Kinh nghiệm du lịch Lệ Giang

Kinh nghiệm du lịch Lệ Giang (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Lệ Giang (丽江 Lìjiāng) là một đơn vị hành chính cấp địa khu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bao gồm cả khu vực thành thị lẫn nông thôn, với tên đầy đủ là Lệ Giang thị tức thành phố trực thuộc tỉnh Lệ Giang (chữ Hán: 丽江市; bính âm: Lìjiāngshì). cổ thành Lệ Giang là một trong 2 cổ thành được bình chọn đẹp nhất vùng đất Trung Quốc. Đây là một thành phố thu hút khách du lịch nhờ cả di sản thiên nhiên lẫn bề dày văn hóa lịch sử lâu đời. Nằm ở độ cao 2.400 mét so với mực nước biển khí hậu Lệ Giang quanh năm mát mẻ nhưng mưa nắng cũng rất thất thường. Tổng hợp những kinh nghiệm du lịch Lệ Giang đầy đủ nhất cho các bạn tham khảo.

Lệ Giang khi thu về (Ảnh – Ngọc Hùng)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Ngọc Hùng, 常炯 卢, 吉易, Scania991, sirouni, fanbaoxian, 7 w d, Black station, Ashley Yap, Eva liang, Joshua Chai, Regina Yi,  Edwin陳, ekzhu, dominique, steel_jonas, zhouyousifang, DuoDuo Cheung, SuperJUN, Pete Robbins, 形而上美, 水玩水漣, iamzxb1984, Ashley Yap, jjenilune, liuqiqi, Kura, 李建 và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Lệ Giang

Mục lục

Đây là một trong 4 thành phố tượng trưng cho 4 mùa của tỉnh Vân Nam lần lượt là Côn Minh (Xuân Thành – 春城), Đại Lý (Hạ Thành – 夏城), Cảnh Hồng (Thu Thành – 秋城) và Lệ Giang (Đông Thành – 冬城).

Lệ Giang là một đô thi cổ hàng trăm năm tuổi (Ảnh – 常炯 卢)

Đô thị cổ Lệ Giang được xây dựng dọc theo dãy núi và dòng sông. Nhờ kết quả của sự hòa trộn nét văn hóa và sự phát triển của dân tộc Nạp Tây. Kiến trúc những tòa nhà là sự kết hợp chặt chẽ kiến trúc của người Hán, Bai và Tây Tạng. Người Nạp Tây đã rất kỳ công để trang trí nhà cửa và phương tiện đi lại. Bạn sẽ cảm nhận được sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên, hoa và cây cảnh được trồng rất nhiều trên đường phố.

Lệ Giang có hàng liễu 350 tuổi (Ảnh – cungphuot.info)

Xung quanh thành phố có rất nhiều kênh đào dòng suối chảy qua khu vực dân cư. Bên bờ là những hàng liễu rủ dọc theo những con kênh đào. Thành phố có hàng cây 350 tuổi và những kiến trúc từ thời Minh. Hệ thống kênh đào chằng chịt này nên người ta gọi thành phố là “Venice” của phương Đông hay “Tô Châu” trên cao nguyên.

Trung tâm của thị trấn cổ là phố Tứ Phương. Từ những con phố chính này sẽ dẫn đến những con phố cũ, ngóc ngách của thành phố. Khắp thành phố được khoác trên mình một màu xám, kết hợp với những kênh đào và cây xanh tạo nên không khí trong lành tràn ngập đường phố.

Từ trung tâm, có hàng trăm ngóc ngách đi tới khắp nơi trong cổ trấn (Ảnh – cungphuot.info)

Vào 3/12/1997, phố cổ Lệ Giang đã được tổ chức UNESCO xếp vào một trong những di sản văn hóa của thế giới. Giờ đây, thành phố ngày càng thu hút khách du lịch với nét văn hóa cổ kính đặc sắc và phong cảnh thiên nhiên trữ tình.

Nên đi du lịch Lệ Giang vào mùa nào?

Lệ Giang mùa thu (Ảnh – Ngọc Hùng)

Kinh nghiệm cá nhân thì Lệ Giang mùa nào cũng đẹp, các bạn sắp xếp được thời gian vào thời điểm nào thì cứ đi luôn vào thời điểm đó. Theo thông tin được chính người dân Lệ Giang chia sẻ (bạn có thể tham khảo thôi) thì nên đi Lệ Giang vào:

  • Khoảng tháng 4-5, thời điểm này vừa có nhiều loại hoa, vừa có tuyết trên núi. Thời điểm này khách nội địa Trung Quốc cũng không đi nhiều nên tương đối vắng vẻ.
  • Khoảng tháng 10-11 (mùa thu), lúc này các loại cây cối đổi sang màu vàng và đỏ tạo thành một bức tranh nhiều màu rất đẹp.

Ngoài ra, có 2 thời điểm Lệ Giang vẫn đẹp nhưng các bạn cân nhắc không nên đi đó là thời điểm Tết Âm Lịch và dịp quốc khánh Trung Quốc (1-10/10) vì người Trung Quốc cũng khá thích đi du lịch vào dịp này.

Hướng dẫn đi tới Lệ Giang

Phương tiện đường không

Sân bay Tam Nghĩa, Lệ Giang (Ảnh – 吉易)

Các bạn có thể lựa chọn đường bay từ Quảng Châu hoặc Côn Minh tới Lệ Giang. Đối với Quảng Châu, có thể bay trực tiếp từ Việt Nam (Hà Nội, Sài Gòn) với khá nhiều chuyến bay thẳng của nhiều hãng (trong trường hợp các bạn có dừng chơi ở Quảng Châu). Nếu định bay thẳng Lệ Giang, hãy lựa chọn China Southern Airlines bởi thời gian chờ nối chuyến ở Quảng Châu tương đối ngắn (khoảng 2 tiếng) và giá vé cũng khá hợp lý (từ Hà Nội bay vào ngày thường giá khứ hồi khoảng 5500k ++)

Phương tiện đường bộ

Tàu nằm ở Trung Quốc khá sạch sẽ, thoải mái (Ảnh – Scania991)

Có nhiều cách để tới Lệ Giang phụ thuộc vào thời gian và ngân sách bạn có. Nếu muốn tiết kiệm chi phí, thường mọi người sẽ chọn tới Lệ Giang bằng đường bộ. Có 2 cách phổ biến là đi theo đường chặng Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh – Lệ Giang hoặc Hà Nội – Nam Ninh – Côn Minh – Lệ Giang. Chặng đi theo đường Lào Cai các bạn sẽ di chuyển bằng phương tiện ô tô + tàu hỏa, chặng đi theo đường Nam Ninh sẽ di chuyển hoàn toàn bằng tàu hỏa. Đi theo chặng Lào Cai thời gian sẽ nhanh hơn còn đi theo chặng Nam Ninh tổng thời gian di chuyển khá dài (2 ngày 3 đêm) và hoàn toàn bằng tàu hỏa, tuy nhiên sẽ có thêm thời gian khám phá Nam Ninh và Côn Minh nữa.

Đường Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh

Chặng này phương tiện sử dụng sẽ là ô tô + kết hợp tàu hỏa. Đa phần mọi người đi bằng đường bộ sẽ đi theo đường này, phương án này sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với phương án tàu hỏa. Tổng quãng đường từ Hà Nội đến Côn Minh sẽ vào khoảng hơn 700km.

Từ Hà Nội các bạn bắt ô tô hoặc đi tàu hỏa tới Lào Cai, sau khi làm thủ tục xuất nhập cảnh các bạn tới bến xe Hà Khẩu để bắt xe đi Côn Minh. Từ bến xe Hà Khẩu có hai chuyến đi Côn Minh là 10h30 sáng và 17h chiều. Tiền vé khoảng 160 RMB và thời gian đi (đường cao tốc) khoảng từ 5-6 tiếng. Đường cao tốc Hà Khẩu – Côn Minh sẽ đi theo tuyến Hà Khẩu – Mông Tự – Thạch Lâm – Côn Minh.

Đường Hà Nội – Nam Ninh – Côn Minh

Đây là chặng di chuyển hoàn toàn bằng tàu hỏa, thời gian sẽ kéo dài lên tới 2 ngày 3 đêm trên tàu. Tuy nhiên, bù lại các bạn sẽ có khá nhiều thời gian để khám phá Nam Ninh và Côn Minh, 2 thành phố lớn là thủ phủ của 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Tổng quãng đường từ Hà Nội (Gia Lâm) tới Côn Minh khoảng 1200km.

Chặng Hà Nội – Nam Ninh

Tuyến tàu Hà Nội – Nam Ninh khởi hành từ ga Gia Lâm vào khoảng 9h tối hàng ngày (giờ Hà Nội) và đến Nam Ninh khoảng 9h sáng ngày hôm sau (giờ Trung Quốc). Tàu có khoảng 5 toa với khoảng gần 200 khách, số lượng người đi tàu không nhiều do thủ tục phức tạp hơn so với đi ô tô nên việc mua vé tàu khá dễ. Các bạn mang hộ chiếu có kèm visa tới quầy số 4 trong ga Hà Nội là có thể mua được vé, do là tàu liên vận giữa các nước nên giá vé sẽ được tính theo một đơn vị tiền tệ trung lập (ở đây là fr Thụy Sỹ) và được quy đổi ra tiền của nước bán vé ở thời điểm bán.

Làm thủ tục xuất cảnh tại ga Đồng Đăng (Ảnh – cungphuot.info)

Sau khi xuất phát từ ga Gia Lâm, khoảng 1h (giờ Việt Nam) sẽ tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Tại đây, toàn bộ khách cần mang theo hành lý xuống làm thủ tục xuất cảnh, do khu vực ga khá bé và chỉ có 1 cửa ra vào nên hơi bất tiện khi phải vòng vào 1 góc để quét hành lý sau đó quay ngược ra xếp hàng vào nơi đóng dấu xuất cảnh, cuối cùng quay ngược ra cửa để kiểm tra lần cuối. Khoảng thời gian ở đây mất khoảng hơn 1 tiếng.

Làm thủ tục nhập cảnh tại ga Bằng Tường (Ảnh – cungphuot.info)

Tàu đi thêm khoảng 30′ nữa sẽ tới ga Bằng Tường của Trung Quốc, tương tự các thủ tục như bên phía Việt Nam nhưng bên phía Trung Quốc sẽ mất thêm khá nhiều thời gian do còn phải qua 1 lượt kiểm tra hành lý bằng tay của phía biên phòng. Kết thúc việc nhập cảnh, các bạn cũng còn phải ngồi đợi trong ga cho đến thời gian tàu chạy là khoảng 4h (giờ Trung Quốc)

Chặng Nam Ninh – Côn Minh

Ga tàu ở Nam Ninh, quầy số 1 dành cho người nói Tiếng Anh nhé (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Nam Ninh  mua tiếp vé tàu đi Côn Minh, chặng này vé tàu giường nằm mềm luôn trong tình trạng hết vé cho dù mua sớm trước mấy ngày. Chặng này đi mất khá nhiều thời gian (khoảng 15 tiếng) nhưng tàu chạy vô cùng êm và thoải mái. Xuất phát từ Nam Ninh lúc 9h tối và tới Côn Minh lúc 12h trưa hôm sau.

Từ Côn Minh đi Lệ Giang

Chặng này có vẻ tập trung phục vụ khách du lịch nên tàu rất ngon, các phòng đều được trang trí hẳn hoa tươi nhá. Khu vực vệ sinh trên tàu cũng vô cùng sạch sẽ và thoải mái. Chặng này xuất phát lúc 9h tối từ Côn Minh và tới Lệ Giang lúc 6h sáng.

Mua vé tàu ở Trung Quốc

Các thông tin trên vé tàu Trung Quốc (Ảnh – cungphuot)

Hệ thống đường sắt ở Trung Quốc được đầu tư bài bản và vô cùng phát triển, đây gần như là hình thức di chuyển đường bộ được người dân sử dụng nhiều nhất. Tại Trung Quốc, vé tàu được bán trực tiếp tại các nhà ga, cũng có một số trang bán vé online nhưng sau khi đặt xong vẫn phải ra ga đổi vé. Nếu là người dân Trung Quốc, bạn có thể tự mua vé từ các quầy bán vé tự động đặt ở mỗi ga.

Ga tàu Côn Minh (Ảnh – Scania991)

Các nhà ga ở Trung Quốc đều to và rộng như (thậm chí còn hơn) một số sân bay ở Việt Nam, với hệ thống kiểm soát an ninh chặt chẽ, các bạn sẽ phải quét hành lý (ít nhất 1 lần, có ga như Côn Minh sẽ là 2 lần), kiểm tra an ninh trước khi lên tàu. Rất nhiều vật dụng bị cấm (trong đó có cả dao, theo quy định là lưỡi 10cm hoặc có khóa lưỡi nhưng tốt nhất các bạn không nên mang theo bất cứ con dao du lịch nào để tránh rắc rối)

Quay lại việc mua vé, bạn có thể mua trước toàn bộ vé của bất cứ chặng nào và từ bất cứ ga nào nếu đã có sẵn phương án di chuyển. Thường ở mỗi ga đều có ít nhất 1 quầy nhân viên có thể sử dụng Tiếng Anh, để chắc chắn hơn các bạn có thể in sẵn các chặng ra một tờ giấy rồi đưa luôn cho nhân viên bán vé để tiết kiệm thời gian.

Các bạn sử dụng Google Maps để tìm giờ tàu phù hợp (Ảnh – cungphuot.info)

Check giờ tàu các bạn hãy sử dụng Google Maps, sử dụng tính năng tìm lịch trình giữa 2 điểm (cụ thể là tên 2 ga bạn sẽ đi và đến) rồi sau đó chọn phần Train, các thông tin về giờ tàu chạy cũng như số hiệu chuyến tàu sẽ xuất hiện.

Khách sạn nhà nghỉ ở Lệ Giang

Lệ Giang có rất nhiều các nhà nghỉ xinh xắn với đầy hoa xung quanh (Ảnh – cungphuot.info)

Ở Lệ Giang, có rất rất nhiều những nhà nghỉ (Inn) xinh xắn nằm xen kẽ ngay trong cổ thành. Những nhà nghỉ này thường hoạt động theo mô hình phòng tập thể với giường tầng (dorm), mỗi phòng thường chứa được khoảng 6 người với nhà vệ sinh và phòng tắm riêng cho từng phòng. Nếu đi một nhóm 4-6 người các bạn có thể thuê toàn bộ 1 phòng dorm để tiện cho việc sinh hoạt.

Một số khách sạn tốt ở Lệ Giang

NHÀ NGHỈ Lijiang Guyunxuan Boutique Inn
Địa chỉ: No. 137-0, Yigu Lane, Nanmen St, Dayan Ancient City, 674100 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Lijiang Rongyi Homestay
Địa chỉ: No. 24 Wenlin Lane, Wuyi Street, 674100 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Dreamer Inn
Địa chỉ: No.154 Yishang Street Wenming Alley, Lijiang Ancient Town, 674100 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Lijiang Gui Yuan Tian Ju Guesthouse
Địa chỉ: No.45 Xingwen Alley, Qiyi Street, Ancient City, 674100 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Chen Jie Inn
Địa chỉ: No.21 GuangYi Street, New Court Lane, 674100 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Xilu Xiaoxie Inn
Địa chỉ: No.109 Ba Yi Section, Qi Yi Street, Lijiang City, YN, Trung Quốc
Điện thoại: +86 136 8877 0806
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Lijiang Sunshine Nali Inn
Địa chỉ: No.41 Jinxing Alley, Guangyi Street, 674100 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Puyu Inn
Địa chỉ: No.138 Guyou Lane, Nanmen St, Lijiang, Yunnan, Trung Quốc, 674100
Điện thoại: +86 153 0888 9591
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Zui Inn
Địa chỉ: No. 55, Huangshan Upper Section, Gucheng District, 641000 Lệ Giang, Trung Quốc
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Lijiang Three Wells Inn
Địa chỉ: 66 Wenlin lane, Yishang street, Lijiang City, YN, Trung Quốc
Điện thoại: +86 888 511 8847
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Chơi gì khi du lịch Lệ Giang

Bản đồ du lịch Lệ Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Lệ Giang có khá nhiều điểm hấp dẫn để bạn khám phá, thường thì nên dành khoảng 3 ngày ở Lệ Giang, phần thời gian còn lại các bạn có thể kết hợp để đến thăm Đại Lý (trước khi tới Lệ Giang) và Shangrila (từ Lệ Giang còn đi khoảng 170km nữa). Nếu vẫn còn thời gian, hồ Lugu sẽ là một lựa chọn không tồi và đáng nhớ. Các địa danh trong bài này được giới thiệu với tên theo phiên âm Việt, Tiếng Trung và phiên bản Tiếng Anh (của người Trung Quốc) để các bạn tiện theo dõi và xác định vị trí.

Khắp Lệ Giang các bạn có thể nghe được bài hát này, chúng ta có thể gọi vui nó là Lệ Giang ca cũng được. (Tên gốc bài hát là 我的小宝贝 ) Dễ thấy nhất là trong những cửa hàng bán trống, các cô gái xinh đẹp sẽ bật bài này và gõ theo điệu trống, nghe cũng vui tai.

Đại Nghiên cổ trấn (大研古镇)

Người phụ nữ Nạp Tây ở Đại Nghiên Cổ Trấn (Ảnh – sirouni)

Thành cổ Lệ Giang bắt đầu được xây dựng vào cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên (cuối thế kỷ thứ 3). Thành cổ này nằm trên cao nguyên Quý Châu, có độ cao hơn 2400m so với mặt biển, với diện tích rộng 3,8km2, từ xưa đã là chợ và trấn quan trọng nổi tiếng gần xa. Hiện nay, thành cổ này có hơn 6200 hộ gia đình, hơn 25 nghìn dân. Trong đó, người dân tộc Na-xi chiếm tuyệt đại đa số dân cư ở đây, 30 phần trăm người dân ở đây vẫn làm các nghề thủ công như làm đồ dùng bằng đồng bằng bạc, nghề thuộc da và lông thú, dệt, cất rượu và buôn bán.

Lệ Giang luôn mang lại một cảm giác rất yên bình (Ảnh – fanbaoxian)

Các phố xá trong thành cổ Lệ Giang đều giáp núi gần sông, dải đá màu đỏ, mùa mưa không ̣ lầy lội, mùa khô không bụi bặm, những hoa văn trên mặt đá nền đường trông tự nhiên và thanh nhã, rất hài hòa với môi trường của cả thành cổ này. Phố Tứ phương ở trung tâm thành cổ là phố cổ tiêu biểu của thành cổ Lệ Giang.

Trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành, Lệ Giang xây 354 chiếc cầu, khiến mật độ bình quân cứ 1km2 có 93 chiếc. Hình dáng của rầm cầu rất đa dạng, những chiếc cầu nổi tiếng là cầu Tỏa Thúy, cầu Đại Thạch, cầu Nam Môn, cầu Mã Yên, cầu Nhân Thọ, đều được xây dựng vào thời nhà Minh và nhà Thanh (từ thế kỷ 14 đến 19) . Trong đó cầu Đại Thạch cách đường Tứ Phương 100 mét là đặc sắc nhất.

Quảng trường Ngọc Hà

Toàn cảnh quảng trường Ngọc Hà (Ảnh – cungphuot.info)

[Tiếng Anh – Yuhe Square] Đây là một trong những cửa chính để vào khu cổ thành Lệ Giang, quảng trường rộng với điểm nhấn là cặp bánh xe nước cổ cùng với giàn chuông bằng gỗ để các bạn có thể treo những chiếc chuông với nhưng thông điệp riêng của bạn lên đó. Ngọc Hà cũng chính là tên con sông trong thành cổ, chảy thẳng tới hồ nước trong công viên Hắc Long Đàm.

Khu vực này cũng có một số cửa hàng đồ ăn nhanh phương tây (KFC, Mcdonald và Pizza Hut) dành cho bạn nào không quen ăn đồ ăn Vân Nam.

Bánh xe nước lớn (大水车)

Bánh xe nước lớn ở Lệ Giang (Ảnh – cungphuot.info)

[Tiếng Anh: The Big Water Wheel] Thành cổ Lệ Giang trước đây do được làm hoàn toàn bằng gỗ nên người dân luôn phải tích nước trong nhà (đề phòng cháy còn có nước để dập lửa), trong thành lúc đó được xây dựng rất nhiều các bánh xe để dẫn nước về khắp mọi nơi trong thành. Trải qua thời gian, các bánh xe nước này dần bị phá hủy hết cho nên đến năm 1997 chính quyền nơi đây cho dựng lại 2 bánh xe nước này ngay góc quảng trường Ngọc Hà vừa là để làm điểm tham quan du lịch, vừa như một điều gì đó gợi nhắc đến nét văn hóa ngày xưa.

Đường Tứ Phương (四方街)

Quảng trường Tứ Phương (Ảnh – 7 w d)

[Tiếng Anh: Sifang Streets Square] Được xây dựng từ đời nhà Thanh, do Thổ ty trong vùng đặt tên (lấy ý từ cụm từ Quyền Trấn Tứ Phương). Đây là trung tâm của thành cổ Lệ Giang, theo một vài cách lý giải khác thì thành cổ Lệ Giang hiện nay được phát triển theo 4 hướng lấy đường này làm trung tâm.

Cầu Đại Thạch (大石桥)

Cầu Đại Thạch (Ảnh – fanbaoxian)

Do Mộc thổ ty xây dựng vào thời Minh, cầu này chỉ cách đường Tứ Phương khoảng hơn 100m và xung quanh có một vài quán cafe với view rất đẹp. Cơ mà giá đồ uống mấy quán này khá chát (40-50 RMB) nên tốt nhất các bạn chỉ nên lượn lờ quanh đây thôi.

Vạn Cổ Lầu (万古楼)

Vạn Cổ Lầu về đêm (Ảnh – Black station)

[Tiếng Anh: Wangu Pavilion] Nằm trên đỉnh công viên Đồi Sư Tử, đây là nơi có thể nhìn được toàn cảnh Lệ Giang cũng như ngắm núi tuyết Ngọc Long. Vạn Cổ Lầu có 5 tầng và cao 33m, được xây trên dựng trên 16 chiếc cột, mỗi cột cao 22m. Có tổng cộng 4 cặp sư tử đá ở 4 mặt của lầu. Vạn Cổ Lầu được trang trí với hơn 2300 kiểu họa tiết đại diện cho 23 dân tộc sinh sống ở Lệ Giang. Các bức tường xung quanh được chạm khắc hơn 9999 con rồng cùng với 1 con ở trên trần tổng cộng là 10.000 con.

View toàn cảnh Lệ Giang từ một quán cafe ngay dưới Vạn Cổ Lầu (Ảnh – cungphuot.info)

Vé vào Vạn Cổ Lầu là 50 RMB. Lời khuyên cho các bạn là không nên đầu tu 50 RMB vào đây, để tiền đấy ngồi uống cafe nghe nhạc sống ở ngay cổng vào Vạn Cổ Lầu, chỗ này cũng ngắm được toàn cảnh Lệ Giang.

Mộc Phủ (木府)

Cổng vào Mộc Phủ (Ảnh – cungphuot.info)

[Tiếng Anh: Mu’s Residence] Mộc phủ tức dinh thự của các thủ lĩnh thế tập họ Mộc (người Lệ Giang gọi là Thổ Ty) từ thời Nguyên kéo dài đến thời nhà Thanh (1253-1728). Gồm có 162 gian chiếm một diện tích 46 mẫu và được xây dựng như một Tử Cấm Thành thu nhỏ. Di tích này bị phá hủy khá nhiều bởi các cuộc chiến tranh liên miên thời nhà Thanh. Mộc Phủ ngày hôm nay được xây dựng lại toàn bộ dưới sự tài trợ của ngân hàng thế giới để phục vụ khách tham quan (1996-1999).

Mộc Phủ rộng và được xây dựng như một Tử Cấm Thành thu nhỏ … (Ảnh -cungphuot.info)

… tuy nhiên đây là “phiên bản” phục dựng lại gần như nguyên vẹn vào năm 1996 (Ảnh – cungphuot.info)

Công viên Đồi Sư Tử (狮子山公园)

Lệ Giang nhìn từ Công viên Đồi Sư Tử (Ảnh – Ashley Yap)

[Tiếng Anh: Lion Hill Park] Có tên như vậy bởi ngọn đồi có hình dáng giống một con sư tử đang ngủ, Vạn Cổ Lầu là điểm cao nhất cũng nằm trong công viên này. Đồi Sư Tử là hậu sơn của Mộc Phủ (Mộc Phủ dựa lưng vào đây) và giữa 2 nơi này có thể đi bộ qua nhau. Trông công viên Đồi Sư Tử có một ngôi chùa xây năm 1754 thời Càn Long nhà Thanh có tên là Bạch Mã Long Đàm (白马龙潭寺), ngôi chùa này từng bị phá hủy và được xây dựng lại năm 1882. Chùa là nơi xưa kia văn nhân tụ tập để trao đổi, trò chuyện, hiện giờ nơi đây vẫn còn bia khắc 11 bài thơ của các thi sĩ nổi tiếng Lệ Giang thời xưa.

Công viên Hắc Long Đàm (黑龙潭公园)

Núi Ngọc Long nhìn từ công viên Hắc Long Đàm (Ảnh – Eva liang)

[Tiếng Anh: Black Dragon Pool] Trước kia nơi đây được gọi là miếu Long Vương, xây dựng năm 1737, năm Càn Long thứ 2. Công viên nằm ở phía Bắc của cổ thành, đi bộ khoảng 1km từ quảng trường Ngọc Hà men theo sông bạn sẽ tới được đây, nếu đã mua vé bảo tồn phố cổ bạn sẽ không mất phí khi vào công viên.

Trong công viên có một số công trình kiến trúc từ thời nhà Thanh như: Long Thần Từ (龙神祠), Đắc Nguyệt Lâu (得月楼), Cầu Tỏa Thúy (锁翠桥), Ngọc Hoàng Các (玉皇阁), Ngũ Phong Lâu (五凤楼). Công viên này nổi tiếng nhất là cảnh núi tuyết Ngọc Long đổ bóng xuống hồ.

Phía bắc của công viên là Bảo tàng Văn hóa Đông Ba Lệ Giang được xây dựng năm 1984, đây là nơi nghiên cứu và lưu trữ các hiện vật của văn hóa Đông Ba.

Thúc Hà cổ trấn (束河古镇)

Cổng vào Thúc Hà (Ảnh – cungphuot.info)

Thúc Hà nhỏ và cảm giác yên bình hơn Đại Nghiên (Ảnh – cungphuot.info)

[Tiếng Anh: Shuhe Ancient Town] Cách trung tâm Lệ Giang khoảng 5km, đây là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất của người Nạp Tây và được hình thành do nhu cầu buôn bán trao đổi trên tuyến đường trà mã cổ đạo.

Đây dường như là chỗ trung tâm của Thúc Hà (Ảnh – cungphuot.info)

Người Nạp Tây vốn lấy làm nông là công việc chính, kể từ sau khi các mã bang mang trà từ trung nguyên tiến xuống khu vực sinh sống của người Tạng đổi ngựa đi ngang qua vùng nay mới dần hình thành một nơi tụ tập buôn bán, trao đổi, dần dần biến thành chợ rồi sau đó thành trấn. Thúc Hà cổ trấn là bằng chứng sống của sự chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang thương nghiệp của người Nạp Tây

Dòng sông Thanh Long chảy xuyên qua giữa cụm kiến trúc nhà ở tại Thúc Hà này, cầu Thanh Long xây vào thời nhà Nguyên (1368 –1644) bắc qua sông, cầu đá Thanh Long là cây cầu lớn nhất trong địa phận Lệ Giang.

Bạch Sa cổ trấn (白沙古镇)

Làng Bạch Sa nhỏ và chỉ mất khoảng 15′ để khám phá (Ảnh – Joshua Chai)

[Tiếng Anh: Baisha Village] Đây là cố đô của người Nạp Tây (Naxi), nơi phát nguyên của họ nhà Mộc. Gia tộc họ Mộc phát triển và tiến tới trở thành thủ lĩnh của người Nạp Tây chính từ nơi đây trước khi chuyển về Đại Nghiên cổ trấn. Bạch Sa từng là trung tâm hành chính, văn hóa và kinh tế của người Nạp Tây.

Ngọc Long Tuyết Sơn (玉龙雪山)

Nếu đi vào mùa không lạnh lắm các bạn nên hỏi trước khách sạn hoặc người dân về việc có tuyết không để quyết định có nên đi tới đây không (Ảnh – Regina Yi)

[Tiếng Anh: Yulong Snow Moutain] Núi tuyết Ngọc Long là một khối núi gần Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Đỉnh cao nhất của nó được đặt tên Phiến Tử Đẩu (扇子陡, Shanzidou) cao 5.596 m. Bên kia núi là vực Hổ Khiêu nổi tiếng thách thức các nhà leo núi. Toàn bộ hệ thống núi này có tất cả 13 đỉnh núi cao trên 5000m quanh năm tuyết phủ. 13 ngọn núi này trông giống một con rồng ngọc trên núi nên gọi là “Ngọc Long”. Đây là ngọn núi thứ 71 trong những ngọn núi cao nhất thế giới.

Mùa tuyết rơi trên núi Ngọc Long (Ảnh – Edwin陳)

Vé vào cửa núi tuyết Ngọc Long có giá 130 RMB, được thiết kế như 1 tấm postcard (Ảnh – cungphuot.info

Từ trung tâm của Lệ Giang các bạn có thể thuê xe đi Ngọc Long với giá khứ hồi là 200 – 250RMB tùy khả năng mặc cả, xe này là một dạng mini bus chứa được khoảng 7 người nên nếu đi theo nhóm thì nên thuê xe riêng. Một số thông tin khác là có thể bắt xe bus số 7 nhưng có vẻ như là không có tuyến xe bus này mà chính là những xe minibus của người dân.

Tổng chi phí vào Ngọc Long là 330 RMB chưa bao gồm tiền xe đi từ Lệ Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Nơi bán vé cáp treo Ngọc Long nằm ngay trên đường đi, cách núi Ngọc Long khoảng 15km nên các bạn cần chú ý mua vé trước, tại đây cần có hộ chiếu để mua vé cáp treo. Nếu chỉ đi lên chặng cao nhất 4506m các bạn chỉ cần mua 2 loại vé như trong hình ảnh, nếu không rành tiếng Trung các bạn mang theo chính bức hình này đến quầy mua vé để mô tả cho dễ.

Ấn tượng Lệ Giang (丽江印象)

Sân khấu trình diễn Ấn tượng Lệ Giang chính là núi Ngọc Long (Ảnh – Joy Sun)

(Tiếng Anh: Impression Lijiang) Đây là màn trình diễn hoành tráng với sự tham gia của 500 vũ công và 200 ngựa giữa sân khấu đá dựng ngoài trời ở độ cao hơn 3000m so với mực nước biển, lấy phông nền trực tiếp chính là đỉnh núi tuyết Ngọc Long, tái hiện lại cuộc sống cũng như những nét lịch sử văn hóa độc đáo của người Lệ Giang. Đạo diễn của ‘Impression Lijiang’ là Trương Nghệ Mưu, cha đẻ của rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc.

Ấn tượng Lệ Giang có giá vé vào khoảng 200 RMB, trình diễn 2 lần mỗi ngày. Nội dung toàn bộ bằng tiếng Trung nhưng cũng sẽ có phụ đề Tiếng Anh cho du khách.

Thung lũng Lam Nguyệt (蓝月谷)

Thung lũng Lam Nguyệt (Ảnh – 毛 磊)

[Tiếng Anh: Blue Moon Valley] Nằm trong khu thắng cảnh của Ngọc Long Tuyết Sơn ngay dưới chân núi Ngọc Long. Thung lũng có tên là Lam Nguyệt bởi vì ngày nắng nước màu xanh (do trong nước có đồng, không uống được. Trời mưa to thì nước hồ sẽ mất màu xanh, chuyển thành màu trắng do dưới đáy hồ có nhiều cát trắng) và khi nhìn từ trên cao xuống thì toàn bộ thung lũng có hình giống trăng khuyết. Do địa hình từ cao xuống thấp nên dòng chảy được chia làm 4 hồ Ngọc Dịch (玉液”湖), Kính Đàm (镜潭”湖), Lam Nguyệt (蓝月”湖)Thính Đào (听涛”湖).

Treo chuông gió ở Lệ Giang

Ngay góc quảng trường Ngọc Hà bạn có thể treo những chiếc chuông gió bằng gỗ như này (Ảnh – cungphuot.info)

Người Lệ Giang có tục lệ treo chuông gió cầu điều ước. Đó là những chiếc chuông đồng nhỏ xíu đính kèm một miếng gỗ. Người ta có thể mua nó trong bất kỳ quầy hàng lưu niệm nào ở phố cổ hoặc tại các điểm du lịch rồi viết điều ước lên miếng gỗ và treo lên, không phải treo ở cửa sổ trong nhà bạn mà treo lại Lệ Giang.

Treo chuông gió ở Thúc Hà cổ trấn (Ảnh – cungphuot.info

Có rất nhiều điểm để du khách treo chuông gió, quảng trường Ngọc Hà, Thúc Hà cổ thành hoặc trên đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn, người ta dựng một hành lang giàn gỗ, trên đó đã treo sẵn hàng nghìn chiếc chuông của những du khách từng ghé qua nơi đây. Chuông đung đưa trong gió lạnh, đưa đẩy triệu triệu điều ước về tình yêu bất diệt và hạnh ngộ trùng phùng lên tận đỉnh núi vươn chạm trời cao.

Kinh nghiệm du lịch Shangrila 

Toàn cảnh Shangrila từ trên cao (Ảnh – 彪 赵)

Shangrila (香格里拉县 – Xiānggélǐlā Xiàn) là một huyện thuộc châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh (迪庆 Díqìng) với tên ban đầu là Trung Điện (中甸县 Zhōngdiàn Xiàn). Shangrila (tiếng Tạng có nghĩa là Nhật Nguyệt ở trong lòng) vốn là một địa điểm xuất hiện trong một tiểu thuyết do James Hilton viết năm 1933 có tên Chân trời quên lãng (Lost Horizon). Năm 1996 người ta bắt đầu tiến hành tìm kiếm nơi này và cho đến năm 1997 chính quyền tỉnh Vân Nam chính thức tuyên bố đã tìm được Shangrila nằm ở châu tự trị Địch Khánh.  Đến năm 2001, do lượng khách du lịch tìm đến với địa điểm này càng ngày càng nhiều, chính quyền nơi đây quyết định đổi tên huyện thành Shangrila và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn thiên nhiên để biến nơi đây thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Vân Nam.

Bến xe khách tại Shangrila (Ảnh – cungphuot.info)

Bến xe khách tại Shangrila là nơi bạn có thể mua vé của tất cả các chặng đi từ Côn Minh, Lệ Giang, công viên Potatso, núi Thạch Ca… Từ khu cổ trấn của Shangrila đi taxi ra đây mất khoảng 10 RMB.

Đi từ Lệ Giang đến Shangrila

Bến xe Lệ Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Lệ Giang các bạn có thể mua vé xe bus đi Shangrila tại bến xe Lệ Giang, giá vé là 63 RMB và thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng, cứ mỗi nửa tiếng sẽ có xe đi tại đây. Khi ở Lệ Giang, các bạn có thể nhờ bên khách sạn mua giúp vé với giá chênh lệch 10 RMB.

Nếu không mua vé trước bạn có thể ra trực tiếp bến xe rồi mua vé trước giờ đi cũng được (Ảnh – cungphuot.info)

Khe Hổ Nhảy (虎跳峡)

Khu vực sông Dương Tử chảy qua phía dưới khe Hổ Nhảy (Ảnh – ekzhu)

[Tiếng AnhTiger Leaping Gorge] Hổ Khiêu Hiệp (Hẻm núi Hổ Nhảy) là một hẻm núi mà đoạn sông Dương Tử chảy qua; tại đó tên gọi địa phương của con sông này là Kim Sa giang (金沙江; Jīnshā Jiāng) – nằm cách Lệ Giang 90 km về phía Bắc trên đường đi Shangrila.

Với chiều dài 15 km, hẻm núi này nằm trong khu vực mà con sông chảy qua các khối núi như Ngọc Long Tuyết Sơn ở phía đông và Cáp Ba Tuyết Sơn (哈巴雪山; Hābā Xǔeshān) cao 5.396 m ở phía tây qua một loạt các thác ghềnh dưới các vách đá dốc đứng cao 2.000 m. Tương truyền rằng để trốn khỏi một tay thợ săn, một con hổ đã nhảy qua con sông tại điểm hẹp nhất (rộng 25 m), do đó người ta gọi đây là hẻm núi Hổ Nhảy.

Con đường trek khe Hổ Nhảy (Ảnh – dominique)

Thường thì nếu không có thời gian trên đường đi Shangrila các bạn có thể dừng ở đây vào vào chụp ảnh nơi này, nếu sắp xếp được đây sẽ là một cung đường trekking khá tuyệt vời (khoảng 8km cả chặng), trên núi có nhiều nhà nghỉ có thể nghỉ lại qua đêm.

Phố cổ Shangrila (独克宗古城)

Phố cổ Shangrila trước khi bị cháy (Ảnh – steel_jonas)

[Tiếng Anh: Shangri-La Old Town hoặc Dukezong Ancient Town] Có tên gọi là Cổ Thành Ánh Trăng, đây là một trấn có tuổi đời và lịch sử hơn 1300 năm, là một trong những nơi tập trung sinh sống của người Tạng từ lâu đời được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Thị trấn này cũng là mắt xích quan trọng trên tuyến đường Trà Mã cổ đạo. Châu tự trị Địch Khánh nằm ở vùng tiếp giáp giữa 3 tỉnh là Vân Nam, Tứ Xuyên và Khu tự trị Tây Tạng nên có nền văn hóa khá đa dạng với người Tạng chiếm 80%. Đáng tiếc là trấn cổ đã bị phá hủy nghiêm trọng bởi một vụ hỏa hoạn diễn ra trong suốt hơn 10 tiếng đồng hồ năm 2014, phần lớn các ngôi nhà cổ và rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật bị thiêu rụi.

Đại Phật Tự trong công viên Quy Sơn (Ảnh – zhouyousifang)

Quảng trường trung tâm của cổ trấn là quảng trường Ánh Trăng, phía Bắc của quảng trường là công viên Quy Sơn (龟山公园 – Guishan Park), trong công viên có Đại Phật Tự được xây vào thời Khang Hy, nơi đây cũng có chuyển pháp luân lớn nhất thế giới.

Thạch Ca Tuyết Sơn (石卡雪山)

Tuyết trên đỉnh núi Thạch Ca (Ảnh – DuoDuo Cheung)

[Tiếng Anh: Shika Snow Mountain] Đây là một ngọn núi nằm ở phía Nam của Shangrila, cách trung tâm thị trấn khoảng 8km. Đối với người Tạng ở đây, Thạch Ca được coi là một ngọn núi linh thiêng. Bạn có thể tới đây để xem núi tuyết trên đỉnh núi có độ cao 4450m, tất nhiên là bằng cáp treo. Ngoài ra, trong quần thể núi Thạch Ca còn có rừng nguyên sinh, hồ nước, các thảo nguyên để bạn có thể vừa dạo bước ngắm cảnh, vừa tham quan lối sống chăn nuôi du mục của người Tạng.

Toàn bộ Thạch Ca có diện tích khoảng 65km2, sự chênh lệch lớn về độ cao cũng như diện tích rộng lớn mang lại cho Thạch Ca hệ động thực vật đa dạng và phong phú

Cáp treo lên núi Thạch Ca (Ảnh – SuperJUN)

Từ bến xe trung tâm Shangrila, các bạn có thể bắt xe buýt số 9 và đi tới bến cuối cùng. Xe buýt chạy liên tục từ 7h30 đến 17h00 và có giá vé là 3 RMB. Nếu đi nhóm khoảng 2-4 người, các bạn có thể thuê taxi với giá 30 RMB. Giá vé vào cửa của Thạch Ca là 270 RMB bao gồm cả cáp treo khứ hồi.

Bạch Thủy Đài (白水台)

Bạch Thủy Đài còn được gọi là ruộng bậc thang trắng (Ảnh – Pete Robbins)

[Tiếng Anh: Baishui River hoặc White Water Terrace] Cách Shangrila khoảng 100km, dây là nơi khởi nguồn của văn hóa Đông Ba (chính là văn hóa của người Nạp Tây). Bạch Thủy Đài từ xa nhìn như những thửa ruộng bậc thang màu trắng, nguyên nhân là do trong nước suối ở đây có Calcium Bicarbonate, khi nước bốc hơi chỉ còn lại chất này.

Bạn có thể mua vé xe đi Bạch Thủy Đài từ bến xe trung tâm của Shangrila với giá 30 RMB, thời gian đi khoảng 3 tiếng. Xe xuất bến lúc 9h00, tới Bạch Thủy Đài lúc 12h00 và từ đây trở lại Shangrila lúc 14h00. Khoảng thời gian 2 tiếng là đủ để các bạn tham quan nơi đây.

Công viên Potatso (普达措国家公园)

Potatso là một trong những địa điểm rất xứng đáng đi ở Shangrila (Ảnh – 形而上美)

Tuy nhiên, vé vào cửa của Potatso hơi đắt, tổng 258 RMB cho cả vé và bus tour (Ảnh – cungphuot.info)

[Tiếng Anh: Pudacuo National Park] Gọi là công viên cho dễ hình dung chứ thực ra Potatso là một khu bảo tồn thiên nhiên vô cùng rộng lớn và chỉ với 3% diện tích mở cho khách du lịch tham quan cũng đã đủ khiến bạn mệt lừ. Đây cũng là một điểm có vé đắt nhất trong hành trình Lệ Giang với giá vào cửa bao gồm xe buýt là 258 RMB. Qua cửa soát vé, bạn sẽ lên xe buýt đợi sẵn ở cửa để đưa vào sâu trong khu bảo tồn, với mỗi xe đều có 1 hướng dẫn viên đi kèm theo xe để giới thiệu (mỗi tội không có Tiếng Anh nên nếu không biết chút tiếng Trung nào thì chắc chỉ có ngồi ngắm cảnh).

Một góc hồ Shudu (Ảnh – 水玩水漣)

Sau khoảng 20 phút thì xe buýt sẽ đưa bạn tới chặng đầu tiên là hồ Thuộc Đô (属都湖 – Shudu Lake), ở đây bạn có thể lựa chọn phương án xuống đi bộ ven theo con đường gỗ bên hồ hoặc ngồi tiếp tục trên xe buýt để được đưa tới cuối chặng này, các bạn chú ý là nếu đã xuống đi bộ thì sẽ phải đi hết chặng (gần 4km) mới tới được điểm xe buýt tiếp theo.

Hồ Shudu rộng 120 ha, nằm ở độ cao hơn 3300m trên mực nước biển, cách cổng chính của công viên Potatso khoảng 13 km. Cái tên Shudu có nghĩa là hồ nước nằm bên cạnh quả đồi. Trong tiếng Tạng, “Shu” có nghĩa là “bơ” và “du” nghĩa là “đá”, Shudu dịch nghĩa ra là nơi “bơ cứng như đá”.

Hồ Shudu nổi tiếng với cá “nứt bụng” – một loại cá toàn thân vàng rực và dưới bụng có một vết nứt, thường được ví với hóa thạch sống của hồ. Nước hồ Shudu rất trong nên du khách có thể dễ dàng nhìn thấy loại cá này bơi tung tăng sát mép nước. Vào mùa hè, từ tháng 5 đến cuối tháng 10, đồng cỏ quanh hồ Shudu là nơi chăn thả bò Yak chủ yếu của người Tạng. Vì vậy, nếu bạn yêu thích thiên nhiên thì nên ghé thăm hồ Shudu vào mùa chăn thả để được tận mắt nhìn thấy những đàn bò Yak lông dài, những đàn ngựa và dê thong thả gặm cỏ trên thảo nguyên bát ngát, mênh mông cũng như có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống thực sự của những người dân tộc Tạng nơi đây.

Khu đồng cỏ Militang (Ảnh – cungphuot.info)

Chặng tiếp theo xe buýt sẽ đưa bạn tới khu đồng cỏ Di Lí Đường (弥里塘 – Militang) trong tiếng Tạng có nghĩa là Mắt Phật, đoạn này thì tất cả các xe buýt đều chỉ dừng khoảng 15′ cho khách chụp ảnh hoặc vệ sinh cá nhân rồi lại tiếp tục đến điểm cuối cùng là hồ Bích Tháp

Con đường gỗ đi bộ ven hồ Bích Tháp (Ảnh – iamzxb1984)

Chặng cuối cùng, xe buýt sẽ đưa bạn tới hồ Bích Tháp (碧塔海 – Bita Lake). Chặng này dài nhất và cũng thuộc dạng đẹp nhất trong khu công viên, quãng đường đi bộ khoảng hơn 6km trên một con đường gỗ chạy dọc ven hồ, dưới các tán cây ngay trong rừng. Nếu không đủ sức khỏe, các bạn có thể đi thuyền (với giá 50 RMB) để giảm bớt khoảng 3/4 quãng đường.

Những con đường gỗ chạy dọc khu bảo tồn Potatso (Ảnh – Ashley Yap)

Xuyên qua những cánh đồng, chạy ngay sát bên khu rừng nguyên sinh (Ảnh – cungphuot.info)

Tu viện Songzanlin (松赞林寺)

Tu viện Songzalin, bản sao của cung điện Potala ở Tây Tạng (Ảnh – jjenilune)

[Tiếng Anh: Ganden Sumtseling Monastery] Đây là ngôi đền lớn của phật giáo dòng mật tông Tây Tạng nằm trên một ngọn đồi cao, thuộc dòng tu của các Lạt Ma. Tu viện Songzanlin  được xây dựng năm 1679 thời nhà Thanh (Khang Hy) theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala – Lhasa Tây Tạng, ngự ở độ cao 3200m. Tu viện Songzanlin nổi bật với những mái nhọn dát vàng rực rỡ. Đây là tu viện Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất ở Vân Nam, nơi tập trung những nét văn hóa tiêu biểu của người Tạng.

Các hoa văn trên trần nhà (Ảnh – cungphuot.info)

Họa tiết trang trí trên cửa (Ảnh – cungphuot.info)

Bên ngoài một ngôi điện (Ảnh – cungphuot.info)

Chuyển pháp luân ở tu viện Songzalin (Ảnh – cungphuot.info)

Những họa tiết xuất hiện ngay từ cổng (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một trong 13 tu viện lớn nhất trong dòng Mũ vàng (Gelugpa). Trong một tòa điện còn có bức tượng vị tổ sư khai sáng tu viện này cao 16m. Vào thời điểm cực thịnh, tu viện đón nhận tới hơn 1400 sư và 9 Tulkous (những người đã đạt tới cảnh giới của Đạo Phật). Gần 800 nhà sư tu trọn đời ở đây trong một ngôi làng nằm cheo leo ngay bên cạnh tu viện.

Những họa tiết với nhiều màu sắc bắt mắt (Ảnh – cungphuot.info)

Năm 1959, trong cuộc xâm chiếm Tây Tạng của mình, quân đội Trung Quốc đã ném bom tu viện này tuy nhiên đến năm 1981 tu viện đã được khôi phục gần như nguyên vẹn.

Ăn gì ở Shangrila

Bạn có thể đặt quán làm các món ăn như yêu cầu (Ảnh – cungphuot.info)

Ẩm thực và các món ăn ở Shangrila khá giống ở Lệ Giang, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn mà bạn đã thưởng thức ở Lệ Giang tại đây. Tuy nhiên, nếu biết Tiếng Trung (nhất định phải biết bởi quán này không có người nói Tiếng Anh, chỉ phục vụ dân địa phương) và muốn ăn cơm theo thói quen như ở Việt Nam, các bạn có thể vào quán ăn như ảnh dưới đây. Quán này ngay gần Kevin Trekker Inn (nếu các bạn ở đây) và không xa lắm so với khu phố cổ Shangrila

Tên quán và vị trí trương đối của quán trên bản đồ, chỗ Guishan Park chính là khu phố cổ của Shangrila (Ảnh – cungphuot.info)

Món sữa rất chua ở Lệ Giang, phải trộn với đường mới ăn được (Ảnh – cungphuot.info)

Trong phố cổ ở Shangrila có cái món sữa chua (thường thấy bán ở mấy hàng hoa quả) này các bạn cũng có thể thử, giống sữa chua tự làm kiểu Việt Nam nhưng rất rất chua, khi ăn phải trộn thêm đường mới ăn được.

Khách sạn nhà nghỉ tại Shangrila

Phòng nghỉ tại Kevin’s Trekker làm bằng gỗ, đơn giản, có đệm sưởi (Ảnh – cungphuot.info)

Không gian sân vườn rất nhiều hoa (Ảnh – cungphuot.info)

Đến Shangrila thực ra hầu như thời gian các bạn sẽ dành để khám phá những địa điểm du lịch ở đấy, mỗi điểm cũng mất đến cả ngày để đi nên tiêu chí chọn khách sạn nên ưu tiên phương án rẻ. Mình đọc theo lời khuyên của các bạn bên Trung Quốc nên ở khách sạn Kevin’s Trekker, chỗ này trước đây do một bạn người nước ngoài đến mở, hiện nay thuộc quản lý và vận hành bởi 2 vợ chồng người Trung Quốc. Khách sạn khá xinh xắn, 2 bạn chủ rất nhiệt tình sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin về các địa điểm cần đến, gọi và thuê xe giúp các bạn, có thể nấu đồ ăn sáng luôn nếu các bạn lười đi tìm. Giá phòng đôi ở đây vào khoảng 130RMB. Các bạn có thể xem thêm các hình ảnh và giá phòng của Kevin’s Trekker Inn tại thời điểm mình đi ở đây.

Xem thêm: Khách sạn tốt ở Shangrila (Cập nhật 3/2024)

Kinh nghiệm đi hồ Lugu

Hồ Lugu (Ảnh – liuqiqi)

Hồ Lugu (泸沽湖 – Lugu Lake) cách Lệ Giang khoảng hơn 200km nằm trên cao nguyên Minh Châu, ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên. Vì cách khá xa Lệ Giang và nằm ở một hướng khác so với vùng đất Shangrila nên nếu muốn đi cả 2 nơi này bạn cần dành ít nhất 4-5 ngày, nếu không có đủ thời gian bạn buộc phải lựa chọn 1 trong 2 địa điểm này.

Hồ Lugu là một trong những hồ nước đẹp nhất miền Tây Nam Trung Quốc với những đỉnh núi quanh năm chìm đắm trong mây ngàn, bao quanh hồ là những cánh rừng bạt ngàn với hệ sinh thái phong phú. Quanh hồ có khoảng 15000 người  Mouso sinh sống, nữ giới chiếm khoàng 2/3 dân số.

Đây là nơi duy nhất ở Trung Quốc (và chắc cũng là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới) duy trì phong tục Mẫu hệ, người phụ nữ trong gia đình là người quyết định tất cả các vấn đề trọng đại, sở hữu đất đai cũng như có toàn quyền trong việc nuôi dạy con trẻ.

Bản đồ các điểm ở Lugu (Ảnh – Kura)

Phụ nữ Mouso có quyền ngủ với nhiều người đàn ông và thay đổi người tình cho đến khi nào họ cảm thấy chán, người Mosuo không có tục cưới gả mà vẫn duy trì phong tục “tẩu hôn”, tức là người nam đêm đêm sẽ cưỡi ngựa sang nhà cô gái ưng ý, họ ở bên nhau suốt đêm nhưng người con trai sẽ phải trở về nhà trước khi trời sáng. Nếu cô gái có thai, mối quan hệ sẽ được nâng thêm mức gắn bó bằng việc chàng trai được phép đến thăm con nhưng không được phép đưa về nhà mình. Cùng với mẹ, đứa bé sẽ sống ở nhà gái suốt đời mà không làm dâu hay rể cho bất cứ nhà nào. Không có người đàn ông nào được phép trở thành cha của đứa bé, những người chú bên nhà mẹ sẽ thay thế người cha dạy dỗ đứa trẻ. Đây có lẽ cũng là lý do mà khách du lịch được căn dặn không được ôm bất cứ đứa trẻ nào cũng như không được hỏi về cha của 1 đứa trẻ.

Ăn gì khi đến Lệ Giang

Bữa cơm với thịt nướng kiểu Nạp Tây, 2 món rau, đậu Tứ Xuyên, canh trứng và cơm có giá khoảng 100RMB (Ảnh – cungphuot.info)

Là vùng đất khá gần Tứ Xuyên, các món ăn ở Lệ Giang có vẻ mang xu hướng ẩm thực của vùng này với gia vị đặc trưng là cay và khá đậm mùi, bạn nào kén ăn sẽ chắc mất chút thời gian để làm quen hoặc sẽ không thể làm quen. Nếu không quen ăn những món dưới đây, bạn nên vào các quán ăn và đặt nấu 1 số món quen thuộc cho cả đoàn để dễ ăn, chi phí cũng rẻ hơn so với ăn mấy món linh tinh kiểu kia.

Bọn mình hay ăn ở quán này, gần nhà nghỉ Garden Inn luôn (Ảnh – cungphuot.info)

Bánh quẩy và sữa đậu nành

Bánh quẩy và sữa đậu nành có thể thấy khắp nơi vào các buổi sáng ở Lệ Giang (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một món ăn sáng khá dễ thấy ở Lệ Giang, hầu như hàng quán bán đồ ăn nào vào buổi sáng cũng có. Quẩy ở đây dài và mang vị hơi ngậy do nhiều dầu mỡ, sữa đậu nành thơm và ngon, có thể pha thêm chút đường để có vị ngọt.

Trứng luộc nước trà

Trứng luộc nước trà (Ảnh – cungphuot.info)

Món ăn sáng phổ biến thứ nhì trong những ngày ở Lệ Giang, trứng được luộc cùng với nước trà, khi ăn có vị hơi mặn cũng như có hương thơm của trà.

Bánh bao

Bánh bao được nặn và hấp tại chỗ (Ảnh – cungphuot.info)

Một loại bánh làm bằng bột mỳ có nhân và được làm chín bằng cách hấp. Nhân bánh bao được làm bằng thịt và/hoặc rau. Bánh bao thường được dùng bất cứ bữa ăn nào trong ngày và thường được người Trung Quốc dùng làm món ăn bữa sáng. Ở Lệ Giang (có lẽ cả ở các vùng khác nữa) bánh bao thường được làm ngay tại chỗ và đặt trong các khay nhỏ.

Bún qua cầu (过桥米线 – Guo Qiao Mi Xian)

Bún qua cầu (Ảnh – cungphuot.info)

Bún qua cầu là một món ăn đặc sản mang đậm nét văn hóa của tỉnh Vân Nam. Đây là món ăn đặc trưng của người Hán ở vùng Điền Nam (Điền là tên gọi của Vân Nam) thuộc về khu vực ẩm thực Điền hệ (một trong các vùng ẩm thực nổi tiếng của Trung Quốc). Món bún qua cầu có lịch sử hơn 100 năm, bắt nguồn từ huyện Mông Tự tỉnh Vân Nam.

Tương truyền là có cô gái kia lấy một anh thư sinh, anh này chăm chỉ học hành, ngày ngày cô mang thức ăn đến cho chồng thì đều nguội hết cả rồi, vì chồng học trên một hòn đảo phải đi khá xa, cô này về mới suy nghĩ, nghĩ ra món bún qua cầu, bún trụng sẵn ở nhà, nấu canh gà suông thật nóng, đổ lên một lớp mỡ, đồ ăn kèm để riêng, đến nơi mới đổ vào, thế là vừa nóng vừa ngon.

Món này thường bao gồm 1 tô nước dùng rất nóng (thường là cái loại bát bằng gốm giữ nhiệt) và rất nhiều các loại nguyên liệu ăn kèm bên ngoài như: thịt, trứng, rau, bún, cá hồi… Sau khi quán mang ra các bạn lần lượt đổ các nguyên liệu tươi sống vào trước rồi sau đó mới cho bún, đợi 1 lúc cho tất cả mọi thứ chín rồi trộn đều lên ăn. Món này ngon và là một trong những món khá dễ ăn ở Lệ Giang.

Lẩu sườn phơi khô (腊排骨火锅)

Giá lẩu ở bên này chỉ gồm nồi nước dùng và thịt, các loại rau gọi bao nhiêu tính thêm tiền bấy nhiêu (Ảnh – cungphuot.info)

Sườn phơi khô (Ảnh – cungphuot.info)

Các loại rau và đồ nhúng khác để ăn lẩu (Ảnh – cungphuot.info)

Sườn được ướp muối sau đó hong khô rồi treo trên tường, do ướp muối nên có thể bảo quản rất lâu. Cái sườn hong khô này giống kiểu thịt gác bếp ở Việt Nam ấy. Lẩu ăn kèm với các loại rau và nấm, trong đó có Thủy Tính Tương Hoa một loại rau chỉ mọc trong hồ Lô Cô.

Lẩu bò Yak (丽江的牦牛火锅)

Thịt bò Yak mềm và rất thơm ngon (Ảnh – yatri0105)

Bò Yak là loài bò Tây Tạng đặc trưng sống khu vực miền núi Himalaya ở miền nam Trung Á, bao gồm cao nguyên Thanh – Tạng và xa về phía bắc tới tận Mông Cổ . Loài bò này có thể sống tới 20 năm , to lớn , con đực có thể cao tới 2m và con cái cao tới 1,6m  và có bộ lông dày để chống rét

Vì loài bò Tây Tạng hiếm , chỉ sống trên vùng núi cao nên thịt rất sạch, mềm, thơm ngon, có vị đặc trưng riêng mà không ở nơi đâu có được. Thịt bò Yak , được bán phổ biến ở Lệ Giang và Shangrila và có thể được chế biến theo nhiều cách : ninh, làm khô, ướp gia vị rồi nhúng lẩu ăn.

Bánh baba (丽江粑粑)

Bánh Baba (Ảnh – 李建)

Bánh này là món ăn của người Nạp Tây được làm từ bột mì đặc sản của Lệ Giang, nhân bánh có thể cho đường mật ong hoặc xúc xích.

Bánh hoa (鲜花饼)

Bánh có nhân được làm chủ yếu từ cánh hoa hồng (Ảnh – cungphuot.info)

[Tiếng Anh: Flower Cake] Đây là một loại bánh truyền thống của Vân Nam, bánh được làm từ bột mỳ và cánh hoa hồng.

Lịch sử ghi lại, bánh hoa được một đầu bếp làm ra từ hơn 300 năm trước (thời nhà Thanh). Loại bánh này khi ăn có vị ngọt nhưng lại không ngấy và do chỉ sử dụng cánh hoa hồng để làm nhân nên khá quý. Sau này, khi dần trở nên phổ biến, bánh hoa được sử dụng để làm cống vật và trở thành một trong những món ăn phổ biến của vua.

Bánh hoa được đóng trong hộp rất xinh (Ảnh – cungphuot.info)

Ở Lệ Giang, bánh hoa được đóng thành hộp 10 chiếc, giá bình quân từ 20-30 RMB cho một hộp. Chất lượng bánh không phải hàng nào cũng giống nhau nên các bạn cần thử trước. Hộp bánh được làm khá đẹp, phù hợp cho việc làm quà tặng.

Lịch trình đi du lịch Lệ Giang

Ngày 0: 9h30 tối lên tàu Hà Nội – Nam Ninh
Ngày 1: Khoảng 9h sáng tới Nam Ninh, mua vé tàu đi Côn Minh. Sớm nhất buổi sáng có chuyến tàu lúc 10h. Khoảng 22h tới Côn Minh. Tiếp tục lên tàu đi Lệ Giang lúc 23h
Ngày 2: 9h sáng tới Lệ Giang. Về khách sạn cất đồ (nếu chưa được nhận phòng thì gửi đồ tại đó rồi đi khám phá cổ trấn).
– Tham quan cổ trấn, trưa có thể quay về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi ăn trưa hoặc đi xuyên luôn qua trưa
– Chiều đi tham quan Mộc Phủ, lên Vạn Cổ Lầu ngắm toàn cảnh Lệ Giang
– Tối có thể ra lại khu phố cổ để vui chơi, bar và các quán cafe buổi tối ở đây đều có nhạc sống và rất sôi động
Ngày 3: Tiếp tục ở Lệ Giang chơi loanh quanh, khám phá Thúc Hà, Bạch Sa…
Ngày 4: Thuê xe đi Ngọc Long Tuyết Sơn, chỗ này đi gần như cũng mất đứt 1 ngày rồi.
Ngày 5: Bắt xe bus đi Shangrila, thời gian đi khoảng 4 tiếng. Xe chạy liên tục, nếu đi sớm 1 chút thì khoảng đầu giờ chiều bạn ở Shangrila rồi
– Sau khi nhận phòng khách sạn thì có thể loanh quanh đi chơi trong khu phố cổ, lên thăm cái chùa có cái chuyển luân hồi to nhất thế giới.
Ngày 6: Thuê xe đi tu viện Songzalin và Công viên Potaso. Xuất phát sớm từ lúc khoảng 8h, các bạn chơi ở tu viện khoảng 2 tiếng rồi đi Potaso, chỗ này rộng nên đi hết cũng phải tầm chiều tối mới quay lại được về khách sạn
Ngày 7: Nếu có thời gian thì đi Thạch Ca Tuyết Sơn và Baishuitai, không có thì bỏ qua ngày này để trở về
Ngày 8: Bắt xe bus từ Shangrila về thẳng Côn Minh, có xe chạy đường cao tốc nên thời gian sẽ nhanh hơn là quay ngược về Lệ Giang rồi đi tàu.
Ngày 9: Từ Côn Minh lúc này có 2 phương án để về, tiếp tục quay lại chặng Nam Ninh – Hà Nội hoặc bắt xe từ Côn Minh về Hà Khẩu sau đó về Hà Nội theo đường Lào Cai.

Chi phí đi du lịch Lệ Giang

Thông tin đang cập nhật

Một số lưu ý khi đi Lệ Giang, Shangrila

Một vài thông tin hữu ích mà các bạn có thể quan tâm và áp dụng khi đi du lịch Lệ Giang, Shangrila. Những thông tin này

Làm visa Trung Quốc

Nếu chỉ đi 1 chuyến các bạn chỉ cần làm loại visa 3 tháng 1 lần (được sử dụng để vào Trung Quốc 1 lần, tối đa 15 ngày trong vòng 3 tháng kể từ ngày cấp) có giá 60$. Nếu tự làm, các bạn có thể vào website của Đại sứ quán Trung Quốc để tải mẫu đơn về và tự khai rồi sau đó đi nộp, nếu muốn tiết kiệm thời gian các bạn có thể đi qua mấy công ty du lịch chuyên nhận làm visa với chi phí trong khoảng từ 65-70$.

Truy cập internet ở Trung Quốc

Mạng lưới kiểm duyệt internet ở Trung Quốc vốn nổi tiếng và chặn hầu hết các dịch vụ mà các bạn vốn quen dùng ở Việt Nam như Google và Facebook. Để truy cập được vào các dịch vụ này, cách duy nhất là sử dụng VPN. Có khá nhiều dịch vụ VPN nổi tiếng nhưng ở thời điểm 8/2016 đều không thể sử dụng được, dịch vụ duy nhất mình kiểm tra và sử dụng rất tốt là FlyVPN, các bạn có thể đăng ký dùng thử (14 ngày) nếu cần sử dụng trong thời gian ở Trung Quốc.

Một mẹo nhỏ khác kể cả khi không có VPN, nếu bạn muốn tìm kiếm thông tin hãy sử dụng website Cốc Cốc, website này có những thuật toán tương tự Google nên tìm kiếm thông tin bằng tiếng Việt sẽ dễ hơn (tìm trên Baidu thì chỉ có duy nhất sử dụng tiếng Trung thôi).

Một vài lưu ý khác

  • Mang theo quần áo ấm, ưu tiên các loại áo phao siêu nhẹ vì gấp lại gọn gàng để mang theo. Nếu đi vào mùa đông thì số lượng quần áo ấm mang theo cần nhiều hơn vì Lệ Giang nằm ở độ cao khoảng hơn 2000m và Shangrila thì khoảng hơn 3000m.
  • Nên mang theo ô vì thời tiết ở Lệ Giang và Shangrila cũng thay đổi nhanh như con gái, đang nắng chuyển qua mưa liền.
  • Chuẩn bị một đôi giầy đi bộ loại ngon và êm ái vì sẽ cần di chuyển trên đôi chân khá nhiều.
  • Nhà vệ sinh công cộng và trên tàu ở Trung Quốc nhiều và tương đối sạch sẽ (có những chỗ thì y xì Việt Nam) nhưng thường không có giấy vệ sinh, luôn nhớ mang theo vài cuộn giấy trong hành lý của bạn nhé.
  • Đồ ăn Trung Quốc nhiều dầu mỡ và khá cay, bên đó (Lệ Giang) chỉ thấy dùng ớt bột nên khuyên các bạn mang theo chai tương ớt, nâng tầm món ăn lên một bậc.
  • Trên tàu Trung Quốc không bán đồ ăn (chắc phải những chặng thời gian đi vài ngày) mà chỉ bán mì tôm (tàu lúc nào cũng có nước sôi), mỳ tôm Trung Quốc cay và theo đánh giá thì không ngon bằng mỳ tôm chanh Việt Nam, các bạn chuẩn bị ít mỳ tôm chanh mang theo nhé.

 Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch lệ giang
  • du lịch lệ giang 2024
  • tháng 3 lệ giang có gì đẹp
  • review lệ giang tự túc
  • khách sạn rẻ ở lệ giang
  • du lịch lệ giang tự túc
  • du lịch lệ giang giá rẻ
  • chi phí đi lệ giang
  • chơi gì ở lệ giang
  • kinh nghiệm du lịch Shangrila
  • đi đến Lệ Giang bằng phương tiện gì
4.7/5 - (20 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Trung Quốc

TRUNG QUỐC

Quốc kỳ Trung Quốc

Trung Quốc có tên chính thức là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nằm tại Đông Á. Đây là quốc gia đông dân nhất thế giới, với số dân trên 1,405 tỷ người.

Trung Quốc là nước lớn thứ tư trên thế giới đối với du lịch đến. Số lượng khách du lịch quốc tế đã đạt mức 55 triệu trong năm 2007. Doanh thu ngoại hối đạt 41,9 tỷ đô-la Mỹ, xếp thứ năm trên thế giới trong năm 2007. Số lượt khách du lịch nội địa đạt 1,61 tỷ lượt khách, với tổng thu nhập 777,1 tỷ nhân dân tệ.

  • Thủ đô: Bắc Kinh
  • Diện tích: 9.596.961 km²
  • Dân số: 1.339.724.85 người (2010)
  • Tiền tệ: Nhân dân tệ (CNY)
  • Mã điện thoại: +86