Kinh nghiệm du lịch Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Kinh nghiệm du lịch Mẫu Sơn, Lạng Sơn tự túc từ A-Z (Cập nhật 11/2024)

Cùng Phượt – Mẫu Sơn được biết đến là khu nghỉ dưỡng từ thời Pháp thuộc với hàng chục ngôi nhà cổ được xây dựng, bây giờ bị bỏ hoang. Người Pháp khá tinh tường trong việc chọn các điểm du lịch nghỉ dưỡng trên núi như Tam Đảo, Sa Pa, Mẫu Sơn…Trong khi các điểm du lịch khác được đầu tư và thu hút đông du khách thì Mẫu Sơn lại “buồn tẻ”, vì thế mà nhiều người làm du lịch ví Mẫu Sơn như “nàng công chúa” ngủ trong rừng. Một vài năm gần đây, do Mẫu Sơn thường xuyên xuất hiện tuyết và băng giá mỗi khi không khí lạnh về nên nơi đây cũng thu hút thêm được khá nhiều khách du lịch vào… giữa mùa đông, trong đó phần lớn là các bạn trẻ tìm đến phượt Mẫu Sơn như một địa điểm mới đầy thú vị.

Thành phố trên mây (Ảnh – tranh_62)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả tranh_62, Leo Messi LS, Hữu Thắng, Trang Vuong, dohuythiep, lymy, Nhà nghỉ Chân Mây, Phong Bui, Tocolimex, Lê Thị Tân, Giangzie, Chinh Hoang, Trần Giáp, langson.gov.vn, Du lịch Lạng Sơn, Kevin Tung, vuquyhai, Thu T. Tran và một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Mẫu Sơn

Mẫu Sơn có khí hậu quanh năm đều mát mẻ (Ảnh –  Leo Messi LS)

Mẫu Sơn nằm trên địa bàn 3 xã: Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, với tổng diện tích 10.470 ha. Khu vực cao nhất của dãy núi Mẫu Sơn cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km về phía Đông, cách thủ đô Hà Nội chưa đầy 180 km, nằm sát với đường với biên giới Việt – Trung. Đây là vùng núi cao nhất của tỉnh Lạng Sơn và ở khu vực Đông Bắc nước ta, độ cao trung bình từ 800 – 1.000m so với với mặt nước biển, bao gồm một quần thể khoảng 80 ngọn núi lớn, nhỏ. Các đỉnh núi cao nhất là Phia Pò (Núi Cha) cao 1.541m, đỉnh Phia Mè (Núi Mẹ) cao 1.520m.

Thảm thực vật ở Mẫu Sơn khá phong phú trên diện tích gần 5.000 ha rừng. Rừng tự nhiên ở đây có nhiều sinh vật quý, hiếm như sồi, dẻ, trầm hương, tùng la hán, vối thuốc. Một số loài hoa như đỗ quyên và các loài phong lan đẹp chỉ vùng núi này mới có. Mẫu Sơn còn có rất nhiều loại cây, con quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như chè san tuyết cổ thụ, đào, chanh rừng, ếch hương… Do hội tụ nhiều yếu tố độc đáo về cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học làm cho Mẫu Sơn trở thành danh thắng nổi tiếng của Lạng Sơn, được ví như “cảnh tiên giữa trần”, như Sa Pa thứ hai của miền Bắc Việt Nam.

Bên cạnh những giá trị về tự nhiên, Mẫu Sơn còn đặc biệt hấp dẫn bởi những giá trị về văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa dân tộc thuần khiết của cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây. Trong văn hóa tâm linh, khu Linh địa – Đền cổ Mẫu Sơn nằm ở nơi “đắc địa” giữa Núi Cha và Núi Mẹ tại thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đã trở thành huyền tích bí ẩn. Nhân dân quanh vùng Mẫu Sơn vẫn truyền tụng nhiều chuyện kể, huyền tích, huyền thoại về khu Linh địa – Đền cổ này, trong đó có câu chuyện khá ấn tượng là huyền tích về “những phiến đá thiêng rỉ máu”.

Mẫu Sơn còn là vùng đất có nhiều giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Dao sinh sống xung quanh khu vực được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong đó phải kể đến lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, tục thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công thần núi, thờ cúng núi Phặt Chỉ; trang phục, kiến trúc nhà trình tường và các làn điệu dân ca như Pảo Dung, thổi khèn Pí Lè của người Dao Lù gang; lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) và những làn điệu then đàn tính tẩu, hát sli, lượn của người Tày, Nùng. Mẫu Sơn còn nổi tiếng với nét văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc có tính chất, đặc trưng rất riêng như rượu được chưng cất từ men lá, mật ong, chanh rừng, đào và chè tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên các đỉnh núi cao.

Nên đi du lịch Mẫu Sơn vào thời điểm nào ? 

Vùng núi Mẫu Sơn có khí hậu hai mùa rõ rệt. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình 7-13 độ. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, thường có mưa nhiều, nhiệt độ trung bình khoảng 16-17 độ. Vào mùa đông có những năm nhiệt độ Mẫu Sơn xuống dưới 0 độ và thường xuất hiện băng tuyết, đây cũng chính là một đặc điểm thu hút khách du lịch tới Mẫu Sơn vào mùa đông trong những năm gần đây.

  • Nên đến Mẫu Sơn vào mùa hè, khoảng tháng 9. Thời tiết trên Mẫu Sơn lúc nào cũng mát lạnh, phù hợp cho một chuyến nghỉ ngơi an dưỡng với bạn bè hoặc gia đình.
  • Đối với những bạn thích cái rét của mùa đông hay đơn giản chỉ là tò mò về hiện tượng băng tuyết thì hãy cứ chọn thời điểm khoảng tháng 1 hàng năm, chú ý kết hợp xem dự báo thời tiết xem lúc nào không khí lạnh tràn về nhé

Hướng dẫn đi tới Mẫu Sơn

Đường lên Mẫu Sơn khá nhỏ và quanh co (Ảnh – Hữu Thắng)

Phương tiện công cộng

Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn 30km về phía Đông Bắc, các bạn có thể di chuyển bằng xe khách từ Hà Nội lên Lạng Sơn, thuê xe máy từ Thành phố Lạng Sơn để di chuyển tới Mẫu Sơn hoặc di chuyển bằng taxi, giá cả taxi bạn tự thỏa thuận với tài xế (với quãng đường 30km thì nếu nhóm bạn đi từ 4-5 người thì mỗi người sẽ chỉ mất khoảng từ 60-100k là nhiều)

Phương tiện cá nhân

 

Khách sạn nhà nghỉ tại Mẫu Sơn

Nhà nghỉ ở Mẫu Sơn khá nhiều nhưng cũng không đáp ứng được với lượng khách kéo về trong những dịp cao điểm (Ảnh – Trang Vuong)

Là một địa điểm du lịch khá đông khách nên số lượng khách sạn nhà nghỉ ở Mẫu Sơn khá nhiều, có thể đáp ứng được nhu cầu từ các nhóm khách lẻ cho đến các đoàn đông. Do đặc thù khí hậu và thời tiết quanh năm ẩm nên các nhà nghỉ ở Mẫu Sơn cho dù có được xây mới đến đâu cũng chỉ được một khoảng thời gian ngắn là sẽ xuống cấp, chăn chiếu ở đây cũng sẽ luôn có mùi của ẩm mốc, chính vì vậy nếu bạn nào không quen thì nên mang theo túi ngủ cá nhân hoặc gọn hơn là một tấm chăn mỏng để khỏi bỡ ngỡ.

Ăn gì khi đi du lịch Mẫu Sơn

Mẫu Sơn có nhiều món ăn ngon mà các bạn nên thử khi đi du lịch Mẫu Sơn (Ảnh – dohuythiep)

Mẫu Sơn hấp dẫn khách du lịch bằng vẻ ngoài quyến rũ và cái hồn ẩm thực đậm sắc núi, thẫm sắc tình. Nơi đây ngoài khí hậu mát mẻ, cảnh đẹp nên thơ còn có vô số những sản vật từ núi rừng mà dường như đã gắn bó với tên tuổi Mẫu Sơn, từ lợn sữa quay mắc mật, gà sáu cựa đem nướng, ếch hương, đào tiên tiến vua

Do những đặc sản này không phải lúc nào cũng có sẵn nên nếu muốn thưởng thức, các bạn nhớ gọi điện cho chủ nhà nghỉ ở Mẫu Sơn nơi bạn có ý định dừng chân để chuẩn bị trước nhé

Lợn sữa quay

Lợn sữa quay (Ảnh – Internet)

Vào các dịp lễ, Tết, đồng bào các dân tộc thường tổ chức quay lợn làm lễ và liên hoan. Giống lợn quay là lợn do dân bản nuôi thả trong vườn rừng, chất lượng thịt rất cao. Quan trọng nhất là khâu ướp gia vị cho lợn quay, muối tiêu được xát đều trong bụng lợn cho ngấm rồi lấy lá mắc mật rửa sạch cho vào bụng lợn. Lợn quay xong thì để nguội rồi mới chặt để thịt không bị nát, xếp ra đĩa  rồi ăn, thịt ăn chắc, có vị ngọt của thịt chín tới, mùi thơm của lá mắc mật và vị béo ngậy của mật ong rừng.

Gà nướng mật ong

Gà Mẫu Sơn nướng mật ong (Ảnh – lymy)

Đây là một món ăn đặc sản ngon và dân giã của Mẫu Sơn, gà được lựa chọn là giống gà sáu cựa được người dân nuôi bằng cách thả chạy tự do trong bản nên thịt gà chắc và thơm hơn gà dưới xuôi. Rửa sạch rồi tẩm ướp các loại gia vị theo phương pháp truyền thống của riêng mỗi nhà hàng mang đậm hương vị Mẫu Sơn rồi cứ thế để nguyên con nướng trên bếp than hồng, có thể phết thêm mật ong rừng để tạo thêm vị ngậy cũng như để lớp da ngoài của gà đẹp mắt.

Gà nướng được ăn cùng với xôi nếp và nhâm nhi một chút rượu Mẫu Sơn giữa tiết trời se lạnh sẽ là một cái thú mà nhiều người sẽ rất thích.

Ếch hương

Ếch hương Mẫu Sơn (Ảnh – Nhà nghỉ Chân Mây)

Một đặc sản khác ở Mẫu Sơn là ếch hương. Đây là một loài ếch đặc biệt quý hiếm, có giá trị ẩm thực và kinh tế cao. Ếch hương sống trong hang hốc, ven các khe suối của xã Công Sơn, huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Giống ếch này không khác gì các loại ếch thông thường nhưng chúng có cặp đùi béo mập lớn hơn ếch đồng. Với khả năng biến đổi màu sắc để trốn tránh kẻ thù, có những con khi bắt lên có màu xanh như rêu, nên còn có tên là ếch xanh.

Thịt ếch trắng và rất thơm ngon, đặc biệt không hề có mùi tanh, kể cả khi đã nguội. Người ta còn dùng thịt ếch hương để nấu cháo, ngon và thơm không kém gì thịt gà. Nếu muốn, bạn có thể gọi ếch xào với su su, ếch lăn bột, ếch nấu chuối đậu cũng là những cách chế biến đơn giản mà hấp dẫn, được ưa chuộng nhất là món ếch chiên giòn.

Cá Hồi Mẫu Sơn

Do có khí hậu lạnh nên Mẫu Sơn khá phù hợp để nuôi cá hồi (Ảnh – Phong Bui)

Sau khi được nuôi thử nghiệm nhiều lần không thành công do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, Trong những năm gần đây ông Hoàng Văn Tạ chủ nhà nghỉ Xứ Hoa Đào đã lặn lội đi khắp các địa phương có nuôi cá hồi để học tập kinh nghiệm về Mẫu Sơn Ông Tạ đã nuôi thử nghiệm thành công, mang thứ ẩm thực thượng hạng có nguồn gốc từ Châu Âu cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của Khách du lịch, đồng thời tạo cho Mẫu Sơn một điểm tham quan mới, với những du khách muốn khám phá, tìm hiểu về quy trình kỹ thuật nuôi loài cá này, cũng như cung ứng nhu cầu thưởng thức hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ cá hồi Mẫu Sơn.

Rượu Mẫu Sơn

Một sản phẩm của du lịch Mẫu Sơn (Ảnh – Tocolimex)

Là sản phẩm độc đáo, đặc sắc của vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn có nguồn gốc từ sản phẩm rượu gạo và nước nguồn tinh khiết do đồng bào Dao sinh sống ở độ cao 800 – 1000 m so với mặt biển, xung quanh khu vực núi Mẫu Sơn chưng cất, bằng loại men lá và phương pháp chưng cất truyền thống của dân tộc Dao hàng trăm năm nay.

Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là gạo và nước suối (lấy từ những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m so với mực nước biển), thì chất gây men không thể thiếu là lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm như: Cây 30 rễ, dây nước, trầu rừng, dây ngọt… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp, đau lưng.

Mật ong rừng

Nếu may mắn, bạn có thể mua được mật ong xịn ở Mẫu Sơn (Ảnh – Lê Thị Tân)

Sự phong phú của các loài hoa rừng và sự cần mẫn của loài sinh vật chăm chỉ nhất thế giới động vật trong thời tiết, khí hậu Mẫu Sơn đã tinh luyện nên loại sản phẩm thiên nhiên có tác dụng bổ dưỡng đặc sắc này. Mật ong rừng càng để lâu càng thơm, kết tinh thành một thứ cao tự nhiên giúp tiêu hoá tốt, là thang của nhiều bài thuốc quý, tăng cường sinh lực, đặc biệt tốt cho trẻ em và tuổi già.

Bạn có thể mua được nhưng chai mật ong quý này ở Mẫu Sơn vào những ngày Thứ bảy, Chủ nhật do đồng bào đưa lên bán hoặc tại các nhà nghỉ ở Khu du lịch Mẫu Sơn.

Ngải cứu Mẫu Sơn

Ngải cứu có rất nhiều công dụng trong đời sống hàng ngày (Ảnh – Giangzie)

Một thứ thuốc tiên của vùng núi cao, không chịu mọc ở dưới độ cao 600m so với mặt biển. Thứ rau thuốc sạch tự nhiên này mang đầy hương vị độc đáo này có thể giúp bạn giải cảm, giúp tiêu hoá tốt, chống đau đầu. Sử dụng các phương pháp chế biến truyền thống, bạn có thể tạo ra nhiều thứ thức ăn – vị thuốc khác nhau.

Mọc ở bất kỳ chỗ nào có đất và chen lẫn cùng với các loài cây dại khác, điều đặc biệt là ngải cứu Mẫu Sơn có vị ngọt rõ ràng để lại trên đầu lưỡi sau khi ăn. Bạn có thể dùng lá ngải để làm da dạng thêm bữa ăn của mình như mì nấu ngải cho bữa sáng, canh ngải hoặc một món đơn giản khác là trứng ngải cứu. Bạn cũng có thể nhờ nhân viên khách sạn hướng dẫn cách làm bánh ngải của đồng bào người Tày, Dao hoặc mang về biếu người thân, bạn bè như một món quà du lịch độc đáo.

Đào Mẫu Sơn

Đào Mẫu Sơn mỗi năm chỉ ra quả một lần vào mùa hè (Ảnh – Chinh Hoang)

Đào Mẫu Sơn nổi tiếng từ lâu trong cả nước với màu sắc và hương vị rất riêng. Đào có màu xanh trắng, vị ngọt lịm mà lại giòn tan, có mùi thơm dịu đặc trưng nên được thị trường rất ưa chuộng

Hoa đào Mẫu Sơn đẹp một cách kín đáo. Mỗi bông hoa đào chỉ có 5 cánh, sắc màu phai và những cánh hoa dường như trong suốt. Điều thú vị là mặc dù nhiệt độ ở độ cao 1000m rất thấp, nhưng đào Mẫu vẫn trổ hoa sớm hơn các loại đào dưới núi xấp xỉ một tháng.

Chanh rừng Mẫu Sơn

Chanh rừng Mẫu Sơn (Ảnh – Trần Giáp)

Chanh rừng là loại cây đặc hữu của khu vực Mẫu Sơn, cây tán lớn, lá to nhưng quả nhỏ có vị thơm. Loại quả này thường được người dân dùng để ngâm làm gia vị dùng trong các bữa ăn. Ngoài ra chanh rừng còn được sử dụng làm thuốc để giải cảm, chữa ho rất tốt.

Xem thêm bài viết : Các món ăn ngon tại Mẫu Sơn

Đi đâu chơi khi đến du lịch Mẫu Sơn

Tuy chỉ là một xã nhỏ nằm sát biên giới với Trung Quốc nhưng Mẫu Sơn cũng có một vài điểm đến thú vị mà khi đi phượt Mẫu Sơn các bạn không nên bỏ qua. Đa phần các điểm đến này nằm không xa lắm nên các bạn hoàn toàn có thể đi lại trong ngày.

Một số bản của người Dao

Trekking vào một số bản của người Dao (Ảnh – cungphuot.info)

Người Dao Mẫu Sơn vẫn giữ được nhiều nét văn hóa riêng của mình (Ảnh – cungphuot.info)

Lá thuốc được phơi khô trước khi được tinh chế thành bài thuốc tắm lá nổi tiếng của người Dao (Ảnh – cungphuot.info)

Vào mùa gặt, bạn có thể vẫn gặp hình ảnh những chiếc máy tuốt lúa bằng chân như thế này (Ảnh – cungphuot.info)

Đỉnh Mẫu Sơn vẫn đang hiện hữu những giá trị về bản sắc văn hóa thuần khiết, đa dạng của các đồng bào dân tộc. Trong đó có bản Khuổi Cấp, nơi tập trung sinh sống lâu đời của đồng bào người Dao. Cuộc sống của người dân nơi đây phụ thuộc nhiều vào sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt.

Ở bản Khuổi Cấp, những bản sắc riêng về văn hóa, phong tục, tập quán vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, không pha trộn từ cách ăn, nếp ở, trang phục, phong tục thờ cúng, lễ hội… Chính vì thế, bản Khuổi Cấp đang là địa điểm du lịch văn hóa cộng đồng vô cùng hấp dẫn

Suối Long Đầu

Suối Long Đầu mùa cạn nước (Ảnh – langson.gov.vn)

Suối Long Đầu là một trong những thắng cảnh và điểm du lịch sinh thái được nhiều người biết đến của tỉnh Lạng Sơn. Long Đầu là một con suối khá lớn dài chừng 10km chảy trên địa phận 2 xã Mẫu Sơn và Yên Khoái của huyện Lộc Bình.

Ảnh – Du lịch Lạng Sơn

Suối Long Đầu mang những nét rất đặc trung của thắng cảnh vùng núi Mẫu Sơn. Suối được bắt nguồn từ dãy núi Mẫu Sơn hùng vĩ có độ cao trên 1000m chảy theo hướng Bắc Nam qua những triền dốc, những khu rừng già của thôn Lặp Pịa về vùng thấp hơn. Lòng suối hẹp dốc tạo cho con suối rất nhiều thác ghềnh.Ở khu vực thượng nguồn có những thác nước rất lớn cao tới hơn 3m, rộng 7 – 15m, sâu 2 – 3m. Lòng suối ngổn ngang đá núi nhẵn phẳng như co bàn tay sắp đặt tài tình của tạo hóa.

Trừ mùa mưa lũ dòng suối có vẻ hung dữ, còn lại suối Long Đầu mang một vẻ đẹp hiền hòa với dòng nước trong vắt mát lành.

Linh địa cổ Mẫu Sơn

Đường mòn tới khu Linh Địa Cổ (Ảnh – Kevin Tung)

Khu linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Ảnh – Kevin Tung

Toàn bộ khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400m2, được coi là vị trí “đắc địa” theo luật phong thủy: Lưng tựa vào núi Mẹ Mẫu Sơn phía bắc hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương – Lộc Bình phía nam sông nước đồng ruộng bao la, bên phải phía tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái phía Đông là cánh rừng nguyên sinh mọc tươi tốt trên các ngọn núi. Môi trường tự nhiên khá đa dạng và trong lành với những khe suối nhỏ, nhiều cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật nhiều tầng còn bảo lưu được những cây gỗ quý như Tùng la hán, Trầm hương, các loài hoa Đỗ quyên, Trúc rừng… Thấp hơn phía chân núi là các cánh rừng thông, tre nứa, các khoảng đồi bát ngát hoa sim, mua. Nhiều loại động thực vật hoang dã như lợn rừng, hươu, nai, các loại cầy, dúi, các loài chim…

Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ hiện tồn tại với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn. Song, nó đơn thuần không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.

Hầm mộ đá với cấu trúc và quy mô lớn có vòm che và có nhiều khả năng theo kiểu quan trong ngoài quách. Toàn bộ mộ được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Ngoài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Trên một khu vực rộng lớn có rất nhiều tảng đá lớn nằm theo cụm hay đơn lẻ, một số tảng đá lớn có vết tích chế tác của con người. Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ. Các đập chắn nước phía trên ngôi đền lợi dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi có gia cố thêm bằng đá phiến

Nơi đây vẫn còn nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp (Ảnh – Kevin Tung)

Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn còn đó những bí ẩn về lịch sử và bí mật về chủ nhân đã dày công xây dựng nên nó. Những câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc nơi đây và những chứng tích còn lại vẫn là những bí mật mà mỗi chúng ta cần có thời gian và bằng chứng để khẳng định về một vùng linh địa đã tồn tại lâu đời tại vùng núi Mẹ nơi biên cương địa đầu tổ quốc thiêng liêng này

Núi Phặt Chỉ

Núi Phặt Chỉ (Ảnh – Kevin Tung)

Núi Phặt Chỉ (tiếng địa phương) còn có tên gọi Phật Chỉ thuộc một phần của thôn Khuổi Tẳng, Khuổi Cấp, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Từ thành phố Lạng Sơn theo quốc lộ 4B (Lạng Sơn – Tiên Yên) đến Km14 rẽ trái theo đường 237A lên Khu du lịch Mẫu Sơn, đến km12 rẽ phải vào đường mòn xuyên cánh rừng nguyên sinh khoảng hơn 2 km là đến núi Phặt Chỉ.

Núi Phặt Chỉ là 1 trong 3 ngọn núi khá lớn trong dãy núi phía Tây Nam vùng núi Mẫu Sơn có độ cao trung bình khoảng 1.000m so với mực nước biển. Với diện tích trên 100ha, toàn bộ khu núi Phặt Chỉ được che phủ bởi thảm cỏ xanh uốn lượn giữa các sườn đồi, xen kẽ những cánh rừng nguyên sinh có hệ động thực vật phong phú, nhiều loài hoa, có cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi…tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, thoáng đãng và thơ mộng.

Đường lên đỉnh Mẫu Sơn nhìn từ núi Phật Chỉ (Ảnh – vuquyhai)

Khí hậu ở Phặt Chỉ mang tính chất á nhiệt, ôn đới núi cao đặc trưng của khí hậu vùng núi Mẫu Sơn, chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 15-180C. Lượng mưa trung bình năm khoảng 2.200mm. Hai bên sườn Đông và Tây núi Phặt chỉ là hai con suối Khuổi Cấp, Khuổi Tẳng nước trong vắt.

Lịch trình tham khảo đi Mẫu Sơn

Trên đường lên Mẫu Sơn (Ảnh – Thu T. Tran)

Do Mẫu Sơn là một địa điểm không quá xa nên các bạn có thể phượt một chuyến lên Mẫu Sơn chỉ trong vòng 2 ngày. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo bài viết Kinh nghiệm phượt Lạng Sơn để kết hợp thành một lịch trình dài hơn.

Ngày 1 : Xe máy từ Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn (200km) đường quốc lộ 4 lên Lạng Sơn khá đẹp nên thời gian đi lại cũng khá nhanh, nếu xuất phát từ sáng bạn có thể tranh thủ tham quan một số địa điểm du lịch ở Lạng Sơn trước. Chiều tối lên đến Mẫu Sơn nhận phòng khách sạn, dạo chơi quanh đỉnh núi chụp ảnh, tối có thể mua củi đốt lửa trại tiến hành một số hoạt động giao lưu. Nếu bạn đi xe khách từ Hà Nội lên Lạng Sơn thì lên đến nơi có thể thuê xe taxi lên thẳng Mẫu Sơn, nhớ thỏa thuận giá cả trực tiếp với lái xe luôn về điểm đến.

Ngày 2 : Dạo chơi quanh Mẫu Sơn, có thể trekking hoặc sử dụng xe máy đi vào một số bản người Dao trên đường xuống núi như Khuổi Cấp, Khuổi Tẳng, dạo chơi suối Long Đầu, ghé thăm núi Phặt Chỉ và Linh địa cổ Mẫu Sơn. Các địa điểm này các bạn có thể đi hầu hết trong vòng 1 ngày, chiều xuống núi và trở về Hà Nội.

Tìm trên Google :

  • kinh nghiệm du lịch Mẫu Sơn 2024
  • du lịch Mẫu Sơn tháng 11
  • tháng 11 Mẫu Sơn có gì đẹp
  • review Mẫu Sơn
  • hướng dẫn đi Mẫu Sơn tự túc
  • ăn gì ở Mẫu Sơn
  • phượt Mẫu Sơn bằng xe máy
  • Mẫu Sơn ở đâu
  • đường đi tới Mẫu Sơn
  • chơi gì ở Mẫu Sơn
  • đi Mẫu Sơn mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Mẫu Sơn
  • homestay giá rẻ Mẫu Sơn

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 50 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào