Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu

Kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu (Cập nhật 08/2024)

Cùng Phượt – Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch, giao thông – vận tải và giáo dục và là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Sở hữu nhiều bãi biển đẹp và cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh, Vũng Tàu là một lựa chọn nghỉ ngơi cuối tuần của rất nhiều du khách miền Nam. Tuy vậy, du lịch Vũng Tàu hiện  vẫn thiếu đặc sắc và phát triển có tính tự phát, thiếu sự gắn kết để bổ sung, hỗ trợ nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn. Điều đó khiến cho khả năng cạnh tranh của thành phố này với các địa phương khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… kém hơn.

Vũng Tàu là điểm đến nghỉ ngơi cuối tuần của người Sài Gòn (Ảnh – th_van)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả th_van, David Staszak, yeuvungtau, mariavu11, kamezoko, gaau__, byrneash, agustin4366, Thinh Vo, unopomo123, louisruan_, viettran.dec, 7nomad4, Quỳnh Lâm, nguyencuong, pznone, ngoctu.u.u.u, Hai Anh Dao, sanra.san, Binh Huynh, trxng11_, shawolmeu, jamescao91, viet_nam_oi, ranno_ranno, 21_vip_21, christopherwong8281, trang.88, 252.phucnguyen, Quân Phan Lê Minh, edys_kimura, tuanluxu, hanatran2014, vimoc610, vy_ame, vietlifetj, pozdi_tran, ntvvirus, congbw, im_gabeeee, vynguyen_lovefood, candykun107, Quang Vũ và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Vũng Tàu

Bãi Trước Vũng Tàu những năm 70 của thế kỷ trước (Ảnh – David Staszak)

Thành phố Vũng Tàu nằm ở phía nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Có 4 mặt giáp biển và sông rạch, phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông, phía Tây giáp Vịnh Gành Rái, phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và huyện Long Điền. Vũng Tàu  cách trung tâm Sài Gòn khoảng gần 100km.

Vũng Tàu được biết đến từ năm 1296 với tên gọi là trấn Chân Bồ. Vào năm 1658 Chúa Nguyễn Phúc Tần đưa 2.000 quân đi chinh phục trấn Chân Bồ, lập 3 làng đầu tiên ở Vũng Tàu. Năm 1895 Toàn quyền Đông Dương tách Vũng Tàu khỏi Bà Rịa để thành lập thành phố Vũng Tàu – Thành phố du lịch, nghỉ dưỡng đầu tiên của Việt Nam thời kỳ đó. Trong khoảng thời gian từ 1895- 1900 Pháp đã xây dựng nhiều bến cảng, nhà máy nhiệt điện; đường dây điện tín và khách sạn cao cấp biến Vũng Tàu thành thành phố cảng, du lịch, nghỉ mát lớn nhất của Nam Bộ và trung tâm đánh bắt hải sản lớn.

Thành phố biển Vũng Tàu nhìn từ trên cao (Ảnh -yeuvungtau)

Là trung tâm dầu khí, trung tâm du lịch quốc gia thành phố Vũng Tàu có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh, quốc phòng, nhất là việc bảo vệ giữ vững chủ quyền biển, đảo phía Nam Tổ quốc. Đây là thành phố nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế khu vực phía Nam và là cửa ngõ thông thương ra biển của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ngoài ra, thành phố cũng là trung tâm kinh tế, du lịch, văn hoá, xã hội, khoa học, y tế, giáo dục của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Du lịch Vũng Tàu thời gian nào?

Cuối tuần mà không mưa gió gì thì cứ đến Vũng Tàu thôi (Ảnh – mariavu11)

Với nhiệt độ trung bình năm 27ºC nên khí hậu Vũng Tàu tương đối phù hợp cho các bạn tham gia các hoạt động tắm biển vào bất kỳ thời gian nào. Cùng với khoảng cách tương đối gần Sài Gòn, chỉ cần có thời gian rảnh các bạn cứ xách xe lên và tới đây nghỉ ngơi. Tuy vậy, các bạn lưu ý:

  • Từ tháng 5-8 là mùa du lịch cao điểm của Vũng Tàu, vào những dịp cuối tuần của thời điểm này thường rất đông du khách, phòng khách sạn luôn trong tình trạng khan hiếm, thế nên nếu các bạn không vướng mắc về thời gian, cứ tránh cuối tuần ra đi cho thoải mái.
  • Từ sau tháng 9 tuy là mùa khô nhưng cũng là mùa bão của vùng Nam Trung Bộ, nếu những cơn bão tiến gần vào các vùng biển sát phía Nam thì đôi khi cũng có thể gây mưa gió và ảnh hưởng đến hoạt động tắm biển. Các bạn nên lưu ý thời tiết chút là được.

Hướng dẫn đi đến Vũng Tàu

Khá gần với Sài Gòn nên Vũng Tàu là một trong những điểm đến vui chơi cuối tuần tương đối phổ biến, từ trung tâm Sài Gòn đến Tp Vũng Tàu cũng chỉ khoảng 100km.

Phương tiện cá nhân

Ô tô
Ô tô sẽ lợi thế ở đoạn cao tốc Long Thành, nhưng dễ gặp kẹt xe (Ảnh – kamezoko)

Nếu đi bằng ô tô, quãng đường từ trung tâm Sài Gòn đến Vũng Tàu tương đối thuận lợi bởi một nửa quãng đường tới đây đã có thể chạy trên cao tốc. Từ nút giao QL51 thuộc Long Thành các bạn thoát ra và chạy dọc theo tuyến quốc lộ này khoảng 60km sẽ tới Vũng Tàu.

Xe máy
Chặng đường bằng xe máy xa hơn chút so với đi ô tô nhưng thực tế nhiều đường để lựa chọn đi lại hơn (Ảnh – gaau__)

Nếu đi bằng xe máy, các bạn có nhiều tuyến đường để lựa chọn nhưng dễ và thuận tiện nhất thì cứ bám theo QL1A , qua cầu Đồng Nai đến ngã tư Vũng Tàu (chỗ này thuộc Đồng Nai) rồi rẽ vào QL51, đi thẳng QL51 cũng sẽ tới được Vũng Tàu. Chặng đường đi bằng xe máy sẽ xa hơn so với đi bằng ô tô khoảng 15km.

Phương tiện công cộng

Máy bay
Hiện tại, Tân Sơn Nhất là sân bay gần nhất tới Vũng Tàu (Ảnh – byrneash)

Sân bay gần nhất với Vũng Tàu chính là sân bay Tân Sơn Nhất. Các bạn từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung muốn tới chơi khám phá Vũng Tàu có thể bay vào Sài Gòn rồi từ đó tiếp tục sử dụng các phương tiện trung chuyển tới đây.

Trong trường hợp các bạn không muốn vào trung tâm Sài Gòn, các bạn có thể lựa chọn đi thẳng từ sân bay Tân Sơn Nhất tới Vũng Tàu. Trong mạng lưới các tuyến buýt kế cận Sài Gòn, hiện có tuyến buýt 72-1 sẽ đón khách từ sân bay và chạy trực tiếp tới Bến xe Vũng Tàu, đây là tuyến buýt không trợ giá nên giá cũng tương đương việc đi xe khách, tiện cái là không cần phải di chuyển tới bến xe miền Đông mà có thể đi luôn ngay sau khi xuống máy bay.

Ô tô khách

Các tuyến xe tới Vũng Tàu nếu đi từ Sài Gòn sẽ xuất phát ở bến xe Miền Đông, nói chung xe rất nhiều và đủ các khung giờ nên các bạn thoải mái lựa chọn sao cho phù hợp với mình nhất. Tuy vậy, để chuyến đi không bị ảnh hưởng khi vớ phải những hãng xe dù, các bạn hãy lựa chọn các nhà xe uy tín. Ngoài các xe khách thông thường, hiện khách đến Vũng Tàu cũng có thể lựa chọn các loại xe limousine với ghế to và số lượng khách ít hơn, nhưng giá cũng sẽ cao hơn.

Xem thêm bài viết: Xe khách đi Vũng Tàu (Cập nhật 8/2024)

Tàu cao tốc

Đi thẳng từ Sài Gòn tới Vũng Tà u chỉ khoảng 2 tiếng, khá nhanh cho những bạn đi gọn nhẹ (Ảnh – agustin4366)

Từ Sài Gòn, nếu tới thẳng Vũng Tàu các bạn có thể sử dụng tàu cánh ngầm xuất phát từ cảng Bạch Đằng, thời gian di chuyển khoảng 120 phút. Tàu chạy hầu hết trên sông Sài Gòn và một đoạn ngoài biển nên cũng không quá lo ngại về vấn đề say sóng.

Phà

Người dân từ Cần Giờ và một số tỉnh miền Tây có thể di chuyển nhanh tới Vũng Tàu từ bến đò Tắc Suất (Ảnh – Thinh Vo)

Nếu xuất phát từ phía Cần Giờ, có thể lựa chọn tuyến phà Cần Giờ – Vũng Tàu với cự ly hành trình trên biển chỉ 15km, thời gian hành trình khoảng 30 phút. Phà có sức chở hơn 250 hành khách, 100 xe máy và 15 ôtô. Phương án này cũng phù hợp cho những ai đi từ phía Long An, Tiền Giang có thể rút ngắn thời gian đến Vũng Tàu. Thay vì sử dụng đường bộ, có thể sử dụng tuyến phà Cần Giuộc – Cần Giờ, di chuyển tiếp tới bến phà Tắc Suất rồi sử dụng tiếp tuyến phà Cần Giờ – Vũng Tàu.

Đi lại ở Vũng Tàu

Xe máy

Nếu có thể, kiếm 1 chiếc xe máy trong những ngày ở Vũng Tàu sẽ khá chủ động khi di chuyển (Ảnh – unopomo123)

Nếu đến Vũng Tàu bằng phương tiện công cộng, để có phương tiện di chuyển thoải mái các bạn có thể kiếm một chiếc xe máy để đi lại, có thể mượn bạn bè nếu có hoặc tìm các cửa hàng cho thuê xe máy ở Vũng Tàu để thuê.

Xe đạp đôi

Xe đạp đôi dễ sử dụng, cùng lúc chở được 2-3 người, tốc độ di chuyển vừa đủ để vận động cơ bắp nhưng vẫn thong dong ngắm cảnh. Vì thế, những du khách trẻ thường thuê xe đạp đôi để dạo biển khi đến Vũng Tàu. Đa số các khách sạn dọc Bãi Sau, Bãi Trước đều có xe đạp đôi cho du khách thuê. Tại những khu vực tập trung nhiều khách sạn, lượng du khách đông thì số cơ sở cho thuê xe cũng nhiều hơn.

Xe buýt

Nếu không muốn tự chạy xe (nhất là mấy bạn du lịch một mình) các bạn có thể lựa chọn phương tiện xe buýt dể di chuyển quanh tỉnh, tuy không có quá nhiều tuyến xe buýt nhưng loại phương tiện này cũng đủ để các bạn đi tạm đến một vài địa điểm chính.

Taxi

Taxi là hình thức đi lại phổ biến, dễ gọi, nhưng giá cao nếu đi ít người. Nếu các bạn đi theo nhóm 4-5 người hoặc đi cùng gia đình thì taxi lại tương đối phù hợp. Khi đặt xe, vì là khách du lịch nên các bạn lưu ý chọn những hãng taxi to, nổi tiếng, tránh bắt những taxi dù không mào hay có tên nghe lạ lạ để tránh gặp phải các tình trạng chặt chém, gây mất vui ảnh hưởng tới chuyến đi.

Một số hãng taxi nổi tiếng đang hoạt động ở Vũng Tàu

  • Vinasun 0254 3727272
  • Mai Linh 0254 3565656

Lưu trú ở Vũng Tàu

Villa

Vũng Tàu khá phổ biến kiểu lưu trú villa, phù hợp cho các nhóm đi với nhau (Ảnh – louisruan_)

Hình thức cho thuê biệt thự nguyên căn này tương đối phổ biến ở Vũng Tàu, những biệt thự này thường có thể đáp ứng được số lượng khách lớn từ 15-20 người, bao gồm 3-5 phòng ngủ cùng không gian sân vườn, hồ bơi xung quanh rất rộng rãi. Tất nhiên, chi phí thường cũng sẽ cao hơn so với loại hình lưu trú bình thường.

Khách sạn/Nhà nghỉ

Loại hình lưu trú phổ biến nhất có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, trên khắp các vùng của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu các bạn đều có thể tìm thấy một nơi để nghỉ qua đêm. Số lượng khách sạn nhà nghỉ tương đối nhiều nhưng nếu đến Bà Rịa Vũng Tàu vào các thời gian cao điểm và nhất là tại những điểm du lịch nổi tiếng các bạn nhớ đặt phòng khách sạn sớm nếu không sẽ rất khó khăn khi đến rồi mới tìm đấy.

Một số khách sạn tốt ở Thành phố Vũng Tàu

KHÁCH SẠN Sun Beach Hotel
Địa chỉ: i1 Thái Văn Lung, Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0908380993
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Hoài Anh Hotel
Địa chỉ: 81/26f Thùy Vân, Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0902749898
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Cen Hotel
Địa chỉ: 74A Võ Thị Sáu, Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0798850000
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

CĂN HỘ RIÊNG Sao Mai Hotel & Apartment
Địa chỉ: Địa chỉ khách sạn của bạn
Điện thoại: 0902451405
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Sea Memory Hotel
Địa chỉ: 26 Đ. Phan Huy Ích, Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0789892889
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Vũng Tàu (Cập nhật 8/2024)

Homestay

Vũng Tàu cũng có khá nhiều homestay được thiết kế đẹp (Ảnh – viettran.dec)

Thực chất, những homestay này không khác biệt nhiều so với hình thức khách sạn truyền thống, có điều thường được thiết kế đẹp mắt cùng không gian sinh hoạt động đồng rộng rãi cùng giá phòng hợp lý, khá phù hợp với nhóm bạn trẻ.

Một số homestay tốt ở Vũng Tàu

HOMESTAY Hai Phuong Homestay
Địa chỉ: 110 Võ Thị Sáu, Phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Mochi's Home
Địa chỉ: 128c Mạc Đĩnh Chi, Phường 4, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0908491395
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY 91 Homestay
Địa chỉ: 91 Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Lami House
Địa chỉ: 149 Võ Thị Sáu, Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0903201085
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Nhím homestay
Địa chỉ: 19 Phan Bội Châu, Phường 2, Thành phố Vũng Tầu, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0961101398
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Homestay ở  Vũng Tàu (Cập nhật 8/2024)

Ngủ lều

Nếu thích gần gũi với thiên nhiên, các bạn có thể trải nghiệm việc ngủ lều (Ảnh – 7nomad4)

Khu vực Đồi Con Heo và Một số bãi biển ở Vũng Tàu khá vắng, các bạn có thể lựa chọn những vị trí kín gió để dựng lều ngủ nghỉ qua đêm. Hoạt động này phù hợp với các nhóm bạn thích hòa mình vào thiên nhiên và có đầy đủ các loại dụng cụ cắm trại. Lưu ý đừng để ảnh hưởng đến người dân địa phương cũng như dọn dẹp sạch sẽ tất cả những thứ các bạn mang đến sau khi rời đi.

Địa điểm du lịch Vũng Tàu

Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu

Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu (Ảnh – Quỳnh Lâm)

Bảo tàng nằm sát chân Núi Lớn, xung quanh bao bọc bởi nhiều cây xanh, mặt hướng ra Bãi Trước thoáng đãng, thơ mộng. Từng khu trưng bày là những câu chuyện sinh động về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu từ khi những cư dân đầu tiên đến khai hoang lập ấp đến nay.

Núi Nhỏ

Núi Nhỏ hay còn gọi là núi Tao Phùng (Ảnh – nguyencuong)

Núi Nhỏ hay còn gọi là núi Tao Phùng, có độ cao 170m, là một trong hai ngọn núi tại thành phố Vũng Tàu. Núi nằm sát biển, dưới chân núi là con đường ven biển với nhiều khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Núi Nhỏ có hai đỉnh, trên đỉnh cao hơn có ngọn Hải đăng Vũng Tàu được xây từ thời Pháp thuộc, đỉnh thấp hơn có bức Tượng Đức Chúa giang tay nổi tiếng, được xây năm 1974. Đường lên ngọn hải đăng được rải nhựa và ô tô có thể lên được còn lối lên tượng Đức Chúa thì chỉ leo bộ qua các bậc tam cấp.

Tượng chúa Kitô

Tượng chúa Kito trên núi Nhỏ (Ảnh – pznone)

Tượng Chúa Kitô Vua (hoặc Tượng Đức Chúa dang tay, Tượng Chúa Kitô trên đỉnh Núi Tao Phùng) là một bức tượng Chúa Giêsu được đặt trên đỉnh Núi Nhỏ của thành phố Vũng Tàu được xây dựng từ năm 1974 nhưng do chiến tranh nên bị gián đoạn sau đó, mãi tới năm 1994 công trình mới được hoàn thành.

Hải đăng Vũng Tàu

Ngọn hải đăng Vũng Tàu (Ảnh – ngoctu.u.u.u)

Hải đăng Vũng Tàu được người Pháp xây dựng vào năm 1862 nhằm mục đích chỉ đường, báo hiệu cho các tàu thuyền qua lại, nằm ở độ cao là 149m so với mực nước biển. Đến năm 1913, người Pháp xây lại ngọn hải đăng này, dời độ cao ngọn hải đăng từ độ cao 149m lên đến độ cao 170m. Hải đăng Vũng Tàu là một trong những hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Hải đăng Vũng Tàu được xem như là biểu tượng của thành phố biển Vũng Tàu. Kiến trúc ngọn hải đăng là một tháp hình trụ cao 18 m, đường kính 3 m và được sơn màu trắng. Bên trong ngọn hải đăng có cầu thang dẫn đến gần đỉnh hải đăng và có ban công để ngắm cảnh.

Núi Lớn

Vũng Tàu nhìn từ núi Lớn (Ảnh – Hai Anh Dao)

Núi Lớn hay còn gọi là núi Tương Kỳ, cao 245m nằm, đây là một trong hai ngọn núi đẹp của thành phố biển (ngọn kia là Núi Nhỏ). Trên núi này có Bạch Dinh được xây thời Pháp thuộc nhìn ra biển, nơi có đặt các khẩu súng thần công. Ngọn núi này cũng nổi tiếng với chùa có Thích Ca Phật Đài – một bức tượng Phật ngọa thiền bằng thạch cao lớn. Núi lớn cũng có bức tượng Đức Mẹ lớn đứng nhìn ra biển.

Bạch Dinh

Bạch Dinh có kiến trúc tương đối đẹp (Ảnh – sanra.san)

Bạch Dinh (tiếng Pháp: Villa Blanche) là một dinh thự có kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, nằm bên sườn núi Lớn của thành phố Vũng Tàu. Nơi đây từng được dùng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương, Hoàng đế Bảo Đại và các đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp làm nơi giam lỏng vua Thành Thái từ ngày 12 tháng 9 năm 1907 đến năm 1916. Hiện nay, Bạch Dinh là một địa điểm tham quan của du khách khi đến Vũng Tàu.

Bạch Dinh được dùng làm nhà bảo tàng, trưng bày các chuyên đề như: đồ gốm thời Khang Hy vớt được từ xác tàu cổ đắm tại khu vực Hòn Cau – Côn Đảo, súng thần công cùng nhiều hiện vật có giá trị khác được tìm thấy qua các đợt khai quật khảo cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu… đến Bạch Dinh, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành của biển, vẻ đẹp kiều diễm của Bạch Dinh hòa lẫn trong thiên nhiên cây cỏ, và được tận mắt thưởng ngoạn những cổ vật tiêu biểu, quý hiếm.

Thích Ca Phật Đài

Bức tượng Thích Ca Phật Đài (Ảnh – Binh Huynh)

Cụm kiến trúc Thích Ca Phật Đài nằm trên mạn sườn phía Bắc của Núi Lớn, nổi bật với bức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền. Cổng lớn quay về hướng đường Trần Phú. Toàn thể khuôn viên cụm kiến trúc rộng 28 hecta, bao gồm một quần thể các chùa (Hộ pháp, Thiền Lâm, Di Lặc và Viên Thông) và các cụm vườn tượng diễn tả cuộc đời Đức Phật.

Thiền viện Chơn Không

Thiền viện Chơn Không (Ảnh – trxng11_)

Nằm ở độ cao 80m trên triền Núi Lớn, ẩn mình giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Thiền viện Chơn Không là ngôi chùa tu thiền độc đáo thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và là Thiền viện đầu tiên được xây dựng ở phía Nam.

Bãi Trước

Bãi Trước (Ảnh – shawolmeu)

Bãi biển này nằm giữa Núi Lớn và Núi Nhỏ, là một vịnh nhỏ lặng sóng. Về không gian, có thể xác định Bãi Trước nằm trong khoảng từ đèn Xanh (đèn hàng hải) tới cầu Đá, bắt đầu từ số 01 Trần Phú, qua hết đường Quang Trung tới một phần đường Hạ Long; về cảnh quan thiên nhiên ngoài núi Lớn, núi Nhỏ còn có hòn Ngưu nhô hẳn ra ngoài biển có thể coi là một kỳ quan của Bãi Trước.

Bãi biển này ít được mọi người tắm do đây cũng là nơi neo đậu tàu đánh cá nên khá ô nhiễm. Chính quyền thành phố Vũng Tàu đã nỗ lực di dời các ghe tàu ra khỏi khu vực này nhưng chưa có kết quả vì nhiều lý do, trong đó có lý do thuộc về lịch sử và ngành chế truyền thống. Tuy nhiên, khi thuỷ triều lên thì khu vực tiếp giáp công viên Bãi Trước vẫn là bãi tắm khá đẹp. Đặc biệt khi về đêm, Bãi Trước là nơi tập trung các hoạt động vui chơi giải trí của du khách. Hầu như các con đường chính của Vũng Tàu đều đổ ra đây.

Bãi Sau

Bãi Sau nằm trên mặt đường Thùy Vân (Ảnh – jamescao91)

Bãi Sau tọa lạc tại bờ biển phía đông của Vũng Tàu, kéo dài từ chân Núi Nhỏ đầu ngã 3 đường Thùy Vân và Phan Chu Trinh đến khu vực Chí Linh và là bãi tắm chính của Vũng Tàu do Bãi Trước bị ô nhiễm, bờ biển ngắn. Bãi Sau có nhiều ưu điểm so với nhiều bãi biển khác ở Việt Nam: quanh năm nhiệt độ ổn định, ít chênh lệch; sóng vừa phải; nước biển trong.

Bãi Dứa

Hoàng hôn Bãi Dứa (Ảnh – viet_nam_oi)

Đây là một bãi biển đẹp và hoang sơ, nước biển và bãi cát sạch và ít có sóng to, có nhiều bãi đá đẹp. Bãi Dứa nằm bên cạnh con đường ven biển Vũng Tàu (có 3 tên gọi tùy theo từng đoạn: Trần Phú, Quang Trung và Thùy Vân).

Bãi Vọng Nguyệt

Bãi Vọng Nguyệt (Ảnh – ranno_ranno)

Bãi biển nằm dưới chân Núi Nhỏ, có thể nhìn thấy toàn cảnh từ vị trí của Tượng Đức Chúa giang tay trên đỉnh Núi Nhỏ. Đây là bãi biển hoang sơ, cát trắng, nước trong xanh có cảnh mũi đá Nghinh Phong nhô ra biển ngoạn mục. Bãi biển này nằm cô lập về đường bộ, chỉ dành cho những người thích khám phá, không phải bãi tắm phổ biến do hạn chế con đường đi vào bãi phải qua dốc núi. Đây là nơi lý tưởng để ngắm trăng nên có tên gọi là Vọng Nguyệt (ngắm trăng).

Mũi Nghinh Phong

Mũi Nghinh Phong (Ảnh – 21_vip_21)

Nghinh Phong là mũi đất vươn ra vùng biển cực nam của bán đảo Vũng Tàu. Nhìn từ xa mũi Nghinh Phong giống như một con rùa biển khổng lồ đang bơi về phía đại dương. Từ địa chỉ 01 Hạ Long dưới chân núi Tao Phùng, nếu rẽ về phía núi là lên tượng chúa Kitô, rẽ về phía biển là con đường dốc thoai thoải có vẻ hoang sơ đi ra mũi Nghinh Phong.

Tọa lạc ngay Mũi Nghinh Phong, thời gian gần đây, “cổng trời” trở thành địa điểm check-in của nhiều bạn trẻ khi đến Vũng Tàu. “Cổng trời” được xây trên mũi đất bằng tường gạch sơn màu vàng nổi bật giữa mây trời, biển xanh, tạo nên khung cảnh đẹp và lạ. Không chỉ mang nét đẹp thanh bình, “cổng trời” còn khiến du khách thích thú bởi đây cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm bình minh. Du khách có thể chứng kiến sự thay đổi màu sắc độc đáo của mặt nước biển trong thời khắc mặt trời mọc.

Hòn Bà

Hòn Bà vào thời điểm thủy triều rút hoàn toàn có thể đi bộ ra (Ảnh – christopherwong8281)

Hòn Bà là một hòn đảo đá duy nhất, quanh năm rì rầm sóng vỗ nằm ở gần mũi Nghinh Phong, Bãi Sau của Tp Vũng Tàu. Xung quanh đảo là bãi đá ngầm lởm chởm, hình thù kỳ quái. Bởi vậy, khi thủy triều lên, ai muốn ra đảo bằng thuyền hoặc xuồng máy sẽ không thể chạy thẳng từ đất liền mà phải lượn vòng ra phía biển rồi cập bến phía Đông của đảo. Khi thủy triều xuống, một con đường đá lởm chởm dưới đáy biển phát lộ, chạy thẳng từ bờ biển ra đảo. Trên đảo có ngôi Miếu Bà cổ kính, xây dựng từ thế kỷ 19, thờ Thủy Long Thần Nữ. Vào những ngày lễ hội Miếu Bà, du khách cùng người dân Vũng Tàu thường ra đảo theo con đường đá độc đáo này.

Nhà úp ngược

Nhà úp ngược là mô hình giải trí xuất hiện ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, trong đó có Vũng Tàu (Ảnh – trang.88)

Mô hình Nhà Úp Ngược Vũng Tàu là một tòa nhà cao 3 tầng, gồm 2 khu vực tham quan và quán cà phê. Khu vực tham quan có 7 phòng chụp, mỗi phòng có khoảng 4 góc chụp ảnh khác nhau, các căn phòng đều được trang trí với màu sắc và nội thất phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế.

Đồi Con Heo

Đồi Con Heo giờ là điểm đến ưa thích của nhiều bạn trẻ (Ảnh – 252.phucnguyen)

Trước kia vùng này được biết đến là nơi khai thác đá nhưng nơi đây ngày càng thu hút du khách bởi khung cảnh hoang sơ, hữu tình. Con Con đường đi lên Đồi Con Heo hơi khó khăn vì sỏi đá nhưng khi đến được nơi bạn sẽ cảm thấy công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng khi mà trước mắt là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài ra, khu vực đất trống trên đồi cũng rất thích hợp để tổ chức cắm trại cùng bạn bè và gia đình.

Nhà Lớn Long Sơn

Nhà lớn Long Sơn (Ảnh – Quân Phan Lê Minh)

Nhà Lớn Long Sơn là tên thường gọi của khu đền thờ đạo Ông Trần ở xã đảo Long Sơn. Công trình này do ông Trần, tên thật là Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (vốn phát xuất từ vùng Bảy Núi, An Giang khai sáng bởi Đức Bổn Sư Ngô Lợi) đến lập nghiệp và xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn là biểu hiện sinh động và rất ấn tượng đối với du khách về sự pha trộn tín ngưỡng dân gian địa phương với Nho giáo và Lão giáo.

Nhà thờ Vũng Tàu

Nhà thờ Vũng Tàu (Ảnh – edys_kimura)

Nhà thờ Vũng Tàu còn gọi là Nhà thờ lớn Vũng Tàu, tọa lạc tại 06 Thống Nhất, phường 1. Đây là ngôi thánh đường kiên cố đầu tiên do người Pháp xây dựng tại Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) từ cuối thế kỷ XIX để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của giáo dân người Pháp cũng như giáo dân người Việt đang sinh sống và làm việc nơi đây. Nhà thờ Vũng Tàu được xây dựng năm 1889, trước khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định thành lập thành phố Cap Saint Jacques (1895), trước cả Bạch Dinh (1898) và những dãy biệt thự phục vụ cho việc nghỉ dưỡng của sĩ quan Pháp.

Ăn gì ở Vũng Tàu

Hải sản

Các bạn có thể đến chợ Xóm Lưới, ở góc đường Phan Bội Châu – Nguyễn Công Trứ. Hải sản ở chợ Xóm Lưới được đưa trực tiếp từ các tàu thuyền đánh bắt vừa cập bến nên đảm bảo tươi ngon. Có thể lựa chọn hải sản và nhờ các chủ vựa chế biến luôn cho (nhất là mấy món chế biến nhanh như luộc).

Tôm hùm đỏ

Tôm hùm đỏ (Ảnh – tuanluxu)

Tôm hùm đỏ, còn gọi là tôm hùm lửa, tên khoa học là Panulirus longipes, là loài hải sản quý hiếm, hàm lượng dinh dưỡng cao, được mệnh danh là “vua” hải sản ở Côn Đảo. Tôm hùm đỏ Côn Đảo sinh trưởng chậm, không to bằng các loài tôm hùm khác. Đặc biệt, tôm hùm đỏ không nuôi được tại các lồng bè mà chỉ có thể đánh bắt trong môi trường tự nhiên. Do vậy, thịt tôm rất dai và săn chắc, có vị ngọt tự nhiên pha chút mặn mòi của biển.

Cua mặt trăng Côn Đảo

Cua mặt trăng (Ảnh – hanatran2014)

Thịt cua mặt trăng thơm, ngọt, săn chắc, giàu chất khoáng, chứa lượng lớn khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, kali, sắt. Ngoài ra, thịt cua mặt trăng còn chứa chất béo, omega 3, canxi, là những dưỡng chất rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, lượng đạm trong thịt cua mặt trăng ở Côn Đảo vô cùng lớn, cao hơn hẳn các loại cua thông thường, có thể sánh ngang với cua huỳnh đế.

Cua mặt trăng thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, hấp, nướng, xào me, xào chua ngọt… Nhưng cách chế biến truyền thống mà ngư dân vùng biển Côn Đảo thường làm là hấp hoặc nướng với gia vị chấm là muối tiêu, chanh, ớt. Cách chế biến này đơn giản và dân dã, nhưng ai đã thưởng thức món ăn này một lần thì nhớ mãi không quên.

Hàu Long Sơn

Hàu nướng phô mai (Ảnh – vimoc610)

Nhờ vị trí gần biển, nhiệt độ ấm quanh năm và nồng độ muối phù hợp nên Long Sơn có điều kiện tự nhiên thuận lợi để nuôi hàu. Ngoài ra, xã Long Sơn còn có diện tích rừng ngập mặn lớn, nơi đây có nhiều sinh vật phù du là thức ăn tự nhiên cho hàu. Chính bởi các điều kiện này, Long Sơn trở thành vựa hàu cung cấp cho Vũng Tàu và các địa bàn lân cận. Hàu được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nướng, hấp sả, xào bông thiên lý, tái chanh, tái mù tạt, sốt me, chiên bột, nấu cháo… Nhưng du khách thích nhất vẫn là món hàu nướng mọi (không gia vị), nướng mỡ hành để cảm nhận hương vị tươi ngon của loài hải sản này.

Gỏi cá mai

Gỏi cá mai ở Vũng Tàu (Ảnh – vy_ame)

Cá mai giống như cá cơm, dài khoảng 6cm, có thân màu trắng trong, không tanh. Loài cá này hầu như có quanh năm tại các vùng biển của Bà Rịa Vũng Tàu, nhưng nhiều nhất là vào những tháng cuối năm. Gỏi cá mai là món ăn dân dã của người dân vùng biển nơi đây. Gỏi cá mai Vũng Tàu lạ miệng, có vị ngọt của cá tươi, vị bùi của đậu phộng, mè và thính, vị chát của chuối xanh, vị chua của khế, mùi hương của rau thơm.

Ghẹ

Ghẹ là loại hải sản ngon, phổ biến ở nhiều thành phố biển, trong đó có Vũng Tàu (Ảnh – vietlifetj)

Ghẹ có vóc dáng khá giống cua biển. Vũng Tàu có hai loại ghẹ chính là ghẹ hoa và ghẹ xanh. Ghẹ hoa, mai màu nâu tươi, có hoa văn nhiều màu sặc sỡ rất đẹp mắt, càng màu trắng hồng. Ghẹ xanh, mai và càng đều có màu xanh lơ lốm đốm trắng. Cả hai loại đều có phần bụng trắng tinh, càng thon và đều ngon.

Lẩu cá đuối

Lẩu cá đuối (Ảnh – pozdi_tran)

Cá đuối có quanh năm nhưng vào mùa là từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, do đó món lẩu cá đuối vào thời điểm này cũng ngon, rẻ hơn. Cá đuối hầu như không có xương hoặc nếu có thì xương sẽ chỉ ở phần đầu và sống lưng. Gần như toàn bộ phần gọi là xương cá đều như sụn non, ăn giòn sần sật. Thịt cá đuối dai và ngọt nước, nhờ đó mà vị của cá đuối không giống những loài cá biển khác. Chế biến lẩu cá đuối cũng không quá cầu kỳ. Cá đuối tươi sau khi làm sạch được tẩm ướp gia vị, nghệ, ớt, hành. Sau đó, xào săn cá rồi xếp ra dĩa. Tiếp đến là nấu nước dùng cùng với sả, măng chua và mẻ… Lẩu cá đuối thường được ăn cùng mì hoặc bún kèm theo rau muống cùng nhiều loại rau khác.

Cá mao ếch

Cá mao ếch ở Vũng Tàu (Ảnh – ntvvirus)

Cá mao ếch hay cá mang ếch là loại cá nước mặn sống ở các vùng biển Vũng Tàu, Cần Giờ. Mỗi cá mao ếch có trọng lượng trung bình từ 200 gam đến 500 gam, tuy bề ngoài xấu xí nhưng theo các ngư dân đánh giá thịt cá mao ếch trắng như tuyết, dai và ngọt.

Tôm tít

Tôm tít ở Vũng Tàu (Ảnh – congbw)

Tôm tít được chế biến thành những món ngon đa dạng khác nhau nhưng dù là chế biến theo cách nào thì hương vị cũng vô cùng thơm ngon và khiến du khách khó lòng bỏ qua.

Bánh khọt

Bánh khọt là món không thể bỏ qua khi tới Vũng Tàu du lịch nhá (Ảnh – im_gabeeee)

Bánh khọt là món ăn quen thuộc ở nhiều địa phương nhưng tại Bà Rịa Vũng Tàu, nó đã là đặc sản, phát triển thành thương hiệu riêng, có chỗ đứng trong lòng người dân và du khách. Với nhiều người, bánh khọt chỉ ăn ở Vũng Tàu mới ngon.

Ẩn chứa trong những chiếc bánh khọt là cách chế biến giản dị và tinh tế. Nó có thể nằm trong cách pha chế bột khéo léo, cũng có thể ở nhân bánh được chế biến từ hải sản tươi ngon rất sẵn của biển Vũng Tàu, cũng có thể hương vị đặc biệt nằm ở món nước chấm đậm đà. Ở Vũng Tàu, nhiều người coi bánh khọt như là một món điểm tâm nhưng cũng có thể làm bữa ăn chính hay món ăn chơi vào buổi tối.

Các loại bánh

Bông lan trứng muối

Bánh bông lan trứng muối Gốc Cột Điện rất nổi tiếng ở Thành phố biển Vũng Tàu (Ảnh – vynguyen_lovefood)

Ở Vũng Tàu, tiệm bánh bông lan trứng muối lâu đời nhất phải kể đến tiệm bánh “Gốc cột điện”. Bánh bông lan của tiệm được nướng bằng củi gáo dừa (vỏ dừa khô), có độ nóng cao, không độc hại. Khi nướng, nhiệt độ cao làm tan chảy lòng đỏ trứng muối, như dòng nham thạch ngấm vào bột bánh. Vì vậy, khi thưởng thức, mọi người sẽ cảm nhận được một thứ hương vị ngọt ngào, béo ngậy quyện lẫn và tan chảy. Ngoài ra khi đến với tiệm bánh bông lan Gốc cột điện các bạn có thể tham quan, trải nghiệm khu vực nướng bánh.

Bánh tiêu Đồ Chiểu

Các bạn muốn thưởng thức món bánh tiêu này nhớ gọi điện đặt trước, không thì đến kiểu gì cũng hết (Ảnh – candykun107)

Bánh tiêu là món ăn chơi bình dân và vô cùng quen thuộc của người miền Nam. Không chỉ đơn điệu với lớp vỏ bột chiên thường thấy, ngày nay nhiều nơi đã biến tấu thêm nhân để món ăn đa dạng hương vị hơn. Hàng bánh tiêu bình dân ở Vũng Tàu này có tuổi đời đã được 30 năm do cô chủ là người gốc Hoa đứng bán. Tiệm chỉ bán hai loại là bánh nhân đậu xanh và nhân trứng.

Không làm bánh sẵn như nhiều nơi khác, đến đây thực khách sẽ chứng kiến từng thao tác nhào bột, gói nhân và chiên bánh. Nguyên liệu cơ bản cũng gồm bột mì, đường, mè… nhưng điểm nhấn chính là nhân bánh. Phần đậu xanh hấp giã nhuyễn được gói ghém đầy đặn vào trong lớp vỏ bột. Từng mẻ bánh chiên ngập trong dầu nóng cho đến khi vàng đều thì vớt ra.

Gà nướng lu Long Sơn

Món gà nướng lu ở Long Sơn (Ảnh – Quang Vũ)

Không chỉ có hải sản, xã đảo Long Sơn của Vũng Tàu còn nức tiếng với món gà nướng lu. Từng miếng thịt gà vàng ươm, da giòn, vị ngọt vẫn được giữ nguyên vẹn đã làm cho món ăn trở nên hấp dẫn vô cùng.Gà được chọn để nướng phải là gà tơ, được để nguyên cả con, làm sạch rồi tẩm ướp đầy đủ các loại gia vị. Bí quyết làm nên món ngon của gà là nhờ kỹ thuật ướp, phương pháp chế biến nước sốt, sự tỉ mỉ trong kỹ thuật lựa chọn thịt gà tươi, dai để bảo đảm khi nướng xong miếng thịt gà vừa chín tới, ngọt, mềm, da giòn, thơm và không bị khô.

Lịch trình khám phá Vũng Tàu

Sài Gòn – Vũng Tàu 2 ngày

Với khoảng cách tương đối gần, từ Sài Gòn đi Vũng Tàu cũng kiểu như ở ngoài Bắc các bạn đi từ Hà Nội về Hạ Long du lịch 2 ngày cuối tuần. Lịch trình này phù hợp cho các bạn sử dụng phương tiện cá nhân, di chuyển cho thuận tiện.

Ngày 1: Sài Gòn – Vũng Tàu

Từ Sài Gòn các bạn di chuyển đi Vũng Tàu, ô tô thì lên cao tốc chạy, xe máy thì tùy vị trí mà các bạn chọn các cung đường sao cho dễ đi nhất với bản thân mình.

Trên đường đi có thể dừng ở đồng cừu Suối Nghệ ở Châu Đức chụp ảnh, check-in với mấy chú cừu béo xinh xắn.

Khoảng trưa đến Tp Vũng Tàu, tùy vào hành trình mà các bạn có thể chủ động ăn uống ở đâu đó hoặc về trung tâm thành phố ăn cho nhiều lựa chọn.

Chiều tham quan các điểm nổi tiếng trên Núi Lớn, Núi Nhỏ… chiều muộn ghé mấy bãi biển vui chơi.

Tối không thể bỏ qua việc thưởng thức hải sản ở Vũng Tàu rồi.

Ngày 2: Vũng Tàu – Sài Gòn

Sáng dậy loanh quanh ăn sáng, uống cafe. Nếu thích các bạn có thể ghé một vài điểm như Mũi Nghinh Phong, Nhà Úp Ngược.

Trên hành trình về lại Sài Gòn ghé đảo Long Sơn thưởng thức đặc sản hàu, thăm di tích Nhà Lớn.

Lái xe quay lại Sài Gòn kết thúc hành trình. Chiều cuối tuần các ngả đường về Sài Gòn thường rất đông, dễ kẹt xe nên các bạn chủ động về sớm chút sẽ tránh được tình trạng này.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Vũng Tàu 2024
  • du lịch Vũng Tàu tháng 8
  • tháng 8 Vũng Tàu có gì đẹp
  • review Vũng Tàu
  • hướng dẫn đi Vũng Tàu tự túc
  • ăn gì ở Vũng Tàu
  • phượt Vũng Tàu bằng xe máy
  • Vũng Tàu ở đâu
  • đường đi tới Vũng Tàu
  • chơi gì ở Vũng Tàu
  • đi Vũng Tàu mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Vũng Tàu
  • homestay giá rẻ Vũng Tàu

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 15 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Bà Rịa Vũng Tàu

BÀ RỊA VŨNG TÀU

Vị trí Bà Rịa – Vũng Tàu trên bản đồ Việt Nam

Bà Rịa – Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ. Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của miền Nam với lợi thế đường bờ biển dài 305,4 km với khoảng 156 km có bãi cát thoai thoải, nước xanh, có thể sử dụng làm bãi tắm và hình thành các resort cao cấp kết hợp các loại hình du lịch thể thao biển.

Ngoài ra, các lễ hội dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người dân vùng biển cũng đã và đang được duy trì, phát triển thành các lễ hội văn hóa, du lịch, hàng năm thu hút rất đông du khách về hành hương, tế lễ như: Lễ hội Nghinh rước Cá ông (đình thần Thắng Tam), Lệ Cô (Dinh Cô Long Hải), Vía ông, Trùng Cửu (Đạo ông Trần).

Bạn có biết: Đây là tỉnh duy nhất có tên tỉnh được ghép từ tên 2 thành phố trực thuộc.

  • Diện tích: 1.980,8 km²
  • Dân số: 1.148.313 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 5 huyện
  • Vùng: Đông Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 254
  • Biển số xe: 72