Kinh nghiệm du lịch rừng tràm Trà Sư

Kinh nghiệm du lịch rừng tràm Trà Sư (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – Rừng Tràm Trà Sư được hình thành vào năm 1983, từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm để góp phần cải tạo đất và ngăn lũ đầu nguồn. Đây là rừng đặc dụng với nhiều loại hình cảnh quan như: hệ sinh thái đất ngập nước; sinh cảnh rừng tràm ngập nước; sinh cảnh kênh, mương và các loài thực vật sen, súng, bèo; sinh cảnh đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa; các loài chim nước, thủy sản và động vật hoang dã vùng đất ngập nước…Đến với khu du lịch Trà Sư các bạn có thể tìm hiểu và nghiên cứu về rừng tràm cũng như đất ngập nước, trải nghiệm các phong tục văn hóa, nét sinh hoạt cùng ẩm thực của người dân địa phương.

Kinh nghiệm du lịch Trà Sư

Rừng tràm Trà Sư là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của An Giang (Ảnh – hoangrapherx)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả hoangrapherx, Xung Trần Lâm, lenglynnn, langtu252, libraphattran, thanhnha_171, bequynhne, mekongpics001, Thế Vinh Trần, yunacccc, Bao Phan, Phụng Ngọc, Tung Nguyen Duy, Hoàng Hà Cao, Viết Hưởng, Toàn Trịnh Xuân, doanlan0208, vulcdaika, nguyentrac, alinguyen16, quangip, Ruby Pham, Nguyên Bảo Hồ nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Rừng tràm Trà Sư

toàn cảnh rừng Trà Sư
Trà Sư là khu rừng đặc dụng với nhiều loài động thực vật quý hiếm (Ảnh – Xung Trần Lâm )

Rừng tràm Trà Sư là một khu du lịch sinh thái nằm trên địa bàn ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, An Giang. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Đất ở đây nhiễm phèn nặng và không thể trồng trọt. Vì vậy, tràm – loại cây có khả năng chống chịu phèn được chọn để phủ xanh đất trống và ngăn lũ đầu nguồn từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Với diện tích 845 ha cùng cảnh quan đặc sắc trong mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, đây còn là nơi sinh sống nhiều loài động vật, trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh, 11 loài sinh cảnh, 78 loài cây thuốc và 22 loài cây cảnh..

Ngày 27 tháng 5 năm 2003, chính quyền tỉnh An Giang đã ra quyết định phê duyệt thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, để đáp ứng nhu cầu phát triển các sản phẩm du lịch An Giang và phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường. Nhìn chung, chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã. Đây hiện cũng đang là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang.

Nên đi Trà Sư vào mùa nào

Nên đi Trà Sư vào mùa nước nổi
Nên đi Trà Sư vào mùa nước nổi (Ảnh – lenglynnn)

Với mảng xanh phủ kín hàng triệu mét vuông, đến đại hệ sinh thái đa màu như rừng ngập nước, những thảm thực vật nhiệt đới muôn hình, đây còn là nơi quần tụ của vô số loài động vật, với hơn 140 loài chim, cò… trong đó có không ít loài quý hiếm. Các bạn có thể đến Trà Sư vào bất kỳ thời điểm nào trong năm bởi mỗi mùa, nơi đây lại mang một vẻ đẹp kỳ lạ. Tuy vậy, nếu có điều kiện các bạn nên đến Trà Sư vào mùa nước nổi để được đắm mình trong khoảnh khắc giao mùa ăm ắp nước giữa cánh đồng bèo bạt ngàn, trôi dạt theo tiếng khua mái chèo xé thảm xanh xuyên rừng, đem lòng mình về với thuở ban sơ trước những vẻ đẹp của tạo hóa.

Hướng dẫn đi tới Trà Sư

Đi tới Châu Đốc

đi tới châu đốc
Các bạn có thể tới Châu Đốc trước rồi từ đây tham quan Trà Sư (Ảnh – langtu252 )

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư thuộc thị xã Tịnh Biên và nằm khá gần thành phố Châu Đốc, với các bạn khu vực miền Tây nếu chỉ muốn tới rừng tràm có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển thẳng tới đây. Với các bạn ở các vùng miền khác, có thể lựa chọn di chuyển tới Châu Đốc trước để kết hợp khám phá nơi này. Từ Sài Gòn, các bạn có thể lựa chọn xe Phương Trang để di chuyển thẳng tới Châu Đốc, chỉ khoảng 1 đêm các bạn sẽ có mặt tại đây

Xem thêm bài viết: Xe khách đi Châu Đốc (Cập nhật 4/2024)

Từ Châu Đốc đi Trà Sư

từ Châu Đốc đi Trà Sư
Từ Châu Đốc, chỉ khoảng 30km là tới được Trà Sư (Ảnh – libraphattran )

Từ trung tâm thành phố Châu Đốc tới rừng tràm Trà Sư khoảng 30km, các bạn nếu thích lang thang khám phá thêm các địa điểm dọc đường có thể lựa chọn phương án thuê xe máy ở Châu Đốc làm phương tiện di chuyển. Nếu ngại quãng đường xa hay trong đoàn có người già/trẻ em, các bạn có thể sử dụng taxi.

Đi lại ở Trà Sư

Đi thuyền
đi thuyền trong rừng trà sư
Thuyền là phương tiện thích nhất để khám phá quanh Trà Sư (Ảnh – thanhnha_171)

Để khám phá rừng tràm Trà Sư một cách chân thật nhất các bạn cần thuê thuyền. Từ bến thuyền các bạn sẽ được đưa vào sâu trong rừng bằng thuyền máy sau đó chuyển sang thuyền chèo tay, những chiếc thuyền này sẽ đưa các bạn len lỏi vào giữa những tán tràm xanh mát.

Đi bộ
đi bộ trong rừng trà sư
Với cây cầu tre chạy dài xuyên rừng, các bạn có thể đi bộ mà vẫn thăm thú được rừng tràm (Ảnh – bequynhne)

Một trải nghiệm khác đó là đi bộ trong rừng để ngắm khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Nếu đi vào buổi sáng, du khách sẽ được ngắm nhìn những tia nắng nhẹ xuyên qua kẽ lá và lắng nghe tiếng chim hót vô cùng thú vị.

Xe đạp
đạp xe trong rừng trà sư
Nếu thích kết hợp thể dục, các bạn có thể thuê xe đạp xuyên rừng (Ảnh – mekongpics001)

Trong Trà Sư, hiện tại có thể thuê xe đạp để đạp xuyên rừng, giúp các tận hưởng vẻ đẹp của Trà Sư một cách chủ động nhất. Đạp xe dưới những con đường xuyên rừng, thoang thoảng hương tràm tận hưởng những cơn gió mát rượi lồng lộng, du khách như được trở về với thiên nhiên, men theo con đường đất gập ghềnh vào khu rừng nguyên sinh, du khách thỏa thích tận hưởng không khí trong lành, thưởng thức ” bản hoà tấu” của đàn chim, du khách sẽ vô cùng thư thái và cảm giác bình yên đến lạ. Du khách sẽ vô cùng thích thú, khi tiến càng sâu vào trong tâm rừng, sẽ là một thế giới khác hoàn toàn bên ngoài, bởi nơi đây không có nhiều ánh sáng lọt vào, được che phủ bởi tán tràm to lớn bao quanh.

Giá vé tham quan Trà Sư

giá vé tham quan Trà Sư

Giá các dịch vụ tham quan ở Trà Sư ở mức tương đối dễ chịu (Ảnh – Thế Vinh Trần)

Đây là bảng giá vé một số dịch vụ khi các bạn tham quan, du lịch rừng tràm Trà Sư. Bảng giá hiện tại cập nhật đến tháng 4 năm 2024. Đôi khi vào một số dịp đặc biệt, giá dịch vụ có thể thay đổi tùy theo bên đơn vị chủ quản.

  • Giá vé vào cổng: 100k
  • Giá xuồng máy: 50k
  • Giá xuồng chèo tay: 50k
  • Giá thuê xe đạp: 50k
  • Thuê hướng dẫn viên: 250k

Một số điểm đẹp ở Trà Sư

Bến tàu tổ chim

Bến tàu tổ chim ở Trà Sư

Bến tàu tổ chim ở Trà Sư (Ảnh – yunacccc)

Đây là nơi xuất phát của các tàu thuyền đưa du khách đi khám phá rừng tràm. Xung quanh bến tàu được dựng nhiều cọc gỗ với tổ chim bồ câu trên cao, các bạn tới đây đôi lúc sẽ gặp cảnh từng đàn chim sà xuống trông rất thích mắt.

Cầu kiều

cầu kiều trà sư

Cầu Kiều trong khu du lịch Trà Sư (Ảnh – Bao Phan)

Cầu Kiều được xây dựng với chất liệu chủ yếu từ gỗ nhập Châu Phi, cùng lối thiết kế mang phong cách Châu Âu.

Khu vườn lan

vườn lan trong rừng trà sư

Khu vườn lan (Ảnh – Phụng Ngọc)

Được xem là khu trưng bày hoa lan độc đáo nhất miền biên viễn, quy tụ hàng trăm giống hoa, từ lan rừng đến lan nhập khẩu. Bất cứ du khách nào bước vào đây cũng đều cảm giác như đang bước vào một thế giới khác, rực rỡ sắc màu.

Vườn hoàng yến

Đây là điểm nhấn chính thể hiện được ý tưởng “cung đường hoa” Trà Sư. Du khách sẽ không khỏi bị đốn tim bởi màu vàng đậm kiêu sa của hoa hoàng yến, biểu trưng cho sự cao sang nhưng cũng không kém phần lãng mạn và dung dị.

Đường hoa giấy

hoa giấy trà sư

Sắc màu rực rỡ của hoa giấy ở Trà Sư (Ảnh – Tung Nguyen Duy)

Hoa giấy nở quanh năm nhưng khi tiết trời bắt đầu chuyển sang xuân thì những chùm hoa giấy lại bừng lên khắp mọi nẻo đường Trà Sư. Đặc biệt, loài hoa này càng nắng lại càng rực rỡ. Vì thế, Trà Sư lại được khoác thêm chiếc áo mới sắc hồng lãng mạn. Vẻ đẹp nên thơ của cung đường hoa giấy đang dần trở thành “cực phẩm” của khu rừng, khiến du khách quên cả lối về.

Cầu tre vạn bước

cầu tre vạn bước

Cầu tre Vạn Bước trong rừng Trà Sư (Ảnh – Hoàng Hà Cao)

Cầu tre vạn bước là cây cầu dài 10 km được khánh thành vào đầu năm 2020. Với kiến trúc độc đáo là những thanh tre ghép lại với nhau, đây là con đường khám phá rừng tràm rất thú vị để du khách trải nghiệm.

Rừng tràm

cây tràm trà sư

Những vạt bèo xanh mướt giữa các tán cây tràm (Ảnh – Viết Hưởng)

Rừng tràm Trà Sư có sinh cảnh tự nhiên rộng lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi sở hữu hệ động, thực vật phong phú và nguồn thủy sinh vật đa dạng với hơn 150 loài cây cỏ, dược liệu và hơn 140 loài động vật hoang dã, thú quý hiếm khác.

Tháp vọng cảnh

đài quan sát trong rừng trà sư

Đây là nơi có thể ngắm toàn cảnh rừng tràm (Ảnh – Toàn Trịnh Xuân)

Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư bên chiếc xuồng chèo, du khách có thể trải nghiệm cảm giác chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của thiên nhiên từ Tháp vọng cảnh.

Ăn gì khi đến Trà Sư

Cá lóc nướng trui

cá lóc nướng trà sư

Cá lóc nướng trui (Ảnh – doanlan0208)

Ở nhiều nơi khác, món cá lóc nướng trui sẽ dùng rơm để đốt nhưng ở Trà Sư ngoài việc cá được nuôi ngay trong rừng thì còn được nướng bằng củi tràm, tất cả đều là đặc sản của xứ rừng mộc mạc. Củi tràm có tinh dầu nên khi nướng cá tạo nên một mùi thơm hấp dẫn. Cá lóc nướng trui khi chín đều thì màu da sẽ chuyển sang vàng ruộm, trước khi ăn, chỉ cần gạt bỏ bớt lớp vảy khét bên ngoài rồi dùng đũa xé cá ra làm đôi để gỡ thịt ăn cùng bún, các loại rau sống và nước mắm mặn hoặc pha nước mắm me.

Lẩu cá linh

lẩu cá linh

Món lẩu cá linh thường chỉ có khi mùa nước nổi (Ảnh – vulcdaika)

Cá linh là một loại cá sống trong tự nhiên mà chỉ miền Tây mới có, và đặc biệt là chỉ có mùa nước nổi cá linh mới theo con nước đổ về. Đó được xem là sản vật thiêng liêng trời phú cho những con người miền Tây hồn hậu. Từ cá linh, người ta có thể chế biến rất nhiều món như: mắm cá linh, lẩu cá linh, cá linh kho, cá linh chiên bột, …

Gà nướng mật ong

gà nướng mật ong trà sư

Món gà nướng mật ong (Ảnh – nguyentrac)

Gà sau khi làm xẻ banh ra như con khô, khứa mấy nhát trên lưng, rồi dùng sống dao dần đều cho mềm thịt và gãy xương, sau đó ướp sơ một ít muối ớt. Khi  nướng phải xoay gà liên tục, thỉnh thoảng phết một ít mật ong cho đều lên thân gà. Da gà thấm mật vàng rượm, nhưng không bị khô và cháy đen. Thịt gà rất thơm, khi ăn dùng tay xé từng miếng thịt gà, chấm muối ớt, kèm theo mấy loại rau hái trong rừng.

Chuột quay lu

Chuột quay lu

Chuột quay lu (Ảnh – alinguyen16)

Tới Trà Sư, có một món mà nếu bạn nào không ngại có thể thưởng thức thử đó là món chuột đồng nướng muối ớt hay chuột đồng quay lu hay chuột đồng gác bếp. Chuột được chế biến rất cẩn thận ướp gia vị vừa ăn rồi nướng lên vàng ươm, thơm ngon tuyệt hảo, khi ăn cái vị béo mềm tan ra trong miệng, không thể cưỡng lại được.

Thốt nốt

Thốt nốt Trà Sư

Món thốt nốt các bạn có thể tìm được trên đường tới Trà Sư (Ảnh – quangip)

Cây thốt nốt không chỉ là một trong những biểu tượng của An Giang mà còn có thể khai thác làm nước uống, đường phục vụ du khách. Trên đường tới rừng Trà Sư, các bạn có thể thưởng thức món đặc sản này được người dân bày bán ngay ven đường.

Mật ong

mật ong trà sư

Các bạn có thể mua mật ong Trà Sư về làm quà cho gia đình và bạn bè (Ảnh – Ruby Pham)

Mật ong rừng Trà Sư có vị ngọt êm dịu, hơi chát chát cổ họng và hậu chua nhè nhẹ, giúp bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng. Từng giọt mật là sự kết hợp tuyệt vời giữa tinh chất hoa tràm, dịch ngọt từ lá, chồi cây, và các men tiêu hóa được tiết ra từ dạ dày của ong.

Lịch trình khám phá rừng Trà Sư

lịch trình đi trà sư

Đến với mảnh đất An Giang, du khách không thể bỏ lỡ rừng tràm Trà Sư (Ảnh – Nguyên Bảo Hồ)

Sài Gòn – Châu Đốc – Trà Sư

Lịch trình dành cho các bạn sử dụng phương tiện công cộng, di chuyển tới Châu Đốc rồi từ đây khám phá Trà Sư. Các bạn sử dụng phương tiện cá nhân cũng có thể đi theo lịch trình này, tùy vào kế hoạch các bạn có thể thêm bớt các địa điểm sao cho phù hợp với thời gian của mình.

Ngày 0: Sài Gòn – Châu Đốc

Đêm đầu tiên các bạn bắt xe từ bến xe miền Tây đi Châu Đốc, đi chuyến muộn nhất thì khoảng sáng sớm các bạn sẽ có mặt ở thành phố Châu Đốc.

Ngày 1: Trà Sư – Núi Cấm

Các bạn có thể lượn lờ vào chợ Châu Đốc để ăn sáng, tham quan một vòng quanh chợ. Đây là thiên đường mắm của miền Tây nên các bạn có thể thoải mái tìm mua các loại mắm ở đây để khi về làm quà. Thuê xe máy ở Châu Đốc để làm phương tiện di chuyển nhé.

Từ Châu Đốc các bạn ghé thăm Núi Sam, ghé Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, Tây An Cổ Tự. Sau khi kết thúc ở đây tiếp tục di chuyển đi rừng tràm Trà Sư.

Trưa có thể lựa chọn ăn luôn ở Trà Sư

Chiều từ Trà Sư đi Núi Cấm. Trên núi có một số điểm như : Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm.

Từ Núi Cấm trở lại Thành phố Châu Đốc để nghỉ qua đêm.

Ngày 3: Khám phá Châu Đốc

Ngày này các bạn có thể dành thời gian để khám phá các địa danh quanh thành phố Châu Đốc như khu làng Chăm Châu Giang, làng bè nổi Châu Đốc, đi Búng Bình Thiên….

Chiều tối lên xe trở lại Sài Gòn kết thúc hành trình.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch rừng tràm Trà Sư 2024
  • du lịch Trà Sư tháng 4
  • tháng 4 Trà Sư có gì đẹp
  • review Trà Sư
  • hướng dẫn đi Trà Sư tự túc
  • ăn gì ở Trà Sư
  • phượt Trà Sư bằng xe máy
  • Trà Sư ở đâu
  • đường đi tới Trà Sư
  • chơi gì ở Trà Sư
  • đi Trà Sư mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Trà Sư
  • homestay giá rẻ Trà Sư

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 9 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở An Giang

AN GIANG

Vị trí An Giang trên bản đồ Việt Nam

An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có dân số đông nhất ở vùng này.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), có nhiều di tích lịch sử – văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, với 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). Từ đó, tạo ra những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, làm tiền đề phát triển đa dạng các loại hình du lịch (tâm linh, sinh thái, cộng đồng…

Bạn có biết: An Giang được người Khmer gọi là Moăt Chruk (មាត់ជ្រូក), nghĩa là xứ Miệng Heo.

  • Diện tích: 3.536,83 km²
  • Dân số: 1.909.507 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 296
  • Biển số xe: 67