Các lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn (Phần 1)

Các lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn (Phần 1) (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Lạng Sơn là một trong những nơi phát hiện ra các di chỉ của người Việt thời sơ sử, tiền sử. Nơi đây còn  in đậm dấu ấn của các nền văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Những dân tộc có đông cư dân ở Lạng Sơn như Nùng, Tày, Việt, Dao với nhiều phong tục tập quán và lễ hội rất độc đáo. Du lịch Lạng Sơn ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng các bạn có thể lựa chọn một hình thức khác là du lịch văn hóa, vẫn vừa có thể khám phá cảnh đẹp Lạng Sơn lại có thể tìm hiểu thêm về các nét văn hóa đặc biệt của địa phương.

Lễ hội Quỳnh Sơn – Bắc Sơn

Lễ hội Quỳnh Sơn

Lễ hội Quỳnh Sơn được tổ chức trong hai ngày 12 và 13 tháng giêng âm lịch hàng năm, tại xã Quỳnh Sơn huyện Bắc Sơn. Nổi bật trong lễ hội là những bộ trang phục của dân tộc Tày Nùng với những diệu hát then, hát lượm, hát ví… đã tô thêm nét văn hóa đặc sắc cho nơi đây

Trong lễ hội diễn ra lễ rước kiệu ông Dương Tự Minh người dân dộc Tày làng Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên ông là thủ lĩnh của Phủ Phú Lương. Đời nhà Lý Ông là người có công trong cuộc chinh chiến chống quân xâm lược nhà Tống, giữ vững vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ XII.

Sau khi dẹp giặc xong, núi rừng bình an, Quốc Thái dân an cùng với việc xây dựng vùng đất phồn thịnh. Ông luôn quan tâm đến đời sống của các dân tộc nông thôn nghèo khó. Cuối đời ông trở về Điểm Sơn và mất ở đấy- nay là núi Đuổm, ông được nhà Lý phong sắc “Uy viên đôn kính cao sơn quảng độ chi thần” các đời sau đều ghi nhận ông là Cao Sơn Quý Minh. Khi được biết tin ông mất để nhớ ơn công đức của Dương Tự Minh người dân tổng Quỳnh Sơn đã lập đền thờ tại Đẳng Rử Thôn bên sườn núi đá nước nguồn. Phía sau có giếng tiên thuộc Quỳnh Sơn. Trải qua nhiều năm phát triển dân số Quỳnh Sơn ngày càng đông địa điểm chật hẹp, dân làng đã cùng nhau chuyển Đền đến một địa điểm mới cách địa điểm cũ 400m về phía Đông giữa thôn Thâm Pác, Nà Riềng 1 và Nà Riềng 2. Đây là nơi để nhân dân thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh hướng nguyện cầu sự giúp đỡ của thánh thần nhằm có cuộc sống ấm no hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trò chơi đánh đu

Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian vui nhộn, thể hiện được những ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc về một lễ hội cầu mùa, cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Tiêu biểu đó là trò đánh cờ tiên, đánh đu, ném còn, giã gạo, gói bánh chưng đen… Theo tín ngưỡng dân gian thì, nhiều trò chơi, trò diễn trong lễ hội cầu mùa còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực – cầu mong cho vạn vật sinh sôi, nảy nở nhiều; thể hiện sự giao hòa của âm – dương, trời – đất; mối quan hệ hữu cơ của các yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”…

Lễ hội không chỉ là điểm đến của du khách trong tỉnh mà ngày càng thu hút khách thập phương, thật sự trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh nơi cửa ngõ phía Bắc nước ta mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lạng Sơn

Lễ hội đền vua Lê

Lễ hội đền vua Lê diễn ra vào ngày 23 tháng giêng hàng năm, thuộc xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn là một lễ hội truyền thống mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Nhắc đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chúng ta nhớ đến kế sách, chiến lược “vây thành, diệt viện”, của vua Lê Thái Tổ – Lê Lợi, nhớ đến những thắng lợi của chính nghĩa, của tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc. Để tưởng nhớ về những trang sử đầy tự hào của dân tộc, nhớ đến những vị anh hùng dân tộc trong suốt dặm dài công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó có những chiến công oanh liệt gắn với mảnh đất Lạng Sơn. Hàng năm vào ngày 23 tháng giêng,  Lạng Sơn lại tổ chức lễ hội đền vua Lê.

Mở đầu lễ hội là lễ khai mạc diễn ra tưng bừng và nhộn nhịp với sự xuất hiện của các đội múa sư tử, đầy tinh thần thượng võ – một nét đẹp văn hóa giàu bản sắc trong nhiều lễ hội ở Lạng Sơn.Tiếp đó là chương trình văn nghệ với những tiết mục hát, múa đậm đà bản sắc dân tộc, tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng người dự hội về những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng. Đặc biệt, các tiết mục hát then, đàn tính của những người trung cao tuổi và màn hát múa của các bạn trẻ, các em thiếu nhi càng khiến cho không khí buổi khai mạc thêm vui tươi, náo nức hơn. Ngay sau tiếng trống khai hội, đại biểu, nhân dân và du khách thập phương vào đền dâng hương, cầu cho “quốc thái dân an”, “nhân khang, vật thịnh”, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Kế đó, các trò chơi vui hội hào hứng và ý nghĩa như: đẩy gậy, đánh cờ tướng,… thu hút nhiều người dự hội tham gia và cổ vũ, khiến cho ngày hội đã nhộn nhịp lại càng đông vui hơn.

Lễ hội Đình Đông Quất

Trò chơi đẩy gậy

Lễ hội Đình Đông Quất được tổ chức ngày 7 tháng Giêng âm lịch, tại xã Cường Lợi (Đình Lập). Lễ hội đã thu hút được đông đảo tầng lớp nhân dân trong vùng và khu vực lân cận, du khách gần xa đến vui hội, vui xuân, cầu tài, cầu lộc, cầu phúc; tri ân các thế hệ tiền nhân, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của đất và người nơi đây.

Theo tài liệu ghi chép và các cụ cao niên của địa phương, trong suốt chiều dài những năm tháng đất nước bị chiến tranh, loạn lạc, việc cúng lễ thần của Đình Đông Quất, để cầu mong sự phù hộ vẫn được duy trì, cho dù đang phải sơ tán trong rừng. Ngược dòng lịch sử chúng ta sẽ càng hiểu rõ và trân trọng hơn về ý nghĩa của lễ hội này. Chính tại Đình Đông Quất, vào những năm đầu của thập kỷ 40 thế kỷ trước, các cụ cao tuổi của làng và các làng lân cận đã họp nhau lại, tổ chức lễ uống máu ăn thề, lập bản Qui ước thành lập “Hội bảo an”.

Trong ngày làm lễ ấy, thầy mo, trực tiếp cầm con gà trống vừa khấn vừa bái vào bàn thờ Thần thánh rồi mang ra ngoài trời khấn, bái bốn phương và sau đó cùng nhau uống mỗi người một ít. Bản Qui ước có đoạn nêu: Quốc loạn tiểu nhân cường, loạn lạc giặc nổi lên cướp của giết người, tính mạng, tài sản dân lành bị đe doạ, nay nhờ Thần thánh thiêng chiếu cám việc lập hàng hội bảo an đoàn kết cùng nhau chống giặc, không ai được “Thông nội chí ngoại”, ai phản bội, Thần thánh chiếu cám trừng phạt sẽ chết như con gà…

Lễ hội Đình Đông Quất là lễ hội dân gian lịch sử truyền thống. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về bà con nhân dân trong làng lại rất vui mừng chào đón và tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng Giêng . Đây chính là dịp để tri ân các thế hệ tiền nhân đã không tiếc máu xương của mình để bảo vệ quê hương trong những ngày nguy nan, quyết tâm giữ đất, giữ làng, bảo vệ sự bình yên cuộc sống của nhân dân trước sự hung tợn của bọn giặc cướp… Đồng thời cũng là dịp để, mỗi người dân bày tỏ tấm lòng thành kính và sự ước vọng của mình đối với vị thần thiêng liêng cao cả ngự tại Đình Đông Quất – vị thần cao cả, quyền năng được dân gian truyền rằng đã bao bọc che chở cho nhân dân thoát khỏi mũi tên, hòn đạn của giặc cướp trong những ngày nguy khó. Mỗi người con của quê hương Cường Lợi dù đi đâu, ở đâu nhưng đến ngày làng mở hội thì đều tìm về với tất cả tình cảm chân thành, thiết tha và sâu lắng nhất.

Qua vui hội, vui xuân, khấn thần,… mỗi người đã bày tỏ được sự thành kính của mình đối với các vị thần thánh, tiền nhân của dân làng và gửi gắm những ước vọng, niềm tin của mình trong năm mới sẽ được thần linh phù hộ cho nhiều sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt, cuộc sống, bình an, hạnh phúc, ấm no, “nhân khang, vật thịnh”…

Sau khi Hội bảo an được lập tại Đình Đông Quất, nhiều toán giặc cướp đến cướp phá của cải của dân làng đều bị đánh bại. Tiếng tăm của Hội bảo an đã vang dội khắp nơi. Nhiều nơi đã đến xin gia nhập Hội bảo an như: Bình Liêu, Ba Chẽ, An Châu, Lộc Bình… Về sau đó, hoà chung với khí thế cách mạng tháng 8, Hội bảo an đã được chuyển hoá thành lực lượng cách mạng, lực lượng dân quân du kích. Trước thần thánh thiêng liêng, lực lượng quân dân du kích cũng đã từng tuyên thệ nguyện đoàn kết, trung thành với Đảng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…

Có thể thấy, Lễ hội Đình Đông Quất trong mấy năm trở lại đây đã và đang dần được các cấp, các ngành của địa phương quan tâm khôi phục, tổ chức trở lại. Trong ngày hội, ngoài phần tế lễ, ôn lại truyền thống lịch sử của quê hương, lịch sử của lễ hội, những kỳ tích hào hùng của cha anh; nhiều trò chơi, trò diễn dân gian cũng được tổ chức kết hợp với ngày hội thể dục thể thao thể hiện tinh thần lạc quan, tinh thần thượng võ, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, anh hùng, quật khởi của đất và người nơi đây trong quá khứ và hiện tại. Tiêu biểu là các môn như: Kéo co, đánh cầu, đẩy gậy, đánh quay, đá bóng… Tất cả đã tạo ra một khí thế phấn khởi, đoàn kết, thi đua trong những ngày đầu xuân mới. Dễ dàng nhận thấy, có rất nhiều cặp nam thanh nữ tú đi lễ hội. Theo dân gian truyền lại, từ những thập kỷ trước, tại lễ hội này, nhiều đôi trai gái đã gặp nhau, tỏ tình, hẹn ước và sau đã nên duyên chồng vợ.

Hội chùa Bắc Nga

Lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm

Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga phật tự” hay còn gọi là Chùa Tiên Nga ( Tiên Nga Tự). Chùa thuộc địa phận thôn Bắc Nga, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm (trùng hội chùa Tam Thanh). Đây là lễ hội cầu tài cầu lộc, du xuân, nam nữ rủ lên đồi cao hát giao duyên với các làn điệu sli, lượn, được coi là nét đặc trưng cho hát trong lễ hội ở Lạng Sơn.

Phần lễ có các nghi thức cúng tế trong chùa mời Tiên mời Phật về phù hộ cho dân chúng được bình an hạnh phúc. Phần hội bao gồm múa sư tử,hát sli, hát lượn.

Hàng năm du khách đến với hội rất đông, xe cộ cờ hoa chật kín con đường thôn Bắc Nga. Nét độc đáo của hội chùa là hầu hết du khách đã đến đây đều tổ chức mua thịt lợn quay và các đồ ăn dân dã khác, tập trung thành từng nhóm trên các sườn đồi, bãi sông để vừa ngắm cảnh hội vừa thưởng thức các đặc sản ẩm thực Xứ Lạng trong tiết xuân ấm áp. Đây cũng là thú vui dã ngoại đầu xuân của du khách, rất phù hợp với các bạn trẻ

Lễ hội đền Bắc Lệ

Đền thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, thờ bà chúa Thượng Ngàn – một trong ba vị Mẫu vẫn được thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Lễ hội đền Bắc Lê được tổ chức trong vòng 3 ngày từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 9 âm lịch hàng năm.

Lễ hội gồm có các phần lễ chính như lễ tắm ngai, lễ chính tiệc, lễ rước. Lễ tắm ngai diễn ra trước lễ rước. Trong đó, người dân lấy nước suối đền Bắc Lệ về lau tượng Mẫu đệ nhất Thượng ngàn và ngai đức vua cha Ngọc Hoàng. Lễ chính tiệc bao giờ cũng có cỗ tam sinh làm vật hiến tế (lợn, gà, cá), ngoài ra còn có nhiều đồ lễ khác như voi, ngựa, thuyền, mũ, hình nhân,… bằng giấy. Cỗ tam sinh cho ban Công đồng, ban Ngũ vị tôn ông, cỗ chay (có khi cả mặn) ban cho Mẫu,… Sau đó, lễ rước Mẫu đi xem hội trong tiếng chiêng, trống rộn ràng. Đoàn rước đến đền Đèo Kẻng (một di tích liên quan đến đền Bắc Lệ) làm lễ đại tế. Tế xong người dân quay về đền Bắc Lệ làm lễ đại tế.

Trong ý thức của người dân địa phương, lễ hội đền Bắc Lệ là cái tết lớn trong năm. Trước đây, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, nhà đền tổ chức ăn uống tại đền. Đến nay, người dân chỉ tổ chức vào buổi chiều ngày 20, mọi người cùng tập trung dùng đại tiệc với quan niệm “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”. Qua hàng trăm năm, đền Bắc Lệ trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, điểm đến của người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc với niềm tin chân thành, trong sáng vào Tiên Thánh, vào Mẫu – người Mẹ linh thiêng của dân tộc.

Lễ hội Chùa Tiên

Chùa Tiên nằm trong lòng núi Đại Tượng, thuộc địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Lễ hội Chùa Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ đá và thờ nguồn nước của cư dân nông nghiệp. Đây là một trong những mô típ hình thành lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam. Trong dịp đầu năm mới, lễ hội Chùa Tiên là ngày hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức đông vui, nhộn nhịp và điển hình nhất ở Lạng Sơn. Lễ hội được diễn ra trong ngày 18 tháng giêng.

Có nhiều truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc của lễ hội Chùa Tiên, song phổ biển nhất là truyền thuyết Giếng Tiên. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, vào năm trời hạn hán đến nỗi sông Kỳ Cùng cũng cạn nước, đất đai nứt nẻ, cỏ cây héo khô, ruộng đồng xơ xác, dân làng Phia Luông không có nước dùng. Bữa nọ, một bầy trẻ chăn trâu trong làng gặp một cụ già ăn mặc xềnh xoàng, dáng thiểu não đến gặp chúng xin ăn, lũ trẻ vui vẻ chia phần cơm của chúng cho ông cụ và thành thực nói rằng: chúng cháu chỉ có cơm cho cụ ăn nhưng chẳng biết lấy gì mời cụ uống vì lâu nay làng đã không có nước. Cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của lũ trẻ, vừa nhận cơm xong, cụ già liền lấy gót chân giẫm xuống tảng đá, lập tức một dòng nước ngọt trong vắt phun lên. Từ đó, dân làng Phia Luông có đủ nước dùng. Sau này, người dân địa phương cho rằng: cụ già đó chính là ông Tiên đã ra tay cứu giúp làng qua cơn hoạn nạn, nên gọi nguồn nước đó là Giếng Tiên. Say này, người dân địa phương đã lập miếu thờ Tiên ngay cạnh giếng bên sườn đồi Đèo Giang – Văn Vỉ.

Phần lễ, bao gồm: các lễ hội thờ Phật, với nghi thức khai hội và phần nghi lễ tế. Điều đặc biệt ở lễ hội Chùa Tiên, các đồ lễ vật đặt lên các bàn thờ không được dâng lợn quay – vật lễ thường được dâng cúng ở các lễ hội khác.

Hội Chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vì vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội. Không chỉ thế, Chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn.

Trong cuộc sống hiện đại đầy những lo toan, bộn bề, trở về không khí lễ hội, du khách như bỏ lại đằng sau những tháng ngày mệt mỏi, cùng hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, sôi nổi, tham gia vào những trò chơi dân gian giản dị và thú vị hay trở lại những quan niệm tâm linh thời xưa. Tất cả những cảm giác đó như mãi là lời mời gọi du khách đến với Lạng Sơn để cùng tham dự một lễ hội truyền thống đầy chất huyền thoại.

Xem tiếp : Các lễ hội đặc sắc ở Lạng Sơn (Phần 2)

Tìm trên Google : các lễ hội ở lạng sơn, lễ hội lạng sơn, du lịch tâm linh lạng sơn, nét văn hóa lạng sơn, phong tục tập quán lạng sơn, lễ hội truyền thống lạng sơn, cac le hoi o lang son, le hoi lang son, du lich tam linh lang son, net van hoa lang son, phong tuc tap quan lang son, le hoi truyen thong lang son

4.3/5 - (317 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Lạng Sơn

LẠNG SƠN

Vị trí Lạng Sơn trên bản đồ Việt Nam

còn gọi là xứ Lạng là một tỉnh ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng huyện Cao Lộc và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có một cửa khẩu quốc gia: Chi Ma (Huyện Lộc Bình) và 10 lối mở biên giới góp phần tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc.

Đây là tỉnh biên giới có nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, nhiều di tích lịch sử cùng với những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc. Tỉnh có di tích văn hóa khảo cổ Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha. Nhiều danh thắng đã đi vào thơ ca rất tự nhiên trong lòng người dân Việt Nam

Bạn có biết: Lạng Sơn là 1 trong 2 tỉnh thành có cửa khẩu đường sắt tại Việt Nam. Nếu xuất cảnh qua đây, hộ chiếu của bạn sẽ được đóng dấu với hình đoàn tàu hỏa.

  • Diện tích: 8.320,8 km²
  • Dân số: 751.200 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố và 10 huyện
  • Mã điện thoại: 205
  • Biển số xe: 12