Kinh nghiệm du lịch Nghĩa Lộ, Yên Bái

Kinh nghiệm du lịch Nghĩa Lộ, Yên Bái (Cập nhật 08/2024)

Cùng Phượt – Du lịch Nghĩa Lộ từ đã được nhiều người biết đến với những điểm du lịch hấp dẫn bởi nét đặc sắc trong văn hóa cũng như truyền thống cách mạng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ, chợ Mường Lò, du lịch sinh thái ở xã Nghĩa Lợi, Nghĩa An… Trên con đường đến với Nghĩa Lộ, du khách sẽ có một cuộc hành trình thú vị, được trải nghiệm, khám phá thiên nhiên kỳ thú, các di tích, di sản văn hóa độc đáo và vô cùng phong phú của các dân tộc thiểu số vùng cánh đồng Mường Lò.

Vùng đất Mường Lò với nhiều cảnh đẹp cùng các nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn (Ảnh – kj9635)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả kj9635, mathieu_arnaudet, Ngô Quang Minh, Lưu An An, minhthanh_2010, crasquincharles, Bạch Vô Thường, Hằng’s Nấm’s, Hoàng Đô, Đào Văn Công, UBND Thị xã Nghĩa Lộ, Vũ Minh Phương, xaolinh_le, habob_nguyen, Mít Xinh, Nguyễn Hà, Nguyễn Công Hiệp, Phạm Tố Nga, Xoan Đào, duonguyen.dvhk, kbtrung92, Kiều Trang, Chung Trang, Du Già, ambert, momiji1819, Tiến nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Nghĩa Lộ

Phụ nữ Thái ở Nghĩa Lộ đang tự tay dệt những trang phục truyền thống của mình (Ảnh – mathieu_arnaudet)

Thị xã Nghĩa Lộ có diện tích tự nhiên là 29,96 km2 nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, cách Tp Yên Bái 84km theo quốc lộ 32. Phía Bắc, phía Đông, phía Nam giáp huyện Văn Chấn, phía tây giáp huyện Trạm Tấu của tỉnh. Nghĩa lộ có địa hình tương đối bằng phẳng, theo hướng nghiêng từ Tây sang Đông, từ Nam lên Bắc, độ cao trung bình 250m so với mặt biển, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc.

Địa danh Nghĩa Lộ có từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Khi đó, Nghĩa Lộ là một sách (sách Nghĩa Lộ) thuộc châu Văn Chấn, phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Trong thời Pháp thuộc khi thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900), Nghĩa Lộ là một xã thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn. Sau đó, năm 1907 thành lập Tổng Nghĩa Lộ trên cơ sở xã Nghĩa Lộ và một số xã lân cận thuộc Tổng Hạnh Sơn, Phù Nham. Trước Cách mạng Tháng 8/1945 có phố Nghĩa Lộ trong xã Nghĩa Lộ thuộc châu Văn Chấn, sau là huyện Văn Chấn.

Toàn cảnh thị xã Nghĩa Lộ từ trên cao (Ảnh – Ngô Quang Minh)

Nghĩa Lộ nằm trọn trong cánh đồng lớn thứ 2 khu vực Tây Bắc đó là cánh đồng Mường Lò (trước kia gọi là cánh đồng tam tổng vì có 3 tổng dân cư nằm xung quanh). Thị xã Nghĩa Lộ được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực phía tây Yên Bái và là đất tổ người Thái đen Tây Bắc. Nhắc đến Nghĩa Lộ, là nhắc đến một nét văn hóa vô cùng đặc sắc, hấp dẫn đó là văn hóa Thái. Ở Nghĩa Lộ, đồng bào dân tộc Thái chiếm tới 48% dân số. Các bản làng người Thái vẫn mang vẻ nguyên sơ với những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian với những điệu dân ca, dân vũ độc đáo, nổi bật là những điệu xòe mê đắm lòng người. Du khách sẽ được tham dự những loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo như: Lễ hội “Xên bản xên mường” – tức cúng bản cúng mường, nhằm tri ân các bậc có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò; hội “Hạn khuống”, một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái đối đáp giao duyên; dự hội “Lồng tồng”, tức hội xuống đồng – một sinh hoạt độc đáo của cư dân lúa nước hay ngâm mình thư giãn trong các nguồn suối khoáng có độ nóng hơn 400 C, thưởng thức các món ăn dân tộc: xôi nếp ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, rêu suối… Trong tiếng “Khắp mơi lảu”, tức hát mời rượu, trong men rượu cần ngọt dịu, trong chan chứa tình người, du khách cảm nhận được tinh túy của suối ngàn Tây Bắc và những ấn tượng khó phai mỗi khi nhớ về một vùng đất, một vùng người lịch sử và huyền thoại.

Du lịch Nghĩa Lộ vào thời gian nào?

Nếu đến Nghĩa Lộ vào đúng thời điểm diễn ra Lễ hội Mường Lò, các bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu văn hóa và tham gia rất nhiều các hoạt động tại đây (Ảnh – Lưu An An)

Nghĩa Lộ mang đặc trưng khí hậu của vùng Tây Bắc Việt Nam với mùa hè tương đối mát mẻ (so với nền nhiệt độ chung) nhưng mưa nhiều, mùa đông lạnh và khô.

  • Các bạn có thể lên kế hoạch du lịch Nghĩa Lộ vào khoáng tháng 9, đây là thời điểm đẹp nhất bởi thường khoảng thời gian này sẽ tổ chức Tuần văn hóa Lễ hội Mường Lò cùng với Lễ hội ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải.
  • Khoảng tháng 2-3 (thời điểm đầu năm) có thể đến Nghĩa Lộ để cùng tham gia vào các lễ hội của người dân địa phương (bao giờ mùa xuân đầu năm cũng là mùa lễ hội ở Tây Bắc), thời điểm này rất thích hợp cho các bạn ưa thích khám phá văn hóa của đồng bào vùng cao.

Hướng dẫn đi tới Nghĩa Lộ

Quốc lộ 32, tuyến đường đi qua Nghĩa Lộ và xa hơn là Mù Cang Chải (Ảnh – minhthanh_2010)

Phương tiện cá nhân

Nếu đi bằng phương tiện xe máy, các bạn có thể đi tuyến đường 32. Từ Hà Nội đi Sơn Tây theo hướng cầu Trung Hà, đi Thanh Sơn rồi Tân Sơn – Thu Cúc thẳng tuột là QL32 lên tới Thị xã Nghĩa Lộ. Thời gian đi khoảng 4-5 tiếng cho quãng đường 180km.

Nếu đi ô tô có thể đi theo đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, rẽ ra ở nút Tp Yên Bái rồi đi theo QL37 cũng về tới Nghĩa Lộ.

Phương tiện công cộng

Từ Hà Nội nếu muốn đi trực tiếp qua Nghĩa Lộ, các bạn có thể lựa chọn một số tuyến xe đi Lai Châu, tuy nhiên cái này cần liên hệ trực tiếp với nhà xe để hỏi rõ, có những tuyến xe họ sẽ đi đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai nên không đi qua đường 32 như trước nữa. Những tuyến xe nào đi Mù Cang Chải là chắc chắn sẽ đi qua Nghĩa Lộ.

Phương án khác là các bạn có thể bắt xe khách lên Tp Yên Bái, từ đây chuyển sang các tuyến xe chạy nội tỉnh Yên Bái để tới Nghĩa Lộ, phương án này hơi mất công chút nhưng thời gian linh động hơn do có nhiều tuyến xe chạy hơn.

Xe từ Yên Bái đi Nghĩa Lộ

Giang Sơn
Lịch trình: Yên Bái – Nghĩa Lộ
Giờ xuất bến: Yên Bái 8h30 Nghĩa Lộ 14h00
0942 611 888 – 0982 900 078

Thắng Hà
Lịch trình: Yên Bái – Nghĩa Lộ
Giờ xuất bến: Yên Bái 5h00 Nghĩa Lộ 11h00
0833 075 455 – 0987 674 183

Phượng Nga
Lịch trình: Yên Bái – Nghĩa Lộ
Giờ xuất bến: Yên Bái 9h00 Nghĩa Lộ 15h00
0819 905 689 – 0968 826 899

Tuấn Long
Lịch trình: Yên Bái – Nghĩa Lộ
Giờ xuất bến: Yên Bái 10h30 Nghĩa Lộ 15h30
0983 704 788 – 0913 527 569

Việt Phương
Lịch trình: Yên Bái – Nghĩa Lộ
Giờ xuất bến: Yên Bái 8h00 Nghĩa Lộ 13h30
0983 828 558

Lưu trú ở Nghĩa Lộ

Nếu lựa chọn ở lại khám phá Nghĩa Lộ, hãy vào các bản du lịch cộng đồng để trải nghiệm homestay của người dân ở đây (Ảnh – crasquincharles)

Khách sạn nhà nghỉ ở Nghĩa Lộ

Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có khoảng vài chục khách sạn nhà nghỉ với hàng trăm phòng phục vụ du khách, các khách sạn nhà nghỉ này nằm rải rác trong trung tâm thị xã. Nếu đến du lịch Nghĩa Lộ vào khoảng tháng 9, thời điểm khai mạc Lễ hội Mường Lò và Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải, các bạn cần đặt trước phòng thật sớm nhé. Thường hầu hết ai lên Mù Cang Chải cũng dừng lại nghỉ ngơi ở Nghĩa Lộ nên các khách sạn nhà nghỉ này luôn hết sạch phòng.

Một số khách sạn tốt ở Nghĩa Lộ

HOMESTAY Binh Nga Homestay
Địa chỉ: Tân An, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
Điện thoại: 098 117 12 88
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà Nghỉ Phương Thảo
Địa chỉ: Đường Vành Đai, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
Điện thoại: 094 125 56 78
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Thị xã Nghĩa Lộ (Cập nhật 8/2024)

Homestay ở Nghĩa Lộ

Những năm gần đây, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc nhất là dân tộc Thái.

Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Nghĩa Lộ, Yên Bái (Cập nhật 8/2024)

Các địa điểm du lịch ở Nghĩa Lộ

Các địa điểm du lịch cộng đồng

Bản Sà Rèn

Chiều về trên bản Sà Rèn (Ảnh – Bạch Vô Thường)

Sà Rèn là một bản làng nằm dọc ven bờ suối Thia, quanh năm róc rách bởi dòng Nậm Thia xanh mát, các bạn chỉ mất khoảng 2 tiếng đi xe ô tô là có thể đến tham quan, trải nghiệm điểm du lịch cộng đồng bản Sà Rèn, một nơi hoàn toàn chỉ có người Thái đen sinh sống và vẫn còn giữ được những nét văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo.

Bản Sà Rèn được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi nơi đây vẫn nguyên vẹn vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ, những khóm tre gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người Thái đen được giữ gìn dọc ven bờ suối, những nếp nhà sàn cổ bên trong vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái, những con người miền sơn cước đôn hậu, thân thiện, mến khách.

Bản Chao Hạ

Chao Hạ là một bản người Thái của xã Nghĩa Lợi, Thị xã Nghĩa Lộ. Từ năm 2012, dưới sự đi đầu tiên phong của một vài người dân, Chao Hạ đã chuyển mình nghiêng theo hướng làm du lịch cộng đồng. Đến nay, bản đã là một trong những địa điểm đặc biệt yêu thích của khách du lịch nước ngoài. Đến bản Chao Hạ để du xuân ngắm cảnh núi rừng, trải nghiệm cuộc sống kiểu mới, thấy được hòa mình với thiên nhiên, với cộng đồng dân cư và thưởng thức những “món lạ” nơi đây

Bản Đêu

Một góc Bản Đêu (Ảnh – Hằng’s Nấm’s)

Bản Đêu, xã Nghĩa An hiện đang lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc. Khách du lịch đến đây có thể hòa mình vào với đời sống của người địa phương. Khách ở dài ngày thì có thể đạp xe lên suối Nậm Đông để tắm hay đạp xe 30km lên Trạm Tấu để tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người Mông hoặc có thể tham gia lao động cùng với gia đình. Mọi hoạt động đó đều được chính chủ nhà làm hướng dẫn viên.

Cánh đồng Mường Lò

Mường Lò là cánh đồng rộng thứ 2 miền Bắc, sau Mường Thanh ở Điện Biên (Ảnh – Hoàng Đô)

Quốc lộ 32 uốn lượn giữa miền núi non Tây Bắc “thanh sơn, bích thủy”. Núi cao, vực sâu, bạt ngàn cây rừng, lau lách.  Rồi như một phép màu, con đường quốc lộ bỗng lọt vào một cánh đồng bằng phẳng biêng biếc sóng lúa Mường Lò. Ngỡ ngàng trước những mượt mà óng ả trong nắng trải tới chân núi xa, quả đúng như câu ca “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” nổi tiếng từ lâu.

Cách thành phố Yên Bái 80 km về phía tây, Mường Lò nằm gọn trong lòng thị xã nghĩa Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn. Mường Lò là cánh đồng lớn thứ hai ở miền núi phía Bắc, chỉ sau Mường Thanh – Điện Biên (còn hai cánh đồng nhỏ hơn là Mường Than – Than Uyên và Mường Tấc – Phù Yên). Người Thái đen đã định cư lâu đời ở nơi đây. Theo câu chuyện sử thi của người Thái kể rằng: Hai anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần tìm nơi lập nghiệp. Tạo Xuông đã dừng chân dựng bản làng ở Mường Lò, xây dựng nên vùng đất tổ tiên của người Thái đen ở khắp vùng Tây Bắc vì thấy ở đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào.

Câu tục ngữ: “Thái theo nước, Xá theo lửa” nói về tập quán canh tác của người Thái trồng lúa nước, người Xá (Khơ Mú) đốt nương làm rẫy. Còn ông Tạo Ngần lên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) xây dựng bản làng người Thái trắng cũng trồng lúa nước là chủ yếu. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò đã thành danh từ lâu. Hương thơm của hạt gạo nơi này đã bay xa, vượt núi non đến nhiều nơi được rất đông người biết đến.

Xuôi theo quốc lộ 32 với những miên man suy nghĩ về Mường Lò, Yên Bái. Để rồi ngỡ ngàng khi chứng kiến vẻ đẹp của những cánh đồng lúa chín vàng, thoai thoải bậc thang tiến về phía núi. Con suối Nậm Thia vắt ngang qua thung lũng như vẽ một dải lụa mềm uốn lượn giữa sóng lúa vàng. Tôi giật mình trước vẻ đẹp Mường Lò với một bóng người con gái Thái gánh lúa trên vai đang rẽ ngang con suối để rồi sẽ chẳng bao giờ lòng có thể quên.

“Ngày xưa, nơi ấy có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết. Cô gái đẹp như trăng rằm, mái tóc đen dài mềm mại. Mỗi khi nàng ngồi bên khung cửi, chim muông, hoa lá như múa vờn trong mỗi đường thêu. Chàng trai khỏe mạnh, giỏi làm nương, săn bắt thú. Mỗi khi tiếng khèn của chàng cất lên, chim rừng ngừng tiếng hót hồi hộp lắng nghe. Nhưng tên chúa đất quyết bắt cô gái về làm người hầu. Hai người rủ nhau chạy lên núi cao để bảo vệ tình yêu đôi lứa. Tên chúa đất cho người đuổi theo. Chàng trai và cô gái kiệt sức gục xuống trên đỉnh núi. Cô gái không cầm lòng được, chỉ biết khóc than cho mối tình tuyệt vọng. Nước mắt của cô chảy mãi hóa thành dòng suối Nậm Thia, mái tóc dài thơm hóa thành làn rêu xanh mướt như vẫy gọi. Chàng trai đau đớn nhảy xuống dòng suối, thân thể chàng vừa chạm mặt nước bỗng vỡ tan, hóa thành muôn tảng đá cho làn rêu quấn quýt bám quanh”. Tôi đã bao lần được nhâm nhi chén rượu thơm cất từ những hạt gạo Mường Lò, thấm đẫm huyền thoại kia với món rêu đá thơm, cay, dịu mát. Những sóng vàng của con suối Thia ấy như muôn bàn tay vẫy gọi. 

Chỉ có người Thái đen ở Mường Lò mới có tục hát mời rượu và cũng chỉ có ở đây thì du khách mới có thể được nâng chén cùng lời ca mời rượu, cùng điệu Xòe Thái dập dìu bên bếp lửa nhà sàn. Tiếng hát người con gái Thái bên mâm rượu đã từng làm say bao du khách khi đến bản Mường. Tiếng hát như hơi rượu ngấm vào lòng người không thể nào quên.

Chợ Mường Lò

Chợ Mường Lò nằm ngay trung tâm Thị xã Nghĩa Lộ (Ảnh – Đào Văn Công)

Với vị trí là trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của khu vực, các của hàng, cửa hiệu và chợ đã hình thành trên một hệ thống thương mại khá sôi động ở địa phương. Thời kỳ thực dân Pháp cai trị năm 1935, chợ Nghĩa Lộ đã được xây dựng trở thành chợ lớn thứ hai của tỉnh Yên Bái. Sau khi thị xã được tái lập, chợ Mường Lò đã được quy hoạch, đầu tư, xây dựng lại trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Hàng hóa ở đây khá phong phú, đa dạng. Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp hiện đại còn có rất nhiều nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân và trao đổi thương mại. Có thể gọi chợ Mường Lò là chợ đầu mối vì đây phần nào đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa trong vùng và các khu vực lân cận.

Di tích Căng Đồn Nghĩa Lộ

Căng đồn Nghĩa Lộ (Ảnh – cungphuot.info)

Khi nhắc tới lịch sử của Căng và Đồn Nghĩa Lộ là nhắc tới địa danh Văn Chấn (nay thuộc Thị xã Nghĩa Lộ) và nhắc tới lịch sử nơi này thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm 40 của thế kỷ XX. Với ý đồ dập tắt phong trào cách mạng, Thực dân Pháp lập các trại “lao động đặc biệt” tập trung những người yêu nước. Sau khi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) bị giải thể, Thực dân Pháp đã đưa những người yêu nước bị giam về Nghĩa Lộ. Mùa hè năm 1944 chi phủ Văn Chấn đã huy động các tổng, xã bắt phu nộp vật liệu để xây dựng Căng. Thực dân Pháp còn cử tên Đinh Văn Dung và tên Lăm – Be sở mật thám huyện đến kiểm tra đôn đốc khẩn trương ngày đêm. Tháng 1/1945 thì việc xây dựng hoàn thành. Nhìn toàn cảnh lúc này Căng Nghĩa Lộ như một cái tủ dựng đứng có 3 dãy nhà dài “hai dãy là nơi giam giữ chính phạm nam giới, phía trong giam chính trị phạm nữ giới, phía ngoài là nơi thường trực và bên cạnh là trạm gác của lính khố xanh”. Bao bọc toàn bộ khu Căng Đồn là hàng rào dây thép gai, phía ngoài hàng rào là hầm sâu có cắm chông, bồn góc Căng có chòi cao sừng sững ngày đêm canh giữ cẩn mật.

Khu tưởng niệm Bác Hồ

Khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh – UBND Thị xã Nghĩa Lộ)

Với khuôn viên rộng hơn 2ha, khu tưởng niệm bao gồm: Một ngôi nhà sàn mộc mạc, xinh xắn được thiết kế phỏng theo nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội; một ao cá rộng với vườn cây trái xanh tốt. Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị xã Nghĩa Lộ thuộc hệ thống bảo tàng Hồ Chí Minh trên toàn quốc.

Các địa điểm du lịch ở gần Nghĩa Lộ

Bản Hốc

Một góc Bản Hốc (Ảnh – Vũ Minh Phương)

Bản Hốc nằm ở xã Sơn Thịnh, ngay trung tâm của huyện Văn Chấn (trên đường từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ theo QL32). Với gần 80% là dân tộc Thái, sống chủ yếu bằng làm nông nghiệp. Nơi đây còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái.

Đến với Bản Hốc ngoài được khám phá những nét thú vị, đặc sắc của văn hoá dân tộc Thái với những ngôi nhà sàn truyền thống, tìm hiểu những nghề thủ công hay thưởng thức những ly rượu men lá, rượu cần cùng với điệu xoè say đắm đã đi vào câu thơ, lời hát. bạn còn được ngâm mình trong suối khoáng nóng tự nhiên quanh năm có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ hoặc thử sức với những dãy núi đá vôi khám phá hang Dơi, tham gia đốt lửa trại….

Suối Giàng

Suối Giàng là nơi sản sinh ra loại chè shan tuyết cùng tên vô cùng nổi tiếng (Ảnh – xaolinh_le)

Xã Suối Giàng nằm ở Văn Chấn, cách Thị xã Nghĩa Lộ khoảng hơn 20km trên độ cao 1.371m so với mực nước biển, nằm sâu trên dãy núi Fansipang hùng vĩ. Đây là quê hương của loại chè Shan Tuyết cổ thụ với hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Khí hậu ở Suối Giàng bốn mùa se lạnh, tựa như Sapa, Đà Lạt. Chỉ mất chút ít thời gian thả hồn cùng những dải lúa cong cong theo vạt núi, từng nương ngô, nương cải xanh non trong sương bay bảng lảng là thấy mình như đứng trên mây.

Mù Cang Chải

Mù Cang Chải là địa điểm đã quá nổi tiếng với những bạn ưa xê dịch, những bạn thích chụp ảnh vùng cao (Ảnh – habob_nguyen)

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách Thị xã Nghĩa Lộ gần 100km.  Mù Cang Chải nổi tiếng nhất với khách du lịch bởi “đặc sản” ruộng bậc thang. Với hơn 700ha ruộng trong đó 50% tập trung ở 3 xã là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình trải dài suốt đoạn đường từ đèo Khau Phạ về đến trung tâm thị trấn bạn sẽ không thể cưỡng lại được sự quyến rũ mê người từ màu vàng óng của những dãy núi trồng toàn lúa.

Từ Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải các bạn cũng sẽ lần lượt được đi qua cánh đồng xã Tú Lệ, lên đèo Khau Phạ, khám phá các bản Lìm Mông, Lìm Thái…

Ăn gì khi du lịch Nghĩa Lộ

Cơm lam Mường Lò

Cơm lam ở Nghĩa Lộ được nấu từ gạo nếp Tú Lệ (Ảnh – Mít Xinh)

Người Thái Mường Lò từ lâu đã nổi tiếng là tộc người còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc mang đậm bản sắc vùng miền. Một trong số các món ăn đặc sản cổ truyền phải nói tới, đó chính là cơm lam. Theo quan niệm và cách lý giải của người Thái Mường Lò, cơm lam không đơn thuần chỉ là món ăn trong bữa cơm hàng ngày mà nó còn gắn với văn hóa, sự sống và tín ngưỡng dân gian. Người Thái tin rằng, ngoài thế giới mà mọi người đang sống quen gọi là nhân gian, còn có một thế giới của người trời – Mường Then, là nơi ở của các vị thần, tổ tiên và các linh hồn.

Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Thái Mường Lò thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là là một ống tre hoặc ống nứa thon dài không to, không nhỏ và phải là cây còn non, tươi xanh để khi nấu cơm, lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc ở Nghĩa Lộ (Ảnh – Nguyễn Hà)

Xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung.

Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Tú Lệ hạt to, trong, một loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh – đỏ – tím – vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn ở xã Tú Lệ. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung. Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo. Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than. Xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính.

Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.

Pa pỉnh tộp

Pa pỉnh tộp là cách gọi tên món cá nướng của người Thái (Ảnh – Nguyễn Công Hiệp)

Đến với mảnh đất Nghĩa Lộ nơi có rất nhiều người dân tộc Thái sinh sống, bạn nhất định phải ăn thử món pa pỉnh tộp hay còn gọi là món cá nướng.

Pa pỉnh tộp có thể gọi dân dã là cá nướng kẹp que tre, thường người Thái ở Nghĩa Lộ sẽ lựa chọn cá chép hoặc cá sình Ngòi Thia để làm món này. Cá được làm sạch rồi mổ dọc theo sống lưng, tẩm ướp các loại gia vị (đặc biệt không thể thiếu mắc khén) rồi sát lên mình cũng như nhồi vào bụng cá. Sau tất cả, cá được kẹp bằng que tre hoặc vỉ rồi nướng trên than hồng. Cá chín vàng ruộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng và các loại rau thơm

Nhứa xổm

Món này nếu tiêu hóa không tốt, các bạn nên nướng trước khi ăn nhé (Ảnh – Phạm Tố Nga)

Món này thực ra các bạn sẽ thấy ở nhiều nơi dưới những tên gọi khác nhau như nem chua, thịt chua… Mỗi dân tộc có một phương pháp làm riêng biệt, với người Thái, họ làm nem chua bằng phương pháp muối chua thịt lợn nạc cùng thính gạo rang trộn với muối, hạt sẻn hoặc hạt dổi… gói bằng lá dong rồi treo trên gác chạn trong khoảng 5 ngày.

Muồm muỗm rang Mường Lò

Muồm muỗm rang giòn, thơm phức và béo ngậy (Ảnh – Xoan Đào)

Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Để có món đặc sản muồm muỗm rang giòn thơm ngon, trước tiên phải sơ chế muồm muỗm. “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột” là 4 khâu cơ bản để tạo nên hình hài một chú muồm muỗm trên bàn nhậu. Phần còn lại của muồm muỗm sau khi được làm sạch trông cứ kỳ kỳ, nần nẫn chẳng khác gì cái kén của tằm dâu. Xong khâu “làm lông”, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo.

Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho ngay mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa; khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm.

Dế chiên giòn

Cứ đến Nghĩa Lộ vào mùa lúa chín, kiểu gì cũng có món này (Ảnh – duonguyen.dvhk)

Tháng 7 âm lịch khi nhãn Mường Lò chín rộ, mùa bọ xít nhãn đã hết, những cơn mưa rào tự nhiên bỗng nhẹ đi và kéo dài ra để bước vào tháng ngâu, cỏ non bắt đầu nhú lên cũng là lúc những con dế trở nên mập mạp, bóng bẩy, béo ngậy và món dế trở thành món chủ đạo trong các quán. Người ta bắt dế bằng nhiều cách và không mấy khó khăn như đào hang, đổ nước; tối đến trẻ em bắt dế quanh các cột đèn cao áp tại các tuyến phố Nghĩa Lộ. Ở đây bắt dế không khó và vùng Mường Lò dế rất nhiều nên giá dế ở chợ Mường Lò cũng không đắt, khoảng 5 đến 7 nghìn đồng một lạng; một lạng dế được cả đĩa cho 2 người ăn.

Trước tiên, đầu bếp dùng kéo cắt bỏ những cái chân có phần gai sắc nhọn, tiếp đó là rút phần ruột và bỏ túi hôi ở gáy; thao tác này làm phải khéo để dế còn nguyên con. Tiếp đó, người ta rửa dế bằng nước sôi hoặc nước măng chua. Sau đó, đem ướp với nước mắm, tiêu, hành, tỏi, bột ngọt cho thấm rồi bắt đầu chiên trên chảo mỡ đang sôi. Đợi đến khi dế chín vàng rụm mới vớt ra cho vào đĩa, rắc lên một ít lá chanh thái chỉ. Nếu thích dế lăn bột thì cho thêm bột chiên vào, trộn đều trước khi chiên.

Điều đặc biệt khi chiên dế chỉ cho một lượng dầu ăn vừa phải. Bởi lẽ bản thân con dế đã chứa rất nhiều dầu, nếu cho quá tay dầu ăn sẽ tạo cảm giác béo rất nhanh ngấy. Khi chiên, hạn chế tối đa việc đảo đi đảo lại tránh làm gẫy càng và thân dế mà chỉ nên dùng tay hất đều chảo với lửa vừa phải.

Dế sau khi chiên xong có màu vàng ruộm và mùi thơm đặc trưng của các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Bạn có thể rưới thêm nước ớt hoặc nước măng chua tăng phần đậm đà cho món ăn. Một đĩa đặc sản dế mèn đã bày ra trước mắt mùi thơm lừng. Ăn phần đầu hay phần đùi thì giòn tan, phần bụng thì dai dai, bùi bùi. Dế chiên giòn có thể ăn kèm cùng cóc xanh, xoài xanh, dưa chuột, chanh… tạo cảm giác ngon miệng, đồng thời giảm độ béo ngậy. Dế mèn dùng để nhắm bia hay nhắm rượu đều tuyệt.

Bánh chưng đen Mường Lò

Bánh chưng đen ở Mường Lò, ngoài nơi đây bạn còn có thể tìm thấy món này khi đến du lịch Bắc Sơn, Lạng Sơn (Ảnh – kbtrung92)

Bánh được đồng bào dân tộc Thái nơi đây làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời. Món bánh đặc sản này không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về.

Nguyên liệu làm bánh của đồng bào được chọn lựa kỹ càng: lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.

Bánh chưng đen phải được gói thủ công. Củi để luộc bánh phải là củi gỗ to, giữ than tốt, khi luộc xếp bánh vào nồi, đậy kín vung. Lúc nồi bánh chưa sôi thì đun to lửa,  khi nồi bánh đã sôi giữ lửa đều, đủ nhiệt để bánh chín nhuyễn, chín đều, đun từ 6-7 tiếng. Khi chín vớt ra cho vào chậu nước rửa qua và treo bánh thành từng cặp để cho bánh không bị mốc. Thưởng thức một miếng bánh, cảm nhận được hương vị thật đặc biệt, vị thơm của nếp, vị ngọt, béo của thịt lợn vùng cao, vị ngậy bùi của nhân đỗ xanh, vị là lạ của cây rừng.

Bánh chưng đen của người Thái được cha truyền, con nối qua nhiều thế hệ. Tết đến, ăn miếng bánh chưng đen, mùi gạo quyện với than núc nác, hoa cây vừng đen, vị ngọt làm người ăn như thưởng thức được cả mùi cỏ cây, ruộng đồng, đất trời và thiên nhiên nơi miền Tây Yên Bái.

Rau dớn Mường Lò

Rau dớn là món ăn chỉ có thể tìm được ở các tỉnh vùng núi phía Bắc (Ảnh – Kiều Trang)

Rau dớn, (đồng bào dân tộc Thái gọi là phác pút) thuộc họ quyết, lớn hơn cây dương xỉ, có cành dài, lá nhỏ xòe trên đầu cây như tán một chiếc ô rộng lớn. Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi – nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi có độ ẩm ướt cao. Đối với nhiều tộc người, rau dớn là “vua” loại rau, nó chẳng những giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày mà còn là món đặc sản để đãi khách trong các lễ hội. Mỗi lần tổ chức lễ hội của gia đình hay cộng đồng, người ta tranh thủ vào rừng hái rau dớn để chế biến thức ăn. Vì loại rau này nhanh bị dập nát nên người ta hái đến đâu ăn đến đó, bảo đảm rau luôn tươi xanh, chất lượng.

Đây là món rau dễ chế biến nhất, có thể xào, luộc, nấu canh, muối chua, làm nộm … Người ta hái rau dớn tươi về, chọn phần mềm tươi non, rửa sạch bùn đất, bụi bám, sau đó trụng sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Dầu thực vật là loại thích hợp nhất để xào rau dớn.

Ngoài ra rau dớn còn chế biến được các món ăn độc đáo khác như: rau xôi, rau dớn xào cùng nước măng chua, lá đu đủ, cà rãnh hay rau dớn luộc… Có thể với những vị khách muốn ăn dớn rừng với hương vị nguyên thuỷ của nó thì chỉ cần nhặt những ngọn non tơ mỡ màng, rửa sạch cho vào nồi nước thật sôi, khi vừa chín tới vớt ra cho rau không bị nhừ. Đĩa rau luộc chấm với chén nước mắm thật ngon, cho thêm vài ánh tỏi giã dập, vài lát ớt là cũng đủ hấp dẫn.

Ruốc tôm Mường Lò

Ruốc tôm, đặc sản nức tiếng của Mường Lò, Nghĩa Lộ (Ảnh – Chung Trang)

Từ nguyên liệu tôm nõm, thịt lợn thăn, dầu thực vật và các loại gia vị của vùng Mường Lò cùng với kinh nghiệm truyền thống của đồng bào Tây bắc đã tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm ruốc Tôm.

Món này khi ăn kèm với xôi ngũ sắc, cơm lam bạn sẽ thật ấn tượng bởi sự đậm đà của ruốc tôm hoà quyện với hương vị dẻo thơm của nếp Tú Lệ.  Ruốc tôm là một món ăn tưởng chừng như rất đơn giản và dễ làm nhưng không phải ai làm theo công thức đó cũng ngon. Mỗi người, mỗi vùng miền đều có những bí quyết riêng tạo nên sự khác biệt trong hương vị của từng món ăn. Ghé thăm miền Tây Yên Bái, nơi có những bàn tay khéo léo đã chế biến món ăn này từ những nguyên liệu hết sức gần gũi để mang lại đầy đủ vị ngon đến với người thưởng thức.

Nguyên liệu để làm món ruốc tôm gồm: Tôm nõn (tôm suối) bóc vỏ, thịt lợn (nạc vai), dầu thực vật, gia vị. Tôm chọn con mình mẩy, to đều, rửa sạch bóc vỏ, bỏ chỉ đen trên lưng và phần đầu tôm. Cho tôm vào cối giã nhỏ. Thịt lợn băm nhỏ. Sau đó cho dầu vào chảo rang thịt chín kỹ rồi cho tôm giã nhỏ vào đảo đều, cho gia vị thêm vài giọt nước mắm cho ruốc tôm thêm đậm đà. Khi rang để lửa thật nhỏ, liu riu để tôm và thịt chín đều đến khi vừa khô là được.  Sau khi sao khô để nguội là có thể ăn được.

Rêu suối Mường Lò

Rêu suối là món ăn đặc sản của người Thái khắp Tây Bắc (Ảnh – Du Già)

Sau khi làm sạch rêu, người Thái thường trộn hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén (những thứ hạt tiêu rừng thú vị) cùng ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh, rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo trên một thanh nẹp tre. Đem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa, cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa.

Lá rong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa. Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng ngạt ngào, riêng có rêu vẫn mát lịm, thanh tao. Món rêu nướng (khay/”cay pho”) vừa quyến rũ với nghệ thuật thứ thiệt của gia vị ẩm thực Thái, lại vừa giữ được cái mát lành, thơm thảo, dịu dàng của vị rêu suối. Món “cay pỉnh” còn thú vị hơn: đem nguyên liệu rêu và gia vị gói bằng lá lốt hoặc lá chanh. Kẹp các gói nhỏ trên thanh tre tươi trẻ đôi, nướng giòn. Rêu chín, cho vào rán với mỡ lợn.

Rêu suối nhiều, nhưng rêu ngon thì ít. Và cái mùa rêu ăn được, ăn thứ thiệt được lại càng ngắn ngủi. Nên bà con vùng cao (những nơi có tục ăn rêu) quý rêu lắm. Khách quý thì mới đãi rêu khô trên gác bếp. Rêu thường được tổ chức ăn vào bữa cơm tối, khi đại gia đình đông đủ. Cô dâu Thái thường coi dành túm rêu nướng cho mẹ chồng những mong tròn vẹn hơn cái đạo dâu con.

Măng sặt

Măng được bày bán rất nhiều ở Nghĩa Lộ (Ảnh – ambert)

Trước đây, cây măng sặt mọc tự nhiên trên vùng đồi của huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn nhưng nhiều nhất là ở thị xã Nghĩa Lộ. Trước đây, măng sặt không có nhiều do mọc tự nhiên không có sự chăm sóc. Nhưng khi nhận thấy nhu cầu ẩm thực của người dân và nhiều du khách ở các nơi khác đến với các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái rất ưa thích món măng sặt thì người Dao, Thái đã biết quy hoạch những vùng có măng trên các khu rừng già thành vùng riêng, được chăm sóc nên măng cũng phát triển tốt hơn, mập hơn và ngon hơn.

Măng sặt không phải trồng ở vùng nào cũng ngon. Có lẽ Yên Bái là mảnh đất có thổ nhưỡng và khí hậu hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây măng. Chẳng thế mà măng sặt Yên Bái đã trở thành món ăn được nhiều thực khách sành ăn bình chọn là món măng ngon và hấp dẫn nhất.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác là một đặc sản của Thái trên khắp mọi nơi, Nghĩa Lộ cũng không phải là ngoại lệ (Ảnh – momiji1819)

Món này thì là đặc sản của những vùng có người Thái sinh sống rồi, khắp các vùng Tây Bắc, Đông Bắc Việt Nam đi đâu các bạn cũng có thể gặp món này. Thịt trâu được tẩm ướp các loại gia vị (không thể thiếu mắc khén nhé) theo công thức riêng tùy tay người làm rồi sấy khô. Nếu được sấy bằng khói trên bếp củi thì thịt trâu khi ăn sẽ có mùi hơi khét khét của khói, nhưng mà ngon lắm. Món này muốn mua nhiều khi cũng không có sẵn mà phải đặt trước.

Lịch trình du lịch Nghĩa Lộ

Thị xã Nghĩa Lộ về đêm (Ảnh – Tiến)

Hà Nội – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải

Cung này đi xe máy nhé các bạn, đoạn Ngọc Chiến – Mường La không đi được ô tô sang đâu.

Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ

Sáng xuất phát từ Hà Nội đi theo hướng Sơn Tây, cầu Trung Hà, Thanh Sơn – Thu Cúc rồi đi thẳng QL32 lên Nghĩa Lộ, chặng đường khoảng 180km nên mất khoảng 4-5 tiếng.

Lên tới Nghĩa Lộ các bạn đừng nghỉ ở khách sạn, hãy vào một trong những bản du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ để lưu trú, vừa sinh hoạt vừa ăn ở và tìm hiểu văn hóa của người dân địa phương. Trước khi đi nhớ gọi điện đặt phòng trước và để người dân còn chuẩn bị thức ăn cho đủ số lượng người trong đoàn.

Ngày 2: Nghĩa Lộ – Thu Cúc – Đèo Khau Phạ – Mù Cang Chải (99km)

Sáng dậy sớm ăn sáng, uống cafe rồi khởi hành đi từ Mù Cang Chải. Quãng đường từ Nghĩa Lộ đến Mù Cang Chải dài khoảng gần 100km, các bạn sẽ được đi qua cánh đồng Mường Lò, xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ, các bản Lìm Mông, Lìm Thái. Xa hơn nữa về phía trung tâm huyện là La Pán Tẩn, mâm xôi… tất cả đều là những cánh đồng lúa vàng óng trong mùa lúa chín.

Tối ngủ tại thị trấn Mù Cang Chải

Ngày 3 :Mù Cang Chải – Ngọc Chiến – Mường La – Mộc Châu

Từ Mù Cang Chải quay ngược lại chân đèo Khau Phạ, rẽ vào đường đi Nậm Khắt để sang Ngọc Chiến – Mường La của Sơn La. Trong này là một bản văn hóa của người Thái và có cả tắm suối nước nóng rất thú vị.

Từ Ngọc Chiến về trung tâm huyện Mường La có thể ghé thăm thủy điện Sơn La rồi về Mộc Châu nghỉ ngơi. Ngày này tổng quãng đường khoảng 250km, cũng hơi mệt đấy. Tối ngủ Mộc Châu

Ngày 4: Mộc Châu – Hà Nội

Ngày cuối có thể tranh thủ ghé chơi vài điểm đẹp ở Mộc Châu rồi xuất phát từ Mộc Châu chạy thẳng về Hà Nội, quãng đường khoảng 200km nên nếu đi sớm các bạn sẽ có thời gian thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh tiếp.

Hà Nội – Nghĩa Lộ – Trạm Tấu – Tà Xùa

Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ

Sáng xuất phát từ Hà Nội đi theo hướng Sơn Tây, cầu Trung Hà, Thanh Sơn – Thu Cúc rồi đi thẳng QL32 lên Nghĩa Lộ, chặng đường khoảng 180km nên mất khoảng 4-5 tiếng.

Lên tới Nghĩa Lộ các bạn đừng nghỉ ở khách sạn, hãy vào một trong những bản du lịch cộng đồng ở Nghĩa Lộ để lưu trú, vừa sinh hoạt vừa ăn ở và tìm hiểu văn hóa của người dân địa phương. Trước khi đi nhớ gọi điện đặt phòng trước và để người dân còn chuẩn bị thức ăn cho đủ số lượng người trong đoàn.

Ngày 2: Săn mây Tà Xùa

Từ Nghĩa Lộ các bạn đi vào Trạm Tấu, chặng này gần thôi nhưng đường cũng không đẹp lắm. Có thể ghé chơi tắm suối nước nóng khu 5. Tiếp tục đi sang Bắc Yên, đường này chính là đường lên Tà Xùa, tùy vào thời gian đi mà các bạn có thể ở lại Tà Xùa để săn mây. Toàn bộ chặng từ Nghĩa Lộ lên đến Tà Xùa chỉ vào khoảng gần 90km, tuy nhiên sẽ có những đoạn khá xấu nếu đi vào mùa mưa bão.

Ngày 3: Tà Xùa – Hà Nội

Ngày cuối này thì chạy ngược lại về Hà Nội, nếu không ngại đường xa các bạn có thể đi theo QL43, đi qua bến phà Vạn Yên trên sông Đà rồi từ đây quay lại ra QL6 để về Hà Nội. Đường này cũng đẹp lắm, tổng quãng đường khoảng 280km.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Nghĩa Lộ 2024
  • du lịch Nghĩa Lộ tháng 8
  • tháng 8 Nghĩa Lộ có gì đẹp
  • review Nghĩa Lộ
  • hướng dẫn đi Nghĩa Lộ tự túc
  • ăn gì ở Nghĩa Lộ
  • phượt Nghĩa Lộ bằng xe máy
  • Nghĩa Lộ ở đâu
  • đường đi tới Nghĩa Lộ
  • chơi gì ở Nghĩa Lộ
  • đi Nghĩa Lộ mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Nghĩa Lộ
  • homestay giá rẻ Nghĩa Lộ

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 52 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Yên Bái

YÊN BÁI

Vị trí Yên Bái trên bản đồ Việt Nam

Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tới 30 dân tộc anh em cùng chung sống. Sự hấp dẫn của vùng đất này là hình sông thế núi, được kiến tạo dọc sông Hồng trên nền phù sa cổ sinh, với những cánh đồng bằng phẳng đan xen cùng núi non ngoạn mục vươn sát bờ sông. Là “cửa ngõ phên dậu” vùng Tây Bắc, nơi giao thoa của hai khu vực Đông Bắc – Tây Bắc, của những nền văn hoá đa sắc tộc, hình thành nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ.

Bạn có biết: Trong giới du lịch bụi, đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái) được coi là “tứ đại đỉnh đèo” của miền Bắc.

  • Diện tích: 6.886,3 km²
  • Dân số: 771.600 người
  • Vùng: Tây Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện
  • Mã điện thoại: 216
  • Biển số xe: 21