Kinh nghiệm du lịch Tây Giang, Quảng Nam

Kinh nghiệm du lịch Tây Giang, Quảng Nam (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Là một huyện vùng cao giáp Lào của tỉnh Quảng Nam, Tây Giang không thực sự được nhiều du khách biết đến dù nơi này cách Hội An và Đà Nẵng chỉ hơn 110km. Du lịch Tây Giang được xác định chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Du lịch văn hóa cộng đồng, sinh thái, leo núi, lịch sử và nghỉ dưỡng, từ đó có hướng phấn đấu xây dựng Tây Giang sau này trở thành một trong những vùng du lịch phía Tây của đất Quảng và khu vực, tạo cho được thương hiệu Tây Giang trên thị trường.

Tây Giang được ví như một Đà Lạt của Quảng Nam (Ảnh – leduongtri)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả leduongtri, suulee251, sinnguyenphotography, tandattho, Cuong Le Jack, jonnyrouse7, Nhân Nguyễn, hoang dieu vo thanh, HuyHoang Vu, Briu Quan, huyvietnamhoc, Dương Văn Trường, Cảnh Nguyễn, Nguyễn Đại Tuấn, Nam Hải, Trà Lee, Thanh Lưu Phan, Đài Trang, FB Tây Giang – Hành trình khám phá, Khánh Hiền, Thiện Phan, Khánh Loan, vii.yoo nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Tây Giang

Với khí hậu mát mẻ, Tây Giang là một điểm đến hấp dẫn của Quảng Nam (Ảnh – suulee251)

Tây Giang là một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Phía tây giáp Lào, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía đông giáp huyện Đông Giang, phía nam giáp huyện Nam Giang cùng tỉnh. Tây Giang được thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 2003 trên cơ sở tách huyện Hiên tỉnh Quảng Nam thành huyện Đông Giang và Tây Giang.

Tây Giang cách Thành phố Đà Nẵng khoảng 120km về phía tây bắc, nằm trên trục đường 14G, có đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của người Cơ Tu. Đồng bào Cơ tu nơi đây là một trong số ít dân tộc thiểu số ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên còn bảo lưu được những nét đẹp nguyên gốc của văn hóa truyền thống.

Hiện nay, huyện miền núi Tây Giang không chỉ có những khu rừng nguyên sinh và nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cơ Tu. Người dân vẫn còn giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ… của dân tộc mình. Ðây là những tiềm năng lớn cho phát triển du lịch ở địa phương.

Du lịch Tây Giang vào thời gian nào?

Hoa đào Tây Giang (Ảnh – sinnguyenphotography)

Với diện tích rừng nguyên sinh rộng lớn và vị trí đặc thù, độ cao trên 1.580m, khí hậu quanh năm mát mẻ, Tây Giang được ví như Đà Lạt ở miền Trung. Mùa hè, nhiệt độ xuống thấp hơn các vùng đồng bằng miền xuôi từ 8 – 10ºC, mỗi sáng sớm hoặc chiều muộn núi rừng luôn được bao phủ bởi một lớp sương mù nhẹ. Các bạn có thể đến Tây Giang vào mùa hè để tận hưởng khí hậu mát dịu nơi đây, tránh thời điểm mùa mưa (thường vào dịp cuối năm) vì lúc này đường xá không thuận lợi, đôi khi khá nguy hiểm.

Hướng dẫn đi tới Tây Giang

Từ Đà Nẵng, các bạn có thể tới Tây Giang khá thuận lợi với quãng đường vào khoảng 150km (Ảnh – tandattho)

Để tới được Tây Giang, trước hết các bạn cần có mặt tại Quảng Nam đã nhé. Thường các bạn có thể kết hợp một chuyến du lịch phố cổ Hội An hoặc nghỉ mát ở thành phố biển Đà Nẵng, còn thời gian có thể sắp xếp khám phá Tây Giang.

Hướng dẫn đi tới Quảng Nam

Ô tô giường nằm

Từ Hà Nội và Sài Gòn (cũng như các địa điểm du lịch nổi tiếng dọc 2 đầu đất nước khác) đều có các tuyến xe chất lượng cao, xe giường nằm đi Quảng Nam. Nếu không ngại không gian chật chội, thời gian lâu và lại muốn tiết kiệm chi phí đi lại thì các bạn có thể chọn phương án này. Không phải chuyển đi chuyển lại giữa các loại hình phương tiện khác nhau.

Máy bay

Sân bay Chu Lai nằm ở huyện Núi Thành (Ảnh – Cuong Le Jack)

Quảng Nam hiện tại có sân bay Chu Lai, là sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam và đang được quy hoạch để trở thành Cảng hàng không Quốc tế.  Các hãng hàng không trong nước hiện đều có các đường bay thẳng đến Chu Lai với tần suất hàng ngày. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế của chuyến đi các bạn có thể chọn bay tới Chu Lai nếu có kế hoạch du lịch Tam Kỳ, Tam Thanh bởi khoảng cách từ các địa điểm này tới Chu Lai khá gần. Nếu chỉ có kế hoạch đi Hội An, các bạn có thể lựa chọn sân bay Đà Nẵng để thuận lợi hơn về mặt di chuyển.

Tàu hỏa

Tương tự phương án đi máy bay, nếu đi tàu hỏa các bạn cũng có 2 lựa chọn là ga Đà Nẵng (30km) và ga Tam Kỳ (50km) tùy thuộc vào địa điểm định dừng lại khi tới Quảng Nam.  Các bạn từ Hà Nội và phía Bắc thì nên dừng ở ga Đà Nẵng nếu đi Hội An, các bạn từ Sài Gòn và phía Nam thì dù có kế hoạch đi đâu thì cũng nên dừng ở ga Tam Kỳ để đỡ tốn thời gian trong việc di chuyển.

Từ Hà Nội hàng ngày có 6 chuyến tàu đi Đà Nẵng là SE1, SE3, SE5, SE7, SE9, SE19. Xét về khía cạnh hợp lý trong việc thời gian di chuyển, các bạn có thể quan tâm tới chuyến tàu SE1 (đi từ Hà Nội 22h20 đến Đà Nẵng 13h25) SE3 (đi từ Hà Nội 19h30 đến Đà Nẵng 11h05) hoặc SE19 (đi từ Hà Nội 20h10 đến Đà Nẵng 12h20)

Từ Sài Gòn hàng ngày có 5 chuyến tàu đi Tam Kỳ là SE2, SE4, SE8, SE10 và SE22. Tương tự, các chuyến tàu đến Tam Kỳ vào ban ngày là SE2 (đi từ Sài Gòn 21h55 đến Tam Kỳ 12h24) SE4 (đi từ Sài Gòn 19h45 và đến Tam Kỳ lúc 11h08) và SE22 (đi từ Sài Gòn 14h40 và đến Tam Kỳ lúc 8h12)

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 3/2024)

Từ Quảng Nam đi Tây Giang

Phương tiện công cộng

Hiện tại từ Đà Nẵng hoặc Tam Kỳ có một số tuyến xe buýt của tư nhân có tuyến đường lên Tây Giang, đa phần các xe đều dừng ở bến xe Tây Giang, nếu muốn di chuyển tiếp tới các địa điểm khác các bạn cần thuê người dân trên đó chở đi.

QUỲNH NHƯ

  • Lịch trình: Đà Nẵng – Tây Giang
  • Giờ xuất bến: Đà Nẵng 6h00, 12h00 – Tây Giang 6h00,11h00
  • Điện thoại: 0905 123 709

QUỲNH TRANG

  • Lịch trình: Đà Nẵng – Tây Giang và Tam Kỳ – Tây Giang
  • Giờ xuất bến tuyến chạy từ Đà Nẵng : Đà Nẵng 6h00,12h00 – Tây Giang 6h00,11h00
  • Giờ xuất bến chuyến chạy từ Tam Kỳ: Tam Kỳ 5h30,12h30 – Tây Giang 6h45,11h30
  • Điện thoại: 0905 900 575 – 0905 900 585

HỢP TÁC XÃ DVHT VTĐB QUẬN LIÊN CHIỂU

  • Lịch trình: Đà Nẵng – Tây Giang
  • Giờ xuất bến: 7h00, 12h00
  • Điện thoại:0905 608 261
Phương tiện cá nhân

Đối với một số bạn ở một số vùng của tỉnh Quảng Nam và Tp Đà Nẵng, các bạn có thể đi bằng phương tiện cá nhân của riêng mình để tới Tây Giang theo đường Quốc lộ 14G (trước kia là DT 604), nếu từ Đà Nẵng sẽ đi khoảng hơn 100km để tới Tây Giang.

Lưu trú ở Tây Giang

Các bạn có thể nghỉ tại Làng truyền thống Cơ Tu hoặc Đỉnh Quế khi đến với Tây Giang (Ảnh – jonnyrouse7)

Với địa hình hiểm trở, đường xá xa xôi nên ở Tây Giang các dịch vụ lưu trú chưa thực sự được đầu tư một cách bài bản để phục vụ du lịch. Các bạn đến với Tây Giang có thể lưu trú tại ngay trung tâm huyện là Làng truyền thống Cơ Tu, nơi đây là địa điểm được bảo tồn để gìn giữ văn hóa, cũng như đón khách du lịch. Đỉnh Quế cũng là nơi các bạn có thể lựa chọn để lưu trú dưới dạng hình thức homestay, liên hệ  số điện thoại 0974 289 777 gặp chú Hạnh để đặt phòng và đặt chuẩn bị đồ ăn nhé.

Xem thêm bài viết: Các địa chỉ lưu trú ở Tây Giang, Quảng Nam (Cập nhật 3/2024)

Các địa điểm du lịch ở Tây Giang

Sở hữu hệ sinh thái rừng hoang sơ, quyến rũ như rừng cây pơ mu, đỗ quyên, rừng lim cổ thụ…, Tây Giang đang từng bước đưa vào khai thác du lịch. Trong đó, hơn 50ha rừng đỗ quyên được xem là điểm nhấn với lễ hội hoa đỗ quyên định kỳ được tổ chức. Không chỉ có ưu thế về thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, Tây Giang cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa tộc người Cơ Tu. Đây là yếu tố để địa phương này ưu tiên đầu tư loại hình du lịch cộng đồng sinh thái phù hợp với đặc thù văn hóa bản làng vùng cao.

Làng truyền thống Cơ tu Tây Giang

Làng truyền thống của người Cơ Tu ở Tây Giang (Ảnh – Nhân Nguyễn)

Năm 2006, huyện Tây Giang tách ra từ huyện Hiên. Để bảo tồn nhà truyền thống của đồng bào Cơ Tu, lãnh đạo huyện Tây Giang đã dành một khu đất rộng 2ha xây dựng một khu bảo tồn. Khu nhà truyền thống được xây dựng 10 nhà sàn của 10 xã trên địa bàn huyện. Mỗi xã là một ngôi nhà với sắc thái riêng xuất phát từ văn hóa làng nhằm duy trì bảo tồn nhà sàn, giáo dục cho con cháu trong cộng đồng đồng bào Cơ Tu. Ngoài ra, tại khu làng này còn xây dựng một nhà dài, một Gươl và một nhà mồ kiểu mẫu của đồng bào Cơ Tu để phục vụ công tác bảo tồn và đón khách du lịch thập phương.

Đỉnh Quế

Biển mây nhìn từ Đỉnh Quế, Tây Giang (Ảnh – hoang dieu vo thanh)

Đỉnh Quế được xem là đỉnh núi đẹp nhất Quảng Nam với độ cao 1369m so với mực nước biển, bởi vậy nơi đây dường như quanh năm đều có mây mù bao phủ. Trải qua cả hàng trăm cây số đường đèo, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh đẹp đến mê hồn. Đó là cả một “biển mây” trắng xóa dưới ánh bình minh hay hoàng hôn, có khi lại là một khung cảnh thoáng đãng với những đám mây lững lờ trôi, mở ra cả một không gian núi rừng hùng vĩ. Đứng ở Đỉnh Quế, bạn sẽ cảm thấy dường như chỉ cần vươn tay ra là có thể chạm đến mây, đến trời.

Thôn Pơr’ning

Một lễ hội của người dân xã Lăng, Tây Giang (Ảnh – HuyHoang Vu)

Bản (thôn) Pơr’ning thuộc xã Lăng, có hơn 90 hộ dân, phần lớn là người dân tộc Cơ Tu. Bản Pơr’ning được du khách thập phương biết đến bởi còn là cái nôi lưu giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc Cơ Tu nơi phía Tây xứ Quảng. Năm 2006, bản Pơr’ning được huyện chọn làm điểm làng văn hóa tiêu biểu để dựng và làm phim tư liệu về văn hóa làng người Cơ Tu. Hàng năm, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở đây cũng được Pơr’ning trú trọng phát triển. Đội văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền, bắn nỏ, điêu khắc của bản năm nào tham gia hội thi ở cấp xã, huyện, tỉnh cũng gặt hái nhiều thành tích cao.

Thôn Tà Vàng

Thôn Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang) nằm ngay ven đường Azứt – Lăng, cách trung tâm xã A Tiêng khoảng 700m về phía Tây nam bắt đầu được xem là “góc phố giữa rừng. Do có hệ thống đường xá đi vào khá thuận tiện, đây là địa chỉ được nhiều hướng dẫn viên lựa chọn khi khách có nhu cầu ghé thăm các thôn, làng dân tộc sống ven đường Hồ Chí Minh.

Rừng nguyên sinh Pơmu

Cách đỉnh Quế 10km đường nhựa là khu rừng nguyên sinh Pơ mu, trong đó có 725 cây Pơ mu vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Chinh phục rừng di sản Pơ mu chính là thách thức đầy hấp dẫn cho bất kỳ du khách nào. Giữa không gian rộng lớn của núi rừng, của những thân cây to đến vài vòng tay, cao ngút ngàn, phủ đầy rêu mốc, con người bỗng trở nên bé nhỏ. Ngoài ra, còn hàng loạt tầng sinh thái gồm các cây gỗ và dược liệu quý như dổi, sến… chưa từng được khai thác.

Địa đạo Axòo

Trong lòng địa đạo nhìn ra (Ảnh – Briu Quan)

Được xây dựng từ những năm 1965 – 1970, địa đạo với 05 khu gồm: Địa đạo đồi Abuôl ở thôn Acấp; địa đạo Tâm Abóc thuộc thôn Arớt; địa đạo Bhnơm, địa đạo đồi Lbơơi thuộc thôn Axòo và địa đạo Chrun của thôn Anoonh.Trong đó, địa đạo Bhnơm được đào theo hình chữ Z, chiều dài hơn 70km ngoằn ngoèo nằm sâu trong lòng núi. Đây là nơi còn lại nguyên 12km đường Trường Sơn huyền thoại với bóng cây rừng che mát lối đi vào địa đạo.

Ruộng bậc thang Chuôr

Ruộng bậc thang Chuôr ở Tây Giang (Ảnh – huyvietnamhoc)

Ruộng bậc thang Chuôr nằm gọn trong một thung lũng thuộc 3 thôn Arầng 1, Arầng 2 và Arầng 3, xã AXan, nằm trên tuyến đường từ xã AXan đi xã Ch’Om. Những thửa ruộng bậc thang này có từ hàng trăm năm nay giống như những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn mềm mại và đều do những đôi bàn tay cần mẫn của người Cơ Tu vùng biên này kiến tạo nên.

Ruộng bậc thang Chuôr của người Cơ Tu vùng cao AXan này là tri thức dân gian của đồng bào dân tộc Cơ Tu từ bao đời, là kết quả của phương thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa nhất mà tổ tiên, ông bà người Cơ Tu đã để lại cho thế hệ sau này. Mỗi mùa thu hoạch lúa là mùa lễ hội mừng lúa mới để đồng bào tưởng nhớ đến công ơn của thần linh, giàng, đã giúp đỡ dân làng có được mùa thu hoạch bội thu và no đủ, thông qua các nghi thức cúng tế rất linh thiêng và trang nghiêm.

Làng gốm Kanoon

Sản phẩm gốm truyền thống của người dân Cơ Tu ở AXan (Ảnh – Dương Văn Trường)

Kanoon là làng gốm nổi tiếng thuộc xã AXan,  Tây Giang – một xã biên giới giáp với nước bạn Lào với 100% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Đặc biệt hơn, khi làm gốm, các nghệ nhân Cơ Tu không dùng bàn xoay mà vận dụng đôi bàn tay khéo léo của mình để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt và trao đổi với các dân tộc khác trong vùng. Đây cũng là xứ sở của nghề làm gốm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu đã có từ rất lâu đời giữa đại ngàn Trường Sơn bao la, hùng vĩ này.

Thác R’Cung

Thác R’Cung (Ảnh – Cảnh Nguyễn)

Tây Giang sở hữu nhiều thác nước tự nhiên rất đẹp, thu hút khách đến chiêm ngưỡng và tắm mát trong đó có thác R’cung tại xã Bhalêê.

Đông Giang

Trên hành trình đến với Tây Giang, các bạn sẽ đi qua Đông Giang, cũng là một trong những địa điểm rất thú vị khi đến Quảng Nam. Nếu có đủ thời gian, đừng bỏ qua những địa điểm này nhé.

Thôn Bhơ Hôồng I

Thôn Bhơ Hôồng I (Ảnh – Nguyễn Đại Tuấn)

Thôn nằm cách trung tâm huyện Đông Giang 17km thuộc xã Sông Kôn. Đây là thôn văn hóa còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu trên vùng núi Đông Giang với những điệu nói lý – hát lý, múa tân tung da dá, đan lát nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thưởng thức những món ăn do người Cơ Tu chế biến.

Ngoài tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng, thôn Bhơ Hôồng I còn có khe suối nước nóng thích hợp cho việc kết hợp du lịch nghỉ dưỡng của du khách. Ngoài ra khách du lịch có thể đi bộ xung quanh làng, tham gia các trò chơi dân gian như thi bán nỏ, tham gia đá bóng với thiếu nhi thôn…

Thôn Đhrôồng

Lễ hội đâm trâu truyền thống của người dân ở thôn Đhrôồng (Ảnh – Nam Hải)

Thôn Đhrôồng nằm cách trung tâm huyện 7km. Ở đây vẫn còn giữ những nét văn hoá đặc sắc của người Cơ Tu như chế biến được món ăn, nước uống truyền thống, vẫn còn giữ được nhiều nhà sàn, múa tân tung, da dá, dệt thổ cẩm, đan lát. Ngoài ra còn có thể thăm quan xung quanh làng, đi bộ thăm thác RaMê tuyệt đẹp.

Đồi chè Đông Giang

Đồi chè Đông Giang không quá xa Đà Nẵng (Ảnh – Trà Lee)

Những đồi chè này thuộc Nông trường quốc doanh Quyết Thắng nằm cách Đà Nẵng khoảng 1 giờ chạy xe máy và sát ngay quốc lộ 14B. Vùng đất này có không khí trong lành và nhiều mưa nên những cây chè cứ thế phát triển tươi tốt hàng chục năm qua.

Cổng trời Đông Giang

Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp ở cổng trời Đông Giang (Ảnh – Thanh Lưu Phan)

“Cổng trời” hay “Hang Gợp” là cái tên theo cách gọi của người dân tại thôn Kà Đâu (xã Kà Dăng, huyện Đông Giang). Nơi đây bao gồm một vòm núi đá vôi khổng lồ nối hai đỉnh đồi tạo thành cái vòm hay cái cổng. Từ cổng trời đi bộ vào bên trong khoảng 30 phút có một hang động gồm nhiều bộng hang lớn nhỏ do những dòng nước chảy hàng ngàn năm tạo thành với nhiều nhũ hoa đẹp mắt, và nơi đây cũng có rất nhiều gềnh thác, suối mát… rất ít người biết tới.

Món ăn ngon và đặc sản Tây Giang

Người Cơ Tu Tây Giang nói riêng, dân tộc Cơ Tu nói chung có cả kho tàng văn hóa về Ẩm thực truyền thống rất phong phú và đa dạng. Với nguyên liệu chủ yếu từ hoa, trái, rau rừng, gạo, sắn, bắp rẫy, ớt, tiêu rừng hay những thức ăn thơm ngon giàu chất dinh dưỡng như thịt rừng phơi khô, sóc khô, cá liêng khô,…Đến đây không thể bỏ qua những món ăn đặc sản mang đậm hương vị núi rừng như: cơm lam, thịt heo muối chua, thịt xông khói, bánh sừng trâu, rau rừng, cá suối,…rất mộc mạc nhưng rất ngon. Mùi vị của muối ớt tiêu rừng thơm phức, cay nồng hòa quyện trong từng món ăn tạo nên một dư vị rất đặc trưng khiến người ta nhớ mãi.

Cơm lam

Món cơm lam (a ví hor) trong ngày Tết thường chọn hạt gạo lúa thơm truyền thống của chính đồng bào Cơ Tu gieo trồng nên (Ảnh – Đài Trang)

Đây đơn giản là món cơm được nướng bằng ống tre, có lẽ xuất xứ của nó từ hồi chưa có công cụ sắt, nhôm, đồng hay trong quá trình lao động sản xuất trên nương rẫy… khi đó đồng bào dùng ống tre, ống lồ ô, ống nứa thay nồi. Để làm được một ống cơm lam ngon phải rất kỳ công tỷ mĩ, từ cách chọn tre sao cho không cụt ngọn, tre không non quá, cũng không già quá, vì già quá tre không có nước, cơm sẽ khô, còn non quá nuớc nhiều, cơm nhão. Ống tre sau khi chặt xong phải rửa lại bằng nước suối cho sạch sẽ và chọn thêm một vài lá chuối non để làm nắp đậy. Trước khi nấu cơm lam, đồng bào thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào từng ống một, lấy lá chuối non nút lại thật chặt và đặt trên bếp lửa đang cháy to. Ngồi bên bếp lửa, cầm ống nứa trở qua trở lại thì ống nứa bắt đầu sôi lên và chín dần. Sức nóng của lửa làm cho hơi nước sôi lên toả mùi thơm ngát. Trước khi mang ra đãi khách, các ống cơm lam đều được chẻ bỏ bớt phần cật nứa bên ngoài cho sạch, chỉ để lại phần lõi bên trong. Khi ăn, bóc làm sao để vẫn giữ được lớp vỏ lụa trắng mỏng manh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của món này.

Thịt nướng ống

Theo đồng bào Cơ Tu nơi đây có rất nhiều cách nướng thịt, những chung quy lại thì có hai kiểu nướng thịt, đối với các loại thịt như gà, sóc, chuột… thì nướng trực tiếp trên bếp than củi nguyên con bằng cách mổ phanh ra, dùng 3 que tre xiên theo hình rẽ quạt rồi cắm dựng bên bếp than, khi chín ăn đến đâu xé đến đấy. Đối với thịt lợn, bò, hay các món thịt từ rừng như heo rừng, nai, sơn dương, hay thịt ếch, cá… thì thái miếng ướp gia vị rồi nhồi vào ống tre, nút bằng ruột lõi cây chuối, dựng quanh bếp than củi.

Ếch đá xào

Món ếch đá nấu với muối ớt tiêu rừng của người Cơ tu Tây Giang (Ảnh – FB Tây Giang – Hành trình khám phá)

Để chế biến món này, trước hết, ếch núi trụng nước sôi cạo sạch nhớt, mổ bụng lấy gan, trứng rửa sạch. Thịt chặt miếng nhỏ để vào rổ thưa cho ráo nước. Kế đến, ướp gia vị, tiêu, tỏi, nghệ tươi, bột ngọt, ít muối ăn, tí nước mắm ngon. Khử tỏi, sả với dầu ăn cho thơm rồi cho thịt ếch vào xào.

Món Rạ (z’ră)

Món rạ chế biến từ các loại thịt rừng từ cá, ếch núi nướng ống tre (Ảnh – Khánh Hiền)

Rạ, dịch ra tiếng kinh có nghĩa là: “đâm, chọc”. Bởi nguyên liệu trước khi được nấu trong ống nứa đã được người ta lấy đoạn dây mây (adương) có gai mà đâm trong ống cho các “nguyên liệu” nhừ nát, hòa quyện vào nhau. Hầu hết các loại thịt, cá cùng một số rau quả được trồng ngay tại địa phương là những nguyên liệu thích hợp để làm món rạ này. Ngon nhất, là món rạ được làm bằng cá niên khô với rau, cà tím, cà chua, lá kiệu, ớt, nõn cây apuung (gần giống như cây thảo quả), măng tươi, hạt tiêu rừng (amất), muối, mì chính… Thịt cá niên khô vừa béo, ngọt, thơm, cùng với vị đắng rất ấn tượng của phần ruột trong quả cà sẽ tạo nên một loại súp đặc chứa đầy các loại hương vị nói trên. Tiếp đến là rạ được làm bằng các loại thịt rừng khô như: sóc, chồn, heo rừng, mang, nai… với lá môn dắc. Tuy, không nhuyễn sệt như cà tím, nhưng qua công đoạn đâm giã, lá của loại môn dại này vẫn khá nhuyễn. Ngoài ra, còn có loại được làm bằng thịt ếch khô hay tươi (nếu để nguyên con phải băm nhuyễn) với ruột cây apuung, lá kiệu, ớt. Mùi thơm của loại cây dược liệu này cùng với vị cay của ớt, tiêu sẽ khử được mùi tanh của thịt ếch.

Món ăn từ mối

Ai từng ghé thăm đồng bào Cơ Tu trên đỉnh Trường Sơn miền Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang vào mùa hè, chắc hẳn sẽ không quên được món đặc sản vô cùng độc đáo: mối cánh. Mối đất là một loài côn trùng, sống theo đàn, cánh mỏng, thân dài khoảng hơn 1 cm, bụng lớn bằng sợi bún, có viền đen quanh thân màu vàng nâu. Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 Âm lịch nhưng bắt mối nhiều nhất là vào tháng 4, khi những cơn mưa giông đầu mùa đổ về. Hằng năm, khi cơn mưa đầu hạ vừa trút xuống, mối từ những ụ đất bay ra, mối đực tìm mối cái giao phối sau đó chui vào tổ sinh nở. Đây là thời điểm thích hợp để bắt mối đất.

Sau khi kết thúc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa nhẹ nhàng mối nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước. Chắc hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi biết, mối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: mối hấp, mối nấu với lá bép, cà đắng, thậm chí bà con còn giã nhuyễn để nấu với bí ngô và bí đao. Mối đất chiên giòn là món ăn ngon miệng, hấp dẫn đối với đồng bào Cơ Tu. Người ta bắc chảo, phi dầu cùng hành tỏi thơm phức rồi trút mối vào. Vài phút sau, nêm một ít nước mắm, tiêu bột, chút đường, tạo thành một mùi thơm nức mũi. Nếu muốn cầu kỳ hơn chút xíu, thì pha một tô bột, nhúng từng con mối rồi thả vào chảo dầu đang sôi, chờ bột vàng rụm là vớt ra.

Bánh cuốt của người Cơ Tu

Người Cơ Tu gọi bánh này là Avị cuốt, bánh đót hoặc bánh sừng trâu (Ảnh – Thiện Phan)

Trong số các món ăn của đồng bào Cơ Tu vùng núi tỉnh Quảng Nam thì bánh cuốt là loại rất phổ biến, được bà con dùng khi có tiệc tùng đãi khách, lễ hội, mừng lúa mới hoặc khi đi xa…Người Cơ Tu gọi bánh này là Avị cuốt, bánh đót hoặc bánh sừng trâu… Gọi bánh đót bởi nó được gói bằng lá đót rừng, còn bánh sừng vì nhìn xa, hình dạng của bánh cuốt giống cái sừng của con trâu.

Rượu Tà-vạt

Rượu Tà Vạt được lấy từ trên cây xuống đãi khách (Ảnh – Khánh Loan)

Đây là loại rượu có một không hai ở vùng này, được đồng bào Cơtu chế biến từ một loại cây rừng (hay còn gọi là cây đoát) uống rất ngon và bổ dưỡng.

Lịch trình du lịch Tây Giang

Đến Tây Giang, có thể kết hợp khám phá Đông Giang bởi 2 địa điểm này cùng nằm trên một trục đường 14G (Ảnh – vii.yoo)

Lịch trình được thiết kế xuất phát từ Đà Nẵng, các bạn ở những địa điểm khác có thể chiều chỉnh lộ trình tùy thuộc vào nơi bắt đầu đi của mình nhé.

Ngày 1: Đà Nẵng – Đồi chè Đông Giang – Cổng Trời – Đỉnh Quế

6h khởi hành đi Đông Giang theo hướng Quốc lộ 14G. Trên đường đi có thể khám phá thêm một số địa điểm du lịch Đà Nẵng nổi tiếng như Ngầm đôi Hòa Phú Thành, Suối Hoa, Làng Tống Cói. Hành trình các bạn cũng sẽ phải vượt qua Dốc Kiền (theo tiếng Cơ Tu nghĩa là dốc cao đến Trời).

Khoảng hơn 1h sẽ đến Đồi chè Quyết Thắng, đây là đồi chè lớn nhất miền Trung nhé các bạn. Sau khi tham quan và chụp ảnh ở đây, các bạn tiếp tục di chuyển tới trung tâm Đông Giang, trên đường đi có thể dừng nghỉ ăn uống ở địa điểm phù hợp.

Tiếp tục đi về phí thị trấn Prao, trung tâm huyện Đông Giang rồi hỏi đường đi Cổng trời Đông Giang (hoặc search Google Maps), địa điểm này cách trung tâm khoảng gần 30km.

Sau khi khám phá Cổng Trời, quay lại hướng trung tâm rồi đi theo QL14 để tiếp tục di chuyển tới Đỉnh Quế, Tây Giang. Tối ăn uống và nghỉ ngơi tại đây.

Ngày 2: Tây Giang – Thác R’Cung – Đà Nẵng

Sáng dậy thoải mái chụp ảnh, khám phá Đỉnh Quế, cảm nhận không khí mát mẻ trong lành tại đây. Từ Đỉnh Quế quay ngược lại trung tâm huyện Tây Giang, khám phá và tham quan Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang.

Tiếp tục từ đây đi Thác R’Cung, địa đạo Axòo rồi quay ngược QL14G về Đà Nẵng, kết thúc hành trình.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Tây Giang 2024
  • du lịch Tây Giang tháng 3
  • tháng 3 Tây Giang có gì đẹp
  • review Tây Giang
  • hướng dẫn đi Tây Giang tự túc
  • ăn gì ở Tây Giang
  • phượt Tây Giang bằng xe máy
  • Tây Giang ở đâu
  • đường đi tới Tây Giang
  • chơi gì ở Tây Giang
  • đi Tây Giang mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Tây Giang
  • homestay giá rẻ Tây Giang
4.5/5 - (8 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Quảng Nam

QUẢNG NAM

Vị trí Quảng Nam trên bản đồ Việt Nam

Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là “Quảng Nôm”, là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi của tỉnh có nghĩa là mở rộng về phương Nam. Quảng Nam đứng thứ 6 về diện tích, thứ 19 về dân số trong số 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mật độ dân số là 173 người/km² (đứng thứ 42/63) so với 277 người/km² của cả nước. Năm 2008, đây cũng là tỉnh đầu tiên của duyên hải Nam Trung Bộ có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Tam Kỳ, Hội An).

Bạn có biết: Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.

  • Diện tích: 10.438,4 km²
  • Dân số: 1.802.000 người
  • Vùng: Nam Trung Bộ
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 15 huyện
  • Mã điện thoại: 235