Kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn, Lạng Sơn

Kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn, Lạng Sơn (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Bắc Sơn là một huyện của Lạng Sơn có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình cùng với những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc. Nơi đây là nguồn gốc của nền văn hoá Bắc Sơn, là một trong những nơi phát hiện ra các di chỉ khảo cổ của người Việt thời sơ sử, tiền sử và là nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn hào hùng. Bắc Sơn có những điểm du lịch kỳ thú về thiên nhiên, hang động, văn hoá  lịch sử nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hoá lịch sử, phong tục, tập quán người dân địa phương. Du lịch Bắc Sơn nếu được quan tâm đúng mức và đầu tư phát triển hợp lý sẽ hứa hẹn là một trong những điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Bắc.

Bắc Sơn, một trong những địa điểm ngắm lúa chín đẹp nhất ở miền Bắc (Ảnh – cholewalukasz)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả cholewalukasz, travelerico, nhen99, dinhhoangduc.hd, nguyen.daido, kido.baka, Nguyen Minh, do_or_die88, ji_yd_88, Văn Quang, Ngô Huy Hòa, Thuan Bui, Khanh Le Quoc, Guitarsueno, Thuận Bùi, QuangPV, Hoàng Thế Vinh, Jessie Nhi Na, satyuki, Nguyên Khang, Hường Đông, Nguyễn Điệp, capricorn.qu, vananh.muonan, phephe.1002 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Bắc Sơn

Thung lũng Bắc Sơn mùa lúa chín (Ảnh – travelerico)

Bắc Sơn là huyện phía Tây của tỉnh Lạng Sơn, thuộc cánh cung Bắc Sơn của vùng Đông Bắc Việt Nam. Trên địa bàn huyện có các ngọn núi cao 500-1.200 m, như ngọn núi Khau Bao (cao 1.107m), ngọn núi Pa Lét (503 m)… Huyện Bắc Sơn có ranh giới phía Bắc giáp huyện Bình Gia, phía Đông giáp huyện Văn Quan, phía Nam giáp huyện Hữu Lũng, đều là các huyện của tỉnh Lạng Sơn. Riêng phía Tây, huyện Bắc Sơn giáp huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên. Diện tích tự nhiên của huyện Bắc Sơn là 697,9 km².

Bắc Sơn là huyện có nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, nơi đây các nhà khảo cổ đã phát hiện ra cả một nền văn minh của người Việt cổ, vào sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Đây cũng là căn cứ địa kháng chiến (căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai), nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chống Nhật và Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940.

Cư dân Bắc Sơn gồm người Kinh, Nùng, Dao, Tày… với những nếp nhà sàn truyền thống đặc trưng, điểm tô cho cảnh quan Bắc Sơn thêm phần mộc mạc, thanh bình. Đất đai Bắc Sơn màu mỡ, người dân chủ yếu làm nông, đặc biệt là trồng lúa nước với hai vụ chính mỗi năm. Ngoài ra họ còn canh tác thêm ngô, khoai và chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Đến du lịch Bắc Sơn, điều đặc biệt du khách có thể nhận thấy ở cánh đồng Bắc Sơn là các thửa ruộng nơi đây không hoàn toàn được gieo trồng cùng một thời điểm, tạo nên “tấm thổ cẩm” khổng lồ với nhiều màu đặc sắc, đan xen giữa ruộng lúa chín, lúa xanh, vừa mới cấy hay còn xâm xấp nước… mang lại cảm giác lâng lâng khác lạ cho những ai được tận mắt ngắm nhìn.

Nên du lịch Bắc Sơn vào thời gian nào?

Chọn thật khéo thời điểm thì đi Bắc Sơn mới có được những bức ảnh đẹp nha các bạn (Ảnh – nhen99)

Cánh đồng lúa Bắc Sơn tầm tháng 7-10 đang là thời điểm đẹp nhất trong năm. Sắc vàng ruộm của lúa vừa chín tới là chủ đạo, nhưng xen kẽ vẫn có màu xanh đang chờ thu hoạch hay màu nâu đỏ của những vạt ruộng vừa gặt sớm.

Nếu muốn tìm hiểu về văn hóa bản xứ, các bạn có thể đến Bắc Sơn vào dịp đầu năm (âm lịch) để tham gia lễ hội Lồng Tồng của người dân Quỳnh Sơn. Thường lễ hội diễn ra vào khoảng 12-13 tháng Giêng.

Hướng dẫn đi tới Bắc Sơn

Trên một đoạn đường từ Hà Nội đi Bắc Sơn (Ảnh – dinhhoangduc.hd)

Phương tiện công cộng

Trung tâm Bắc Sơn cách Tp Lạng Sơn khoảng 80km. Nếu không có phương tiện cá nhân các bạn có thể lựa chọn phương tiện công cộng để tới Lạng Sơn. Có 2 cách có thể thực hiện

  • Từ Hà Nội, bắt các tuyến xe khách đi Lạng Sơn (tới bến xe phía Bắc của Lạng Sơn) rồi từ đây tiếp tục bắt xe đi Bắc Sơn.
  • Bắt thẳng các tuyến xe đi từ Hà Nội – Bắc Sơn. Các tuyến xe này có tại bến xe Giáp Bát, Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Gia Lâm. Các bạn liên hệ với Nhà xe Dung Nghị 0985 381 888 – 0971 787 868 để đặt vé
  • Nếu cần thêm thông tin xe đi Bắc Sơn, các bạn liên hệ trực tiếp với bến xe Bắc Sơn theo số điện thoại 0205 3837003 để hỏi chính xác giờ xe xuất bến.

Phương tiện cá nhân

Từ Hà Nội nếu đi bằng xe máy các bạn đi theo QL3 đi Thái Nguyên, nếu đi bằng ô tô các bạn đi cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Đến đoạn QL3 cắt với QL37 và QL1B thì rẽ theo đường 1B (hướng đi Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên) đi thêm khoảng 80km sẽ đến Bắc Sơn.

Lưu trú ở Bắc Sơn

Làng Quỳnh Sơn, Bắc Sơn nơi dịch vụ nhà sàn homestay đang khá phát triển (Ảnh – nguyen.daido)

Đến du lịch Bắc Sơn các bạn có thể chọn lựa giữa 2 kiểu hình thức lưu trú. Một là ở khách sạn hoặc nhà nghỉ với khá đầy đủ tiện nghi, khép kín như hàng trăm nghìn nhà nghỉ khác. Hai là lựa chọn các homestay ở Bắc Sơn. Dịch vụ này khá phổ biến ở làng du lịch sinh thái Quỳnh Sơn với giá tương đối hợp lý, ngoài trải nghiệm homestay còn có thể thưởng thức các món ăn ngon, tìm hiểu các tập tục văn hóa của người dân địa phương.

Một số homestay tốt ở Bắc Sơn

HOMESTAY Homestay Bắc Sơn Dương Công Cồ
Địa chỉ: Thôn Thâm Pát, xã Bắc Quỳnh, Bắc Sơn, Lạng Sơn
Điện thoại: 0847989333
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Homestay Bắc Sơn - Du lịch Nhà sàn
Địa chỉ: Thôn Thâm Pát, Xã, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Lạng Sơn
Điện thoại: 097 925 13 25
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với booking

HOMESTAY Homestay Dương Công Chích
Địa chỉ: Nà Riềng 2, Quỳnh Sơn, Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Lạng Sơn
Điện thoại: 097 825 10 55
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Bắc Sơn (Cập nhật 3/2024) 

Các địa điểm du lịch ở Bắc Sơn

Núi Nà Lay

Chỉ có trèo lên đỉnh núi Nà Lay, bạn mới có những khoảnh khắc đẹp về Bắc Sơn như này (Ảnh – kido.baka)

Đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, đây là địa điểm mà hầu hết khách du lịch Bắc Sơn đều đặt chân đến, bởi rất lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao, nhất là vào lúc hoàng hôn và bình minh đầy mê hoặc.

Trạm viba có diện tích khá nhỏ, nếu muốn cạnh tranh được chỗ với các team săn ảnh có lẽ các bạn cần phải lên từ tối hôm trước (Ảnh – Thuan Bui)

Với 1.200 bậc thang đá cheo leo, ai quen leo núi sẽ mất chừng 30 phút, còn lại có thể loay hoay khoảng 1 giờ sẽ lên đến đỉnh. Và rồi cảnh sắc từ trên đỉnh Nà Lay sẽ là món quà xóa đi mọi vất vả, mệt mỏi trước đó. Nơi đây còn có trạm vi-ba để bạn có thể nghỉ ngơi trong lúc săn ảnh…

Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn

Toàn cảnh làng văn hóa du lịch Quỳnh Sơn (Ảnh – Nguyen Minh)

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn huyện Bắc Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 2km về phía Bắc. Toàn bộ ngôi làng nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn với trên 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, cùng hướng về hướng Nam với thế tựa lưng vào núi. Toàn bộ làng Quỳnh Sơn như một bức tranh đa sắc màu với màu của núi, màu của đồng ruộng mênh mông, màu của dòng suối Quỳnh Sơn trong xanh uốn lượn và hơn thế nữa là sự hòa quyện của đời sống con người với vẻ đẹp của tự nhiên.

Thung lũng hoa Bắc Sơn

Thung lũng hoa Bắc Sơn, địa điểm tuyệt vời để sống ảo cùng những cánh đồng hoa rực rỡ (Ảnh – do_or_die88)

Thung lũng hoa Bắc Sơn nằm ở thôn Lân Khoang, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) đã trở thành một điểm hẹn lý tưởng cho những người yêu hoa ở vùng Đông Bắc bởi những loài hoa rực rỡ sắc màu, đua nhau khoe sắc cùng những cánh đồng hoa bất tận chạy dài dưới chân những ngọn núi hùng vĩ.

Vườn hoa Tam Giác Mạch

Loài hoa tưởng chừng là độc quyền của Hà Giang thì nay đã xuất hiện trên khắp mọi miền Tổ quốc (Ảnh – ji_yd_88)

Tam Giác Mạch được người dân trồng tại  xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Hoa nở rộ vào tháng 10, 11 thu hút đông khách tới tham quan, chụp ảnh.  Hoa được người dân trồng tại các thung lũng, xung quanh là núi đá bao quanh. Để đến được ruộng hoa, du khách phải vượt qua những đoạn đường dọc theo bờ nương, vườn ngô của bà con.

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn (Ảnh – Văn Quang)

Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày có hệ thống các tài liệu hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn năm xưa. Đồng thời, bên trong bảo tàng còn mô phỏng nơi cư trú của người tiền sử, và trưng bày các di vật khảo cổ được khai quật tại Bắc Sơn. Kiến trúc bảo tàng được xây dựng theo dáng dấp một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, đằng sau là núi cao, bốn bề không gian thoáng đãng. Và hiện nay bảo tàng không thu vé vào cổng.

Đèo Tam Canh

Hoàng hôn trên đèo Tam Canh (Ảnh – Ngô Huy Hòa)

Di tích Đèo Tam Canh thuộc khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn, nằm trên địa phận thôn Lân Luông (có một số người dân đọc thành Làn Lường) thuộc xã Long Đống, huyện Bắc Sơn. Là đoạn đèo nằm trên quốc lộ 1B giáp ranh giữa 2 huyện Bắc Sơn và Bình Gia.

Ngày 23/09/1945, tại khu vực sườn núi Co Chơi (thuộc địa phận Đèo Tam Canh), quân dân Bắc Sơn đã lập chiến công phục kích tiêu diệt nhiều binh sĩ Nhật khi chúng kéo vào Bắc Sơn.

Suối Mỏ Mắm – Hang Keng Tao

Toàn cảnh khu du lịch suối Mỏ Mắm (Ảnh – Thuan Bui)

Cách trung tâm thị trấn Bắc Sơn 24 km, suối Mỏ Mắm (thôn Quang Trung I, xã Chiến Thắng) đang là một trong những điểm du lịch thu hút những người thích khám phá và cũng là điểm đến được nhiều gia đình lựa chọn nghỉ ngơi, tận hưởng không gian xanh mát và sản vật địa phương vào mỗi dịp cuối tuần.

Mỏ Mắm vốn là tên ngôi làng cạnh dòng suối này, thực tế suối có cái tên là Keng Tao, nhưng khách du lịch tới đây lại thích gọi nó với cái tên Mỏ Mắm. Đến Mỏ Mắm vào những ngày tháng Chín, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp nên thơ tại đây. Nguồn nước suối trong vắt chảy ra từ vách núi tạo nên một khung cảnh trữ tình, điểm nhấn là đài phun nước nhân tạo giữa thác, khu vực lòng suối rộng, nước mát lành, có những chỗ sâu để khách tắm mát.

Thác Đăng Mò

Thác Đăng Mò hiện cũng là một khu du lịch sinh thái thu hút được nhiều người vào dịp hè (Ảnh – Khanh Le Quoc)

Thác Đăng Mò mang vẻ đẹp nên thơ, quanh năm tuôn chảy giữa núi rừng hoang sơ, thuộc địa phận huyện Bình Gia, chỉ cách thị trấn Bắc Sơn khoảng 20 km nên thường được kết hợp trong chuyến du lịch Bắc Sơn. Dọc theo triền thác là những tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau, muôn hình đủ dáng, phủ lớp rêu xanh. Bên bờ, những gốc cây cổ thụ vươn cành phủ tán ra giữa lòng thác, càng khiến nơi này thêm phần bí ẩn và làm nổi bật lên dòng nước trắng xóa…

Đình Nông Lục

Đình Nông Lục (Ảnh – Guitarsueno)

Cách rừng gỗ nghiến không xa là đình Nông Lục thuộc xã Hưng Vũ, đình được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Đình Nông Lục là sự kết hợp hài hòa của lối kiến trúc đình cổ truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn, được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), sau này được tu bổ lại trên cơ sở giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật truyền thống. Tại đình Nông Lục vào tối ngày 25/9/1940 đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các đồng chí đảng viên châu Bắc Sơn để bàn phương án khởi nghĩa cướp chính quyền của thực dân Pháp tại đồn Mỏ Nhài. Cuộc họp đã ra Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo cuộc khởi nghĩa, thống nhất thời gian khởi nghĩa vào 20h ngày 27/9/1940.

Đồn Mỏ Nhài

Đài tưởng niệm khởi nghĩa Bắc Sơn (Ảnh – Thuận Bùi)

Từ đình Nông Lục du khách đi hơn 1 km là đến di tích đồn Mỏ Nhài. Đồn nằm trên một ngọn đồi cao, có vị trí quân sự chiến lược án ngữ con đường huyết mạch đi về 3 hướng chính là Bình Gia, Vũ Lăng, Bằng Mạc. Khi chiếm châu Bắc Sơn thực dân Pháp đã tập trung xây dựng đồn Mỏ Nhài thành một căn cứ quân sự mạnh hòng kiểm soát và sẵn sàng đè bẹp lực lượng du kích Bắc Sơn hoạt động quanh vùng. Tối ngày 27/9/1940 khoảng 600 quân dân du kích Bắc Sơn chia làm 3 hướng đồng loạt tấn công đồn Mỏ Nhài bằng các loại vũ khí thô sơ hoặc tự chế hoặc thu được của địch khiến chúng phải rút chạy, ta thu giữ nhiều súng ống, đạn dược, đốt bỏ tài liệu và ấn tín. Chiến thắng đồn Mỏ Nhài là dấu ấn quan trọng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, được đánh giá “là tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng các lực lượng dân tộc Đông Dương”. Chiến thắng đã chứng minh tính đúng đắn của việc chuyển từ hình thức đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang của Đảng ta, cổ vũ mạnh mẽ các cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng sau này

Hồ Tam Hoa

Hồ Tam Hoa, Mỏ Nhài, Lạng Sơn (Ảnh – QuangPV)

Nếu muốn, các bạn có thể sẽ được trải nghiệm không gian mênh mông rộng lớn của các hồ nước ngọt trong vùng như hồ Vũ Lăng, hồ Tam Hoa, cùng trải nghiệm bơi bè mảng, câu cá giải trí và thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc. Nếu quý khách đến Bắc Sơn vào mùa quýt chín (tháng 10, 11 âm lịch) có thể ghé thăm các vườn quýt đặc sản mọc sai trĩu cành trong các lân, lũng, thoải mái lựa chọn và mua về làm quà.

Hồ Pác Mỏ

Từ trung tâm thị trấn huyện Bắc Sơn theo đường liên xã khoảng 2 km các bạn sẽ đến hồ Pác Mỏ thuộc xã Hữu Vĩnh. Đây là di tích danh thắng được xếp hạng cấp tỉnh năm 2002. Không chỉ là một hồ thủy lợi đơn thuần cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt, hồ Pác Mỏ có cảnh quan đẹp tự nhiên, nguồn nước trong xanh không bao giờ vơi cạn, mặt hồ yên bình soi bóng những mái nhà sàn thấp thoáng bên tán cây cổ thụ dưới chân núi. Ngay bên hồ là giếng Bó Loóng, truyền thuyết kể rằng ngày xưa vùng này vốn khô cạn, vào một ngày mưa to gió lớn có con trâu thần trắng đã húc vào vách đá bên hồ, chui vào lòng núi mà tạo ra khe giếng này. Từ đó đến nay khe giếng Bó Loóng nước chảy suốt quanh năm cung cấp nước cho vùng hồ mênh mông. Điều kỳ lạ là trước mỗi ngày mưa to nước chảy ra từ giếng sẽ đổi màu trắng đục như nước vo gạo, nguồn nước khe đặc biệt lạnh không biết xuất xứ chảy từ đâu, lạnh đến nỗi giữa trưa hè một người khỏe mạnh cũng không thể ngâm mình trong nước đến 5 phút.

Hồ Pác Mỏ (Ảnh – Thuận Bùi)

Cách hồ Pác Mỏ khoảng 200 mét là hang Thắm Hoài. Hang có 2 tầng, nhiều nhũ đá hình thù kỳ lạ rất đẹp mắt, có những cột đá vôi cao hàng chục mét sừng sững cạnh lối đi. Hang nằm lưng chừng núi, dài hơn 700 mét, trần hang cao rộng có nhiều thạch nhũ muôn màu sắc. Sau năm 1964 Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc đã sơ tán từ Đồng Hỷ (Thái Nguyên) về hang Thắm Hoài hoạt động để  tránh các cuộc ném bom phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Hiện nay tại tầng 1 và phía ngoài hang còn dấu tích khu xưởng máy và khu nhà ở của cán bộ nhân viên nhà Đài khá nguyên vẹn.

Từ hồ Pác Mỏ, các bạn tiếp tục theo đường liên xã khoảng 7 km đến xã Tân Lập khám phá hang Lân Pán và hang Rù Hon. Hang Lân Pán thuộc một trong 12 điểm thuộc An toàn khu Bắc Sơn đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tại đây ngày 23/6/1941 đoàn cán bộ Trung ương Đảng gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Trần Đăng Ninh…dự Hội nghị Trung ương 8 từ Pác Bó (Cao Bằng) trở về đã ở lại hang trong một thời gian để chỉ đạo phong trào cách mạng Bắc Sơn, truyền đạt nội dung Nghị quyết Trung ương 8 về đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống phát xít Nhật – Pháp, đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đến trung tâm xã Tân Lập, các bạn tạm dừng phương tiện, chuẩn bị đồ nghề leo núi để thám hiểm và chinh phục hang Rù Hon. Mặc dù địa hình hang Rù Hon rất hiểm trở nhưng bên trong lòng hang cảnh quan vô cùng hùng vĩ, có nhiều vòm cao hơn 150 mét, ăn sâu dường như bất tận trong lòng núi đá. Hệ thống thạch nhũ nguyên sơ mang hình những thác đá, trống đá, đầu rồng, tiên ông, ao tiên, cung nữ, thạch quái…muôn hình vạn trạng với đủ cung bậc mầu sắc, hấp dẫn sự trải nghiệm và khám phá.

Hang Khuôn Bồng

Thạch nhũ bên trong hang Khuôn Bồng (Ảnh – Hoàng Thế Vinh)

Nằm tại xã Vũ Lễ, đây là một hang động dài khoảng 10km vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ thú với vô vàn các loại thạch nhũ và hầu như chưa có nhiều người biết đến.

Lễ hội Lồng Tồng xã Quỳnh Sơn

Lễ hội lồng tồng xã Quỳnh Sơn, Bắc Sơn (Ảnh – Jessie Nhi Na)

Được diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Sau phần lễ tế Thần Hoàng là rất nhiều trò chơi dân gian như cày hạ điền, đánh đu, tung còn, kéo co, cờ tướng, giã gạo.

Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình và quảng bá tiềm năng thế mạnh của điểm du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.

Ăn gì ở Bắc Sơn

Lợn quay

Không chỉ ở Bắc Sơn, món lợn quay có thể tìm thấy ở hầu hết các vùng khi du lịch Lạng Sơn (Ảnh – satyuki)

Không giống cách chế biến ở bất kì nơi đâu, lợn quay Lạng Sơn thường được quay nguyên con. Những con lợn quay với lớp da vàng rộm sinh động; khi ăn, thịt vừa ngọt vừa giòn, không ngấy, thơm hương đặc trưng mà bất kì ai nếm thử một lần đều sẽ nhớ mãi. Vị ngon của lợn quay đến từ bí quyết gia truyền của mỗi người thực hiện, nên dù có mang chung tên gọi thì mỗi con lợn quay đều có hương vị rất riêng. Tuy vậy, có một hương liệu riêng biệt không thể thiếu khi tẩm ướp lợn quay mà không cần quá tinh tế, ta cũng có thể nhận ra ngay: lá mắc mật. Vị ngậy béo của thịt vừa chín tới, thêm lớp bì giòn tan, chấm với nước sốt lấy từ trong bụng lợn cũng thoảng hương mắc mật thơm phức sẽ là kỉ niệm không thể quên cho mỗi thực khách mỗi khi thưởng thức món đặc sản địa phương này.

Vịt quay

Cũng như lợn quay, vịt quay dễ dàng tìm thấy ở Lạng Sơn (Ảnh – Nguyên Khang)

Vịt sau khi được làm sạch sẽ vịt được tẩm hương liệu, hành, hạt tiêu, quả móc mật, nhồi vào bên trong, khâu lại. Phần bên ngoài da tẩm mật ong và để chừng 10 phút, sau đó vịt được quay trên bếp than, loại than hoa chừng 15 phút, khi quay xong nhúng vào chảo mỡ, đảo đi đảo lại khoảng 15 phút cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm, ngon, thịt vịt phải thấm màu mật ong, có hương vị đậm đà của hương liệu, đó mới là thịt vịt ngon.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen Bắc Sơn (Ảnh – Hường Đông)

Bánh chưng đen (hay còn gọi là bánh chưng cẩm) được gói theo hình trụ dài giống bánh tét miền Nam hay bánh gù của người Giáy. Tuy nhiên, món bánh đặc trưng của người Tày ở huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) có màu đen bóng rất lạ mắt, quyện chặt vào từng hạt nếp chắc mẩy và khiến không ít người phải tò mò.

Bánh chưng đen phải được gói thủ công. Bánh dài khoảng 30 cm, đường kính 6 – 7cm và dùng lạt dài cuốn chặt. Trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 – 5 tiếng thì vớt ra.

Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong. Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao.

Xôi cẩm

Xôi cẩm Bắc Sơn (Ảnh – Nguyễn Điệp)

Xôi lá cẩm xứ Lạng có màu tím nhờ nước luộc thứ lá gọi là lá cẩm, rộ nhất vào tháng tư tháng năm. Lá cẩm sau khi luộc sẽ được lấy nước đem ngâm với nếp qua một đêm. Hạt nếp trắng tinh sau khi ngâm sẽ chuyển sang màu tím mà nhiều người thường đùa nhau đó là vì đã bị “thuốc tím” bám vào. Màu của xôi cẩm cũng chính là màu của hạt nếp sau khi được ngâm.

Đồ xôi xẩm cũng đơn giản như đồ xôi gấc, xôi đỗ. Khi đồ, để có thêm vị đậm đà bạn có thể cho vào một chút muối trắng, trộn đều, hoặc nạo thêm một ít cùi dừa trộn vào nếp để có vị béo. Nếu muốn, bạn cũng có thể dùng đỗ xanh bỏ vỏ đồ cùng xôi cẩm để tạo nên màu xanh và màu tím trên đĩa xôi. Mùi hương bốc lên khi đồ xôi cẩm cũng rất đặc biệt so với mùi thơm của những loại xôi khác, có lẽ là vì hương lá cẩm thấm vào xôi.

Cơm lam

Cơm lam, món ăn truyền thống phổ biến của người dân vùng cao phía Bắc (Ảnh – capricorn.qu)

Nhắc đến cơm lam người ta thường hay nhớ đến những vùng đất nổi tiếng như Hoà Bình , Sơn La, Cao Bằng… nhưng nếu đã một lần đến Bắc Sơn, Lạng Sơn được thưởng thức món cơm lam của bà con dân tộc Tày ở đây thì chắc chắn bạn sẽ không thể quên được cái hương vị đậm đà riêng của nó.

Cách làm cơm lam của người Tày cũng làm tương tự như làm cơm lam ở các nơi khác tức là cũng cho gạo và nước vào ống tre sau đó đem nướng. Nhưng người Tày ở Lạng Sơn họ lại có bí quyết làm cơm lam riêng của mình, cơm lam của họ có mùi vị đặc trưng riêng. Đó là mùi ngầy ngậy của nếp trộn với mùi béo của lạc và hương nồng của lá mắc mật. Cái tạo nên hương vị riêng phân biệt với cơm lam của các nơi khác là họ trộn lạc với gạo nếp sau đó đem nén vào ống tre. Sau khi nén chặt gạo và cho nước vào họ lấy lá mắc mật nút chặt ống. Việc nút gạo bằng lá mắc mật vừa tạo mùi thơm riêng có, vừa ngăn không cho nước vào ống làm nhạt cơm.

Bánh ngải

Bánh ngải ở Bắc Sơn (Ảnh – vananh.muonan)

Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước. Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hừng hực tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Cũng có một cách xử lý lá khác là luộc nước vôi trong để giữ màu xanh, sau đó đảo qua cho ráo nước, cuối cùng lá đó cũng bỏ vào giã nhuyễn cùng xôi cho đến lúc thành bột mịn.

Cũng có nơi, người dân xay nhuyễn lá rồi trộn với gạo, đồ thành xôi xanh, rồi mới giã mịn. Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào.

Lạng Sơn được coi là “thủ phủ” của bánh ngải. Đến với mảnh đất này, ngoài mua thịt vịt quay, bát khâu nhục, khách du lịch còn thường mua bánh ngải mang về làm quà.

Quýt Bắc Sơn

Quýt Bắc Sơn (Ảnh – phephe.1002)

Quýt trồng trên các thung lũng, sườn đồi của huyện Bắc Sơn từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi hương vị thơm ngon, đậm chất núi rừng.

Do được trồng trên một vùng rộng lớn ở huyện miền núi Bắc Sơn, quýt ở đây có hai loại là quả tròn và quả dẹt, phù hợp với thổ nhưỡng mỗi nơi. Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng 80-150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả.

Lịch trình phượt Bắc Sơn

Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn – Bắc Sơn

Lịch trình đi trong 3 ngày, khép thành một cung đường vòng tròn với các địa danh khá nổi tiếng của Lạng Sơn là Mẫu Sơn, Cửa khẩu Hữu Nghị và Bắc Sơn (Ảnh – cungphuot.info)

Tổng hành trình này khoảng 500km cho 3 ngày, các bạn có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân. Lịch trình này không phù hợp để sử dụng phương tiện công cộng.

Ngày 1: Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn

Từ Hà Nội đi lên Lạng Sơn, lượn lờ chơi quanh Tp Lạng Sơn chơi một số địa điểm như động Tam Thanh, Nhị Thanh

Chiều chạy xe lên thẳng Mẫu Sơn nghỉ ngơi. Nếu team đông có thể tổ chức đốt lửa trại, giao lưu buổi tối. Thưởng thức các món ăn ngon ở Mẫu Sơn. Đừng quên đặt trước nhà nghỉ ở Mẫu Sơn để bên nhà nghỉ còn chuẩn bị đồ ăn thức uống, trên đó buổi tối  không có chỗ nào bán đồ ăn đâu.

Ngày 2: Mẫu Sơn – Hữu Nghị – Bắc Sơn

Sáng dậy ăn sáng dọn dẹp đồ đạc, mua một số đặc sản Mẫu Sơn làm quà rồi quay ngược về hướng Tp Lạng Sơn, đi thẳng đến Đồng Đăng ghé chơi cửa khẩu Hữu Nghị

Xong xuôi sẽ tiếp tục đi thẳng Bắc Sơn. Tối ngủ nhà sàn homestay ở Bắc Sơn, thưởng thức các món ăn ngon ở đây

Ngày 3: Bắc Sơn – Hà Nội

Sáng dậy thật sớm đi bộ lên núi Nà Lay để săn được ảnh thung lũng Bắc Sơn. Nếu đi vào dịp đông và muốn có chỗ đẹp để chụp ảnh chắc các bạn cần ở cả đêm trên núi luôn.

Săn ảnh xong xuôi có thể lượn lờ đi chơi thác Đăng Mò (cách trung tâm khoảng gần 30km).

Ăn trưa nghỉ ngơi xong thì xuất phát quay ngược về Hà Nội theo đường QL1B và QL3 (qua Thái Nguyên)

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Bắc Sơn 2024
  • du lịch Bắc Sơn tháng 3
  • tháng 3 Bắc Sơn có gì đẹp
  • review Bắc Sơn
  • hướng dẫn đi Bắc Sơn tự túc
  • ăn gì ở Bắc Sơn
  • phượt Bắc Sơn bằng xe máy
  • Bắc Sơn ở đâu
  • đường đi tới Bắc Sơn
  • chơi gì ở Bắc Sơn
  • đi Bắc Sơn mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Bắc Sơn
  • homestay giá rẻ Bắc Sơn
5/5 - (4 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Lạng Sơn

LẠNG SƠN

Vị trí Lạng Sơn trên bản đồ Việt Nam

còn gọi là xứ Lạng là một tỉnh ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng huyện Cao Lộc và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có một cửa khẩu quốc gia: Chi Ma (Huyện Lộc Bình) và 10 lối mở biên giới góp phần tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc.

Đây là tỉnh biên giới có nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, nhiều di tích lịch sử cùng với những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc. Tỉnh có di tích văn hóa khảo cổ Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha. Nhiều danh thắng đã đi vào thơ ca rất tự nhiên trong lòng người dân Việt Nam

Bạn có biết: Lạng Sơn là 1 trong 2 tỉnh thành có cửa khẩu đường sắt tại Việt Nam. Nếu xuất cảnh qua đây, hộ chiếu của bạn sẽ được đóng dấu với hình đoàn tàu hỏa.

  • Diện tích: 8.320,8 km²
  • Dân số: 751.200 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố và 10 huyện
  • Mã điện thoại: 205
  • Biển số xe: 12