Kinh nghiệm đi cắm trại cho người mới

Kinh nghiệm đi cắm trại cho người mới (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Trong những năm gần đây, phong trào cắm trại dã ngoại được nhiều người đặc biệt ưa thích, nhất là với những gia đình có trẻ nhỏ. Vào các dịp cuối tuần, những địa điểm cắm trại trong Hà Nội luôn rất đông các gia đình với hành trang lều bạt, đồ ăn để tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, gặp gỡ và giao lưu bạn bè. Với những ai đã đi nhiều hầu hết đều đã có đầy đủ đồ đạc, kinh nghiệm. Với những bạn vẫn còn đang tìm hiểu, những kinh nghiệm đi cắm trại dã ngoại được chia sẻ trong bài viết này sẽ phần nào giúp được bạn trong việc lên kế hoạch cho chuyến đi của mình.

Cắm trại đang là hoạt động thu hút được nhiều du khách tham gia, hưởng ứng (Ảnh – cungphuot.info)

Trước chuyến đi

Tìm hiểu thông tin

Đây có lẽ là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất bởi mọi yếu tố chuẩn bị cho chuyến đi sẽ phụ thuộc vào việc các bạn chọn địa điểm ở đâu. Có 2 phương án để lựa chọn các địa điểm cắm trại, với mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.

Miễn phí
Những điểm cắm trại miễn phí đôi khi thường khá đông và ồn ào (Ảnh – cungphuot.info)

Đây thường sẽ là những địa điểm công cộng, các bạn chỉ cần di chuyển đến nơi và lựa chọn cho mình một vị trí hợp lý.

Ưu điểm

  • Miễn phí (tất nhiên rồi)
  • Nhiều lựa chọn, đa dạng về địa điểm
  • Nếu biết cách chọn, sẽ có những vị trí đẹp và vắng vẻ.

Nhược điểm

  • Bạn cần chuẩn bị mọi thứ từ A-Z (kể cả việc vệ sinh cá nhân)
  • Mức độ an toàn phụ thuộc vào địa điểm lựa chọn
Có phí
Những điểm có thu phí không chắc vắng hơn, nhưng nếu để ngủ qua đêm sẽ an toàn hơn (Ảnh – cungphuot.info)

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều bạn muốn thỉnh thoảng đổi gió, cắm trại cùng gia đình và bạn bè vào những dịp cuối tuần thì nhiều đơn vị đã cung cấp các dịch vụ cho thuê địa điểm, trang thiết bị, đồ ăn… để phục vụ các hoạt động cắm trại. Các khu vực này thường được đầu tư bài bản, rất đầy đủ và có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu của các đoàn khác nhau.

Ưu điểm

  • An toàn do luôn có bảo vệ, các bạn có thể thoải mái cắm trại qua đêm.
  • Có đồ cho thuê với những bạn không có sẵn
  • Có đầy đủ khu vệ sinh (khá quan trọng)

Nhược điểm

  • Ít sự lựa chọn bởi chỉ có một vài địa chỉ quen thuộc

Lựa chọn địa điểm

Lựa chọn địa điểm sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhu cầu cho buổi cắm trại của bạn (Ảnh – cungphuot.info)

Sau khi đã tìm hiểu thông tin, các bạn cần lên phương án để lựa chọn địa điểm cắm trại sao cho phù hợp. Nếu chỉ định đi trong ngày, các bạn chỉ nên lựa chọn các điểm đến khoảng dưới 100 km bởi với quãng đường dài hơn, thời gian di chuyển mất tương đối nhiều, không còn thời gian. Nếu đi đoàn đông các bạn cũng cần chọn những địa điểm có diện tích rộng rãi để có đủ không gian tổ chức sinh hoạt. Nếu định cắm trại qua đêm nhưng không có nhiều kinh nghiệm các bạn nên chọn các khu vực trả phí hoặc những địa điểm gần khu dân cư để đảm bảo an toàn.

Kiểm tra thời tiết

Thời tiết là yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến kế hoạch chuyến đi (Ảnh – cungphuot.info)

Chọn được địa điểm và thời gian của chuyến đi, các bạn nên theo dõi thời tiết để có những phương án chuẩn bị sẵn sàng. Nếu thời tiết có những diễn biến phức tạp như mưa to gió lớn hay thậm chí có nguy cơ gặp bão, các chuyến đi nên tạm dừng lại để đảm bảo an toàn.

Chuẩn bị đồ đạc

Đồ dùng cắm trại

Nên tính toán trước lượng đồ mang theo để có thể sắp xếp một cách gọn nhất (Ảnh – cungphuot.info)

Trước khi đi các bạn nên tạo một danh sách những thứ cần mang ra giấy rồi sau đó kiểm tra lại để đảm bảo không bị thiếu. Số lượng đồ cần mang phụ thuộc vào mục đích chuyến đi, nếu địa điểm cắm trại là những nơi buộc phải đi bộ và vác theo ba lô, các bạn nên tinh giản gọn nhẹ hết mức có thể. Nếu địa điểm cắm trại là nơi dễ di chuyển, số lượng đồ mang theo phụ thuộc vào khả năng tải đồ của xe bạn.

Thức ăn

Đồ ăn nên được sơ chế từ nhà và giữ lạnh, đến nơi chỉ cần chế biến (Ảnh – cungphuot.info)

Tương tự như vậy, việc tính toán số lượng đồ ăn cũng cần chi tiết và cẩn thận bởi có những nơi không bán đồ, việc thiếu đồ sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi. Các loại đồ ăn tươi sống nên được tẩm ướp từ nhà, bảo quản trong các thùng đá giữ nhiệt. Đồ ăn cũng nên được phân loại theo sẵn từng bữa và chia ra các thùng khác nhau thay vì để chung trong tất cả một thùng. Khi dồn hết lại, việc mở ra mở vào liên tục các thùng giữ nhiệt sẽ làm giảm thời gian ủ lạnh, khiến thức ăn không được bảo quản tốt.

Nếu không có sẵn các thùng giữ nhiệt, các bạn có thể mua các thùng xốp rồi mua các thanh đá dạng cây để giữ lạnh thức ăn. Nên đặt thức ăn ở dưới đáy thùng rồi sau đó mới phủ đá lên trên (bởi hơi lạnh sẽ luôn chìm dần xuống phía dưới)

Nước uống

Nước uống có thể chia làm 2 loại, một loại sử dụng để uống trực tiếp các bạn có thể lựa chọn các loại nước uống đóng chai (nếu đi nhiều người, có thể mua các bình 5 lít cho gọn). Một loại nước khác dùng để nấu nướng hay rửa các loại vật dụng thì chỉ cần sử dụng nước ở nhà cho vào các bình phù hợp để xách theo, đi đoàn đông thì có thể mang các bình 20 lít.

Bếp đun nấu

Sử dụng gạch đá có sẵn để dựng bếp để giảm bớt đồ phải mang theo (Ảnh – cungphuot.info)

Hầu hết các chuyến đi cắm trại thường có bữa chính là tiệc nướng BBQ, các bạn chỉ cần sử dụng khoảng 1 vài kg than là đủ cho mục đích này, nếu nhu cầu đun nấu ít (như đun nước pha trà, cafe…) thì chỉ cần mang theo một chiếc bếp ga du lịch mini là được.

Củi các bạn có thể tự kiếm hoặc mua lại từ người dân địa phương gần địa điểm cắm trại (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu cắm trại qua đêm, nhu cầu đun nấu nhiều thì các bạn nên chuẩn bị bếp củi. Củi có thể mang theo từ nhà (nếu xe rộng) hoặc tìm mua ở những địa điểm cắm trại.

Trang phục

Về cơ bản, mỗi người cần ít nhất 2 bộ trang phục để sử dụng trong chuyến đi. Tuỳ vào địa hình, thời tiết mà các bạn mang các loại trang phục cho phù hợp.

Đồ dùng y tế

Nên mang theo ít nhất những loại thuốc chống côn trùng, bông băng gạc và thuốc sát trùng để xử lý vết thương. Ngoài ra các loại thuốc hạ sốt, đau bụng …. cũng nên mang theo nếu các bạn có ý định cắm trại qua đêm.

Chọn lựa cắm trại ở những nơi hoang vắng, xa khu dân cư các bạn nên chuẩn bị một túi y tế đầy đủ hơn để sử dụng khi cần thiết.

Kiểm tra phương tiện

Nếu có kế hoạch cắm trại ở những địa điểm nằm xa khu dân cư, các bạn nên kiểm tra phương tiện thật kỹ trước chuyến đi (Ảnh – cungphuot.info)

Trước mỗi chuyến đi, phương tiện di chuyển nên được kiểm tra một cách kỹ càng để hạn chế các vấn đề phát sinh có thể gặp phải trên đường. Một số yếu tố cơ bản cần kiểm tra như:

  • Kiểm tra lốp, phanh, lốp dự phòng (ô tô)
  • Kiểm tra dầu máy, nước làm mát (ô tô)
  • Mang theo bộ dụng cụ vá xe cơ bản, bộ săm dự phòng  để tự thay trong trường hợp cần thiết (với xe máy)

Tại điểm cắm trại

Vận chuyển đồ

Với một chiếc xe đẩy gấp gọn, sẽ nhàn hơn rất nhiều khi phải vận chuyển đồ (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu bạn có thể dừng xe ở ngay địa điểm cắm trại thì không vấn đề gì, nhưng nếu phải dừng xe ở ngoài và đi bộ tới địa điểm cắm thì việc mang vác đồ đạc mất khá nhiều thời gian. Giải pháp là cá bạn hãy chuẩn bị sẵn những chiếc xe đẩy (xe đẩy hàng hoặc xe đẩy riêng cho camping) loại gấp gọn và mang theo. Có xe đẩy, bạn sẽ nhàn nhã hơn rất nhiều so với việc vác bằng tay.

Dựng lều

Việc đầu tiên khi tới có lẽ là dựng lều để có chỗ để đồ đạc và nghỉ ngơi tạm thời, việc dựng lều cũng tương đối nhanh (nhất là hiện nay có rất nhiều loại lều tự bung). Nếu xác định ngủ qua đêm các bạn cũng cần dựng lều sớm trước khi trời tối.

Không ngủ qua đêm

Dựng lều chơi trong ngày, các bạn chỉ cần chọn vị trí thoáng mát (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu chỉ dựng lều vui chơi trong ngày, các bạn chỉ cần chọn nơi địa hình bằng phẳng, nền đất cứng vừa phải để đặt lều. Nếu nền đất cứng quá sẽ khó ghim cọc, nếu nền đất mềm quá cọc sẽ dễ bị bung (với những cọc ghim lều loại bình thường). Nếu không ngủ qua đêm thì có thể chọn cửa lều là hướng gió thổi để trong lều thoáng mát.

Ngủ qua đêm

Có thể sử dụng bạt để phủ lên nóc lều, vừa làm giảm sương đọng trên mái vừa giảm áp lực vào lều nếu trời có mưa, với những lều độ che phủ đã tốt rồi thì có thể bỏ qua (Ảnh – cungphuot.info)

Dựng lều để ngủ qua đêm các bạn thay đổi một chút, bởi những chỗ các bạn cắm trại thường nhiều cây, gần sông hồ nên về đêm tương đối mát (thậm chí lạnh tuỳ mùa). Chính bởi vậy, ngoài vị trí bằng phẳng các bạn cần chọn các vị trí kín gió hơn chút. Trước khi dựng lều, hãy trải 1 tấm bạt xuống dưới (chỉ lót vừa với phần đáy lều, nếu bạt lót bị thừa ra nước mưa có thể theo đó chảy ngược vào lều), dựng lều xong cũng dùng 1 tấm bạt to phủ toàn bộ nóc lều. Trong trường hợp mưa to, tấm bạt trên nóc lều sẽ giảm áp lực mưa trực tiếp lên lều (nếu bạn có các bộ tăng rồi thì không cần, dùng luôn bộ tăng này để che trên nóc lều)

Ngoài ra, các bạn cần tránh các vị trí như dưới tán cây, gần lòng sông hay suối bởi những nơi này khi trời mưa cũng tương đối nguy hiểm. Một nguyên tắc chung khác là tránh dựng lều trại, nấu nướng hay vệ sinh cá nhân ở gần nguồn nước để không làm ảnh hưởng đến bất cứ vấn đề gì.

Nếu nhận thấy có nguy cơ trời sẽ mưa to, các bạn có thể dùng xẻng để tạo thành các rãnh sâu và rộng bao xung quanh lều để dẫn nước không chảy vào lều trong trường hợp trời mưa. Rãnh nước nên hướng về phía chân dốc nếu trên địa hình không bằng phẳng, nếu địa hình phẳng có thể đào các hố chứa nước ở các góc vuông của rãnh.

Chiếu sáng

Các vị trí đèn chiếu sáng nên được thiết lập trước khi trời tối, ngoài ra hãy mang theo các loại đèn đeo trán để sử dụng cho tiện (Ảnh – cungphuot.info)

Trước khi trời tối hãy thiết lập sẵn các vị trí móc đèn, dây trang trí để sử dụng. Nếu sử dụng đèn đốt bằng nhiên liệu, chú ý chọn vị trí vững chắc để cố định đèn, nếu để trong hoặc gần lều thì cần chú ý bởi hơi nóng có thể gây hỏng các vật dụng của bạn.

Nếu dùng đèn sử dụng pin, hãy mua các loại đèn sử dụng pin 18650 rời. Loại đèn này có thể dễ dàng thay pin khi hết, thời lượng sử dụng thoải mái (miễn mang theo số lượng pin đủ). Ngoài các loại đèn pin dạng cầm tay, nếu được các bạn cũng nên trang bị thêm loại đèn đeo trán để có thể rảnh tay trong một số trường hợp.

Nhóm lửa

Nhóm bếp ở các vị trí kín gió, cách xa khu vực dựng lều (Ảnh – cungphuot.info)

Lựa chọn khu vực kín gió, cách xa lều và phương tiện để tránh gây hoả hoạn. Nếu ở trong rừng, hãy sử dụng bếp nướng hoặc tạo một không gian riêng biệt trước khi nhóm lửa để hạn chế có thể gây cháy rừng. Sử dụng một chút cồn khô sẽ giúp việc nhóm than hay đốt củi được dễ dàng hơn.

Nấu nướng

Trừ khi bạn là một người có đam mê đặc biệt với nấu nướng, thích chế biến những món ăn phức tạp ngay cả khi đi cắm trại hay đơn giản đây là thú vui của bạn. Nếu không, các bạn nên làm gọn nhẹ hết mức có thể, để dành thời gian vui chơi, ngắm cảnh, đọc sách và thư giãn. Các món nướng được chuẩn bị sẵn ở nhà, khi nào ăn mang ra nướng tại chỗ thường là lựa chọn được nhiều người chọn nhất. Bánh mỳ, mỳ tôm, đồ ăn nguội cùng hoa quả và một vài loại rau salad cũng là lựa chọn không tồi.

Vui chơi

Nếu nơi cắm trại của bạn nằm gần khu dân cư, hay đơn giản là địa điểm đó còn có nhiều nhóm khác cũng đang ở đấy thì các bạn hãy hạn chế hết mức việc làm ảnh hưởng đến người khác. Có thể bật nhạc hay hát hò nhưng chỉ ở trong phạm vi khu vực dựng lều của các bạn. Rất nhiều nhóm mang những chiếc loa thùng đến và hát karaoke ngay giữa hàng trăm con người.

Dọn dẹp

Dập lửa

Đừng để lại bất cứ tàn lửa nào trước khi rời đi các bạn nhé (Ảnh – cungphuot.info)

Trước khi rời đi, các bạn nhớ dập tắt toàn bộ bất kỳ đốm lửa nào còn sót lại. Hãy sử dụng nước để đổ lên các vị trí đốt lửa, nhìn cho đến khi than hay củi còn sót lại bị làm ướt hoàn toàn (một số trường hợp dội nước lên nhưng lượng quá ít, phần tàn còn sót lại vẫn có thể bị thổi bùng lên chỉ bằng những cơn gió. Để đảm bảo hơn nữa, sau khi dội nước các bạn có thể dùng xẻng xúc đầy đất lên trên.

Dọn rác

Rất nhiều địa điểm cắm trại bị xả rác một cách vô tội vạ trông không khác gì một bãi rác, việc đốt rác cũng không hoàn toàn xoá sạch được dấu vết và vẫn ảnh hưởng tới môi trường. Chính bởi vậy, trước khi ra về các bạn hãy thu toàn bộ rác vào túi và trả lại nguyên trạng cho vị trí đó như ban đầu. Giữ gìn vệ sinh chung cũng chính là để đảm bảo lần sau các bạn sẽ tiếp tục được đến đó, đừng để những hành động vô ý thức nhỏ ảnh hưởng đến những người khác.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm đi cắm trại cho người mới
  • tháng 3 cắm trại ở đâu đẹp
  • kinh nghiệm chọn vị trí cắm trại
  • kinh nghiệm cắm trại qua đêm
  • đi cắm trại cần mang theo gì
  • đi cắm trại tự túc
  • để đi cắm trại an toàn cần chuẩn bị gì
  • cho trẻ con đi cắm trại có được không?
  • vật dụng cần thiết khi đi cắm trại
5/5 - (1 đánh giá)