Cùng Phượt – Không cần phải đến những ngày tết, người Quảng Nam mới sắm cho mình những món ngon. Các món ăn ngon ở Quảng Nam từ xưa đến nay đã nức tiếng xa gần, ngay cả “lối ăn uống của người xứ Quảng từ thế kỷ 17 cũng đã rất thịnh soạn và ngon miệng. Xứ này, là vùng đất giàu có về sản vật, đa dạng về môi trường sinh thái và tập quán ẩm thực. Xứ này lại sớm có quá trình mở cửa giao lưu tiếp xúc với bên ngoài nên các thế hệ cư dân Quảng Nam đã từng bước tích tạo nên nếp ẩm thực khá phong phú, mang nhiều sắc thái độc đáo. Văn hóa ẩm thực Quảng Nam càng thể hiện rõ những nét văn hóa đặc trưng của con người, vùng đất.
©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả mymilk305, pob.97, dunmap_6994, hana_nga_pham, tocravings, hays_eatable, nanh.99, ty_pizza3011, hieu.ricky, lanalee93, hichiko_nguyen, jemonsterny, vietnamese.food.93, nguyenthanhhien34, nghoaiphu_, Hậu Nguyễn, tiendracula, tieuthanhthao209 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Cơm gà Hội An
Mục lục
- 1 Cơm gà Hội An
- 2 Cao lầu Hội An
- 3 Mì Quảng
- 4 Hoành thánh
- 5 Hủ tiếu Hội An
- 6 Bánh Mì Hội An
- 7 Bánh bao – Bánh vạc
- 8 Bánh đập – Hến xào
- 9 Bánh xèo Hội An
- 10 Bánh bèo Hội An
- 11 Tam Hữu
- 12 Bánh tráng cuốn thịt heo
- 13 Gà tre Đèo Le
- 14 Bê thui Cầu Mống
- 15 Phở sắn Quế Sơn
- 16 Cháo lươn xanh
- 17 Xương rồng
- 18 Măng núi trộn
- 19 Mực cơm
- 20 Cá chuồn nướng
- 21 Bánh tổ Hội An
- 22 Đặc sản Quảng Nam mua về làm quà
Cơm gà, món ngon khó có thể bỏ lỡ khi đến với Hội An (Ảnh – cungphuot.info) |
Gạo để nấu cơm gà là loại gạo ngon, thơm và dẻo, được lựa chọn kỹ lưỡng, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm.
Cuối cùng là bày cơm ra đĩa, cho gà đã xé lên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt. Ngoài ra, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm. Với tất cả sự khéo léo tỉ mỉ trong cách chế biến của mình, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà rất riêng, mang đậm dấu ấn của Hội An
Cao lầu Hội An
Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.
Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương… và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
Mì Quảng
Mì Quảng cũng như phở, bún đều được chế tác từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng biệt. Ðúng như tên gọi, mì này nguyên có nguồn gốc xuất phát từ xứ Quảng Nam. Ðể làm mì, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xây thành nước bột mịn, vừa trùng (không đặc không lỏng) pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành lá mì. Khi chín vớt ra đặt lên vỉ cho nguội, thoa sơ lớp dầu cho mì khỏi dính sau đó xắt thành sợi. Nước nhưn (nhân) mì tiếng địa phương còn gọi là nước lèo – được làm bằng tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… rất là đa dạng nhưng phổ biến hơn cả là nhưn tôm, thịt hay thịt gà.
Muốn làm nhân tôm thịt người ta làm tôm sống, bỏ dầu, một số con đem giã dập, một số để nguyên con. Thịt ba chỉ xắt mỏng cho vào với tôm ớp gia vị rồi đa lên bếp tô cho thấm. Lại cho thêm mấy củ hành, đổ vào nồi nấu cà chua, thơm (dứa) để lấy vị thơm, ngọt cho nước lèo (nước nhưn). Ðối với nhưn thịt gà thì sau khi đã làm sạch, chặt thành từng miếng nhỏ trộn ớp với tiêu, hành, tỏi, đa lên bếp tô cho thấm, rồi nấu thêm với các loại cà chua, thơm hành đến khi chín thành nước lèo. Nước nhưn mì không cần nhiều màu mè, không cần nhiều gia vị mà phải trong và có vị ngọt. Cái ngọt này đặc biệt khác với vị ngọt của nước phở nấu bằng xương bò, nước lèo của bún hầm xương heo. Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Ðông Bắc phố cổ Hội An, ăn mì Quảng phải kèm rau sống Trà Quế mới thật đúng “tông”. Chỉ có rau ở vùng này mới thể hiện hết cái nhiều mùi vị hương thơm: cay, chát, ngọt, đắng… làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
Hoành thánh
Hoành thánh, một món ăn có xuất xứ từ Trung Hoa, cũng là một món ăn truyền thống và quen thuộc gắn với đời sống của người dân Hội An từ bao lâu nay. Hoành thánh có nhiều cách thức chế biến với nhiều hình thức khác nhau như hoành thánh chiên, hoành thánh nước, hoành thánh mỳ … Hoành thánh Hội An mang hương vị và phong cách đặc trưng của phố Hội, của miền đất Quảng thân thương có thể làm vừa lòng những thực khách khó tính nhất.
Hủ tiếu Hội An
Với những bạn đã đến Hội An nhiều lần, đã thưởng thức hết những cơm gà, mì quảng, cao lầu… thì hủ tiếu có thể là một lựa chọn khác để trải nghiệm. Hủ tiếu được xếp gọn trong tô, đầy đặn, phía trên gọn gàng vài lát thịt, hai lát chả bò, có cả bao tử và gan heo, trộn thêm chút hương vị của kiểu hủ tiếu sa tế người Hoa, vô cùng hấp dẫn. Nước hủ tiếu trong vắt, chỉ có ít váng mỡ vàng vàng nổi lên khiêm tốn, húp vào thấy thanh tao, dịu nhẹ. Sợi hủ tiếu thì đặc biệt dai và không chua. Thịt dùng cho hủ tiếu cũng là thịt dùng cho món cao lầu, được rim chiên đậm đà, có màu nâu mật trông rất hấp dẫn, còn chả thì thơm dai khỏi nói. Rau ăn kèm hủ tiếu là những lát đu đủ xanh ngâm chua giòn rụm, vài cọng cần tàu và giá.
Địa chỉ ăn hủ tiếu ngon: 27 Phan Châu Trinh, Tp Hội An
Bánh Mì Hội An
Bánh Mì, món ăn dẫn dã có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam này. Tuy nhiên có bao giờ bạn tự hỏi, bánh mì ở đâu ngon nhất Việt Nam chưa ? Gõ từ khóa “best banh mi in Vietnam” (dùng từ khóa Tiếng Anh để nhận được những đánh giá khách quan từ các bạn Tây, những người không ăn bánh mì từ bé như chúng ta. Kết quả bạn nhận được là “Bánh mì Phượng ở Hội An”
Có điều cô Phượng chủ tiệm đã phục vụ món bánh mì “xuất sắc nhất” theo lời Caroline Mills, phóng viên của tạp chí du lịch online Travelfish, cho người Hội An, và có lẽ cho toàn thế giới, suốt hơn 20 năm qua.
Đều đặn mỗi ngày cô dậy sớm, chuẩn bị làm các thứ để nhồi vào bánh mì: đó là thịt heo xá xíu khi nhai như tan ra trong khẩu cái, patê và jambon ngon ở mức độ tuyệt hảo. Rồi một thứ nước xốt nhà làm bí ẩn khiến vị giác của bạn như reo lên trong niềm hân hoan!
Thật khó để diễn tả đến tận cùng sự khoái khẩu khi nhai từng miếng bánh mì của tiệm Phượng, điều mà Anthony Bourdain mô tả như là “bản hòa âm trong miếng bánh sandwich” (a symphony in a sandwich) nhưng đây không phải là sandwich mà là “loại bánh mì đã phổ thông khắp thế giới như tất cả chúng ta đã được biết” (Caroline Mills).
Tiệm bánh nhỏ của cô đã ra đời từ trước đổi mới ở Việt Nam, khi đất nước này lần đầu mở cửa đón du khách nước ngoài. Hội An khi đó vẫn chưa phục hồi do hậu quả chiến tranh để lại, đa số người dân phố cổ còn nghèo khổ và chẳng có mấy hàng quán, chỉ có những người bán rong các món ăn trên phố.
Khi đó Phượng tìm được một địa điểm trong khu chợ cổ để mở tiệm bán bánh mì. Mỗi ngày cô dậy lúc 3g sáng để chuẩn bị món thịt heo xá xíu và các phụ gia khác, sẵn sàng phục vụ cho những người khách đầu tiên đến mua; trong khi cô em gái của Phượng nướng bánh mì lại cho giòn và những mẻ bánh được nướng nóng, kẹp nhân thịt, patê, đồ chua… như vậy được bán suốt ngày. Chẳng mấy chốc, tiệm bánh mì Phượng trở thành một trong những điểm bán hàng ăn đông khách nhất của Hội An.
Các loại bánh mì được bán và thời điểm mở cửa tiệm vẫn là 3g sáng vẫn như thế sau bao năm tháng. Có chăng một chút thay đổi là bánh mì cung cấp cho tiệm của cô đến từ một lò bánh ở góc phố, và ngoài cô em gái còn có bốn thành viên khác trong gia đình phụ giúp Phượng theo ca, bởi tiệm Phượng bây giờ đã quá nổi tiếng, khách mua đông thế mà không ai phải chờ đợi lâu bởi có một dây chuyền cung cấp bánh mì hợp lý, chỉ sau vài giây là khách đã nhận được món ăn còn nóng hổi.
Địa chỉ ăn bánh mỳ ngon ở Hội An: Bánh mỳ Phượng, Bánh mỳ Madam Khánh
Bánh bao – Bánh vạc
Bánh bao – bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cách làm gần giống nhau và thường ăn chung trên một đĩa bánh. Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An.
Bánh đập – Hến xào
Bánh đập (hay còn gọi là bánh chập) là loại bánh dân dã mà người Quảng Nam nào cũng biết đến. Nó là sự kết hợp hài hòa giữa hai loại bánh tráng nướng và bánh tráng ướt với một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị mới lạ. Miếng bánh đập ròn rụm tan trong miệng ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn chơi cực hấp dẫn ở Hội An
Bánh được tráng từ loại gạo dẻo thơm ngon, một phần làm bánh tráng nướng, một phần làm bánh tráng ướt. Với bánh tráng nướng, bánh được tráng cực kỳ mỏng, rồi mang đi phơi khô và nướng trên bếp than đỏ, sau đó bỏ vào bao cột kín để giữ được độ giòn lâu và dùng làm dự trữ. Bánh tráng ướt, chỉ khi nào ăn mới làm.
Bánh đập được tạo nên từ hai loại bánh này. Ghép một miếng bánh ướt với một miếng bánh tráng giòn, trên nửa lớp bánh ướt quệt lên nhân đậu xanh nhuyễn, phết dầu mỡ hành. Tùy theo sở thích, người ta có thể cho thêm mì lá (mì bánh đa sợi nhỏ) vào cùng với lớp bánh tráng ướt.
Tiếp đó dùng tay đập nhẹ nhẹ lên bánh để hai miếng bánh dính lại với nhau, phần bánh tráng nướng bị vỡ và phần bánh ướt sẽ kết dính các vụn bánh nướng lại, giúp cho miếng bánh tráng nướng không cứng cũng không bị mềm nhũn mà ươn ướt, dẻo dẻo. Sau đó gập đôi bánh lại là đã có một chiếc bánh đập. Bánh đập phải thật mỏng ăn mới ngon.
Ăn bánh đập cũng như ăn bánh xèo, phải có vừng, chấm nước mắm ớt và đồ ăn ghém chua. Nước chấm được pha từ mắm cái. Mắm pha với một chút đường, trái dứa bằm nhỏ, một chút hành phi dầu, nêm nhiều tỏi và ớt sừng xanh đặc hiệu của xứ Quảng, loại ớt này khi giằm vào mắm thì dậy mùi thơm đặc trưng. Như thế là đã có một chén nước chấm hoàn thiện. Chén nước chấm chỉ đơn giản vậy thôi nhưng ngon đến lạ.
Bánh xèo Hội An
Bánh xèo là một món ăn dân dã đặc trưng của Việt Nam, tuy nhiên tùy ở mỗi vùng miền mà bánh xèo lại mang những hương vị khác nhau, theo những cách chế biến cũng khác nhau, để phù hợp với khâu vị của từng địa phương cũng như là tận dụng đươch các nguồn nguyên liệu đặc trưng của địa phương đó. Và đương nhiên Hội An, thành phố ẩm thực nổi tiếng về các loại bánh cung không ngoại lệ, bánh xèo cũng là một trong những món ăn vặt khá nổi tiếng ở vùng đất phố Hội này.
Ở phố cổ Hội An và mùa lạnh thì bánh xèo là loại bánh thịnh hành nhất. Vào những ngày này, trong quán bất cứ giờ nào cũng đều có khách đến ăn. Cũng có thể mua mưa ở đây là mùa có nhiều tôm nhất, mà nguyên liệu chính làm nhân bánh xèo chính lại chính là tôm. Những con tôm nước lợ (tôm đất) mập mạp, tươi rói, thịt ngọt là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên vị ngọt của bánh xèo. Thịt chỉ là phần phụ, hơn nữa làm bánh xèo phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất là nóng nực, vì vậy mùa mưa là mùa thích hợp nhất cho việc làm loại bánh này.
Sự cuốn hút của món ăn này là nhờ vào vị giòn tan của bột gạo, vị béo bùi của nước cốt dừa, mùi thơm của bột nghệ hòa lẫn các loại của rau thơm, bên cạnh đó chất đạm thường được sử dụng là thịt bò, tôm, mực. Bánh phải ăn nóng mới ngon, đúng điệu, tức làm đến đâu ăn đến đấy và khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay. Cách thưởng thức bánh xèo ngoài việc dùng khứu giác, vị giác ra, bắt buộc người ăn phải dùng đến xúc giác, thính giác mới thấy hết phần hấp dẫn. Và nó đặc biệt hợp khẩu vị của mọi du khách trong những ngày đông giá rét.Thông thường khi ăn bánh xèo chúng ta dễ ngán bởi vị béo của bánh được chiên bằng dầu, mỡ và đạm ở tôm thịt mực… đi kèm trong bánh vì thế bạn có thể thưởng thức kèm các loại chè đặc sản rất ngon ở Hội An.
Địa chỉ ăn bánh xèo ngon: Quán Hải Đảo 160 Lý Thái Tổ, Cẩm Châu, Tp. Hội An
Bánh bèo Hội An
Trong các món ăn chế biến từ gạo, sau mỳ Quảng, bánh bèo là một món ăn chiếm được sự ưa chuộng của đông đảo cư dân Hội An, nhất là cư dân ở các vùng nông thôn.
Để làm bánh bèo, người ta chọn loại gạo ngon cho vào ngâm nước để gạo mềm rồi xay thành nước bột mịn. Bánh ngon hay dở phụ thuộc phần lớn vào khâu xay này. Nước bột không được đặc quá, vì đặc bánh sẽ cứng, ít dẽo. Nếu lõng quá, bánh sẽ nhão, không đứng tròng (chén bánh không trũng ở giữa). Nước bột này khi lấy tròng xong (kỹ thuật thử độ dẻo và mịn của bột) được cho vào chén rồi sắp lên vỉ tre đặt vào nồi để hấp. Bánh chín được vớt ra để chồng úp lên nhau cho nguội. Chén bánh khi chín trắng tinh, mềm mướt, giữa lại có một xoáy tròn thật là ngộ nghĩnh. Chén để làm bánh bèo là một loại chén bằng đất nung tráng men, nhỏ hơn chén ăn thông thường, mà tròn trịa dễ thương. Nhưn (nhân) bánh bèo chủ yếu được làm từ những sản vật địa phương đó là tôm, thịt… tôm bỏ đầu, băm nhỏ, thịt xắt nhỏ hạt lựu, trộn vào với tôm ướp với gia vị, pha thêm chút bột điều (loại bột màu đỏ được chế từ một loại quả cây) cho tăng phần màu mè hấp dẫn, rồi đưa lên bếp xào chín, hòa thêm ít nước bột gạo đổ vào, sao cho nhưn chín có dạng sền sệt màu đỏ hồng, vị ngọt béo lẫn vị cay the và thơm là đạt yêu cầu. Nhưn nấu chín được đựng trong một chiếc nồi con, trên mặt có rãi một lớp tiêu lấm chấm đen và vài cộng hành xanh xanh xắt nhỏ.
Bánh bèo có mặt khắp Hội An, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những vùng ven phố Hội như Cẩm Châu,Cẩm Nam… với những quán lá nhỏ đơn sơ mà mát mẽ, ấm cúng. Khách vào quán, người chủ sắp nhiều chén bánh lên khay, múc nhưn đổ vào, thêm dầu mỡ, tương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn. Tùy theo khẩu vị của ngưòi ăn mà có thể thêm tí nước mắn hay tí ớt vào. Nhìn chén bánh bèo trắng phau, nhưn giữa màu đỏ hồng điểm tôm thịt như nhụy một đóa hoa đang khoe hương khoe sắc. Lại thêm mùi thơm sực nức, đầy hấp dẫn khiến cho người ăn muốn một lần ăn hết mấy chục chén bánh bèo cho hả dạ. Dụng cụ để ăn bánh bèo không phải dùng đũa, cũng không phải dùng muỗng mà dùng một thanh tre vót hình lưỡi dao, gọi là “dao tre”. Lối ăn thế này cũng gợi bao sự hiếu kì cho khách và cũng là lối ẩm thực khác biệt giữa bánh bèo với các loại bánh được chế tác bằng gạo khác.
Tam Hữu
Tam Hữu là món ngon trong thực đơn của người dân làng rau Trà Quế trong những dịp quan trọng và cũng là món ăn được du khách thích nhất khi đến Hội An. Tam hữu là sự kết hợp độc đáo của tôm – thịt – rau. Cuộn tam hữu chấm vào chén nước mắm ớt tỏi pha vừa tay để cảm nhận vị the the của rau húng lủi, hương thơm hành hoa, lẫn trong vị beo béo của thịt ba chỉ, vị ngọt thơm của thịt tôm đất.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của người Quảng. Món ăn này phù hợp cho bữa ăn trưa, ăn tối, ăn vặt và cả đãi khách phương xa.
Một phần bánh tráng cuốn gồm 1 đĩa thịt heo ba chỉ thơm ngon được thái mỏng và dài theo chiều cuốn bánh, 1 khay bánh tráng Đại Lộc, nước mắm chấm ăn kèm và một khay rau sống với gần 20 loại rau. Ngoài những loại rau tươi thông thường như xà lách, hành lá, giá đỗ, diếp cá, húng bạc hà, mơ lông, dưa leo, chuối sứ, xoài xanh, chủ quán còn cho thêm các loại lá có mùi vị đặc biệt như đinh lăng, lộc vừng, mận, xoài, trâm… Đặc biệt nhất là rau xưng, một loại rau chỉ mọc ở trong rừng mà hàng ngày chủ quán phải vào rừng để hái, hòa trộn với nhiều loại rau tạo nên hương vị rất khác lạ.
Gà tre Đèo Le
Muốn thưởng thức gà ngon đúng điệu phải tìm về với chân đèo Le ở vùng đất Quế Sơn. Các món được chế biến từ gà tre đèo Le rất đa dạng, từ nướng, hấp hành, rô ti đến luộc… nhưng thơm ngon và dậy vị nhất chính là món gà nướng.
Gà được chế biến để nguyên con, bên dưới là rau răm để trộn với thịt, bên trên là hành tím đập dập và lá chanh xắt nhỏ. Gà đèo Le được nuôi thả tự nhiên chứ không nhốt trong chuồng nên thịt gà chắc, ngọt nhưng vẫn rất mềm. Thịt gà sau khi chế biến có thể nhai được cả xương, ăn kèm muối tiêu, ớt xiêm thơm mà cay đúng chất Quảng Nam.
Bê thui Cầu Mống
Một trong những đặc sản ở Quảng Nam xếp ngang hàng với mì Quảng là bê thui Cầu Mống. Muốn thưởng thức bê thui Cầu Mống chính hiệu thì phải đến với mảnh đất Điện Bàn.
Bê được chọn vừa đủ lớn để thịt không nhão. Thịt bê thui xong phải có màu đỏ hồng nhưng không sống, da vàng rộm nhưng không khô, không dai và không có mùi khói. Mắm phải từ loại mắm cái cá cơm, cá nục nguyên chất. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Những miếng chuối chát cùng nộm đu đủ chua chua, ngọt ngọt sẽ làm món bê thui đượm vị và bớt ngấy hơn.
Phở sắn Quế Sơn
Với người dân Quế Sơn, sắn là một loại cây lương thực quen thuộc, được trồng giữa những vườn đồi, giữa không gian chật hẹp trong khu vườn nhỏ với đủ loại cây trái. Giữa chen chúc ấy, cây sắn được trồng quanh năm, vụ gối vụ, mùa tiếp mùa. Sắn được người dân nơi đây chế biến thành nhiều món ăn, nhưng công phu nhất phải kể đến món phở sắn, thường được nấu để bày tiệc hay thiết đãi bạn bè, người thân lâu ngày ghé lại Quế Sơn.
Tô phở sắn nóng hổi, béo thơm, cho vị lạ miệng đã tạo ra một làng nghề truyền thống ở vùng đất Quế Sơn, đó là nghề làm bánh phở. Cùng với thời gian, qua nhiều loại nhưn ăn kèm, người Quế Sơn đúc kết rằng, bánh phở này chỉ thật sự đạt đến độ ngon hoàn hảo khi đi kèm nước dùng từ cá lóc đồng. Cá mua về rửa sạch bằng nước muối, nhét vào bụng cá vài múi hành đập dập để khử mùi tanh rồi bỏ vào nồi luộc vừa chín tới.
Cá vớt ra, để nguội, tách thịt và ướp với các loại gia vị quen thuộc như nghệ, nén, ớt, mắm, muối, dầu phộng… Xương, đầu cá bỏ vào nồi luộc lại cho ngọt nước, sau đó lọc bỏ xương. Tiếp đó, cá đã ướp sẽ được cho vào chảo xào lại cho thấm gia vị rồi đổ vào nồi nước dùng. Phở sắn đem ngâm nước lạnh chừng vài phút để sợi mềm và dai, vớt ra để ráo.
Rau ăn phở khá đặc biệt với thân chuối non giòn ngọt, rau thơm, vài lá quế và hẹ thơm. Đậu phộng rang, ớt xanh, chanh, hành ngò, nước mắm ớt tỏi là những gia vị không thể thiếu để làm nên một tô phở sắn ngon.
Cháo lươn xanh
Có dịp đến làng Bình Định, Thăng Bình du khách có lẽ khó cầm lòng với món đặc sản dân dã từ bao đời nay, món cháo lươn xanh hay còn gọi là cháo lươn gạo si.
Vì ăn cháo lươn với cải xanh nên người dân ở đây gọi là cháo lươn xanh. Món lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống lúa địa phương có từ rất xa xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng. Khi ăn, người xứ Quảng có hai cách. Có người bỏ luôn một lần cải và các lọai rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo vừa thổi vừa xúc từng thìa đưa vào miệng xuýt xoa. Số khác thong thả bỏ từng cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy vị cau cau của cải xanh, vị bùi của đậu, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt dịu thoang thoảng mùi hương của cây lúa quê nhà. Nhưng tất cả đều ăn nóng và thỉnh thoảng lại cắn một miếng trái ớt xanh làm cho ai nấy ngồi gần thấy mà thèm muốn ăn.
Xương rồng
Cây xương rồng là món ăn khá phổ biến và có thể coi là đặc sản du lịch Quảng Nam. Món ăn này có nguyên liệu dễ tìm, hấp dẫn bởi hương vị độc đáo và cách chế biến không quá cầu kỳ.
Trước khi chế biến, xương rồng cần phải sơ chế bằng cách gọt bỏ phần gai bên ngoài cùng lớp màng xanh, sau đó thái mỏng rồi đem luộc sơ cho bớt nhớt, tới khi những miếng xương rồng chuyển sang màu vàng là được. Những miếng xương rồng này sau đó đem vắt ráo nước là có thể chế biến thành những món ăn ngon tùy thích.
Phổ biến nhất khi du khách có dịp ghé qua đất Quảng Nam chính là món xương rồng xào. Vào những ngày nắng nóng, canh chua xương rồng lại chính là món giải nhiệt hiệu quả. Ngoài ra, người dân xứ Quảng còn sáng tạo thêm một món ăn nữa khá độc đáo là món gỏi xương rồng.
Măng núi trộn
Măng sau khi lột vỏ, người ta xắt chúng thành từng sợi mỏng, nhỏ và dài bằng ngón tay, vì nếu xắt dày một tí thì gia vị sẽ không thấm, ăn sẽ cứng, không ngon. Măng xắt xong sẽ rửa qua một lượt nước rồi thả vào nồi nước đang sôi luộc chừng 5 phút. Khi măng vừa chín thì vớt ra rổ cho ráo nước.
Điều đặc biệt ở món măng núi trộn này là không cần nước xốt, nước tương, tôm, thịt hay bất cứ thứ gì khác. Chỉ cần làm một bát nước mắm tỏi, ớt xiêm (loại ớt trái nhỏ, hạt nhiều, thường có ở vùng đồi núi Quảng Nam) thật cay nồng là đã đủ sức hấp dẫn. Để món ăn thêm mùi thơm và vị béo, lấy ít dầu phộng phi thơm với củ nén giã dập, đến khi nén ngả sang màu vàng là được.
Mực cơm
Mực cơm được khai thác vùng gần bờ biển, những con mực có da tươi và còn nhấp nháy các chấm sao, được luộc trên lửa hồng, tươi rói căng mọng. Khi ăn du khách chấm vào chén mắm nhĩ thêm chút gừng và ớt, kèm theo ít rau húng….Vị thơm ngọt, béo, bùi của cơm mực sẽ níu chân du khách. Mực cơm biển ngang được tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận Top 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam. Các bạn có thể tìm thấy món này khi tới Bãi biển Bình Minh của huyện Thăng Bình.
Cá chuồn nướng
Về Núi Thành không ai không biết món cá chuồn xanh nướng chấm nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà trong chiều tà bãi Rạng. Cá chuồn ngon, thường rộ mùa tầm tháng ba đến tháng năm âm lịch. Cách ăn cá chuồn xanh nướng cứ cầm hẳn nguyên con trên tay, bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh thì không gì thú vị bằng. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu cá chuồn nướng quấn trong bánh tráng lề (bánh tráng cuốn) kèm rau sống, chấm nước mắm ớt…
Bánh tổ Hội An
Bánh tổ là một đặc sản của người dân Quảng Nam. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cách thức riêng để tạo nên đặc trưng cho loại bánh này. Ở Hội An, bánh tổ xuất hiện khá lâu, đồng thời với quá trình hình thành các khu phố cổ, được người Hoa du nhập từ thế kỷ XVI – XVII và tồn tại cho đến ngày nay. Bánh tổ cùng với cao lầu là 2 món ăn truyền thống, đặc trưng cho văn hóa ẩm thực Hội An. Trước đây, bánh tổ chỉ đơn thuần được làm để cúng tổ tiên. Do có vị thơm ngọt đặc trưng mà bánh tổ tồn tại được ở đất thương cảng và dần dà có mặt ở hầu khắp địa phương trong tỉnh.
Nguyên liệu làm bánh cần là nếp thuần chất, nên được mua về từ các cánh đồng Duy Xuyên phì nhiêu. Đường phải là đường bát, ngon nhất là đường Đại Lộc. Muốn bánh ngon, bột nếp phải giã chứ không được xay, sau khi ngâm và vuốt thật đều tay. “Bột nếp đã giã cần phải được nhồi thật “trùng” với đường đã thắng chứ nhão hay khô đều hỏng. Bánh phải được hấp kín sau khi đã lèn chặt bằng lá chuối. Trong quá trình nấu, khi thấy hơi nước thấm qua kẽ lá chuối, nước bắt đầu sôi thì thắp hương chờ bánh chín, cháy hết 3 tuần hương thì dừng, chờ nấu mẻ khác. Sau khi vớt bánh, cất nơi thoáng mát sau 3 – 4 ngày tùy thời tiết rồi mới được đem phơi nắng.
Đặc sản Quảng Nam mua về làm quà
Sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh là sản phẩm đặc hữu của xứ Quảng và Kon Tum. Người Xê Đăng đã biết đến loại biệt dược này với tên gọi “thuốc giấu”. Nó còn có nhiều tên gọi khác là sâm đốt trúc, sâm K5. Sâm Ngọc Linh được cho là một loại sâm tốt nhất thế giới bởi hàm lượng saponin cao và nhiều hoạt chất có tác dụng chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe. Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã trở thành thứ hàng hóa đắt giá, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Quế Trà My
Đặc sản bao đời nay của vùng đất Trà My là cây quế. Cây quế gắn với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh, kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Trà My. Quế Trà My được biết đến với cái tên “Cao sơn Ngọc quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng nên có giá trị cao so với các loại quế khác và đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương, một sản phẩm giá trị về kinh tế và tinh thần của mảnh đất Quảng Nam.
Rượu lòn bon Tiên Phước
Lòn bon là trái cây đặc sản của vùng quê Tiên Phước. Trái lòn bon vừa đủ độ chín, không dập nát được chọn lựa, rửa sạch, đổ vào máy dập bể vỏ, ủ men từ 8 đến 10 ngày rồi cho vào nồi đun sôi. Hơi nước bốc lên ngưng tụ thành rượu. Sau đó, rượu được lọc thô lần thứ nhất và cho vào hầm ủ từ 3 đến 6 tháng mới bơm ra lọc tinh khiết lần hai để loại bỏ tạp chất tuyệt đối rồi pha chế, đóng chai”. Với công đoạn chưng cất, chắt lọc kỹ càng, không sử dụng chất phụ gia và chất bảo quản, cộng với bí quyết mồi men và tỷ lệ pha chế, rượu lòn bon Tiên Phước có mùi vị thơm ngọt, đằm dịu và một chút cay nồng đặc trưng của rượu nên được người tiêu dùng ưa thích.
Tìm trên Google:
- các món ăn ngon ở Quảng Nam
- đặc sản Quảng Nam làm quà
- ăn gì khi du lịch Quảng Nam
- các quán ăn ngon ở Quảng Nam
- đến Quảng Nam nên ăn gì
- địa điểm ăn uống Quảng Nam
- ẩm thực Quảng Nam
QUẢNG NAM
Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi của tỉnh có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Quảng Nam đứng thứ 6 về diện tích, thứ 19 về dân số trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mật độ dân số là 173 người/km² (đứng thứ 42/63) so với 277 người/km² của cả nước. Năm 2008, đây cũng là tỉnh đầu tiên của duyên hải Nam Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Tam Kỳ, Hội An).
Bạn có biết: Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
- Diện tích: 10.438,4 km²
- Dân số: 1.802.000 người
- Vùng: Nam Trung Bộ
- Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 15 huyện
- Mã điện thoại: 235