Kinh nghiệm du lịch Phan Rang Tháp Chàm

Kinh nghiệm du lịch Phan Rang Tháp Chàm (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Phan Rang Tháp Chàm được ví như trái tim của Ninh Thuận khi nằm giữa trung tâm tỉnh, là ngã ba liên kết vùng giữa các tỉnh Lâm Đồng, Bình ThuậnKhánh Hòa. Không chỉ có bờ biển dài hơn 10km, du lịch Phan Rang Tháp Chàm còn có nhiều điều kiện để phát triển các hình thái du lịch nghỉ dưỡng, các hoạt động du lịch thể thao trên biển như thuyền buồm, ván diều, lặn ngắm san hô… do sở hữu 1 trong 13 vịnh nước sâu của cả nước. Bao quanh thành phố là hàng loạt điểm đến nổi tiếng của Ninh Thuận như Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương, Vườn Quốc gia Núi Chúa… được nối liền với trung tâm bởi hệ thống giao thông thuận tiện.

Phan Rang – Tháp Chàm những ngày giáp Tết (Ảnh – luuhongoc)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả luuhongoc, thuyvinavi, lubyanoy, artaip, kimyeri_13, lidia_kruk, shatalovanatal, iwansambodo, pq.giao, rhaegal_the_dragon, mashapkina, hahaserena, dien.long.nguyen, heoxinh205, leuyen, nubadian, phuongna.vo, machkhe23, ntvvirus, vvietnguyenn, tohuyen81, daucungduoc, jessechou58, eatwithmhdy, lucky_lai148, trido_arch, trtukiet3009, Trần Văn Hưng, An Ngọc, tintin.phan nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung

Mục lục

Phan Rang – Tháp Chàm, thành phố ven biển là trung tâm của Ninh Thuận (Ảnh – cungphuot.info)

Phan Rang – Tháp Chàm (thường được gọi tắt là Phan Rang) là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Ninh Thuận. Tên Phan Rang được phiên âm Việt hóa của Panduranga hoặc Parang. Tên Tháp Chàm được đặt theo cụm tháp Poklong Garai phía bắc thành phố.

Theo lịch sử ghi lại, vào mùa Xuân năm Quý Tỵ (1653), được lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687), cai cơ Hùng Lộc Hầu đã lấy vùng đất từ bờ Bắc sông Phan Lung (sông Phan Rang, sông Dinh ngày nay) ra đến núi đá Bia – Đèo Cả lập dinh Thái Khang. Vùng đất Phan Rang – Tháp Chàm thuộc phủ Diên Ninh, là một trong hai phủ của dinh Thái Khang lúc bấy giờ.

Đây cũng là thành phố còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Chăm(Ảnh – cungphuot.info)

Đến năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) đã mở rộng đất đai xuống phía Nam, lấy toàn bộ vùng đất từ Phan Rang đến Bình Thuận lập trấn Thuận Thành và chia thành 4 đạo : Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li và Phố Hài; từ đó địa danh hành chính Phan Rang chính thức ra đời. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) trấn Thuận Thành được đổi thành hai phủ : Ninh Thuận và Hàm Thuận. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) ngày 20/5/1901, triều Nguyễn thành lập tỉnh Phan Rang, bao gồm các đạo Ninh Thuận, huyện An Phước và huyện Tân Khai .

Tháng 8/1948, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm được chính quyền cách mạng thời đó thành lập và cái tên Phan Rang – Tháp Chàm chính thức được biết đến từ đó .

Bờ biển và cảnh quan thiên nhiên của thành phố có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch, trên suốt chiều dài bờ biển có thể xây dựng nhiều khu du lịch. Từ các khu du lịch ven biển, có thể phát triển nhiều tuyến du lịch đi trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tuyến đi Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nên du lịch Phan Rang vào thời gian nào

Khí hậu Phan Rang – Tháp Chàm khô nóng quanh năm nên rất dễ lựa chọn thời điểm để đến đây du lịch (Ảnh – thuyvinavi)

Khí hậu Phan Rang rất khô và có lẽ là vùng khô hạn nhất Việt Nam, lượng mưa hàng năm của thành phố này rất ít với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26-27ºC. Thời tiết có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau.

  • Từ tháng 4-8, thời điểm này hầu như không mưa bão, biển êm nên các bạn có thể đến Phan Rang – Tháp Chàm để khám phá các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển.
  • Nếu muốn khám phá văn hóa Chăm các bạn có thể đến tham dự lễ hội Ka Tê, một trong những lễ hội quan trọng và mang đậm tính dân gian nhất của cộng đồng người Chăm hiện nay. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 1-7 (theo lịch Chăm).

Hướng dẫn đi tới Phan Rang – Tháp Chàm

Phương tiện cá nhân

Nhiều tuyến đường bộ lân cận đến Phan Rang đều có khung cảnh 2 bên rất đẹp (Ảnh – cungphuot.info)

Với các bạn có kế hoạch chạy xuyên nhiều tỉnh thành, có thể sử dụng phương tiện cá nhân để tới Ninh Thuận. Từ Hà Nội các bạn cứ bám dọc theo Quốc lộ 1A, qua Cam Ranh là tới địa phận Ninh Thuận thôi. Từ Sài Gòn, với khoảng cách vào quãng 350km, các bạn sẽ mất khoảng 7-8 tiếng để di chuyển tới Phan Rang – Tháp Chàm. Có phương tiện cá nhân các bạn sẽ chủ động hơn, nếu có thêm cả thời gian thì các bạn cứ thoải mái khám phá vùng đất đầy nắng gió này.

Phương tiện công cộng

Xe khách
Nằm trên trục giao thông Bắc Nam và Tây Nguyên nên có nhiều các tuyến xe khách chạy tới Phan Rang liên tục (Ảnh – cungphuot.info)

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm nằm trên trục giao thông trọng yếu Bắc – Nam – Tây Nguyên, có hai tuyến quốc lộ chạy ngang là Quốc lộ 1A (Bắc – Nam), Quốc lộ 27 đi Thành phố Đà Lạt và các Tỉnh Tây nguyên nên việc đi lại tương đối thuận lợi.

Xe chất lượng cao đi Phan Rang Tháp Chàm khởi hành hàng ngày từ bến xe Miền Đông, Sài Gòn. Với các bạn từ Hà Nội và phía Bắc, có thể sử dụng các tuyến xe khách đường dài Bắc – Nam và dừng lại ở địa điểm muốn xuống.

Xem thêm bài viết: Xe giường nằm đi Phan Rang – Tháp Chàm (Cập nhật 10/2024)

Tàu hoả
Ga Tháp Chàm là một trong những ga chính của tuyến đường sắt Bắc Nam (Ảnh – lubyanoy)

Nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam với ga Tháp Chàm là một trong những ga chính, hầu hết các chuyến tàu Thống Nhất đều chạy qua và dừng ở đây. Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE3, SE5, SE7 và SE9 khởi hành từ Hà Nội và dừng ở ga Tháp Chàm, thời gian di chuyển sẽ từ 27-30 tiếng. Các chuyến tàu phù hợp nhất cho việc du lịch Ninh Thuận sẽ là SE5 khởi hành từ Hà Nội lúc 8h50 và đến Tháp Chàm vào 12h43 ngày hôm sau, SE7 khởi hành từ Hà Nội lúc 6h00 và đến Tháp Chàm vào 10h02 ngày hôm sau. Tương tự từ Sài Gòn, các chuyến tàu Thống Nhất SE2, SE6, SE8, SE10 và SE22 cũng dừng ở Tháp Chàm, ngoài ra còn có 2 chuyến tàu chạy Nha Trang là SNT2 và SNT4 cũng dừng tại đây, thời gian di chuyển chỉ vào khoảng 5-8 tiếng. Các chuyến tàu phù hợp nhất là SE6 khởi hành từ Sài Gòn lúc 8h45 và đến Tháp Chàm lúc 14h25, SE8 khởi hành từ Sài Gòn lúc 6h00 và đến Tháp Chàm lúc 11h48, SE22 khởi hành từ Sài Gòn lúc 11h40 và đến Tháp Chàm lúc 17h39.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 10/2024

Máy bay

Ninh Thuận hiện có sân bay Thành Sơn nhưng đây lại là sân bay quân sự, chưa được sử dụng trong khai thác dân sự. Các bạn muốn đến Ninh Thuận có thể sử dụng các chuyến bay đến Cam Ranh, Khánh Hòa. Sân bay này cách trung tâm Phan Rang – Tháp Chàm và vịnh Vĩnh Hy đều vào khoảng 60km. Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến bay thẳng tới Cam Ranh của Vietjet, VietnamAirlines và Bamboo, giá vé khứ hồi dao động trong khoảng từ 2000-3000k với thời gian bay khoảng 2 tiếng. Từ Sài Gòn thời gian bay sẽ ngắn hơn (khoảng 1h) và giá vé cũng chỉ dao động quanh mức 1000k.

Đi lại ở Phan Rang – Tháp Chàm

Xe máy

Trừ việc hơi nắng và hơi gió, đi lại bằng xe máy ở Phan Rang Tháp Chàm sẽ rất tuyệt với những cung đường chạy ven biển (Ảnh – artaip)

Nếu không có trẻ em và người già đi cùng, các bạn có thể lựa chọn phương tiện xe máy để chủ động hơn trong chuyến khám phá Ninh Thuận bởi tính cơ động của nó. Đây cũng là phương tiện đi lại giá rẻ cho các bạn đi 1 mình hoặc đi ít người.

Xem thêm bài viết: Địa điểm thuê xe máy ở Ninh Thuận (Cập nhật 10/2024)

Xe điện

Từ khoảng tháng 10/2019, ở Phan Rang – Tháp Chàm đã xuất hiện xe điện để phục vụ du khách đi lại, tham quan các địa điểm trong thành phố. Hiện có 2 loại xe điện 8 chỗ và 14 chỗ, du khách đi theo đoàn đông cần đi lại có thể sử dụng phương tiện này cho thuận tiện.

Xe buýt

Mạng lưới xe buýt ở Ninh Thuận không nhiều lắm (Ảnh – cungphuot.info)

Ninh Thuận có khá ít tuyến xe buýt, chính xác là hiện nay chỉ có 4 tuyến xe buýt chạy nội tỉnh với số lượng chuyến xe không nhiều. Các bạn có sử dụng xe buýt để đi lại khả năng cao vẫn phải kết hợp thêm các phương tiện khác như xe ôm hay taxi để di chuyển.

Taxi

Taxi là phương tiện đi lại phù hợp với gia đình có trẻ em, người già và những nhóm đông người (4-5 người). Thường các bạn có thể thỏa thuận với lái xe để thuê trọn gói tới một số những địa điểm du lịch cơ bản.

Một số hãng taxi đang hoạt động ở Phan Rang – Tháp Chàm

  • Mai Linh Ninh Thuận: 0259 3898989
  • Sun Ninh Thuận: 0259 3858585
  • Asia: 0259 35353535
  • Quốc tế: 0259 3525252

Lưu trú ở Phan Rang

Khách sạn/Nhà nghỉ

Các bạn có thể lựa chọn các địa điểm lưu trú dọc tuyến đường biển Bình Sơn Ninh Chữ (Ảnh – cungphuot.info)

Là một thành phố tương đối nhỏ, hạ tầng dịch vụ du lịch chưa thực sự được đầu tư nhiều nên các cơ sở lưu trú cao cấp ở Phan Rang rất ít. Tính trong toàn địa bàn thành phố, tổng số lượng cơ sở lưu trú ở Phan Rang – Tháp Chàm chỉ khoảng hơn 100 cơ sở, số lượng 3 sao chiếm khoảng 40%. Tuy vậy, vẫn có những cơ sở lưu trú có chất lượng tương đối tốt mà các bạn nếu có nhu cầu có thể quan tâm

KHÁCH SẠN Phan Rang Hotel
Địa chỉ: 242 Ngô Gia Tự, Kinh Dinh, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Điện thoại: 093 322 01 77
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách Sạn Anh Khoa
Địa chỉ: 19 Trần Quang Diệu, Tấn Tài, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Điện thoại: 0259 3950 999
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Bigdog Homestay
Địa chỉ: Khu K1, Phường Văn Hải, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Điện thoại: 090 497 57 51
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách Sạn Phú Quỳnh
Địa chỉ: 184 Ngô Gia Tự, Thanh Sơn, Tp Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận
Điện thoại: 0259 6267 269
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT TTC Ninh Thuan Resort
Địa chỉ: Biển Ninh Chữ, Sơn Hải, Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận
Điện thoại: 0259 3874 047
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn tốt ở Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Cập nhật 10/2024)

Homestay

Ninh Thuận có nhiều địa điểm có thể phát triển được thành du lịch cộng đồng, khám phá và tìm hiểu văn hóa người dân địa phương mà vẫn thường được gọi là homestay. Hình thức này hiện còn khá mới, nhưng tương lai khi mà du lịch phát triển mạnh hơn sẽ có khả năng được đầu tư và xây dựng nhiều hơn.

Xem thêm bài viết: Homestay ở Ninh Thuận (Cập nhật 10/2024)

Các địa điểm du lịch ở Phan Rang

Trong thành phố Phan Rang – Tháp Chàm

Tháp Po Klong Garai

Đây là một trong những cụm công trình văn hóa Chăm đẹp nhất (Ảnh – cungphuot.info)

Tháp Po Klong Garai là tên gọi chung cho một cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam. Tháp Pô Klong Garai là một tổng thể gồm ba tháp: tháp chính (cao 20,5m), tháp lửa (cao 9,31m), tháp cổng (cao 8,56m). Công trình này có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao.

Tháp nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 9 km về phía Tây Bắc, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 (thời vua Shihavaman, người Việt gọi là Chế Mân) để thờ vua Po Klong Garai (1151-1205), vị vua đã có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước.

Bãi biển Bình Sơn Ninh Chữ

Bãi biển Ninh Chữ (Ảnh – cungphuot.info)

Bãi biển Ninh Chữ kéo dài từ Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm sang địa bàn huyện Ninh Hải. Bãi biển Ninh Chữ được tôn vinh là một trong những bãi biển đẹp của miền Trung với bãi biển hình vòng cung dài 10 km, nước trong xanh, cát vàng mịn màng, và một bầu không khí trong lành, yên tĩnh.

Công viên biển Bình Sơn

Đã từng là điểm nhấn của thành phố, hiện nay công viên biển Bình Sơn lại đang xuống cấp do không được bảo dưỡng thường xuyên (Ảnh – kimyeri_13)

Công viên biển Bình Sơn có quy mô diện tích gần 20ha, khởi công từ năm 2011 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 10/2014. Công viên này là điểm vui chơi công cộng và là công trình điểm nhấn thu hút du khách của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Bảo tàng Ninh Thuận

Bảo tàng Ninh Thuận (Ảnh – lidia_kruk)

Bảo tàng Ninh Thuận là nơi lưu giữ các hiện vật di sản văn hóa – lịch sử của các dân tộc anh em trong tỉnh như: Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, Churu, K’ho…. Tại đây đang bảo quản và trưng bày hàng ngàn hiện vật quý được sưu tầm về văn hóa, lịch sử kháng chiến của quân và dân tỉnh nhà. Hiện vật được trưng bày rất phong phú, đặc sắc, độc đáo, sáng tạo của người dân tỉnh nhà về văn hóa truyền thống của các dân tộc…

Chợ đêm Ninh Thuận

Có thể lang thang chợ đêm để thưởng thức các món ăn địa phương (Ảnh – shatalovanatal)

Nằm ngay trung tâm TP.Phan Rang – Tháp Chàm, chợ đêm Ninh Thuận được xem là điểm nhấn cho các du khách trong và ngoài nước muốn khám phá, thưởng thức các món ăn độc lạ. Chợ nằm trên đường Trần Quang Diệu và có khoảng trên 100 gian hàng được trưng bày bán cho du khách, chủ yếu các loại sản phẩm tiêu dùng, đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công truyền thống, nước uống, bánh căn, bánh xèo, đồ chơi trẻ em…

Lễ hội Katê

Lễ hội Katê là lễ hội truyền thống lớn của người Chăm Ninh Thuận (Ảnh – iwansambodo)

Katê là lễ hội lớn nhất của đồng bào Chăm, được tổ chức trong 3 ngày vào tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng từ 25/9 đến 5/10 dương lịch) hàng năm, để tưởng nhớ công lao các vị thần như Pô Klong Garai, Pô Pôme và dâng lễ cúng tổ tiên với lòng thành kính cầu mong quốc thái dân an, mùa màng bội thu, gia đình bình an.

Đồng cừu An Hòa

Đồng cừu An Hòa (Ảnh – pq.giao)

Đồng cừu An Hòa thuộc thôn An Hòa, xã Xuân Hải. Nơi đây có số lượng đàn rất lớn, từ vài trăm cho đến cả nghìn con. Khi đến đây, du khách có thể ngắm đàn cừu, chiêm ngưỡng thiên nhiên hùng vĩ, dùng cơm với người nông dân và khám phá kỹ thuật chăn nuôi, cắt lông cừu.

Hang Rái

Khu vực Hang Rái này đẹp nhưng trong những ngày có sóng cao cũng khá nguy hiểm, các bạn chú ý cẩn thận (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm cách Tp Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 30km về phía Đông Bắc, Hang Rái là điểm du lịch sinh thái thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa đang được đông đảo du khách biết đến như một địa danh tham quan lý tưởng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Ninh Thuận. Đến đây, ấn tượng đầu tiên với du khách là những khối đá xếp chồng lên nhau với hình thù lạ mắt tạo nên những hang động hoang sơ và hùng vĩ. Sau khi ngâm mình trong làn nước trong xanh của biển cả, du khách có thể nghỉ ngơi trên các tảng đá, ngắm nhìn từng đợt sóng biển trắng xóa, thưởng thức những món hải sản thơm ngon tự chế biến. Nếu thích khám phá và ưa thích mạo hiểm, du khách có thể băng qua vài phiến đá, luồn lách qua vài hang động, chiêm ngưỡng những rạn san hô chết nằm chắn sóng với những mỏm đá lồi, lõm tạo ra những hang động lớn, nhỏ khác nhau, trước kia là nơi trú ngụ của các loài rái cá.

Vịnh Vĩnh Hy

Vịnh Vĩnh Hy (Ảnh – cungphuot.info)

Cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 42 km về hướng Đông Bắc, vịnh Vĩnh Hy nằm giữa làng Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải. Đây là nơi còn giữ lại nhiều nét hoang sơ do thiên nhiên hào phóng ban tặng với một quần thể cảnh quan xinh đẹp, hùng vĩ bao gồm những bãi cát trắng bao quanh, những dãy núi đá cao chót vót và những dòng suối róc rách len lỏi giữa rừng cây xanh bạt ngàn.

Đến đây du khách có thể tắm biển, tắm suối, câu cá, hít thở không khí trong lành, khám phá những hang động, rừng cây; chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi đá hoặc tham quan cảnh đẹp của vịnh Vĩnh Hy bằng tàu thuyền, ca nô, leo núi, cắm trại, thăm chiến khu xưa CK19, xem san hô bằng tàu đáy kính hoặc chiêm ngưỡng rùa biển đẻ trứng vào những đêm trăng sáng.

Đồi cát Nam Cương

Tiểu sa mạc của Phan Rang rộng khoảng 700ha, không lớn lắm nhưng có tầm nhìn 4 mặt rất đẹp (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 8 km về hướng Đông Nam, đồi cát Nam Cương với diện tích 700 ha đang là điểm đến lý thú mà du khách không thể bỏ qua khi đến Ninh Thuận. Nhiều người ví đồi cát Nam Cương như vẻ đẹp của một thiếu nữ e lệ nép mình sau những ngôi làng, lũy tre và những cánh đồng nho bạt ngàn. Nằm trên địa bàn sinh sống của cộng đồng người Chăm, đồi cát là một phần không tách rời trong cuộc sống của người Chăm ở đây. Ngày ngày, người Chăm đi lại trên đồi cát để đi biển, đi ra đồng, đi học, đi chợ hay đi đến thánh đường…. Có thể nói mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của họ gắn liền với đồi cát này.

Vườn nho Ba Mọi

Mọi du khách đến đây đều được thưởng thức các chùm nho ngon tuyệt do chủ vườn mời (Ảnh – cungphuot.info)

Cách Phan Rang – Tháp Chàm chừng 7km, nhưng trang trại nho của chú Ba Mọi ở xã Phước Thuận hàng ngày luôn nhộn nhịp đón khách du lịch gần xa đến tham quan và khám phá. Tất cả các khách tham quan vườn nho đều được ăn nho, uống si rô, rượu nho miễn phí và cùng được trò chuyện với chú Ba Mọi. Chú Ba thường chia sẻ với khách tham quan là cách nhận biết nho Ninh thuận với các loại nho nhập khẩu khác, cách làm ra sản phẩm rượu nho và những lợi ích do rượu vang nho Ninh Thuận mang lại.

Các hoạt động thể thao nước

Lướt ván diều

Lướt ván diều ở biển Bình Sơn – Ninh Chữ (Ảnh – rhaegal_the_dragon)

Tại bãi biển Ninh Chữ, mặt biển lặng sóng, tốc độ gió trung bình đạt 17 hải lý đặc biệt phù hợp với bộ môn lướt ván diều. Tạp chí The Kiteboarder đã bình chọn Ninh Thuận là điểm đến quốc tế hàng đầu cho môn lướt ván diều.

Lướt sóng

Lướt sóng trên biển Ninh Thuận (Ảnh – mashapkina)

Lướt sóng là một môn thể thao trên mặt nước, tại đó người chơi lướt thuận hoặc ngược con sóng, để sóng đẩy người chơi về phía bờ. Tương tự lướt ván diều, Ninh Thuận cũng rất phù hợp để chơi môn này.

Thuyền chuối

Nếu có gopro, các bạn có thể ghi lại những khoảnh khắc rất thú vị khi ngồi trên chiếc phao chuối này (Ảnh – hahaserena)

Đây là một trò mà nếu đi đông các bạn có thể lập nhóm để thử, một chiếc phao hình chuối sẽ được kéo đi với tốc độ cao của cano sẽ đưa nhóm các bạn lướt trên mặt biển với cảm giác bồng bềnh.

Lặn ngắm san hô

Lặn ngắm san hô ở Vĩnh Hy (Ảnh – dien.long.nguyen)

Với một chiếc kính lặn kèm ống thở, một chiếc áo phao và khả năng bơi lội của chính mình là các bạn có thể thoải mái lặn ngắm san hô ở những vùng biển nông rồi.

Ăn gì khi du lịch Phan Rang

Hải sản Ninh Thuận

Là vùng biển nên Ninh Thuận cũng có rất nhiều loại hải sản tươi ngon (Ảnh – heoxinh205)

Vùng biển Ninh Thuận có nhiều loài hải sản phong phú như: cua, ghẹ, mực, ốc giác, ốc hương, ốc nhung, sò lông, sò dương, sò điệp, hào,…. tùy vào sở thích mà du khách có thể yêu cầu nhà hàng chế biến theo cách mình thích nướng, luộc, hấp hoặc nướng mỡ hành tùy thích.

Cơm gà Phan Rang

Cơm gà Phan Rang (Ảnh – leuyen)

Cơm gà Phan Rang được nấu bằng gạo dẻo, thơm. Trước khi nấu, gạo được vo sạch, ướp thêm gừng, tỏi giã nhuyễn để tạo mùi thơm. Muốn có dĩa cơm bắt mắt, thường người nấu trộn thêm vào gạo chút bột nghệ. Gà chặt từng miếng khổ vừa lớn. Món này ăn nóng kèm với một ít rau răm, dưa leo và nước mắm chua ngọt đã pha chế hay chấm cùng muối ớt. Loại nước chấm đặc biệt khác nên kể thêm là nước hèm, loại nước chấm độc đáo chỉ có ở Phan Rang. Cũng tỏi cũng gừng, nhưng ta thêm vào đó một ít hèm rượu và đường tạo nên vị chua ngọt khá đặc trưng. Hèm chan vào cơm để giảm bớt độ ngấy do nhiều dầu mỡ. Cơm gà Phan Rang phải ăn kèm rau răm mới “đúng bài”, có lẽ rau răm đặc biệt hợp với gà, nên càng ăn càng thấy ngon.

Bánh căn

Bánh căn ở Phan Rang (Ảnh – nubadian)

Bánh căn là món cực kỳ đơn giản và dễ làm, không cần những nguyên liệu cầu kỳ, khó tìm kiếm, không cần phải qua nhiều công đoạn chế biến, chỉ cần một chút khéo tay là bạn có thể cho ra lò những chiếc bánh ngon. Muốn có bánh căn ngon, người ta thường dùng loại gạo hạt tròn, loại gạo địa phương mà phải là gạo cũ càng tốt. Điểm độc đáo là bánh căn được đổ bằng những khuôn đất, được chế tạo từ bàn tay tài hoa của những người thợ gốm Chăm Bàu Trúc.

Riêng nước chấm của loại bánh này ở Phan Rang cũng khá đặc biệt. Người sành ăn thì sẽ pha trộn vào tô của mình cả bốn loại nước chấm gồm: nước mắm chua ngọt, mắm đậu phộng, mắm nêm và nước cá kho với dưa hồng.

Bún mắm nêm

Bún mắm nêm (Ảnh – phuongna.vo)

Khác hẳn với tô bún bò, tô phở nóng hổi và nhiều chất dinh dưỡng… bún mắm nêm là một món ăn khá dung dị nhưng đầy sức hấp dẫn và lạ miệng với hầu hết nhiều người. Ở món ăn này, điểm nhấn quan trọng chính là từ mắm nêm, đây là món ăn mà người Phan Rang làm để ăn trong những lúc biển động dài ngày, trong những khi mưa gió mịt mù, không thể đi chợ được. Vị ngọt của thịt, vị thơm của rau sống, vị cay cay của ớt, vị nồng của tỏi, vị chua của thơm và chanh… kết hợp với hương vị mắm nêm đặc trưng, tạo nên một món ăn rất cuốn hút với tất cả mọi người.

Bún sứa

Bún sứa Ninh Thuận (Ảnh – machkhe23)

Thịt sứa không chỉ thơm ngon, giòn sật đặc trưng mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Một tô bún sứa thơm ngon gồm bún, sứa tươi, trứng cút, đậu hũ, điểm xuyết thêm những cọng ngò xanh và bên trên rắc vài hạt đậu phộng. Món này được ăn kèm bắp chuối, rau muống bào, giá sống và quan trọng nhất là mắm ruốc.

Bánh canh chả cá

Bánh canh chả cá Phan Rang (Ảnh – ntvvirus)

Cái khác biệt đầu tiên của món bánh canh Phan Rang chính là ở sợi bánh. Có nơi làm bánh canh bằng bột lọc, có nơi dùng bột gạo để chế biến nhưng khi chế biến thì sợi bánh lại có vẻ lớn và dày. Ở Phan Rang, sợi bánh canh chỉ to hơn sợi bún bình thường.

Điểm khác thứ hai mà có lẽ là yếu tố tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này. Đó là nước dùng. Có nơi dùng nước xương heo đã lọc kỹ làm nước dùng, nhưng nước dùng bánh canh Phan Rang lại được nấu hoàn toàn từ cá. Nhiều loại cá được sử dụng như cá thóc, cá nhồng, cá thu ảo…sau khi được làm sạch cắt đầu, đem lóc hết thịt, dùng xương ninh lấy nước.

Bún cá dằm Ninh Chữ

Bún cá dằm (Ảnh – vvietnguyenn)

Một trong những món ăn ngon và đặc sắc của Ninh Chữ, được nhiều du khách tìm kiếm để thưởng thức. Món bún được chế biến đậm đà, cá tươi và dai, kết hợp với vị ngọt thanh của nước dùng. Món bún này khá phổ biến và có thể dễ dàng tìm thấy dọc các vỉa hè.

Bánh bèo Phan Rang

Bánh bèo chén Mụ Mận của Phan Rang rất nổi tiếng (Ảnh – tohuyen81)

Bánh bèo Phan Rang có hình tròn, bột bánh đổ vừa với cái chén nhỏ, bánh gồm có ba phần chính là vỏ bánh làm từ bột gạo, nhân để rắc lên bánh làm bằng tôm xay nhuyễn, một hỗn hợp mà nước mắm là thành phần chính và thường đổ trực tiếp vào bánh chứ không cần chấm. Để món bánh hấp dẫn hơn, người ta thường thêm vào ít mỡ hành và đậu xanh xay nhuyễn.

Điểm khác biệt của bánh bèo Phan Rang với bánh bèo những chỗ khác chính là kích thước nhỏ nhắn, độ nóng hổi của nó, có màu trắng, lại dẻo dẻo, ăn kèm với nước mắm đậu phộng có màu cam đỏ bắt mắt pha chút mắm nêm.

Mì Quảng Phan Rang

Mì Quảng ở Phan Rang – Tháp Chàm (Ảnh – daucungduoc)

Nếu ai đó từng 1 lần thưởng thức qua món mì quảng Phan Rang thì họ sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy được sự khác biệt giữa mì quảng của xứ Quảng và Phan Rang. Khác nhau từ sợi mì cho đến mùi vị, giò heo…

Nho Ninh Thuận

Nho là một loại trái cây nổi tiếng đối với bất kỳ ai khi nhắc về Ninh Thuận (Ảnh – cungphuot.info)

Có thể nói khí hậu và điều kiện Ninh Thuận rất thích hợp cho cây nho sinh trưởng và phát triển. Nho Ninh Thuận thu hoạch ba vụ/năm, có hương vị đặc trưng hơn các loại nho khác. Với vị ngọt hơi chua nhẹ, vỏ mỏng và có hạt nên khi thưởng thức chắc chắn sẽ nhớ mãi. Có nhiều giống khác nhau nhưng trong đó có hai loại nổi tiếng là nho đỏ và nho xanh. Nho đỏ có dạng hình cầu, khi chín vỏ có màu đỏ hoặc đỏ thẫm trong rất đẹp mắt. Nho xanh có vỏ dày hơn nho đỏ, khi chín quả ngả sang xanh phơn phơn vàng.

Thịt cừu

Đừng quên thưởng thức thịt cừu khi tới Ninh Thuận nhé (Ảnh – jessechou58)

Cừu là đặc sản nổi tiếng của Ninh Thuận được chế biến thành những món ăn ngon như: cừu nướng, cừu đút lò, chả cừu, cari cừu, lẩu cừu…được rất nhiều du khách yêu thích khi tới du lịch Ninh Thuận.

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai ở Phan Rang (Ảnh – eatwithmhdy)

Gỏi cá mai có ở những vùng biển Ninh Chữ, Vĩnh Hy hay Cà Ná, hầu hết đều có thể dễ dàng tìm được một nhà hàng phục vụ món ăn mang đậm hương vị biển này. Gỏi cá mai có hai loại là gỏi khô và gỏi ướt. Khi ăn gỏi cá mai khô thực khách vắt thêm chanh lên cho cá chín, trộn với rau thơm cắt nhỏ, đậu phộng rang và lấy bánh tráng nướng xúc từng miếng ăn kèm. Còn đối với gỏi cá ướt thì dầm cá trong một loại nước chấm đặc biệt, được làm bằng đậu phộng và một số gia vị khác, cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm.

Các món từ Dông

Dông chỉ có ở những vùng đất nhiều cát nóng như Ninh Thuận, Bình Thuận (Ảnh – lucky_lai148)

Dông là loại bò sát sinh sống trong hang trên những vùng đồi cát nóng. Thức ăn chính của con dông chủ yếu là chồi non từ cây xương rồng, cỏ dại. Người dân địa phương đặt bẫy hoặc đào bắt chúng ở trong hang dưới lòng đất sâu chừng 1,5m. Thịt dông thơm, trắng như thịt gà, rất ngọt, chắc, xương rất mềm nhưng da thì dòn sừn sựt.

Đặc sản Phan Rang mua về làm quà

Mực một nắng

Mực một nắng có thể xào hoặc đơn giản nướng ngay trên than hồng để nhâm nhi (Ảnh – trido_arch)

Mực của Phan Rang có vị thơm, mềm và ngọt bởi cái vị rất riêng. Khác với các loại mực khô thông thường, để có mực một nắng người ta phải chọn mực từ những con mực vừa mang từ biển về và hãy còn tươi rói, phải rửa mực bằng nước biển sau đó chỉ phơi duy nhất có một lần nắng. Việc phơi mực cũng thật kỳ công để làm sao thân ngoài con mực đã ráo hẳn nhưng bên trong thịt mực vẫn còn tươi rói và khi nướng, mực vẫn giữ được độ tươi, thịt trắng thơm và dẻo.

Rượu nho

Rượu nho là đặc sản Ninh Thuận có thể mua về làm quà (Ảnh – trtukiet3009)

Ninh Thuận nổi tiếng là vùng đất trồng nho ngon nên rượu vang nho ở đây cũng được coi là hàng cực phẩm, là báu vật của người trồng nho. Nổi nhất ở đây có thể kể đến những thương hiệu như Para Hill, Hai Dầu, rượu vang nho Phan Rang, rượu vang nho Ninh Thuận.

Tỏi Phan Rang

Chỉ có Lý Sơn và Phan Rang có thể trồng được loại tỏi mồ côi này (Ảnh – Trần Văn Hưng)

Miền đất Phan Rang với khí hậu khắc nghiệt nhưng lại khá phù hợp để trồng trọt, phát triển loại nông sản khá hữu dụng này trong cuộc sống. Tỏi Phan Rang không to, vỏ rất trắng, lõi nhỏ và nhiều tép, có vị cay và thơm nồng, đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng cả nước. Người nông dân thu hoạch sau đó phơi khô, không sử dụng chất bảo quản, nên rất an toàn khi sử dụng. Một trong những điều thú vị là trong bạt ngàn ruộng tỏi thường, họ thường thu hoạch được loại tỏi một củ rất quý. Có tên gọi khác là tỏi cô đơn hoặc tỏi mồ côi (loại tỏi này hiện chỉ có ở Lý Sơn và Phan Rang) bởi chỉ có một tép duy nhất, được dùng để ngâm rượu làm thuốc trị được nhiều bệnh .

Nước mắm Cà Ná

Nước mắm Cà Ná khá nổi tiếng và được bán ở nhiều nơi (Ảnh – An Ngọc‎)

Xã Cà Ná gần biển, sẵn muối, nhiều cá, thêm nắng gió Ninh Thuận nên hội đủ điều kiện thuận lợi để trở thành vùng nước mắm ngon nổi tiếng. Nước mắm Cà Ná đạt chuẩn sẽ có màu nâu hổ phách đậm, mùi thơm đặc trưng, độ đạm cao nhất 30, không quá gắt theo phong cách nước mắm Phú Quốc, vị mặn vừa, lưu hậu vị lâu.

Muối hạt Cà Ná

Hạt muối Cà Ná được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị mặn đậm đà mà thanh. Nước mắm Cà Ná thơm ngon nổi tiếng xa gần, cũng một phần nhờ hạt muối này.

Lịch trình du lịch Phan Rang

Ngoài du lịch biển, Phan Rang còn có những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo mà các bạn nên trải nghiệm (Ảnh – tintin.phan)

Khám phá Phan Rang 1 ngày

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Rang

Di chuyển bằng tàu hỏa, chỉ mất khoảng 5-6 tiếng là đến ga Tháp Chàm nên các bạn có thể đi chuyến tàu buổi chiều, tối sẽ có mặt ở Phan Rang.

Tối dạo chơi chợ đêm Ninh Thuận, lang thang thành phố biển hóng gió.

Ngày 2: City tour Phan Rang – Tháp Chàm

8h00: Dậy sớm thuê xe máy ở Phan Rang, kiếm 1 hàng nào đấy ăn sáng thưởng thức một số món ăn ngon của Phan Rang. Nếu thích có thể làm thêm 1 ly cafe trước khi khởi hành.

9h00: Xuất phát đi tháp Poklong Garai

10h00: Đi đồng cừu An Hòa, vườn nho Ba Mọi

Trưa quay lại thành phố Phan Rang ăn trưa, nếu mệt các bạn có thể về khách sạn nghỉ ngơi.

13h30: Đến bảo tàng Ninh Thuận tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của địa phương

Trả phòng khách sạn

15h00: Ghé thăm các làng làm gốm và dệt thủ công của người Chăm, ngoài việc tìm hiểu về quá trình sản xuất các sản phẩm, các bạn có thể tự tham gia và cuối cùng là mua về làm quà.

17h00 Tới bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ tắm biển. Thưởng thức hải sản

20h: Lên tàu trở lại Sài Gòn, khoảng 4h sáng về đến ga Sài Gòn.

Sài Gòn – Phan Rang – Vĩnh Hy

Ngày 1: Sài Gòn – Phan Rang

Khởi hành đi Phan Rang – Tháp Chàm bằng tàu hỏa. Khoảng cách hơn 300km nên các bạn chỉ mất khoảng nửa ngày di chuyển. Nếu khởi hành từ ga Sài Gòn vào khoảng 7-8h sáng thì chỉ đầu giờ chiều các bạn có mặt ở ga Tháp Chàm.

Thuê xe máy ở Phan Rang – Tháp Chàm để làm phương tiện đi lại nhé.

Chiều bắt đầu hành trình từ tháp Poklong Garai rồi lần lượt khám phá đồng cừu An Hòa, thăm vườn nho Ba Mọi khám phá mô hình trồng nho, thưởng thức các sản phẩm từ nho.

Tối nghỉ ngơi ở Phan Rang Tháp Chàm.

Ngày 2: Phan Rang – Nam Cương – Vĩnh Hy

Sáng dậy tranh thủ ăn sáng, cafe rồi tiếp tục hành trình.

Hãy đến với các làng thủ công mỹ nghệ của Ninh Phước như Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp để tìm hiểu về các sản phẩm thủ công mang đậm màu sắc văn hóa Chăm. Đến đồi cát Nam Cương để chơi các trò chơi với cát.

Trưa quay lại trung tâm thành phố nghỉ ngơi, ăn trưa. trả phòng khách sạn.

Đầu giờ chiều khởi hành theo cung đường biển đẹp nhất Việt Nam đi Vĩnh Hy, trên đường đi các bạn đừng quên ghé qua Hang Rái.

Tới Vĩnh Hy nhận phòng khách sạn, thuê tàu đáy kính đi chơi biển.

Tối nghỉ ngơi, thưởng thức hải sản Vĩnh Hy.

Ngày 3: Về lại Sài Gòn

Từ Vĩnh Hy các bạn di chuyển lại về phía trung tâm thành phố Phan Rang, trả xe máy rồi lên tàu trở lại Sài Gòn. Khoảng buổi tối là sẽ có mặt ở nhà, kết thúc hành trình

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Phan Rang Tháp Chàm 2024
  • du lịch Phan Rang Tháp Chàm tháng 10
  • tháng 10 Phan Rang Tháp Chàm có gì đẹp
  • review Phan Rang Tháp Chàm
  • hướng dẫn đi Phan Rang Tháp Chàm tự túc
  • ăn gì ở Phan Rang Tháp Chàm
  • phượt Phan Rang Tháp Chàm bằng xe máy
  • Phan Rang Tháp Chàm ở đâu
  • đường đi tới Phan Rang Tháp Chàm
  • chơi gì ở Phan Rang Tháp Chàm
  • đi Phan Rang Tháp Chàm mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Phan Rang Tháp Chàm
  • homestay giá rẻ Phan Rang Tháp Chàm

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 43 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Ninh Thuận

NINH THUẬN

Vị trí Ninh Thuận trên bản đồ Việt Nam

Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là vùng đất cuối của dãy Trường Sơn với nhiều dãy núi đâm ra biển Đông, có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Bờ biển của tỉnh có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng và nhiều sông suối phục vụ du lịch, ngoài ra nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều công trình văn hóa kiến trúc cổ Chămpa gắn với các lễ hội văn hóa dân tộc Chăm.

Bạn có biết: Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước.

  • Diện tích: 3.355,34 km²
  • Dân số: 590.467 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 6 huyện
  • Mã điện thoại: 0259
  • Biển số xe: 85