Các địa điểm du lịch ở An Giang

Các địa điểm du lịch ở An Giang (Cập nhật 04/2024)

Cùng Phượt – An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ, nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo. An Giang còn là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng khắp, các địa điểm du lịch ở An Giang hấp dẫn và thu hút  được đông đảo du khách đến tham quan, du lịch.

các địa điểm du lịch ở an giang

Các địa điểm du lịch ở An Giang rất đa dạng với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn (Ảnh – ngtrle0210)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả ngtrle0210, _paekatun_, vinhnx, bastienwtt, hieu.ricky, Nguyen Anh Thy, Thong Victor, Phạm Thành Nam, Hoài Thanh Đỗ, Vũ Phạm, Hachi8, Huy Pham, Thanh Tung Vo, huynh van, Tho Pham, Thanh Local Guide, Ngọc Thái Lâm, minhducc1002, Thế Vinh Trần, Võ Nguyễn Minh Bảo, Lê Phan Quốc Hưng, Lê Minh, Hoàng Thống Đào, Đan Ngô, Phương Nguyễn, Thường Vĩ, Văn Thái, Tâm Lê, phtrung0611, Bao Huynh, Hoàng Đông Hồ nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Châu Đốc

thành phố châu đốc
Buổi chiều yên bình ở Châu Đốc (Ảnh -_paekatun_)

Châu Đốc là một trong 2 thành phố của An Giang, đây là trung tâm kinh tế, du lịch và là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Châu Đốc (Cập nhật 4/2024)

Chợ Châu Đốc

Chợ Châu Đốc
Chợ Châu Đốc là nơi các bạn có thể tìm hiểu về ẩm thực cũng như cuộc sống người dân địa phương (Ảnh – vinhnx)

An Giang được mệnh danh là “vương quốc mắm” miền Tây, bất kỳ du khách nào đến An Giang cũng đều tìm đến chợ Châu Đốc. Đây là trung tâm kinh doanh các mặt hàng mắm cùng thủy hải sản khô có quy mô lớn nhất miền Tây Nam Bộ.

Làng Chăm Châu Phong

làng Chăm Châu Phong
Một thánh đường Hồi giáo ở làng Chăm Châu Phong (Ảnh – cungphuot.info)

Trong số các làng Chăm ở An Giang thì có thể nói, làng Chăm Châu Phong là nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nổi bật trong số đó có thể kể đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường.

Khu du lịch Núi Sam

núi Sam
Cáp treo trên núi Sam (Ảnh – bastienwtt)

Núi Sam có tên khác Vĩnh Tế Sơn hay Ngọc Lãnh Sơn cao 284 m có chu vi 5.200m thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc. Trên và quanh núi Sam có rất nhiều chùa miếu là những hạng mục trong Khu di tích lịch sử – Văn hoá núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Long Xuyên

thành phố long xuyên
Thành phố Long Xuyên (Ảnh – hieu.ricky)

Hiện tại, thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh An Giang có vị trí chiến lược, là điểm giao thoa giữa 2 khu vực năng động của vùng đô thị trung tâm và tứ giác Long Xuyên.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Long Xuyên (Cập nhật 4/2024)

Bảo tàng An Giang

bảo tàng an giang

Bảo tàng An Giang là nơi các bạn có thể tìm thấy rất nhiều điều hay ho (Ảnh – Nguyen Anh Thy)

Nhà bảo tàng tỉnh An Giang là nơi trưng bày các tài liệu, hiện vật và hình ảnh phản ánh lịch sử, văn hoá và quá trình phát triển của tỉnh An Giang. Đặc biệt Bảo tàng An Giang hiện đang trưng bày 6/8 bảo vật quốc gia Việt Nam của tỉnh An Giang.

Chợ nổi Long Xuyên

chợ nổi long xuyên

Những ghe trao đổi hàng hóa ở chợ nổi Long Xuyên (Ảnh – Thong Victor)

Chợ nổi Long Xuyên là nơi tập trung hàng trăm xuồng, ghe từ khắp nơi đến để mua bán hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản). Ai bán loại nào sẽ treo hàng (“bẹo” hàng) trên cây sào cao để người mua dễ nhận biết. Chợ nổi chỉ hoạt động từ khoảng 5 giờ sáng đến 10 giờ mỗi ngày.

Khu lưu niệm Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Ảnh – Phạm Thành Nam)

Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc trên cù lao Ông Hổ, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, đây là một trong số 23 di tích Việt Nam đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Khu lưu niệm bao gồm ngôi nhà thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, đền thờ và nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

Tân Châu

Chùa Giồng Thành

chùa giồng thành

Chùa Giồng Thành hay còn gọi là Long Hưng Tự (Ảnh – Hoài Thanh Đỗ)

Chùa Giồng Thành, tên chữ Long Hưng Tự, thuộc phường Long Sơn. Chùa được cất theo chữ “Song Hỷ”, gồm có 3 gian: chánh điện, nhà giảng và hậu tổ. Chánh điện thờ Phật, Nam Tào, Bắc Đẩu. Nhà giảng thờ Phật Mẫu và nhà hậu tổ thờ các hòa thượng trụ trì chùa. Chùa lợp ngói móc, cột chánh điện bằng gỗ căm xe có vẽ rồng. Mặt gió của chùa cất theo kiểu Ấn Độ, phía trước trên nóc chùa có tháp hai tầng hình phễu úp ngược, nên phải và bên trái nóc chùa có hai tháp. Theo tấm bia đá dựng trước sân chùa, thì từ năm 1928 đến năm 1929, phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có đến cư ngụ ở chùa này, để truyền bá tinh thần yêu nước cho nhân dân ông.

Chùa Núi Nổi

chùa núi nổi

Chùa Núi Nổi hay còn gọi là Phù Sơn Tự (Ảnh – Vũ Phạm)

Núi Nổi, Hán tự là Phù Sơn, là ngọn núi nằm ven bờ sông Cửu Long, thuộc xã Tân Thạnh. Đây được xem là ngọn núi kỳ lạ bậc nhất trong hệ thống núi non vùng sông Cửu Long, góp phần làm đa dạng sắc màu cho An Giang sông núi hữu tình. Sau nhiều lần cất bằng vật liệu cây lá, đến năm 1938, chùa Núi Nổi, Phù Sơn tự được nhân dân trong vùng đóng góp xây dựng kiên cố và tồn tại đến nay. Thậm chí, theo người dân địa phương, nước lũ từ thượng nguồn đổ về càng lớn, nhấn chìm đồng đất đầu nguồn sông Cửu Long dưới độ sâu 4-5 mét, nhưng nước càng lên, thì ngọn núi như nổi lềnh bềnh trên mặt nước lũ. Vì thế dân gian suy tôn là Núi Nổi, tức núi luôn nổi trên mặt nước lũ.

Tịnh Biên

Rừng tràm Trà Sư

rừng tràm trà sư

Đi thuyền ngắm rừng tràm Trà Sư (Ảnh – Hachi8)

Rừng tràm Trà Sư là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động vật và thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Nhìn chung, chính sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu và những người ham mê khám phá thiên nhiên hoang dã.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm đi Rừng tràm Trà Sư (Cập nhật 4/2024)

Khu du lịch Núi Cấm

khu du lịch núi cấm

Toàn cảnh Núi Cấm (Ảnh – Huy Pham)

Núi Cấmđịa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, vì núi có dáng vẻ hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp và cây cối luôn xanh tươi. Trên núi có các danh lam và danh thắng như: Chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm.

Miếu Bà Chúa xứ Bàu Mướp

miếu bà chúa xứ bàu mướp

Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp (Ảnh – Thanh Tung Vo)

Ngôi miếu do Phật thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên, 1807 – 1856) và các tín đồ dựng lên giữa thế kỷ 19, để cho người dân đi khai hoang có nơi thờ cúng, thỏa mãn nhu cầu tính ngưỡng tâm linh. Ngôi chính điện thờ Thánh Mẫu Tiên Nương hiện tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn (gồm nhiều hạng mục, trong đó quan trọng nhất là ngôi điện thờ). Thánh Mẫu này (mà người dân quen gọi là Bà Chúa Xứ Bàu Mướp) là một nữ thần có quyền năng cai quản xứ sở, theo tục thờ cúng của người dân Nam Bộ.

Chùa Hòa Thạnh

chùa hòa thạnh

Chùa Hòa Thạnh (Ảnh – huynh van)

Chùa thường được gọi là chùa Cây Mít, tọa lạc ở phường Nhơn Hưng, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 19 và được trùng tu mở rộng vào những năm 1921-1923. Chùa còn bảo tồn nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.

Chùa Mới

Chùa Mới nằm trên đường 91, cách chợ Bách hóa Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên khoảng 2 km, do người Khmer xây dựng. Không chỉ là nơi tu hành của các nhà sư theo phái Nam Tông, chùa còn là điểm sinh hoạt văn hóa của đa số bà con dân tộc Khmer trong khu vực.

An Phú

Búng Bình Thiên

búng bình thiên

Búng Bình Thiên ở An Giang (Ảnh – Tho Pham)

Búng Bình Thiên, còn gọi là Hồ Nước Trời, là tên một hồ thuộc huyện An Phú, cách Thành phố Châu Đốc khoảng 30km. Búng Bình Thiên gồm 2 hồ nước là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Búng Nhỏ còn khá ít nước nên người ta thường ám chỉ Búng Lớn khi nói về Búng Bình Thiên (gọi tắt là Búng). Búng Bình Thiên là hồ chứa nước thiên nhiên rộng lớn, cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả vùng phụ cận, ngoài ra nơi đây còn là “túi cá đồng” tự nhiên rất phong phú, là điểm du lịch lý thú vì cảnh quan hãy còn khá nguyên sơ, và còn vì những món ăn dân dã mang đậm chất của một thời đi mở cõi, như: chuột nướng, lẩu mắm, cá linh kho, cá lóc nướng trui…

Cây đa cổ thụ

cây đa cổ thụ ở an phú

Cây đa đã có tuổi đời hơn 300 năm (Ảnh – Thanh Local Guide)

Cây cao khoảng 30 m, chu vi thân ở phần gần gốc là 26,8 m. Năm 2005, sau khi lấy mẫu giám định, ngành chức năng đã xác định độ tuổi của cây là trên 340 năm.

Chùa Linh Ẩn

chùa linh ẩn ở an giang

Chùa Linh Ẩn (Ảnh – Ngọc Thái Lâm)

Chùa Linh Ẩn Tự (còn gọi là chùa Ông Năm) nằm ngay thị trấn Long Bình. Chùa có bức tượng Phật Di Đà 2 mặt lớn nhất miền Tây và là điểm đến thu hút được nhiều người dân địa phương.

Chợ Mới

Cù lao Giêng

cù lao giêng

Cù Lao Giêng (Ảnh – minhducc1002)

Cù lao Giêng, gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân, từng được mệnh danh là “đệ nhất cù lao” với những kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa độc đáo, nhiều phong cảnh đẹp, lễ hội, khu sinh thái thuần Nam Bộ. Nơi đây từ lâu được biết đến là một “Cù lao xanh”, một vùng đất đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của của người Việt vùng sông nước Nam Bộ, đặc sắc với các công trình văn hóa tín ngưỡng đồ sộ. Cù lao Giêng nổi lên như một hòn đảo xanh mát cây trái, cư dân hiền hòa, mến khách, được thiên nhiên ưu đãi đầy sức quyến rũ với những công trình văn hóa và mỹ thuật tiêu biểu xứ Nam Bộ và Tây phương.

Chùa Thành Hoa

Thành Hoa Tự

Thành Hoa Tự còn có tên gọi là Chùa Ông Đạo Nằm (Ảnh – Thế Vinh Trần)

Thành Hoa tự tọa lạc trên diện tích hơn 4ha trên cù lao Tấn Mỹ nằm giữa sông Tiền, xung quanh nhiều cây xanh tỏa bóng mát. Nơi đây sở hữu kiến trúc tôn giáo độc đáo vào hạng có một không hai ở Việt Nam. Khác với phần lớn chùa Việt Nam, cổng chùa ở đây được thiết kế dẫn vào hậu tự với 3 cổng, gồm cổng chính và hai cổng phụ tách rời nhau. Riêng cổng chính được thiết kế theo thế tam quan, bên trên có gắn tượng rồng chầu, hổ phục. Chánh điện theo kiến trúc chữ quốc, nhưng mái chính điện được thiết kế 3 tầng theo hình hoa sen cách điệu, mỗi mái được thiết kế sơn 3 màu xanh đỏ vàng tượng trưng cho hàm nghĩa “tam giáo đồng nguyên”.

Chùa Phước Thành

chùa phước thành

Chùa Phước Thành (Ảnh – Võ Nguyễn Minh Bảo)

Chùa Phước Thành còn gọi là chùa Chim, vì theo truyền thuyết chùa thuộc phái Bắc tông, tọa lạc tại ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân. Đây là ngôi chùa đầu tiên mà “ông Đạo Nằm” đã tu đạo trước khi thành lập chùa Thành Hoa.

Khu sinh thái Mỹ Luông

khu sinh thái mỹ luông

Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông (Ảnh – Lê Phan Quốc Hưng)

Khu du lịch sinh thái Mỹ Luông nổi bật với các khu trái cây miệt vườn, những hồ cá mát mẻ, những mái chòi lợp lá dân dã và nhiều món ăn ngon mang đậm phong vị quê hương miền Tây Nam Bộ.

Khu sinh thái Cồn Én

cồn én

Khu sinh thái Cồn Én (Ảnh – Lê Minh)

Nằm vắt mình bên bờ Đông của Cồn Én, giữa sông Tiền đoạn đi qua thuỷ phận xã Tấn Mỹ, tựa mình vào nền đất phù sa bốn mùa xanh mướt cây trái, mặt hướng ra sông mênh mang sóng nước châu thổ. Điểm nhấn ở khu du lịch sinh thái này chính là thế giới của gỗ trầm thuỷ được chủ nhân tích luỹ trong những năm thi công đáy nhiều đoạn sông vùng đầu nguồn Cửu Long. Những thân gỗ trăm năm không chỉ được chế tác thành tuyệt phẩm, mà còn được tận dụng chế tác thành những căn nhà, những ghế bàn độc đáo…

Thoại Sơn

Núi Sập

khu du lịch núi sập

Khu du lịch Núi Sập là tên gọi chung cho một cụm nhiều công trình nằm quanh khu vực này (Ảnh – Hoàng Thống Đào)

Khu du lịch Núi Sập là tên gọi chung của cụm địa điểm tham quan nổi tiếng là Hồ Ông Thoại và Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 20km, nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn.

Khu di tích Óc Eo

di tích óc eo

Khu di tích Óc Eo được công nhận là Di tích Quốc gia hạng đặc biệt (Ảnh – Đan Ngô)

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo. Khu di tích có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,2 ha; trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) là 143,9 ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) là 289,3 ha. Di tích gồm các loại hình tiêu biểu: di tích kiến trúc, di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ xưởng, hệ thống giao thông thủy, baray.

Linh Sơn Cổ Tự

linh sơn cổ tự

Linh Sơn Cổ Tự (Ảnh – Phương Nguyễn)

Nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, chùa Linh Sơn (chùa Phật 4 tay) được xây dựng vào năm 1923 bởi thiền sư Như Chánh. Đây một trong những ngôi chùa cổ nhất tại huyện Thoại Sơn, nằm ở chân núi Ba Thê. Hiện trong chùa đang lưu giữ 2 hiện vật khá độc đáo của nền văn hóa Óc Eo là tượng thần Vishnu (tượng Phật 4 tay) và 2 bia đá cổ.

Tri Tôn

Hồ Ô Thum

hồ ô thum

Hồ Ô Thum nổi tiếng bởi món gà đốt (Ảnh – Thường Vĩ)

Hồ Ô Thum được hình thành khoảng chục năm trước với mục đích ngăn nước để sản xuất nông nghiệp. Hồ có diện tích không lớn nhưng nằm tựa lưng vào triền núi mặt nước phẳng lặng, xanh biếc tạo nên cảnh đẹp vô cùng nên thơ. Nơi đây rất nổi tiếng với món gà đốt hồ Ô Thum, một trong nhiều món ăn ngon ở An Giang mà các bạn nếu có dịp nên thưởng thức.

Chùa Tà Pạ

chùa tà pạ

Chùa Tà Pạ (Ảnh – Văn Thái)

Chùa Tà Pạ là ngôi chùa Khmer Phật giáo dòng Nam tông, mang nét cổ kính và uy nghiêm với các hoa văn trạm khắc tinh xảo theo kiến trúc đặc trưng của người Khmer Nam bộ, chùa được xây trên các trụ bê tông nổi bật giữa rừng núi hoang sơ, đẹp tựa như tranh.

Hồ Tà Pạ

hồ Tà Pạ

Màu nước xanh như ngọc ở hồ Tà Pạ (Ảnh – Tâm Lê)

Hồ Tà Pạ được bao bọc bởi các vách đá cao, xa xa là dãy núi Tô và cánh đồng Tà Pạ. Khi trời trong xanh nước hồ hiện lên một màu ngọc bích, từ trên nhìn xuống nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy hồ. Điểm thú vị của Tà Pạ là màu nước thay đổi liên tục, chỗ sâu thì có màu xanh thẫm, chỗ cạn có màu xanh nhạt, chỗ thì màu cam, khi thì thay đổi theo sắc mây trời, tạo ra cảm giác mới lạ liên tục cho người xem, nhờ vậy mà phong cảnh hồ Tà Pạ xinh đẹp cuốn hút. Hồ có nhiều góc chụp ảnh rất đẹp, trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút rất nhiều du khách đặc biệt là các bạn trẻ đến check in.

Cánh đồng Tà Pạ

cánh đồng tà pạ

Những mảng màu rực rỡ trên cánh đồng Tà Pạ (Ảnh – phtrung0611)

Thuộc địa phận xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, cánh đồng lúa trải dài bát ngát và mênh mông dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô mang vẻ đẹp thơ mộng vô cùng độc đáo với các thửa ruộng màu sắc đan xen lẫn nhau.

Đồi Tức Dụp

đồi tức dụp

Khu du lịch đồi Tức Dụp (Ảnh – Bao Huynh)

Tức Dụp là một ngọn đồi nằm bên núi Cô Tô, thuộc dãy Thất sơn hùng vĩ giữa bao la ruộng đồng của huyện Tri Tôn. Nhìn từ xa, ngọn núi như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông, bởi vậy núi Cô Tô còn được biết đến với tên gọi Phụng Hoàng Sơn. Đến đây, du khách được hòa mình vào khung cảnh tuy hoang sơ nhưng tuyệt mỹ. Trải nghiệm tận mắt thấy tai nghe những câu chuyện huyền thoại, lịch sử hào hùng…chiêm ngưỡng bảo tàng quân khí đa dạng nhất tại khu vực biên giới Tây Nam.

Nhà mồ Ba Chúc

nhà mồ ba chúc

Nhà mồ Ba Chúc là nơi lưu giữ những ký ức buồn trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (Ảnh – Hoàng Đông Hồ)

Cách thị trấn Tri Tôn khoảng 17 km về phía tây nam, Khu chứng tích được xây dựng nhằm tưởng nhớ 3157 người dân Ba Chúc bị Pol Pot (Khmer Đỏ) thảm sát, giết hại một cách tàn nhẫn dã man trong 11 ngày đêm vào năm 1978. Nhà mồ còn đang lưu giữ 1159 bộ xương cốt trong tủ kính.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở An Giang
  • tháng 4 An Giang có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến An Giang
  • phượt An Giang có gì
  • cảnh đẹp An Giang
  • địa điểm check-in An Giang
  • danh lam thắng cảnh An Giang
  • địa điểm du lịch tâm linh An Giang
  • đến An Giang nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở An Giang

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 9 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở An Giang

AN GIANG

Vị trí An Giang trên bản đồ Việt Nam

An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có dân số đông nhất ở vùng này.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), có nhiều di tích lịch sử – văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, với 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). Từ đó, tạo ra những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, làm tiền đề phát triển đa dạng các loại hình du lịch (tâm linh, sinh thái, cộng đồng…

Bạn có biết: An Giang được người Khmer gọi là Moăt Chruk (មាត់ជ្រូក), nghĩa là xứ Miệng Heo.

  • Diện tích: 3.536,83 km²
  • Dân số: 1.909.507 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện
  • Vùng: Tây Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 296
  • Biển số xe: 67