Cùng Phượt – Gồm 3 xã của huyện Chợ Mới, An Giang là Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Cù Lao Giêng nằm giữa sông Tiền, có lịch sử khai phá hơn 300 năm, từ lâu được biết đến như một ốc đảo xanh mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn, văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt vùng sông nước Nam Bộ.
Nơi đây không chỉ đẹp bởi sự yên bình, cảnh đẹp hữu tình của sông nước, đời sống người dân trù phú nhờ những vườn cây ăn trái, mà còn có rất nhiều công trình di tích, kiến trúc tín ngưỡng tâm linh đặc sắc.
Nổi bật nhất trong đó là những kiến trúc tôn giáo đặc trưng trong thời kỳ Pháp thuộc, mà tiêu biểu nhất là nhà thờ Cù lao Giêng. Nhà thờ Cù Lao Giêng là ngôi thánh đường cổ đầu tiên ở xứ Nam Kỳ, phần lớn vật liệu xây dựng được mang từ Pháp sang. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Romane, một loại hình kiến trúc phổ biến ở các nước phương Tây.
Kết cấu sử dụng nhiều cuốn nửa trụ, vòm nôi và vòm bán cầu, tháp chuông cao vút trông rất uy nghi, tráng lệ; các trụ cột được thiết kế liên hoàn, kết hợp các ô gió và tháp nhỏ tạo nét cổ kính tuyệt đẹp. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhà thờ vẫn tồn tại nguyên vẹn uy nghi, là điểm thu hút được nhiều du khách.
Cách nhà thờ cù lao Giêng không xa là Tu viện Phanxicô (còn gọi là nhà thờ Thánh Tâm), được xây dựng từ năm 1876, kiểu vòm nhọn, thành tường trang trí đơn giản, màu sắc cổ điển.
Một điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến cù lao Giêng là Thành Hoa tự (còn gọi là chùa Đạo Nằm), được xây dựng năm 1953.
Đặc biệt, ở cù lao Giêng còn có chùa Phước Thành (còn gọi là chùa Chim), được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam, với công trình quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ tát Thánh chúng (mỗi tượng cao 5m).
Ngay trước nhà lồng chợ Phủ Thờ xã Bình Phước Xuân trên cù lao Giêng, có di tích lăng mộ của “Ba quan thượng đẳng”, ấy là ba anh em người địa phương đã theo phò Nguyễn Ánh và lập nhiều chiến công, sau đó cả ba anh em đều hy sinh ngoài chiến trường.
Với 100% diện tích đất nông nghiệp trồng cây ăn trái, nơi đây có sinh thái nông nghiệp với diện tích rộng lớn các vườn cây ăn trái, tạo ấn tượng một cù lao xanh và sinh kế hấp dẫn trong mắt du khách mỗi khi ghé thăm mảnh đất Cù Lao Giêng.
AN GIANG
An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh có dân số đông nhất ở vùng này.
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km, giáp 2 tỉnh Takeo, Kandal (Vương quốc Campuchia), có nhiều di tích lịch sử – văn hóa và vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, với 4 dân tộc (Kinh, Khmer, Chăm, Hoa). Từ đó, tạo ra những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, làm tiền đề phát triển đa dạng các loại hình du lịch (tâm linh, sinh thái, cộng đồng…
Bạn có biết: An Giang được người Khmer gọi là Moăt Chruk (មាត់ជ្រូក), nghĩa là xứ Miệng Heo.
- Diện tích: 3.536,83 km²
- Dân số: 1.909.507 người
- Phân chia hành chính: 2 thành phố, 2 thị xã, 7 huyện
- Vùng: Tây Nam Bộ
- Mã điện thoại: 296
- Biển số xe: 67