bay có thể lựa chọn các đường bay trực tiếp của Bamboo và Vietnam Airlines bởi 2 địa phương này hiện đều có các đường bay trực tiếp tới Rạch Giá. Với các bạn ở địa phương khác, sân bay gần và thuận lợi nhất là sân bay Cần Thơ. Từ đây, nếu đi nhóm đông có thể thuê taxi để di chuyển hoặc nếu đi cá nhân có thể sử dụng các tuyến xe khách từ Cần Thơ đi Rạch Giá. Với quãng đường chỉ hơn 100km, thời gian di chuyển chỉ vào khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ.

Từ Rạch Giá đi Hòn Sơn

Từ bến tàu Rạch Giá mua vé tàu cao tốc là đến được Hòn Sơn (Ảnh – Cu Ru)

Từ cảng Rạch Giá sẽ mất khoảng 2 tiếng di chuyển để tới Hòn Sơn. Các bạn nhớ trước khi đi thì đặt vé trước (đặt qua các kênh online, đại lý hoặc gọi điện trực tiếp) để chủ động hơn nhé. Nếu đi xe Phương Trang thì khi tới bến sẽ có xe trung chuyển tới cảng luôn.

Đi lại ở Hòn Sơn

Xe máy
Đảo khá nhỏ nên các bạn có thể thuê xe máy để chạy (Ảnh – terryawhile)

Hiện nay Hòn Sơn đã có các tuyến đường bê tông bao quanh đảo cùng hệ thống đường giao thông nông thôn tương đối đầy đủ. Chính bởi vậy, khi tới đây các bạn có thể thuê xe máy của người dân để chủ động trong việc khám phá Hòn Sơn. Nếu không muốn tự lái xe, các bạn có thể thuê xe ôm để được thổ địa chở đi.

Thuyền

Nếu muốn tham quan quanh đảo hay đi tắm biển, lặn ngắm san hô ở ngoài xa, các bạn có thể liên hệ người dân địa phương để thuê thuyền.

Lưu trú ở Hòn Sơn

Homestay

Hình thức lưu trú chủ yếu ở Hòn Sơn là homestay (Ảnh – iammeo.meo)

Là một điểm du lịch tương đối nổi tiếng ở Kiên Giang, các cơ sở trên đảo Hòn Sơn khá nhiều. Hầu hết là homestay của người dân địa phương mở ra, một vài năm gần đây có nhiều những homestay xịn hơn với cơ sở vật chất được đầu tư đẹp nhằm thu hút được nhóm du khách trẻ.

Một số homestay tốt ở Hòn Sơn

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Gia An
Địa chỉ: Bãi Nhà B, Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0913647701
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà Nghỉ Bảo Hân
Địa chỉ: Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0907441155
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Homestay Sake
Địa chỉ: Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0907996441
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Ngọc Phượng
Địa chỉ: Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0979070773
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Homestay Thanh Duyên
Địa chỉ: Bãi Bắc, Lại Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang
Điện thoại: 0939619424
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Homestay ở Hòn Sơn (Cập nhật 3/2024)

Ngủ lều

Muốn trải nghiệm, các bạn có thể dựng lều ngủ trên đảo (Ảnh – Nguyễn Thanh An)

Nếu không thích ngủ homestay các bạn hoàn toàn có thể mang theo hành trang để cắm trại và dựng lều ngủ ngoài đảo. Ngoài việc tự mang theo đồ, trên đảo cũng có một vài bên cung cấp sẵn lều và địa điểm cùng đầy đủ các tiện ích cho các bạn thích trải nghiệm.

Các địa điểm hấp dẫn ở Hòn Sơn

Chơi gì

Tắm biển

Chỉ cần 1 chiếc áo phao, các bạn có thể tung tăng bơi lội trong làn nước mát lạnh của Hòn Sơn (Ảnh – nguyen_than1110)

Đến Hòn Sơn, chắc không ai có thể bỏ qua hoạt động thả mình trong làn nước trong xanh, mát lạnh của biển cả. Với nhiều bãi biển lặng sóng, nước vừa phải, các bạn có thể thả mình ở bất cứ đâu mà bạn thấy phù hợp, tất nhiên cũng còn tuỳ các thời điểm trong năm mà có những bãi sẽ không phù hợp để tắm.

Lặn ngắm san hô

Đây là hoạt động khá thú vị, để có thể ngắm san hô đẹp các bạn nên thuê người dân địa phương chở bằng tàu ra những khu vực có nhiều san hô. Tiện công thuê tàu các bạn có thể bơi lội, câu cá, bắt hải sản và thưởng thức ngay tại chỗ.

Leo núi, trekking

Nếu thích leo núi, các bạn có thể tới Hòn Sơn để trekking nhẹ nhàng (Ảnh – Hiếu Nguyễn)

Trên đảo có tới 7 đỉnh núi nhưng thường du khách sẽ chỉ lựa chọn 1 trong các đỉnh núi Ma Thiên Lãnh, Ông Rồng hoặc Ông Đề để có thể leo. Trong các ngọn núi này thì tốn nhiều thời gian nhất là đỉnh Ma Thiên Lãnh với khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Bãi biển

Với đường bờ biển dài hơn uốn cong theo đường lưỡi liềm, đo Hòn Sơn có nhiều bãi biển nhỏ nằm quanh đảo mà các bạn có thể tha hồ khám phá.

Bãi Bàng

Bãi Bàng (Ảnh – tthanhtoann)

Bãi Bàng được xem la bãi biển đẹp nhất với bãi cát dài, nước biển trong xanh, bờ cát trắng phẳng cùng nhiều bãi đá lớn nhỏ thích hợp để tắm biển và chụp hình.

Bãi Xếp

Cây dừa nằm ngang biển ở Bãi Xếp (Ảnh – ngoctram92)

Hay còn gọi là bãi Cây Dừa nằm, đây là khu du lịch riêng với đầy đủ dịch vụ lưu trú, ăn uống nhưng mọi du khách đều có thể ghé thăm, tắm biển hay sử dụng dịch vụ ở đây.

Bãi Nhà

Bãi Nhà là khu vực trung tâm của đảo Hòn Sơn (Ảnh – ViVi Meow)

Bãi Nhà là khu vực trung tâm với nhiều hoạt động buôn bán sôi nổi nhất, cũng là nơi có cầu cảng khi du khách vừa cập bến xuống tàu. Nơi đây vào buổi tối cũng có khu chợ đêm mà các bạn có thể ghé chơi.

Bãi Giếng

Bãi Giếng (Ảnh – Tap Nguyen)

Bãi Giếng là nơi cư ngụ của Làng Bè Hòn Sơn, du khách đến đây sẽ được tham quan hoạt động của ngư dân sinh sống tại quần thể bè trên biển.

Bãi Bấc

Bãi Bấc (Ảnh – Tony Trần)

Bãi Bấc là khu dân cư ít người nhất bởi vậy khá bình yên với nếp sống giản dị. Đây cũng là nơi mà du khách thường tới để chụp ảnh check-in cùng tác phẩm rùa đá.

Bãi Thiên Tuế

Chỉ cách bãi Bàng chừng hơn 1km nhưng khu vực này tập trung nhiều tàu thuyền và bè nuôi cá nên ít ai tắm biển. Tuy vậy, cảnh sắc ở bãi Thiên Tuế lại rất thơ mộng, nên thơ với những khu dân cư bao bọc vòng cung bãi biển

Các đỉnh núi

Đỉnh núi Ma Thiên Lãnh

View biển nhìn từ đỉnh Ma Thiên Lãnh (Ảnh – dong.thien)

Hòn Sơn có 7 đỉnh núi dính liền vào nhau, các đỉnh núi đều có truyền thuyết gắn liền với tên gọi của riêng mình, trong đó Ma Thiên Lãnh là đỉnh núi nổi tiếng hơn cả và cũng là ngọn núi cao nhất của đảo. Với độ cao khoảng hơn 400m, từ đỉnh Ma Thiên Lãnh, người ta có thể đưa mắt quan sát được toàn cảnh Hòn Sơn cũng như vùng biển xung quanh đảo. Để chinh phục núi Ma Thiên Lãnh, từ cầu cảng Bãi Nhà, bạn đi khoảng 1km về hướng Bãi Bàng. Sau đó đi bộ thêm một đoạn, sẽ thấy con đường ở bên tay trái với những bậc thang dẫn lên núi.

Đỉnh Yên Ngựa

Đây là điểm cao nhất trên tuyến đường núi xuyên đảo. Từ vị trí thác nước các bạn có thể chạy xe lên đỉnh yên ngựa theo chính con đường xuyên đảo, đường dốc nhưng không quá khó đi.

Đỉnh núi Ông Rồng

Từ trên đỉnh Ông Rồng nhìn xuống Bãi Bấc (Ảnh – Jungle Duy)

Một ngọn núi khác cũng không kém hấp dẫn là núi Ông Rồng. Núi chỉ cao hơn 250m so với mực nước biển, đường đi cũng ngắn rất nhiều so với núi Ma Thiên Lãnh, nhưng đường khó đi hơn, phải băng rừng, vượt suối. Lộ trình leo núi Ông Rồng chỉ bằng 1/3 so với Ma Thiên Lãnh nhưng đòi hỏi bạn phải có sức dẻo dai, bởi vì càng lên cao, đường càng dốc. Cảnh ở đây rất đẹp, so với đỉnh Ma Thiên Lãnh thì nên thơ hơn. Tại đây, điểm gây ấn tượng mạnh chính là cây thiên tuế mọc trong vách núi, thân ngã nằm dài, uốn khúc, khoanh tròn như thân của con rồng với đầu hướng ra biển, tên gọi núi Ông Rồng cũng bắt nguồn từ đây.

Thác nước Hòn Sơn

Thác nước nhỏ nằm ngay trên con đường xuyên đảo Hòn Sơn (Ảnh – KhnhS Lq)

Đây là một thác nước nhỏ, không được đặt tên, nằm trên con đường xuyên núi chạy giữa đảo. Ngọn thác  có hình dạng bậc thang, chỉ cao chừng 10m, chảy từ trong rừng ra. Dòng nước khá trong, trong những ngày hè mát mẻ các bạn hoàn toàn có thể ngâm mình dưới dòng chảy của thác để tắm.

Ông Rùa Hòn Sơn

Rùa đá ở Hòn Sơn (Ảnh – Nam Văn Nguyễn)

Đây là một tác phẩm nghệ thuật được vẽ trên đá, nằm ở phía bãi Bấc của đảo Hòn Sơn. Tác phẩm này nằm ngay sát biển và là một trong những địa điểm thu hút được hầu hết du khách khi tới đảo.

Lăng ông Nam Hải

Lăng Ông Nam Hải (Ảnh – Phạm Thanh Nho)

Cơ sở tín ngưỡng Cá Ông trên hòn Sơn Rái là đình thần Nam Hải (hay còn gọi là lăng Ông Nam Hải) tọa lạc tại bãi Giếng. Ðình có diện tích không lớn, kết cấu đơn giản, ở trung tâm là bàn thờ Nam Hải Ðại Tướng Quân, bên cạnh bảo quản một số di cốt của cá voi. Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch là nét đẹp văn hóa đặc trưng của hòn Sơn Rái, đồng thời là lễ hội Nghinh Ông lớn nhất tỉnh Kiên Giang.

Miếu Bà Cố Chủ

Miếu Bà Cố Chủ Hòn Sơn (Ảnh – Trần Hào Huân)

Miếu tọa lạc tại Kèo Ngựa, một dãi đất bằng phẳng thuộc khu vực bãi Nam, ấp Bãi Nhà A, được xây dựng lần đầu vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch năm 1899 bằng vật liệu tre lá. Sau nhiều lần trùng tu, năm 2011, miếu được xây dựng bằng vật liệu bê tông, cốt thép như hiện nay.

Tương truyền, bà tên thật là Tăng Thị Phú, là người đầu tiên khai phá hòn Sơn. Do có khả năng nhìn trời đoán mưa gió nên bà được người đi biển kính trọng. Sau khi bị hải tặc giết, bà vẫn hiển linh giúp người đi biển, nên nhân dân trên đảo tôn là Bà Cố Chủ Hòn, hay Bà Cố Chủ và lập miếu thờ.

Đình thần Lại Sơn

Đình thần Lại Sơn (Ảnh – terryawhile)

Trong văn hóa Việt, Thành Hoàng là vị phúc thần bảo hộ đời sống dân cư. Thành Hoàng mỗi nơi khác nhau, có nơi là nhân vật lịch sử, có nơi là biểu tượng trừu tượng. Tiền nhân đã mang theo tín ngưỡng này đến khai khẩn hòn Sơn Rái và dựng nên ngôi đình Lại Sơn, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ðình mang kiến trúc truyền thống dân tộc, kết hợp với một số đường nét hiện đại, Chánh điện được bài trí giản dị mà trang nghiêm.

Ăn gì khi tới Hòn Sơn

Hải sản

Nhum

Nhum biển hay còn gọi là cầu gai (Ảnh – mykale912)

Điều thú vị không nằm ở món ăn này mà nằm ở trải nghiệm của bạn khi tới đây, các bạn có thể tự lặn để bắt cầu gai rồi nhờ người dân chế biến. Ngon nhất chắc sẽ là nhum đem nướng mỡ hành, vị ngọt bùi thơm ngậy của nhum kết hợp với mỡ, hành, đậu phộng và các gia vị khác sẽ vô cùng lôi cuốn vị giác.

Tôm tích

Tôm tích hay còn gọi là bề bề (Ảnh – bubungongan_)

Khi đến với Hòn Sơn vào mùa thu hoạch tôm tích, các bạn sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ tôm tích trứ danh xứ hòn, với mức giá vô cùng bình dân. Con tôm tích mềm nhưng thịt dai, thơm, ngon. Tôm tích có hai loại, có gạch và không có gạch, được chế biến thành nhiều món ăn.

Ghẹ

Ghẹ chỉ cần đem hấp lên rồi thưởng thức (Ảnh – alanpham22)

Ghẹ ở Hòn Sơn có thể được đánh bắt quanh năm nhưng nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 9 khi gió Nam thổi mạnh. Ghẹ ở đây thịt chắc, giá rẻ và luôn tươi hơn trong đất liền do ngay sau khi đánh bắt đã chuyển lại về cảng để bán cho du khách và các nhà hàng trên đảo.

Mực

Mực có thể chế biến thành nhiều món (Ảnh – vhth.94)

Mực to, thịt ngọt và rất giòn, cũng như ghẹ thì mực ở Hòn Sơn có giá cũng tương đối rẻ. Các bạn có thể mua về để xào hoặc nướng mọi trên than hồng đều rất ngon.

Gỏi cá Gỏi

Gỏi cá Gỏi ở Hòn Sơn (Ảnh – Chí Công)

Cá gỏi có kích thước bằng 2 ngón tay trở lại, sống gần bờ. Nhiều vùng biển có loại cá này nhưng không phải nơi nào cũng chế biến cá thành món gỏi cá sống ngon để thưởng thức như Hòn Sơn. Làm món gỏi cá gỏi khá công phu, phải đánh thật sạch vảy từng con cá tươi rồi cắt bỏ đầu và đuôi, ngâm với nước muối, rửa thật sạch, ngâm lại nước trong vài phút rồi để ráo, sau đó cho vào ngăn lạnh để cá cứng và giữ độ tươi.

Món gỏi cá gỏi có hai cách ăn. Một là trộn nước mắm, chanh, đường vào phần cá đã chuẩn bị, đợi vài phút, sau đó vắt khô rồi trộn rau thơm vào và lấy bánh tráng cuốn với rau là thưởng thức. Cách khác cầu kỳ nhưng ngon hơn đó là thực khách lần lượt bỏ miếng cá phi lê tươi rói vào chén cốt chanh đã vắt sẵn, đợi vài phút rồi vớt cá ra chén, sau đó lấy bánh tráng để cá lên, thêm rau thơm, đậu phộng, hành tây, dừa nạo và rau rừng rồi cuốn lại, cá tươi ngon cộng thêm các vị chua, cay, mặn, ngọt khiến thực khách ăn vào sẽ nhớ mãi.

Gà núi Hòn Sơn

Món gà núi hấp tỏi ở Hòn Sơn (Ảnh – calvinthaipham)

Gà ở Hòn Sơn được nuôi thả một cách tự nhiên nên thịt dai và có vị ngọt đậm đà. Gà hấp sẽ giữ trọn vẹn nhất hương vị của gà còn món gà nướng lại dễ ăn và thơm hơn. Tuỳ vào sở thích mà các bạn có thể đặt nhà hàng chế biến cho phù hợp.

Các loại khô

Ngoài các loại hải sản tươi sống, các bạn có thể mua các loại khô về làm quà (Ảnh – Hoang Thi Hang)

Với nguồn hải sản phong phú và đa dạng ở vùng biển quanh Hòn Sơn nên nơi đây có điều kiện để sản xuất ra các loại khô thơm ngon. Đến với vùng biển phía Tây Nam, các bạn không thể bỏ qua các loại khô cá đuối, khô cá xanh xương….Ngoài thưởng thức tại chỗ thì đây cũng là món quà mang về tương đối dễ dàng.

Nước mắm Hòn Sơn

Từ bao đời nay, người dân trên đảo Lại Sơn vẫn truyền nhau câu ca dao

Nước mắm Hòn, dầm con cá bẹ
Bởi mê nước mắm Hòn, em trốn mẹ theo anh

để nói lên vị ngon và sự hấp dẫn của món đặc sản này. Nước mắm ở Hòn Sơn được làm từ các loại cá nhỏ, ít xương, về hương vị và độ dinh dưỡng được đánh giá không kém gì nước mắm Phú Quốc.

Lịch trình khám phá Hòn Sơn

Nên kết hợp thêm những điểm gần Hòn Sơn cho chuyến đi của mình (Ảnh – tran.xuan.quyen)

Cùng nằm trên tuyến đường biển Rạch Giá – Hòn Tre – Lại Sơn – Nam Du nên các bạn có thể kết hợp để ghé thăm tất cả những điểm này trong cùng một chuyến đi cho thuận tiện.

Sài Gòn – Rạch Giá – Hòn Sơn

Ngày 0: Sài Gòn – Rạch Giá

Tối ngày này các bạn ra bến xe miền Tây để bắt xe đi Rạch Giá, thời gian di chuyển khoảng 7-8 tiếng nên đến sáng các bạn tới nới là vừa.

Ngày 1: Rạch Giá – Hòn Sơn

Sau khi tới Rạch Giá, các bạn sử dụng xe trung chuyển tới cảng rồi lên tàu cao tốc đi Hòn Sơn.

Khám phá đền thờ Nguyễn Trung Trực, tham quan các bãi biển trên đảo như Bãi Bắc, Bãi Nhà, Bãi Bàng…tự do tắm biển, nghỉ ngơi thư giãn

Tối về lại homestay thưởng thức hải sản

Ngày 2: Khám phá Hòn Sơn

Sau khi ăn sáng, các bạn có thể thuê xe chạy quanh đảo và dành thời gian để chinh phục ngọn núi Ma Thiên Lãnh, nơi ngắm toàn cảnh biển đảo Hòn Sơn

Trưa quay xuống phía dưới nghỉ ngơi, ăn uống

Chiều các bạn có thể liên hệ người dân địa phương để thuê tàu đi quanh đảo, lặn ngắm san hô, bơi lội trên biển.

Tối tiếp tục nghỉ ngơi ở Hòn Sơn

Ngày 3: Hòn Sơn – Rạch Giá – Sài Gòn

Lên tàu trở lại Rạch Giá và bắt xe về lại Sài Gòn, kết thúc hành trình. Tối ngày 3 này các bạn sẽ có mặt tại Sài Gòn để sáng hôm sau có thể trở lại nhịp sống bình thường.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Hòn Sơn 2024
  • du lịch Hòn Sơn tháng 3
  • tháng 3 Hòn Sơn có gì đẹp
  • review Hòn Sơn
  • hướng dẫn đi Hòn Sơn tự túc
  • ăn gì ở Hòn Sơn
  • phượt Hòn Sơn bằng xe máy
  • Hòn Sơn ở đâu
  • đường đi tới Hòn Sơn
  • chơi gì ở Hòn Sơn
  • đi Hòn Sơn mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Hòn Sơn
  • homestay giá rẻ Hòn Sơn
5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Kiên Giang

KIÊN GIANG

Vị trí Kiên Giang trên bản đồ Việt Nam

là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng phía Tây Nam của nước ta, trong đó lãnh thổ bao gồm đất liền và hải đảo. Đây là tỉnh có diện tích lớn nhất miền tây và lớn nhì ở miền nam, trung tâm hành chính đặt ở thành phố Rạch Giá. Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam  có tốc độ tăng trưởng du lịch được coi là cao nhất với mức tăng luôn từ 100% trở lên so với năm trước đó.

Kiên Giang được nhiều người biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cảnh đẹp của vùng đất này ngày xưa từng được ca ngợi qua “Hà Tiên thập vịnh”.

Bạn có biết: Có vị trí nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore nên Kiên Giang đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các nước trong khu vực.

  • Diện tích: 6.348,5 km²
  • Dân số: 1.738.800
  • Phân chia hành chính: 3 thành phố và 12 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 297
  • Biển số xe: 68