Kinh nghiệm du lịch Chiang Mai, Thái Lan

Kinh nghiệm du lịch Chiang Mai, Thái Lan (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Là một trong những địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Thái Lan, Chiang Mai là địa danh văn hóa quan trọng ở miền Bắc của đất nước này. Từng là thủ đô của một vương quốc hùng mạnh trong nhiều thế kỉ, ngày nay Chiang Mai vẫn tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu cho toàn bộ vùng lãnh thổ ở phía Bắc Thái Lan, một trong những vùng còn kém phát triển về kinh tế nhưng khá ổn định về chính trị.Ngoài những cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng, du lịch Chiang Mai còn nổi tiếng với nhiều hàng hóa phục vụ cho việc mua sắm của du khách với giá cả phong phú và tương đối rẻ. Trước kia, để tới Chiang Mai các bạn đều cần sử dụng kết hợp các phương tiện nhưng từ khi các đường bay thẳng giữa Việt Nam – Chiang Mai được thiết lập, lượng du khách Việt lựa chọn Chiang Mai là điểm đến ngày càng nhiều do thuận tiện về đi lại cũng như visa.

Chiang Mai được mệnh danh là “đóa hồng phương Bắc” của Thái Lan (Ảnh – veromarceau)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả veromarceau, drinkingmachine, tindersticks1, hotchillichiangmai, chiangmainews, josiaslopes, magda.s82, nokky_y6851, kenta_penguin, thisismeaya, vanillaresidence, colinyoungwolff, levennnd, alan_collinson, jaojoy.__16, ciara_vi, Einster Acrol, oneway_pics, mogi.seul, fangyu__, nfas_0708, flightofthegibbon, sonjaprivatwatzka, kompassion_, quaffable_patrik nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Chiang Mai

Mục lục

Một góc Chiang Mai nhìn từ trên cao (Ảnh – cungphuot.info)

Chiang Mai (tiếng Thái là เชียงใหม่, phiên âm đúng là Chiêng Mài hoặc đôi khi nghe người dân địa phương phát âm gần giống Xiêng Mải) là tỉnh lớn thứ hai của Thái Lan, nằm ở phía Bắc của nước này và cách thủ đô Bangkok chừng 800km.

Chiang Mai từng là thủ đô của quốc gia Lanna (đọc là Lán Nà – một vương quốc cổ từng tồn tại từ cuối thế kỷ 13 đến gần cuối thế kỷ 18 ở miền núi phía Bắc của Thái Lan hiện nay). Có thể nói Chiang Mai là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Lanna từ ngày được thành lập (khoảng năm 1254) cho tới giai đoạn phát triển huy hoàng cũng như lụi tàn do sức tiến thủ mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng (Sukhothai, nhưng chủ yếu là Ayutthaya và đặc biệt là Myanmar). Từ những năm cuối thế kỉ 18 trở đi, Chiang Mai cũng như toàn bộ quốc gia Lannathai được sáp nhập vào bản đồ Thái Lan, cho dù về mặt hành chính, sự sáp nhập này chỉ diễn ra vào những năm cuối thế kỉ 19, khi nhà vua cuối cùng của Lannathai qua đời và chính quyền Xiêm không chịu người thừa kế của ông lên ngai vàng.

Trải qua nhiều thời đoạn lịch sử, vị trí chiến lược mà Chiang Mai có được không chỉ bởi nó là thủ đô cũ của một vương quốc, mà còn bởi nó án ngữ tuyến đường trao đổi hàng hóa từ phía Nam Trung Hoa sang các nước Miến Điện, Ấn Độ và các nước Tây Á.

Với lợi điểm về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch lịch sử, Chiang Mai là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất và được biết đến nhiều nhất của Thái Lan. Nhiều sự kiện văn hóa chính trị đã diễn ra tại đây, một trong số đó là SEA Games 17 vào năm 1995.

Nên du lịch Chiang Mai vào thời gian nào?

Hãy đến Chiang Mai vào một dịp lễ hội nào đó trong năm nhé (Ảnh – drinkingmachine)

Khí hậu Chiang Mai về cơ bản quanh năm mát mẻ, tương tự Tây Bắc của Việt Nam nhưng cũng có những thời điểm thời tiết khá nóng bức vào ban ngày. Một số thời điểm các bạn có thể cân nhắc để du lịch Chiang Mai là:

  • Tháng 2 khi mà thời tiết mát mẻ, các loài hoa bắt đầu nở thì lễ hội hoa Chiang Mai cũng được tổ chức. Lễ hội này thường diễn ra vào cuối tuần đầu tiên của tháng 2 với những cuộc diễu hành hoa trên đường phố.
  • Từ 13-15/4 là thời điểm của lễ té nước năm mới Songkran, Chiang Mai được mệnh danh là thủ đô của Songkran bởi tại đây người Thái còn giữ được nhiều phong tục cổ xưa.
  • Lễ hội Loy Krathong và Yi Peng thả đèn trời và hoa đăng (đây là 2 lễ hội khác nhau nhưng được tổ chức cùng một thời điểm ở Chiang Mai) thường diễn ra vào khoảng tháng 11 hàng năm (lễ hội được tổ chức theo lịch của người Thái nên phải theo dõi để biết ngày chính xác).
  • Khoảng cuối tháng 12 là mùa hoa anh đào nở rộ, đẹp không kém gì Nhật hay Hàn nên nếu đi vào dịp này các bạn đừng bỏ lỡ ghé qua cao nguyên Khun Chang Kian để ngắm.

Hướng dẫn đi tới Chiang Mai

Bay thẳng từ Việt Nam

Việc các đường bay thẳng từ Việt Nam tới Chiang Mai được mở giúp cho hành trình của các bạn tiện hơn khá nhiều (Ảnh – cungphuot.info)

Từ các thành phố lớn của Việt Nam hiện tại đều có các đường bay thẳng trực tiếp tới Chiang Mai với giá vé khứ hồi từ khoảng từ 2000k-4000k. Các đường bay từ Hà Nội và Đà Nẵng được khai thác bởi AirAsia và đường bay từ Sài Gòn được khai thác bởi VietjetAir. Thời gian bay từ Hà Nội chỉ mất hơn 1 tiếng, các đường bay khác thường khoảng 2 tiếng.

Dừng chân ở Bangkok

Nếu muốn đi thêm một địa danh nào đó nữa ở Thái Lan, các bạn có thể ghé qua Bangkok trước (Ảnh – tindersticks1)

Từ Việt Nam tới Bangkok

Từ hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam đều có sẵn đường bay tới Bangkok với giá vé khứ hồi quanh quanh mức 2000k, nếu chịu khó săn vé rẻ các bạn có thể kiếm được những vé với giá thấp hơn nữa tùy theo từng đợt khuyến mãi của các hãng.

Từ Bangkok đi Chiang Mai
Máy bay

Hàng ngày từ Bangkok có khoảng gần 30 chuyến bay thẳng tới Chiang Mai của rất nhiều hãng hàng không, thời gian bay chỉ vào khoảng 1 tiếng và giá vé khứ hồi tính ra tiền Việt vào khoảng 1800-3000k tùy hãng và thời gian bay. Đặc biệt, hiện tại hãng hàng không Vietjet cũng khai thác chặng bay này nên khá dễ dàng cho các bạn từ Việt Nam để đặt vé.

Xe bus

Các chuyến xe buýt từ Bangkok đi Chiang Mai được khai thác hàng ngày với giá thành rẻ nhất trong số các hình thức di chuyển. Thời gian đi nhanh hơn so với tàu hỏa, chỉ vào khoảng 9 giờ. Các bạn có thể lựa chọn vé xe buýt của một số hãng như Sombat Tour, The Wiang Ping Super VIP Class Bus.

Tàu hỏa

Bảng giờ tàu từ Bangkok đi Chiang Mai (Ảnh – cungphuot.info)

Tàu hỏa từ Bangkok đi Chiang Mai khởi hành hàng ngày với thời gian di chuyển khoảng từ 11-14 tiếng, các chuyến tàu sớm nhất chạy từ 8h30 AM và muộn nhất là 10h00 PM. Các bạn có thể xem lịch tàu chạy và mua vé trực tiếp tại các nhà ga lớn của Thái Lan, nếu muốn mua trước từ Việt Nam các bạn có thể tạo tài khoản và mua online tại đây. Vé có thể mua sớm nhất trước 90 ngày và muộn nhất là 2 tiếng trước giờ tàu chạy.

Từ sân bay Chiang Mai về trung tâm

Từ sân bay các bạn có thể lựa chọn taxi hoặc book grab về thẳng khách sạn (Ảnh – cungphuot.info)

Sân bay quốc tế Chiang Mai khá nhỏ, không quá xa trung tâm (cũng giống kiểu sân bay Đà Nẵng) nên di chuyển khá nhanh và không mất nhiều thời gian. Từ sân bay nếu đi đông người các bạn có thể lựa chọn đi taxi vì tính ra cũng không quá đắt. Ở ngay cổng ra sân bay có 2 quầy là Chiang Mai Airport và Taxi Metter, đi taxi airport thì giá thường khoảng 150-200 THB để về trung tâm (tùy khu vực và khoảng cách), taxi metter thì sẽ tính tiền theo quãng đường thực tế đi được. Nếu đi ít người, các bạn có thể chọn phương tiện xe buýt (Tuyến R3) hoặc Songthaew để giảm chi phí.

Đi lại ở Chiang Mai

Thuê xe máy

Việc thuê xe máy ở Chiang Mai khá đơn giản, các bạn có thể nhờ luôn khách sạn gọi giúp nếu ngại đi tìm (Ảnh – cungphuot.info)

Xe máy ở Chiang Mai thuê thủ tục khá đơn giản, chỉ cần có hộ chiếu và đặt cọc 2000 THB là bạn có thể có một chiếc xe máy để vi vu, xăng sẽ được đổ sẵn đầy bình, khi trả xe nhớ đổ đầy lại cho họ là được.

Không có bằng lái quốc tế, khả năng cao là ăn phiếu phạt nếu hay lang thang ở mấy điểm du lịch nhá (Ảnh – cungphuot.info)

Vấn đề duy nhất là các bạn cần một giấy phép lái xe quốc tế (làm ở Việt Nam, chi phí 135k) nếu không sẽ rất dễ bị tóm. Cảnh sát Thái Lan thường chặn ở những đoạn đường có nhiều du khách đi qua, nếu không có giấy phép lái xe các bạn sẽ bị phạt 500 THB (khoảng gần 400k), cầm biên lai phạt này các bạn được phép đi lại trong 3 ngày.

Tuktuk

Nên đi tuk tuk để trải nghiệm hoặc bạn nào mặc cả tốt (Ảnh – cungphuot.info)

Trông giống kiểu xe lam ở Việt Nam, là loại xe 3 bánh với 2 chỗ ngồi đằng sau. Loại xe này các bạn thích thì có thể trải nghiệm tí cho vui, chứ đa phần mấy người lái xe này thường đòi tiền khá cao với du khách, đôi khi còn đắt hơn cả tiền đi grab.

Songthaew (Song Thẻo)

Bước chân ra đường là các bạn nhìn thấy chiếc xe đỏ thân thuộc này rồi (Ảnh – cungphuot.info)

Dòng xe bán tải được cải tiến phần thùng hàng phía sau để cho khách du lịch ngồi, chi phí là 30 THB cho mỗi lần đi. Các bạn chỉ cần vẫy xe dọc đường, hỏi xem xe có chạy qua khu vực bạn cần hay không, nếu có thì lên xe và trả tiền cho tài xế, đến địa điểm của bạn họ sẽ dừng để bạn xuống.

Grab/Taxi

Grab Car tại Chiang Mai khá nhiều, giá cả thì cũng tương tự theo kiểu ở Việt Nam là tùy vào giờ gọi xe mà có thể giá cao hay thấp, phí tối thiểu là 50 THB, quãng đường chừng 2km có giá vào giờ không cao điểm khoảng 55-60 THB.

Xe buýt

Đây có thể coi là phương tiện công cộng có giá rẻ nhất trong các loại hình di chuyển ở Chiang Mai, giá vé được tính cố định 20 bath cho mỗi lần di chuyển. Xe có điều hòa mát lạnh, có wifi miễn phí, các vị trí ưu tiên dành cho người già/trẻ nhỏ/người khuyết tật/phụ nữ có thai. Hạn chế là xe buýt chỉ dừng tại những điểm cố định, nơi có biển báo và hệ thống nhà chờ chứ không thể dừng ở bất cứ đâu bạn muốn. Các tuyến buýt đang hoạt động ở Chiang Mai như sau:

Route B1 – Arcade Bus Terminal – Kruba Srivichai Monument 

Điểm dừng nổi tiếng: Chiang Mai Railway Station, Warorot Market, Thapae Gate, Wat Chedi Luang, Wat Phra Singh, Suan Dok Gate, Wat Suan Dok, Chiang Mai University, Malin Plaza, Chiang Mai Zoo, Kruba Srivichai Monument.

Route B2 – Arcade Bus Terminal – Chiang Mai International Airport

Điểm dừng nổi tiếng: Nawarat Market, Warorot Market, Thapae Gate, The Three Kings Monument, Wat Phra Singh, Suan Dok Gate, Nong Buak Hard Public Park, Electric Plaza, Saturday Night Market, Chiang Mai Gate, Wat Srisupan (The Silver Temple), The Old Chiang Mai Cultural Center, Chiang Mai Immigration Office, Chiang Mai International Airport.

Route B3 – Arcade Bus Terminal – Chiang Mai Provincial Government Office

Điểm dừng nổi tiếng: Central Festival Mall, Tesco Lotus Kam Tieng, Mueang Chiang Mai Stadium, Sri Wattana Market, Chiang Mai Boxing Stadium (Behind Sri Wattana Market), The Tribal Museum, Flea Market, Chiang Mai International Convention & Exhibition Center, The Chiang Mai 700 Years Stadium.

Route R1 – Chiang Mai Zoo – Central Festival Mall

Điểm dừng nổi tiếng: Chiang Mai Zoo, Chiang Mai University, Malin Plaza, MAYA Lifestyle Shopping Center, One Nimman, Kad Suan Kaew, Computer Plaza, Wat Lok Moli, Mueang Chiang Mai Stadium, Thapae Gate, Warorot Market, The Riverside, Central Festival Chiang Mai.

Route R2 – Promenada – Promenada (Promenada Loop)

Điểm dừng nổi tiếng: Promenada Mall, Art in Paradise 3D Museum, Shangri-La Hotel, Pantip Plaza, Anusarn Market, Kalare Night Bazaar, The Night Bazaar.

Route R3 – Chiang Mai Airport – Chiang Mai Airport (The Airport Loop)

Điểm dừng nổi tiếng: Chiang Mai International Airport, Chiang Mai Immigration Office, Central Plaza Chiang Mai Airport, Electronic Plaza, Chiang Mai Gate, Saturday Night Market, Pantip Plaza, Anusarn Market, Night Bazaar, Kalare Night Bazaar, Warorot Market, Thapae Gate, Sunday Night Market, Wat Chedi Luang, The Three Kings Monument, Wat Lok Moli, Central Kad Suan Kaew, MAYA Lifestyle Shopping Center, One Nimman, Nimmanahaeminda Street, Wat Suan Dok.

Route 10 – Khwan Wiang Village – The City

Điểm dừng nổi tiếng: CentralPlaza Chiang Mai Airport, Chiang Mai International Airport, Wat Lok Moli, The Three Kings Monument, Thaepae Gate, Warorot Market, Night Bazaar, Kalare Night Market, Shangri-La Hotel, Art In Paradise 3D Museum, Chiang Mai Gate, Wat Sri Suphan (The Silver Temple), The Old Chiang Mai Cultural Center.

Lưu trú ở Chiang Mai

Là một thành phố du lịch nổi tiếng, số lượng khách sạn ở Chiang Mai rất nhiều để các bạn lựa chọn (Ảnh – cungphuot.info)

Là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng, Chiang Mai cũng có rất nhiều các hình thức lưu trú phù hợp cho các bạn từ du lịch một mình, du lịch theo nhóm hay đi cùng với gia đình. Với các bạn trẻ thích sôi động, các bạn có thể lưu trú tại khu Night Bazaar hoặc Old City bởi 2 khu vực này thường có đông du khách nước ngoài nên sẽ có nhiều hoạt động muộn hơn, ở các khu vực khác hầu như khoảng 9h đều đã đóng cửa. Với các bạn đi theo gia đình, nếu thích nghỉ ngơi ở các resort yên tĩnh có thể đi xa ra ngoài phía trung tâm, bất lợi chút khi đi chơi loanh quanh thành phố sẽ phải di chuyển hơi xa.

KHÁCH SẠN The Tippanet Hotel
Địa chỉ: 112 Thipanet Rd, Haiya, Mueng, Chiang Mai 50100, Thailand
Điện thoại: +66 92 616 6415
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Villa Thai Orchid
Địa chỉ: 1/1 ถนนพระปกเล้า ซอย 8 ตำบล พระสิงห์ อำเภอ เมืองเชียงใหม่ Chiang Mai 50200, Thailand
Điện thoại: +66 80 499 8090
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Inn Oon Chiang Mai Home
Địa chỉ: Phra Sing, Mueang Chiang Mai District, Chiang Mai 50200, Thailand
Điện thoại: +66 93 296 6104
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Wualai Sabaidee
Địa chỉ: 2/5 ถนนวัวลาย ซอย 3 ตำบล หายยา Mueang Chiang Mai District, Chiang Mai 50100, Thailand
Điện thoại: +66 81 648 8310
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Baan Heart Thai
Địa chỉ: 1/8 - 1/9 Chaiyapoom Soi1, Si phum, Chang Moi, Chiang Mai 50200, Thailand
Điện thoại: +66 92 795 1151
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt ở Chiang Mai, Thái Lan (Cập nhật 4/2024)

Các địa điểm du lịch ở Chiang Mai

Các lễ hội ở Chiang Mai

Lễ hội Loy Krathong và Yi Peng

Nếu không muốn mất hàng trăm USD để có 1 suất thả xịn trong các khu vực được tổ chức hoành tráng, bạn có thể đến thả tự do tại bờ sông Ping gần Night Bazaar (Ảnh – cungphuot.info)

Loy Krathong (thả hoa đăng) và Yi Peng (thả đèn trời) là 2 lễ hội khác nhau nhưng ở Chiang Mai thường được tổ chức chung vào cùng một thời điểm. Lễ hội này nổi tiếng với hình ảnh hàng nghìn chiếc đèn trời được thả bay lên cao cùng với rất nhiều hoa đăng được thả trên dòng sông Ping.

Vì lễ hội thường được tổ chức theo lịch riêng của người Thái nên có sự khác biệt theo từng năm. Tuy nhiên, nếu các bạn để ý thì lễ hội này thường được tổ chức vào ngày 15-16 tháng thứ 10 theo âm lịch Việt Nam, các bạn có thể sử dụng thông tin này để tìm trước ngày và đặt vé. Chú ý một vài điểm sau:

  • Nếu đó là năm bình thường, không nhuận thì lễ hội sẽ diễn ra vào khoảng 15-16/10 âm lịch
  • Nếu đó là năm nhuận, tháng nhuận rơi vào một trong các tháng từ 1-9 thì lễ hội sẽ diễn ra vào khoảng 15-16/9 âm lịch.
  • Nếu năm đó là năm nhuận, tháng nhuận rơi vào một trong các tháng từ 10-12 thì lễ hội vẫn diễn ra vào khoảng 15-16/10 âm lịch.

Có một số năm lễ hội diễn ra vào ngày 17/10 âm lịch, chính vì vậy nếu các bạn định đặt vé trước vào những dịp có khuyến mãi giá rẻ thì có thể đặt vào khoảng 14-17/10 âm lịch, khả năng cao là bạn sẽ không bị lỡ dịp lễ hội này (dùng lịch vạn niên để chuyển sang ngày dương lịch tương ứng nhé).

Lễ té nước

Xác định ướt nếu bạn định ra đường trong dịp lễ hội này nhé (Ảnh – hotchillichiangmai)

Songkran (chữ Thái Lan: สงกรานต์) là ngày tết cổ truyền mừng năm mới của Thái Lan. Songkran được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch (tương ứng với ngày 13-15/4 theo dương lịch) để đón năm mới. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Ngoài ra, người ta còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Đặc biệt, trong tết Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước, bóng…những người càng được té nhiều nước càng may mắn.

Lễ hội hoa Chiang Mai

Lễ hội hoa là dịp mà cả Chiang Mai ngập tràn trong các sắc hoa rực rỡ (Ảnh – chiangmainews)

Lễ hội hoa ở Chiang Mai thường được tổ chức vào tháng 2, khi mà thời tiết trở nên mát mẻ và dễ chịu hơn khá nhiều. Lễ hội được tổ chức vào tuần đầu tiên trong tháng, kéo dài trong khoảng 3 ngày. Trong những ngày lễ hội, rất nhiều loài hoa được nhìn thấy trên khắp các đường phố, nhiều nhất là hoa hồng Damask, loài hoa chỉ có ở Chiang Mai.

Khu Nimmanhaemin

Nimman là một thế giới phong phú với nhiều thứ hay ho mà mỗi người đều có thể tự do khám phá (Ảnh – cungphuot.info)

Khu này cảm tưởng như kiểu Zone 9 của giới trẻ Hà Nội khi xưa hay Nguyễn Huệ của Sài Gòn nhưng với quy mô rộng và nhiều thứ hay ho hơn. Trong khoảng 1km trên trục đường Nimman, các bạn có thể ghé vào các ngõ nhỏ (gọi là soi – ซอย) để khám phá. Có rất nhiều quán ăn ngon, quán cafe đẹp, cùng vô vàn góc máy đẹp để có những bức ảnh thú vị ở đây.

Chợ đêm

Chiang Mai có khá nhiều khu chợ đêm, rải rác ở khắp các khu vực của thành phố. Nếu ngồi trên xe di chuyển vào buổi tối, hầu như bất cứ chỗ nào các bạn thấy đông đúc thì 99% là một cái chợ đêm. Chợ đêm ở Chiang Mai bán đủ thứ trên trời dưới biển (kiểu chợ đêm Đồng Xuân ở Hà Nội) nhưng hấp dẫn nhất vẫn là các loại đồ ăn vặt, đi một vòng ăn thử các món chắc các bạn có thể bỏ qua bữa tối luôn.

Chợ đêm Night Bazaar

Night Bazaar là khu vực khá sôi động về tối muộn so với các địa điểm khác ở Chiang Mai (Ảnh – cungphuot.info)

Khu chợ đêm này hoạt đông từ tầm chiều tối tới sáng sớm. Đây cũng là khu vực khá sôi động về đêm, nhất là khi mà hầu hết các hàng quán ở Chiang Mai đều đóng cửa vào 9h tối. Quanh khu vực Night Bazaar về phía sông Ping, các bạn có thể tham dự các buổi thả đèn trời tự do với người dân và du khách trong mỗi dịp lễ hội Loy Krathong.

Chợ đêm Sunday Night Market

Sunday Night Market chỉ được mở vào tối chủ nhật hàng tuần (Ảnh – cungphuot.info)

Khu chợ đêm này như cái tên, được mở vào các tối chủ nhật hàng tuần ở trên đường Rachadamnoen Rd, bắt đầu từ Tha Pae Gate và kết thúc ở Wat Phra Singh. Khu chợ khá vui với đủ các loại hàng hóa, ẩm thực. Dọc trên tuyến đường này cũng có một vài quán ăn rất ngon và nổi tiếng mà các bạn có thể thử.

Chợ đêm Chang Phuak Gate

Khu chợ đêm dành cho các tín đồ ẩm thực (Ảnh – josiaslopes)

Nằm ở phía Bắc của khu tường thành cổ (Old City), đây là khu chợ đêm chỉ có đồ ăn mà không có đồ lưu niệm hay quần áo. Khu này vô cùng hấp dẫn với những tín đồ ẩm thực bởi có rất nhiều món ăn ngon của Thái Lan được bày bán ở đây.

Chợ đêm Kad Na Mor

Nằm gần đại học Chiang Mai nên có thể coi khu này là chợ đêm của sinh viên (Ảnh – magda.s82)

Hay còn có tên là Malin Plaza, khu chợ nằm ngay đối diện đại học Chiang Mai và trên đường từ Doi Suthep trở lại trung tâm thành phố. Khu chợ đêm này rất nổi tiếng với người dân địa phương, nhưng có lẽ do nằm hơi xa trung tâm nên không có nhiều du khách đến. Nếu tự đi Doi Suthep và trở về vào tầm chiều tối, các bạn có thể ghé khu chợ này từ sau 18h.

Chùa

Chiang Mai cũng giống nhiều vùng đất ở Thái Lan với rất nhiều ngôi chùa, bởi dân số Thái khoảng hơn 90% theo Phật Giáo nên điều này khá dễ hiểu. Chùa có ở khắp mọi nơi, dưới đây là một số ngôi chùa nằm ngay trong khu Old City khá nổi tiếng của Chiang Mai

Wat Chedi Luang

Wat Chedi Luang giờ chỉ còn một phần so với khi mới xây (Ảnh – cungphuot.info)

Được khởi công xây dựng dưới triều đại của nhà vua Saen Muang Ma vào năm 1391, nhưng phải tới năm 1475, Wat Chedi Luang mới hoàn tất vóc dáng của mình vào năm này, nhà vua Tilokarat đã biến ngôi chùa trở thành nhà của đức Phật Emerald Buddha, kho báu văn hoá quan trọng của đất nước Thái Lan. Ngôi chùa khi ấy cao 80m và rộng 45m. Nhưng rất tiếc, nó đã bị phá huỷ trong một trận động đất năm 1545, dưới triều của hoàng hậu Mahadevi. Ngôi chùa hiện giờ khách chiêm ngưỡng là những gì còn sót lại một thời của Wat Chedi Luang năm 1475, và những vẻ đẹp mới mà nhân dân Thái Lan đã cất công trùng tu và xây dựng chùa với mô típ chim công và rắn trang trí tại các sảnh thờ.

Wat Phra Singh

Các bạn có thể ghé Wat Phra Singh vào chủ nhật rồi sau đó đi chơi chợ đêm Sunday Night Market (Ảnh – nokky_y6851)

Wat Phra Singh là ngôi chùa rất rộng, do vua Pha Yoo xây dựng năm 1345, làm nơi để di hài của cha ngài, vua Kam Foo. Chùa có một kho kinh thánh rất độc đáo. Các kho trong chùa là nơi lưu giữ, bảo vệ các bản kinh thánh viết trên lá cọ, hay các bản giấy tơ tằm mỏng manh, được các nhà sư sử dụng để ghi và sao chép về văn hoá dân gian. Thành đá của các kho này được trát một lớp vữa dày để bảo vệ các bản kinh khỏi mưa gió và các sinh vật phá hoại. Đây cũng là ngôi chùa diễn ra Tết (Songkran) cổ truyền hàng năm ở Chiang Mai

Wat Suan Dok

Không như những ngôi chùa khác, du khách muốn vào bên trong Wat Suan Dok sẽ phải mua vé tham quan (Ảnh – kenta_penguin)

Wat Suan Dok hay còn có tên là Wat Buppharam được xây dựng vào năm 1370 bởi vua Kue Na và được dành tặng cho nhà sư Sumana Thera. Đến đây, bạn sẽ tận mắt quan sát bức tượng Phật 500 năm tuổi bằng đồng, là một trong số những bức tượng kim loại lớn nhất tại Thái Lan.

Wat Umong

Wat Umong kỳ bí bởi những đường hầm (Ảnh – thisismeaya)

Tên đầy đủ là Wat Umong Suan Puthatham là một ngôi chùa hơn 700 năm tuổi ở Chiang Mai nằm ở gần Doi Suthep, cạnh Đại học Chiang Mai. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 1297 bởi Vua Manglai của Vương quốc Lanna. Điều đặc biệt  ở Wat Umong chính là ngôi chùa nằm phía dưới một đường hầm nhiều ngóc ngách như mê cung. Ở cuối mỗi đường hầm sẽ là bệ thờ, nơi đặt những bức tượng Phật mạ vàng.

Lưu ý là trong khu Old City cũng có một ngôi chùa với tên tương tự là Wat Umong Maha Thera Chan

Doi Suthep

Doi Suthep là điểm có thể ngắm nhìn toàn cảnh Chiang Mai (Ảnh – vanillaresidence)

Doi Suthep là một ngọn núi với nhiều địa điểm du lịch nằm trên đó, các bạn có thể tự thuê xe máy chạy lên, mua tour hoặc rẻ nhất là đi bằng song thaew. Trong khu Old City có một địa điểm để đón song thaew đi lên Doi Suthep với giá 60 THB, đủ 10 người là xe chạy. Trên Google Maps địa điểm này các bạn có thể tìm với tên Minibus Que To Doi Suthep.

Xem ưu đãi giá tour nửa ngày Doi Suthep và Cung điện Mùa Hè của ưu đãi từ klook hoặc ưu đãi từ kkday

Wat Phrathat Doi Suthep

Đây là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất của người dân Chiang Mai (Ảnh – colinyoungwolff)

Chùa Phrathat Doi Suthep là một trong những ngôi chùa thiêng liêng nhất tại Chiang Mai và được nhiều người Thái Lan tin sùng. Đây cũng là nơi nhiều tín đồ Phật giáo hành hương trong các ngày lễ lớn.

Bhubing Palace

Nơi nghỉ của Hoàng Gia Thái Lan khi đến Chiang Mai (Ảnh – levennnd)

Cung điện mùa đông này là nơi ở và nghỉ ngơi của Hoàng Gia Thái Lan khi ở Chiang Mai. Khuôn viên cung điện được tô điểm bởi những khóm hoa đủ màu sắc, được trồng dọc theo lối đi, tỏa hương thơm ngát. Người ta chăm sóc hoa nơi đây rất cẩn thận nên hoa nở và khoe sắc quanh năm. Nơi này mở cửa tiếp đón du khách hàng ngày và có thu phí vé vào cửa, trong những dịp gia đình Hoàng Gia ở đây, cung điện sẽ đóng cửa.

Làng H’Mong

Làng H’Mong ở đây trông không khác lắm so với ở Việt Nam (Ảnh – cungphuot.info)

Khu vực núi Su Thep này có khá nhiều người dân H’mong sinh sống, về cơ bản thì những người dân H’mong ở đây có cùng hệ ngôn ngữ với người H’mong ở Lào và Việt Nam. Khu vực này cũng không có gì quá đặc biệt, nhất là với những bạn đã từng tới Đông – Tây Bắc của nước mình. Nếu có thời gian rảnh, các bạn cứ vác xe chạy vào tham quan thôi.

Khun Chang Khian

Khun Chang Kian đẹp đâu kém gì Nhật Bản hay Hàn Quốc đâu các bạn nhỉ (Ảnh – alan_collinson)

Từ làng H’mong đi khoảng thêm 10km nữa sẽ đến khu vực Khun Chang Khian, nơi các bạn có thể ngắm hoa anh đào đẹp không kém gì Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thời gian hoa nở thường từ khoảng tháng 12 đến cuối tháng 1 năm sau. Trên thực tế, có nhiều điểm có thể ngắm được loài hoa này nhưng đây là điểm gần nhất và thuận tiện cho việc di chuyển từ trung tâm Chiang Mai.

Chiang Mai Zoo

Vườn thú Chiang Mai tương đối rộng, đi bộ sẽ mất khá nhiều thời gian nên các bạn hãy mua vé xe điện đi kèm (Ảnh – cungphuot.info)

Khu vườn thú và thủy cung ở Chiang Mai được xây dựng từ năm 1977 trên một diện tích rộng khoảng hơn 80 ha. Nhiều loài động vật và thú quý hiếm được nuôi giữ tại đây, từ những loài thú nhỏ hiền lành ăn cỏ cho đến những loài động vật ăn thịt to lớn như hổ hay sư tử đều có. Khu vườn thú khá rộng, các bạn nên mua kèm vé xe điện để lúc nào mệt có thể nhảy lên và đi. Đặc biệt là vườn thú này cho phép xe tư nhân được tự do đi lại nên nếu có thuê xe, các bạn có thể đi luôn vào trong khuôn viên vườn thú để đi lại giữa các địa điểm.

Xem ưu đãi giá vé tham quan Vườn thú và Thủy cung Chiang Mai của ưu đãi từ klook

Chiang Mai Night Safari

Night Safari thú vị hơn khi đi vào buổi tối các bạn nhé (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là vườn thú đêm đầu tiên ở Thái Lan và thứ 2 trên thế giới sau Singapore Night Safari, được khai trương năm 2006 nhằm quảng bá cho du lịch Chiang Mai. Toàn bộ vườn thú được chia làm 3 khu vực chính:

  • Savanna Zone: Khu vực dành cho các loài đến từ vùng hoang mạc Châu Phi, gồm khoảng 34 loài và hơn 320 cá thể động vật như linh dương đầu bò, hươu cao cổ, tê giác trắng, ngựa vằn…
  • Predator Prowl Zone: Khu vực động vật ăn thịt với khoảng 27 loài và hơn 200 cá thể động vật như hổ, sư tử, gấu đen châu Á, cá sấu…
  • Jaguar Trail Zone: Là một con đường đi bộ dài khoảng hơn 1km với khoảng 50 loài và hơn 400 cá thể động vật nhỏ nhưng cũng có cả một số loài thú dữ như: hổ trắng, báo đốm..

Xem ưu đãi giá Night Safari Chiang Mai kèm xe điện của ưu đãi từ klook hoặc ưu đãi từ kkday

Làng Baan Kang Wat

Baang Kang Wat có một phiên chợ đồ thủ công vào sáng thứ 7 hàng tuần (Ảnh – jaojoy.__16)

Baan Kang Wat được biết đến như một khu làng nhỏ đầy tính nghệ thuật và sự sáng tạo, với các sản phẩm thủ công truyền thống của Thái Lan. Đây là khu phức hợp với các cửa hàng nhỏ handmade, góc cà phê, kem tươi, phòng sách, phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, những khu vườn nhỏ… Tất cả đều nhỏ nhắn, xinh xắn và đáng yêu đến lạ.

Bo Sang Umbrella Village

Làng của những chiếc ô sặc sỡ sắc màu (Ảnh – ciara_vi)

Bo Sang là một trong những làng làm ô thủ công nổi tiếng nhất vùng. Ô ở đây có đủ các loại màu sắc bắt mắt, với những hoạ tiết được vẽ bằng màu nước rất đặc biệt và không bị trôi dù có đi mưa nhiều.

Doi Inthanol

Doi Inthanon là ngọn núi cao nhất của dãy núi Inthanon thuộc dãy Thanon Thong Chai, một dãy núi thuộc vùng Cao nguyên Shan,vùng cao nguyên Thái Lan kéo dài về phía nam từ dãy núi Daen Lao. Năm 1954, rừng xung quanh Doi Inthanon được bảo tồn, tạo ra Vườn Quốc gia Doi Inthanon, là một trong 14 vườn quốc gia của Thái Lan. Khu vực này rất rộng và nhiều địa điểm tham quan, nếu tự đi các bạn cũng phải mất ít nhất 2 ngày mới đủ để lang thang và khám phá hết. Nếu đi theo tour, thường các bạn sẽ được đưa đến một vài điểm chính.

Xem ưu đãi giá tour 1 ngày tham quan Doi Inthanon của ưu đãi từ klook hoặc ưu đãi từ kkday

Thác Wachirathan

Wachirathan là một trong nhiều thác nước ở Inthanol (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là thác nước lớn nhất trong khu vực này với độ cao của thác chừng 50m, dòng nước chảy vô cùng mạnh nên ngay từ phía dưới những bậc thang đi lên thác các bạn đã có thể bị ướt. Khu vực xung quanh cũng khá trơn trượt nên các bạn thật cẩn thận khi di chuyển, nhất là với những gia đình có trẻ em.

Trạm nông nghiệp Hoàng Gia

Trạm nông nghiệp này là nơi cung cấp giống cho nhiều vùng (Ảnh – cungphuot.info)

Trạm nông nghiệp này được xây dựng từ năm 1979 theo yêu cầu của nhà vua Thái Lan khi đó với mong muốn cải thiện cuộc sống của người dân địa phương thông qua việc phát triển một trung tâm, nơi trồng và nghiên cứu về các loại cây giống. Kể từ đó, số lượng cây anh túc (thuốc phiện) dần giảm, thay vào đó là các loại hoa và rau phù hợp với khí hậu lạnh được trồng để cung cấp ra thị trường, mang lại thu nhập và cuộc sống ổn định cho người dân.

Twin Pagodas

Cặp đôi chùa được xây dựng kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Quốc vương và Hoàng hậu Thái Lan (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là cách gọi mà các hướng dẫn viên thường mô tả cho du khách cho đơn giản và dễ nhớ, thực chất 2 ngôi chùa này có tên là Pra Mahathart Napamaythaneedol Chedi và Pra Mahathart Napapoommisiri. Đây là 2 công trình được xây dựng vào năm 1987 và 1992 bởi Không quân Hoàng gia Thái Lan nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Quốc vương Bhumibol và Hoàng hậu Sirikit của nước này.

Highest Point of Thailand

Điểm cao nhất của Thái Lan (Ảnh – Einster Acrol)

Trên đỉnh Doi Inthanol có một điểm mà tại đó được xác định là điểm cao nhất của Thái Lan với độ cao so với mực nước biển là 2565m.

Ang Ka Nature Trail

Ang Ka Nature trail là một đoạn đường bằng gỗ, đi xuyên rừng rất đẹp (Ảnh – cungphuot.info)

Ngay bên cạnh điểm cao nhất Thái Lan sẽ có một con đường đi bộ xuyên rừng được làm bằng gỗ, các bạn có thể đi một vòng giữa khu rừng nguyên sinh vẫn còn tương đối nguyên vẹn, chặng đường không quá dài nhưng cảnh đẹp và vô cùng mát mẻ.

Thị trấn Pai

Một con đường tre ở Pai (Ảnh – oneway_pics)

Pai là một thị trấn rất nhỏ, nằm tại tỉnh Mae Hong Son phía Bắc của Thái Lan. Pai cách Chiang Mai khoảng 130km, thị trấn nhỏ xinh này được bao quanh bởi các dãy núi cao quanh năm khí hậu ôn hòa, dễ chịu.

Chiang Rai

Đây là một tỉnh thuộc cực Bắc Thái Lan giáp với Chiang Mai với các loại hình du lịch khám phá tương đối hấp dẫn. Tỉnh này nổi tiếng với Chùa Trắng (Wat Rong Khun), Tam Giác Vàng – ngã 3 giao nhau của Thái-Lào-Myanmar và trước đây là một địa điểm vô cùng phức tạp về ma túy. Ngoài ra, nếu có thời gian có thể ghé thăm làng của người Karen cổ dài (thực ra những người này sống ở phía gần Myanmar, sau này để tiện cho phát triển du lịch nên một nhóm nhỏ được thuê về để sống ở đây). Các bạn nếu không  thể tự đi có thể mua tour cho tiện

Xem ưu đãi giá Tour Chiang Rai - Chùa Trắng - Tam Giác Vàng của ưu đãi từ klook hoặc ưu đãi từ kkday

Chùa Trắng Wat Rong Khun

Chùa Trắng ở Chiang Rai (Ảnh – mogi.seul)

Được xây dựng bởi nghệ nhân dân tộc Chalermchai Kositpipat cùng các sinh viên từ năm 1996, chùa Trắng mang lối kiến trúc ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo. Khác với màu vàng chủ đạo của các ngôi chùa ở Thái Lan, nơi được mệnh danh là “Xứ sở Chùa Vàng”, Wat Rong Khun được bao phủ bởi một màu trắng sáng tượng trưng cho sự tinh khiết, chiếu rọi của Phật giáo.

Nhà Đen Baandam

Nhà Đen Baandam (Ảnh – fangyu__)

Được xây dựng dựa trên ý tưởng về cái chết, về thế giới bên kia sự sống được xây dựng từ cuối thế kỷ 20 bởi nghệ nhân dân tộc Thawan Duchanee. Không chỉ chứa đựng những triết lý, nhân sinh quan về cái chết, đây còn có thể được xem là nơi để kể cho thế hệ sau về sự tài hoa, độc đáo trong nghệ thuật của người xưa, được Thawan Duchanee bảo tồn trong một quần thể khổng lồ các kiến trúc khác nhau.

Tam Giác Vàng

Tam Giác Vàng, một điểm nóng về ma túy trước đây nằm trên biên giới đường sông giữa 3 nước Lào – Thái Lan – Myanmar (Ảnh – nfas_0708)

Tam giác Vàng là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào – Thái Lan – Myanmar, từng nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, nhưng ngày nay không còn trồng thuốc phiện nữa mà trở thành khu du lịch sinh thái lý tưởng, theo đó, những cánh đồng anh túc năm xưa được thay bằng những thửa ruộng hoa màu, cây trái quanh năm xanh tốt. Nơi đây cũng tồn tại một bảo tàng thuốc phiện được xây dựng từ năm 2003 và khánh thành vào năm 2005 bởi Thái Lan.

Chơi gì ở Chiang Mai

Trượt Zipline

Zipline là một trò chơi tương đối mạo hiểm (Ảnh – flightofthegibbon)

Tới Chiang Mai nhất định đừng bỏ qua trò zipline nếu bạn không sợ độ cao. Chiangmai có rất nhiều chỗ để trượt zipline, tuy nhiên chi phí cũng tương đối cao. Các bạn có thể đặt tour trước từ Việt Nam hoặc sang đó rồi liên hệ mua vé.

Xem ưu đãi giá đường trượt Zipline Flight Of The Gibbon của ưu đãi từ klook hoặc ưu đãi từ kkday

Uống cafe

Chiang Mai cũng nổi tiếng với nhiều quán cafe đẹp và ngon (Ảnh – cungphuot.info)

Chiang Mai cũng là vùng đất của cafe với rất nhiều các quán cafe đẹp và ngon, khá nổi tiếng là quán Ristr8to Lab ở khu Nimman, quán này có 2 cửa hàng và lúc nào cũng khá đông khách nên nếu muốn có chỗ ngồi đẹp thì nhớ đến sớm nhé. Anh chủ quán này nằm trong top những nhà quán quân của cuộc thi Latte Art thế giới, và mỗi ly cafe thơm ngon ở đây thực sự đều là những tác phẩm nghệ thuật.

Ẩm thực đường phố

Một trong những nét hấp dẫn khi đến Chiang Mai, bạn có thể thử rất nhiều món ăn vặt cũng như món ăn truyền thống của người Thái ngay trên đường, dễ nhất là ở các khu chợ đêm.

Ăn gì ở Chiang Mai

Khao Soy

Khao Soy ở khu Nimman (Ảnh – cungphuot.info)

Món ăn này chủ yếu được chế biến từ mì trứng chiên giòn và mì trứng luộc. Khao Soy là món truyền thống có nguồn gốc từ Myanmar, thường được phục vụ với thịt gà, thịt heo hoặc thịt bò, dùng kèm với một số gia vị như ớt, bắp cải muối, hẹ, gừng, mù tạt và chanh. Hương vị của món Khao Soy tương tự như cà ri vàng nhưng không quá cay. Nhờ màu sắc bắt mắt, kích thích vị giác, món này thường được du khách lựa chọn thưởng thức khi sang Thái Lan.

Đồ nướng

Các món nướng có thể dễ dàng tìm thấy ở các khu chợ đêm (Ảnh – cungphuot.info)

Đến Chiang Mai, bạn sẽ bị thu hút bởi hình ảnh người bán trên vỉa hè, say mê nướng những mẻ thịt thơm lừng. Món sườn heo và xiên gà nướng là hương vị các tín đồ ẩm thực đường phố không thể bỏ qua. Những miếng thịt thấm gia vị, mềm, được phết lớp dầu tạo nên sự bóng bẩy, hấp dẫn khách qua đường.

Pad Thái

Pad Thái trông như kiểu phở xào Việt Nam (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một món mì gạo xào truyền thống và quen thuộc của Thái Lan. Thành phần của món ăn gồm có: mì gạo xào với trứng và đậu phụ, tẩm thêm một chút ớt đỏ, bột me, nước mắm và đường thốt nốt. Đĩa mì được trộn cùng lạc rang giã nhỏ, tôm tươi hoặc khô, tỏi hoặc hẹ tây. Khi ăn, ta vắt thêm một chút chanh để tạo vị chua.

Xôi xoài

Xôi xoài là món nổi tiếng của Thái Lan (Ảnh – sonjaprivatwatzka)

Món xôi xoài nổi tiếng của Thái Lan chắc hẳn đã nhiều người nghe tên. Món ăn được chế biến với các nguyên liệu đơn giản, nhờ sự trình bày bắt mắt nên luôn thu hút thực khách trải nghiệm. Xôi xoài gồm có phần cơm nếp, nước dừa và những lát xoài tươi tạo hương thơm tự nhiên.

Tom Yum

Món ăn có vị cay của ớt, thơm của xả, ngọt của dừa cùng hương vị của rất nhiều nguyên liệu khác (Ảnh – kompassion_)

Một đặc sản của người dân Thái Lan. Món này muốn dậy vị, thơm ngon không thể thiếu tôm tươi, nước cốt dừa, ngò, ớt, sả, gừng và chanh. Điểm nhấn của món là nước dùng có vị cay nồng nhẹ, ngọt dịu vừa phải, quyện vị với các topping đi kèm thêm đậm đà.

Cơm rang

Món cơm rang, đơn giản nhưng khá ngon (Ảnh – cungphuot.info)

Món cơm rang với các nguyên liệu đơn giản cùng cách chế biến với chút hương vị của người Thái. Các bạn có thể thử món này ở quán Its Good Kitchen, nằm ngay gần Wat Phra Singh. Đây là một quán chuyên các loại đồ Thái, lúc nào cũng trong tình trạng đông khách nên thường xuyên phải xếp hàng.

Các món từ dừa

Dừa tươi thường có 1 loại nguyên quả, 1 loại được loại bỏ sẵn vỏ để ăn. Rất dễ mua vì đâu cũng có (Ảnh – cungphuot.info)

Kem dừa được bán trong 1 quán tương đối nổi tiếng ở Chiang Mai, chỉ chuyên các món dừa (Ảnh – cungphuot.info)

Các bạn có thể gặp dừa ở khắp mọi nơi, các sản phẩm từ dừa, các món ăn được nấu kèm cốt dừa, kem dừa, bánh dừa… nói chung dừa ở Chiang Mai rất ngon và nên thử.

Hoa quả

Các loại hoa quả được bày bán khắp các chợ và cả các gánh hàng rong ở Thái Lan (Ảnh – cungphuot.info)

Có khí hậu khá tương đồng với Việt Nam nên Thái Lan cũng có rất nhiều loại hoa quả tươi ngon, các bạn có thể thấy các loại hoa quả bày bán ở khắp mọi nơi trên đường phố Chiang Mai, khá dễ dàng để chọn cho mình một loại ưa thích và thưởng thức ngay tại chỗ.

Salad

Nếu thích rau, các bạn đừng bỏ lỡ thiên đường salad ở đây nhé (Ảnh – cungphuot.info)

Chiang Mai có khí hậu lành lạnh giống kiểu Đà Lạt và Sa Pa của Việt Nam nên trồng được khá nhiều loại rau và luôn tươi ngon. Các bạn hãy thử đến The Salad Concept để thưởng thức hơn 30 loại salad khác nhau cùng các món cuốn và các loại bánh. Đĩa salad ở đây khá to với các mức giá quanh quanh khoảng 200 THB.

Kaeng hang leh

Đây là một món cà ri xuất phát từ Myanmar, người Thái thường sử dụng thịt lợn cho món cà ri này bởi nó dễ chế biến và kết hợp cùng các loại gia vị thường dùng. Món cà ri này hơi cay nhưng cũng có vị chua chua mặn mặn, khá phổ biến ở miền Bắc Thái Lan và được coi như một món ăn truyền thống của người dân nơi đây. Trong một số nhà hàng ở Chiang Mai, đôi khi các bạn sẽ thấy món ăn này dưới cái tên “Burmese curry”.

Sai Ua

Món xúc xích này có thể nhìn thấy ở các quầy đồ ăn đường phố (Ảnh – quaffable_patrik)

Món Sai Ua hay còn được gọi là xúc xích Chiang Mai được làm từ thịt heo và bán ở khắp các quán ăn đường phố. Loại xúc xích này có vị chua của chanh và vị cay đặc trưng của ớt, gừng.

Một số lưu ý khi du lịch Chiang Mai

Visa Thái Lan

Nằm trong khu vực Đông Nam Á nên các bạn không cần phải xin visa khi tới Chiang Mai nếu lưu trú ít hơn 30 ngày. Chỉ cần hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng là các bạn có thể nhập cảnh vào Thái Lan. Chú ý chuẩn bị trước vé may bay, booking khách sạn trong trường hợp bên Thái hỏi (thường chả mấy khi hỏi).

Sim 4G

Sim dành cho khách du lịch mua trước và nhận tại sân bay Chiang Mai (Ảnh – cungphuot.info)

Các bạn có thể dễ dàng mua sim trước từ Việt Nam (qua Klook) với giá khoảng 100k. Sim có sẵn trong tài khoản 100 THB và được sử dụng trong vòng 8 ngày, data không giới hạn (3GB tốc độ cao, sau đó hạ xuống 384 kbps). Sim được giao ngay tại sân bay Chiang Mai bởi nhân viên của họ.

Xem ưu đãi giá sim 4G Thái Lan nhận tại Chiang Mai của ưu đãi từ klook

Tiền tệ

Mệnh giá tiền của Thái là đồng THB (Bath Thái) với tỉ giá khoảng 700-800đ/1THB tuỳ thời điểm (Ảnh – cungphuot.info)

Tiền của Thái Lan là đồng bath (THB) với giá trị quy đổi vào khoảng 780 đ/1 THB, tiền bao gồm cả xu và giấy với các mệnh giá xu là 1-2-5-10, các loại mệnh giá 20-50-100-500-1000 sẽ là tiền giấy. Chi phí ở Thái cũng khá rẻ nên mỗi người chắc chỉ cần chuẩn bị khoảng 7-8000 THB là đủ cho chuyến đi khoảng 5 ngày, nếu cẩn thận các bạn có thể đổi một ít tiền THB còn lại để USD sang đó nếu thiếu thì đổi thêm. Các quầy đổi tiền ở Chiang Mai khá nhiều và dễ dàng.

Ổ cắm điện

Ổ cắm điện ở Thái Lan cùng chuẩn với Việt Nam nên các bạn có lẽ không cần phải chuẩn bị các loại đầu chuyển đổi du lịch, tuy nhiên nếu có cứ mang đi vì biết đâu một số khách sạn họ lại có chuẩn khác.

Lịch trình du lịch Chiang Mai

Chiang Mai là một vùng đất bình yên nhưng cũng có rất nhiều điều thú vị cho du khách (Ảnh – cungphuot.info)

Lịch trình này chỉ mang tính chất tham khảo, tùy mỗi kiểu đi các bạn tự điều chỉnh cho phù hợp nhé. Những bạn đi theo kiểu gia đình có trẻ nhỏ thì giảm bớt số lượng các điểm, những bạn trẻ tự đi với bạn bè thì tùy vào sức khỏe có thể gộp các lịch trình lại cho tiết kiệm thời gian.

Ngày 1: Việt Nam – Chiang Mai

Ngày này các bạn bay từ Việt Nam sang Chiang Mai, thường các bạn sẽ có mặt ở Chiang Mai vào khoảng buổi chiều, về khách sạn nhận phòng rồi nghỉ ngơi tắm rửa cũng gần tối. Buổi đầu này có lẽ nên đi dạo một khu chợ đêm nào đó.

Ngày 2: Khám phá Nimman – Old City

Sáng dậy hãy thuê xe máy đi khám phá 2 nơi này để đi được nhiều hơn, nếu đi bộ sẽ tương đối xa. Khu Nimman có rất nhiều thứ hay ho, có thể thưởng thức cafe, các món ngon từ dừa, kiếm một quán ăn nào đó để ăn trưa.

Buổi chiều chạy sang khu Old City, khu này tập trung rất nhiều chùa. Nếu không có bằng lái xe máy quốc tế mang theo, khả năng cao các bạn sẽ bị tóm ở khu vực này đấy.

Ngày 3: Khám phá Doi Suthep – Chiang Mai Zoo – Chiang Mai Safari

Dành nửa ngày để khám phá Doi Suthep, nếu lười tự đi các bạn có thể đặt tour cho nhanh gọn nhé. Giá tour nửa ngày thường vào khoảng 500 THB/1 người (không bao gồm ăn trưa). Tuy nhiên trên này lại khá đẹp để chạy xe máy, các bạn có khả năng đi xe thì thuê mà chạy lên cho thích.

Từ Doi Suthep về, các bạn có thể mua vé vào Chiang Mai Zoo, khu này có khá nhiều loài thú và các bạn cũng có thể mang theo xe vào để di chuyển trong đây luôn.

Tối đi Chiang Mai Safari rồi về khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 4: Đi Doi Inthanon

Chỗ này là một cái Vườn Quốc Gia khá rộng, cách trung tâm Chiang Mai khoảng 90km. Nếu cảm thấy tự tin các bạn có thể tự chạy xe máy đi cho thoải mái, đường cũng không quá khó so với Việt Nam. Nếu lười, các bạn book tour 1 ngày đi Doi Inthanon với giá khoảng 1200 THB bao gồm ăn trưa và đón/trả tại khách sạn luôn.

Ngày 5++:

Các ngày phía sau, tùy vào thời gian các bạn có mà có thể đi Pai, Chiang Rai – Tam Giác Vàng hoặc tiếp tục lượn lờ ở Chiang Mai nếu các bạn ngại di chuyển.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Chiang Mai 2024
  • du lịch Chiang Mai tháng 4
  • tháng 4 Chiang Mai có gì đẹp
  • review Chiang Mai
  • hướng dẫn đi Chiang Mai tự túc
  • ăn gì ở Chiang Mai
  • phượt Chiang Mai bằng xe máy
  • Chiang Mai ở đâu
  • đường đi tới Chiang Mai
  • chơi gì ở Chiang Mai
  • đi Chiang Mai mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Chiang Mai
  • homestay giá rẻ Chiang Mai

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 12 bình chọn và điểm trung bình là 5

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thái Lan

THÁI LAN

Quốc kỳ Thái Lan

Thái Lan là quốc gia thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Đông Nam Á vào năm 2013, theo Tổ chức Du lịch Thế giới.

Những trải nghiệm du lịch hấp dẫn ở Thái Lan bao gồm lặn biển, tắm ở những bãi biển đầy cát, khám phá hàng trăm hòn đảo nhiệt đới, cuộc sống về đêm, ghé thăm những di tích khảo cổ, những bảo tàng, cung điện, những ngôi chùa Phật giáo và một số di sản thế giới.

Thái Lan cũng là miền đất của lễ hội, từ những lễ hội quốc gia như lễ hội năm mới Songkran (còn gọi là lễ hội té nước) hay lễ hội hoa đăng Thái Lan (Loy Krathong). Nhiều địa phương ở Thái Lan cũng có lễ hội riêng. Một số những lễ hội địa phương nổi tiếng nhất là Lễ hội voi ở Surin và lễ hội “Phi Ta Khon” ở Dan Sai.

  • Thủ đô: Bangkok
  • Diện tích: 513.120 km²
  • Dân số: 67.993.000 người
  • Tiền tệ: bath (THB)
  • Mã điện thoại: +66