Kinh nghiệm đi phượt Hồ Núi Cốc

Kinh nghiệm đi phượt Hồ Núi Cốc (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Trong cái mênh mang của mây trời, sông nước; trong cái ngút ngàn mướt xanh của những vạt rừng in bóng mặt hồ; rồi 89 hòn đảo mang những cái tên thật khêu gợi: Đảo Tiên Nằm, đảo Núi Cái, đảo Cò, đảo Dê, đảo Khỉ… và xa xa phía tây, dãy Tam Đảo sừng sững như một bức trường thành lam sẫm… thật khó dùng lời để tả hết vẻ đẹp, sự quyến rũ của hồ Núi Cốc – hồ huyền thoại. Phượt hồ Núi Cốc để đến với một thắng cảnh “sơn thủy hữu tình”; đến với không khí trong lành, mát mẻ; để du ngoạn trên hồ và đắm mình trong câu chuyện tình chung thủy ngàn đời trở thành huyền thoại của vùng sơn cước.

Nắng chiều trên Hồ Núi Cốc (Ảnh – Lam Van The)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Lam Van The, tommy_lee2009, Tran An, Hoàng Phi, Dung Nguyen Van, Nhà hàng Bến Đợi, Quynh Tran, Khang Vu Dinh, Hang Dong, Van Kien Le, Lan Hương Đào, Tuan Nguyen, goodmorning283, Ngoc Nguyen và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Hồ Núi Cốc

Hồ Núi Cốc nguyên là một đoạn của sông Công, một trong các chi lưu của sông Cầu chảy vòng quanh một ngọn núi đất có tên là núi Cốc. Đập Núi Cốc được khởi công xây dựng đầu năm 1972 nhưng do Không quân Mỹ mở chiến dịch Linebacker I đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam nên công trình bị đình hoãn đến đầu năm 1973 mới tái khởi động. Tháng 10 năm 1978, một trận lũ lịch sử trên sông Công có lưu lượng 3.000 mét khối/giây, gấp gần 4 lần lưu lượng xả thiết kế của cửa xả chính và làm vỡ hai vai đập. Công trình Đập Núi Cốc hoàn thành phần đầu mối vào năm 1979 và hoàn thành toàn bộ vào năm 1982.

Ảnh – tommy_lee2009

Đập Núi Cốc thuộc hạng A là hạng đập đất đắp không có lõi chống thấm (theo phân hạng của Bộ Thủy Lợi, nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn). Công trình gồm 1 đập chính và 7 đập phụ. Đập chính có cao trình 27m, dài 480m, là loại đập tràn có cửa xả kiểu máng phun với lưu lượng xả tối đa 850 mét khối/giây. Thân đập được làm bằng đắt đắp, đầm hỗn hợp thủ công và đầm lăn cơ giới hạng nhẹ. 7 đập phụ cũng là đập đất đắp không có lõi chống thấm, cao 12,5m. Từ năm 1999, đập được xây thêm 2 khoang xả tràn có lưu tốc xả 585 mét khối/giây. Tổng chiều dài các kênh dẫn dòng cấp I cung cấp nước cho hạ lưu dày 72 km từ cửa cống rộng 195 m.

Đập Núi Cốc tạo ra Hồ Núi Cốc có diện tích mặt nước trung bình 25 km vuông, ở thời điểm lũ tối đa là 32km vuông; độ sâu 46,2 m, thời điểm cường lũ tối đa là dung tích toàn bộ 175,5 triệu mét khối, dung tích hữu ích 168 triệu mét khối. Hồ-đập Núi Cốc cùng các công trình phụ trợ tạo thành hệ thống thủy lợi Núi Cốc có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12 nghìn ha lúa thuộc bốn huyện, thành phố phía nam tỉnh Thái Nguyên và khu công nghiệp Thái nguyên với lưu lượng 30 mét khối/giây; cung cấp nước phục vụ đời sống dân sinh của cư dân thành phố Thái Nguyên với lưu lượng 7,2 mét khối/giây. Tổng lượng nước do Hồ Núi Cốc cung cấp cho Thái Nguyên đạt từ 40 triệu đến 70 triệu mét khối/năm. Trong một số năm hạn hán, Hồ Núi Cốc còn còn tiếp nước cho hệ thống thủy nông Sông Cầu (Bắc Giang) khoảng 30 triệu đến 50 triệu mét khối/năm. Hệ thống thủy lợi Hồ Núi Cốc cũng có tác dụng cắt lũ cho vùng hạ lưu sông Công; chăn nuôi thủy sản và kết hợp du lịch.

Huyền thoại về Hồ Núi Cốc

Từ huyền thoại nàng Công – chàng Cốc…

Nhắc đến Hồ Núi Cốc thì không thể không nhắc đến cuộc tình giữa nàng Công và chàng Cốc – một chuyện tình thương đau còn để lại dấu tích đến ngày nay.

Chuyện rằng:

Ngày xưa có một chàng trai nghèo sống bằng nghề đốn củi, chàng có tên là Cốc. Bởi vì quá nghèo nên chàng Cốc không thể lấy được vợ. Mỗi lúc buồn, chàng chỉ còn biết gửi nỗi lòng vào tiếng sáo. Một năm mất mùa, chàng Cốc đến nhà quan lang ở vùng gần sông Công, sông Gâm làm thuê. Quan lang này có một cô con gái xinh đẹp và hát hay, múa giỏi nức tiếng khắp vùng, đó là nàng Công. Nhiều người đến ướm hỏi nhưng nàng Công không ưng một ai. Duyên trời định đoạt, tiếng sáo chàng Cốc đã khiến trái tim người con gái rung động.

Biết chuyện, quan lang vô cùng tức giận. Ông bắt chàng Cốc làm những việc khó khăn, nguy hiểm cốt để hại chàng. Với sự giúp đỡ của tiên ông và các loại thú rừng, chàng Cốc đã hoàn thành tất cả yêu cầu. Song điều đó không làm quan lang hài lòng, ông bắt nhốt nàng Công trong nhà và cho quân truy đuổi chàng Cốc. Phần chàng Cốc, chàng về quê chờ ngày gặp lại người yêu. Chàng chờ mãi, chờ đến khi cả tấm thân hóa thành quả núi mà nàng Công vẫn chưa đến. Thương nhớ chàng Cốc, nàng Công khóc ròng rã, rồi thân thể nàng cũng tan ra thành nước.

Ngọn núi Cốc bây giờ là hiện thân của chàng trai năm xưa, còn người yêu chàng đã hóa thân thành dòng sông Công êm dịu. Người ta bảo, mỗi lần lũ lên là mỗi lần nàng Công cố vươn mình để được gần chàng Cốc hơn.

… đến chuyện tình ba cây thông

Câu chuyện tình bi thảm của đôi trai gái hóa sông hóa núi kia không là huyền thoại tình yêu duy nhất ở Hồ Núi Cốc này. Ba cây thông, hai trai, một gái đang đứng sừng sững kia là một bằng chứng không thể chối bỏ.

Xưa có hai anh em sinh đôi giống nhau như hai giọt nước, cả hai chàng cùng tài giỏi và vô cùng hiếu thuận. Một ngày nọ, người anh xuống núi, chàng gặp cô gái xinh đẹp nhất vùng và tình yêu bắt đầu nảy nở trong mỗi người. Ngày hôm sau, khi cô gái đang mong chờ chàng trai hôm qua tới thì cũng là lúc người em xuống núi và cũng gặp nàng. Người em cũng say đắm trước dung nhan của cô gái kia. Còn cô gái, cô đâu ngờ người đang đứng trước mặt mình là một người khác.

Tới một ngày, người anh hẹn cô gái về ngày đính ước, cô gái thẹn thùng ưng thuận. Ngày hôm sau, cũng như anh mình, người em xuống núi xin lời đính ước. Xúc động nghĩ rằng chàng trai đang nhắc lại lời hẹn, cô gái khẽ gật đầu.

Ngày hẹn ước cùng tới, dưới ánh trăng vằng vặc, ba người ngỡ ngàng nhìn nhau. Cô gái òa khóc trước sự sững sờ của hai anh em. Động lòng thương cảm, Ngọc Hoàng ban phép cho họ được mãi mãi bên nhau. Ngày hôm sau, tại nơi ba người đứng đêm qua, người ta bỗng thấy có ba cây thông cao lớn, xanh tốt đứng sừng sững giữa trời.

Phượt Hồ Núi Cốc vào thời gian nào?

Các bạn đi du lịch Hồ Núi Cốc nhớ tránh mùa nước cạn (Ảnh – Tran An)

Hàng năm cứ vào cuối mùa xuân, sang đầu mùa hạ là thời điểm nguồn nước hồ Núi Cốc cần phải được tập trung để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời để thực hiện chức năng đón lũ khi mùa mưa đến, chính vì vậy mà thời điểm đầu năm này nước trong hồ hầu hết là cạn, không phù hợp để đi du lịch. Các bạn  nên đi phượt Hồ Núi Cốc vào khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Lúc này nước trong hồ đã được tích trữ đủ nhiều, thuyền có thể đi lại được, ngoài ra thời tiết nóng sẽ phù hợp để nếu có thích các bạn có thể kết hợp đi một số thác nước trong tỉnh Thái Nguyên.

Hướng dẫn đi tới Hồ Núi Cốc

Trên đường tới Hồ Núi Cốc bạn sẽ được ghé qua những vùng đồi chè Tân Cương xanh ngát (Ảnh – Hoàng Phi)

Nằm cách trung tâm Tp Thái Nguyên khoảng 15km, việc di chuyển tới hồ Núi Cốc cũng khá thuận lợi và dễ dàng. Các bạn có thể đi theo đường qua Tân Cương để kết hợp thăm thú và chụp ảnh tại vùng chè Tân Cương, nơi có đặc sản chè Tân Cương nổi tiếng của Thái Nguyên.

Phương tiện xe khách

Từ Hà Nội hoặc từ địa phương nơi bạn sinh sống, bắt xe khách tới Thái Nguyên. Xe sẽ dừng trả bạn tại bến xe trung tâm Thái Nguyên. Từ đây tới Hồ Núi Cốc còn khoảng 15km các bạn có thể tự thuê xe máy rồi đi theo đường 253 lên khu du lịch Hồ Núi Cốc. Nếu các bạn đi theo nhóm khoảng 4 người, có thể thuê chung một xe taxi bởi chia ra thì chi phí cho mỗi người cũng khá phù hợp.

Phương tiện xe máy

Từ Hà Nội các bạn đi qua cầu Nhật Tân rồi di chuyển theo hướng Quốc lộ 3 đi Thái Nguyên, đến Tp Thái Nguyên các bạn đi theo đường 253 sẽ lên thẳng tới hồ Núi Cốc

Khách sạn nhà nghỉ ở Hồ Núi Cốc

Ảnh – Dung Nguyen Van

Hồ Núi Cốc không cách xa lắm so với trung tâm Thành phố Thái Nguyên nên nếu không có nhu cầu ở lại nghỉ ngơi các bạn có thể vui chơi ở đây xong quay ngược lại Tp Thái Nguyên, ở đó sẽ có nhiều lựa chọn nghỉ ngơi hơn. Ngoài ra, với các bạn kết hợp đi du lịch Tam Đảo hoặc du lịch Tuyên Quang thì các bạn cũng nên nghỉ tại đây sẽ thuận tiện đường hơn cho lịch trình kế tiếp.

Núi Cốc Đông Á Resort
Địa chỉ: Xã Cao Khánh, Phúc Xuân, Tp Thái Nguyên, Thái Nguyên
Điện thoại: 0947 151 284 – 0977 498 288

Khách sạn Công đoàn Hồ Núi Cốc
Địa chỉ: Trung tâm Khu du lịch Hồ Núi Cốc
Điện thoại: 0208 3825312

Khách sạn Thái D­ương
Địa chỉ: Khu Du lịch Hồ Núi Cốc
Điện thoại: 0208 3825312

Nhà nghỉ Đông Hồ
Địa chỉ: Hồ Núi Cốc, Tp Thái Nguyên, Thái Nguyên
Điện thoại: 0912 661 685

Nhà nghỉ Đoàn 16
Địa chỉ: Hồ Núi Cốc, Tp Thái Nguyên, Thái Nguyên
Điện thoại: 0983 007 217

Xem thêm: Khách sạn nhà nghỉ tại Thành phố Thái Nguyên (Cập nhật 3/2024)

Ăn gì ở Hồ Núi Cốc

Khu vực ăn uống ở ngay ven hồ Núi Cốc (Ảnh – Nhà hàng Bến Đợi)

Nói chung, khi đi du lịch Hồ Núi Cốc đa phần các bạn đều xác định đến để nghỉ ngơi và chơi bời nên thường việc ăn uống cũng không quá quan trọng. Nhất là khi việc tìm những món ăn ngon ở một khu du lịch nổi tiếng và đông đúc cũng không có quá nhiều lựa chọn bởi chỉ có một số nhà hàng nhất định, thực đơn của các nhà hàng này thì thường cũng giống nhau với các loại món ngon như rau rừng, gà đồi, lợn cắp nách… Nếu có thể kết hợp cả du lịch Thái Nguyên trong chuyến đi của mình, các bạn có thể tham khảo bài viết các món ăn ngon và đặc sản Thái Nguyên để có thêm các lựa chọn khác

Một số nhà hàng ăn ngon ở Hồ Núi Cốc

Nhà hàng Công đoàn Hồ Núi Cốc
Điện thoại: 0208 3825 308 – 0948 556 067 – 0915 215 825

Nhà Hàng Hồ Núi Cốc Plaza
Điện thoại: 0208 3825 666

Nhà hàng Bến Đợi
Điện thoại: 0280 3825 826 – 01647 368 222 – 0968 100 280

Chơi gì ở Hồ Núi Cốc

Công viên nước Hồ Núi Cốc

Nếu đi vào mùa hè, các bạn có thể tranh thủ giải trí ở công viên nước này (Ảnh – Quynh Tran)

Công viên nước Hồ Núi Cốc là công viên nước thứ hai được xây dựng ở miền bắc, sau Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội). Công viên nước Hồ Núi Cốc hiện rộng 3,4 ha.

Công viên nước Hồ Núi Cốc có những công trình dịch vụ hấp dẫn du khách như: “Vườn cau ao cá”, “Tích Tề thiên đại thánh”, “Bể bơi”, “Ðường trượt”, “Cá chép”, “Cá heo”… Tượng con cá chép, bụng chứa được 200 người tắm; bể bơi rộng 350 m2, một nửa dành cho thanh niên (sâu 1,2 – 1,5 m), một nửa dành cho thiếu niên (sâu 40 cm – 1 m); có bể nước sâu phía trên mắc hai đường cáp, một cầu nhảy xuống nước sâu 2,85 m; có bốn đường trượt (dự kiến năm sau sẽ thêm bốn đường nữa) bên hai tượng cá heo phun nước…

Sân khấu nhạc nước Hồ Núi Cốc

Sân khấu nhạc nước Hồ Núi Cốc còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ tập thể, giao lưu (Ảnh – Khang Vu Dinh)

Sân khấu biểu diễn nhạc nước Hồ Núi Cốc có tổng diện tích 1ha với cột nước cao trên 40m được đánh giá là một trong những sân khấu nhạc nước hiện đại nhất được đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Những giai điệu về huyền thoại Hồ Núi Cốc, chuyện tình nàng Công chàng Cốc và địa danh Thái Nguyên thủ đô gió ngàn…được thể hiện bởi 100 loại hình khác nhau của các cột nước.

Chùa Thiêng Thác Vàng

Trong khu du lịch huyền thoại Hồ Núi Cốc là một chốn thiền thanh tịnh với ngôi chùa có cấu trúc rất độc đáo. Đó là Chùa Thiêng Thác Vàng

Ảnh – Hang Dong

Truyền thuyết kể rằng xưa kia có đôi vợ chồng nông dân nghèo rất yêu thương nhau. Ngày ngày, người vợ chăn tằm dệt vải, nuôi con; người chồng phát nương, đốn củi, đuổi thú dữ. Dù nghèo nhưng họ thường bớt những phần lương thực kiếm được chia cho người ốm, người nghèo hơn. Vài năm một lần, những cơn lũ quét, những đợt bão rừng tràn về cướp đi tính mạng, của cải của dân làng. Nhìn cuộc sống cứ mãi lầm than tăm tối của dân làng, đôi vợ chồng nọ vẫn mong đến một ngày nào đó cuộc sống sẽ đổi thay, con trẻ được ấm no, người già được hân hoan, xóm làng được thay da đổi thịt. Ước mơ của họ đã thấu tận trời Phật. Một đêm trở gió, núi rừng rung chuyển, tiên ông đã hiện về trong giấc mơ của người chồng: “Vợ chồng con là người tốt, chăm chỉ, siêng năng, lại biết lo toan cho mọi người. Ta sẽ giúp con: các con hãy trèo lên đỉnh núi cao gần giáp với bầu trời kia, hãy cuốc thật sâu, con sẽ được như ý nguyện”. Trong phút chốc, tiên ông đã biến mất.

Mờ sáng hôm sau, đôi vợ chồng cơm nắm muối vừng leo lên quả núi nọ để làm theo lời tiên ông dặn. Chiều xế bóng, họ mới leo tới đỉnh núi. Họ cuốc mãi, đào mãi đến một lúc từng tảng đá bật lên và bỗng một tia nước lóe ra. Dòng thác toàn vàng chảy cùng dòng nước xối xả dội xuống tận chân núi. Hai vợ chồng vui sướng tột cùng, về gọi dân làng. Cả làng vui mừng khôn xiết. Nhưng kỳ lạ thay, chỉ những người hiền lành, tốt bụng mới nhìn thấy dòng thác bằng vàng đó. Những kẻ tham lam, độc ác chỉ nhìn thấy đất đá đổ xuống ầm ầm. Từ đó cuộc sống của dân làng thay đổi hẳn. Họ được ấm no, đôi vợ chồng càng ngày càng giàu có và hạnh phúc. Chùa Thiêng Thác Vàng chính là ngôi chùa huyền thoại mà đôi vợ chồng người nông dân nọ dựng lên để tạ ơn trời Phật đã hiển linh.

Đời này qua đời khác, câu chuyện thác vàng và thuyết nhân quả đã thành huyền thoại. Ngọn núi cũng mang tên Thác Vàng từ đó. Chùa Thiêng Thác Vàng được đặt tên theo sự tích chùa nằm trong lòng Phật được đặt trên đỉnh Thác Vàng. Chùa có một tượng Phật cao 45m, tọa lạc trên đỉnh núi và một ngôi tam bảo thờ trong lòng Phật. Công trình hoàn thành đầu năm Tân Mão 2011.

Toàn bộ khu chính điện, tam quan, tam bảo, nhà thờ tổ nằm dưới đài sen tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khổng lồ. Ở đây pho tượng có mầu vàng óng, cao 45m, đường kính chiều ngang của đài sen rộng 37m, sừng sững giữa núi rừng, hướng mặt ra Hồ Núi Cốc. Vẻ đẹp của Phật Giáo thể hiện ngay ở bức phù điêu trên tường mà du khách sau khi đi vào cổng chùa. Ở đây Đức Phật tọa trên đài sen tỏa ánh hào quang nhìn về cảnh chùa, cảnh núi, sông, non nước.

Sau khi bước qua cửa chùa, như được lạc vào chốn hang động lung linh huyền ảo, bồng lai tiên cảnh. Tại đây , các bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nhuốm màu Phật Giáo thể hiện qua những bức phù điêu khổng lồ trên tường, chạy dọc theo các suối nước nhân tạo nước chảy róc rác. Mỗi bức phù điêu có diện tích 25-30m2 thể hiện một triết lí Phật Giáo trong thuyết Nhân Quả. Với hình tượng Đức Phật, cảnh chùa cùng núi non, sông nước chính là những nét phác họa chủ đạo trong các bức phù điêu này… Tô điểm cho cảnh quanh chùa Thiêng Thác Vàng là những búp, lá sen khổng lồ cao 4-5m bên hành lang lối đi từ tầng 1 lên tầng 2.

Khám phá các hang động

Hệ thống hang động nhân tạo bổ sung thêm cho Hồ Núi Cốc một số địa điểm vui chơi (Ảnh – Van Kien Le)

Hồ Núi Cốc có hệ thống hang động nhân tạo đẹp không kém các kỳ quan tự nhiên khác, hệ thống hang động nhân tạo gắn liền với những câu chuyện huyền thoại như động Âm Phủ, Thủy Cung, Huyền Thoại Cung, Động Ba Cây Thông …

Vườn động vật hoang dã

Cổng vào khu Vườn động vật hoang dã (Ảnh – Lan Hương Đào)

Đừng quên trải nghiệm “trò” câu cá sấu nhé (Ảnh – Tuan Nguyen)

Khu vực vườn động vật hoang dã sẽ cho bạn được tận mắt ngắm nhìn những loài động vật như đà điểu khổng lồ, hươu cao cổ, nai rừng, trăn, cầy hương, các loại chim thú quý hiếm khác. Nếu muốn trải nghiệm chút cảm giác mạnh, các bạn có thể thử hình thức câu cá sấu nhé.

Đi thuyền trên Hồ Núi Cốc

Ảnh – goodmorning283

Cái thú vui khi đến du lịch một vùng hồ nào đó là được ngồi trên thuyền đi vòng quanh hồ, thư thái tận hưởng không khí mát mẻ trong lành. Đến Hồ Núi Cốc cũng vậy, các bạn nên thuê thuyền đi một vòng hồ thăm các đảo, nghe kể truyền thuyết về chàng Cốc – nàng Công. Thời gian cho một vòng hồ vào khoảng 1 tiếng, nếu không có thời gian hoặc muốn đi ngắm hồ ở một cảm giác mạnh hơn các bạn hãy thuê xuồng cao tốc.

Đảo Núi Cái

Để lên tới ngôi nhà cổ, các bạn sẽ phải leo hơn 100 bậc thang (Ảnh – Ngoc Nguyen)

Không ai ngờ giữa lòng hồ Núi Cốc thơ mộng lại tồn tại một kiệc tác kiến trúc cổ, với ngôi nhà có tuổi đời hơn 200 năm, được coi là kiệt tác về kiến trúc cổ. Đó chính là “Khu trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam”.

Địa điểm này nằm trên đảo Núi Cái, cũng là hòn đảo lớn nhất trên hồ. Khu trưng bày được hoàn thành và đón khách từ năm 2004, khi đặt chân lên đảo, bạn sẽ phải leo 108 bậc để lên tới Nhà Cổ – di tích đã có tuổi đời hơn 200 năm. Nhà Cổ được làm bằng gỗ lim và thực sự là một kiệt tác về kiến trúc. Đây đã từng là nơi hội tụ hơn 1000 hiện vật là các sản phẩm của hơn 90 làng nghề truyền thống trên khắp đất nước.

Lịch trình đi phượt Hồ Núi Cốc

Hà Nội – Hồ Núi Cốc – Tam Đảo

Lịch trình này khoảng 200km, các bạn có thể kết hợp đi trong mấy ngày cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật. Do khá gần Tam Đảo nên các bạn có thể kết hợp 2 địa điểm này trong cùng một chuyến đi để đỡ nhàm chán.

Ngày 1: Hà Nội – Hồ Núi Cốc

Từ Hà Nội các bạn đi theo cầu Nhật Tân, hết cầu rẽ sang QL3 rồi từ đó lên thẳng Tp Thái Nguyên, tiếp đó đi lên hồ Núi Cốc. Chặng này chỉ khoảng 90km, đi khoảng từ 2-3 tiếng nên các bạn có thể kết hợp đi từ chiều thứ 6, đừng đi muộn quá là được. Tối ngủ ở Hồ Núi Cốc

Ngày 2: Hồ Núi Cốc – Tam Đảo

– Sáng dậy hãy cứ thoải mái dạo chơi ở Hồ Núi Cốc
– Thuê thuyền đi trên hồ, ghé thăm các đảo
– Trưa ăn trưa tại Hồ Núi Cốc, trả phòng rồi bắt đầu khởi hành sang Tam Đảo, khám phá du lịch Tam Đảo
– Các bạn đi theo hướng QL 37 (đi Tuyên Quang) rồi đến QL 2C thì quay ngược lại Vĩnh Phúc để lên Tam Đảo
– Dạo chơi Tam Đảo, tối nghỉ ngơi ở Tam Đảo. Nếu đi vào cuối tuần nhớ đặt phòng khách sạn trước ở Tam Đảo, đặt sớm thì có giá tốt và đỡ bị chặt chém.

Ngày 3: Tam Đảo – Hà Nội

– Sáng dậy sớm làm cốc cafe trong cái tiết trời mát lạnh của Tam Đảo. Lên Quán Gió để có view đẹp, nhớ lên sớm kiếm chỗ nhé, trên này lúc nào cũng đông nghẹt người.
– Đi tham quan các cảnh đẹp Tam Đảo như: Cổng Trời, nhà thờ, Thác Bạc…
– Trưa làm ít đồ nướng Tam Đảo
– Trả phòng rồi thong thả về Hà Nội, các bạn đi sớm cho thoải mái và đỡ bị sương mù. Trên đường về Hà Nội nếu còn thời gian các bạn có thể ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, chùa Tây Thiên

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Hồ Núi Cốc 2024
  • review Hồ Núi Cốc
  • hướng dẫn đi Hồ Núi Cốc tự túc
  • ăn gì ở Hồ Núi Cốc
  • phượt Hồ Núi Cốc bằng xe máy
  • Hồ Núi Cốc ở đâu
  • đường đi tới Hồ Núi Cốc
  • chơi gì ở Hồ Núi Cốc
  • đi Hồ Núi Cốc mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Hồ Núi Cốc
  • homestay giá rẻ Hồ Núi Cốc
4.6/5 - (5 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Thái Nguyên

THÁI NGUYÊN

Vị trí Thái Nguyên trên bản đồ Việt Nam

Thái Nguyên là một tỉnh ở đông bắc Việt Nam, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Đây là một trung tâm kinh tế – xã hội lớn của khu vực đông bắc hay cả Vùng trung du và miền núi phía bắc. Thái Nguyên cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách biên giới Trung Quốc 200 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km và cảng Hải Phòng 200 km. Với vị trí địa lý là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế,giáo dục của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi phía bắc nói chung, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Bạn có biết: Trong chiến tranh, Thái Nguyên chính là thủ đô kháng chiến, nơi đặt các cơ quan đầu não của đất nước.

  • Diện tích: 3536,4 km²
  • Dân số: 1.227.400 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện
  • Mã điện thoại: 208
  • Biển số xe: 20