Kinh nghiệm du lịch Điệp Sơn

Kinh nghiệm du lịch Điệp Sơn (Cập nhật 10/2024)

Cùng Phượt – Điệp Sơn là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Cũng giống như Bình Ba, Bình Hưng, du lịch Điệp Sơn bỗng dưng được biết đến do những bức ảnh được một nhóm các bạn trẻ chia sẻ lên mạng xã hội.  Điệp Sơn nổi tiếng nhất bởi con đường giữa biển, nối giữa 2 đảo bằng cát trắng, xuất hiện và biến mất tùy theo thủy triều. Khoảng đầu năm con đường sẽ hiện ra vào buổi sáng và ngập vào buổi đêm, mỗi khi đổi gió con đường sẽ biến mất vào ban trưa. Thời mới được phát hiện ra, do không được quản lý cẩn thận và do ý thức của cộng đồng còn kém, Điệp Sơn ngập tràn trong rác do lượng khách đổ về quá nhiều. Sau này, một đơn vị được cấp phép làm du lịch tại đảo đã đứng ra dọn dẹp, trả lại vẻ đẹp gần như vẫn còn hoang sơ cho hòn đảo này.

Điệp Sơn thu hút du khách bởi con đường đi bộ nối giữa 2 đảo, chỉ nổi lên khi thủy triều rút (Ảnh – tonyphamvn)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả tonyphamvn, anhpham_photography, superpii, cassetrop, Sơn Đào, Nguyễn Hoài Đảm, Bách Lâm Nguyên, ckent_93, ducanh.ichi, hheo00, dq.hoa, _____ljn_h_s.a_____, cheeley18 và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Điệp Sơn

Điệp Sơn là một nhóm các hòn đảo thuộc xã Vạn Thạnh nhưng để tới nơi thì đi từ Vạn Giã lại gần hơn (Ảnh – anhpham_photography)

Điệp Sơn là thôn đảo gồm 3 đảo nhỏ thuộc xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Nơi tập trung dân cư nhiều nhất là Hòn Bịp nằm giữa vịnh Vân Phong với khoảng gần 100 hộ dân và trên 300 nhân khẩu.

Vài trăm năm trước, đảo có quá nhiều chim Bìm Bịp, những tiếng chim Bìm Bịp điểm canh thâu đêm suốt sáng nên gọi là Hòn Bịp. Hòn Bịp là một hải đảo nhỏ, cây cối lúp xúp, xung quanh có nhiều bãi cát. Dân đánh cá trong vùng đôi khi ghé vào đó lấy nước uống vì có mấy khe đá có nước ngọt quanh năm, hoặc vào đó phơi lưới, hoặc nấu ăn chốc lát. Không rõ vào thời gian nào, có một số ít người, đàn ông có, đàn bà có đến đó lập nghiệp. Họ có nước da ngăm ngăm đen, tái tái giống người Raglai hoặc người Chăm. Đặc biệt, đôi mắt họ trắng xác. Họ rất ít nói và không giống người Việt (Kinh). Về sau, người ta mới đoán họ là dân chài lưới từ Indonesia, Singapore, Mã Lai hay từ Thái Lan… bị bão lụt trôi tấp vào đó và sanh sôi nảy nở thành làng xóm. Thuở ấy, người dân ở đất liền Vạn Ninh thường gọi họ là “Dân Đàng Hạ”. Đầu thập niên 30, quan huyện địa phương gọi tất cả cư dân ở hải đảo này vào ghi danh lập “Bộ Đinh” của làng. Quan huyện hỏi đàn ông trước, đàn bà sau … (hầu hết đều mù chữ). Tên thì có mà Họ thì không một ai biết họ gì cả. Cuối cùng quan huyện mới bảo: “Thôi thì đàn ông lấy họ Đinh, đàn bà lấy họ Trần”. 

Trước kia, có 2 con đường dưới biển ở Điệp Sơn. Một là con đường nối giữa Hòn Bịp và Hòn Quạ, con đường này sau trận bão cuối năm 2017 hiện nay gần như bị xóa sổ hoàn toàn, chỉ còn một vài gò cát nhô lên giữa biển khi thủy triều rút. Con đường thứ hai là một đoạn ngắn hơn, chỉ dài khoảng 400m nối giữa Hòn Ó (hay còn gọi đảo Phật Nằm) và Hòn Quạ. Đây chính là con đường dưới nước duy nhất còn lại.

Nên du lịch Điệp Sơn vào thời gian nào?

Chỉ cần tránh mùa mưa, các bạn có thể đến Điệp Sơn nhé (Ảnh – superpii)

Khu vực Nam Trung Bộ thường thời tiết quanh năm đều khá đẹp, trừ khoảng cuối năm mùa mưa bão thì các bạn cần theo dõi thời tiết trước khi đi. Đến Điệp Sơn các bạn nên né ngày 15 và 30 (âm lịch) hàng tháng do những ngày này là con nước trăng tròn, buổi chiều nước rút xuống khá nhiều nên con đường dưới biển lộ ra khá nhiều bùn và trơ trọi, không đẹp như những ngày khác.

Hướng dẫn đi tới Điệp Sơn

Đi tới Nha Trang/Tuy Hòa

Về mặt địa lý, đến Tuy Hòa rồi đi Điệp Sơn sẽ gần hơn so với Nha Trang (Ảnh – cassetrop)

Để tới Điệp Sơn, các bạn cần có mặt ở cảng Vạn Giã. Đây là một thị trấn khá phát triển của huyện Vạn Ninh, nằm ở giữa quãng đường từ Tuy Hòa đi Nha Trang. Chính vì vậy tùy lịch trình mà các bạn có thể đến một trong 2 thành phố này rồi từ đó tiếp tục khám phá Điệp Sơn.

Xe giường nằm

Từ Hà Nội, chỉ cần đi các tuyến xe Bắc Nam thì bất cứ chuyến xe nào cũng sẽ đi qua Tuy Hòa hoặc Nha Trang để cho các bạn dừng lại. Từ Sài Gòn, các chuyến xe giường nằm đi Nha Trang, xe giường nằm đi Tuy Hòa tương đối nhiều, khởi hành liên tục với nhiều nhà xe cho các bạn lựa chọn. Với quãng đường 400-500km, thời gian di chuyển sẽ mất từ 10-12h tùy vào địa điểm bạn dừng lại.

Tàu hỏa

Ga Giã là nhà ga gần nhất để xuống nếu muốn đi thẳng ra Điệp Sơn (Ảnh – Sơn Đào)

Nếu các bạn định đi Điệp Sơn đầu tiên trong hành trình, các bạn có thể mua vé tàu dừng lại tại ga Giã (nằm ngay thị trấn Vạn Giã). Từ Hà Nội hàng ngày có tàu SE9 khởi hành từ Hà Nội lúc 14h30 và đến ga Giã lúc 16h39 ngày hôm sau. Từ Sài Gòn sẽ có tàu SE22 khởi hành từ Sài Gòn lúc 11h50 và đến ga Giã lúc 21h19, tàu SQN2 khởi hành từ Sài Gòn lúc 21h25 và đến ga Giã lúc 7h53.

Nếu không đến Điệp Sơn đầu tiên mà muốn kết hợp trong cùng một chuyến đi, các bạn từ Hà Nội vào nên dừng lại ở ga Tuy Hòa, các bạn từ Sài Gòn ra nên dừng ở ga Nha Trang cho thuận đường.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 10/2024)

Máy bay

Di chuyển bằng máy bay thì sân bay gần nhất là sân bay Tuy Hòa với khoảng cách chỉ khoảng 50km, sân bay Cam Ranh với khoảng cách hơn 100km thì khá xa. Từ Hà Nội hàng ngày các chuyến bay đi Tuy Hòa có giá từ 3000k, từ Sài Gòn có giá từ 1100k. Xuống sân bay, các bạn có thể thuê xe máy tại Tuy Hòa và tranh thủ khám phá thêm vùng đất hoa vàng cỏ xanh Phú Yên.

Từ Nha Trang đi Vạn Giã

Từ Nha Trang đi Vạn Giã khoảng 60km, tùy thuộc vào lịch trình mà các bạn lựa chọn phương tiện đi cho phù hợp. Có tuyến xe buýt chạy từ đường Trần Phú, Tp Nha Trang đến trung tâm Vạn Giã, từ đây có thể đi xe ôm hoặc đi bộ ra cảng Vạn Giã để tiếp tục đi ra đảo Điệp Sơn.

Nếu muốn chủ động hơn, các bạn có thể thuê xe máy ở Nha Trang để có phương tiện di chuyển. Quãng đường không dài nhưng do là quốc lộ nên lưu lượng phương tiện cũng khá đông, các bạn cẩn thận trong quá trình đi lại.

Từ Vạn Giã đi Điệp Sơn

Muốn đến đảo Phật Nằm, các bạn hãy mua vé ở đây nhé (Ảnh – Nguyễn Hoài Đảm)

Tại khu vực bến Vạn Giã hiện nay, chỉ có 2 doanh nghiệp được cấp phép cho việc vận chuyển khách ra khu vực nhóm đảo Điệp Sơn. Ngoài 2 doanh nghiệp này còn có rất nhiều cá nhân (thường là người dân ở đây) cũng đứng ra nhận chở khách ra đảo trên các tàu cá và cả ca nô du lịch. Các bạn tùy tình hình có thể lựa chọn các phương tiện cho phù hợp, tuy nhiên cần chú ý để tự đảm bảo an toàn cho mình. Hãy lựa chọn những phương tiện đảm bảo có đầy đủ các phương tiện cứu sinh, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra (thực tế tháng 6/2019 đã xảy ra một vụ lật tàu khiến 3 người thiệt mạng sau từ Điệp Sơn trở về).

  • Nhóm đảo Hòn Ó – Hòn Quạ hiện thuộc hoàn toàn sự quản lý của công ty Nha Trang Đông Đô, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với họ để mua vé tàu qua đảo theo số liên hệ anh Đại Anh 0915 950 808 hoặc chị Dung 0258 3700 900. Mua vé tại đây là cách duy nhất đến được đảo Phật Nằm các bạn nhé.
  • Hòn Bịp thuộc sự quản lý của công ty Sơn Nam

Lưu trú ở Điệp Sơn

Ngủ bungalow

Khu bungalow trên đảo Phật Nằm (Ảnh – Bách Lâm Nguyên)

Nếu đến đảo Phật Nằm và muốn ở lại, các bạn có thể lưu trú tại 1 trong 6 bungalow được xây dựng tại đây. Bungalow được xây dựng với những tiện nghi cơ bản như giường ngủ và quạt, tất nhiên không thể đòi hỏi những tiện nghi xa xỉ hơn như điều hòa, tủ lạnh tại một hòn đảo vẫn còn hạn chế nhiều như này nhé.

Ngủ nhà dân

Nếu ở lại bên phía Hòn Bịp, các bạn có thể lưu trú ở nhà dân (vì bên này có nhiều hộ gia đình sinh sống hơn). Gia đình anh Pha 0793 636 125, hoặc gia đình anh Mẫn 0767 325 657 có cung cấp cho các bạn dịch vụ này với chi phí khá phải chăng.

Ngủ lều

Vào những ngày thời tiết đẹp, các bạn hoàn toàn có thể dựng lều ngủ trên đảo (Ảnh – ckent_93)

Với một số  bạn đi theo nhóm đông, nếu muốn có thể tìm những địa điểm công cộng và dựng lều để nghỉ lại. Các bạn cần chuẩn bị đủ đồ mang theo vì đôi khi việc mua tại đảo tương đối khó khăn, nhớ mang gì ra thì mang lại về đất liền nhé.

Ăn gì ở Điệp Sơn

Ăn trưa từ những món ăn do người dân trên đảo nấu sẽ thuận tiện hơn so với việc tự mang đồ theo (Ảnh – ducanh.ichi)

Là một hòn đảo, rất nhiều các loại hải sản phong phú để các bạn có thể lựa chọn, chợ hải sản của người dân họp vào sáng sớm ngay trên đảo là nơi phù hợp để các bạn lựa chọn nhiều loại hải sản giá rẻ. Nếu muốn thay đổi khẩu vị, các bạn có thể mua gà từ một trại gà trên đảo để nướng.

Chơi gì ở Điệp Sơn

Con đường cát trắng giữa biển

Sau trận bão, hiện chỉ còn 1 con đường dưới biển ở Điệp Sơn (Ảnh – hheo00)

Đương nhiên đây là điểm nhấn được tất cả mọi người quan tâm khi tìm đến với Điệp Sơn, tuy nhiên có một vài lưu ý các bạn cần quan tâm về giờ lên xuống của các con nước để có thể trải nghiệm cảm giác đi bộ giữa biển này. Khoảng 6-10h sáng là thời điểm con đường bắt đầu lộ dần trên mặt nước, khoảng giữa trưa là thời điểm thích hợp để đi bộ qua đây, quãng đường nối giữa 2 đảo khoảng gần 1km.

Đi cano ngắm cảnh biển

Một số tour sẽ cho du khách đi vòng quanh các bãi biển ở Điệp Sơn (Ảnh – dq.hoa)

Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch có thể sẽ đưa du khách đi xung quanh nhóm đảo, hoặc nếu không các bạn có thể chủ động thuê họ để đưa đi.

Chèo thuyền Kayak

Nước nông và êm, thích hợp để chèo kayak quanh đảo (Ảnh – _____ljn_h_s.a_____)

Trên đảo hiện giờ đã có một công ty du lịch với một số hoạt động được tổ chức để phục vụ du khách tới đây, một trong các hoạt động đó là chèo thuyền kayak, chỉ với 2 áo phao cùng 1 chiếc thuyền các bạn có thể thành lập 1 đội chèo kayak nho nhỏ để tổ chức thi với nhau.

Ngủ lều ven biển

Nếu có ý định ở lại qua đêm trên đảo, các bạn có thể tự mang lại niềm vui cho chính mình bằng cách dựng lều và chuẩn bị một ít thực phẩm để tự làm tiệc nướng BBQ, mọi thứ nên được chuẩn bị sẵn từ đất liền bởi ngoài đảo rất khó để mua.

Một số lưu ý khi đi Điệp Sơn

  • Nếu muốn tiết kiệm thời gian các bạn nên đi cano ra đảo, nếu muốn thư thả ngắm trời và biển, các bạn có thể đi thuyền của người dân (nhưng cần chú ý đến mức độ an toàn của những chiếc thuyền này).
  • Điệp Sơn không chính thức có bãi tắm, nên khu vực xung quanh khá nông và có nhiều các loài sinh vật biển như sứa, cầu gai…các bạn chú ý để không bị ảnh hưởng
  • Trên đảo hiện không có thoải mái về điện nên nếu có thể, hãy mang thêm thật nhiều các loại pin dự phòng cho các thiết bị kỹ thuật số của bạn để phục vụ cho việc “sống ảo”.
  • Đảo còn rất sạch nên vui lòng giữ gìn vệ sinh, các bạn mang những gì ra đảo thì nhớ mang tất cả lại về đất liền. Các bạn nên nhớ, việc xử lý rác thải ngoài đảo khó và mất công hơn rất nhiều so với việc trong đất liền, mà thường là nếu không có cách gì người dân sẽ gom lại và đốt hoặc xả ngay xuống biển, vậy nên hãy mang tất cả về đất liền.

Lịch trình khám phá Điệp Sơn

Kết hợp đi Điệp Sơn với Nha Trang hoặc Phú Yên là vừa đẹp cho một hành trình (Ảnh – cheeley18)

Do chỉ là một hòn đảo nhỏ với dịch vụ hạn chế, nếu ở xa các bạn nên kết hợp đi Điệp Sơn cùng với các chuyến đi khách như Nha Trang, Phú Yên hay gần nhất là Cực Đông (nếu bạn có kế hoạch).

Phú Yên – Điệp Sơn

Lịch trình này các bạn có thể kết hợp để khám phá Phú Yên rồi từ đó thuê xe máy chạy qua Vạn Ninh đi Điệp Sơn (hoặc mua vé tàu đi cũng được)

Ngày 1: Mũi Điện – Bãi Môn – Hòn Nưa

Buổi sáng dậy thật sớm rồi chạy xe máy tới Mũi Điện – Bãi Môn. Nơi đây có ngọn hải đăng Đại Lãnh, trước đây được coi là điểm Cực Đông của Tổ Quốc.

Sau khi chơi chán ở Mũi Điện, các bạn hãy ghé thăm vịnh Vũng Rô và di tích tàu không số. Nghỉ ngơi và ăn trưa trong rất nhiều bè nổi ở Vũng Rô.

Từ Vũng Rô, có thể ghé thăm tiếp đảo Hòn Nưa, nơi được mệnh danh là đảo Robinson bởi sự hoang vắng và vẫn còn nguyên sơ.

Từ Vũng Rô các bạn chạy xe dọc theo QL1A để tới với Vạn Ninh, cụ thể là bến tàu ở thị trấn Vạn Giã, địa điểm để có thể tiếp tục ra Điệp Sơn. Liên hệ mua vé tàu ra đảo, ngủ lại Điệp Sơn một đêm để sáng hôm sau dậy khám phá con đường dưới biển.

Ngày 2: Khám phá Điệp Sơn – Về lại Tuy Hòa

Buổi sáng dậy sớm khám phá địa điểm “đáng tiền” nhất ở Điệp Sơn, thoải mái chơi bời chụp ảnh đến khoảng gần trưa thì quay lại đất liền. Ăn trưa, tranh thủ nghỉ ngơi chút ở Vạn Giã rồi lên xe quay lại Tp Tuy Hòa.

Buổi chiều bắt đầu chuyến đi bằng Gành Ông – Bãi Xép, nơi xuất hiện trong các thước phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, bộ phim giới thiệu Phú Yên đến với du khách.

Từ Gành Ông, Bãi Xép các bạn có thể đến với Hòn Chùa. Chiều trước khi quay về lại trung tâm Tp Tuy Hòa nghỉ ngơi ăn tối, đừng bỏ qua Tháp Nhạn nhé.

Ngày 3: Khám phá Sông Cầu

Từ trung tâm Tp Tuy Hòa, các bạn đi về phía Thị xã Sông Cầu để đến với Nhất Tự Sơn, hòn đảo giữa biển với con đường đi bộ bị nhấn chìm dưới biển và chỉ xuất hiện khi thủy triều rút.

Tiếp đến, ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ do Pháp xây dựng theo kiến trúc Gothic, nơi đây vẫn lưu giữ cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Từ Mằng Lăng, các bạn di chuyển tiếp tới Gành Đá Đĩa, một tổ ong khổng lồ, tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Phú Yên.

Buổi trưa ghé Đầm Ô Loan nghỉ ngơi, thưởng thức các đặc sản nổi tiếng của vùng đầm này.

Tối quay lại Tp Quy Hòa nghỉ ngơi, kết thúc hành trình.

Nha Trang – Điệp Sơn – Cực Đông

Ngày 1: Cam Ranh – Điệp Sơn

Tùy giờ bay mà các bạn có mặt ở sân bay Cam Ranh sớm hay muộn. Nếu sớm các bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để khám phá Cam Ranh, nếu không các bạn giảm bớt thời gian đi để di chuyển tới Vạn Giã. Thời gian đi từ Cam Ranh tới cảng Vạn Giã cũng phải gần 3 tiếng. Lên tàu ra đảo Điệp Sơn, tối ngủ ngoài đảo 1 đêm nhé.

Ngày 2: Khám phá Điệp Sơn – Đầm Môn – Bãi Rạng

Ngày này các bạn tranh thủ khám phá Điệp Sơn, thực ra cũng không có gì nhiều, chủ yếu là chụp ảnh thôi. Sắp xếp thời gian quay lại bờ thật sớm, từ đây chạy thẳng tới Đầm Môn để kịp giờ đi.

Bắt đầu hành trình từ Đầm Môn, các bạn qua nhà chú Hai Châu nghỉ ngơi rồi tiếp tục đi ra Bãi Rạng dựng lều cắm trại.

Tối ngủ Bãi Rạng, đốt lửa nướng BBQ rồi ngắm sao ha.

Ngày 3: Chinh phục Cực Đông – Nha Trang

Sáng lại dậy sớm từ Bãi Rạng đi tiếp ra Mũi Đôi, gần thôi nhưng đi sớm thì sẽ kịp đón bình minh nơi vùng cực.

Tùy vào mức độ ham chơi, các bạn ở đây đến bao giờ thì ở. Xong xuôi thì thu xếp rồi quay trở lại Đầm Môn để lấy xe. Nghỉ ngơi ăn trưa xong rồi thì lại lên xe quay lại Nha Trang

Ngày 4++: Chơi bời Nha Trang

Quay lại Nha Trang, tùy vào thời gian rảnh rỗi của mình mà các bạn có thể sắp xếp ở lại đây theo số lượng ngày mong muốn. Chí ít nếu muốn khám phá hết Nha Trang, các bạn cần sắp xếp khoảng 2 ngày ở đây. Nếu muốn đi thêm nhóm đảo Tứ Bình, thời gian sẽ kéo dài hơn nhé.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Điệp Sơn 2024
  • du lịch Điệp Sơn tháng 10
  • tháng 10 Điệp Sơn có gì đẹp
  • review Điệp Sơn
  • hướng dẫn đi Điệp Sơn tự túc
  • ăn gì ở Điệp Sơn
  • phượt Điệp Sơn bằng xe máy
  • Điệp Sơn ở đâu
  • đường đi tới Điệp Sơn
  • chơi gì ở Điệp Sơn
  • đi Điệp Sơn mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Điệp Sơn
  • homestay giá rẻ Điệp Sơn

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 15 bình chọn và điểm trung bình là 4.6

Chưa có đánh giá nào