Thung lũng Bắc Sơn ẩn hiện trong mây vào mùa lúa chín

Thung lũng Bắc Sơn ẩn hiện trong mây vào mùa lúa chín

Cùng Phượt – Những thửa ruộng vàng óng cùng biển mây buổi sớm khiến khung cảnh thung lũng Bắc Sơn đẹp như tranh vẽ.

Cuối tháng 7, thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn) như được nhuộm vàng khi những cánh đồng lúa chín vào vụ thu hoạch. Từ đỉnh Nà Lay, điểm dừng chân quen thuộc của những tay săn ảnh, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng.

Điểm đặc biệt tại thung lũng mùa này là gam màu đất của ruộng đã gặt xen kẽ màu vàng lúa chín và những góc lúa còn xanh non. Nét đẹp riêng này hình thành bởi người dân trồng không đồng đều.

Người nông dân thu hoạch lúa trên một cánh đồng. So với Y TýLào Cai hay Mù Cang ChảiYên Bái, Bắc Sơn chưa phải là cái tên đình đám nhưng lại được nhiều tay săn ảnh tìm đến mỗi khi vào mùa lúa.

Mùa lúa chín tại thung lũng Bắc Sơn sớm hơn những địa phương khác và thường kéo dài khoảng một tuần. Do đó, du khách nên tranh thủ thời gian để kịp lên kế hoạch cho một chuyến đi ngắn 2-3 ngày.

Hàng cây trên bờ ruộng soi bóng giữa mùa vàng Bắc Sơn. Nơi đây có thời tiết thuận lợi để trồng lúa. Mùa lúa chín vàng rơi vào tầm cuối tháng 7 và giữa tháng 11.

Trời vừa chiều, người dân ra đồng để đốt rơm rạ nhằm dọn sạch mảnh ruộng, chuẩn bị gieo trồng vụ sau. Cứ xuôi theo chiều gió, khói đốt đồng bay cao, du khách có thể dễ dàng ngửi thấy mùi rơm rạ thoang thoảng cả một vùng đồi núi.

Dòng kênh nhỏ uốn lượn qua thung lũng, hòa cùng màu xanh cảnh sắc mây trời. Thung lũng Bắc Sơn nằm gọn trong dãy núi đá vôi trải dài bên những nếp nhà của người dân tộc Tày, Nùng, Dao.

Ngoài cánh đồng lúa chín, mây luồn còn là “đặc sản” trên những ngọn núi ở Bắc Sơn. Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo quốc lộ 3 tới Thái Nguyên rồi theo quốc lộ 1B, di chuyển thêm gần 80 km là tới thung lũng này.

Trên đường đến thung lũng Bắc Sơn vào sáng sớm, du khách có thể dừng chân tại đèo Tam Canh, cách thị trấn Bắc Sơn khoảng 3 km để ngắm cảnh quan hùng vĩ và nên thơ lúc mây luồn xuất hiện.

Nhiếp ảnh gia Bùi Vinh Thuận, sinh ra và lớn lên tại Bắc Sơn, cho biết đỉnh Nà Lay cao khoảng 400 m so với mực nước biển là nơi chụp toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn đẹp nhất. “Lúc mặt trời ló rạng sau những dãy núi, thung lũng trong mây hiện lên như bức tranh thủy mặc”.

Theo anh Thuận, du khách muốn săn ảnh bình minh và mây luồn phải xuất phát lúc 3h30 tại chân núi, vừa leo vừa nghỉ qua 1.200 bậc thang đá trong khoảng một tiếng là tới đỉnh Nà Lay. Khách nên hạn chế leo núi sau những đêm mưa vì các bậc đá trơn trượt nguy hiểm. Dù đi vào mùa hè, du khách vẫn nên mang theo áo khoác mỏng đề phòng lúc sáng sớm và khi đêm xuống ở Bắc Sơn nhiệt độ có thể hạ xuống.

Theo Huỳnh Phương/VnExpress
Ảnh: Bùi Vinh Thuận

5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Lạng Sơn

LẠNG SƠN

Vị trí Lạng Sơn trên bản đồ Việt Nam

còn gọi là xứ Lạng là một tỉnh ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Lạng Sơn có 2 cửa khẩu quốc tế: cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng huyện Cao Lộc và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị; có một cửa khẩu quốc gia: Chi Ma (Huyện Lộc Bình) và 10 lối mở biên giới góp phần tạo điều kiện cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm buôn bán thương mại quan trọng của tỉnh trong cả nước với Trung Quốc.

Đây là tỉnh biên giới có nhiều danh lam thắng cảnh, non nước hữu tình, nhiều di tích lịch sử cùng với những phong tục mang đậm bản sắc dân tộc. Tỉnh có di tích văn hóa khảo cổ Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha. Nhiều danh thắng đã đi vào thơ ca rất tự nhiên trong lòng người dân Việt Nam

Bạn có biết: Lạng Sơn là 1 trong 2 tỉnh thành có cửa khẩu đường sắt tại Việt Nam. Nếu xuất cảnh qua đây, hộ chiếu của bạn sẽ được đóng dấu với hình đoàn tàu hỏa.

  • Diện tích: 8.320,8 km²
  • Dân số: 751.200 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố và 10 huyện
  • Mã điện thoại: 205
  • Biển số xe: 12