Kinh nghiệm du lịch Bãi Lữ, Nghệ An

Kinh nghiệm du lịch Bãi Lữ, Nghệ An (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Đến với du lịch biển Nghệ An, du khách thường chỉ biết đến một Cửa Lò náo nhiệt, đông đúc chứ không nhiều người biết đến Nghệ An còn có những bãi biển khác yên bình và bớt ồn ào hơn rất nhiều, Bãi Lữ là một trong những bãi biển như vậy. Khu du lịch Bãi Lữ là một địa điểm khá thú vị bởi hội tụ đủ cả biển và núi rừng, là nơi lý tưởng để du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên.

Bãi Lữ, một bãi biển đẹp ở Nghệ An (Ảnh – tapongjoy)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả tapongjoy, Trọng Bằng, alice.ngg, vn151502510, nguyenthao_ss, hoaihim79, mone_pillow, lehang268, Thach Nguyen, _quinhhhh_, toanco_k32 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Bãi Lữ

Bãi Lữ là một địa điểm du lịch rất hấp dẫn với cả biển và núi rừng (Ảnh – Trọng Bằng)

Bãi Lữ có diện tích gần 160 ha, nằm ở phía Đông Bắc của huyện Nghi Lộc, thuộc địa phận của 2 xã Nghi Yên và Nghi Tiến. Khác với một Cửa Lò sống động và náo nhiệt, Bãi Lữ yên bình và giản dị. Nơi đây, một vùng biển và núi rừng pha quyện “núi xen biển, biển xen mây trời” yên tĩnh với những truyền thuyết ly kỳ, làm rung động lòng người. Vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn của vùng đất nhiều huyền thoại đã tạo nên một sự cuốn hút đến kỳ lạ. Khung cảnh Bãi Lữ, nơi biển khơi ăn sâu vào đất liền, nơi núi và biển gặp nhau tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ khó tả. Bãi cát dài, nước biển xanh, những con sóng ở đây cũng “dịu dàng, mềm mại, e ấp như người thiếu nữ” chỉ nhẹ nhàng gối lên nhau đùa giỡn tạo nên những âm thanh du dương, êm đềm..

Bãi Lữ được ví như Đà Lạt của Nghệ An, sở dĩ có sự ví von như vậy bởi Bãi Lữ sở hữu bạt ngàn rặng thông vươn mình ra biển lớn. Từ xa, Bãi Lữ hiện ra với dải cát vàng uốn lượn ôm lấy biển, một bên là làn nước in màu trời lấp lánh, một bên là màu xanh mát rượi của những rặng thông gió thổi vi vu. Dạo bước dưới tán lá kim giữa những ngày oi nóng khiến lữ khách dừng chân Bãi Lữ không khỏi liên tưởng đến Đà Lạt giữa bốn về biển cả mênh mông.

Nên du lịch Bãi Lữ vào mùa nào?

Cũng như Cửa Lò, nên đi du lịch Bãi Lữ vào mùa hè để thoải mái tắm biển (Ảnh – alice.ngg)

Nhiệt độ khu vực biển Bãi Lữ nói chung và Nghệ An nói riêng tương đối cao vào mùa hè, thời điểm nắng nóng là ác mộng với người dân miền Trung. Đây cũng lại là thời điểm những cơn bão từ biển Đông có thể độ bộ bất ngờ, gây ra những hiện tượng thời tiết xấu. Chính vì vậy

  • Thích hợp nhất để đi du lịch Bãi Lữ vẫn là vào mùa hè, tuy nhiên nếu đi khoảng tháng 4-5 thời tiết sẽ tương đối dễ chịu hơn bởi lúc này chưa quá nóng. Đến khoảng tháng 7-8, nhiệt độ miền Trung tăng lên rất cao, nếu đi đợt này sẽ khá mệt.
  • Khoảng tháng 9 đến tháng 11, thời tiết lúc này dịu mát (chưa quá lạnh nhưng cũng không còn quá nắng nóng gay gắt) và vẫn có thể tắm biển được, tất nhiên không thích bằng mùa hè. Nếu không quá quan trọng việc tắm biển, các bạn có thể đi du lịch Cửa Lò dịp này rồi tiện thể ghé qua Bãi Lữ.

Hướng dẫn đi tới Bãi Lữ

Từ Hà Nội đến Bãi Lữ vào khoảng 270km, với quãng đường này thì thời gian di chuyển sẽ vào khoảng 6-7 tiếng.

Phương tiện đường bộ

Nếu sử dụng phương tiện cá nhân, các bạn có thể kết hợp du lịch Bãi Lữ cùng với du lịch Cửa Lò bởi 2 địa điểm này nằm không quá xa nhau, mỗi nơi có thể ở một đêm để thay đổi không khí.

Nếu sử dụng phương tiện công cộng, các tuyến xe khách đi Nghệ An hay xe khách Hà Tĩnh nếu đi trên đường 1A sẽ đều đi qua đường rẽ vào Bãi Lữ. Từ ngoài QL1A này vào đến Bãi Lữ khoảng 5km, các bạn có thể đi taxi hoặc xe ôm tùy theo số người trong nhóm bạn.

Phương tiện đường sắt

Đi Bãi Lữ bằng tàu hỏa, các bạn sẽ dừng ga Vinh rồi tiếp tục di chuyển (Ảnh – vn151502510)

Nếu muốn sử dụng phương tiện đường sắt, các bạn sẽ di chuyển từ Hà Nội đến Tp Vinh rồi từ đây sử dụng thêm một phương tiện khác để đến được Bãi Lữ.

Các chuyến tàu đi Vinh xuất phát từ ga Hà Nội, thời gian đi khoảng 6 tiếng. Để đến Vinh các bạn có thể đi các chuyến tàu Thống Nhất, tàu đi Đà Nẵng, tàu đi Quảng Bình. Phù hợp nhất là đi các chuyến tàu SE5, SE7 và SE11 bởi các chuyến tàu này xuất phát từ Hà Nội vào buổi sáng, đến khoảng đầu giờ chiều sẽ có mặt ở Vinh.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa 2024

Đi từ Ga Vinh đến Bãi Lữ

Từ ga Vinh đến Bãi Lữ khoảng 30km, hiện không có phương tiện công cộng nào tới đây nên nếu sử dụng đường sắt, các bạn nên thuê một chuyến taxi từ ga Vinh đến Bãi Lữ với giá khoảng 300-350k.

Phương tiện đường không

Sân bay quốc tế Vinh (Ảnh – nguyenthao_ss)

Đến Vinh bằng đường không sẽ phù hợp cho các bạn từ Sài Gòn và các tỉnh phía trong (do khoảng cách Hà Nội – Vinh không quá dài, đi các phương tiện khác sẽ thuận lợi hơn). Từ Sài Gòn (và cả một số địa phương như Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Pleiku) đang có các đường bay thẳng tới Vinh. Tùy từng chặng sẽ do từng hãng hàng không khai thác, nhưng nói chung cả 3 hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam đều có đường bay Sài Gòn – Vinh với giá rẻ nhất khoảng 4000k++ cho chặng bay khứ hồi.

Khách sạn ở Bãi Lữ

Hiện chỉ có Bãi Lữ Resort là địa chỉ lưu trú duy nhất ở đây (Ảnh – hoaihim79)

Khu vực Bãi Lữ hiện nay chỉ có duy nhất Bãi Lữ resort, nếu các bạn không ngại vấn đề giá phòng có thể đặt phòng ở đây để nghỉ ngơi và thư giãn. Giá phòng thường dao động từ khoảng 1,7tr -4tr vào mùa cao điểm, vào mùa thấp điểm thường giá phòng sẽ được giảm đến 50%.

Nhưng nếu như điều kiện tài chính không dư dả, các bạn cũng đừng lo nhé. Các bạn có thể mua vé vào Bãi Lữ với giá 40k, miễn phí sử dụng ghế và tắm tráng nước ngọt tại bãi biển. Sau khi đã thỏa thích tắm biển, các bạn có thể tìm một vài khách sạn hoặc nhà nghỉ ở Nghi Lộc để nghỉ ngơi.

Chơi gì khi du lịch Bãi Lữ

Bãi Lữ 

Do nằm trong khu resort nên Bãi Lữ rất vắng vẻ và yên bình (Ảnh – mone_pillow)

Bãi Lữ là nơi biển khơi ăn sâu vào đất liền nên nước biển ở đây trong vắt, có thể nhìn rõ từng viên sỏi nhỏ. Theo nhiều công trình nghiên cứu, nước ở Bãi Lữ có tỷ lệ khoáng chất cao do nằm trong trầm tích của đá, biển nằm sát núi nên rất tốt cho sức khỏe. Sóng không quá lớn mà nhè nhẹ vỗ bờ, cùng với bãi cát trải dài thoai thoải, bạn có thể thoải mái chơi bóng chuyền, bóng đá ở đây. Để khi ánh chiều tà buông xuống, thư thái thả hồn theo những vòng quay xe đạp quanh Bãi Lữ mộng mơ.

Bãi biển Cửa Hiền

Bãi biển Cửa Hiền (Ảnh – lehang268)

Cửa Hiền có biển xanh và trong nhưng lại vắng vẻ đến lạ. Ở ngay bãi biển có rất nhiều hòn đá nhô lên giống như con cá biển gọi là bãi đá Ngư Hải. Đây là khu vực duy nhất của Nghệ An không có gió Tây Nam nóng bỏng vào mùa hè. Cái làm nên sự khác biệt của Cửa Hiền so với các bãi biển khác chính là phong cảnh nguyên sơ từ bãi đá, bãi cát, con đường và cả núi rừng. Dù các hàng quán ở Cửa Hiền chưa nhiều và còn mang tính dân dã của thôn quê, nhưng ở đây hải sản luôn tươi ngon và giá cả rất vừa túi tiền.

Kênh Nhà Lê

Kênh Nhà Lê đoạn qua Nghệ An (Ảnh – Thach Nguyen)

Kênh Nhà Lê là một hệ thống sông cổ được đào từ thời Vua Lê Đại Hành để vận tải quân lương về phía nam Đại Cồ Việt nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển kinh tế nông nghiệp nước nhà. Hệ thống này gồm nhiều sông được đào mới hoặc khơi vét từ các sông tự nhiên mà các triều đại phong kiến nhà Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Nguyễn và trong kháng chiến chống Mỹ đã sử dụng với mục đích giao thông, quân sự và phát triển nông nghiệp. Sông Nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và được coi là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên sông vì những đóng góp cho các cuộc chiến tranh chống xâm lược của người Việt. Hiện nay còn ít nhất 5 sông mang tên sông Nhà Lê ở 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ AnHà Tĩnh.

Từ ranh giới phía Bắc Nghệ An, thuộc địa phận thị xã Hoàng Mai, Lê Hoàn cho đào kênh Bà Hòa (thuộc xã Tân Trường, Tĩnh Gia, Thanh Hoá) theo hướng Nam, rồi men theo chân núi Xước, nối với sông Hoàng Mai và Kênh Xước. Kênh này chạy từ Sòi Trẹ (xã Quỳnh Lộc) đổ vào sông Hoàng Mai ở phía Bắc làng Ngọc Huy và gọi là Kênh Son. Từ Ngọc Huy, kênh chảy qua các xã vùng Bãi Ngang gọi là Kênh Mơ (còn gọi là kênh Mai Giang, kênh Ngọc Để) rồi đổ ra Lạch Quèn. Dòng kênh này men theo dòng nước chảy là khe Nước Lạnh, là đường ranh giới phía Nam Thanh Hoá, Bắc Nghệ An, thuộc huyện Quỳnh Lưu.

Những đoạn Kênh Nhà Lê ở Nghệ An đều nằm ở các huyện ven biển, thường mang các tên địa phương. Đoạn còn mang tên sông Nhà Lê chảy qua huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Vinh.

Biển Mũi Rồng, Nghi Thiết

Để đến được bãi biển Mũi Rồng – Nghi Thiết du khách phải đi vòng qua Nghi Quang. Rất nhiều người dân Nghệ An đến với biển để xua tan những mệt mỏi, nắng nóng ngày hè đã chọn biển Nghi Thiết thay vì đến với Cửa Lò, Cửa Hội đông đúc. Họ cho rằng biển Nghi Thiết đẹp chẳng kém Cửa Lò, nó thích hợp cho sự khám phá nghỉ dưỡng bởi ở đây có bãi cát mịn thoải, an toàn lại vắng khách, xung quanh không có hàng quán dịch vụ, nhưng nếu đi cùng một nhóm bạn thì có thể mang theo đồ ăn, tổ chức cắm trại trên bãi biển, rất thú vị.

Làng đóng tàu Trung Kiên

Cách Bãi Lữ khoảng 10km, làng đóng tàu Trung Kiên thuộc xã Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An) nổi tiếng có tuổi đời lên tới 700 năm. Tương truyền cách đây 700 năm khi Lê Lợi dẫn quân đánh giặc Minh, khi qua Kênh Nhà Lê thì không may mắc cạn, nghe tin một ngư dân chuyên đóng tàu gỗ tại làng đã nảy ra một sáng kiến, cưa đôi con tàu gỗ, quay đầu, nhấc nó ra khỏi chỗ cạn rồi đóng lại như cũ. Sáng kiến thành công, ông được tướng quân Tây Sơn trọng thưởng và phong sắc “Tiền triều minh nghị tướng quân”. Đó là câu chuyện về ông tổ của làng nghề đóng tàu Trung Kiên mà ai trong làng cũng biết, cũng tự hào kể cho khách đến thăm làng.

Đến Bãi Lữ ăn gì?

Nếu đi Bãi Lữ trong ngày, các bạn cũng có thể mang theo đồ để tổ chức nướng BBQ (Ảnh – _quinhhhh_)

Nếu đã xác định ở Bãi Lữ, các bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc ăn tại các nhà hàng nằm ngay trong khu nghỉ dưỡng này. Nếu muốn lựa chọn đa dạng và giá thành rẻ hơn, các bạn có thể di chuyển đến bãi biển Cửa Hiền cách đó khoảng 1km, ở đây có rất nhiều nhà hàng cho các bạn lựa chọn và thưởng thức các loại hải sản tươi sống.

Lịch trình du lịch Bãi Lữ

Hoàng hôn trên biển Bãi Lữ (Ảnh – toanco_k32)

Cùng Phượt gợi ý cho các bạn một lịch trình du lịch Bãi Lữ kết hợp Cửa Lò xuất phát từ Hà Nội trong 3 ngày 2 đêm, sử dụng tàu hỏa. Các bạn có xe riêng thì đi lại thuận tiện hơn chút nên cứ chủ động điều chỉnh thời gian sao cho phù hợp. Với các bạn từ các địa phương khác muốn tới Bãi Lữ, có thể chỉ cần thay đổi một chút giờ đi và giờ đến là sẽ có một hành trình tương đương.

Ngày 1: Hà Nội – Vinh – Bãi Lữ

Xuất phát từ ga Hà Nội lúc 8h, đi tàu SE11 và đến ga Vinh lúc 14h. Từ ga Vinh bắt taxi về thẳng khách sạn để làm thủ tục nhận phòng. Đi chuyến tàu giờ này thì sẽ ăn trưa trên tàu, các bạn có thể mua đồ ăn hoặc chuẩn bị trước đồ ăn ở nhà. Các gia đình đi cùng nhau mà có trẻ con thì đi tàu này rất thú vị nhé.

Nhận phòng xong, nghỉ ngơi đợi trời mát các bạn tắm biển ở Bãi Lữ. Chiều tối đi taxi ra biển Cửa Hiền để nhiều lựa chọn hơn trong việc ăn uống

Ngày 2: Bãi Lữ – Cửa Lò

Sáng tiếp tục nghỉ ngơi thư giãn và dạo chơi ở Bãi Lữ, khu này cũng có khá nhiều địa điểm hay ho để các bạn khám phá nhé.

Gần trưa hãy trả phòng khách sạn, thuê taxi đi Cửa Lò (khoảng 20km). Nhận phòng ở Cửa Lò xong các bạn thoải mái tắm biển, dạo chơi và thưởng thức các loại hải sản ở Cửa Lò. Tối nghỉ ngơi ở Cửa Lò.

Ngày 3: Cửa Lò – Hà Nội

Buổi sáng dậy tắm biển, ăn sáng rồi có thể đi mua sắm quà cho gia đình bạn bè.

Trưa trả phòng khách sạn, bắt taxi quay ngược lại ga Vinh để về Hà Nội. Chuyến tàu phù hợp nhất là SE6 đi từ ga Vinh lúc 12h51 về tới Hà Nội lúc 19h12 hoặc SE36 đi từ ga Vinh lúc 13h30 về tới Hà Nội lúc 19h58.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Bãi Lữ 2024
  • du lịch Bãi Lữ tháng 3
  • tháng 3 Bãi Lữ có gì đẹp
  • review Bãi Lữ
  • hướng dẫn đi Bãi Lữ tự túc
  • ăn gì ở Bãi Lữ
  • phượt Bãi Lữ bằng xe máy
  • Bãi Lữ ở đâu
  • đường đi tới Bãi Lữ
  • chơi gì ở Bãi Lữ
  • đi Bãi Lữ mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Bãi Lữ
  • homestay giá rẻ Bãi Lữ
4/5 - (5 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Nghệ An

NGHỆ AN

Vị trí Nghệ An trên bản đồ Việt Nam

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam thuộc vùng Bắc Trung Bộ có trung tâm hành chính là thành phố Vinh. Nghệ An có đầy đủ địa hình núi cao, trung du, đồng bằng và ven biển, có 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Về kinh tế, ngành công nghiệp hiện nay của tỉnh tập trung phát triển ở 3 khu vực Vinh – Cửa Lò, Hoàng Mai và Phủ Quỳ.

Bạn có biết: Thời nhà Hậu Lê, tỉnh Nghệ An có tên gọi là Xứ Nghệ (bao gồm cả tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh của ngày nay).

  • Diện tích: 16.493,7 km²
  • Dân số: 2.978.700
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 3 thị xã, 17 huyện
  • Vùng: Bắc Trung Bộ
  • Mã điện thoại: 238
  • Biển số xe: 37